Tổ sư Minh Đăng Quang và con đường nối truyền Thích-ca chánh pháp

Vào giai đoạn 1930 - 1945, ở nước ta các cuộc chấn hưng Phật giáo đã được phát động khắp các miền trong cả nước, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất. Hầu hết đều có khởi xướng việc đào tạo Tăng tài đủ khả năng để đem giáo pháp đến với mọi người, nhằm chấn hưng lại con đường giải thoát mà Đức Thế Tôn đã vạch ra. Một số Phật học đường, thư viện được thành lập, nhiều tạp chí được xuất bản để khuyến khích mọi người nghiên cứu, tìm lại con đường chánh pháp. Chính việc quá chú trọng vào con đường tri thức để thấu hiểu giáo pháp cho nên về mặt phạm hạnh trong đời sống vẫn chưa đủ khả năng đánh động tâm thức nhân sinh[1]. Do đó, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã lấy việc hành trì làm bước đầu, lấy đời sống phạm hạnh của một vị Sa-môn chân chính để nhiếp hóa nhân sinh, đánh động tâm thức của mọi người, giúp người hữu duyên xuất gia hay tại gia cùng thể nghiệm đời sống an lạc. Con đường hành trì ấy chính là con đường “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Vậy Tổ sư đã thể hiện con đường này như thế nào, đây chính là điều người viết muốn trình bày ở đây để tưởng nhớ đến ân đức của Ngài nhân dịp hội thảo khoa học tưởng niệm 60 năm Ngài vắng bóng.

Hthao 5

1. Hiển bày Pháp bảo qua thân hành

Để hiện thực hóa lý tưởng ấy, Đức Tổ sư đã hướng dẫn, định hướng cho hàng đệ tử con đường tu học như Phật Tăng xưa với đời sống Du Tăng, thực hành hạnh trì bình khất thực theo chủ trương “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Bởi lúc hiện tiền, Đức Thế Tôn luôn chỉ dạy cho hàng Thánh chúng phương pháp tu học với hạnh trì bình khất thực, du phương giáo hóa để làm phương tiện tự thân tu tập đồng thời tiếp cận hóa độ nhân sinh. Quả vậy, đời sống Du Tăng cùng việc khất thực là phương tiện diệu dụng để cảm hóa nhân sinh bằng hình ảnh phạm hạnh của vị Sa-môn, đem đạo vào đời một cách thiết thực, phục hưng giá trị cao đẹp vốn có của Phật giáo.

Nói như vậy có người cho rằng, Đức Tổ sư chỉ giữ hình tướng Khất sĩ y bát như Phật Tăng xưa chứ đâu phải thừa tự giáo pháp? Và hơn thế, Chánh pháp của Ngài có bị đứt đoạn đâu mà nối lại kia chứ? Vậy thì nối là nối cái gì và truyền là truyền cái gì?... Đây là điều chúng ta cần phải tìm hiểu để thấy rõ dòng tư tưởng chủ đạo và giá trị của con đường Đức Tổ sư đã dựa vào lịch sử để vẽ lại theo phong cách văn hóa Việt, và cũng để thấy rõ hơn về tinh thần phụng sự cho đạo pháp đương thời như thế nào.

Để trả lời cho những câu hỏi trên, trước tiên, chúng ta cần đọc lại một đoạn về lời dạy cho người tại gia của Đức Tổ sư trong quyển “Cư sĩ”: “Hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo, tạo tâm chơn làm sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc, mà cùng nhau dứt bỏ sự chơi bời[2]. Hay như một đoạn khác Ngài dạy: “Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ phải cần đem theo Giới Định Huệ. Vì không thể nào với cái tham sân si mà được sống đời, nên công kết quả cho được”[3].

