Tịnh xá sinh thái - phần 1

Ngọn nguồn biến đổi khí hậu

Chỉ cần gõ cụm từ “biến đổi khí hậu” vào công cụ tìm kiếm google, lập tức ta sẽ choáng ngợp khi nó cho kết quả tới 6,93,000 (gõ tiếng Anh Climate changevới 7,35,00,000). Kết quả cho thấy rằng biến đổi khí hậu hay tình trạng hâm nóng toàn cầu được nhiều giới quan tâm nhất mà nhân loại đang đối mặt ngay tại đây, bây giờ và cả trong tương lai (nếu con người không cân nhắc thận trọng các hành động của mình). Do vậy việc giảm thiểu dấu chân cacbon, nguy cơ làm biến đổi khí hậu là một trong những yêu cầu cấp bách đối với tất cả những ai đang hiện hữu trên hành tinh này.

txsinhthai-1

Theo nghĩa rộng và cơ bản nhất, tiến trình biến đổi khí hậu khởi nguồn từ những hành động của con người và kết thúc của tiến trình là tác động của nó lên con người. Thứ nhất, chính do con người tạo tác mọi hành nghiệp rồi phóng thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường. Thứ hai, hành tinh không thể hấp thụ toàn bộ lượng khí ấy vì chúng được phóng thải liên tục, cứ như thế nồng độ các loại khí trong bầu khí quyển ngày càng gia tăng – tiến trình hấp thụ và thêm vào tạo thành “chu trình cacbon”. Thứ ba, năng lượng bị giữ lại trong bầu khí quyển làm cho trái đất nóng dần lên – các nhà khoa học sử dụng thuật từ “độ nhạy cảm khí hậu” để mô tả sự nóng lên do nồng độ gia tăng. Thứ tư, sự nóng dần của quả đất sẽ gây biến đổi khí hậu, môi trường và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của tất cả mọi người. Hay nói cách khác chính do con người (tất cả mọi hoạt động của con người) dẫn đến phóng thải lượng khí (CO2, CH4, v.v…) ra môi trường, do lượng khí phóng thải dẫn đến khối lưu trữ ngày càng gia tăng; từ nồng độ ngày càng gia tăng dẫn đến quả đất ngày càng nóng dần lên; từ sự nóng dần lên dẫn đến biến đổi khí hậu và môi trường sống[1]. Mọi hậu quả xảy ra mà chúng ta chứng kiến qua các phương tiện truyền thông đại chúng đều dẫn khởi từ chuỗi mắc xích này.

Vào năm 1820, Joseph Fourier - nhà toán học kiêm vật lý học người Pháp đã khảo nghiệm nhiệt độ cân bằng giữa năng lượng mặt trời chiếu xuống trái đất và lượng bức xạ nhiệt của mặt đất vào vũ trụ, và ông đưa ra kết luận rằng hành tinh khoảng 30o C ấm hơn như ông dự đoán. Vì lẽ đó ông đinh ninh rằng hẳn phải có một lớp khí giữ nhiệt lượng (tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất). Ba mươi năm sau, John Tyndall - nhà vật lý học người Ái Nhĩ Lan đã xác định các phân tử bao gồm cacbon điôxit (CO2) và hơi nước (H2O) ngăn ngại bức xạ nhiệt. Các phân tử này là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính (Greenhouse gases/GHGs). Vào cuối thế kỷ 19, Svante Arrhenius - nhà hóa học Thụy Điển - người đầu tiên đưa ra các phép tính về nhiệt độ gia tăng có thể dẫn đến nồng độ tăng gấp đôi lượng khí CO2 trong bầu khí quyển [từ giữa thế kỷ 19 lượng khí CO2 phóng thải tầm 285 phần triệu (ppm)][2].

Các báo cáo về biến đổi khí hậu

Những dấu hiệu trái đất nóng dần lên ngày một gia tăng như một hệ quả tất yếu về sự khảo sát tính nhân quả của nó. Mùa đông lại ngắn hơn và ấm hơn, tuyết và băng bao phủ, sông, mảng băng đang ngày càng giảm dần ở nhiều nơi và sự ấm dần lên cũng diễn ra ở Cực Bắc. Hiện nay, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang gia tăng khoảng 2.5 phần triệu (ppm) mỗi năm[3].

