Tinh thần "Phép Tăng chẳng lìa đoàn" của Tổ sư và hiện tượng tách chúng ở riêng của Tăng Ni Khất sĩ hiện nay

Mục đích tối ưu của giới luật là giúp người giữ giới bước đi trên đại lộ giải thoát không còn chướng ngại, ràng buộc, khó khăn từ các duyên bên ngoài. Nhờ giữ giới, định và tuệ mới thành tựu dễ dàng. Nhưng để giữ được giới, người tu học trong giáo pháp phải chiến đấu mãnh liệt với ngoại ma và cả nội ma. Thật không phải dễ. Đức Phật bảo rằng: “Giới là nguồn cội của đạo Phật. Giới còn thì đạo Phật vẫn còn; giới mất thì đạo Phật phải mất” (Kệ Giới) là vậy.

NTCanh

Đứng trước hiện trạng của Tăng Ni ngày nay, giá trị giới luật đang bị xem nhẹ dần. Điều này tác hại cho chính tự thân Tăng Ni và đồng thời làm suy yếu đạo Phật. Các bậc Tổ Thầy trăn trở ưu tư rất nhiều cho sự thật không mong muốn này. Trong bài viết giới hạn chỉ vài trang giấy, con xin được đóng góp và chia sẻ vài ý tưởng nhỏ về hiện trạng “tách đoàn” của Tăng Ni hiện nay, ngưỡng mong chư Tôn Thiền đức Tăng Ni hoan hỷ chứng minh.

1. Phép Tăng chẳng lìa đoàn đã được Đức Phật và chư Tổ định hình ngay từ buổi đầu

Thời Đức Phật còn tại thế, sự tu tập hành đạo của Tăng đoàn đều do Đức Phật chỉ dạy. Sau khi thành tựu Chánh đẳng chánh giác không lâu, đức Thế Tôn chuyển pháp luân và hóa độ 61 đệ tử chứng quá A-la-hán đầu tiên. Lúc bấy giờ, Ngài cho phép các đệ tử:

Này các Tỳ-khưu, ta đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các Tỳ-khưu, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các Tỳ-khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các Tỳ-khưu, hãy thuyết giảng giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm sẽ là những người hiểu được giáo pháp, (nhưng) do việc không nghe giáo pháp sẽ bị thoái hóa. Này các Tỳ-khưu, ta cũng sẽ đi đến ngôi làng của Senāni ở Uruvelā cho việc thuyết giảng giáo pháp”. (Mahavagga, chương Trọng yếu, Tụng phẩm thứ nhất)

Như thế, chư Tăng lúc bấy giờ đi truyền bá giáo pháp đó đây mỗi người một hướng là được sự xác chứng và cho phép của Đức Phật - bậc Thầy của chư thiên và loài người. Bởi các vị đều là Thánh Tăng, đã đoạn trừ các lậu hoặc phiền não, hơn nữa, trong điều kiện buổi đầu, giáo pháp chưa được truyền bá, nên sự hiện diện của các vị Thánh Tăng này rất cần thiết vậy.

Thời gian sau đó, chư Tăng đi truyền bá theo nhóm và cũng được sự chỉ dạy, quán sát của Đức Thế Tôn. Như nhóm thầy trò Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Phú-lâu-na, … Thời bấy giờ, các đại thí chủ cúng dường tịnh xá chỉ để cho chư Tăng bị bệnh hoặc lớn tuổi ở lại tu tập và hóa độ dân địa phương, hoặc để ba tháng mùa mưa, chư Tăng câu hội về an cư, tự tứ, còn lại chư Tăng đều đi theo nhóm đó đây vừa tự độ vừa độ tha dưới sự chứng minh của Đức Phật. Mỗi ngày, chư Tăng khất thực hóa duyên, chiều về thuyết pháp ngồi thiền dưới cội cây, đêm đến cũng nghỉ ở cội cây, và một nơi không được dừng chân quá ba đêm. Chư Tăng đều tuân giữ luật định nghiêm túc như vậy nên đời sống tu tập hết sức thanh tịnh, an lạc.

