Tổ sư Minh Đăng Quang với định hướng tu tập & hoằng hóa

I. KHÁI QUÁT THÂN THẾ ĐỨC TỔ SƯ

Ngược dòng thời gian, cách đây gần 1 thế kỷ, vào ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, tỉnh Vĩnh Long, trong gia đình của cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà Phạm Thị Nhàn, vào lúc 10 giờ tối đã ra đời một cậu bé trai, sau khi người mẹ mang thai 12 tháng. Chỉ 10 tháng sau, thân mẫu lâm bệnh nặng và qua đời, Ngài được thân phụ và kế mẫu (Hà Thị Song) nuôi dưỡng đến trưởng thành. Theo ngày tháng, Ngài lớn lên như bao nhiêu trẻ khác, nhưng đặc biệt ở nơi Ngài đã sẵn tư chất thông minh đĩnh ngộ, học hành chăm chỉ, lại thêm bản tánh hiền lương, lòng thương người thương vật sâu sắc. Khi còn tuổi nhỏ, Ngài đã thích nghiên cứu sách vở Thánh Hiền, các đạo giáo, thông đạt nghĩa lý nhạy bén, toát ra một phong cách đạo đức trang nghiêm, điềm đạm hơn hẳn những trẻ khác. Vì vậy, Ngài được thân phụ cùng trong gia đình yêu thương hết mực, bên ngoài làng xóm, thầy bạn cũng mến mộ, nể vì.

Sớm nhận ra cảnh khổ sanh lão bệnh tử của thế gian mà mọi người vô minh chìm đắm không có lối thoát, nên lúc lên 15 tuổi, Ngài rời nhà đến Nam Vang tầm sư học đạo, nghiên cứu đường lối y bát chơn truyền của Phật Tổ. Sau 3 năm, Ngài trở về nước và thuận theo ý của cha già lập gia thất, được một năm, vợ và con đều từ giã cõi trần ra đi.

Thế là một lần nữa, Ngài từ bỏ gia đình, quyết chí ra đi tầm đạo. Đầu tiên, Ngài đến Hà Tiên định lần ra Phú Quốc, rồi sẽ sang các nước ngoài học đạo. Nhưng khi vừa đến bãi biển Mũi Nai thì bị trễ tàu, Ngài ngồi lại nơi đầu gành bãi biển thiền định suốt bảy ngày đêm, tâm thức dần lắng sâu vào thể chơn không vắng lặng và Ngài chứng ngộ chân lý. Trở về, Ngài vào vùng núi Thất Sơn ẩn tu một thời gian. Sau đó, nhân duyên Ngài gặp một vị hiền sĩ thỉnh Ngài về làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho để tu tập và truyền bá Chánh pháp. Ngài bằng lòng theo vị hiền sĩ này về, bắt đầu khai mở mối đạo, lập nguyện noi theo truyền thống Phật Tổ xưa, khơi dậy nguồn cội đạo Phật qua hình ảnh người Khất sĩ du phương hoằng hóa, đem ánh sáng đạo vàng đi vào lòng nhân thế.

Ngài chính là vị Tổ sư khai sáng giáo pháp Khất sĩ đầu tiên tại Việt Nam, pháp hiệu là Minh Đăng Quang (thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn). Ngài thành lập Hệ phái Khất sĩ với phương châm: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

MaiLien

II. ĐỊNH HƯỚNG TU TẬP VÀ HÀNH TRÌ

Khi xưa, Đức Thế Tôn thị hiện nơi xứ Ấn Độ trong thời điểm xã hội đang vô cùng phức tạp và hỗn độn bởi nhiều đạo giáo, khiến cho người dân Ấn sống trong cảnh hoang mang, ngờ vực, cuồng tín mê mờ. Tai hại hơn nữa là nạn phân chia giai cấp trầm trọng đã làm cho cuộc sống con người trở nên bất an, khổ sở, mất tự chủ, mất định hướng. Đức Phật là vị cứu tinh đã kịp thời xuất hiện để cứu nguy, giải tỏa bao bất công, thống khổ cho chúng sanh, đem lại sự bình đẳng, an lạc và hạnh phúc chân thật cho nhơn loại. Đức Tổ sư cũng theo gương đó, Ngài xuất hiện giữa lúc đất nước Việt Nam đang thời kỳ chiến tranh và xã hội đang hỗn tạp với nhiều mối đạo mà đa phần đem đến cho người dân thêm nỗi hoang mang, lạc hướng và mê tín nặng nề. Ngài hiện hữu như một vầng thái dương rực sáng phá tan bóng đêm mê mờ làm cho bao kẻ lâu nay ngủ vùi chết say trong trường mộng vô minh bỗng giật mình tỉnh giấc, hướng theo ánh đuốc chơn lý của Ngài mà tiến về phương trời giác ngộ giải thoát an vui.