Nếu nhiệt độ trung bình của trái đất tăng 20 C sẽ làm cho hàng trăm triệu người trên thế giới đối diện với nguy cơ thiếu lương thực, đói kém, lũ lụt và thiếu nước ngọt. Để tránh nguy cơ nhiệt độ tăng 20 C, các nhà khoa học tính toán lượng khí CO2 trong khí quyển phải luôn giữ mức dưới 500 phần triệu (ppm), tốt nhất là dưới 400 ppm (theo bản báo cáo về kinh tế trong thời kỳ biến đổi khí hậu của Nicholas Stern, xuất bản năm 2006, lượng khí CO2e là 382 ppm). Điều này đòi hỏi lượng khí CO2 phóng thải trên toàn cầu phải cắt giảm 50% vào năm 2050[4].

Xét về lượng cacbon, những hoạt động của con người đã phóng thải vào bầu khí quyển khoảng 10 tỉ tấn cacbon hàng năm, nhưng chỉ 5 tỉ tấn được hấp thụ và hóa giải bởi môi trường thiên nhiên như đại dương, cây xanh v.v... phần còn lại vẫn còn lưu trong bầu khí quyển. Lượng khí cacbon phóng thải dưới tác động của con người chiếm 3% mỗi năm, xu hướng này vẫn còn gia tăng hơn nữa do việc sử dụng than đá ở các nước đang phát triển và hầu hết do quá lãng phí nguồn năng lượng. Lượng khí cacbon phóng thải có thể giảm nếu con người biết sử dụng và tiêu thụ nguồn năng lượng một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

Khả năng của thiên nhiên để “hóa giải” lượng khí cacbon cũng giảm vì sự nóng dần lên của trái đất. Trên toàn cầu, đất chứa lượng cacbon hữu cơ hơn cả bầu khí quyển và thảm thực vật cộng lại, và do các điều kiện thuận lợi như canh tác ở vùng trũng thấp và cây trồng phủ đất có thể tích trữ hay thu giữ một lượng lớn cacbon. Tuy nhiên do ngành nông nghiệp hiện đại và sự chăn thả quá mức đã làm cho đất bị xói mòn trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới dẫn đến mất lớp mùn và lượng khí CO2 phóng thải càng nhiều.

Tàn phá rừng cũng đóng góp 20% lượng khí cacbon phóng thải phần lớn là do nạn đốt rừng (sinh bụi, khói và muội), thêm vào đó việc đốt các nhiên liệu sinh khối[5] tạo ra các đám mây khói, bồ hóng, và sunfat làm cho bầu khí quyển có màu nâu lâu bền. Đốt các nhiên liệu sinh khối là nhân tố chính góp phần làm cho lượng khí cacbon phóng thải vào bầu khí quyển nhiều hơn (sử dụng nhiên nhiên liệu sinh khối để nấu nướng). Ước tính khoảng 3 tỉ người ở các nước đang phát triển sử dụng nhiên liệu này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí “trong nhà” do sử dụng nhiên liệu sinh khối (và các nhiên liệu hóa thạch khác như than đá…) gây nguy hại cho sức khỏe hơn ô nhiễm không khí “ngoài trời” tại các đô thị, cả hai đều gây hàng triệu ca tử vong và bệnh tật mỗi năm tại các quốc gia đang phát triển[6].

Những tác động tiêu cực

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển

Các hoạt động của con người phóng thải khí CO2 vào bầu khí quyển cũng ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển, nó không những gây hiệu ứng nhà kính mà còn thay đổi nồng độ axít[7] trong nước biển. Đại dương được xem như là “bể hóa giải” lớn nhất có thể bắt kịp nhiệt độ bầu khí quyển tăng cao. Trong nhiều thập kỷ qua, lượng khí CO2 phóng thải vào môi trường với 20 % được hấp thụ bởi cây xanh, đại dương hấp thụ 30%, 50% lưu lại trong bầu khí quyển. Khi đại dương hấp thụ khí CO2 hình thành cacbonic acid [phản ứng hóa học: CO2 + H2O → H2CO3]. Sau giai đoạn ổn định của độ pH đã trải qua hàng trăm ngàn năm nhưng nay do quá trình tác động của con người làm độ pH của đại dương đã giảm tới 0,1 đơn vị (so với thời tiền công nghiệp). Nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đến năm 2100, độ pH ở các đại dương thế giới có thể giảm thêm 0,3 đơn vị nữa, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của con người và thủy sinh. Khi nồng độ axít tăng sẽ giảm mức độ đậm đặc ion cacbonat của nước biển làm suy giảm khả năng của một số sinh vật biển để hình thành xương, vỏ và các loài vỏ cứng (CaCO3) đe dọa đến sự sinh tồn của chúng; san hô, loài giáp xát (tôm, cua), loài thân mềm, hạn chế sự phát triển các sinh vật phù du trong tầng có ánh sáng của biển, nó có liên quan trực tiếp đến năng suất sinh học của đại dương, cũng như phá hủy các lớp san hô và đa dạng sinh học khác[8].

