Tịnh xá Ngọc Duyên làm lễ Phật Đản và Bách nhựt Trai tuần cố Hòa thượng Giác Tần

“Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc

Ba ngàn thế giới đón như Lai”

Lại một lần nữa hoa sen nở rộ đón mừng ngày Đấng Giác Ngộ toàn năng, toàn trí, toàn đức ra đời, phá tan màn vô minh từ vô lượng kiếp của chúng sanh và đem lại sự hạnh phúc an vui cho nhân loại.

Sáng hôm nay, ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất, hòa chung niềm vui ấy, đạo tràng Tịnh xá Ngọc Duyên long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2562 – DL. 2018 thật trang nghiêm và trọng thể; đồng thời cũng là lễ Tưởng niệm Trai tuần Bách nhựt cố Hòa thường Ân sư Giác Tần – Nguyên Ủy viên thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Định – Nguyên Phó ban Tăng sự kiêm Phó ban Kiểm soát BTS GHPGVN tỉnh Bình Định – Chứng minh BTS GHPGVN thị xã An Nhơn – Giáo phẩm Hệ phái – Tri sự trưởng Giáo đoàn III Hệ phái Khất sĩ – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Duyên đã viên tịch vào ngày mùng 3 tháng Giêng năm Mậu tuất.

Trước khi cử hành Đại lễ Phật đản, Đại đức Giác Phước đã hướng dẫn Nam Nữ Phật tử  đặt vòng hoa Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã quên mình hy sinh bảo vệ Tổ quốc, đem lại cuộc sống thanh bình cho đất nước tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Đập Đá nhân tuần lễ Phật đản.

Quang lâm chứng minh và tham dự Đại lễ Phật đản có: Hòa thượng Giác Trí – Giáo phẩm Hệ phái – Tri sự phó kiêm Trưởng ban GDTN Giáo đoàn III; Hòa thượng Giác Chiến – Giáo phẩm Phật giáo Hệ phái Khất Sĩ tỉnh Bình Định. Thượng tọa Giác Mạnh – Chứng minh BTS GHPGVN huyện Hoài Nhơn – Giáo phẩm Giáo đoàn II; Thượng tọa Minh Hiện – Giáo phẩm Giáo đoàn IV; hiệp cùng Chư tôn đức Tăng Ni Trụ trì, trụ xứ các miền tịnh xá trong tỉnh và đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử các tự viện trong tỉnh đồng về tham dự.

Trong buổi lễ, Hòa thượng Giác Chiến thay mặt Chư tôn đức tuyên đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản của đức Pháp chủ GHPGVN gửi dến Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước. Trong bức Thông điệp, đức Pháp chủ dạy: “Hơn 26 thế kỷ qua, con đường giác ngộ mà Ngài đã soi sáng cho chúng ta đi đến bến bờ hạnh phúc, an lạc mãi mãi là chân lý thực tiễn phá bỏ sự bất bình đẳng, chiến tranh, xung đột và nghèo đói đem đến hòa bình và sự thịnh vượng cho nhân loại trên khắp hành tinh. Ánh sáng đó chiếu rọi đến đâu là ở đó tràn ngập tình thương yêu và trí tuệ sáng suốt cho sự phát triển bền vững vì lợi ích của số đông và vì hạnh phúc của loài người.”

Sau đó, Thượng tọa Giác Mạnh tuyên đọc diễn văn Đại lễ Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Trong bài diễn văn có đoạn: “Thế giới quan Phật giáo chỉ ra rằng: Tâm bình thì thế giới bình. Chỉ có thể giải quyết tận gốc rễ các khủng hoảng từ chính nội tâm của mỗi con người chúng ta. Một quốc gia sẽ phát triển thịnh vượng, bền vững khi mỗi người dân trong quốc gia đó sống không vị kỷ, không đặt kể cả lợi ích của một nhóm nhỏ trong xã hội lên trên lợi ích của toàn dân. Một khu vực và toàn thế giới sẽ đạt được sự ổn định và hòa bình trong sự bao dung, và tinh thần bất bạo động của Phật giáo, như trong Kinh Tăng Chi Bộ chương Bảy Pháp Đức Phật đã nêu 07 điều kiện hưng thịnh của một quốc gia.”

Tiếp theo Đại Đức Giác Tri đãi lao Chư tôn đức Sơ lược đôi dòng Tiểu sử cố Hòa thượng Giác Tần. Theo đó Cố Hòa thượng thế dạnh: Trần văn Dần, Sinh năm: 1950 tại thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Ngày 29 tháng 3 năm 1968: Xuất gia với  đức Thầy Giác An tại Tịnh xá Ngọc Tòng với pháp danh Huệ Học. Đến năm 1975: Về tu tập và hoằng pháp tại Tịnh xá Ngọc Duyên, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Và vào năm 1994 được cắt cử làm Trụ trì Tịnh xá Ngọc Duyên. Đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Mậu Tuất (nhằm 18/2/2018), duyên đã mãn nên ngài đã thâu thần thị tịch, trụ thế: 69 năm, hạ lạp: 44 năm.

Trong buổi lễ toàn thể đại chúng đã lắng lòng thanh tịnh đón nhận lời đạo từ chứng minh của Hòa thượng Tri sự phó Giáo đoàn III. Hòa thượng tán thán và chia sẻ với toàn thể đại chúng, “Quả thật là một điều hy hữa, duyên lành hội đủ, hạnh nguyện viên thành, duyên lành hội đủ là nhân ngày Phật đản PL.2562, là ngày Đản sanh lần thứ 2642 năm của Đức Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni, và cũng là ngày Bách Nhựt của một vị Hòa thượng Ân sư khả kính, một bậc tôn túc của Giáo đoàn III, và một bậc đạo sư của Hệ phái Khất sĩ tỉnh nhà. Chúng ta đã khéo làm sống dậy một sự kiện cách đây hơn 2600 năm về trước, đó là sự ra đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.”

Tiếp theo đó Chư tôn đức đã hướng dẫn đại chúng cử hành nghi thức lễ Tắm Phật. Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II) có ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. Tất cả đại chúng đều hân hoan và vui mừng ngày trọng đại này.

Cuối cùng là Đàn lễ Trai Tăng Tưởng niệm tuần Bách Nhựt cố Hòa thượng Ân Sư khả kính.

Một số hình ảnh ghi nhận trong buổi lễ