Tinh thần khế lý và khế cơ trong Chơn lý của Tổ sư

1. Khái quát đề tài

Sau khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo dần dần trở thành một phần của đời sống người dân Việt. Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trải qua những thăng trầm, thịnh suy của đất nước. Không chỉ tại Việt Nam mà bất kể nước nào khi Phật giáo du nhập vào đều thích nghi với đời sống của dân tộc nước đó. Thế nhưng, hình ảnh Đức Phật Thích-ca và Tăng đoàn du hóa muôn phương cách đây hơn 25 thế kỷ đã phai mờ dần trong lòng nhân thế. Để tái hiện hình ảnh đó, Tổ sư Minh Đăng Quang đã sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Tăng đoàn Khất sĩ do Tổ sư hướng dẫn du hóa khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chợ Lớn – Sài Gòn… đã khắc họa lại hình ảnh của Đức Thế Tôn cùng chư đệ tử của Ngài du hành hóa độ chúng sanh.

Đặc biệt, Tổ sư đã để lại bộ Chơn lý với nội dung tư tưởng rất phong phú và đa dạng, thâm sâu diệu vợi, nhưng lại khiến người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu. Tổ sư khẳng định giáo lý Khất sĩ là con đường giác ngộ của chư Phật, vì chư Phật ba đời đều là Khất sĩ. Ngài dạy rằng: “Giáo lý Khất sĩ phải là tiếng chuông cảnh tỉnh ngân nga vang dội, gọi thức quần sanh, kêu khuyên người trí, tiếp độ kẻ hiền[1]. Ngoài ra, trong bộ Chơn lý, Tổ sư còn trình bày những vấn đề bao la hơn như vũ trụ quan, nhân sinh quan…

Hai chữ Chơn lý được Tổ sư giải nghĩa: “Chính nghĩa hai chữ chơn lý, chơn là không vọng tự nhiên, lý là lẽ, lẽ thật tự nhiên. Chơn như tự nhiên là gốc vốn nguyên xưa. Nếu ta đang rối khổ, mà hiểu được lẽ tự nhiên chơn như, là sẽ hết khổ[2]. Có thể nói, tư tưởng trong bộ Chơn lý đã chuyển tải tư tưởng Phật học một cách khế lý, khế cơ, giúp cho mọi người dễ dàng tiếp thu được nền giáo lý của Đức Phật từ ngàn xưa, đồng thời xiển dương Phật pháp ngày càng hưng thịnh.

Như chúng ta đã biết, sau khi Đức Phật nhập diệt, tất cả giáo lý Ngài đã thuyết được các vị Thánh đệ tử kết tập lại gọi là Kinh. Chữ “Kinh” tiếng Sanskrit là sūtra, tiếng Pali là sutta, Trung Hoa dịch âm là Tu-đa-la, dịch ý là khế kinh. Khế kinh có nghĩa là trên khế hợp với chơn lý của ba đời chư Phật, dưới khế hợp với căn cơ của chúng sanh, gọi tắt là “khế lý, khế cơ.” Khế cơ đóng vai trò vô cùng quan trọng, xác định rõ yếu tố khế lý kia là để phục vụ cho ai. Có khế lý mà thiếu khế cơ thì mục đích phục vụ đó không thể thành tựu được. Cho nên, tinh thần khế lý khế cơ không thể thiếu trong việc hoằng truyền Chánh pháp.

tongquan

2. Tinh thần khế lý

Khế lý nghĩa là hợp với lý chơn thật của tất cả muôn sự, muôn vật; là tánh tướng chơn thật của muôn sự, muôn vật, do Ngài tự thân tu chứng, rồi đem chỗ thân chứng ấy khai thị cho mọi loài chúng sanh đều được chứng nhập. Ấy là Phật thực hiện nguyên tắc khế lý mà diễn thuyết pháp mầu vậy.