Khởi đầu cho sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, với tâm nguyện tiếp nối và truyền thừa Chánh pháp Như Lai, Đức Tổ sư chí quyết lập nên một tông phái biệt truyền “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Y vào phương châm đã đề ra, Ngài đã mạnh dạn đứng lên thắp sáng lại ngọn đuốc Chánh pháp hiện đang bị lu mờ. Thế rồi, bằng hình ảnh người Khất sĩ du Tăng đi khất thực hóa duyên làm phương tiện tu học, gần gũi chúng sanh hướng dẫn đạo lành, Ngài bắt đầu cuộc hành trình đơn độc một mình một bóng. Nơi vùng quê Phú Mỹ nằm ven Đồng Tháp Mười, người dân hết sức ngạc nhiên thấy xuất hiện một nhà sư đầu trần chân không mỗi buổi sáng mang bình bát khất thực, du hóa độ sanh khắp làng quê.

… Đầu tiên trên bước lữ hành

Lẻ loi chỉ có một mình đường xa…

Như đã nói ở trên, ngay từ buổi đầu lập giáo, Tổ sư đã chọn một phương châm duy nhất làm định hướng, mang tính kế thừa hết sức đặc thù, cũng là nét đẹp truyền thống vô cùng đặc sắc, là: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Từ đó, Ngài lập ra những phương pháp tu tập và hành trì làm nền tảng căn bản như sau:

1. Trang nghiêm phẩm hạnh tự thân

Theo cái nhìn của bậc Giác ngộ (Đức Tổ sư), hình ảnh của một vị Tỳ-kheo là biểu trưng cho sự giải thoát thanh cao. Đây là hình thức cao quý vô cùng giữa cõi đời đầy tối tăm tội lỗi. Thế nên, một vị Tăng sư cần phải có sự tu hành chuẩn mực để thành tựu phẩm hạnh Tỳ-kheo mới có thể xiển dương Chánh pháp, rộng độ lợi ích cho chúng sanh. Đức Phật thường khuyên nhắc người xuất gia phải thành tựu Sa-môn hạnh để tiến tới thành tựu Sa-môn quả. Từ ý nghĩa đó, Đức Tổ sư dạy: “Làm Tăng cho đúng đắn để cứu chữa đạo Phật lại, vừa là để giúp ích cho chúng sanh, lại được tấn hóa cho mình nữa. Hay là tại sao chẳng đi tìm kiếm chơn Tăng, để gom hiệp lại, khuếch trương Tăng bảo, thống nhất Tăng-già, sửa chữa giới luật lại, chớ chia lập chòm nhóm cư gia, ố tăng phá đạo, ích chi như thế? Không lẽ rồi ai cũng tranh nhau phá đạo” (Chơn lý “Tông giáo”).

Qua lời dạy trên, chúng ta cũng ngầm hiểu được ý của Tổ sư rằng: Muốn làm việc Phật, xiển dương Chánh pháp Phật, trong đời sống mỗi mỗi cử chỉ oai nghi đều phải y như Phật. Nói cách khác, theo tinh thần Kinh Pháp Hoa, muốn trở thành vị Pháp sư tuyên dương Chánh pháp, phải “vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai”. Do đó, trước tiên, tự thân Ngài phải nêu gương sáng qua tư cách đạo hạnh hết sức trang nghiêm thanh tịnh, nhẫn nại trước mọi cảnh duyên. Vì thương đời thương chúng sanh, Ngài vui chịu với đời sống thanh bần, đơn giản, ngày dùng một bữa ngọ trưa, không tài sản, bạc tiền, cất chứa. Chỉ: “Một y một bát tùy thân / Pháp môn khất thực giáo dân độ đời…”, để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa: tâm từ bi vô lượng (nhà Như Lai), đức nhu hòa nhẫn nhục (y Như Lai), và thể không không giải thoát nhẹ nhàng (tòa Như Lai).

