Tinh thần tu tập của người khất sĩ và vấn nạn kinh tế trong tịnh xá hiện nay

NTHiep

Kính bạch đại chúng,

Trên tinh thần chỉ đạo của chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái, khóa Bồi dưỡng trụ trì kỳ này xoay quanh chủ đề “Đường lối Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang và những giải pháp thực tiễn đối với hiện trạng Tăng Ni Khất sĩ ngày nay”, đây là một chủ đề lớn và bao hàm toàn bộ giáo pháp Khất sĩ như tinh thần “Sống chung tu học”, tinh thần “Giới Định Tuệ”, tinh thần “Văn Tư Tu”, tinh thần “Nhất thừa”, tinh thần “Khất sĩ”,…Chính vì chủ đề quá rộng lớn như thế, thời gian lại giới hạn, và cũng như khả năng hạn chế của bản thân nên con trò chỉ xin được trình bày một phần nhỏ trong chủ đề mà thôi. Để hiểu hơn về tinh thần Khất sĩ của đức Tổ sư,con trò xin được trình bày quan điểm của mình vềvấn đề này, đồng thời qua đó chúng ta thấy được pháp tu và những giải pháp khắc phục cho hiện trạng Tăng Ni Khất sĩ ngày nay mà đức Tổ sư đã chỉ dạy từ lâu. Thật ra, khi đem áp dụng những lời dạy của chư Phật, chư Tổ vào cuộc sống thường nhật thì đã là phương cách khắc phục hiệu quả rồi. Đây cũng chính là cách mà đứcTổ sư đã sử dụng trên con đường hành đạo và kiến lập giáo pháp Khất sĩ.

HTThienNhon 6

Như đại chúng đã biết, Khất sĩ làmột thuật ngữ khá phổ biến trong thời Phật tại tiền, và là một trong ba đặc tính của vị Tỷ-kheo (khất sĩ, bố ma và phá ác). Cho nên đôi khivị Tỷ-kheo cũng được gọi là vị Khất sĩ. Đến thế kỷ 20, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã sử dụng thuật ngữ này để chỉ cho những người tu theo con đường của Ngài. Vì thế nội hàm của thuật ngữ Khất sĩ sẽ ảnh hiện cho chúng ta thấy một phần nào đó của tinh thần tu học người Khất sĩ. Để hiểu được vấn đề này chúng ta cần nghe lại lời định nghĩa về thuật ngữ Khất sĩ của Ngài.

Trong Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, đức Tổ sư Minh Đăng Quang định nghĩa: “Khất là xin, sĩ là học”. Và sau đó Ngài tiếp tục giải thích cho ta thấy rõ hơn về vấn đề: “Khất sĩ là học trò khó xin ăn, tìm học pháp lý giải khổ cho mình và tất cả, để tu tập hành theo cho kết quả. Khất sĩ theo với hết thảy, học với hết thảy, mục đích toàn giác toàn năng, không riêng tư phân biệt ai ai.”

Qua định nghĩa ấy, chúng ta có thể nhận ra tinh thần tu học của người Khất sĩ là để đạt đến mục đích toàn giác toàn năng. Vì thế, pháp nào có khả năng dẫn đến sự giác ngộ đều là pháp mà người Khất sĩ cần phải học và tu, và đặc biệt là không có sự phân biệt pháp ấy thuộc truyền thống nào. Đây chính là điều mà chúng ta cần lưu tâm để tránh đi vào con đường chấp thủ để rồi phải rơi vào vòng ý thức hệ,làm cản trở tiến độ thăng tiến tâm linh của mình, và cũng là điều mà chúng ta cần thẩm thấu thông qua lời dạy của Ngài. Để rõ hơn chúng ta thử tìm hiểu một vài tinh thần tu học thông qua định nghĩa này:

