Tinh thần "Nối truyền Thích-ca Chánh pháp" và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì

I. TINH THẦN NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập tại miền Nam Việt Nam trong bối cảnh xã hội nhiều phức tạp, nhiều phong trào cứu nhân độ thế và tôn giáo ra đời. Phật giáo lúc bấy giờ đang trong giai đoạn chấn hưng nhưng chưa đạt kết quả đáng kể. Sinh hoạt Phật giáo còn nặng về hình thức nghi lễ cúng bái, chưa chú trọng đến nội dung tu tập, phương pháp hành trì để thân chứng giác ngộ giải thoát.

Lịch sử Hệ phái đã khắc sâu dấu ấn cho chúng ta thấy rõ Tổ sư Minh Đăng Quang sinh ra và lớn lên tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình (nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long); vì thế, tinh hoa tư tưởng đạo Phật Bắc truyền Việt Nam đã thấm nhuận nơi sắc thân tứ đại và tinh thần của Ngài – ăn chay, nằm đất, tâm thức thuần hòa lan tỏa trong suốt 2.000 năm qua từ Thăng Long, Thuận Hóa đến Đồng Nai rồi Sài Gòn – Gia Định và Đồng bằng sông Cửu Long... Cho nên, khi nhận ra được nét đặc sắc, giá trị miên viễn của truyền thống Nam tông – Nguyên thủy Phật giáo với tinh thần thủ hộ giới luật Tăng-già và y bát khất thực để làm phương tiện gần gũi, nối kết bá tánh chúng sanh, Ngài như bừng ngộ và nhận ra rằng sự kết hợp, hội tụ tinh hoa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo sẽ làm cho Đạo Phật Việt Nam có thêm một nét mới mà không xa rời truyền thống.

“Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” được hình thành trên nền tảng tư tưởng Phật giáo Nam tông mà Tổ sư đã thọ học trong thời gia sống tại Campuchia cùng với tư tưởng Phật giáo Bắc tông mà Ngài đã thẩm thấu tại Nam Bộ. Với chí nguyện đại hùng, đại lực “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Ngài đã thiền quán, soi rọi những bước đi buổi đầu của Đức Phật mà nối nhịp làm nên một hệ phái Phật giáo biệt truyền – kết hợp hai truyền thống y bát, giới luật, với đời sống Tăng-già “thiểu dục tri túc” bình dị thông thoáng, đầu trần chân không, ăn chay nằm đất, hòa nhịp gần gũi, chia sẻ với cộng đồng suốt 2.000 năm qua. Tổ sư thể hiện tinh thần nối truyền giáo pháp của Đức Phật thông qua những điểm căn bản như sau:

Bài giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì năm 2018

II. SỨ MẠNG THIÊNG LIÊNG CỦA VỊ TRỤ TRÌ

1. Trụ pháp vương gia

1.1. Tam bảo: Phật – Pháp – Tăng

Tam bảo, tiếng Pali là Tiratana, chỉ cho ba ngôi báu, hay ba nơi nương tựa: Đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn; tức là bậc Giác Ngộ, giáo pháp của bậc Giác Ngộ và những người bạn đồng học, đồng tu đang đi trên con đường giác ngộ được tín đồ Phật giáo tôn kính. Đức Phật từng dạy về sự quy y tối thượng, vượt thoát khổ đau trong kinh Tiểu Bộ[1]:

“Ai quy y Đức Phật/ Chánh pháp và chư Tăng/ Ai dùng Chánh tri kiến/ Thấy được bốn sự thật/ Thấy khổ và khổ tập/ Thấy sự khổ vượt qua/ Thấy đường Thánh tám ngành/ Đưa đến khổ não tận/ Thật quy y an ổn/ Thật quy y tối thượng/ Có quy y như vậy/ Mới thoát mọi khổ đau”.