Các trú xứ, hoặc nhiều hoặc ít, chư Tăng ở lại cùng nhau tu tập hòa hợp như nước với sữa, như bài kinh số 31 – Tiểu kinh Rừng Sừng bò trong Trung bộ kinh mô tả. Ở đây, chỉ có ba vị Tỳ-kheo, Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nandiya, Tôn giả Kimbila trú tại khu vườn trong rừng Gosinga (rừng Sừng bò) tu tập hòa hợp được Đức Phật không ngớt lời tán thán sự tinh tấn tu tập và tinh thần hòa hợp của họ. Đó cũng nói lên sự cùng sống, cùng tu, cùng học của chư Tăng trong thời Phật.

Hoặc vào đầu mùa an cư, chư Tăng đến đảnh lễ thỉnh thị sự chỉ dạy của đức Đạo sư nên về trú xứ nào an cư trong mùa mưa năm đó. Đức Phật tùy nghi thấy nhân duyên từng cá nhân thăng tiến tâm linh mau hay chậm mà phân bổ từng nhóm về mỗi trú xứ tu học. Đức Phật luôn khuyến khích đại chúng tu học cùng nhau trong sự hòa hợp. Trong việc tu học làm thăng hoa đời sống tâm linh mỗi cá nhân và làm cho Tăng đoàn hưng thịnh, ngoài yếu tố quan trọng là tự chuyển hóa những phiền não nơi tự thân, yếu tố đoàn kết hòa hợp luôn được Đức Phật tán thán. Trong Kinh Đại-bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ Kinh, Ngài đưa ra 41 pháp làm Tăng đoàn hưng thịnh, trong đó nhấn mạnh tinh thần lục hòa hợp làm đầu:

(1) Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. (2) Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

Trong các bộ Giới bổn cho cả hai bộ Tăng và Ni, hành phạt nặng nhất là bất cộng trú, trục xuất, không được sống trong Tăng chúng. Lại nữa hành phạt nặng thứ hai khi Tăng Ni phạm giới đó là cấm phòng 6 bữa, không được sinh hoạt cùng Tăng chúng. Như vậy, không được phép sống trong Tăng chúng nữa là điều bất hạnh nhất của người xuất gia trong nhà Phật. Hơn nữa vì nhiều lý do chủ quan, và khách quan, chư Ni càng không thể nào tách đoàn đi riêng.

LienTri 1

2. Phép Tăng chẳng lìa đoàn được đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề cập

- Trong 114 điều răn:

Điều thứ 1: Cấm tất cả Tăng Sư cùng tập sự lớn nhỏ, chưa có xin phép Giáo hội, không có việc gì khẩn cấp, tự ý ra đi, lén trốn mà đi (phạm bị giáng cấp).

Điều thứ 36: Cấm đi riêng (trừ ra người có sức, Giáo hội cho phép) phải đi chung với Giáo hội.

Điều thứ 59: Cấm ở lộn xộn, sái trật tự của Giáo hội.

Điều thứ 78: Cấm chưa tới 30 tuổi mà đi hành đạo tách xa Giáo hội.

Điều thứ 112: Cấm nếu thiếu sức mà quyết đòi tách riêng Giáo hội.

Đại ý của 5 điều răn này cho thấy rằng nếu không có Giáo hội cho phép không được tách lìa đoàn. Không được tự ý ra đi sống tách rời chúng Tăng. Người chưa đủ 30 tuổi cũng không được tách xa Giáo hội. Nếu người không có thể sống độc lập tự lo cho phần tâm linh của mình, không tinh tấn, dễ nhiễm trần, không khả năng thuyết pháp giảng đạo đúng với Chánh pháp, không thể hướng dẫn Phật tử tu học với chánh kiến, thì dầu có tu lâu nhiều hạ cũng không được sống tách rời chúng Tăng.

- Trong “Luật Khất sĩ”, đức Tổ sư cũng dạy: “Người mới xuất gia nhập đạo, phải theo thầy, ở chung trong Giáo hội hai năm kế đi tách riêng một mình hai năm nữa; trên bốn năm được thâu một người tập sự; trên sáu năm mới được thâu nhận một đệ tử và một người tập sự; trên 12 năm tách ra đi lập đạo riêng, dạy số đông”.

