Tổ sư Minh Đăng Quang và tinh thần thừa tự pháp trong tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy

03 Copy

Tư tưởng Nguyên thủy trong bộ Chơn lý là đề tài khá rộng lớn và có sức hấp dẫn đối với những ai muốn tìm hiểu về tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang. Chúng ta là đoàn hậu học, những người được tu học trong giáo pháp Khất sĩ thì càng phải nên tìm hiểu và thẩm thấu điều này. Đây là một phần gia tài giáo pháp mà Tổ sư đã truyền trao cho chúng đệ tử. Vì thế, nhân Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2014), người viết xin được mạo muội trình bày về một khía cạnh nhỏ trong dòng tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang qua những lời dạy trong bộ Chơn lý, đó chính là tinh thần thừa tự Pháp trong tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy ngang qua bộ Chơn lý. Đây cũng là bài pháp mà Đức Từ Phụ đã ân cần chỉ dạy truyền trao trong Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây, số 29, thuộc Trung Bộ Kinh.

Tinh thần này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng Tỷ-kheo ở Sāvatthī (Xá-vệ) tại tinh xá do ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc) dâng cúng để làm chỗ cho bậc Đạo sư hoằng truyền Chánh pháp. Ngài đã trình bày hai cách thừa tự, đó là thừa tự Phápthừa tự tài vật. Sau đó, Ngài chỉ dạy và tán thán những ai chọn cách thừa tự Chánh pháp dù cho thân cùng sức kiệt vẫn giữ vững lập trường để sống với gia tài Pháp bảo (Trung Bộ Kinh, “Kinh Thừa Tự Pháp”). Có như vậy mới có thể lưu giữ Chánh pháp trong nhân gian, mới có thể mang sự an vui tự tại của bậc Đại Giác vào trong cuộc sống. Đây có thể nói là mấu chốt trên con đường chuyển vận bánh xe pháp của bậc Thiện Thệ. Vì thế khi tìm hiểu về tư tưởng thừa tự của Đức Tổ sư cũng chính là tìm về đầu mối của đạo lộ mà Ngài đã dày công mở lối cho những ai muốn sống và hành trì như Phật Tăng xưa. Con đường đó được Ngài diễn bày qua hai phương diện:

1. Gia tài Chánh pháp

Như vừa đề cập đến tinh thần thừa tự trong Kinh Thừa Tự Pháp mà Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết là nhấn mạnh đến vấn đề áp dụng Chánh pháp vào chính đời sống của tự thân. Thừa hưởng gia tài tâm linh ấy, Đức Tổ sư đã khẳng định rất rõ ràng trong quyển Chơn lý “Cư sĩ”: “Hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo, tạo tâm chơn làm sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc, mà cùng nhau dứt bỏ sự chơi bời”[1].

Chứa chất gia tài Pháp bảo nghĩa là Ngài dạy chúng ta hãy thừa tự Pháp bảo, không đắm say trong vật chất ngũ dục của thế gian, dứt bỏ sự phóng dật chơi bời, nhằm đoạn trừ tham sân si để sống với tâm chơn. Ngài đã dạy cho hàng cư sĩ tại gia như thế, chúng xuất gia trong giáo pháp Khất sĩ càng phải lấy Chánh pháp làm gia tài, để vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của cấu uế não phiền. Ngài đã nói trong quyển “Khất sĩ”: “Nếu tham sân si không diệt thì người ta với cỏ, cây, thú có khác chi nhau (cỏ vốn si mê, không biết; cây có tình thọ là sự tham lam; thú giành ăn, tham dâm mà sân giận)”[2].

Ngài đã sử dụng hình ảnh thực tế để minh họa tính sống động trong sự khác biệt giữa con đường thừa tự Pháp tài vật: Một con đường đoạn tận tham sân si còn con đường kia lại chất chứa huân tập và sống với chúng. Đạo lộ đoạn tận tam độc chính là con đường tích lũy gia tài Pháp bảo để đến với tâm chơn và thể nghiệm đời sống an vui tự tại của cảnh giới Niết-bàn. Điều này đã được Thánh Tăng Sāriputta (Xá-lợi-phất) trình bày, Đức Thế Tôn xác chứng trong Kinh Tương Ưng Bộ IV: “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn, là A-la-hán[3], và ở một đoạn khác trong bài Kinh Thừa Tự Pháp, Tôn giả đã giải thích tiến trình đi đến kết quả ấy chính là đạo lộ Bát chánh đạo. Con đường này cũng có thể nói ngắn gọn là Giới Định Tuệ. Chính vì vậy, Đức Tổ sư đã dạy con đường tu tập của người Khất sĩ trong Chơn lý rằng: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt, đó là Giới Định Tuệ”, hay trong một đoạn khác Ngài nói Tứ y pháp là đạo lộ mà chư Phật đã đi: “Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy”[4].