Quy y được hiểu là quay về nương tựa (Sarana). Trong tiếng Pali, Sarana được định nghĩa như là “một nơi che chở”, “một sự hay nơi bảo vệ” con người khỏi hiểm họa, tai biến[2]. Chúng ta quay về nương tựa Phật – Pháp – Tăng để làm khuôn mẫu, thềm bậc cho việc tu tập giải thoát. Nương tựa ở đây không có nghĩa là dựa dẫm, mà nương vào ba ngôi báu này để tìm ra giải pháp diệt trừ gốc rễ khổ đau cho tự thân.

Đức Tổ sư đã xác lập phương châm tu học giống với truyền thống từ ngàn xưa. Ngài dạy: “Chính Phật là Vô Thượng Sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn”. Còn Tăng là khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò; học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp; học với Phật Pháp Tăng ba đời” (CL. “Khất sĩ”). Tổ sư phát nguyện thực hành theo gương hạnh của Đức Phật, lấy Đức Phật là Bậc Đạo sư, lấy Giáo pháp của Đức Phật làm kim chỉ nam định hướng tu học và thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ, khẳng định: “Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát khất sĩ vậy!” (CL. “Chánh pháp”); đồng thời chỉ cho hàng đệ tử giá trị, mục đích, lợi ích của việc quy y Tam bảo:

“Quy y Tam bảo là về theo Phật Pháp Tăng. Ai ai kẻ giác ngộ nhận ra chơn lý lẽ thật đều thảy biết mình là đang quy y Tam bảo, hay đã quy y Tam bảo rồi cả. Vì Phật là ông thầy giáo, Pháp là bài dạy học, Tăng là học trò hiền, đạo đức hay cõi đời, đường đời là trường học. Tất cả chúng sanh nào có ai chẳng phải là kẻ học trò là Tăng, bởi cái biết là đang học, cái trau sửa là tu, thời gian đi tới mãi là đạo…

Bởi thế, nên kẻ đã tỉnh ngộ gặp ra thầy giáo học trò pháp học là Phật Pháp Tăng, thì liền biết ngay sự thật, mau mau trở gót quay về, y theo, mà cho là mục đích quí báu, lẽ thật quí báu, Phật Pháp Tăng, thầy giáo học trò pháp học, là Tam bảo. Những kẻ ấy từ đó sẽ sửa chữa hành vi, việc làm, lời nói, ý niệm, trở lại y theo Phật Pháp Tăng, để lần lần trở nên Tăng, là học trò tốt đẹp, đặng học hành theo Pháp, mà thành như ông thầy Phật vậy, đó là sự quy y Tam bảo”. (CL. “Đạo Phật Khất Sĩ”)

1.2. Tam tạng Thánh điển: Kinh – Luật – Luận

Phật Quang Đại từ điển giải thích rằng Kinh tạng (Pali: Sutta Pitaka), Hán dịch là Khế kinh tạng: Kinh điển do Đức Phật nói trên thì khế hợp với lý nghĩa của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ chúng sanh. Luật tạng (Pali: Vinaya Pitaka), Hán dịch là Điều phục tạng: Những luật nghi do Đức Phật chế có công năng chữa trị những cái xấu ác của chúng sanh, điều phục tâm tánh chúng sanh; những phép tắc sinh hoạt của giáo đoàn mà Đức Phật quy định đều thuộc về bộ loại Luật. Luận tạng (Pali: Abhidhamma Pitaka), Hán dịch: Đối pháp tạng: Là tạng luận bàn thêm về ý nghĩa kinh điển của Phật, làm sáng tỏ những điểm súc tích để quyết định tính tướng các pháp, phát triển giáo thuyết Đức Phật rộng hơn[3]