1. Tinh thần khiêm cung

Như đã trình bày ở trên, Khất sĩ là người học trò khó, đi xin ăn để tu học với mục đích hướng đến sự giác ngộ giải thoát, hay nói cách khác là xin vật chất để nuôi thân và xin pháp lý để giải khổ cho mình và cho mọi người. Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy ở đây: đức Tổ sư đã khẳng định người Khất sĩ là một người học trò khó đi xin ăn để tu học. Mà đã là người học trò đang lo tìm học pháp lý để giải khổ thì có gì đáng để tự hào mà sanh tâm cống cao ngã mạn, dù ở khía cạnh vật chất hay tinh thần. Bởi người học trò là bước đầu của nấc thang tri thức, là hành trang để bước trên con đường tiến hóa tâm thức. Đã là bước đầu thì còn phải tìm học nhiều nên đức Tổ sư mới dạy là người Khất sĩ phải theo học với hết thảy, dù cỏ cây thú người…, học cho đến khi nào đạt đến địa vị toàn giác toàn năng, và đặc biệt hơn là việc học này không có sự phân biệt đối tượng mà mình cần phải học, vìmỗi đối tượng đều có những bài học bổ ích cho cá nhân của vị Khất sĩ trên đạo lộ tiến hóa và đạt đến quả vị giác ngộ. Điều này được đức Tổ sư minh họa trong quyển Đạo Phật Khất Sĩ: “Khất sĩ là đang học pháp Phật, mà cũng như là đang học với các giáo lý khác, học chung với các pháp trong võ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc…”

Hay như “Khất sĩ xin học với tất cả lẽ phải nên, và xin theo với tất cả sự ích lợi, mãi mãi cho đến trọn đời, chẳng một nơi bỏ sót. Khất sĩ không ta, không của ta, chẳng tự cao chia rẽ, cùng tự xưng mình dạy người hơn ai bằng lời nói, hoặc chỗ ngồi cao, địa vị lớn. Khất sĩ thường lặng thinh và không tranh luận, gọi mình là trò với tất cả”.

Như vậy chúng ta có thể thấy từ hình ảnhhọc với các giáo lý khác, học các pháp trong vũ trụ hay như học trọn đời cho đến chẳng một nơi bỏ sót, cùng hình ảnh chẳng tự cao chia rẽ, và đặc biệt là cách xưng hô “gọi mình là trò với tất cả” đã nói lên tinh thần khiêm cung của người Khất sĩ. Cho nên trong quyển Đạo Phật Khất Sĩ, đức Tổ sư cũng có dạy “Ai ai cũng là thầy chung của Khất sĩ” là vậy. Tinh thần ấy cũng được các đức Thầy tiếp nối và luôn được thể hiện qua lời dạy đối với chúng đệ tử, như đức Thầy Giác An, vị khai lập Giáo đoàn III, luôn chỉ dạy chúng con trò như thế. Tinh thần khiêm cung này đã trợ duyên cho con đường kiến lập và hành đạo của Tổ Thầy được thuận duyên và thành tựu viên mãn hơn. Điều này chúng ta có thể thấy qua những hình ảnh thực tế trong cuộc sống, như chỗ nào trũng thấp, nước sẽ chảy về và đọng lại, cũng như thế vị Khất sĩ không có tâm khiêm cung, không thể nào tiếp nhận các bài học hay để tiến hóa trên hành trình tìm về bến giác. Hơn thế nữa, chính tinh thần khiêm cung này sẽ làm nhân cho lộ trình tu tập để bào mòn tâm cống cao ngã mạn và đoạn trừ bản ngã chấp ta, để thành tựu đạo nghiệp.