Về đường hướng tu tập, Đức Tổ sư khẳng định: “Khất sĩ chúng tôi tập nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca Mưu-Ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam nầy, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một...”. “Đoàn Du Tăng Khất sĩ là chúng sanh chung, có ra do nhân duyên, y theo chơn lý vũ trụ, để tiến đến Niết-bàn, là con đàng đạo đức, không đứng nơi nhơn loại, cũng chẳng ở giữa thiên đường, không phải nhận riêng mình là gia đình, xã hội, thế giới chủng loại nào. Mục đích giải thoát, chánh đẳng chánh giác, sống chung tu học cho mình và tất cả, mong đem lại Niết-bàn hiện tại, hơn là cảnh nhơn loại”.

2. Lấy Giới - Định - Tuệ làm nền tảng căn bản

Đức Thế Tôn từng dạy về con đường tu chứng của một vị Tỳ-kheo, tức là con đường Giới - Định - Huệ. Con đường đi đến thành tựu đạo quả giải thoát Niết-bàn, chính Đức Thế Tôn và chư Phật ba đời đều tu tập theo pháp môn Giới - Định - Tuệ này, không có con đường nào khác. Đức Tổ sư chí quyết đi theo con đường giác ngộ giải thoát của Đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni và làm sống dậy hình ảnh Phật Tăng xưa, nên Ngài đã tự thân hành trì và dẫn dắt chư Tăng Ni đệ tử lấy pháp Tam vô lậu học Giới - Định - Huệ làm nền tảng căn bản tu tập.

Xét từ vô lượng kiếp, chúng sanh sở dĩ gây nhiều nghiệp chướng khổ đau, phải trầm luân trong luân hồi sinh tử là do trong đời sống thân không có giới nên buông lung, phóng túng, không làm chủ được chính mình, không điều phục được những hành động xấu ác; do khẩu không có định nên không tự kiềm chế được những lời nói ác quấy; và do tâm ý thiếu trí tuệ nên khi xúc đối pháp trần thường không làm chủ được tâm ý mình nên tham đắm, chấp trước, bị nghiệp thức vô minh chi phối dẫn dắt khiến nghĩ tưởng đảo điên, bao nhiêu niệm xấu quấy tội lỗi dấy khởi, mê lầm mà phải đọa lạc chịu quả khổ đau. Tu tập Giới - Định - Tuệ là con đường chuyển hóa ba nghiệp dần thanh tịnh. Nhờ Giới - Định - Tuệ làm chủ, nhiếp phục, soi sáng, ba nghiệp thân, khẩu, ý dừng lại sự tạo tác nghiệp tội, chấm dứt sinh tử khổ, đạt đến an lạc giải thoát rốt ráo.

Trong quá trình tu học và truyền thừa Chánh pháp, Đức Tổ sư cũng đã thực hành Bát chánh đạo làm con đường thẳng đến Niết-bàn, và Ngài đã trình bày quan điểm đó như sau: “Bát chánh đạo là tám cách hành đạo, theo lẽ chánh của bậc Thánh nhân, cũng kêu là Bát Thánh đạo, là pháp tự độ, độ tha, sống chung với tất cả, để cùng đua nhau lên đến nơi cùng tột là Niết-bàn. Bát chánh đạo cũng gọi là Chánh pháp hay Trung đạo, gồm cả sự học và hành” (Chơn lý “Bát chánh đạo”).

3. Lấy Tứ y pháp làm phương châm hành đạo

Mặt khác, với tôn chỉ“Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Đức Tổ sư lấy Tứ y pháp Trung đạo làm phương châm hành đạo, để hướng dẫn chúng sanh cùng đi đến mục đích rốt ráo là: đạt Chánh đẳng Chánh giác, quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn.

Trong Chơn lý “Chánh pháp”, Tổ dạy: “Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy! Con đường Khất sĩ đi đến quả Phật, kêu là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Trung đạo ấy là Tứ y pháp. Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì mà bác bỏ đi cho được”.

Tổ sư đã khẳng định chắc chắn sự tu chứng của chư Phật ba đời đều hành trì Tứ y pháp: “Tứ y pháp là pháp Chánh đẳng Chánh giác, không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật. Các Ngài khi vào xóm, thì đi xin ăn học và dạy lại người, khi ở rừng thì nhập định chơn như nín nghỉ. Đức Phật nào cũng y như thế, ngoài Tứ y pháp ra, thì không phải đạo Phật, không giống chư Phật, chư Tăng và không phải là giáo pháp chánh chơn của chư Phật. Vì vậy cho nên, Tứ y pháp là đứng đầu trong tạng luật, và khi xưa kẻ mới xuất gia nhập đạo, Phật dạy cho Tứ y pháp trước hết, và dạy cho biết đạo Phật là đạo Khất sĩ vậy”.