Đối với hành trang của một người cư sĩ tại gia mà Tổ sư còn nhấn mạnh rằng: phải trau dồi Pháp bảo, giới hạnh…, cùng Tam vô lậu học Giới Định Tuệ để đoạn trừ tham sân si, huống chi là một người xuất gia “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” lại chỉ thừa tự hình tướng chiếc y bá nạp cũ kỹ cùng cái bát đất giản dị kia thôi hay sao? Như vậy, giá trị của vị “Sứ giả Như Lai” không bằng đời sống của một người cư sĩ còn thọ hưởng ngũ dục lục trần, có quá thấp kém hay không? Cho nên, những ai nghi ngờ, cho rằng Đức Tổ sư chỉ giữ hình tướng chiếc huỳnh y thì đã vô cùng sai lầm và có thể nói chưa hề đọc qua lời dạy của Tổ sư mà chỉ dựa trên một lời nói, một đoạn văn tự nào đó để phán đoán, đánh giá sự việc mà thôi. Để rõ hơn về con đường thể hiện Pháp bảo qua thân hành của người Du Tăng Khất sĩ, chúng ta cần nên nghe lại lời chỉ dạy của Đức Tổ sư về Y bát trong Chơn lý quyển “Y bát chơn truyền”: “Giáo lý y bát chơn truyền nghĩa rằng: Y là Pháp, Bát là Đạo”[4], và Ngài tiếp tục giải thích: “Áo đây tức là Pháp bảo, giáo lý để đậy che pháp thân là: Kinh luật luận, cũng là thân đạo, thân của Phật, tức là chơn thân, thân to lớn. Áo của nhà sư cũng như giáp sắt nhờ mặc nó vào, đi xông pha khắp cùng thế giới, đến đâu cũng được, tà ma ác thú thần quỷ chẳng khá lại gần, nhờ mặc nó mà nhẹ bay trôi khắp cùng thiên hạ, che cả thân tâm, và đùm bọc cho biết bao nhiêu kẻ khác. Mỗi miếng vải vá, nhà sư xem như là một điều luật, một câu pháp, một bài kinh”[5].

Và Đức Tổ sư lại trình bày tiếp: “Còn cái bát là thể của Bát chánh đạo, đạo Bát chánh ví như bầu đựng cơm, đạo như bầu võ trụ, tâm chúng sanh như cơm đồ ăn chứa mang vào trong đó[6].

Như vậy Y và Bát chính là phương tiện để diễn bày giáo pháp kinh luật luận, hay nói cách khác, người Khất sĩ được chở che, nuôi dưỡng bằng chén cơm Bát chánh đạo cùng chiếc áo giáo pháp để che thân, cũng có nghĩa là khi chúng ta tiếp nhận Y bát thì đồng với việc có được phương tiện Giới Định Tuệ để bảo vệ và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Cho nên, Khất sĩ phải hội đủ giáo pháp Giới Định Tuệ: “Nếu Khất sĩ không có tu về định huệ dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ, vì chữ sĩ đây là sự học đạo lý với quả linh, bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát Khất sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất sĩ, đủ gồm cả giới định huệ. Có giới hạnh mới được làm Khất sĩ, nên trước khi vào đạo cũng phải học giới và tu tập cho thuộc nhuần”[7].

Lời dạy này một lần nữa khẳng định: Muốn bước vào hàng Khất sĩ, thực hiện đời sống Du Tăng khất thực hóa duyên, trước tiên phải mặt áo giới luật, trau dồi đời sống phạm hạnh, sau đó tu tập định tuệ, hoàn thiện Tam vô lậu học, gia tài mà người Khất sĩ không thể thiếu một món nào trong chúng. Nếu khuyết đi chi phần nào thì vẫn chưa trọn vẹn được hai chữ Khất sĩ, bởi Khất sĩ phải hội đủ cả ba chi phần Giới Định Tuệ như lời vừa dạy ở trên. Điều này được Đức Tổ sư minh họa bằng một ví dụ rất sống động nhưng cực kỳ gần gũi và thiết thực với cuộc sống: “Giới Định Huệ là chân, mình, đầu của một thân hình cái sống, thiếu một là chưa đủ, nên dầu ai có chấp trước đoạn nào, chớ sau rồi cũng nhìn ra cả thể như nhau[8].