2. Tinh thần vô ngã vị tha

Như con trò vừa đề cập về tinh thần khiêm cung làm nhân cho con đường tu tập đoạn trừ bản ngã chấp ta. Bởi khi đức hạnh khiêm cung hiện hữu, tâm cống cao ngã mạn sẽ vắng đi; cũng như thế, khi ánh sáng khiêm cung soi chiếu tới đâu, bóng tối kiêu mạn bị xua tan, lu mờ và ẩn khuất tới đó. Cho nên đức Tổ sư đã dạy: “Khất sĩ không ta, không của ta, chẳng tự cao chia rẽ, cùng tự xưng mình dạy người hơn ai bằng lời nói, hoặc chỗ ngồi cao, địa vị lớn”. Và muốn không ta, không của ta để hiện thực hóa tinh thần vô ngã vị tha, người Khất sĩ cần phải huân tu từ lời nói, việc làm và cả trong nếp sốngnghĩ. Hình ảnh không chia rẽ, không xem tự ngã mình là trung tâm được hình thành qua sự huân tu của thân hành bằng những việc làm như không nghĩ mình hơn người và chỉ dạy người, dù bằng lời nói hay hành động, hay thích ngồi chỗ cao trên trước người… Chính những thân hành ấy sẽ cụ thể hóa việc bào mòn lòng tự cao dốt nát, mới có thể đi đến tinh thần Khất sĩ không ta, không của ta được. Cho nên đức Tổ sư mới giáo huấn: “Nếu là kẻ thật học thì phải ra người khất sĩ khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ, vừa là tự mình đi tới và dắt lần những kẻ khác cùng theo cho đúng theo lẽ trước sau, thời gian khách tạm, vô thường vô ngã”. Chính tinh thần Khất sĩ mới giúp chúng ta làm tăng trưởng đức hạnh khiêm cung, hạ lòng tự cao dốt nát, mới có thể vứt bỏ cái ta được, mới có thể trau dồivà phát triển tâm giác, mới có thể hy sinh cái ích kỷ cá nhân để lo cho mọi người, lo cho đạo pháp, lo cho sự tồn vong của chánh pháp Thế Tôn; bằng không chính cái tâm kiêu mạn, cái tâm vị kỷ chỉ biết tự ngã riêng mình ấy sẽ giết hại và làm lu mờ chánh pháp. Cho nên có thể nói chính cái tâm ngã mạn, vị kỷ cá nhân như là những con trùng đang sống và phát triển trên thân mình con sư tử và đến một lúc nào đó nó sẽ giết chết con sư tử. Hình ảnh “sư tử trùng thực sư tử nhục” đang hiện hữu và ngày một gia tăng nên các Ngài mới đề cập đến giải pháp thực tế cho hiện trạng Tăng Ni Khất sĩ ngày nay. Vì thế việc diệt trừ những mầm trùng như tư kỷ, ngã mạn… là điều cần thiết trong quá trình tu tập, và cũng là đặc tính thiết yếu trong tinh thần Khất sĩ. Trong Chơn lý “Khất Sĩ”, đức Tổ sư nói: “Giáo lý ăn xin để dứt bỏ cái ta độc ác khổ não mà sống theo lẽ vô thường, tiến hóa như vầy: ta sống giúp cho tất cả và tất cả sống giúp cho ta, như là một thân thể to lớn liền lạc, như bàn tay làm việc chùi lau cho cả cơ thể, chớ nó không tự rờ rẫm săn sóc lấy nó được…”. Ở đây đức Tổ sư đã nói rất rõ ràng khi nào dứt bỏ được cái ta độc ác thì mới có thể sống an vui trên sự vô thường, mới có thể hy sinh tự thân, lo cho mọi người mọi loài, mới có thể lo cho sự tồn vong của đạo pháp được. Như vậy, tinh thần vô ngã làm nền tảng cho lối sống, cho tinh thần “ta sống cho tất cả và tất cả sống cho ta”. Điều này cũng được đức Tổ sư khắc họa qua tinh thần Khất sĩ như con trò vừa đề cập.