Đời sống của người Khất sĩ hành Tứ y pháp thật hết sức thong dong tự tại, hoàn toàn không để dính mắc một thứ chi. Khi xưa, Đức Ca-diếp hành hạnh Đầu-đà, lượm vải bỏ mà đâu lại thành y đắp mặc; hàng ngày trì bình khất thực hóa duyên độ người; đêm nghỉ dưới cội cây hoặc trong bãi tha ma để có cơ duyên quán chiếu tu tập; khi bệnh hoạn thì dùng phân bò mà làm thuốc chữa trị.

Trong Kinh Tạp A-hàm, Đức Phật dạy: “Do cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”, cho thấy các pháp trong vũ trụ này có mặt và tồn tại bởi nhân duyên sinh, nó nương nhau, tương tức lẫn nhau, không thể tách rời. Vì thấu rõ được lẽ tương quan tương duyên trong cuộc đời, và y theo Phật Tăng xưa nên Tổ sư đã sống và hướng dẫn Tăng đoàn hành Tứ y pháp. Thật là gương hạnh cực kỳ cao đẹp phi thường mà chỉ có những tâm hồn mang chí hướng hoàn toàn thoát tục, xả kỷ lợi tha mới có thể làm được giữa đời thường này!

4. Tu tập và hóa duyên qua phương thức trì bình khất thực

Đức Tổ sư dạy trong Chơn lý “Khất sĩ” rằng: “Giáo lý ăn xin là sự chan hòa cho nhau, tức là công lý võ trụ, là Pháp bảo hay chơn lý, triết lý nhiệm mầu. Người này nấu cơm, người kia ăn. Người khác may áo, người nọ mặc. Kẻ này cất nhà, kẻ kia ở. Kẻ khác lo thuốc, người nọ đau”. Chúng ta hãy lắng nghe Tổ sư định nghĩa về Khất sĩ: “Khất có nghĩa là xin, sĩ là người học trò. Khất sĩ là người học trò khó đi xin ăn để tu học. Có hai thứ xin: (1) Xin vật chất (vạn vật) để nuôi thân; (2) Xin tinh thần (các pháp) để nuôi trí”. Ngài cũng đã xác định trong Chơn lý “Y bát chơn truyền”: “Giá trị của khất sĩ với khất cái khác nhau rất xa, một trời một vực. Kẻ khất cái tàn tật mới đi xin, tham sân si tội ác chẳng tiêu trừ. Mà trái lại Khất sĩ là kẻ thông minh trí thức, hiền lương mạnh khỏe”.

Khất sĩ y bát chơn truyền đạo

Ta-bà du hóa độ nhơn sinh.

Cùng là việc đi xin, nhưng cách xin của người Khất sĩ khác hẳn với người khất cái. Người khất cái đi xin vì lòng tham, ai cho bao nhiêu cũng nhận, chỉ biết tư riêng ích kỷ. Còn cách xin của người Khất sĩ khác lạ hơn, đi xin nhưng biết vừa đủ, cho nhiều không nhận, cho tiền không lấy, ăn ngày chỉ một bữa, còn dư thì cho hết, không cất giữ chứa để ngày mai. Cách xin ăn của người Khất sĩ không phải do lòng tham hay tư riêng ích kỷ, mà xin vì để diệt trừ bản ngã của riêng mình, giúp người phá trừ tâm xan tham, cho nên người Khất sĩ đi xin ăn là để làm gương cho đời, giáo hóa những kẻ hữu duyên. Hình ảnh người Khất sĩ đi đến đâu cũng tuyên dương giáo lý từ bi, bình đẳng, nêu gương đạo đức cho đời, từ đó được nhiều người quý trọng, cảm mến, theo về tu học hạnh lành đạo đức.