Với những luận giải trên, chúng ta thấy rằng những lời dạy của Tổ sư trong bộ Chơn lý cũng không nằm ngoài ba tạng Kinh – Luật – Luận. Tổ sư đã khéo léo khai thị, hướng dẫn người học tu tập đúng Chánh pháp. Ngài nương vào những lời dạy của Đức Phật trong tạng kinh để luận giảng một cách hệ thống giáo lý căn bản, về các pháp môn, phương pháp tu tập đạt được thân chứng và thành tựu quả vị giải thoát như các quyển: Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Y bát chơn truyền, Chánh pháp, Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chư Phật, Pháp chánh giác... Những bản kinh Đại thừa như: Pháp Hoa, Địa Tạng, Vu Lan, A Di Đà… đều được Tổ sư tìm hiểu và lý giải pháp tu một cách cụ thể để chúng ta ứng dụng vào đời sống tu tập. Về Luật tạng, Tổ sư đã chọn bộ luật Đàm Vô Đức (Dharmaguptaka). Đây là một trong sáu bộ luật được ghi nhận, hiện hữu trong Đại chánh tân tu Đại tạng kinh được cố Hòa thượng Hành Trụ dịch sang tiếng Việt, làm y cứ, làm nền tảng để Tăng chúng tu học, hành trì.

Mặt khác, Tổ sư đã chỉ rõ rằng Tam tạng thánh điển là tinh hoa giáo lý thậm thâm vi diệu của Đức Phật, đều có chung một vị giải thoát, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người và mọi thời đại: “Tam tạng là kinh, luật, luận ba phần của Pháp bảo. Pháp bảo tam tạng có ra là do sự sưu tầm quán xét của chánh trí, trí thiện quý báu, rộng lớn thông minh.

Từ pháp ác đến pháp thiện, đến pháp cư sĩ tại gia và trở nên pháp khất sĩ xuất gia giải thoát, mỗi lúc pháp đều có ba tạng. Hôm nay ba tạng pháp ấy đã tôn thờ mục đích giải thoát làm thầy, như vậy là từ đó về sau kinh luật luận của nó sẽ đều có một mùi giải thoát cả! Nó sẽ tạo nên người giải thoát, chỗ giải thoát, giáo lý sự dùng đều là pháp giải thoát vậy”. (CL. “Pháp Tạng”)

2. Trì Như Lai tạng

2.1. Tam vô lậu học: Giới – Định – Tuệ

Tam vô lậu học chỉ cho Giới, Định, Tuệ là tam học vô lậu của bậc Thánh. Tùy theo căn cơ, trình độ của chúng sanh mà suốt 45 năm hoằng dương Chánh pháp, Đức Phật đã chỉ dạy các pháp môn tu tập khác nhau nhưng tựu chung không ngoài ba pháp tu căn bản đó là Giới, Định, Tuệ. Tam vô lậu học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, luôn tương quan, tương duyên mà dung nhiếp lẫn nhau. Đức Phật đã dạy rõ điều như sau: “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”[4].

Đối với người tu học Phật, thành tựu Tam vô lậu học là trọng tâm của sự nghiệp giải thoát. Điều này được Đức Phật đưa ra hình ảnh ví dụ, một người nông phu có ba công việc cần làm trước tiên, đó là phải khéo cày bừa, sau đó gieo hạt đúng thời và cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Từ ví dụ đó, Đức Phật dạy người tu có ba việc cần làm trước, đó là thọ trì tăng thượng Giới, Định, Tuệ[5].

Y cứ theo lời dạy của Đức Phật, Tổ sư đã trình bày ý pháp này trong Chơn lý “Y bát chơn truyền” như sau: “Tu học định huệ là do giới y bát Khất sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất sĩ đủ gồm cả giới định huệ. Có giới hạnh mới được làm Khất sĩ, nên trước khi vào đạo cũng phải học giới và tu tập cho thuộc nhuần. Chỉ có giới luật là bằng văn tự, bằng sự học nơi bề ngoài tiếng tăm hình sắc mà thôi…

Thế cho nên lời Phật dạy rằng: Trong giới có chứa sẵn định huệ đạo quả rồi, trong luật có chứa sẵn kinh luận rồi, như vậy thì quả linh và đạo lý đã là có sẵn trong y bát đó rồi, dầu Phật không nói ra, chớ kẻ nào hành y và chú tâm nhận xét thì sẽ được học ngay, cũng cầm bằng như là đã được ngồi gần bên Phật, và được hiểu cả tâm trí của Phật”.

