Tình Thầy

sentrang

Mỗi người chúng ta được hiện hữu trên thế gian này đều là nhờ công ơn sâu dày của cha mẹ. Sanh ra và nuôi dưỡng thân này đã là khó nhọc, nhưng điều quan trọng hơn là giới thân huệ mạng của chúng ta được trau dồi như thế nào đều là nhờ ơn giáo dưỡng của các bậc thầy. Ân tình ấy thật không có bút mực nào diễn tả được.

Thời gian dầu bạc mái đầu

Tim con vẫn tạc đậm câu ơn Thầy.

Đối với cha mẹ, chúng ta mang ơn nặng như trời biển, vì nếu không có cha mẹ thì làm sao có thân ta và không nhờ hai đấng sanh thành nuôi dưỡng làm sao ta trưởng thành, để bây giờ trở thành người xuất gia.

Ân cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.

Với cha mẹ, ta có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò ta có mối tương quan về tâm linh. Đã là người xuất gia, ân thầy đối với ta nghĩa cao như núi, tình sâu như đại dương. Thầy được xem là người cha thứ hai trong cuộc sống như trong tiếng gọi “Sư phụ” vô cùng thiêng liêng mà chúng ta thường gọi người thầy trong đạo. Người thầy phải mang hai trọng trách nặng nề, vừa phải làm thầy, vừa lại làm cha. Chính vì vậy, người thầy ngày đêm phải suy nghĩ, tận tâm tận lực để lo cho ta. Thầy dạy cho ta những phương pháp tu hành để trở thành người đạo đức, để thăng hoa đời sống tâm linh.

Giữa phong ba bão táp của cuộc đời, thầy là người sẵn sàng giang hai tay rộng lớn để tiếp nhận ta. Trong con đường tu tập đầy chông gai, thầy là người gần gũi, quan sát, bảo bọc, dẫn dắt và che chở cho ta mọi lúc mọi nơi. Khi bước chân vào đạo, tất cả huynh đệ chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được tình thương của những bậc Thầy dành cho đệ tử bao la rộng lớn, tình cảm ấy không bao giờ hạn hẹp bởi thời gian và không gian. Mỗi khi chúng ta đau, thầy giống như người mẹ hiền lo cho ta từng viên thuốc, miếng ăn, giấc ngủ. Thầy may cho ta từng bộ quần áo, tấm y. Thầy không chỉ lo cơm ăn áo mặc mà còn lo hoàn thiện nhân cách đạo đức cho ta. Thầy luôn ẩn mình đứng sau nâng đỡ và truyền trao sức mạnh khi ta bị vấp ngã nản lòng để ta đứng dậy và trưởng thành hơn. Những lúc ta sai lầm ngang bướng, thầy luôn từ bi, khoan dung và sẵn lòng tha thứ, luôn khai đường mở lối, dẫn dắt ta trở về con đường chánh đạo và chuyển hóa nội tâm. Thầy đã thắp sáng cho ta bao ước mơ trở thành một vị tu sĩ chân chánh. Thầy luôn chắp cánh cho ta để ta bay vào bầu trời đạo pháp, giúp ta nhận ra những gì đúng, sai và tiếp tục thăng hoa trên con đường đã chọn.

Thầy là trăng rằm sáng tỏ,

Là núi cả hiện ngang,

Là dòng suối ngọt ngào,

Là kho tàng tình thương bất tận.

Thật vậy, “một chữ Thầy đã bao hàm hai bên đời – đạo, một tiếng ân gói trọn những thâm tình”. Thầy là tất cả đối với ta, công ơn của thầy lớn lao vô kể, khó có thể đền đáp cho vừa.

Vì vậy, người đệ tử chúng ta cần phải làm những gì xứng đáng để đền đáp công ơn Thầy ngay trong hiện tại khi được sống gần thầy. Nếu như ta muốn vuông tròn đạo hạnh của mình, cần phải nghĩ nhớ đến những ân tình mà thầy đã giành cho ta.

Ta cần phải quan tâm, chăm sóc, phụ giúp, đỡ đần thầy trong những công việc chấp tác hằng ngày ở tịnh xá, với khả năng của mình. Những việc gì thầy không vừa ý, không ứng thuận, ta nên tùy thuận, không nên để thầy phiền lòng. Như lời đức Tổ sư đã dạy:

Bước đầu bổn phận làm trò,

Cả thân tâm ý dâng cho người thầy.

Mặc người uốn nắn chuyển xoay,

Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng.

Qua lời dạy ấy, đã có huynh đệ nào chấp nhận giao tâm ý của mình cho thầy chưa? Hay là vẫn giữ khư khư cái “ta” của mình, nhiều lúc làm những việc trái ý nghịch lòng thầy, để thầy mình phải buồn, phải phiền. Rồi một ngày không xa chúng ta phải ân hận, khi ấy sẽ không còn kịp nữa.

Chúng ta là nhưng người hậu học, sơ cơ, cần phải trao trọn cả thân tâm ý cho người thầy để thầy uốn nắn ta thành người hữu dụng. Nhất cử nhất động đều phải theo thầy. Thầy quở phạt rầy la khi ta có lỗi, phải chú tâm lắng nghe, để chiêm nghiệm lỗi mà trau sửa lấy mình, và cầu xin sám hối. Chúng ta phải tinh tấn tu học, giữ gìn giới luật trang nghiêm, giữ gìn nếp sống đạo hạnh, sống với tinh thần kính trên nhường dưới, thuận hòa trong huynh đệ, đối xử với mọi người bằng tâm từ bi và hỷ xả, kham nhẫn những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng. Đã là người lìa bỏ gia đình quyết sống trong thiền môn, ta phải xem thầy như cha mẹ, huynh đệ tứ phương như chị em. Sống tốt cho mình và sống vì mọi người là làm cho thầy vui rồi.

Chúng ta cần phải tự lập trong mọi mặt của cuộc sống khi xa thầy. Chính những lúc này ta mới cảm nhận sâu sắc ân tình của thầy. Thầy thường nhắc chúng ta phải đem những giáo lý của Phật áp dụng vào đời sống tu tập của mình, từ đó mới hóa giải những phiền não chất chứa trong lòng, đem an lạc cho chính mình và cho tha nhân. Có như vậy chúng ta mới mong xứng đáng là dòng Thích tử, làm cho ngọn đèn Chánh pháp được lưu truyền mãi mãi.

Tình thương của một người thầy dành cho trò là tình cảm bao la như đại dương vô điều kiện, không vụ lợi. Ni trưởng Đệ nhất đã dạy:

“Ân Thầy Tổ vô biên khó tả,

Hơn biển non hơn cả hư không.

Lấy chi sánh ví cho đồng,

Biết chi đền đáp xứng công vô lường”.

Hiểu được điều này, chúng ta nên nhận ra được giới thân huệ mạng này là do thầy trao, con đường trung đạo là do thầy dẫn dắt, lý tưởng cao đẹp do thầy vun vén, đạo hạnh có được là nhờ thầy trau giồi. Ân này chúng con xin ghi lòng, cho dù sông có cạn, núi có mòn, tấm lòng tri ân đối với Thầy Tổ trong chúng con không bao giờ thay đổi. Nguyện trọn đời, đi trên con đường Chánh pháp ngõ hầu đền đáp công ơn Thầy Tổ trong muôn một.