Qua đó, Ngài cũng khuyên nhắc chúng ta không nên bám níu vào một yếu tố nào đó và cho đó là toàn thể, là chơn lý, mà phải thấy rõ sự thật thật đầy đủ để đoạn trừ chấp trước, xả bỏ yếu tố chấp thủ mới xứng với hai chữ Khất sĩ. Chính vì thế, Ngài thường nhắc nhở chúng đệ tử phải nghiêm trì giới luật để phát triển phạm hạnh Sa-môn. Chúng là nấc thang đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển định huệ, nên Người đã nhấn mạnh: “Điều quý nhứt của người Khất sĩ, là sự giữ gìn giới luật[9], bởi giới luật là con đường thiết lập sự an vui, là cõi Cực lạc: “Thế giới Cực lạc ấy là sự tột vui của trong giới luật yên định”“chính Luật tạng giới xuất gia là cõi Tây phương Cực lạc”[10].

Từ đây, chúng ta có thể thấy được cái nhìn của Đức Tổ sư vô cùng thiết thực và rất phù hợp với lời dạy “Hiện pháp lạc trú[11] của Đức Thế Tôn. Dù cho ngữ cảnh thế giới Cực lạc có thể khiến cho độc giả cùng người nghe dễ hiểu lầm, dẫn đến cái nhìn mê tín dị đoan nhưng dưới cách diễn giải của Ngài, chúng đã trở nên vô cùng rõ ràng và thiết thực. Tây phương Cực lạc đâu phải là một thế giới nào khác ở xa xăm tận nơi nao, mà chúng ở ngay nơi cuộc sống thường nhật, miễn là chúng ta biết hành trì và sống với giới luật, là ta đã có sự an vui và đang sống trong thế giới Cực lạc. Cho nên, khi sống với giới là ta đang hoàn thiện phẩm chất phạm hạnh của người Tăng sĩ, mới xứng với chủ trương đắp y, ôm bát làm Khất sĩ hóa duyên, dùng Sa-môn hạnh độ đời, bằng không chỉ là khất cái xin ăn thấp hèn. Điều này được Tổ sư minh chứng qua đoạn Chơn lý: “Giá trị của Khất sĩ với khất cái khác nhau rất xa, một trời một vực, kẻ khất cái tàn tật mới đi xin, tham sân si tội ác chẳng tiêu trừ. Mà trái lại Khất sĩ là kẻ thông minh trí thức, hiền lương mạnh khỏe, mà lại đi xin ăn nuôi sống, mới là sự chướng ngại xốn mắt kẻ thế gian, là việc làm mà ít ai thấu hiểu, bởi quá cao thâm, vậy nên Khất sĩ phải có những đức tính hơn người, thấy chắc kết quả, mới dám đứng ra thật hành, và còn làm cho thế gian kỉnh trọng, chẳng dám khinh khi đạo Phật” [12].

Chắc chắn phải có đức tính hơn người rồi, bởi con đường Khất sĩ đâu phải ai cũng làm được. Đơn giản việc muốn làm tập sự đắp y ôm bát thôi cũng phải hành trì, giữ được mười giới[13], nghĩa là mới chỉ tập xuất gia làm Sa-di thì cũng đã phải giữ 10 giới, có đức hạnh, tập làm quen với đời sống Sa-môn để khi bước vào con đường Khất sĩ mới có thể làm tròn sứ mệnh của vị sứ giả Như Lai được. Đâu chỉ dừng lại nơi 10 giới, mà còn phải biết tu thiền cho có ấn chứng thì mới được làm Tỳ-kheo Khất sĩ như trong “Luật nghi Khất sĩ”, Tổ sư đã dạy: “Những ai muốn xuất gia, trước phải hiểu thông luật đạo, học thuộc lòng Tứ y pháp, mười giới và những bài kinh cúng nguyện, mới được cho vào tập sự, giữ hạnh và tham thiền, sau hai năm được thuộc giới bổn, tinh tấn không phạm giới, tham thiền được ấn chứng và trọn lễ hầu thầy, mới được cho xuất gia nhập đạo”[14].