Khi tìm hiểu về cuộc đời hành đạo của Đức Thế Tôn, suốt 45 năm thuyết pháp giáo hóa, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni di huấn: “Chớ làm các điều ác, luôn làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy[3]; “Ba đời chư Phật cho đến bậc Bích-chi, hàng Thinh Văn cũng đều dạy như thế[4]. Tổ sư Minh Đăng Quang đã kế thừa tinh thần này, Ngài dạy: “Một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành,… ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch[5]. Không làm các điều ác, tức đã giữ gìn trọn vẹn tất cả giới luật của Phật chế; giữ gìn giới luật thì đời sống trong sạch, không lỗi lầm. Luôn làm các điều lành tâm được thanh tịnh. Tự tu tập cho ý thanh tịnh, tức trừ được tà niệm điên đảo. Đó chính là lời Phật dạy cho chúng ta để trừ hết những điều si mê vọng tưởng. Tất cả kho tàng kinh điển ba đời chư Phật dạy, cũng không ngoài nội dung này. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ tư tưởng Chơn lý rất khế hợp với lời dạy của ba đời chư Phật.

Xưa kia Đức Phật đi khất thực, vua Tịnh-phạn trách Phật làm nhục dòng họ vua, Đức Phật khẳng định ba đời chư Phật đều là dòng họ Khất sĩ, đều đi khất thực hóa duyên vạn loại, cho nên hôm nay Ngài cũng thực hành như thế. Đến giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, hình ảnh Tổ sư Minh Đăng Quang khoác chiếc huỳnh y giải thoát, bình bát du phương cũng mang ý nghĩa cao cả ấy: “Trên xin giáo pháp chư Phật, dưới hóa độ nhân sanh”. Tổ sư dạy rằng: “Khất sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi, cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ ăn học. Đi xin để giáo hóa chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi, sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí tuệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la yên lặng sạch sẽ[6]. Tổ sư lặp đi lặp lại nhiều lần với từ “đi xin” nhằm nhấn mạnh ý tưởng của người Khất sĩ khác hẳn với người khất cái, đồng thời nâng cao tinh thần vị tha thoát tục. Trên xin giáo lý của chư Phật để nuôi tâm, dưới xin vật chất của chúng sanh để nuôi thân. Đi xin để dạy cho mọi người biết bố thí cúng dường gieo nhân thiện, đi khắp nơi để rộng gieo duyên với chúng sanh. Xin cũng chính là học vậy. Cái học ở đây tức học nơi chơn lý, bởi vì:

Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm.

Tất cả giáo lý là để đến với chơn như.

Tất cả sự học là để đến với chơn lý.

(Chơn lý “Học chơn lý”).

Như vậy, “Ai cũng là khất sĩ, xin học. Và đi xin ăn học chơn lý là quý báu hơn cả[7]. Công hạnh của người Khất sĩ là “xin vật chất nuôi thân, xin tinh thần để nuôi trí” chính là cách học nơi chơn lý, và tất cả sự học đều đến với chơn lý. Tổ sư luôn khuyến khích nếu ai có đủ duyên lành xuất gia tu học, sống đời Khất sĩ du phương, rày đây mai đó với tinh thần:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Dục cùng sanh tử sự

Khất hóa độ xuân thu. [8]

Dịch thơ:

Một bát cơm ngàn nhà,

Thân chơi muôn dặm xa,

Mắt xanh xem người thế,

Mây trắng hỏi đường qua.

Tổ sư dạy: “Chúng ta phải quên mình, quên giáo pháp ý riêng của mình, hãy ngó ngay Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tức là ngó ngay giới luật, ông thầy thiện lành trong sạch, hiệp hòa, bình đẳng nơi giới luật Phật, để nên đạo Phật với Tăng-già, chung cùng thế giới chư Tăng sư “ăn chay và khất thực” y nhau xưa nay như một, mới không còn tội lỗi với Phật và chúng sanh[9]; ... “Đoàn Du tăng Khất sĩ là chúng sanh chung, có ra do nhơn duyên, y theo chơn lý võ trụ, để tiến đến Niết-bàn. Là con đường đạo đức, không đứng nơi nhơn loại, cũng chẳng ở giữa thiên đường, không phải nhận riêng mình là gia đình, xã hội, thế giới, chủng loại nào. Mục đích giải thoát, chánh đẳng chánh giác, sống chung tu học cho mình và tất cả, mong đem lại Niết bàn hiện tại, hơn là cảnh nhơn loại[10]. “Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời, về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau để gương bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý, biết, linh, trong võ trụ đạo đức. Con đường của Khất sĩ là bố thí pháp học và hành, trao đổi với tài thí ở đời[11]. Có thể thấy quan điểm của Tổ sư luôn kế thừa tinh thần khế lý của Đức Thế Tôn đã giáo huấn.