3. Tinh thần Văn –Tư –Tu

Văn Tư Tu là một trong những tinh thần, pháp tu thiết yếu trong giáo pháp nhà Phật; vì thế hẳn nhiên trong tinh thần Khất sĩ cũng có nội hàm này. Điều này đã được khắc họa qua định nghĩa vềthuật ngữ Khất sĩ. Trong định nghĩa đức Tổ sư đã nói là hãy “Tìm học pháp lý giải khổ cho mình và tất cả, để tu tập hành theo cho kết quả. Khất sĩ theo với hết thảy, học với hết thảy, mục đích toàn giác toàn năng, không riêng tư phân biệt ai ai”. Hình ảnh theo học pháp lý đã hàm chứa tinh thần “Văn” trong đó rồi; bởi trong KinhTăng Chi, đức Phật có dạy con đường hình thành chánh kiến là trước phải thân cận bậc Chân nhân để nghe học pháp và sau đó tư duy theo hướng như lý; còn trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, đức Phật cũng dạy nhận pháp giáo hóa và bên trong tư duy chỉ quán. Cho nên việc tìm học pháp lý là đã hiện thực hóa tinh thần “Văn”. Sau khi nghe rồi, hãy tư duy như lý và đem ứng dụng vào cuộc sống. Ở đây, tinh thần “Tư” không được đức Tổ sư đề cập rõ ràngmà chỉ lướt qua để đi thẳng vào vấn đề chính yếu đó là tu tập, và điều này cũng đã thể hiện chủ trương “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, nghĩa là nhấn mạnh đến yếu tố hành trì chứ không phải chỉ tư duy và nói suông thôi.Bởi nếu tư duy không đúng lộ trình, không theo hướng như lý, việc tu tập có kết quả toàn giác toàn năng là điềukhông thể xảy ra được.Vì thế muốn được kết quả ấy là phải có tư duy như lý, phải có sự tu tập mới mong đạt đến sự giác ngộ toàn vẹn như thế, bằng không kết quả vẫn chỉlà đau khổ và não phiền triền miên mà thôi. Từ đó, chúng ta có thể thấy tinh thần Khất sĩ đã ẩn chứa pháp tu “Văn Tư Tu” trong ấy rồi.

4. Tinh thần phá ma và bố ác

Phá ma và bố ác là hai đặc tính của vị Tỷ-kheo. Chúng hợp với đặc tính Khất sĩ để trở thành nghĩa Tỷ-kheo, nhưng trong lời dạy của đức Tổ sư thì có sự biến chuyển, đó là Khất sĩ bằng với Tỷ-kheo, và gồm thâu luôn hai đặc tính phá ma và bố ác, nghĩa là cả ba cùng hiện hữu trong Khất sĩ. Đây là một góc nhìn khá lý thú trong cách giải thích của đức Tổ sư. Bởi theo nguyên nghĩa, Khất sĩ chỉ đơn thuần là việc đi xin mà thôi. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật mới nói:

“Chỉ khất thực nhờ người,

Ðâu phải là Tỷ kheo!

Phải theo pháp toàn diện,

Khất sĩ không, không đủ”.

Nghĩa là đặc tính đi xin hay Khất sĩ chỉ là một phần của Tỷ-kheo, chứ chưa có phá ma và bố ác, nhưng ở đây đức Tổ sư đã nêu lên góc nhìn mới và định nghĩa lại thuật ngữ Khất sĩ là phải có phá ma và bố ác. Điều này được đức Tổ sư đề cập trong Chơn lý “Y Bát Chơn Truyền”: “Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý phải cho trọn lành trong sạch…”; hay như trong điều 70 và 71 của 114 điều răn, đức Tổ sư cũng nói rất rõ: “Cấm người xuất gia mà còn tham lam, sân giận, si mê và mắt tai mũi lưỡi thân ý không trong sạch (như kẻ thế)”; tức là các căn phải luôn được phòng hộ và luôn được trọn lành trong sạch, hay nói cách khác các lậu hoặc não phiền không còn hiện hữu nơi vị Khất sĩ nữa, được như thế mới xứng danh là vị Khất sĩ. Hình ảnh này cũng được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong Kinh tạng, điển hình như Phẩm Hỏa diệt trong Tăng Nhất A-hàm, đức Phật dạy người mà không phòng hộ các căn, để lục trần chi phối dẫn dắt lôi kéo đi trong bụi trần, lại cứ tự nhận mình là Sa-môn cũng giống như con lừa đi theo đàn bò và tự nhận là bò nhưng chẳng có chi phần nào giống bò cả. Cũng như thế, Sa-môn chẳng có phạm hạnh, chẳng phòng hộ 6 căn cũng chỉ có hình tướng và tự nhận là Sa-môn chứ chẳng phải Sa-môn, chính là hình ảnh người giống lừa này vậy. Và tinh thần này lại được đức Tổ sư thể hiện một cách nhất quán và đôi khi có sự nhấn mạnh hơn như trong Chơn Lý “Khất Sĩ”, có viết: “Ngoài khất sĩ ra không có pháp nào thứ hai để diệt tham sân si được. Mà nếu tham sân si không diệt thì người ta với cỏ cây thú có khác chi nhau…”. Ở đây, đức Tổ sư đã khẳng định rất rõ ràng, Khất sĩ là phải có đủ khả năng đoạn trừ tham sân si để đạt đến Niết-bàn bằng không chỉ là khất cái, và Ngài phê phán rất nặng lời bằng sự so sánh việc không trừ diệt tam độc của chúng ta như là cỏ cây và thú, hay như người con trẻ nhỏ nhít hẹp hòi, thơ dại và ngu muội chứ chẳng khác chi cả. Cho nên trong tinh thần Khất sĩ của đức Tổ sư đã hiện hữu nội hàm đoạn trừ các điều ác bất thiện pháp và khiến cho chúng ma phải khiếp đảm run sợ. Điều này cho chúng ta thấy Khất sĩ của đức Tổ sư chính là hình ảnh Tỷ-kheo hay Sa-môn Khất sĩ như lời đức Thế Tôn đã chỉ dạy trong câu Kinh Pháp Cú, số 265:

