Tịnh xá Ngọc Thạnh - điểm tựa và niềm tin của Phật giáo xã Tân Hòa

NgThanh nuiDINH 07w

Kể từ khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 2.000 năm lịch sử, khi ấy các bậc tiền bối đã khéo léo làm cho giáo lý đạo Phật hội nhập một cách hài hòa linh động vào các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, tập quán của xã hội Việt Nam để trở thành Phật giáo Việt Nam.

Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển về mọi mặt thì Phật giáo Việt Nam cũng từng bước đi lên, phát triển rất nhanh chóng. Số lượng Tăng Ni ngày càng tăng, chùa chiền ngày một phát triển và đặc biệt là lượng tín đồ Phật tử tín tâm ngày càng gia tăng.

Kết quả tốt đẹp của ngày hôm nay là bắt đầu từ nguyên nhân tu hành tinh tấn của những bậc tiên phong hành đạo. Đáng kể nhất trong vùng núi Dinh này không ai khác hơn là hình ảnh của Hoà thượng Giác Cầu, người đã xây dựng nên một Ngọc Thạnh tịnh xá khang trang, đầy ấn tượng và đặc biệt ngôi già-lam này là điểm tựa, niềm tin của Phật giáo xã Tân Hoà.

Nhìn cảnh nhộn nhịp, sầm uất của ngày hôm nay thì không ai có thể hình dung được cái cảnh u tịch, hoang vắng của hơn 20 năm về trước. Đường xá còn chưa có thì nói gì đến điện lưới, điện thoại, nước sạch... Đành rằng, trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì nơi địa danh này đã có chùa Tây Phương, Hang Tổ, Linh Sơn cổ tự. Sau năm 1975, có thêm khu du lịch Suối Tiên, Suối Đá, bia tưởng niệm ở Hang Tổ và nhà truyền thống cách mạng. Nhưng tất cả chỉ là tiềm năng và rất ít người lui tới.

Khoảng năm 1982, Hòa thượng cùng với vài vị sư khai khẩn mẫu đất, trồng điều, bạch đàn và lập thất tu hành. Đầu tiên nơi đây chỉ là ngôi thất vách đất, nóc lợp tranh đơn sơ và một vài am tranh nhỏ cho chư Tăng nghỉ tạm qua ngày. Hình ảnh ấy thật là:

Núi đứng, cây già ôm bóng ngã

Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh.

Buổi ban sơ tạo lập tịnh xá nói sao cho hết những trở ngại, khó khăn. Một mặt Hoà thượng cùng với chư Tăng lo canh tác hoa màu, lúa thóc, mặt khác do nhờ sự trợ duyên của Phật tử các nơi.

Đến năm 1987, Tịnh xá Ngọc Thạnh được chọn làm nơi sinh hoạt của Ban Đại diện Phật giáo xã Hội Bài (nay là xã Tân Hoà); và Hòa thượng trụ trì làm Chánh Đại diện. Từ đó, công tác Phật sự mỗi lúc một thêm nhiều và trách nhiệm của Hoà thượng ngày càng nặng nề hơn.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Tịnh xá Ngọc thạnh đã phát huy truyền thống sinh hoạt theo Hệ phái Khất sĩ. Và đây cũng là đặc điểm nổi bật nhất của tịnh xá để thu hút hàng Phật tử tín tâm. Vào ngày rằm và 30 (hoặc 29) của mỗi tháng, chư Tăng Ni trong xã câu hội về Bố-tát sám hối. Sau khi Bố-tát sám hối xong, Ban Đại diện triển khai công tác Phật sự đến toàn thể chư Tăng Ni. Tranh thủ thời gian này, Hòa thượng nhắc nhở và xử lý việc Tăng chúng. Nhờ vậy mà tinh thần Phật giáo xã ở đây đoàn kết nhất trí cao, đóng góp rất đáng kể cho Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, đây là điểm An cư kiết hạ của Tăng chúng trong xã. Mỗi Hạ gần cả 100 vị Tăng câu hội về an cư. Tịnh xá đã mở được một khoá sơ cấp Phật học (2001 - 2002). Hiện nay, hàng tháng tịnh xá mở Phật thất hướng dẫn hàng cư sĩ tại gia tu học theo pháp môn tịnh độ. Riêng Tăng chúng trong tịnh xá chuyên tu thiền và tịnh song hành.