Vị Du tăng Khất sĩ có tu tập, có phạm hạnh như vậy, làm sao người thế gian không kỉnh trọng? Thế nên, trong một đoạn khác của quyển “Y bát chơn truyền”, Ngài khẳng định như thế nào là một người Khất sĩ chân chính: “Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý, phải cho trọn lành trong sạch”[15] hay “Người Khất sĩ phải có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ”[16].

Chính những điểm này giúp cho tinh thần đắp y ôm bát có giá trị, mới làm hiển bày được Pháp bảo Giới Định Huệ qua thân hành trong cuộc sống, mới thấy được giá trị của người Khất sĩ. Do vậy, pháp hành khất thực hóa duyên được Đức Tổ sư đề cao, và là con đường thể nghiệm Chánh pháp ngay trong cuộc sống hiện tại.

2. Khơi dậy con đường Giác ngộ

Khi đề cập đến tư tưởng nối truyền, có nhiều người đã hiểu lầm và cho rằng dòng mạch Chánh pháp của Đức Thế Tôn từ ngày vận chuyển bánh xe pháp cho đến đương thời vẫn còn hiện hữu, vẫn còn người thực hành sao gọi là nối lại, mà ít ai nghĩ đến ý nghĩa tiếp nối và truyền thừa.

Để hiểu vì sao ở đây là tiếp nối và truyền thừa, chúng ta cần lắng nghe lại lời khẳng định xác quyết của Đức Tổ sư trong quyển “Chánh pháp”: “Cái pháp tự nó vốn đâu có hưng hay mạt, mà mạt là chỉ tại nơi người làm mạt đó thôi. Cũng như đạo đâu có bao giờ mất, mất là chỉ tại người bỏ đạo làm mất đó thôi”[17]. Chính vì Pháp vốn không có hưng hay mạt, đạo chẳng có mất nên chúng vẫn còn hiện hữu, chỉ tại con người không chịu sống với chúng nên con đường của bậc của Chánh Biến Tri đã bị gai gốc, cỏ dại che phủ làm lu mờ mà thôi. Cho nên, tiếp nối ở đây chính là kế thừa và làm cho sáng tỏ lại con đường của bậc Chánh Biến Tri đã kiến lập mà Tăng đoàn thuở xưa đã thể nghiệm vận hành.

Hình ảnh Đức Phật cùng Tăng đoàn, cứ vào mỗi buổi sáng đắp y ôm bát vào các thôn xóm hóa duyên khất thực tạo duyên lành cho mọi người phát khởi niềm kính tin Tam Bảo, tập tu hạnh bố thí và xả bỏ lòng tham được ghi lại khắp trong hệ thống kinh điển như Kinh Mật Hoàn, Kinh Potaliya… của Trung Bộ Kinh; hay duyên khởi hình thành câu Kinh Pháp Cú, số 80 cho đến hệ thống kinh điển Đại thừa như Kinh Kim Cang: “Lúc bấy giờ đến giờ thọ thực, Đức Thế Tôn đắp y, ôm bát đi vào Xá-vệ thành, tuần tự khất thực từng nhà và trở về trụ xứ thọ thực. Sau khi thọ trai xong, xếp y rửa bát, trải tọa cụ mà ngồi”[18]. Tuy đó là những việc làm đơn giản nhưng quan trọng đến mức Thánh Tăng Tu-bồ-đề đã thưa: “Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc cho các vị Bồ-tát”[19] và được Đức Thế Tôn xác chứng cho lời thưa ấy. Như thế việc hành trì khất thực hóa duyên là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết của người Khất sĩ. Hình ảnh đắp y ôm bát khất thực đã được bậc Thiện Thệ cùng Tăng đoàn hành trì trong suốt cuộc đời hành đạo, mang ánh sáng đến cho chúng sanh. Hình ảnh cao đẹp về vị Khất sĩ ôm bát hóa duyên ấy đã phai mờ theo thời gian năm tháng và dần trở nên khó gặp trong thời cuộc bấy giờ. Chính vì vậy, Đức Tổ sư mới nêu cao chủ trương hành trì Tứ y pháp với hạnh khất thực nhằm khơi dậy con đường cổ xưa đã bị rêu phong che phủ, lấp kín lối đi.