Một người bị nhiễm căn bệnh tham sân si thì phương thuốc duy nhất chữa trị hữu hiệu là phải dùng Giới Định Tuệ: “Ý nay mắc bịnh độc tham sân si, vậy phải mau lo chữa chuyên săn sóc nó, vì nó là ý độc hại lây. Phải cần cho ăn uống bằng giới định huệ từ trong ra từ ngoài vào, phải là chỉ một thứ giới định huệ thôi, thì lâu ngày hết bịnh, mới trở nên ý quí. Ý là ma mà ý cũng là Phật. Kẻ ở nhà của ta sai khiến đó, ta cần phải nuôi nó tử tế, nó mới có giúp được việc cho mình nên. Như vậy là đừng cho nó ra gần năm cửa mắt tai mũi lưỡi thân (hay là thân khẩu) với kẻ ác tà, với đồ cấu trược, thấp thỏi xấu dơ mà phải để nó lên cao chỗ thanh tịnh, mặc cho áo tốt bằng sự vắng lặng, cho ăn đồ ngon là thiện lành, thì nó mới lớn nên người được”.

Muốn có Định thì cần phải có Giới ủng hộ; tức là nương vào Giới để bảo vệ cho tam nghiệp được trong sạch, là bước đầu đi đến thiền định nên được gọi là “ly dục, ly bất thiện pháp” – điều kiện để chứng đắc thiền thứ nhất. Tổ sư dạy: Muốn định phải có giới ủng hộ, mà chỉ có giới xuất gia khất sĩ mới có thể vào tới đại định nổi (CL.“Nhập định”). Để tu tập đạt được Chánh định, Tổ sư dạy phải tu tập Bát chánh đạo – Con đường chơn chánh có tám chi, đầy đủ Giới – Định – Tuệ. Những bậc Hiền Thánh nương theo tám pháp phương tiện này để đạt đến Niết bàn, giải thoát:

“Muốn vui sống có ta thì phải định, muốn có định và biết định thì phải tầm tõi quán xét thấy cho rõ lẽ thật là chánh kiến. Có CHÁNH KIẾN thấy rõ lẽ chánh mới phát sanh được những điều suy gẫm về lẽ chánh chơn như mà thấu rõ đạo lý các pháp. Có thấu đạo lý do CHÁNH TƯ DUY mới năng nói lời chơn chánh. Từ nơi CHÁNH NGỮ mới có thật hành CHÁNH NGHIỆP, là việc làm đúng theo đạo lý. Có làm việc phải mới được nuôi thân mạng bằng cách trong sạch thiện lành, hưởng sự yên vui.

Có được CHÁNH MẠNG mới biết mừng vui siêng năng giữ đạo đi tới. Nhờ CHÁNH TINH TẤN mới không có thì giờ xao lãng vọng động ác tà, bấy giờ tâm mới trong sạch, ý ngó ngay vào một chỗ chơn như không vọng động, niệm tưởng không lìa xa một chỗ phải. Nhờ CHÁNH NIỆM giữ ý nơi một điều lành, nơi một chỗ một, thì ý mới định. Ý định là thân khẩu phải định, thân khẩu ý đều định gọi là tâm định, định tại nơi lẽ chánh, chỗ thiện lành sáng suốt, kêu gọi CHÁNH ĐỊNH là sự yên lặng, nín nghỉ hưu trí. Niết-bàn là nơi rốt ráo quyết định, là cảnh giới nhứt định. (CL “Nhập định”)

2.2. Tam nghiệp: Thân – Khẩu – Ý

Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ đầu Tăng đoàn sống hòa hợp, thanh tịnh, nên Đức Phật chưa chế định Giới mà chỉ đã đề cập Giới dưới hình thức đơn giản, nhưng không ngoài mục đích kiểm soát sáu căn, ba nghiệp trở nên thanh tịnh: “Chư ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý/ Thị chư Phật giáo”. Bài kệ này được xem là “Giới kinh”, và chúng đệ tử xuất gia chỉ cần nỗ lực thực hành đúng bài kệ này thì ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh.