“Ai lắng dịu hoàn toàn,

Các điều ác lớn nhỏ,

Vì lắng dịu ác pháp,

Ðược gọi là Sa-môn”.

Được như vậy mới có thể làm hiển bày dòng giống Phật, mới chấn nhiếp được ma quân, thật xứng danh là Sa-môn Khất sĩ, mới đúng với ý nghĩa và tinh thần Khất sĩ của Ngài.

5. Tinh thần Khất sĩ với vấn đề kinh tế

Như đã đề cập, giải pháp hữu hiệu nhất cho mọi vấn nạn vẫn là đem những lời dạy của chư Phật chư Tổ vào cuộc sống thường nhật, bởi khi hành trì rồi, những vấn nạn sẽ bị ẩn khuất và những mầm mống “sư tử trùng” cũng sẽ không có cơ hội để hiện hữu cùng phát triển. Tuy nhiên theo sự phát triển của thời gian thì những vấn nạn đã phát sinh và chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào thực trạng đó để có những giải pháp hữu hiệu nhất. Vậy thực trạng đó là gì? Chẳng hạn như nghiện facebook, nghiện games, học với tinh thần phong trào, chỉ lo kinh tế, chỉ lo phát triển về danh và lợi…., và rất nhiều duyên chi phối làm ảnh hưởng đến vấn đề hành trì, gìn giữ và phát triển Bồ-đề tâm của người Khất sĩ. Dù nhiều như thế nhưng ở đây trong phạm vi người trụ trì nên con trò chỉ xin đề cập đến phương tiện hay vấn đề kinh tế của người Khất sĩ, bởi duyên này tác động và ảnh hưởng rất lớn đến con đường tu tập cùng phong thái của vị Sa-môn Khất sĩ trên con đường hành đạo.