Cho nên, Chánh pháp chính là pháp tu Giới Định Tuệ hay con đường hành trì Tứ y pháp để chiếc bè Chánh pháp trở nên sống động và hữu dụng hơn trong cuộc sống, để hình ảnh người Khất sĩ ngày ngày ôm bát khất thực độ sanh luôn hiện hữu trong nhân gian, chỉ trừ những ngày cúng hội (mùng 8, 15, 23, 30) hay có tín chủ phát tâm cung thỉnh đặt bát tại tư gia[5]. Tinh thần du hành với đời sống Tứ y pháp ấy được ghi lại trong Chơn lý “Chánh pháp” cũng như trong những điều căn bản cho sự hành trì mà vị Khất sĩ cần phải hành như Luật nghi Khất sĩ. Điều này đã được Đức Thế Tôn khẳng định qua bài Kinh Đại Bổn thuộc Trường Bộ Kinh:

“Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng Chánh pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh”[6].

Chính việc chỉ dạy và khuyến khích chúng đệ tử luôn hành trì như thế đã nói lên tinh thần lấy Pháp bảo làm gia tài, hay nói cách khác chính là tinh thần thừa tự Chánh pháp. Việc thực hành theo con đường Giới Định Tuệ hay con đường Tứ y pháp chính là thừa tự Pháp. Đồng thời pháp ấy được Đức Từ Phụ nhấn mạnh chúng là chiếc bè để đưa hành khách sang sông mê biển khổ.

2. Chiếc bè Chánh pháp

Để hiện thực hóa tinh thần thừa tự Pháp, Đức Tổ sư đã truyền trao cho hàng đệ tử chiếc bè Giới Định Tuệ cùng lối sống Tứ y pháp. Chiếc bè ấy có thể đưa hành giả vượt qua sông mê để đến với kho báu tâm linh và thừa hưởng gia tài Pháp bảo. Chiếc bè Tứ y pháp được Ngài hướng dẫn cho chúng Tăng như sau:

1. Người tu xuất gia: Chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn, được ăn tại chùa.

2. Người tu xuất gia: Phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

3. Người tu xuất gia: Phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ, bằng lá, một cửa thì được ở.

4. Người tu xuất gia: Chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng[7].

Hành trì hạnh tu này không khác gì với đời sống du Tăng thời Phật, hay nói đúng hơn đây chính là một phần của lối sống phạm hạnh mà vị Khất sĩ hành trì hạnh Đầu-đà thời Phật[8]: hạnh mặc y phấn tảo, hạnh chỉ mặc tam y, hạnh sống bằng khất thực, hạnh khất thực theo thứ lớp, hạnh ở rừng, hạnh ở gốc cây… Hai lối sống này có khác chăng chính là phương tiện tinh thần trong hoàn cảnh xã hội, quốc độ, thời gian khác nhau. Trong cuộc sống tu học, hạnh Tứ y pháp đôi khi cũng được khai mở “nhưng có ai cúng”, nghĩa là không có sự bắt buộc vị Khất sĩ lúc nào cũng phải sống với hạnh khất thực mà không được nhận đặt bát tại tư gia, hay không cúng hội và thuyết giảng tại tịnh xá… Hạnh Đầu-đà còn thể hiện sự tinh tấn cao độ hơn như sống ở nghĩa địa, hay sống với hạnh ngồi không nằm… Tuy nhiên, cả hai đều dẫn đến kết quả là thực tập viên mãn Giới Định Tuệ, thành tựu đạo quả.

Chiếc bè này được Tôn giả Xá-lợi-phất diễn bày trong bài Kinh Thừa Tự Pháp qua tám chi phần nhằm đạt đến đời sống viễn ly tham sân si. Cho nên con đường nào dẫn đến sự viễn ly mọi ác pháp đều có giá trị như là Thánh đạo tám ngành. Tổ sư đã chỉ dạy cho Tăng chúng con đường đoạn tận tham sân si bằng pháp Giới Định Tuệ với lối hành trì Tứ y pháp. Tinh tấn hành trì Tứ y pháp sẽ giúp cho hành giả không phóng dật và đoạn trừ tham dục cả về vật chất lẫn tinh thần, kham nhẫn đối với sự thiếu thốn về vật chất, lời qua tiếng lại của mọi người xung quanh và đặc biệt là đoạn trừ tâm phẫn nộ sân giận…