NgThanh nuiDINH 01w

NgThanh nuiDINH 11w

Năm 2002, khởi công trùng tu tịnh xá và đến năm 2002 thì hoàn tất ngôi chánh điện và nhà thờ Tổ. Trước chánh điện tôn tạo thêm điện Bồ-tát Quan Thế Âm rất trang nghiêm và hùng vĩ. Tịnh xá có giảng đường, tịnh thất cho Tăng chúng, nhà khách, nhà trù đều qui hoạch theo tổng thể rất qui mô và trang nghiêm. Đặc biệt, tịnh xá có nhiều bóng mát, hai hàng cây tỏa rợp bóng mát trên đường vào tịnh xá. Trước cổng tịnh xá là hai chú sư tử đá oai vệ trông thật dũng mãnh như chí nguyện xuất trần của người tu sĩ chân chính. Tất cả đã tạo nên nét hài hoà, lịch lãm và thật ấn tượng làm sao!

Có được một Ngọc Thạnh như ngày nay, chúng ta không thể không nhắc đến người tiên phong trụ cột đã lao tâm, nhọc trí ngay từ những ngày đầu tạo dựng. Hoà thượng tên thật là Ngô Văn Cầu, sinh năm 1943 ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 1959, Hòa thượng xuất gia với Trưởng lão Giác Lý ở Tịnh xá Ngọc Cẩm, Hội An, Quảng Nam thuộc Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Năm 1960, Hòa thượng cùng hành đạo với Giáo đoàn V, du phương hoằng truyền Phật pháp vùng biên giới Việt - Campuchia: Tịnh xá Ngọc Phước (Phước Long), Tịnh xá Ngọc Linh (Bố Đức), Tịnh xá Ngọc Long (Bình Long, Bình Phước). Năm 1963 - 1966 về Tịnh xá Ngọc Hành (Bến Tre). Năm 1966 - 1970 ở Tịnh xá Ngọc Tân (tỉnh Cửu Long). Năm 1970 - 1972 ở Tịnh xá Ngọc Đa tại Núi Lớn, TP. Vũng Tàu. Năm 1972 - 1975 lên Tịnh xá Ngọc Đức ở Đà Lạt, rồi về Tịnh xá Ngọc Truyền ở Cù Lao Chàm và Tịnh xá Ngọc Cẩm ở Hội An, Quảng Nam (1975 - 1982). Năm 1982, Hoà thượng về vùng núi Dinh này khai khẩn đất làm rẫy, lập vườn và xây dựng Tịnh xá Ngọc Thạnh phát triển như ngày nay. Trong thời gian hoằng pháp ở đây, Hoà thượng đã nỗ lực không mệt mỏi, tích cực hoạt động các công tác Phật sự của tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như công tác từ thiện xã hội. Được cử làm Uỷ viên Ban Trị sự THPG Bà Rịa - Vũng Tàu và là Phó ban Tăng sự liên tiếp các nhiệm kỳ I, II, III, năm 1997, Ngài được chính thức tấn phong Thượng tọa và năm 2002 tấn phong Hòa thượng. Hiện nay, Hòa thượng là đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là hàng Chứng minh HĐTS GHPGVN (nhiệm kỳ 2012 - 2017) và là Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ.

NgThanh nuiDINH 03w

Với hạnh nguyện tự độ, độ tha, giác hạnh viên mãn, Hòa thượng đã hết lòng chăm lo cho Tăng Ni trong xã từ đời sống vật chất cho đến tinh thần. Ngài như người cha hiền từ khả kính che chở hổ trợ cho đàn con, Ngài xứng đáng là rường cột, là linh hồn của Phật giáo xã Tân Hòa.