Ảnh hưởng đến nguồn nước

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Nước cần thiết cho mọi loại hình sự sống. Nước cũng là tài sản quí giá của con người. Con người cần nước để uống, để sản xuất lương thực, nhu cầu cho sức khỏe, vệ sinh, và sản xuất công nghiệp… [trung bình từ 100 m3 (22.000 gallon Anh) đến 100.000m3 (22 triệu gallon Anh)]. Tuy nhiên con số trên có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng dân cư nghèo, họ phải mất nhiều giờ để đi lấy chỉ có vài lít nước. Trong khi đó các nước tiên tiến họ có thể sử dụng nguồn nước cung cấp không giới hạn[9]. Ước tính mỗi năm phụ nữ Ấn ở các vùng nông thôn phải đi bộ khoảng 1.400 km để lấy nước phục vụ cho gia đình.[10]

txsinhthai-2

Biến đổi khí hậu sẽ gây nhiều thay đổi lớn trong việc cung cấp nước ở nhiều nơi trên thế giới. Dân số đang ngày càng gia tăng nên nhu cầu và mức sống cao hơn đòi hỏi nguồn nước sạch cũng nhiều hơn. 2/3 dân số trên thế giới sử dụng nước để tưới tiêu, 1/4 cho sản xuất công nghiệp, 10% sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Khoảng 1.7 tỷ người chiếm 1/3 dân số thế giới sống ở các vùng nguồn nước khan hiếm, tình trạng này có thể làm cho 5 tỷ người không thể tiếp cận nguồn nước vào năm 2025 (tùy thuộc vào tốc độ gia tăng dân số)[11].

Nguồn nước trên thế giới sẽ thay đổi do sự nóng dần lên của trái đất. Nhiệt độ gia tăng nghĩa là lượng nước mưa trên bề mặt trái đất bốc hơi nhanh hơn. Do lượng mưa giảm dần và bốc hơi nhiều hơn sẽ dẫn đến độ ẩm của đất ít hơn tác động tiêu cực cho việc trồng trọt, canh tác. Lưu vực sông ở các vùng axít và bán axít sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lượng mưa hàng năm biến đổi. Vùng lục địa vào mùa hè do lượng mưa giảm và nhiệt độ gia tăng nên làm giảm độ ẩm của đất có nguy cơ hạn hán; và những vùng lượng mưa khá dồi dào lại gây lũ lụt, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, và an ninh thực phẩm[12].

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái

Biến đổi khí hậu sẽ thay đổi sự thích ứng của loài khác trong vùng và thay đổi sự đấu tranh sinh tồn của chúng trong một hệ sinh thái. Thậm chí sự thay đổi không đáng kể về khí hậu cũng dẫn đến sự thay đổi khá lớn cơ cấu của một hệ sinh thái. Vì khí hậu là nhân tố chính yếu trong việc phân bố quần xã sinh vật nên hầu hết các hệ sinh thái không thể thích ứng với sự thay đổi khí hậu khá nhanh chóng như thế. Các hệ sinh thái tự nhiên không tương thích với môi trường của chúng, và vấn đề này còn thay đổi tùy vào từng loài, có vài loài nhạy cảm với khí hậu trung bình hay khí hậu khắc nghiệt hơn so với loài khác. Nhưng tất cả rất dễ bị tấn công và nhiễm bệnh bởi các loài sâu bọ[13].

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Sức khỏe con người tùy thuộc vào môi trường khí hậu tốt hay xấu. Nhiều nhân tố làm môi trường xấu đi cũng gây nguy hại cho sức khỏe. Ô nhiễm bầu khí quyển, ô nhiễm nguồn nước và lượng nước cung cấp thiếu thốn, đất không màu mỡ (làm cho vụ mùa cằn cỗi và thiếu chất dinh dưỡng), tất cả đều gây huy hại cho sức khỏe con người, tạo điều kiện cho bệnh dịch lây lan. Bệnh có thể lan truyền nhanh ở những vùng có khí hậu ấm hơn. Một số bệnh thường phát triển ở các vùng nhiệt đới như bệnh sốt rét do muỗi gây nên dưới điều kiện thích hợp từ 15-320 C với độ ẩm 50-60%, 1.5-2.7 triệu ca tử vong hàng năm trên khắp thế giới, 90% nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi[14].