Kinh tế là một trong những phương tiện cần thiết cho sự phát triển của ngôi đạo tràng tịnh xá, nhưng nếu không làm chủ được, nó cũng là cái duyên đưa đến sự hủy hoại và đánh mất đi lý tưởng của người xuất gia. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải lưu tâm hơn về điều này, bằng không chúng ta sẽ lấy phương tiện làm mục đích,chắc chắn hình ảnh Sa-môn Khất sĩ sẽ bị lu mờ và đi ngược lại truyền thống mà đức Tổ sư đã chỉ dạy. Truyền thống cao đẹp ấy được tiếp nối từ đức Thế Tôn và Tăng đoàn của Ngài, hình ảnh du Tăng Khất sĩ rày đây mai đó và không một tài sản có giá trị dính túi, ngoài những vật dụng thiết yếu của người xuất gia Khất sĩ như y bát, dao cạo, tọa cụ…Điều này được minh họa qua cuộc đời hành đạo của đức Tổ sư và những lời khuyên dạy đối với chúng đệ tử còn lưu lại như trong bộ Chơn lý hay 114 điều răn chẳng hạn. Ngày nay chúng ta cần phải thấy rõ chủ trương không nặng về kinh tế mà chỉ chuyên lo tu tập của Tổ Thầy, để từ đókhông đi quá xa đối với truyền thống; bởi ngày nay đã có một số tự viện đã lấy phương tiện kinh tế, cơ sở tự viện làm mục tiêu phấn đấu hay mục đích cho cuộc đời xuất gia, nên phần nào đó đã đánh mất truyền thống cao đẹp của Tổ Thầy. Hình ảnh đánh đồng giữa phương tiện với mục đích lý tưởng xuất gia chính là nguyên nhân đưa đến việcxa dần với đường lối truyền thống vàtạo nên nhiều cỏ rác để che phủ giá trị cao đẹp mà Tổ Thầy đã kiến lập. Điều này được minh họa qua những hình ảnh thực tế như chạy theo phong trào xây dựng cho quy mô nhưng tự thân đạo tràng không có nhu cầu, không có thời khóa ổn định cho Tăng Ni tu tập, không có Phật tử theo tu học Bát quan trai, khóa tu 1 ngày hay nhiều ngày…, để rồi dẫn đến việckhông sử dụng và bỏ phế chúng. Những hình ảnh như thế chẳng phải là đã lấy phương tiện làm mục đích hay sao? Và khi nhìn xa hơn một chút là để có được tài chánh cho công việc xây dựng như thế thì nguồn vốn đó từ đâu mà có? Phải chăng chúng ta phải lo làm kinh tế, kêu gọi hay vay mượn…? Vậy khi đạo tràng được trang nghiêm theonhững cách làm đó, có hợp với lẽ đạo, hợp với đường lối cùng những lời dạy của Tổ Thầy hay không?

Trong điều răn thứ 6 của 114 điều, đức Tổ sư có dạy: “Cấm khất sĩ y bát làm việc nông, công, thương và binh”. Vậy người Khất sĩ chỉ đầu tư thời gian vào vấn đề kinh tế, danh lợi và quyền uy đều bị Ngài quở trách và không cho phép. Xa hơn nữa, khi đầu tư vào những công việc đó, thời gian đâu để tu tập, để nghiên cứu giáo pháp, để hoàn thiện vấn đề nhận thức nhằm khỏi đi sai lạc với chánh pháp, với đường lối của Tổ Thầy. Chính việc thiếu thời gian tu học nên tham sân si không thể đoạn trừ, và vô tình ta dưỡng nuôi, cung phụng cho những sư tử trùng mà không hề hay biết. Cho nên đức Tổ sư mới dạy hạnh khất thực là để làm cớ hóa duyên và khuyên nhắc người, cũng như để có thời gian cho việc tu học như trong Chơn lý “Khất Sĩ”, Tổ viết: “Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh thần phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy”, hay trong một đoạn khác, Ngài lại nói: “Sự xin ấy có khác hơn thú cỏ cây là xin để trau tâm dồi trí học hành, xác thân bỏ quên không lòng mến tiếc, chớ chẳng phải là sự tô đắp nung dồi sắc thịt huyễn ngã không công”.