Đây là thời kỳ đầu tiên, vì nhu cầu hoằng dương Phật pháp và sống rất nghiêm minh giới luật dưới sự dìu dắt của Tổ sư mà còn như vậy, huống chi là thời đại ngày nay. Ở đây, cũng cần giải thích thêm: “phải theo thầy ở chung với Giáo hội hai năm”, nghĩa là phải ở trong chúng làm công quả và học hạnh. “Kế tách đi riêng một mình hai năm nữa” là đi đó đây để học đạo để mở mang kiến thức và đạo lý. “Trên bốn năm được thâu một người tập sự” nghĩa là được phép thay Thầy nhận và hướng dẫn một vị tập sự mới vào tu. “Trên 12 năm tách ra đi lập đạo riêng, dạy số đông” nghĩa là sau 12 năm được phép làm trụ trì dạy đệ tử số đông.

- Trong bộ Chơn lý:

Cũng như ba đời chư Phật, đức Tổ sư luôn chủ trương việc sống chung tu học. Chỉ trong bài Chơn lý “Hòa bình”, Ngài lặp đi lặp lại hơn 30 lần tinh thần sống chung, tu chung, bàn chung, đi chung, học chung,… Ngài viết:

Giữa lúc cõi đời chết khổ, Khất sĩ là chất nhựa sống gắn liền các khối chia rẽ riêng tư; Khất sĩ là con đàng chơn lý võ trụ, đúng theo Trung đạo ánh sáng, không thiên về một bên lề mé; Khất sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng.

Cái sống là đang sống chung.

Cái biết là đang học chung.

Cái linh là đang tu chung.

Cả thảy chúng sanh là Khất sĩ xin học tu chung, tạm sống đổi thay mãi, đi tới hoài, không chỗ nơi an trụ, để tiến tới cảnh toàn giác toàn năng, toàn sống toàn tu, hoàn toàn vắng lặng tự nhiên bất diệt của đạo đức võ trụ .

Lại nữa,

Một phen xuất gia nhập đạo, Khất sĩ không còn trở lại cảnh đời, không đi vào nhà thế, phải nhập chúng Tăng-già, đi đi mãi, giải thoát chỗ ở, không ở một nơi nhứt định. Đạo tràng Giáo hội ấy là cõi Cực Lạc, không còn tiếng khổ, nhờ giới luật bao vây, lập thành cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm. Người người đều cởi bỏ hết phiền não nơi ngoài, vào đó quyết chí cần tu cho đắc quả. Vì vậy, nơi đó đã chọn lọc những bậc hiền nhơn minh triết, sống chung nhau muôn người như một (phép Tăng chẳng lìa đoàn) và nhờ sức oai thần của hiệp chúng mà mỗi người đều tấn hóa rất mau”.

Giáo lý Khất sĩ phải là tiếng chuông cảnh tỉnh ngân nga vang dội, gọi thức quần sanh, kêu khuyên người trí, tiếp độ kẻ hiền. Do đó mà cuộc du hành sau khi giác ngộ sẽ lan dần ra các xứ. Ban đầu đi quanh xứ Việt miền Nam, kế đó lần ra Trung, Bắc cùng khắp cõi Đông Dương nếu con đường thuận tiện. Và Giáo hội sẽ đi với số đông, y như Phật Tăng ngày xưa, đi hành đạo khắp xứ ngoài nữa ”.

các sự tu học giúp ích cho người, cho mình, việc chi thiện lành trong sạch, đều có thể làm được trong khi gặp gỡ. Ấy tức là thật hiện lẽ sống chung tu học, quán xét hạnh phúc của chung, mà xin học lẫn nhau, y theo chơn lý võ trụ và đạo Phật (phận sự của Tăng-già Khất sĩ xuất gia giải thoát đạo Niết-bàn). Đó là sự thực hành pháp giải thoát lý Trung đạo theo Kinh, Luật, Luận; Pháp bảo Tam tạng của từ xưa chư Phật dạy là Nên phải tập sống chung tu học ”.

Trong Chơn lý “Y bát chơn truyền”, đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết:

Thế nên từ xưa đến nay kẻ nào được chơn sư xét xem chọn lựa, trên hai năm kỹ lưỡng, đủ thiện căn phước đức nhân duyên mới chịu dạy truyền cho giáo lý y bát ấy, để tách khỏi xa thầy, một mình đi ra tu học thành công. Thế nên sự được ban truyền y bát rất kỹ lưỡng khó khăn, và kẻ nào thọ lãnh được là vinh hạnh lắm, rồi sẽ nối chí giống hệt Tổ Thầy, nối truyền chơn đạo, nên khắp trời người đều uy tín hy vọng cho kẻ đó sẽ đắc đạo buổi tương lai vậy”.