Nhân tố trực tiếp chính ảnh hưởng đến sức khỏe con người là do căng thẳng bởi sức nóng khi nhiệt độ gia tăng ở các vùng đô thị. Tại các thành phố lớn đợt nóng gây tử vong gấp đôi hoặc gấp ba trong suốt những ngày nhiệt độ gia tăng bất thường (tỷ lệ tử vong khá cao vào năm 2003 tại các nước Châu Âu)[15].

Vấn đề đạo đức về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến những người nghèo thuộc các quốc gia nghèo nhất trên thế giới vùng bán nhiệt đới và nhiệt đới chịu thiệt thòi nhất do sự hâm nóng toàn cầu. Phần lớn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (GHGs) phóng thải quá nhiều bắt nguồn từ nền kinh tế của các nước phát triển. Điều này phát sinh sự cân nhắc đạo đức về sự phân phối lượng khí phóng thải (công bằng môi trường). Gánh nặng không tương xứng về hậu quả trái đất nóng dần lên lại càng đè nặng lên các vùng nghèo khó ngày càng trầm trọng hơn. Do vậy vấn đề đạo đức cần phải quan tâm vì các loại khí gây hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai. Về mặt tự nhiên các vùng nghèo nhất ngày nay rất có thể trở thành những nạn nhân tồi tệ nhất của vấn nạn hâm nóng toàn cầu trong tương lai. Mọi người ai cũng cố gắng đảm bảo sự sinh tồn và phúc lợi cho con cái họ. Trong khi đó hàng tỉ người hiện nay với mức sống quá thấp đến nỗi họ không đủ dư để tiết kiệm hay mua bảo hiểm cho con cái. Cho đến nay các quốc gia công nghiệp hiện đại vẫn không thể thực hiện được ước mơ xóa đói giảm nghèo cho các nước đang phát triển. Các quốc gia này lại cứ tiếp tục đe dọa sự sinh tồn thế hệ con em của những người nghèo nhất trên thế giới, và người nghèo phải hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi thói quen tiêu thụ quá mức từ các quốc gia giàu có.

Để bắt kịp đà phát triển với thế giới Phương tây, Trung Quốc - một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các nước đang phát triển, đã thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo khá thành công nhưng mặt trái của nó là tàn phá môi trường, và hiện nay tổng lượng khí phóng thải ra môi trường tương đương với Mỹ (lượng khí phóng thải từ các khu công nghiệp chứ không phải lượng khí phóng thải tính bình quân đầu người)[16].

Mối đe dọa lớn nhất do hâm nóng toàn cầu ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở các vùng nóng bức và khô hạn như ở Bắc Trung Quốc, phần lớn ở Ấn Độ và Châu Phi. Gia tăng nhiệt độ và khô hạn thường xuyên ở những vùng này ảnh hưởng lẫn nhau đối với xu hướng hiện tại, tình trạng xói mòn đất, sa mạc hóa và thiếu nước cho tưới tiêu và sản xuất công nghiệp càng tồi tệ thêm như là kết quả tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Sự thiếu lương thực và giá cả gia tăng làm cho hàng tỷ người nghèo nhất trên thế giới lâm vào cảnh túng quẫn, chết đói – mức độ thảm họa xảy ra thật khó tưởng tượng nổi như tình trạng hiện nay. Nói chính xác hơn những khốn khó này đã làm cho các nước giàu phớt lờ hay không thể gánh vác trách nhiệm đạo đức để ngăn chặn những thảm họa giáng lên đầu những người nghèo nhất trên thế giới hay con cái của họ trong tương lai[17].

Đứng trước nguy cơ như thế, mỗi hành động tạo tác, lối sống, cung cách tiêu thụ của người xuất gia lẫn tại gia đều hướng đến lợi ích và an lạc cho số đông. Tất cả chúng ta không thể không quan tâm đến biến đổi khí hậu và làm thế nào để hướng đến đời sống làm ổn định khí hậu cho mình và tha nhân, đặc biệt là cho thế hệ tương lai.