Ngày nay, do tình hình xã hội, đoàn Du tăng tạm thời hạn chế hạnh du hóa, trì bình khất thực. Tuy nhiên, chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái vẫn duy trì tinh thần “sống chung tu học” của Tổ sư đã dạy bằng cách mở những khóa tu truyền thống, nhằm duy trì tinh thần sống chung tu học, trau dồi Giới Định Huệ. Nội dung tu học luôn ôn lại giới luật, hành trì giới luật một cách nghiêm mật. Trong cuộc sống thường nhật từ hành vi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm,… đều nghiêm trang chánh niệm. Đồng thời nỗ lực tu tập thiền định theo mô hình mà Tổ sư đã dạy trong Chơn lý như bài “Nhập định”, “Số tức quan”, “Thần mật”, “Lục căn” v.v…

3. Tinh thần khế cơ

Khế cơ nghĩa là hợp với cơ duyên của từng chủng loại, từng căn tánh, từng thời tiết nhơn duyên. Đức Phật tìm phương tiện thích hợp với tất cả mọi loài mà thuyết pháp, khiến cho chúng sanh đều được giác ngộ.

Chúng sanh có muôn ngàn bịnh khổ thì Đức Phật cũng có muôn ngàn loại thuốc và phương cách trị bịnh. Việc xiển dương Chánh pháp không phải chỉ giới hạn ở trong giảng đường, mà có thể thực hiện qua nhiều phương tiện khác nhau. Điều quan trọng là làm sao truyền bá giáo lý Đức Phật vào lòng nhân loại cho phù hợp với căn cơ của từng đối tượng mà vẫn giữ được tính khế lý.

Đoàn Du Tăng Khất sĩ xuất hiện trong giai đoạn tình hình chính trị đất nước chưa ổn định, những cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra liên tục, người nông dân sống trong cảnh áp bức nô lệ, đa phần trình độ dân trí thấp. Cho nên, tuyển chọn ngôn ngữ để diễn đạt cho người dân hiểu được giáo lý Phật dạy để tu tập không đơn giản. Trong bối cảnh đó, trong số những người sáng tác có rất nhiều nhà thơ của phong trào Thơ mới, những nhà văn hiện thực phê phán tài năng đã băn khoăn với câu hỏi: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Người ta im lặng, hoặc cảm thấy bứt rứt vì không thể viết như cũ, nhưng cũng chưa thể viết được cái mới như ý muốn của mình. Trong thời gian này đã nảy sinh những cuộc tranh luận về nghệ thuật, trong đó người nghệ sĩ băn khoăn, đem nghệ thuật phục vụ chính trị có phải là rẻ rúng nghệ thuật không? Quần chúng có khả năng thưởng thức nghệ thuật không?[12]

Do đó mà cách sử dụng ngôn từ của Tổ sư trong Chơn lý có nét đặc thù của thời đại. Như trong bài “Lễ giáo”, Tổ sư dạy: “Nhất là sự lễ bái, sẽ làm cho vơi đi nỗi khổ trong người, mà thấy tâm hồn càng sạch nhẹ, an ổn, vui vẻ và thêm sự mừng rỡ nữa. Lễ phép là một hiếu thuận, mặt đất, của sự sống chung, hòa hiệp, quý báu lắm[13]. Ở đây Tổ sư sử dụng từ ngữ bình dân giản dị, cho nên người dân miền Tây Nam Bộ dễ dàng hiểu được lời Đức Phật giáo huấn thông qua sự truyền đạt của Tổ sư. Ngôn từ ấy đầy tính thiện cảm, dễ tiếp thu, dễ gần gũi biết bao!

Phật giáo Khất sĩ Việt Nam là sự dung hợp hai con đường truyền giáo Nam truyền và Bắc truyền. Phật giáo Bắc truyền sử dụng kinh luật đa phần là âm Hán Việt, còn Nam truyền vẫn giữ nguyên bản tiếng Pali. Riêng Tổ sư đã chuyển tải kinh luật sang tiếng Việt để người dân dễ hiểu, nhất là địa phương ngữ nơi miền Tây Nam Bộ - vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tụng hàng ngày đều là kệ tụng, văn vần, đa phần là thể lục bát và song thất lục bát. Lời lẽ giản dị, trong sáng dễ đi vào lòng dân tộc, mà vẫn lột tả được ý pháp thậm thâm vi diệu của chư Phật từ ngàn xưa còn lưu lại. Như bài “Lễ Pháp” trong Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ:

Kính lạy Pháp là phương giải thoát,

Gốc chơn truyền y bát từ xưa,

Pháp tu chứng đắc kịp giờ,

Độ người qua đến bến bờ bên kia[14].