Cách xin theo giáo lý Y bát chơn truyền là một hạnh tu cao viễn. Cho nên, Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy: “Từ hàng bậc xin bằng thân, chỉ có Khất sĩ là xin bằng tâm, cái xin cao thượng, trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho chớ không điều ép buộc. Khất sĩ đi xin để ngăn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời, đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhân quả tội lỗi cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ tu học. Đi xin để giáo hóa chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi, sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí tuệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la, yên lặng sạch sẽ…”

Đức Tổ sư đã làm nổi bật ý nghĩa và giá trị cao thượng quý báu của Đạo Phật Khất Sĩ qua pháp hành trì bình khất thực theo truyền thống Y bát chơn truyền của Phật Tăng xưa. Hình ảnh người du Tăng ôm bát khất thực hóa duyên cũng là một phương cách nhập thế độ sanh, nêu gương giác ngộ giải thoát cho đời, từ bỏ tham sân si, diệt trừ bản ngã tư riêng nhỏ hẹp, vượt lên sự chấp trước thấp hèn. Hiện tại, người Khất sĩ sống trên tinh thần vô ngã vị tha, sống chan hòa với pháp giới đại đồng chúng sanh vạn loại, tự tại an vui, chắc chắn vị lai không lâu xa sẽ đạt đến cứu cánh giải thoát, thành Phật.

5. Nên tập sống chung tu học

Chỗ đến rốt ráo của đạo Phật đó là trở về với chơn ngã, là khi cái ta giả huyễn, nhỏ nhen, ràng buộc thật sự tan biến, nhường chỗ cho chơn ngã hoàn toàn thanh tịnh vắng lặng, thể của nó bao la trùm khắp vũ trụ vạn vật, ở nơi đó: “Vô nhất vật trung vô tận tạng”. Muốn được như thế, hành giả phải trau luyện cho cái ta của mình hòa nhập trở về với chơn lý đại đồng. Thế nên, bước đầu tiên tu tập, Tổ sư thường dạy khuyên chư Tăng Ni Khất sĩ phải sống chung tu học trong tập thể Tăng-già: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”.

Cái sống là phải sống chung: Tổ dạy chư Tăng Ni nên tập sống chung trong giáo hội, tu tập trên tinh thần lục hòa cộng trụ, lấy giới luật làm chuẩn mực nghiêm trì không được sai sót. Sống chung trong một tập thể để chan hòa tình thương, nhắc thức nhau tu học, trau giồi tâm ý không buông lung phóng túng và học hỏi cái hay cái dở lẫn nhau, mài mòn bản ngã riêng tư mà hòa nhập vào thế giới đại đồng bao la vũ trụ (Muôn người hòa hiệp như in một nhà). Trên tinh thần kiến thức riêng chỉ giải cho nhau, chư Tăng Ni trao đổi cái thấy cái biết lẫn nhau để có được sự hiểu biết, sáng ý tỏ lòng, già dặn kinh nghiệm, nên Tổ dạy:

Cái biết là phải học chung : Mặc dù chú trọng pháp hành hơn pháp học, nhưng Đức Tổ sư vẫn khuyến khích chư đệ tử học chơn lý của vũ trụ, học hết thảy các pháp. Tổ nói rằng: “Người Khất sĩ phải là người có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ” (Chơn lý “Khất sĩ”).

Trong Chơn lý “Học để tu”, Tổ sư dạy: Học đây không phải chỉ riêng học chữ nghĩa văn tự, mà học đầy đủ văn - tư - tu, học trong mỗi hành động, hoàn cảnh sống, học ở mọi người, mọi nơi, học với tất cả chúng sanh, vạn vật. Người Khất sĩ tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc. Chính Phật là Vô Thượng Sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn!

Hoặc đoạn khác cũng trong Chơn lý “Học để tu”, Tổ nói: “Đạo Phật do chỗ hành mà giác ngộ, chớ không phải nơi cái học mà đắc… Hành đạo là đắc đạo chớ học đạo chưa có đắc đạo đâu. Học là biết đặng tu hành, chớ phải đâu học là để học, học mãi cho điên, cho chán, cho chết, cho hết thì giờ, tự vận”.

Vì vậy, thâm ý của Tổ là học không phải chỉ để có kiến thức, học vị, bằng cấp, mà học với ý nghĩa để thông suốt các pháp, rõ thấu đường hướng mà tu hành. Trên bước đường tu hành để đạt đến trí giác hoàn toàn, trở về với chơn tánh linh giác của chính mình thì Tổ dạy:

Cái linh là phải tu chung : Mục đích rốt ráo của đạo Phật là đạt đến chỗ toàn giác, toàn chơn, toàn thiện, toàn mỹ. Để đến nơi chơn lý ấy, là sát-na mà tâm thể hoàn toàn thanh tịnh tịch nhiên, không còn mảy may vi tế trần cấu, là phút giây thật sự quay về với nguồn cội tâm linh tròn đủ sáng suốt, hiện hữu với con người thật của chính mình. Lúc ấy, cái ta giả ngụy biến mất, chỉ còn chơn ngã hiện tiền hòa cùng vũ trụ bao la, muôn sự muôn vật đều hiện rõ trong ấy. Thế nên, đã ở vào hàng Tăng lữ xuất gia, thì phải sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh, chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa. Nhờ sự sống chung hòa đồng đó, người tu tập diệt lần vô minh tự ngã ích kỷ nhỏ hẹp, nguồn năng lực của trí tuệ và từ bi phát sinh và dần tăng trưởng đi đến chỗ hoàn toàn viên mãn, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành Phật.

III. SỰ NGHIỆP HOẰNG HÓA

Giáo pháp của Đức Như Lai từ lúc Ngài còn tại thế đến nay đã trải qua ba thời kỳ: thời chánh pháp, thời tượng pháp và thời mạt pháp. Chúng ta phước mỏng nghiệp dày, nên sanh vào thời mạt pháp, chánh pháp bị lu mờ bởi do cách Phật quá lâu xa, lòng người giải đãi, tâm ý buông lơi, vật chất ngày càng thạnh hành, đạo đức ngày càng sa sút. Người tu hành bấy giờ đa phần chạy theo hình thức, quên mất tâm chơn, nên đạo Phật có những lúc dường như chỉ còn là cái bóng chạng vạng, lờ mờ tưởng chừng như mất dạng! Đức Tổ sư ra đời với tâm huyết muốn xây dựng lại mối đạo đã bị phai mờ do năm tháng cách Phật xa Tổ. Ngài đã dũng mãnh rống lên tiếng rống của sư tử chúa và hiên ngang oai vệ như chúa tể sơn lâm, vùng dậy phất cao ngọn cờ chấn hưng Chánh pháp, thắp sáng lại ngọn đèn chơn lý. Trên cơ sở đó, Ngài lập ra con thuyền Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, và Ngài chính là vị thuyền trưởng tài ba lái thuyền ra khơi, vượt bao trùng dương sóng gió đưa vô số người sang bờ giác ngộ giải thoát an vui.

Thời pháp đầu tiên được Đức Tổ sư khai đàn giảng là “Thuyền Bát-nhã” vào ngày Rằm tháng Tư (1946) tại làng Phú Mỹ đã đánh dấu bước đường khởi sự công cuộc hoằng hóa . Kể từ đó, nhiều người cảm mến một nhà sư hiền đức nhu hòa, giới hạnh trang nghiêm, có đời sống thanh bần giản dị, nên nương về học hỏi đạo lành, dần dần càng đông đảo. Không bao lâu, Ngài đã nhiếp độ đầy đủ cả hai chúng nam nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng Ni Khất sĩ.

Từ Phú Mỹ, Ngài đi khắp nơi để giáo hóa như Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Thủ Thừa, Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... sau đó là khắp các tỉnh miền Tây, Đồng bằng Nam Bộ.

… Rồi lần lượt trải qua các xứ,

Phục thâu nhiều đệ tử giỏi giang,

Lập thành Giáo hội đạo tràng… (kệ Nhớ ơn Phật)

Từ năm 1946 đến năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thâu nhận hàng trăm Tăng Ni xuất gia nhập đạo, lập thành đoàn Du Tăng Khất Sĩ. Những vị đệ tử đầu tiên được Tổ sư trực tiếp giáo dưỡng, hầu hết là những vị có nhiều thiện duyên nên chẳng bao lâu đã trở nên những vị giới hạnh tinh nghiêm, đạo phong mẫu mực trong tu tập và hành đạo.

Ngót tám năm dài, Ngài trải gót du hành khắp miền Nam nước Việt, thuyết pháp tiếp độ rất nhiều đệ tử hữu duyên xuất gia và giáo hóa, độ vô số bá tánh cư gia khắp thủ đô, tỉnh lỵ, quận, thôn. Đến ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ, với bình đẳng tâm Ngài đã hoan hỷ đi vào “lửa nạn”, vui trả nghiệp quả trong nhiều đời kiếp luân hồi. Thế rồi Ngài vắng bóng, biền biệt cho đến nay. Khoảng thời gian Ngài xuất gia tu hành và hoằng hóa độ sanh vỏn vẹn chỉ 10 năm.