Như vậy, tinh thần sống chung tu học luôn được khuyến khích, cổ vũ, trường hợp đặc biệt chính đáng mới tách đoàn sống riêng, tuy nhiên phải có sự cho phép, bổ nhiệm, sắp xếp của thầy tổ, giáo hội.

3. Thực trạng Tăng Ni lìa đoàn hiện nay

Việc Tăng Ni, đặc biệt Tăng Ni trẻ tách xa tịnh xá, Tăng chúng, đi cất am cốc, tịnh thất ở tu riêng có thể do một số nguyên nhân như sau:

a. Truyền bá Phật pháp đến nơi chưa có chùa chiền, tịnh xá

Đây là một hình thức khai sơn tạo tự, bước đầu ở những nơi vùng sâu vùng xa hoặc những nơi chưa có chùa chiền, chưa có bóng dáng Tăng sĩ, quần chúng Phật tử nơi đó rất cần Tăng Ni về hướng dẫn, cần nơi về tu tập sinh hoạt tôn giáo, nghe pháp tụng kinh…, và những Tăng Ni phát nguyện dấn thân làm đạo như thế có sự chứng minh, chỉ dạy, cho phép của thầy tổ, giáo hội là điều đáng tán thán, hỗ trợ. Song ở đây, thầy tổ cho phép đệ tử, hay giáo hội cho phép Tăng Ni đi mở đạo không phải để vị ấy đi một mình mà có cho một hai huynh đệ Tăng/Ni cùng đi cùng tu học và làm đạo. Nơi mới này được xem là chi nhánh của tổ đình hay tự viện chính nào đó, nên vị thầy và huynh đệ luôn dõi theo để hỗ trợ giúp đỡ khi khó khăn cần thiết. Đây là nguyên nhân tích cực.

b. Muốn có nơi riêng để chuyên tu theo pháp môn của mình

Có một số Tăng Ni ham tu học, sau khi được thọ học hoặc đã biết rõ pháp môn tu, muốn được có thời gian công phu tu hành hoặc nghiên cứu phiên dịch kinh sách…, vị ấy được sự cho phép của thầy tổ rời Tăng chúng ở riêng một chỗ tu hành. Trường hợp những Tăng Ni này cũng đã được sự cho phép của thầy tổ, và dù ở riêng tu hành, song thầy tổ vẫn có thể theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ thêm cho việc tu hành của vị ấy. Đây cũng là một nguyên nhân tích cực.

c. Vì muốn tự do tu học theo ý của mình mà tách chúng

+ Trường hợp này được xếp vào loại nguyên nhân tiêu cực. Chỉ vì bản ngã, sở thích tự do cá nhân, thiếu tinh thần tự giác, thiếu tinh thần hòa hợp mà tự tách chúng lập cơ sở thờ tự riêng. Phần lớn những vị này thiếu sáng suốt, không có khả năng hướng dẫn Phật tử tu học, cũng có thể có nhiều tuổi hạ, nghĩ mình đã đủ lớn trong nhà đạo, đủ kinh nghiệm tu tập và sống ở đời, nên tự ý tách chúng, mặc cho tổ thầy không cho phép, ngăn chặn, chỉ cho thấy cái nên không nên của việc tách riêng.

+ Trường hợp Tăng Ni sau khi tốt nghiệp các trường Phật học không muốn trở lại tịnh xá của mình. Có 3 nguyên nhân:

- Tịnh xá cũ không tạo được môi trường tu tập tốt cho Tăng Ni trở về. Một khi rời tịnh xá không muốn trở về đó nữa. Hoặc nơi đó không có lối sống lục hòa. Thầy trụ trì không công bằng trong việc đối xử với đệ tử; chúng không có tình thương, thông cảm, tha thứ, dìu dắt nhau tu học.