Tư tưởng Chơn lý của Tổ sư không phải những bài học, hay những khuôn mẫu đúc sẵn để cho mọi người khép theo, mà đó là những bài học cụ thể thực tế, có phương pháp và cách thức thực hiện phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý của con người. Văn tự uyển chuyển, thích ứng với hoàn cảnh hiện tại của xã hội. Ai thực hành và truyền bá Chánh pháp đúng đắn trên nền tảng căn bản của chơn lý, áp dụng vào đời sống tu tập thì sẽ có kết quả lợi ích trong hiện tại và mai sau.

Tất cả kinh luật luận được hình thành cũng là do ứng với căn cơ của chúng sanh, nếu nhân loại đã sạch vọng tưởng, hết vô minh thì pháp không có chỗ lập. Cho nên nói: "Phật pháp không lìa thế gian pháp", giáo lý của Đức Phật không phải trừu tượng mơ hồ, cách ly cuộc đời và nhân loại. Do đó, sự tìm hiểu hoàn cảnh, cũng như xu thế phát triển xã hội, để làm sống động mối tương quan giữa đạo Phật và đời sống thực tại, là điều tất yếu.

Tổ sư đã nắm bắt được trọng tâm tư tưởng Phật giáo, thích ứng với tư tưởng văn hóa thời đại, bài trừ tư tưởng mê tín, phù hợp căn cơ chúng sanh, dung nhiếp văn hóa, thích nghi với thời đại để xiển dương Phật pháp trên tinh thần tự lợi lợi tha, tốt đạo đẹp đời. Trong bộ Chơn lý, Tổ sư xiển dương tinh thần Phật học, luôn chú trọng đến nhân sinh, trước hết phải học làm người, như các bài: “Lễ giáo”, “Đi học”, “Đời đạo đức”… Tiến lên bước nữa, tức phải hành trì ngũ giới để gieo hạt giống thiện nhân, dần dần tu thập thiện để tiến lên cõi Trời; tu Tứ đế để đạt tứ thánh quả Thanh Văn; tu Thập nhị nhân duyên để có quả vị Duyên Giác và tu Lục độ vạn hạnh để hoàn thành sứ mệnh Bồ-tát; sau cùng đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác. Trong mỗi bài, tuy là những bài đạo đức căn bản cho đạo làm người, nhưng Tổ đã khéo léo vận dụng và đưa người thực hành từ nhân thừa lên đến Phật thừa trong từng bài giảng của Ngài.

Khất sĩ sống với cả chúng sanh chung bình đẳng. Khất sĩ giải thoát tu học cho mình, độ dắt cho người, là giáo lý sống chung không tư kỷ, không riêng một chủng loại nào, chẳng bỏ ai ai[15]. Điều này đã thể hiện rõ tư tưởng bình đẳng, sống chung tu học của Đấng Toàn Giác. Chính xưa kia Đức Phật đã từng tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và có thể thành Phật”.

4. Giá trị thực tiễn

Một trong những nguyên tắc lớn để phát huy Phật giáo đó chính là tinh thần khế lý, khế cơ. Ngài Thái Hư đã nói: “Chẳng khế với chân lý thì mất đi thể của Phật học, không hợp cùng thời cơ sẽ không còn dụng của Phật học”.

Khế lý là nội dung, ý nghĩa của những lời giảng dạy luôn luôn thể hiện tinh thần trung đạo, không thiên lệch. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ, từng đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Vì thế, Đạo Phật Khất Sĩ đã kế thừa được tinh thần này, nên sự hoằng truyền Chánh pháp tại miền Nam được người dân y theo hành trì, quy y trở thành Phật tử, nhiều nam nữ cư sĩ xuất gia vào hàng Tăng bảo.