“Mười năm gẫm chẳng là bao.

Thế mà Ngài đã giương cao pháp mầu”.

Pháp mầu mà Ngài đã thực hành và tuyên thuyết cho hàng môn nhân và người hữu duyên nương theo, học theo là giáo lý Trung đạo, để cho kẻ cao người thấp đều có thể nương học nương tu. Đó là con đường của tất cả những ai mang chí hướng xuất trần, hạnh nguyện xả kỷ lợi tha, dấn thân phụng sự cho đạo pháp, cho nhơn sinh.

Trong thời gian giáo hóa, Ngài có soạn ra bộChơn Lýgồm 69 quyển và tậpBồ-tát giáo. Hai tác phẩm Pháp bảo cao quý còn lại này chứa đựng những tư tưởng đặc thù phát xuất từ suối nguồn tự chứng tự ngộ của bản thân, dựa trên nền tảng là pháp môn Giới - Định - Tuệ truyền thống của đạo Phật.

Với phương châm“Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”,chúng ta thấy Tổ sư Minh Đăng Quang quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni đã vạch ra. Tổ sư đã thực hiện thành tựu và lưu truyền cho hậu thế hữu duyên một dòng truyền thừa Chánh pháp với ba pháp yếu quan trọng sau đây:

1. Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia: Cách nay hơn 25 thế kỷ, trên trái đất này, xuất hiện một Thái tử Tất-đạt-đa có chí nguyện vĩ đại, giải quyết tận căn những nỗi đau của thân phận con người. Ngài đã tự thân thể nghiệm và khai phá một con đường tâm linh đưa chúng sinh vượt thoát khỏi sự chi phối của vô minh, của sinh, già, bệnh, chết, luân hồi khổ đau. Vì vậy mà yếu chỉ đầu tiên của người xuất gia chân chánh là tư tưởng viễn ly trong hạnh xuất gia.

2. Tinh thần tinh tấn trong tu tập: Suốt 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh, Thái tử không bao giờ lười mỏi hay biểu lộ sự giải đãi buông trôi. Từ khi rời hoàng cung, dấn thân trong núi rừng, nắng mưa, sương gió…, Ngài chỉ một lòng tìm đạo, học đạo, thiền quán, thân chứng và an trú trong đạo quả, hoằng pháp độ sinh đến khi nhập Niết-bàn. Ngài đã nêu lên tấm gương sáng về tinh tấn Ba-la-mật.

3. Tinh thần giải thoát trong hoằng hóa lợi sinh: Người tu xuất gia khi chứng đạt đạo quả rồi, bước kế tiếp là thể hiện đức hạnh giải thoát trên đường hoằng hóa lợi sinh. Tự mình đặt công hạnh lợi sinh như là một bổn phận, một sứ mạng thiêng liêng, không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Người làm đạo phải có đủ nhẫn lực và tư duy lực, đồng thời xem sự kham nhẫn như là niềm vui giải thoát trên con đường tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.

Tổ sư Minh Đăng Quang với chủ trương quay về nguồn cội tâm linh mà đức Phật đã khai mở, quyết tâm thực hiện truyền thống Giới - Định - Tuệ, Ngài đã phát huy tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia; tinh tấn trong tu tập; và chu toàn đức giải thoát trên đường hoằng hóa độ sanh.

Quá trình tu tập và hoằng hóa độ sanh của Tổ sư đã tạo nên công đức lớn lao không thể nghĩ bàn. Ngài đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp vĩ đại, đó là giáo pháp Khất sĩ chân chính mà ai nấy đều tin tưởng chắc chắn sẽ phát triển và tồn tại vững bền ở thế gian qua sự kế thừa của hàng ngàn đệ tử xuất gia cũng như tại gia, của hàng trăm ngôi đạo tràng tịnh xá khắp nơi trên các miền đất Việt. Điều đáng nói là những ai đến với giáo pháp Khất sĩ tu tập đúng theo đường lối Tổ dạy đều đạt được pháp vị an lạc giải thoát ngay hiện tại.

IV. KẾT LUẬN

Cuộc đời của Đức Tổ sư là một tấm gương sáng chói, quý báu mà ai có duyên cảm nhận cũng phải hướng đến Ngài với tất cả lòng tôn kính. Sở dĩ hình ảnh Ngài trở nên cao quý như vậy vì Ngài đã sống một đời phạm hạnh trong sạch hơn người tầm thường một bậc.