Trên tinh thần thừa tự pháp, Tổ sư khéo léo tích hợp bài kệ “Giới kinh” của Đức Phật thành nền tảng căn bản “Giáo lý Khất sĩ”. Tổ sư có nêu thêm một vài ý pháp, và diễn dịch một cách phổ thông nhưng không ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi trong giáo pháp Đức Phật, mà còn trở thành nét riêng đặc sắc của Đạo Phật Khất Sĩ, khiến ai cũng có thể tu tập, thực hành: “Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”.

Hãy căn cứ vào ba pháp cái ấy, tức là theo chánh đạo, đạo của chư Phật đó. Kìa đức Phật Thích-ca xưa kia dạy: Đừng làm việc quấy nào hết, hãy làm chuyện phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình, ba cái lý đó tóm rút đạo lý của chư Phật. (CL. “Đạo Phật Khất Sĩ”)

Tâm là hạt giống gồm có ba phần: Thân – Miệng – Ý. Tu tập nhận biết các bất thiện pháp, thanh lọc các ác hành của thân, của khẩu, của ý; đồng thời phát triển các thiện căn của thân, của khẩu, của ý. Kinh Pháp Cú dạy rằng: “Với người thân miệng ý/ Không làm các ác hạnh/ Ba nghiệp được phòng hộ/ Ta gọi Bà-la-môn”[6]. Đó là phương pháp thực hành chủ yếu, được nhấn mạnh đối với hành giả, là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trên con đường thành tựu đạo nghiệp. Và khi tam nghiệp: Thân, Miệng, Ý trong sạch, tức là hình thành hạt giống Tâm chơn như, không vọng động. Ý pháp này được Tổ sư giảng dạy rất nhiều trong Chơn lý, mà cụ thể ở Chơn lý “Tu và nghiệp”:

“Thân trong sạch ấy là xứ Phật/ Miệng trong sạch ấy là pháp Phật/ Ý trong sạch ấy là con Phật/ Tâm trong sạch chính là đức Phật”.

2.3. Tứ đức Niết bàn: Thường – Lạc – Ngã – Tịnh

Thường, lạc, ngã, tịnh được diễn tả nhiều lần trong kinh Đại bát Niết bàn (Đại thừa Phật giáo), được gọi là bốn đức của Niết-bàn, của Pháp thân Như Lai, khẳng định Niết-bàn hay Như Lai là thường hằng (Thường); tuyệt đối an vui (Lạc); không có sự trói buộc, tự tại vô ngại (Ngã); và xa lìa nhiễm ô, vắng lặng thanh tịnh (Tịnh).

Kinh Đại bát Niết bàn, Phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát thứ 23, Đức Phật dạy rằng: “Này Thiện nam tử! Bờ mé sanh tử phàm có hai thứ cội gốc: Một là vô minh, hai là hữu ái. Chặn giữa hai thứ nầy có quả khổ sanh già bịnh chết, đây gọi là Trung đạo. Trung đạo như đây có thể phá sanh tử nên gọi là Trung. Do nghĩa nầy nên pháp Trung đạo gọi là Phật tánh. Vì thế nên Phật tánh là thường, lạc, ngã, tịnh. Bởi chúng sanh chẳng thấy được Phật tánh nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Phật tánh thiệt chẳng phải là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh”[7].

Đức Phật dùng vô số phương tiện tùy theo căn cơ, trình độ chúng sanh nói pháp. Ngài từng thuyết giảng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh đối với người đắm say dục lạc; khi chúng sanh có niềm tin kiên định vào Chánh pháp, thiện căn phước đức nhơn duyên đầy đủ thì Phật dạy về các lẽ chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh trong kinh Đại bát Niết bàn này. Tất cả đều không ngoài con đường duy nhất là hướng chúng sanh đến sự giải thoát khổ đau, vượt thoát sanh tử.