Con đường ấy được Đức Tổ sư diễn bày qua hình ảnh đời sống Du Tăng, thường du hành, dù cho có ở trụ xứ (sức khỏe không cho phép hành trì đời sống Tứ y pháp) cũng không được ở quá 3 tháng tại một trụ xứ[20], có khác chi với lời Đức Phật đã từng dạy cho chư vị Khất sĩ trong Kinh Đại Bổn thuộc Trường Bộ Kinh: “Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ kheo, hãy thuyết giảng Chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh”[21].

Việc du hành ấy cũng có thể nói là đầu mối cho con đường Du Tăng trong thời Phật tại tiền, và Đức Tổ sư đã tiếp nối con đường y bát độ sanh, dù cho bá tánh nhân sanh có cúng dường tự viện đi nữa. Hình ảnh vị Khất sĩ trụ xứ vẫn ngày ngày đắp y ôm bát thực hành hạnh khất thực độ sanh, chỉ trừ những ngày cúng hội hay có tín chủ phát tâm cung thỉnh đặt bát tại tư gia[22], còn lại đều du hành với đời sống Tứ y pháp. Và Tứ y pháp được Ngài hướng dẫn cho chúng Tăng như sau:

“1. Người tu xuất gia: Chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn, được ăn tại chùa.

2. Người tu xuất gia: Phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

3. Người tu xuất gia: Phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ, bằng lá, một cửa thì được ở.

4. Người tu xuất gia: Chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng”[23].

Tinh thần này có khác gì với hạnh Du Tăng thời Phật đâu? hay nói đúng hơn đây chính là lối sống phạm hạnh của vị Khất sĩ hành trì hạnh Đầu-đà trong thời Phật[24]. Đồng thời, ở đây Tổ sư còn thể hiện tinh thần tùy duyên tùy thời chứ không hề bắt buộc nhất định phải như thế nào và bám níu vào một điều học đã được đặt ra để rồi dính mắc vào những quy ước ấy. Tinh thần này được biểu hiện qua sự khai mở “nhưng có ai cúng…”, miễn là sự cúng dường ấy vẫn giúp cho vị Khất sĩ giữ được sự giản dị thanh bần cùng đường hướng tu tập của vị Sa-môn. Điều này rất phù hợp với tinh thần Đức Phật đã giáo giới cho các vị Khất sĩ qua sự kiện Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) thỉnh Đức Phật áp đặt 5 điều tinh tấn[25] mà trọn đời vị Khất sĩ phải sống như thế không được khác đi, dù đây là những phép thực hành tinh tấn được Đức Thế Tôn khuyến khích Tăng đoàn hành trì, nhưng Ngài không hề áp đặt hay bắt buộc những vị Tỳ-kheo không đủ khả năng đều phải hành trì như vậy. Tinh thần ấy chính là Trung đạo, con đường vượt qua những ranh giới cực đoan chỉ lo lợi dưỡng hưởng thụ sung túc hay khổ hạnh ép xác như lời dạy: “Tứ y pháp là pháp giải thoát nuôi tâm tu học, chớ không phải khổ hạnh hay dung dưỡng sung sướng”[26] hoặc “Tứ y pháp là pháp Trung đạo Chánh đẳng chánh giác, không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật”[27].

Đồng thời, con đường Tứ y pháp giúp cho vị Khất sĩ có đủ thời gian để tu tập hoàn thiện Tam vô lậu học, làm gương lành cho nhân sanh về đời sống phạm hạnh, và giải thoát khỏi mọi sự phiền toái của tứ vật dụng ăn mặc ở bệnh, những vấn đề khiến cho nhân sanh phải lao tâm, tranh đấu để trau dồi, trang bị cho 4 món này. Chính con đường ấy giúp cho người Khất sĩ vừa có thể tu tập tâm vô tham, xả bỏ tham chấp vị kỷ, tu tập Bát chánh đạo[28], để đoạn trừ tham sân si, lại vừa giúp cho mọi người xả bỏ lòng tham, phát tâm bố thí, phát triển đức tính thương yêu từ ái. Hơn nữa, hạnh khất thực của con đường Tứ y pháp thì ai muốn cúng chi cũng được (miễn là thực phẩm chay và tuyệt đối không nhận gì khác ngoài thực phẩm như tiền bạc… chẳng hạn), đồng thời không có sự khen chê ngon dở ít nhiều, cũng như chẳng đặng để dành nhằm đoạn trừ tâm tham, kham nhẫn trước những lời thị phi, chê bai trách móc của thế nhân để trừ tâm sân, tinh tấn hành trì[29] để trừ tâm si và phát triển tuệ giác. Khi tham sân si được đoạn tận cũng chính là lúc hành giả hoàn thiện đời sống phạm hạnh, mục đích của việc xuất gia giải thoát. Điều này đã được Thánh Tăng Sāriputta trình bày, Đức Thế Tôn xác chứng trong chương Tương Ưng Jambukhàdaka của Kinh Tương Ưng Bộ IV: “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn”, hay “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là A-la-hán[30]. Vì thế, con đường Tứ y pháp có đủ khả năng đoạn tận tham sân si nên cũng chính là Chánh pháp của chư Phật, là con đường mà Đức Tổ sư muốn khơi dậy và làm sáng tỏ để cho nhân sinh cùng bước theo, cùng quay về bến giác. Chính vì vậy, Ngài mới khẳng định con đường Tứ y pháp là đạo lộ mà chư Phật đã đi: “Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý y bát Khất sĩ vậy[31].

3. Tinh thần giáo hóa

Tiếp nối lý tưởng của bậc Thiện Thệ, Đức Tổ sư đã tiếp tục hiện thực hóa tinh thần vì lợi ích nhân sanh, hình thành chất nhựa sống để cung cấp nguồn đạo lý nhằm nuôi dưỡng cây giác ngộ và gắn kết các cộng đồng riêng rẽ lại với nhau, tạo nên một tổng thể cùng chứng nghiệm đời sống an lạc. Chính vì vậy, Ngài mới dạy cho hàng đệ tử về hình ảnh người Khất sĩ du Tăng: “Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người”[32].

Sau đó, Đức Tổ sư còn nhấn mạnh về con đường của vị “Sứ giả Như Lai” là phải nhận lấy trách nhiệm tế độ chúng sanh làm nghề nghiệp[33], chứ không phải chỉ biết lo lấy riêng mình mà đánh mất tình thương đối với nhân sinh. Vì thế, con đường Khất sĩ là đạo lộ để hành giả vừa hành trì vừa phải dìu dắt, dạy cho người thấu hiểu lẽ lý chơn và thấm nhuần giáo pháp để Pháp bảo luôn hiện hữu nơi tâm trí cùng thân hành, để cùng nhau tiến hóa trên lộ trình giác ngộ. Ở đây, Ngài đã minh họa bằng hình ảnh hoa sen nương nơi bùn nhơ cấu uế phát triển, để rồi dâng tặng lại bằng sự che chở, nhận lấy nắng mưa sương gió nhằm bảo vệ cho bùn nhơ dưới mặt nước được yên bình; cũng như thế, nếp sống người xuất gia nương nơi xã hội để hoàn thiện đời sống phạm hạnh Sa-môn và rồi đem sự thanh lương thánh thiện của thân khẩu ý mà làm lợi ích cho đời như lời dạy trong Chơn lý quyển “Trên mặt nước”: “Những bậc tu xuất gia, tuy không còn dính dấp với xã hội gia đình, nhân loại, nhưng cũng đem thân mạng đền trả cho đời bằng gương nết hạnh hiền lương; và lời nói, việc làm, ý niệm, đạo lý, đem giúp đỡ cho xã hội, gia đình bình yên, trong sạch sáng láng, nên mới được đứng vững lâu dài, không rối loạn”[34].

Để làm được điều ấy, người Khất sĩ phải biết đem pháp học và pháp hành vào cuộc sống nhằm giúp cho thế nhân thấy được con đường, phương pháp thực hiện nhằm đạt được sự an vui trong cuộc sống; nghĩa là phải biết dạy cho mọi người có được sự hiểu biết đúng đắn, tránh lối sống mê tín dị đoan, thấy được điều gì nên làm và điều gì không nên làm, để luôn có được thân hành cao đẹp trong cuộc sống như hoa sen nương nơi cấu uế bùn nhơ nhưng vẫn luôn dâng tặng sự tinh khiết thanh cao cho đời. Cho nên, trong Chơn lý quyển “Cư sĩ”, Tổ sư dạy:

“Mỗi người phải biết chữ,

Mỗi người phải thuộc giới,

Mỗi người phải tránh ác,

Mỗi người phải học đạo”[35].    

Khi ai ai đều biết chữ, trình độ nhận thức của mọi người sẽ được nâng cao và sẽ dễ dàng thấy được giá trị của giới pháp mà tiếp nhận hành trì, nghĩa là ta đang củng cố và phát triển chi phần Chánh tri kiến của đạo lộ Bát chánh đạo. Đây là điều căn bản trên bước đường hoàn thiện đời sống cao thượng. Vì thế đời sống Du Tăng cũng là con đường để có thể giảng thuyết khắp các nơi, nhằm khuyến khích dân chúng học và thực hành theo 4 bước căn bản như vừa đề cập ở trên, để nâng cao phẩm chất đạo đức cho đời sống tại gia. Người cư sĩ biết học giới, biết tránh ác và học đạo chắc chắn phẩm hạnh thanh cao sẽ được hiển bày qua hành động việc làm, lời nói và ý nghĩ; đồng thời nếp sống ấy có thể cảm hóa những người chung quanh, giúp cho xã hội đều được yên vui. Đây cũng chính là mục đích mà Đức Tổ sư cùng chúng đệ tử hướng đến trên con đường mang ánh sáng trí tuệ đến với nhân sanh: “Mục đích của Khất sĩ là làm cho thế giới đều tu, yên vui thì xã hội mới được yên vui; xã hội yên vui là gia đình yên vui; gia đình yên vui thì mình mới được yên vui”[36].

Sự yên vui ấy chính là thành quả của việc cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, giúp cho mọi người đều được soi chiếu bởi ánh sáng giáo pháp để cùng bước ra khỏi cảnh đêm trường tăm tối và có được kim chỉ nam cho đời sống an lạc hạnh phúc.

Như vậy chúng ta đã tìm hiểu và thấy được phần nào về tinh thần “nối truyền” từ sự chứng nghiệm giáo pháp Tam vô lậu học Giới Định Tuệ qua phương pháp hành trì Tứ y pháp cho đến tinh thần độ sanh, giúp cho nhân sinh thấy được con đường thẳng tiến đến sự giác ngộ giải thoát. Đồng thời chúng ta cũng thấy được sự đóng góp của Đức Tổ sư trên con đường vượt qua những chướng ngại che phủ, để khôi phục lại nét đẹp vốn có của “con đường cổ” mà bậc Chánh Biến Tri đã dày công khám phá, khai mở và làm cho xán lạn trở lại.

 


[1] Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sluận tập 3, trang 44, tác giả Nguyễn Lang đã dẫn lời nhận xét của ký giả Đông Giao về những thành tựu của phong trào chấn hưng Phật giáo đương thời được đăng trong tạp chí Pháp Âm số 7 rằng: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành”. Cho nên nhân sanh vẫn chưa quy hướng về nhiều.

[2] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Cư sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn g iáo, 2009, tr . 396.

[3] Sđd , tr.404.

[4]Sđd,tập I Y bát chơn t ruyền”, tr.300.

[5] Sđd , tr.300-01.

[6] Sđd, tr.302.

[7] Sđd , tr.305.

[8] Sđd, tr.308.

[9] Sđd, tr.294.

[10] Sđd, tập III “Lượng Cam L ,tr. 122 .

[11] Hiện pháp lạc trú nghĩa là chánh niệm tỉnh giác để có sự an lạc ngay trong pháp hiện tại (bây giờ và ở đây). Đây cũng chính là sợi chỉ xuyên suốt trong những lời dạy của Đức Thế Tôn, dù hành giả hành trì con đường, phương pháp nào đi nữa cũng không thể thiếu yếu tố này.

[12] Sđd, tập I Y bát chơn truyền”, tr. 289.

[13] Sđd , tr.294.

[14] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, 1965, tr.48-49.

[15] Sđd, Y bát c hơn truyền”, tr. 296.

[16] Sđd , tr.289.

[17] Sđd, tập II Chánh pháp , tr.6.

[18] Hòa thượng Tuyên Hóa thuyết giảng, Kinh Kim Cang, Hà Nội, Nxb. Tôn g iáo, 2006, tr.3.

[19] Sđd , tr.4.

[20]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, 1965, tr.43.

[21] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1 Kinh Đại Bổn, Viện NCPHVN ấ n hành, 1991, tr. 498-99.

[22] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, 1965, tr.43-45.

[23] Sđd, tập II Chánh p háp , tr.7.

[24] Hạnh Đầu -đà của vị Khất sĩ thời Phật: 1. Hạnh mặc y phấn tảo; 2. Hạnh chỉ mặc tam y; 3. Hạnh sống bằng khất thực; 4. Hạnh khất thực theo thứ lớp; 5. Hạnh nhất tọa thực; 6. Hạnh chỉ ăn một bát; 7. Hạnh không ăn đồ dư tàn; 8. Hạnh ở rừng; 9. Hạnh ở gốc cây; 10. Hạnh ở giữa trời; 11. Hạnh ở nghĩa địa; 12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được; 13. Hạnh ngồi không nằm.

[25] Năm điều mà Devadatta thỉnh Phật áp đặt cho Tăng chúng: 1. Tỳ-kheo phải sống trọn đời trong rừng; 2. Tỳ-kheo phải sống đời du phương hành khất; 3. Tỳ-kheo phải đắp y may bằng những mảnh vải lượm ở các đống rác, hoặc ở nghĩa địa; 4. Tỳ-kheo phải sống dưới gốc cây; 5. Tỳ-kheo phải trường chay.

[26] Sđd, tập II Chánh p háp ”, tr.14.

[27] Sđd, tr. 8.

[28] Trong quyển Chơn lý Khất sĩ , Tổ sư có đề cập: “Khất sĩ là kẻ xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho chớ không điều ép buộc”. Cho nên việc khất thực với thân tướng trang nghiêm để tự người phát tâm dâng cúng tức là nuôi mạng sống một cách chân chánh, không bắt buộc người phải cho , hay xin bằng cách giành giật lấy ngang của họ, thì Ngài nói như vậy chẳng khác nào trộm cắp (trong quyển Đạo Phật) nghĩa là ta đang hành trì Bát chánh đạo ngay trong đời sống khất thực hóa duyên.

[29] Khi hành trì hạnh khất thực, Tổ sư có dạy thân tướng phải trang nghiêm, ngó ngay xuống, chẳng đặng nhìn liếc hai bên, gìn giữ thân khẩu ý và tâm luôn niệm tưởng Đức Phật, nên việc tinh tấn hành trì chính là thực hành Chánh niệm một cách miên mật nhằm phát triển tuệ giác, đoạn trừ vô minh.

[30] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ƯngBộ, tập 4 - Thiên Sáu x”; Chương 4, Tương Ưng Jambukhàdaka, Viện Nghiên c ứu Phật học Việt Nam n hành, 1991, tr. 404-05.

[31] Sđd, tập II Chánh p háp , tr.7.

[32] Sđd, tập I Khất s ĩ ”, tr.273.

[33] Trong Chơn lý quyển “Trên mặt nước ”, Tổ có dạy: “Vì lòng từ bi, bắt buộc người Khất sĩ nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh làm nghề nghiệp ”.

[34] Sđd, tập I Trên mặt nước ”, tr.473.

[35] Sđd, tập I Cư sĩ”, tr. 398.

[36] Sđd, tập I “Trên mặt nước”, tr.481.