Tịnh xá Ngọc Phương - TP. HCM

TXNgocPhuong-1a

Tịnh xá Ngọc Phương
498/1 Lê Quang Định - P.1 - Q. Gò Vấp - TP.HCM

Tịnh xá Ngọc Phương, Tổ đình của Ni giới Hệ phái Khất Sĩ, trụ sở Trung ương của hơn 200 ngôi tịnh xá, tự viện… chi nhánh khắp hai miền Nam - Trung Việt Nam, tọa lạc tại số 498/1 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (xưa là tỉnh Gia Định), cách chợ Bến Thành khoảng 5km với diện tích 2.500m2.

TXNgocPhuong-1d   TXNgocPhuong-1c

Từ ngoài nhìn vào, cách đường Lê Quang Định khoảng 30m, cổng tam quan Tịnh xá Ngọc Phương hiện ra khiêm nhường mà trang nghiêm. Bước vào khuôn viên tịnh xá, khách thập phương cảm nhận một không gian yên tĩnh và tao nhã của các cành phong lan, hoa sứ, hoa trang,… Dưới sân trước tịnh xá, bên phải là mộ Tháp cố Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên, kiến trúc cổ kính trang nghiêm, đối diện với cổng tam quan. Bên trái là vườn Lâm-tỳ-ni trang nghiêm, thanh tịnh.

Tịnh xá được xây dựng năm 1957 do cố Ni trưởng Huỳnh Liên – vị Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ, và từ đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lúc đầu, tịnh xá chỉ được xây dựng một cách đơn sơ, mái tole vách ván, nền xi-măng. Ngôi chánh điện hình bát giác với vách ván, mái lợp fibro xi-măng. Năm 1965 bắt đầu trùng tu hai dãy nhà hai bên chánh điện, tường xây, mái lợp fibro xi-măng. Từ năm 1972 đến năm 1984, tuần tự trùng tu ngôi chánh điện theo mô hình tứ giác, tường xây mái đúc và lên thêm lầu. Năm 1988, xây thêm mộ tháp Đệ nhất cố Ni trưởng Huỳnh Liên và trùng tu dãy Tăng phòng bên trái sau mộ tháp.

Tịnh xá gồm ba khối nhà hai tầng: ở giữa là giảng đường (tầng trệt) và chánh điện (lầu 1), hai bên là hai dãy Tăng phòng.

Giảng đường và chánh điện rộng 12m dài 8,6m. Trước chánh điện tôn trí một tượng Quan Âm tịnh bình cao 2m. Mái chánh điện đúc bê-tông dán ngói. Nội thất chánh điện trưng bày đơn giản nhưng tôn nghiêm:

- Gian giữa là tượng Đức Phật Bổn sư Thích-ca cao khoảng 2m, tọa thiền trên tòa sen, dưới gốc cây Bồ-đề.

- Gian bên trái thờ Tổ sư Minh Đăng Quang với phương châm: “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

- Gian bên phải là bàn thờ và di ảnh cố Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên. Hai bên chân dung cố Ni trưởng có hai câu đối:

1. “Chí bất khuất vì hạnh phúc tự do, chiếc áo Khất sĩ làm vẻ vang trong Ni giới.

Nguyện kiên cường cho hòa bình độc lập, tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn tòng lâm”   

                                                                                                                                   (Hòa thượng Thích Từ Thông)

2. “Khất Sĩ chơn truyền lấy nghĩa non sông làm nghĩa đạo

Huỳnh Liên viên mãn cùng hương trời đất tỏa hương thơ”

                                          (Nhà thơ TrụVũ)

Và trên di ảnh là lời nguyện của cố Ni trưởng:

                        “Nguyện xin hiến trọn đời mình

                      Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương”.

Ngay sau giảng đường là phòng của chư Ni, và sau chánh điện là phòng của Ni trưởng trụ trì, phòng thờ chư Tôn đức Trưởng lão Ni và chư Ni viên tịch.