Khi hành giả sống với Tứ y pháp, đồng nghĩa với việc đang hành trì Giới. Bởi sống với hạnh chỉ thọ nhận đồ ăn xin được cùng sự phát tâm cúng dường đặt bát của tín chủ, không có sự đòi hỏi phải cúng món này hay món kia, như thế là đang thực hành đời sống chánh mạng; và dĩ nhiên là không thọ nhận thực phẩm mặn, tức là thực phẩm có mạng sống như thịt cá… hay tiền bạc. Điều này đã gián tiếp chỉ dạy cho bá tánh tình thương đối với vạn vật, để cùng chúng Tăng thực hành lối sống chánh nghiệp. Như thế thì Giới đã hiện hữu trong hành động rồi. Đồng thời tinh tấn hành trì con đường ấy tức là đang thực hành chi phần chánh tinh tấn vậy. Và tinh tấn hành trì Tứ y pháp cũng đồng nghĩa là luôn nhớ niệm tưởng đến Chánh pháp, tức là niệm pháp. Đây chính là hai chi phần trong Thánh đạo tám ngành mà Tôn giả Xá-lợi-phất đã trình bày, và cũng đồng với chi phần Định trong chiếc bè Giới Định Tuệ. Khi Giới và Định có mặt, hành giả sẽ có cái nhìn đúng đắn, suy tư đúng đắn, bởi thiếu Tuệ, không thể nào thấy được giá trị của con đường và sẽ không tinh tấn hành trì theo. Đây lại là yếu tố hình thành Tuệ. Hơn thế, ba yếu tố này luôn hỗ trợ cho nhau để cấu thành một thể thống nhất mà không thể thiếu một chi phần nào. Vì thế, Tổ sư mới dạy trong quyển “Y bát chơn truyền”: Giới Định Huệ là chân, mình, đầu của một thân hình cái sống, thiếu một là chưa đủ, nên dầu ai có chấp trước đoạn nào, chớ sau rồi cũng nhìn ra cả thể như nhau”[9].

Như vậy, Tứ y pháp đã hòa mình trong chiếc bè Giới Định Tuệ, hay nói cách khác trong Tứ y pháp đã hiện hữu Thánh đạo tám ngành cùng Tam vô lậu học. Và như đã trình bày ở trên, con đường nào dẫn đến viễn ly tham sân si chính là Chánh pháp, là chiếc bè mà hành giả thừa tự Pháp cần phải hành trì để viễn ly các ác pháp. Đây chính là yếu tố “ quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ” mà Ngài Xá-lợi-phất đã trình bày trong kinh, và đã thấy được giá trị của chiếc bè như Đức Thế Tôn đã chỉ dẫn. Như thế, chúng ta đã thấy được phần nào tinh thần Nguyên thủy qua khía cạnh thừa tự Pháp trong bộ Chơn lý của Đức Tổ sư.

 


[1] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Cư sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr 396.

[2] Sđd, tập I “Khất sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 262.

[3] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng - Thiên Sáu Xứ - Chương 4 Tương Ưng Jambukhàdaka, Viện Nghiên cứu Phật học VN ấn hành, 1991, tr.404- 405.

[4]Sđd, Chơn lý tập IIChánh pháp”, Hà Nội , Nxb. Tôn g iáo, 2009, tr.7.

[5] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, 1965, tr.43-45.

[6] Hòa thượng Thích Minh Châu ( dịch), Kinh Trường Bộtập I,Kinh Đại Bổn , Viện NCPHVN ấn hành, 1991, tr.498-99.

[7]Sđd, Chơn lý tập IIChánh pháp”, tr.7.

[8] Hạnh Đầu -đà của vị Khất sĩ thời Phật: 1. Hạnh mặc y phấn tảo; 2. Hạnh chỉ mặc tam y; 3. Hạnh sống bằng khất thực; 4. Hạnh khất thực theo thứ lớp; 5. Hạnh nhất tọa thực; 6. Hạnh chỉ ăn một bát; 7. Hạnh không ăn đồ dư tàn; 8. Hạnh ở rừng; 9. Hạnh ở gốc cây; 10. Hạnh ở giữa trời; 11. Hạnh ở nghĩa địa; 12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được; 13. Hạnh ngồi không nằm.

[9]Sđd, Chơn lý tập I“Y bát chơn truyền”, tr.308.