Tịnh xá Sinh Thái

Tịnh xá Sinh Thái không phải hướng đến để đạt được tiêu chuẩn quốc gia như làng sinh thái hay thành phố sinh thái. Như mục đích và nguyện vọng của nó, Tịnh xá Sinh Thái nhằm kêu gọi các nhà sư Khất sĩ, các thiện nam tín nữ, và với những ai thuộc bất kỳ truyền thống tôn giáo nào cũng nên cân nhắc mọi hành động của mình góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, trả lại quyền công bằng cho thiên nhiên, nhất là cho thế hệ tương lai.

txsinhthai-3

Tịnh xá Sinh Thái không chỉ dừng lại ở việc trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên tịnh xá, mà ở đó trong sinh hoạt hàng ngày của nhà sư Khất sĩ đều hướng đến đời sống đơn giản nhằm giảm tối đa dấu chân cácbon, tác động nguy hại đối với môi trường. Nhà sư Khất sĩ thực hành phẩm hạnh thiểu dục tri túc, và tránh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm phóng thải khí CFCs làm suy giảm tầng ôzon[18]. Các nhà sư Khất sĩ cần trở về và tuân thủ theo lời dạy của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang “cấm Khất sĩ y bát làm việc công nông thương và binh”[19] để giảm tối đa lượng khí CO2 (trực tiếp hay gián tiếp) phóng thải ra môi trường, và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính[20].

Cách đây hơn 2000 năm, Đức Phật đã khuyến giáo người Phật tử nên từ bỏ năm nghề: (1) không buôn bán vũ khí, (2) không buôn bán người, (3) không nuôi loài vật để bán (hay buôn bán thịt), (4) không buôn bán rượu, và (5) không buôn bán thuốc độc[21].

Không nuôi loài vật để bán (hay buôn bán thịt) nhằm tránh nghiệp sát đồng thời cũng làm giảm lượng khí CO2 phóng thải ra môi trường. Không mua bán thuốc độc ở đây có thể hiểu không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ v.v... với lòng từ bi đối với tất cả các chủng loại, người cư sĩ còn không được phép huống hồ người Khất sĩ y bát, mua để xịt và sử dụng các hoạt động nông nghiệp là điều không nên. Người Khất sĩ y bát nên từ bỏ các loại hình ấy và tự phát nguyện rằng: “Nơi nào Khất sĩ ở nơi ấy không xịt thuốc, nơi nào Khất sĩ ở nơi ấy được an lạc”. Thực hành đúng pháp như vậy mới gọi là người Khất sĩ độ đời hay cứu đời khỏi các loại hình thảm họa, thiên tai, và dịch bệnh.

Tịnh xá Sinh Thái chưa phải là một mô hình hoàn thiện đã sẵn có nhưng chỉ là hoài bảo hướng tới xây dựng một cộng đồng sinh thái giảm bớt các loại hình thiên tai mà người dân ở các vùng phải bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu phải hứng chịu. Công tâm mà nói Tịnh xá Sinh Thái là “tìm lại nguồn xưa” sống và hành những gì theo Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy. Có thể nói đây là mô hình toàn hảo nhất để giảm tối thiểu dấu chân cacbon (carbon footprint), và cũng giảm dấu chân nước (water footprint). Theo giáo sư M. S. Catto, chuyên môn về kinh tế xanh tại trường đại học Cardiff Anh quốc cho rằng “Đời sống thấp dấu chân cacbon mới có thể đảm bảo một tương lai an toàn cho nhân loại”[22].

Vậy dấu chân cacbon là gì? Dấu chân cacbon là chỉ số dùng để đong đo tính đếm tổng số lượng khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính phóng thải ra môi trường trên toàn bộ chu kỳ của một sản phẩm hay dịch vụ. Dấu chân cabon có đơn vị là kg (hoặc tấn).

Đối với cá nhân: định nghĩa về dấu chân cacbon là tổng số CO2 có thể qui cho những hoạt động của chính cá nhân ấy thông qua việc sử dụng năng lượng trong một năm. Thuật từ này khởi nguồn từ quan điểm xem một dấu chân là những gì để lại đằng sau do kết quả các hoạt động của chính cá nhân đó.

Dấu chân cacbon có thể phân thành hai dạng: Sơ cấp (trực tiếp) và thứ cấp (gián tiếp).

Dấu chân cacbon sơ cấp: Chỉ số đo lượng khí CO2 phóng thải trực tiếp ra môi trường thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng (từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch hay tiêu thụ năng lượng bằng cách đốt các nhiên liệu như than đá, dầu mỏ, gas, củi, v.v...) nhằm phục vụ sinh hoạt trong gia đình và phục vụ cho các phương tiện giao thông như đi xe máy, xe hơi, máy bay, tàu hỏa v.v...

Dấu chân cacbon thứ cấp: Chỉ số đo lượng khí CO2 phóng thải gián tiếp ra môi trường thông qua việc sử dụng các loại sản phẩm hay các dịch vụ, từ thời lượng khai thác, sơ chế, chế biến, gia công, đóng gói, phân phối, sử dụng cho đến khi thải trừ sản phẩm[23].

Chẳng hạn khi quí vị mua bất kỳ một món hàng gì từ một hộp bánh hay đôi dép ở tiệm hay siêu thị đều có tiêu hao một khoảng năng lượng: năng lượng sử dụng để khai thác vật liệu thô, chế biến hay sản xuất, chuyên chở đến tiệm và rồi món hàng đó bán cho quí vị. Như vậy chu kỳ của một sản phẩm đều phải tính đến: (1) phí sản xuất bao gồm chi phí thiết kế, phát triển, tiêu thụ nguồn nhiên liệu, (2) phí hoạt động gồm phí duy trì, bảo hành, sửa chữa và nâng cấp thiết bị, (3) phí xử lý môi trường gồm phí xử lý các chất thải độc hại phóng thải ra môi trường.

Bất kỳ một hành động nào dầu nhỏ nhoi nhất của chúng ta đều để lại dấu vết cacbon trong bầu khí quyển. Do vậy mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm về mọi hành động của chính mình. Khoa học về dấu chân cacbon có thể tương đồng với minh triết về Nghiệp mà Đức Phật đã từng thuyết giảng hơn 20 thế kỷ qua.

Dấu chân cacbon của một số sản phẩm

Sản phẩm tiêu thụ

Lượng khí CO2 phóng thải

1 kg gạo

4 kg (mức trung bình), 6.1 kg (nếu sử dụng nhiều phân bón)

1 lít xăng

3.15 kg

Gửi 1 thư điện tử

4 g CO2

Ủi 1 cái áo sơ mi

25 g CO2

1 giờ xem TV

34 g (15 inch), 76 g (28 inch), 88 g (32 inch), 220 g (42 inch)

1 kg cà rốt

0.25 kg (tại địa phương), 0.3 kg (mức trung bình), 1 kg (năng lượng/chuyên chở đến nơi khác)

Điện thoại di động

47 kg/ 1 năm/ 2 phút/1 ngày, 1250 kg/1 năm/ 1 giờ/ 1 ngày, 125 triệu tấn /1 năm/ toàn thế giới sử dụng.

Mùa bóng đá thế giới 2010

2.8 triệu tấn

1 kg thịt bê

40 kg

1 kg thịt bò

10 kg

1 kg thịt heo

3 kg

1kg thịt gà

2 kg

Nguồn: M. Berners-Lee (2010), pp. 15, 21, 30, 46, 87, 89, 113, 160; D. Mccarthy (2008), p. 238.

Dấu chân nước là gì? Dấu chân nước của một sản phẩm là tổng lượng nước sạch được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp để sản xuất ra một sản phẩm. Nó được ước tính bằng cách xem xét nước tiêu thụ và nước không sạch (không dùng trong sinh hoạt gia đình) trong tất cả giai đoạn của dây chuyền sản xuất.

Dấu chân nước của một người tiêu dùng là tổng lượng nước sạch hay lượng nước không sạch (không dùng trong sinh hoạt gia đình) được dùng trong sản xuất các loại hàng hóa và các dịch vụ được sử dụng bởi người tiêu dùng (người tiêu dùng sử dụng hàng hóa hay dịch vụ đó). Dấu chân nước của một nhóm người tiêu dùng bằng tổng số các dấu chân nước của những người tiêu dùng cá thể.

Dấu chân nước trực tiếp là lượng nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình và lượng nước dùng để tưới tiêu. Dấu chân nước gián tiếp là lượng nước sạch hay lượng nước không sạch (không dùng trong sinh hoạt gia đình) kết hợp với việc sản xuất các loại hàng hóa và các dịch vụ được sử dụng bởi người tiêu dùng, ví dụ nước sử dụng để sản xuất thực phẩm, quần áo, giấy, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp[24].

Ví dụ trong ngành công nghiệp chăn nuôi bò lấy thịt, để có được 1 kg thịt bò, người ta sử dụng đến 6.5 kg ngũ cốc và 36 kg thức ăn thô. Vậy để có lượng thức ăn này lượng nước cần sử dụng tưới tiêu là 15.300 lít nước, và phải thêm 200 lít nước cho con bò uống và cho các hoạt động chăm sóc khác dành cho con bò. Như vậy để có 1 kg thịt bò, phải cần đến 15.500 lít nước: (1) nước để tưới tiêu ngũ cốc; (2) nước sử dụng để chế biến các loại thức ăn thô; (3) nước cho con bò uống và (4) nước sử dụng cho các hoạt động chăm sóc khác. Đối với các loại hình sản phẩm công nghiệp cũng tiêu hao lượng nước đáng kể như thế[25].

Dấu chân nước của một số sản phẩm

Sản phẩm

Lượng nước sử dụng (lít)/ 1kg

Thịt bò

15. 500

Bông vải

11. 000

Thịt cừu

6. 100

Thịt heo

4. 800

Thịt dê

4. 000

Thịt gà

3. 900

Gạo

3. 400

Đậu nành

1. 800

Đường

1. 500

Nguồn: T. Allan (2011), pp. 344-48.

(còn tiếp)



[1] N. Stern (2009). A Blue-Print for A Safer Planet: How to manage Climate Change and create a New Era of Progress and Prosperity, p. 16.

[2]Ibid., pp. 16-17; ppm = parts per million nghĩa là 1 phần triệu. Mật độ tương đối của khí hiếm trong khí quyển có thể đo bằng ppm.Trong khoa đo lường, ppm là đơn vị đo mật độ thường dành cho các mật độ tương đối thấp. Giá trị của ppm là:ppm = 1/1 000 000 = 10-4%.

[3] F. R. FitzRoy & E. Papyrakis (2010). An Introduction to Climate Change: Economics and Policy, p.12.

[4] C. von Ruhland (2008). Living with the Planet: Making a Difference in a Time of Climate Change, p. 15.

[5] Nhiên liệu sinh khối chứa năng lượng hóa học, nguồn năng lượng từ mặt trời tích lũy trong thực vật qua quá trình quang hợp. Sinh khối là các phế phẩm từ nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp v..v..), phế phẩm lâm nghiệp (lá khô, gỗ vụn v.v...), phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm. Ở nước ta đa phần người dân các vùng nông thôn đều sử dụng nhiên liệu sinh khối. Ở Ấn Độ, các vùng nông thôn, đặc biệt là tiểu bang Bihar đại đa số người dân dùng phân bò và phân trâu trộn với trấu, hoặc rơm rạ làm thành bánh để nấu nướng.

[6] F. R. FitzRoy & E. Papyrakis (2010). Op. Cit., pp.11-02.

[7] Đơn vị để đo nồng độ axít là pH, nồng bộ bình thường 7. pH thấp hơn 7 nghĩa là nồng độ nước biển bị axít hóa.

[8] E. Chivian & A. Bernstein (2008). “How is Bodiversity Threatened by Huamn Activity?”, in E. Chivian & A. Bernstein (eds.), Sustaining Life: How Human Health depends on Biodiversity, p. 69; D. Archer & S. Rahmstorf (2010). The Climate Crisis: An Introductory Guide to Climate Change, p. 148.

[9] J. Houghton (2004). Global Warming: the Complete Briefing (3rded.), p. 157; P. D. Abel (1996). Water Pollution Biology (2rd ed.), p.1.

[10]The Hindu, Monday July, 23 (2012), p. 9.

[11] J. Houghton (2004). Op. Cit., pp. 157-08.

[12]Ibid., pp. 158-09, 164.

[13]Ibid., p. 170.

[14]Ibid., p. 178; W. J. Burroughs (2007). Climate Change: A Multidisciplinary Approach (2nded.), p. 293.

[15] M. Lynas (2007). Carbon Calculator, pp. 18-09.

 

[16] FitzRoy, F. R. & Papyrakis, E. (2010). Op. Cit., pp. 83-04.

[17]Loc.Cit.

[18] Khí CFCs (Chlorofluorocarbons) được sử dụng nhiều trong các máy làm lạnh và làm hơi nén để phun hóa chất. Khí CFCs (gồm các phân tử CFCl3) rất ít bị phân hủy, khi phóng thải ra môi trường chúng bay lên không trung từ từ khuếch tán trong tầng bình lưu (50 km so với mặt nước biển), tại đây chúng sẽ bị tia cực tím UV (bước sóng 1750 - 2200 Å) chiếu mạnh vào và bị phân hủy: CFCl3 uv   CFCl2 + Cl*, CFCl2uvCFCl + Cl*; CF2Cl2mvCF2C + Cl*, CF2ClhvCFCl + F*Các gốc F* và Cl* thoát ra trong suốt quá trình phản ứng ở tầng ozon. Hơn nữa hoạt động của núi lửa cũng phóng thích một lượng lớn Cl vào khí quyển và nó cũng lưu lại tầng ozon/tầng bình lưu. Khi nguyên tử Cl bị tách ra khỏi phân tử CFCl3, tại đây chúng có vai trò như một chất xúc tác chuyển O3(ozon) thành O2.Chúng tiếp tục tồn tại (trong khoảng thời gian 2 năm)hủy hoại phân tử ozon cho đến khi bị khuếch tán ra khỏi tầng bình lưu (mỗi nguyên tử Cl có thể huỷ hoại hơn 100.000 phân tử ozon): CF2Cl2→ CF2Cl + Cl, Cl + O3 → ClO + O2; O3   mv→ O2 + O, ClO + O→ Cl + O2. Ngoài ra còn một loạt phản ứng nữa liên quan đến sự có mặt của NO2 trong tầng bình lưu (tạo ra Cl) để phá hủy ôzôn, do dốt các nhiên liệu hóa thạch và sử dụng nhiều các loại phân bón nitơ: NO + O3→ NO2 + O2, NO + O2 → NO2   + O; NO2 + O3 → NO3 + O2, NO2 + O→ NO+ O2. Các phân tử đóng vai trò như một chất xúc tác phá hủy tầng Ozon là ClO và NO, cho đến nay vẫn chưa thể sản xuất nhanh và nhiều ozone có thể để thay thế quá trình tự nhiên được. CFCl3(R11): Máy điều hòa không khí, tủ lạnh, chất tạo bọt, chất đẩy trong các bình xịt; CF2Cl2 (R12): Máy điều hòa không khí, tủ lạnh, bình xịt, chất khử trùng, chất tạo bọt; CHClF2 (R22):Bình phun, dung môi trong nhiều ngành công nghệ; CFCl2 – CF2Cl (R113): Tủ lạnh, chất tạo bọt; CF2Cl – CF2Cl (R114): Bình xịt, tủ lạnh, chất tạo bọt; CF2Cl – CF3 (R115): Máy điều hòa không khí, tủ lạnh, chất tạo bọt; CF2BrCl (Halons - Halon-1211): Bình chữa cháy; xem N. S. Subrahmanyam & A.V. S. S. Sambamurty (2006). Ecology (2nded.), pp. 23.21-23.27.

[19]Tổ Sư Minh Đăng Quang (1998). Chơn Lý: Luật nghi Khất Sĩ (Riêng Giới Xuất Gia), tr.296.

[20] Nghị định thư Kyoto đã liệt kê 6 loại khí gây hiệu ứng nhà kính (làm cho quả đất ngày càng nóng dần lên): (1) CO2(carbon dioxide): do đốt các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), cũng sinh ra từ các hoạt động công nghiệp. CO2 được xem như là nguồn khí nhà kính chủ yếu do con người phóng thải vào bầu khí quyển; (2) CH4 (methane, 21 lần so với CO2): sinh ra từ các bãi rác, lên men thức ăn trong ruột động vật nhai lại, hệ thống khí, dầu tự nhiên và khai thác than; (3) N2O (nitrous oxide, 310 lần so với CO2): phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp; (4) HFCs(hydrofluorocarbons, 1.300 lần so với CO2): HFCs được sử dụng thay cho các chất phá hủy ôzôn (ODS) và HFC-23 là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất HCFC-22; (5) PFCs (perfluorocarbons, gấp 6.500 lần so với CO2): sinh ra từ quá trình sản xuất nhôm; (6) SF6(sulphur hexafluoride, 23. 900 lần so với CO2): sử dụng trong vật liệu cách điện và quá trình sản xuất magiê; xem D. Hitchcock & M. Willard (2006). The Business Guide to Sustainability: Practical Strategies and Tools for Organizations, p. 66; J. Houghton (2004). Global Warming: The Complete Briefing (3rded.), p. 247.

[21] AN III, p. 208 trans. p. 153, “Pañc’imā...vaṇijjā upāsakena akaraṇījā. Katamā pañca? Satthavaṇijjā, sattavaṇijjā, maṃsavaṇijjā, majjavaṇijjā, visavaṇijjā. Imā kho...pañca upāsakena akaraṇījā ti.”

[22] M. S. Catto (2011). Environment and Economy, p. 96.

[23] G. Aras & D. Crowther (2009). The Durable Corporation: Strategies for Sustainable Development, pp. 5-6; D. Clark (2009). The Rough Guide to Green Living, p. 19.

 

[24] A. Y. Hoekstra et al. (2011). The Water Footprint Assessment Manual: Setting the Global Standard, pp. 46, 52.

[25] T. Allan (2011). Virtual Water: Tackling the Threat to Our Planet’s Most Precious Resource, p. 349.