Như thế, rõ ràng đức Tổ sư đã nhấn mạnh đến khía cạnh tu học và giáo hóa nhân sinh, chứ không phải chỉ biết lo tạo ra kinh tế vật chất và dính kẹt trong đó. Khi đề cập đến kinh tế cũng không có nghĩa là chỉ cho vấn đề làm nông, công và thương thôi, mà ở đây còn hiện hữu với nhiều góc độ khác như kêu gọi vận động, kết giao làm thân quyến…, với mục đích là đem lại lợi lộc cá nhân và làm tăng nguồn kinh tế. Ở khía cạnh này, đức Tổ sư cũng không cho phép như Ngài dạy trong Chơn lý “Khất Sĩ” đã đề cập đến hình ảnh “biết xin tự người cho”, tức là tu học như thế nào để mọi người kính mến và phát tâm tự đem đến dâng cúng, xây dựng đạo tràng Tam bảo, chứ không phải vận động và đưa người vào thế bắt buộc phải cúng dường và khiến cho họ dần mất tín tâm đối với Tam bảo. Đây cũng là một phần của nội dung lời dạy thứ 49 trong 114 điều răn: “Cấm xin xỏ cư gia thái quá”, bởi đối với Ngài,việc đi xin là nhằm “vất bỏ cái tham, sân, si, ái dục để làm ruộng phước cho mọi người gieo trồng giống Phật” chứ đâu phải để bá tánh nghèo túng và lo sợ khi nhìn thấy hình bóng người xuất gia. Thế thì làm sao vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi được. Không những thế, việc xin này còn được biểu hiện qua việc kết giao thân quyến. Khi xuất gia từ bỏ gia đình, kể cả cha mẹ, nhưng vào tu rồi lại tạo ra mối liên hệ thân quyến mới, bằng cách kết giao làm cha mẹ nuôi, anh chị em nuôi…, như thế thì việc xuất gia của ta có đúng với lý tưởng không hay chỉ vì mục đích lợi dưỡng kinh tế. Làm như thế chúng ta có lỗi với cha mẹ thân quyến trong gia tộc mà mình đã dứt áo ra đi trong truyền thống Sa-môn Khất sĩ không? Chính vì vậy mà đức Tổ sư đã răn trong điều thứ 60 và 63 rằng: “Cấm xuất gia mà còn tình nghĩa bạn bè với kẻ thế, cho đến Tăng chúng quyến luyến với nhau”(60) và “Cấmxuất gia rồi mà còn nhìn nhận thân quyến xã hội, gia đình tư riêng, không đặng hiệp đoàn (63)”. Như vậy, chúng ta có thể thấydù dưới hình thức nào nhưng với mục đích để được lợi dưỡng đều rơi vào mầm bệnh cả, đều là điều không được phép làm trong lời khuyên dạy của Tổ Thầy. Và tất cả những mầm bệnh này phát sinh từ đâu, có phải chăng do ta thiếu tu tập, thiếu định hướng từ ban đầu? Vì vậy, việc ứng dụng lời dạy của chư Phật chư Tổ vẫn là giải pháp hữu hiệu cho mọi vấn nạn. Bên cạnh đó cũng cần phải làm tốt trách nhiệm của tự thân như thầy thì phải có trách nhiệm giáo dưỡng và hướng đạo đối với người đệ tử, để giúp cho đệ tử biết rõ pháp tu và đường lối của Tổ Thầy. Tuy đây chỉ là con đường gia giáo nhưng lại là nền tảng cho hệ thống giáo dụcvà cho sự tồn vong của đạo pháp, cổ nhân cũng thường hay nói “giáo bất nghiêm Sư chi đọa” là thế. Đồng thời người thầy cũng phải tự trang bị cho mình nội lực vững vàng để mình đi không bị lạc đường và dẫn dắt đệ tử, đồ chúng cũng sẽ không bị lạc lối, bằng không cả thầy và trò đều rơi vào bóng tối, đều bị dục sai sử và dần tự biến mình thành khất cái.

Kính bạch chư Tôn đức lãnh đạo cùng đại chúng,

Trên đây là góc nhìn của con trò về tinh thần tu tập của người Khất sĩ và vấn đề kinh tế đối với người xuất gia ngày nay. Trong quá trình con trò trình bày quan điểm của mình có gì khiếm khuyết và không đúng đường lối củaTổ Thầy, kính mong quý Ngài bi mẫn chỉ dạy để con trò được hỏi hỏi và hoàn thiện về cái nhìn trong giáo pháp Tổ Thầy. Cuối cùng con trò xin đảnh lễ tri ân và kính chúc chư Tôn Hòa thượng chứng minh và chư Tôn đức, quí Ni trưởng, Ni sư và đại chúng sức khỏe khinh an, chúng sanh dị độ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ni trưởng Hiệp Liên

Trưởng Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III