Tinh thần khế lý và khế cơ là nguyên tắc của mọi giải đáp. Cho nên không thể đứng trên lập trường lý thuyết suông mà tìm ra giải đáp được. Để sử dụng tinh thần này có hiệu quả, đòi hỏi tự thân hành giả phải hành trì và thực nghiệm. Nương vào tinh thần khế lý để không rời xa Chánh pháp, không lầm đường lạc lối; nương vào tinh thần khế cơ, nỗ lực tu học để thấy rõ chơn lý.

5. Kết luận

Với trí tuệ Bát-nhã, chư lịch đại Tổ sư ở nước ta đã không ngừng ứng dụng tính khế lý, khế cơ vào sự nghiệp hoằng pháp. Ngày nay, đàn hậu tấn chúng ta được học hỏi và kế thừa truyền thống này của các bậc tiền nhân, chư vị đã dày công sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống, đó chính là kim chỉ nam cho chúng ta trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp.

Đoàn Du tăng Khất sĩ, chiếc thuyền trí tuệ tạo thành, tách bến, lướt sóng ngược dòng trở lại miền trên, trở nên thuyền tế độ. Đoàn Du tăng hay thuyền tế độ, lúc nào cũng đang bọc gió rẽ nước giữa dòng sông, đứng giữa trung gian giữa đời và đạo[16]. Khất sĩ như hòn ngọc báu trong sạch, yên lặng, sáng suốt và chơn không tròn trịa… Trong đời khốn khổ, Khất sĩ là bậc đại hiền, như cây cao bóng mát. Giáo lý Khất sĩ như tàu bè, xe cộ, cứu vớt chở chuyên chúng sanh bao nhiêu cũng không chìm nặng. Lời nói của Khất sĩ như nước ao trong mát, như rồng phún rưới mưa hoa. Đạo của Khất sĩ như bờ đê ngăn nước, như vách tường, núi đá, biển to, sông rộng. Tâm của Khất sĩ như mặt nước phẳng bằng. Ý của Khất sĩ như nước loãng nhẹ lưu thông, dù ai có múc tát đi đâu thì ý nước bao giờ cũng trở về với nước. Tánh của Khất sĩ là nước sạch mát trong, là lòng quân tử. Chính sự xin ăn để tu cùng học, bốn biển làm nhà, chín châu lập nghiệp mới phải là đạo người quân tử trượng phu[17].

Tinh thần khế lý, khế cơ trong bộ Chơn lý đã hình thành một hệ thống đặc thù, giúp phát triển sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, bồi dưỡng nhân tài, thành lập Giáo đoàn, lợi ích xã hội, hạnh phúc nhơn sanh, ảnh hưởng lớn trong nhiều phương diện xã hội.

Tư tưởng Chơn lý của Tổ sư là thềm thang cho nhân loại đi từ cõi người đến quả vị tối thượng, là la bàn giúp cho người thủy thủ giữa biển khổ mênh mông đầy sóng gió thấy rõ đường lối đến bờ giác, là bản đồ hướng dẫn khách hồng trần đi trên đường đời mù mịt bụi trần, dẫy đầy chông gai hố thẳm không bị lọt vào cạm bẫy của tà đạo, thẳng tiến đến Niết-bàn tịch tịnh chơn như.

 


[1] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý Tập III “Hòa bình”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 354.

[2] Sđd, tập I “Ngũ uẩn”, tr. 47.

[3] Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phẩm Tựa thứ nhất; Kinh Pháp Cú, số 183.

[4] Sđd.

[5] Sđd, tập III, “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 426.

[6] Sđd, tập I “Khất sĩ”, Hà Nội, tr. 268.

[7] Sđd, tập I “Học Chơn lý”, tr. 469.

[8] Tục Tạng, Sách 1565. 80, Ngũ đăng hội nguyên, Q.2, Bố Đại Hòa thượng.

[9] Sđd, tập I II “Hòa bình” , tr. 84 .

[10] Sđd, tr. 84.

[11] Phong Lê, Văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và lý luận (2003), Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 334.

[12] Sđd, tr. 337-338.

[13] Chơn lý, tập I II “Lễ giáo”, tr. 852.

[14] Chơn lý, “Kinh Tam Bảo”, tr. 918.

[15] Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 177.                                                                                                                             

[16] Sđd, tập I, II “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 879-880.

[17] Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 177.