- Tịnh xá cũ không có điều kiện tu tập tốt. Hoặc đệ tử muốn có pháp môn tu tập nhất định như thiền tập, nhưng tịnh xá cũ chỉ chú trọng niệm Phật, giảng pháp, từ thiện, làm kinh tế… Hoặc ngược lại đệ tử muốn thuyết giảng kinh pháp niệm Phật, làm từ thiện… nhưng tịnh xá cũ, thầy trụ trì chỉ chủ trương thiền tập…

- Vị ấy thích tự do theo lối sống của mình đã được nghe. Dù đã được đi học, được nghe chư Tôn đức Giáo thọ giảng dạy, đã đọc biết bao nhiêu là kinh, luật, luận, biết rõ ưu điểm của việc sống chung tu học nhưng vị ấy vẫn đi theo tiếng gọi của tự ngã.

4. Giải pháp giữ lại giềng mối sống chung tu học của Tăng đoàn và niềm tin của quần chúng

a. Rất cần thiết luật định của Giáo hội, Ban Chứng minh Giáo đoàn, Hệ phái

Thiết nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay cần có một số luật định tương thích trong việc bổ nhiệm trụ trì, sắp xếp Tăng Ni đi hành đạo xét theo các tiêu chuẩn:

- Bao nhiêu hạ là phù hợp.

- Có năng lực hành đạo, hướng dẫn Phật tử, dạy dỗ đệ tử.

- Đầy đủ giới hạnh chưa.

- Vốn kiến thức chánh pháp.

- Kinh nghiệm tu tập.

- Đã thông qua bổn sư, thầy tổ, Ban Chứng minh giáo đoàn, Hệ phái.

- Nơi đến phải là nơi quần chúng Phật tử cần một già lam thật sự

b. Cần nhìn lại đường lối tu học của mình

Không nên quá chủ quan, các vị trụ trì nên nhìn lại đường lối tu học của tịnh xá mình có đúng với lời Phật dạy, với tông chỉ của tổ thầy, Hệ phái không. Nếu thấy chưa đúng, cần phải khắc phục, chỉnh sửa ngay. Nếu không như vậy, việc các Tăng Ni rời tịnh xá đi học không trở về, vị trụ trì cũng như Tăng chúng đạo tràng ấy cũng phải lãnh phần trách nhiệm.

c. Nâng cao tinh thần "sống chung tu học"

Vị trụ trì hoặc các vị trong hàng ngũ lãnh đạo tịnh xá phải làm thế nào để Tăng Ni thấy sự lợi ích của việc sống chung tu học làm thăng tiến tâm linh, thân tâm an lạc, từ đó Tăng Ni huynh đệ, đệ tử trong nội viện thấy cuộc đời tu hành trong giáo hội đoàn thể, cùng Tăng chúng thật sự có ý nghĩa, hợp với lẽ đạo.

5. Lời kết

Thật ra, phần lớn Tăng chúng đều công nhận giá trị của việc sống chung tu học. Tổ Thầy vẫn thường bảo: “Phước chúng như hải”. Khi sống trong hội chúng, năng lượng tu tập của đại chúng sẽ hỗ trợ cho chúng ta bớt đi tính giải đãi buông lung, tiếp thêm nguồn lực tinh tấn để vượt qua những phiền não, chướng ngại, thử thách của cá nhân. Lại nữa, sống trong chúng, chúng ta có cơ hội trui rèn tâm kiên trì, nhẫn nhục, bào mòn bớt đi cái tôi, tạo điều kiện để chúng ta lập thêm nền tảng công đức.

Tuy nhiên, hiện trạng ngày nay, Tăng Ni hoặc lên tiếng hoặc lặng lẽ tách tịnh xá, xa thầy, rời đoàn thể tự cất am cốc tịnh tu, hoặc thành lập cơ sở tự viện mới không có sự đồng ý, chứng minh của thầy tổ, bậc trên trước, chính do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà người viết đã trình bày ở trên.

Để nỗi trăn trở của các bậc thầy, chư Tôn đức được giải tỏa cũng như giúp cho Tăng Ni vững chí tu hành, xây dựng một Tăng đoàn vững chãi không bị thối giảm bởi tình trạng xé lẻ, thiếu tinh thần hòa hợp, một vài giải pháp con xin được trình bạch. Ngưỡng mong chư Tôn đức Tăng Ni chứng minh và hoan hỷ cho những thiển cận sai sót của con.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.