Sự chấm dứt của khổ đau là Niết-bàn. Vì thế, trong kinh văn thường diễn tả rằng cảnh giới Niết-bàn là sự diệt tận phiền não với nội tâm thanh tịnh, trí tuệ sâu sắc, bản chất yên tĩnh vắng lặng, một sự chứng nghiệm an lạc hạnh phúc trọn vẹn ngay trong kiếp sống này. Con đường tu tập đạt đến Niết-bàn là con đường Trung đạo chánh đẳng chánh giác, như lời Tổ sư dạy:

“Đức Phật, Ngài chỉ Niết-bàn là trung đạo chánh đẳng chánh giác mực giữa, chớ không phải thấp cao xa gần chi cả. Chính cõi Niết bàn là lòng từ bi bình đẳng, tất cả chúng sanh chung, là sự trong sạch không nhơ uế, là sự sáng láng của trí huệ, là sự yên lặng của tâm chơn, chớ không phải ở đâu cả. Đức Phật dạy chúng sanh phải biết ở trong bản tâm yên lặng của mình, chớ đừng ở đâu hết, vì chỗ nào cũng không bền. Và chỉ có cái chơn như mới là giải thoát tất cả luân hồi sanh tử mà thôi”. (CL. “Tam giáo”)

III. KẾT LUẬN

Từ những điểm căn bản trình bày, chúng ta thấy tư tưởng Phật học và phương pháp môn hành trì của Tổ sư trong Chơn lý hoàn toàn phù hợp với tam tạng kinh điển, đúng với Chánh pháp. Con đường tu tập thân chứng đạo quả của Tổ sư không tách rời lời dạy của Đức Phật. Lối tu tịnh hạnh giải thoát của Tăng đoàn Khất sĩ lúc bấy giờ do Tổ sư hướng dẫn được giới Tăng đồ và thiện hữu tri thức, cư gia bá tánh kính phục tán thành, quy hướng và hết lòng phụng sự. Một lần nữa, Tổ sư đã khẳng định chí nguyện lập đạo, hành đạo: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”:

“Hãy ngó ngay đức Phật Thích-ca Mưu-ni, tức là ngó ngay giới luật, ông thầy thiện lành trong sạch, mà hiệp hòa bình đẳng nơi giới luật Phật, để nên đạo Phật với Tăng-già, chung cùng cả thế giới chư Tăng sư “ăn chay và khất thực” y nhau xưa nay như một, mới không còn tội lỗi với Phật và chúng sanh kia...

Thật vậy, trong đời chỉ có pháp Phật là thiện lành trong sạch, đức lớn bao trùm, là giáo lý thế giới, võ trụ, chúng sanh chung, mới có thể cứu độ được nạn khổ của chúng sanh ngày nay. Chắc chắn như thế, đạo Phật, giới luật Tăng-già thành lập hòa bình, thì thế giới mới sẽ hòa bình, và trong xứ nhơn loại, tự nhiên sống chung tu học cùng nhau theo về hiệp một”. (CL. “Hòa bình”)

Tổ sư vắng bóng đến nay đã 64 năm – một khoảng thời gian không dài mà cũng không ngắn về phương diện lịch sử, đủ để chúng ta cùng nhau tìm về nguồn cội, tìm về dấu chân giải thoát của Tổ sư và Tăng đoàn Khất sĩ thuở xưa. Giáo pháp Khất sĩ vẫn còn hiện hữu vận hành trong dòng chảy nhân sinh, biểu hiện qua số lượng đạo tràng tịnh xá tăng nhanh, Tăng Ni xuất gia và tín đồ Phật tử ngày càng đông… nhưng dường như chỉ phát triển về cơ sở vật chất, hình thức bên ngoài. Thực tế cho thấy, một số Tăng Ni trụ trì thiếu sự dấn thân, gắn kết với Giáo đoàn, Hệ phái, còn thiếu sự thực hành theo đường lối, truyền thống của Tổ Thầy, thiếu sự trau dồi nội lực tự thân để xứng đáng trở thành “Sứ giả Như Lai”, “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.

Buổi đầu, Tổ sư xây dựng hình ảnh Tăng đoàn Khất sĩ giới hạnh trang nghiêm, chú trọng về pháp môn tu tập, thông qua phương châm rất đặc sắc và gần gũi: “Nên tập sống chung tu học/ Cái sống là phải sống chung/ Cái biết là phải học chung/ Cái linh là phải tu chung” (CL. “Hòa bình”). Tổ sư không đặt nặng sở học, mà chú trọng đến pháp hành, bởi đó là lý tưởng sống, mục đích cao thượng mà Ngài định hướng cho đồ chúng đệ tử: “Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là cũng bởi trọng học tài quên tu đức” (CL. “Tông giáo”).