Tổ dạy: “Người Khất sĩ phải thanh thoát như một hoa sen vươn mình cao hơn mặt nước”. Trong Chơn lý “Trên mặt nước”, Ngài dạy rằng: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao, không trung và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự”. Ngài thật sự là một đóa sen thiêng thơm ngát giữa cõi Ta-bà uế trược này.

Chúng ta thấy rõ đường hướng tu tập mà Tổ sư vạch ra cho hành giả thực hành để đạt đến sự giải thoát không ngoài các điều mà chư Phật ba đời thực hiện. Theo giáo pháp của Ngài, muốn đạt đến lý tưởng đó, phải có trí đại hùng, đại lực, đại từ bi; hùng dũng bước tới không sợ gian tà phá hoại, luôn hành trì giáo pháp để đạt đến quả vị giải thoát giác ngộ. Ngài đã thể hiện chí khí cao vời đó qua lời dạy: “Người học đạo tức là vẹt đất nhảy lên, phá địa ngục mà ra, xé càn khôn mà đến, đạp sanh tử mà đi, làm chủ lấy mình, cao ráo sạch trên, không ai bì kịp. Cho đến ông cha thời gian cũng không nhốt ngăn đặng, như vậy mới phải là người hoàn toàn giải thoát, giải thoát cái đời phát sanh nguồn đạo” (Chơn lý “Nguồn đạo lý”).

Tổ đã dạy những lời vô cùng thâm thúy, tự phản tỉnh mình mà cũng để răn nhắc cho hàng đệ tử:

“Các Ngài nói mình Khất sĩ là để giữ cái gốc vốn chơn như không tham vọng.     Các Ngài nhớ mình Khất sĩ là để cho ý muốn tham chẳng còn sanh.

Các Ngài thực hành Khất sĩ là để cho thấy rõ cái không không của tham vọng.

Khất sĩ là giải thoát trói buộc, phiền não vô minh vọng động, để sống bằng chơn như trí tuệ, an lạc, thong thả, rảnh rang không còn tạo nghiệp thì luân hồi sanh tử, khổ não mới đặng dứt”.

Công đức khai đạo, tu hành và hoằng hóa độ sanh của Đức Tổ sư thật lớn lao vô lượng vô biên. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, với tuổi tác còn trẻ trung như thế mà Ngài đã lập nên một sự nghiệp đạo pháp vĩ đại, quả là phi thường và hy hữu!

Tổ sư nay đã vắng bóng, không ai rõ hiện giờ Ngài đang ở nơi đâu. Mặc dù huyễn thân Tổ sư không hiện hữu, nhưng Pháp thân của Ngài vẫn hằng hữu trong pháp giới thanh tịnh, trong tâm khảm của hàng môn đồ tứ chúng đệ tử. Tất cả đều luôn quy hướng về Ngài với nỗi hoài vọng kính quý, mong ngày nào đó, Ngài xuất hiện như một phép lạ, trở về để làm bóng cả đại thọ cho tứ chúng nương tu. Và chúng con luôn tin tưởng rằng, dù Tổ sư an ngự ở cõi xa xăm nào đó, nhưng vẫn hướng về đàn con dại mà thầm gia hộ cho giáo pháp Khất sĩ mãi trường tồn xương minh, cho tứ chúng đệ tử được chân cứng đá mềm, đầy đủ từ bi, trí tuệ và hùng lực để tu chứng tự thân và tiếp tục con đường xán lạn mà Ngài đã vạch ra, để đem lại an lạc lợi ích thật sự cho chúng sanh muôn loài, cùng tiến đến quả vị rốt ráo Vô thượng Bồ-đề trong một ngày không xa.

Viết tham luận này, con có dịp ôn lại kỹ hơn, sâu hơn và rõ hơn về cuộc đời, công hạnh tu tập cũng như sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp của Ngài, và càng cúi đầu tôn kính vạn lần hơn nữa trước bậc Tôn sư vĩ đại, đã thể hiện một đời sống phạm hạnh, hoàn toàn thoát tục quý báu thanh cao. Ngài là tấm gương sáng lưu truyền cho hậu thế soi chung để rồi mỗi người đều tự phát nguyện dõng mãnh tu tập, tiến bước theo chân Ngài đi đến chân trời giác ngộ giải thoát.

NT. Mai Liên
Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Trụ trì TX. Ngọc Lâm – Long Hải

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chơn lý của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ.

Tập văn Đuốc SenNhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.