Dãy Ni phòng bên trái dài 34m rộng 12m. Tầng trệt gồm phòng ở, phòng Lưu niệm Đệ nhất cố Ni trưởng, Văn phòng tịnh xá và nhà bếp. Lầu I gồm phòng ở và nhà Cửu Huyền. Sân thượng có một dãy phòng ở được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, phần còn lại trồng hoa kiểng. Dãy Ni phòng bên phải dài 38m rộng 11,5m, tầng trệt gồm phòng phát hành kinh sách và văn hóa phẩm Phật giáo ngay sát cổng, kế là phòng khách Tăng, phòng dành cho Phật tử, kho bếp, trai đường và hầm xe. Lầu I gồm các Ni phòng. Lầu II gồm văn phòng lớp Sơ cấp Phật học, thư viện, phòng học và phòng ở. Trên cùng là sân thượng và một số phòng của chư Ni.

Tịnh xá Ngọc Phương vào giai đoạn ban đầu do cố Ni trưởng Huỳnh Liên làm viện chủ, và quý Tôn đức Ni trưởng, Ni sư luân phiên trụ trì qua các đời như: Ni trưởng Thành Liên (1960-1962), Ni trưởng Đức Liên (1963-1965), Ni trưởng Châu Liên (1965-1967), Ni trưởng Thiền Liên (1967-1968). Từ năm 1970 đến nay, Ni trưởng Ngoạt Liên trụ trì.

Từ năm 1960 đến 1975, miền Nam bước vào khúc quanh lịch sử. Với tâm từ bi và trí dũng, Ni trưởng Huỳnh Liên đã lãnh đạo trực tiếp Ni giới Khất Sĩ và nhất là Ni chúng Tịnh xá Ngọc Phương tích cực tham gia vào các phong trào Phật giáo, ủng hộ phong trào sinh viên học sinh, nuôi dạy trẻ mồ côi, đấu tranh cho hòa bình độc lập dân tộc và trường tồn đạo pháp.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30 - 4 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Đệ nhất cố Ni trưởng và tiếp theo đó là các cố Ni trưởng Đệ nhị, Đệ tam, đương kim Ni trưởng Tràng Liên cùng Ni trưởng trụ trì Ngoạt Liên, quý Ni trưởng, Ni sư trong hàng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, và chư Ni Tịnh xá Ngọc Phương đã vận động kết hợp với các tịnh xá và đồng bào Phật tử, tích cực tham gia đóng góp vào các công tác từ thiện xã hội như: viếng thăm và ủy lạo người nghèo, bệnh tật, nhà dưỡng lão, trẻ mồ côi, ủng hộ tài vật cho đồng bào bị lũ lụt thiên tai, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao, đóng góp cho tuyến đầu Tổ quốc, Trường Sa thân yêu.

Tịnh xá Ngọc Phương cũng là nơi tu tập cho Ni giới Khất Sĩ qua các khóa An cư Kiết hạ tập trung hàng năm, các khóa học ở Học viện Phật giáo, các trường Cao Trung cấp Phật học, các lớp chuyên tu, các khóa giảng sư Cao Trung cấp do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. Ngoài việc củng cố, duy trì và phát huy sự tu tập và đào tạo tu sĩ trẻ, Tịnh xá Ngọc Phương cũng tổ chức kinh tế tự túc phục vụ cho công việc trùng tu, sửa chửa, cải thiện đời sống Ni chúng và các nhu cầu Phật sự khác. Chư Ni Ngọc Phương cũng hết sức quan tâm đến việc hướng dẫn Phật tử tu học qua việc tổ chức thuyết giảng giáo lý sau các thời sám hối, tổ chức cho Phật tử thọ Bát Quan Trai và cúng hội thường kỳ mỗi tháng. Ban Lãnh đạo Tịnh xá Ngọc Phương thuộc Giáo phẩm Ni giới cũng là những nhân tố tích cực qua các khóa tu truyền thống của Ni giới Hệ phái được tổ chức bốn lần trong năm.

Với sự đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên nói riêng và của Ni chúng Tịnh xá Ngọc Phương nói chung cho công cuộc thống nhất của đất nước, Tịnh xá Ngọc Phương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2754 – QĐ/BT, ngày 15/10/1994. Tịnh xá Ngọc Phương ngày nay không những là trung tâm tu học của Ni chúng Khất sĩ trong Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là nơi bảo dưỡng Ni tài Khất sĩ cho cả nước.

Trích "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu"