Tổ sư Minh Đăng Quang, nối truyền Thích-ca Chánh pháp

Hthao 5

Mùng 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (tức ngày 01/3/2014), giới Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ long trọng tổ chức “Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng”. Nhân dịp này, để tỏ lòng biết ơn đối với Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạo nên một truyền phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, cũng như ghi nhận những đóng góp của Ngài nói riêng, của Hệ phái Khất sĩ nói chung với Đạo pháp và Dân tộc, Hệ phái Khất sĩ phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”. Với chủ đề đó, chúng tôi xin tham gia đề tài: “Tổ sư Minh Đăng Quang, Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

1. Dẫn nhập

Đức Phật dạy: “Pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ là cái không phải Pháp”.

“Làm sao có thể soi sáng thông điệp hùng hồn và thiêng liêng, vĩ đại và cảm động bậc nhất này của Đức Thích-ca Mâu-ni xuống cõi đời hôm nay?

Một thế giới bền vững!

Ai giữ được sự bền vững này trong hành trình tương lai của nhân loại?

Có lẽ sẽ có các bậc vĩ nhân và hàng loạt các vĩ nhân ra đời để đối trị hiểm nguy.

Có lẽ sẽ có các vị Thánh và hàng loạt các vị Thánh ra đời để thức tỉnh nhân tâm.

Điều gì sẽ xảy ra?

Khi tầng ô-zôn thủng.

Mái nhà nhân loại nứt đổ…

Môi trường ô nhiễm lan tràn…

Đạo đức xuống cấp…

Chiến tranh hủy diệt…

Thật là hấp dẫn!

Hay là chấp nhận: Có sinh ắt có diệt?

Tôi thường chiêm nghiệm về sự bất an của con người, song tôi cũng mừng vui vì ở thời đại nào các vị Phật, Bồ-tát và các vị Thánh cũng ra đời để đối trị hiểm nguy và để thức tỉnh nhân tâm…”. Đó là lời của vị thiện tri thức, Bác sĩ Lê Đình Đại, tác giả cuốn sách Gió từ bàn tay mở[1] đã nói như thế trong tập sách của ông.

Đó cũng là câu trả lời cho những câu hỏi tại sao Phật Thích-ca lại ra đời tại Ấn Độ; Chúa Jésus Christ lại chào đời ở Do Thái; Đức Thánh Khổng Tử, Lão Tử, Ngài Lục tổ Huệ Năng ra đời ở Trung Quốc; Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tổ sư Minh Đăng Quang ra đời ở Việt Nam.

Đức Phật Thích-ca phải tu đến vô lượng kiếp mới thành một bậc Giác Ngộ. Những câu chuyện kể về tiền thân của Ngài đã minh chứng điều đó. Đức Phật Thích-ca vì lòng từ bi vô bờ bến đối với chúng sanh mà xuất gia tìm đạo, bởi thế cho nên sau khi giác ngộ, Ngài nghĩ ngay đến sứ mệnh cao cả, đó là “thay thế chư Phật đời trước mà tiếp tục chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người”. Sứ mệnh này Ngài biết trước không phải là một việc dễ dàng, vì đạo của Ngài cao thâm huyền diệu, mà chúng sanh căn cơ lại không đều, và từ muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc, do đó khó có thể hiểu ngay ý nghĩa cao thâm trong giáo lý của Ngài. Nhưng Ngài hiểu rằng mặc dù sống trong tăm tối, mỗi chúng sanh đều có mầm Phật tánh, như hoa sen, mặc dù trong bùn tanh hôi, nhưng vẫn luôn luôn tỏa nhụy vàng thơm ngát. Đó là ý chí và lòng cương quyết của Ngài phải cố gắng thực hiện để hoàn thành trách nhiệm của mình. Với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi vô bờ bến cộng với tinh thần bình đẳng và một ý chí dũng mãnh, Đức Phật đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình một cách viên mãn.

Khi còn là Thái tử, Ngài đã từ bỏ ngôi báu, vợ đẹp, con thơ để đi tìm đạo lúc 19 tuổi. Mãi cho đến 30 tuổi, Ngài mới tìm ra được con đường giải thoát, mở ra đạo Phật với hơn 50 năm Ngài đi hoằng pháp hóa độ chúng sanh; và tính đến hôm nay, hơn 25 thế kỷ, lời dạy của Ngài vẫn chưa hề cũ.

Đạo Phật đã có mặt trên toàn thế giới nhờ vào sứ mệnh hoằng pháp của những thế hệ đệ tử của Ngài, trong đó có Tổ sư Minh Đăng Quang.

Tổ sư Minh Đăng Quang ra đời tại Việt Nam, vào năm 1923 (Quý Hợi). Tuy Ngài được sinh trưởng trong một gia đình ở vùng quê, nhưng trí thông minh khác hơn những đứa trẻ cùng thời. Xuất gia từ rất sớm (15 tuổi), nhưng Ngài phải gặp một thử thách lớn trong đời đó là hiếu nghĩa song đường vì nghiệp duyên trần thế, và Ngài cũng đã dũng cảm vượt qua được nghiệp duyên đó để bước tiếp con đường mình đã chọn. Cuối cùng, Ngài ngộ nhập Phật pháp, chứng đạt lý vô thường, vô ngã, sáng lý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh, năm Ngài 22 tuổi:

Mãn khai vô thượng liên đài,

Trang nghiêm thị hiện Như Lai tọa thiền.

(Trụ Vũ, Thi hóa tiểu sử Tổ sư)

2. Tổ sư Minh Đăng Quang và sự nghiệp hoằng pháp

Tổ sư Minh Đăng Quang phát nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh giải thoát:

Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du,

Dục cùng sanh tử lộ,

Khất hóa độ xuân thu.

Tuy Ngài vắng bóng khi mới 32 tuổi (Giáp Ngọ - 1954), chỉ có 10 năm tu tập và hoằng pháp, nhưng sự nghiệp của Ngài rất lớn. Ngài đã thành lập ra Hệ phái Khất sĩ (nguyên là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam). Trong suốt 70 năm qua, Hệ phái Khất sĩ góp phần không nhỏ trong công cuộc chấn hưng Phật pháp, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Khi mới chứng đạt, 22 tuổi, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai đàn giảng giải thời pháp đầu tiên là “Thuyền Bát-nhã” vào ngày Rằm tháng Tư tại chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Vạn sự khởi đầu nan nhưng gót chân hành đạo của Ngài, vị Sư trưởng của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, bước rộng lần ra từ làng này đến làng khác; từ tỉnh nọ sang tỉnh kia; Tăng đoàn của Tổ sư Minh Đăng Quang cũng được những người dân hiền cảm mến. Hình ảnh vị sư đắp mảnh y vàng, ôm bình bát đất, đi khất thực vào mỗi buổi sáng; không nhà cửa, không gia đình quyến thuộc, không cất giữ chứa chấp tài sản của cải, tiền bạc, không ở nhất định một nơi nào… chỉ có trong tay “tam y, nhất bát” một lòng bước chân ra đi là để hóa độ chúng sanh, không ngoài mục đích nào khác.

Trong những buổi thuyết pháp, Ngài luôn kêu gọi Tăng đồ trở về với giới luật “Nên tập sống chung tu học”. Ngài kêu gọi mọi người hãy thương yêu nhau Không tự lấy để trừ tham. Không tự làm để tránh ác”. Và Ngài cũng khuyến khích mọi người hãy cùng chung nhau xây dựng một xã hội đạo đức, một cuộc sống an vui, hạnh phúc cho nhân loại như một cõi Thiên đường ngay chính tại trần gian này bằng cách:

Mỗi người phải biết chữ,

Mỗi người phải thuộc giới,

Mỗi người phải tránh ác,

Mỗi người phải học đạo.

Những thời pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang còn ghi lại trong bộ Chơn lý, gồm 69 tiểu luận. Ngài đã khéo léo dung hợp tư tưởng giáo lý của hai tông phái Phật giáo, đưa ra con đường “Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác”… giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận được chân giá trị của đạo Phật. Một phần trong bộ Chơn lý sau này được tách riêng thành cuốn Luật nghi Khất sĩ, rất cần thiết cho chư Tăng Ni Khất sĩ học hành, gồm mười quyển: Bài học Khất sĩ, Luật Khất sĩ, Bài học Sa-di, Pháp học Sa-di 1 (Giới), Pháp học Sa-di 2 (Định), Pháp học Sa-di 3 (Huệ), Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni, Giới Phật tử, và 114 điều Luật nghi Khất sĩ.

Luật nghi Khất sĩ là cuốn sách mà chư Tăng Ni cần phải học thuộc lòng để hành trì trong mỗi lúc, giúp cho quý Tăng Ni noi theo giáo lý Y bát chơn truyền của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng.

Trong Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, Tổ sư đã viết: “Đạo Phật Việt Nam không có phân thừa” (Nhất thừa), để khuyến khích mọi người nên lo tu cho đúng Thánh ý của Như Lai, đi đúng con đường Như Lai đã chỉ dẫn; chớ nên phân thừa, vì phân thừa là vọng tâm, là chia rẽ, là sai đạo. Thừa là trình độ tâm trí của mỗi người, hãy để kẻ khác biết cho mình, chẳng nên tự xưng. Những băn khoăn về Tiểu thừa, Đại thừa hay tông này phái nọ gán cho phái Khất sĩ đều rơi vào trạng thái ngã chấp, như sự sai lầm khi ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là ngón tay và mặt trăng là mặt trăng.

Tổ sư đã dạy rất kỹ trong Chơn lý “Trường đạo lý”: “Đạo là con đường của tất cả chúng sanh, mỗi người tự đi chớ không có tên đạo là gì cả. Giáo là sự dạy học để tu hành, chớ không phải tôn giáo gì cả. Và Phái là sự làm việc giúp ích lợi chung cho nhau chớ không phải phái gì cả. Những sự việc của đạo là để sống chung tu học, học cho được sáng suốt, thanh tịnh và trong sạch mà thôi”.

Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương hướng đệ tử theo quan niệm : “Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả thì tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả. Đó tức là chơn lý vũ trụ”. Người thực hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ. Khất ấy là xin; Sĩ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy. Xin phẩm thực để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành phước đức để bảo vệ gìn giữ cho sự sống lâu dài. Học bằng cách lượm lặt, rút tỉa kinh nghiệm từ khắp mọi nơi. Dạy là đem kết quả thực hành trải nghiệm chỉ dẫn lại cho người. Cái xin, cái dạy, cái học, cái cho, đó là cái pháp “nương sanh” mở ra con đường tươi sáng cho tất cả người đi sau. Con đường ấy gọi là con đường Đạo. Đạo của sự sống là cùng nhau sống chung. Đạo của sự biết là cùng nhau học chung. Đạo của tỉnh thức là cùng nhau tu chung. Nên tập sống chung tu học. Tổ sư Minh Đăng Quang thường nói: “Vào thời kỳ mạt pháp, chúng sanh phước mỏng tội dày. Bậc Thánh phải chung đụng với kẻ sát nhơn; Hiền triết phải ăn ở với hạng gian tà, rồi đấu tranh chống chọi nhau xảy ra trăm ngàn việc. Sự hay dở đều có hai mặt, ai có cặp mắt tinh đời, có bộ óc sáng suốt, thông tâm lý, hiểu chánh trị, có lập trường đạo đức, khảo sát thời kỳ sẽ thấy rõ các hành vi của con người. Ngoài đời, người ta dạy các thuật đấu tranh để được sống khổ; Nơi nhà đạo, tôi dạy các ông (người xuất gia) cách chết an vui.”

Tinh thần dũng cảm vô úy của Tổ sư được kể lại qua câu chuyện sau:

Ngày nọ, tại tịnh xá ở Thốt Nốt, vì thấy hạnh tu nhu hòa của các chư Tăng, kiên trì giới đức của nhà Phật, có nhóm người cường lực cạn tâm đến tịnh xá dùng vũ khí bao vây, quát tháo, hăm dọa coi thử bậc tu hành có sợ cái chết không?

Tổ sư Minh Đăng Quang thản nhiên trả lời với bọn họ rằng: “Quý ông cầm cái chết sẵn trong tay, sao lại không sợ mấy ông”. Và Tổ sư nói tiếp: “Chết sống là do duyên nghiệp tùy theo nhân đã tạo mà phải chịu cái quả như thế nào; trên đời, không ai thua ai hoặc sợ ai cả, có sợ chỉ sợ mình mê muội mà gây tạo tội lỗi để phải gánh vác lấy”.

Thời đó, chư Tăng, chư Ni theo Tổ sư Minh Đăng Quang học đạo có trên trăm vị, và Phật tử tại gia theo quy y thọ giới cũng có hơn vạn người. Tịnh xá được thành lập hơn 20 ngôi tại các tỉnh miền Đông và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ sư du hóa hành đạo thuyết pháp độ sanh chỉ được mười năm thì Ngài thọ nạn và vắng bóng. Tuy chỉ mười năm ngắn ngủi nhưng sự nghiệp Tổ sư để lại không hề nhỏ. Ngài đã đào tạo nhiều đệ tử giỏi. Trong hàng đại đệ tử của Tổ sư có các vị Trưởng lão, Thượng tọa kế tục đạo nghiệp, lập các giáo đoàn du Tăng đi hành đạo khắp hai miền Nam và Trung (1955 - 1975) như quý Ngài: Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Như, Giác Tịnh, Giác An, Giác Nhiên, Giác Lý, Giác Đức…

Phía Ni giới Khất sĩ có nhiều Ni trưởng, Ni sư đạo hạnh như: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên, Ngân Liên, Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên…

Sự kiện quan trọng là tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, trong đó Hệ phái Khất sĩ là 1 trong 9 thành viên thành lập Giáo hội. Đại diện hàng Giáo phẩm Hệ phái được đề cử trực tiếp tham gia trong hàng Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung ương.

Tổ sư chỉ hành đạo trong 10 năm thôi, nhưng lời dặn dò của Tổ sư vẫn khắc ghi trong tâm khảm của đệ tử Ngài: “Các con hãy ở lại mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh, đền ơn chư Phật, ấy là các con theo Thầy và làm vui lòng Thầy nơi xa vắng, rồi một ngày kia Thầy sẽ về”. Vâng! Thầy đã về và Thầy ngự trong lòng các môn đệ, đệ tử, các con của Ngài. Hôm nay trong lễ Tưởng niệm Tổ sư, hàng môn đồ chúng đệ tử luôn cầu nguyện và tin tưởng:

Thầy về hóa giải tức thời,

Khổ đau sẽ hết, nụ cười thêm xinh.

Minh Đăng Quang, bóng an bình,

Minh Đăng Quang, ngọn đèn linh ta-bà.

Chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), khi bóng chiều phủ xuống, tại Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), Tổ sư giã từ hàng đệ tử để đi tu tịnh tại “núi lửa” một thời gian. Rồi từ ấy đến nay lại một vòng tuần hoàn thời gian Giáp Ngọ (2014), đúng 60 năm dài trôi qua, mấy chục mùa hoa mai vàng rụng rơi biền biệt xót xa nỗi niềm của hàng vạn vạn con tim hiếu kính nhớ thương Tổ Thầy:

Mỗi năm mỗi thắp hương lòng,

Nguyện cầu Sư Tổ thoát vòng tai ương.

Trở về bên mái Phật đường,

Chuyển pháp luân độ mười phương an lành.

Trong thâm tâm người con Phật luôn khắc cốt ghi tâm thấu hiểu lời dạy quý báu sâu sắc của Đức Thế Tôn: “Dù người ta có giết Thầy mình, mình cũng không nên hại lại”. Và lời dạy vẫn còn thấm thía nhất đối với chúng ta hôm nay: “Kẻ nào cột oan trái rằng, họ đã giết ta, đã đánh ta, đã thắng ta, đã cướp của ta. Oan trái của người ấy không bao giờ dứt được bởi họ đã cột chặt oan trái. Oan trái chỉ dứt được khi họ biết thành khẩn sám hối”.

Hiểu được giáo lý một cách vững chắc như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng thiết lập hạnh phúc cho chính mình:

Quỳnh trong nước mắt, sen trong lửa,

Phút nhập thần sương bạc khói lam,

Chia nẻo khói sương về tới đích,

Cả hai cùng hiện một hoa Đàm.

(Trụ Vũ, Thi hóa tiểu sử Tổ sư)

Tổ sư dấn thân vào “núi lửa”, như một sự vượt qua hòa điệu tử sinh, để đi vào con đường giải thoát tràn đầy tinh thần xả kỷ lợi tha của chư Bồ-tát, là tinh thần từ bi bất diệt của Đức Phật và giáo pháp Khất sĩ.

3. Sứ mệnh hoằng pháp

Khi giảng về ý nghĩa của đạo Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rằng: “Ba đời chư Phật đều hành theo hạnh Khất sĩ y bát, và quả đạo Niết-bàn do đó mới có. Còn kỳ dư các hạnh tu khác (vô lượng pháp môn tu) là tùy theo căn cơ trình độ và thời đại, cùng sự giác ngộ tới đâu là tùy duyên hóa độ. Lắm khi đạo Phật bị ảnh hưởng dưới sự truyền giáo của phàm Tăng, đạo bị lu mờ và dường như xáo trộn tà thuyết ngoại đạo, mê tín dị đoan, lắm sự tu lánh đời tiêu cực… thế nên kẻ giống ba, người giống bảy, có sự cố chấp bảo thủ, mà sanh ra phân chia tông phái, mất cả chơn truyền y bát giáo nghĩa cùng sự giải thoát yên vui trung đạo của chư Phật.

Với sứ mệnh người tu đạo Phật chúng tôi, nối truyền Thích-ca Chánh pháp, y bát Khất sĩ nêu cao ngọn pháp đăng đòi lại giá trị đạo Phật y thời xưa, để khỏi phụ lòng người học Phật tìm tu và đền đáp hồng ân chư Phật, đấng cha lành muôn loại. Tổ sư lại dạy rằng: “Đạo Phật là đạo tượng trưng quả Bồ-đề, đạo giác ngộ giải thoát. Trần thế như một trái cây, chúng sanh là những hột giống; tâm địa có non già lớn nhỏ, sâu đẹt… Chỉ khi nào trái chín muồi, hột giống già chắc thì mới không lớn nữa, không còn đèo ẻo sâu hư thối rụng, khi đó hột giống mới có giá trị cất giữ để đời yên vui mãi mãi. Tâm địa con người cũng thế, khi đã giác ngộ đủ, mọi sự đời không còn luyến tham mê vọng, thiếu thốn hỏi đòi, chấp giữ cõi trần nữa; tâm đã già chết trước cảnh vật, yên nghỉ giải thoát không không; bây giờ thân tâm nhẹ nhàng trôi bay cùng khắp, lấy vũ trụ làm nhà, chúng sanh làm quyến thuộc, các sự vật hình thức, tiếng tăm làm trò chơi, cảnh đời làm vườn hoa kiểng để giải trí. Những người đã hiểu rõ như thế, đem mình sống đúng theo chơn lý, dùng gương hạnh lời nói giúp ích dạy đời, gọi là nhà tu, nhà sư, thầy tăng, ông thầy tu… Nhiều thầy tu hiệp lại số đông thành một Giáo hội Tăng-già. Chư Phật và chư Bồ-tát sống theo giáo nghĩa này. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là người đại diện dẫn đầu một lúc những người giải thoát và sự sống chung trôi bay cùng khắp, là phải y hành theo y bát Khất sĩ, con đường của chư Phật. Chúng tôi hôm nay cũng tập theo hạnh ấy...”

Đức Tổ mang sứ mệnh hoằng pháp cao cả. Ngài là một nhà biện tài vô ngại trước mọi câu hỏi của người đời, dẫu là câu hỏi của kẻ phá đạo, hoặc để hiểu chơi, Ngài luôn ứng đối linh hoạt trả lời thông suốt. Một hôm tại Ô Môn, nhân buổi thuyết pháp có người hỏi rằng: “Bạch Ngài, mỗi vật đều có đầu có đuôi, tại sao cái cầu bắt ngang sông rạch, người ta gọi hai phía, bên nào cũng đầu cầu cả, làm sao để phân biệt đầu đuôi?”.

Ngài đáp ngay: “Có chi khó mà phải hỏi, hãy lấy mình làm chủ đích, phía nào mình để chân bước lên trước là đầu và cuối cầu bước xuống là đuôi. Đừng khi nào xét đoán sự gì mà bỏ mình ra không có gốc, theo dư luận hay tập quán thì không có chơn lý ở giải pháp đó, ví như hai người đều bước lên hai đầu cầu một lượt, thì như hai nhân trên một vấn đề không thể luận được, vì nếu tiến bước thì sẽ gặp nhau ở giữa, không thông đường, lúng túng; lý và sự cũng y như thế…”.

Người mang sứ mệnh hoằng pháp phải trang bị cho mình rất nhiều thứ, nhưng không ngoài hai thứ mà Như Lai đã trang bị cho họ là “từ bi và trí tuệ”. Từ bi thôi, chưa đủ; phải công phu tu tập nhiều để có được một khả năng biện tài vô ngại như Ngài Minh Đăng Quang với những bài pháp siêu đẳng và những câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa về đạo cũng như đời của người đời.

Đã 60 năm Tổ sư vắng bóng, nhưng chắc chắn Ngài sẽ hài lòng với những đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài hiện nay, vì bây giờ những người con Phật đủ sức mang trên vai sứ mệnh hoằng pháp tiếp nối sự nghiệp Ngài để lại. Biết bao nhiêu tịnh xá được xây dựng khắp nơi, đạo pháp ngày càng hưng thịnh đáp ứng được nhu cầu tâm linh tu học của Phật tử mà trong lòng họ luôn hiếu kính nhớ thương Ngài:

Mượn lốt nhân sinh xuống cõi trần,

Học đòi Sĩ Đạt dứt tình thân,

Linh căn Thích đạo duyên ngàn trước,

Rọi dấu Ta-bà giáo hóa dân.

4. Đôi lời tạm kết

Chúng ta đang sống ở đầu thế kỷ XXI, một thế kỷ với những phát minh, những thành tựu khoa học tiên tiến hiện đại phục vụ cho tiện nghi của con người. Nhưng nghịch lý của sự văn minh vật chất có những mặt trái của nó đi kèm, không cần phải có học thức cao cũng có thể biết những nghịch lý đó là gì. Khi dư thừa vật chất hưởng thụ, thì con người phần nào “chai lì” tình thương, đạo đức con người xuống cấp…

Càng “văn minh” càng hiểm nguy,

Càng thêm rệu rã chai lì tình thương.

Lui về ấp ủ bình thường,

Tìm trong giản dị sắc hương nhẹ nhàng.

Hành trình nhân loại sang trang,

Làm sao nói hết muôn vàn tai ương.

Với bao thảm họa khó lường,

Rành rành trước mắt khó phương giải trừ !

Đạo Phật là đạo từ bi,

Là nguồn hy vọng cứu nguy cõi đời.

(Lê Đình Đại)

Tiếng nói của Phật tử Lê Đình Đại, tác giả bài thơ Suối nguồn hy vọng đã nói lên khát vọng tìm nơi an trú tựa nương cho thân cũng như tâm của con người trong một thời đại cuộc sống đi nhanh, cái gì cũng hối hả, ai không theo kịp thì sẽ bị bỏ lại phía sau cuộc đua kiếm sống, kiếm tiền, làm cho thể xác và tinh thần mệt mỏi. Stress, hội chứng tâm thần do áp lực công việc, làm cho con người mệt nhoài, phiền não khổ đau. Họ đang rất cần những vị thầy trợ giúp.

“Không thầy đố mầy làm nên”.

Phật tử rất cần một ngôi chùa, ngôi tịnh xá, một không gian yên tĩnh; ở đó có một nhà sư hay một vị Tăng, Ni mang sứ mệnh thiêng liêng cao cả của người con Phật dẫn dắt và cứu độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ ta-bà. Nhà sư sớm tối kệ kinh trong ngôi chùa nhỏ, dìu dắt, dạy dỗ đệ tử trong làng thôn, xóm phố tu học Phật, tu thọ Bát Quan Trai, tập làm Phật một ngày, bảy ngày… cho chúng sanh bớt khổ, thêm vui, thân tâm thường an lạc, gia đình yên vui, hạnh phúc.

Nhà sư là người cha tâm linh của quý Phật tử, là chỗ dựa tinh thần cho họ. Gặp điều gì vui buồn, thuận duyên hay nghiệp chướng họ cũng lên chùa, tin tưởng bộc bạch với nhà sư để xin một lời chỉ giáo sẻ chia. Phật tử rất là ngây ngô dễ thương, như những đứa trẻ yếu mềm, họ cần lắm, cần lắm những vị thầy, những nhà sư như những người cha tâm linh đỡ đầu cho họ trong cuộc sống, giúp đỡ họ những lúc nguy nan…

Thế mới biết sứ mệnh hoằng pháp hiện tại cấp thiết biết chừng nào! Vị thầy hay nhà sư trú trì, người cha đỡ đầu tâm linh, ngoài cái tâm từ bi ra, còn phải biết sử dụng bảo kiếm trí tuệ của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi trao cho để “tùy cơ ứng biến” hóa độ chúng sanh đang lao đao nơi chốn biển khổ trần gian để xứng đáng làm người học trò xuất sắc của Tổ sư Minh Đăng Quang, nối truyền Thích-ca Chánh pháp.

Thành phố Đông Hà, tháng 01 năm 2014

 


[1] Nxb. Văn học, 2011.