Ngài dạy: “Mỗi người phải biết chữ/ Mỗi người phải thuộc giới/ Mỗi người phải tránh ác/ Mỗi người phải học đạo” (CL. Cư sĩ). Tăng đoàn Khất sĩ ngoài bậc thầy hướng đạo là Tổ sư thì còn có những bậc trưởng lão đệ tử lớn kiên trì phạm hạnh, y bát trang nghiêm để những người xuất gia nhập đạo được thân cận, gần gũi học hỏi giáo pháp, kinh nghiệm tu tập, trao dồi Văn – Tư – Tu, tăng trưởng Giới – Định – Tuệ.

Những yếu tố trên đã tạo nên Giáo hội Tăng-già Khất sĩ vững mạnh, một môi trường tu học lý tưởng để trau dồi phẩm chất, giá trị của một vị Khất sĩ, một bậc Sa-môn phạm hạnh. Thời gian Tổ sư lập đạo và hành đạo chỉ vỏn vẹn gần 10 năm nhưng giá trị, lợi ích, hương vị giải thoát mà Đạo Phật Khất Sĩ dâng tặng cho đời vô cùng to lớn. Chúng ta là đệ tử, người con trong giáo pháp Khất sĩ cần phải có bổn phận gìn giữ, vun bồi và có trách nhiệm trao truyền cho thế hệ đệ tử tiếp nối. Mỗi vị Tôn đức Giáo phẩm, mỗi vị trụ trì cần nên gìn giữ truyền thống “Y bát – Giới luật” của Tổ Thầy, cần hiểu rằng: Giáo lý y bát chơn truyền nghĩa rằng: “Y là Pháp, Bát là Đạo, tức là đạo pháp đường chơn truyền dạy, có y bát mới có chơn như” (CL. “Y bát chơn truyền”).

“Giới luật thanh tịnh tu tâm là miếng đất Tịnh độ Cực lạc. Kẻ mà nhờ giác ngộ nơi pháp nên được xuất gia nhập đạo, tức là được hào quang tiếp dẫn đưa vào Giáo hội Tăng-già bất thối, là nhà của Phật” (CL. “Tu và nghiệp”).

Song song đó, mỗi vị cần phải nỗ lực tinh tấn “sống chung tu học” định kỳ thông qua các khóa tu truyền thống của Hệ phái, khóa Bồi dưỡng trụ trì… để cùng nhau nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh nơi tự thân, cùng nhau thực hiện lời dạy của Tổ sư, góp phần củng cố, ổn định, phát triển Tăng đoàn Khất sĩ ngày càng vững mạnh về hình thức lẫn phẩm chất, năng lực tu tập. Làm được thế, chúng ta và các thế hệ đệ tử tiếp nối mới có thể thắp sáng ngọn đèn chơn lý của Tổ sư và giáo pháp Khất sĩ thường trụ trong đời.

PV.Minh Đăng Quang, 18/4/Mậu Tuất - 2018

Sa-môn Giác Toàn

>> Nghe bài giảng tại đây

 

[1] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Chương 1, Phẩm Apannaka, Chuyện pháp tối thượng (Tiền thân Apannaka).

[2] Chan Khoon San, Lê Kim Kha dịch (2012), Giáo trình Phật học, Nxb. Phương Đông, tr.237.

[3] Sa-môn Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại từ điển, Tập 4, Nxb. Phương Đông, tr.5438-5439.

[4] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, Kinh Đại bát Niết bàn, Tụng phẩm II, Mục 10.

[5] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 2, Phẩm Sa môn, Phần Nghề nông [lược].

[6] HT. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, kệ 391, tr.138

[7] HT. Thích Trí Tịnh dịch (1999), Kinh Đại bát Niết bàn, Tập 2, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.202-203.