Tội ác của miệng lưỡi

KhauNghiep-3

Tội ác của miệng lưỡi thì có bốn thứ:

1/ Nói thêu dệt

2/ Nói dối

3/ Nói độc ác

4/ Nói lưỡi hai chiều

I. Nói lời thêu dệt: Người nói lời thêu dệt là người đặt ra những chuyện xấu nhằm làm tổn hại danh dự của người nào, khiến người khác có ấn tượng xấu về người này. Họ thường dùng những lời trau chuốt, ngọt ngào hoặc thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Nghiệp nói lời thêu dệt thường có mấy loại:

A- Người nói lời thêu dệt thường có mục đích muốn cho người khác hiểu hết giá trị những lời nói của mình, hoặc làm cho người nghe nể phục mình nên mới nói thêu dệt thêm để tăng phần hấp dẫn. Đó là xuất phát từ tâm tham danh, muốn tỏ vẻ là ta hơn người. Cái đó đồng thời cũng biểu hiện cái cái Tôi quá lớn. Điều này xảy ra trong trường hợp mình làm được một việc bình thường lại hay thêu dệt, khoe khoang nói làm nhiều việc lớn.

B- Người nói lời thêu dệt thường thổi phồng không đúng sự thật như sự việc diễn ra để đề cao mình hoặc đề cao người mình định nói đến để thỏa mãn mục đích cá nhân, hoặc vì một lợi ích nào đó. Đó cũng do lòng tham mà ra. Ỷ ngữ thường bắt đầu bằng lòng ganh tị, tật đố, ý muốn hại người và sắp bài âm mưu bịp người khiến họ tự sa vào đường dữ.

C- Người nói lời thêu dệt với mục đích vụ lợi, thêm mắm thêm muối, thổi phồng giá trị để kiếm lời như trong trường hợp buôn bán thường thổi phồng giá trị của hàng hóa, hoặc thêu dệt hàng giả như hàng chính phẩm để tăng lợi nhuận. Đây là trường hợp thêu dệt để lường gạt, lừa dối người khác cũng vì lòng tham.

D- Người nói lời thêu dệt do lòng ghen tỵ hay đố kỵ muốn làm hại người khác để cho hai bên hận thù lẫn nhau dẫn đến xung đột, có thể dẫn đến tổn hại tính mạng người khác. Hoặc dùng lời nói thêu dệt để lung lạc lòng người, hoặc quyến rũ, gạ gẫm người khác làm tổn hại danh dự và tài sản với mục đích đem lại nhiều lợi cho mình hoặc để được tiếng thơm về mình.

E- Nhiều khi người nói lời thêu dệt bắt đầu từ sự hoang tưởng, ngu tối, người nói cũng không rõ mình nói việc như thế hậu quả sẽ đi về đâu. Ngược lại người tu thiện nghiệp không nói lời ỷ ngữ mà phải nói hợp với đạo lý, không vì lợi mình hay tật đố mà bịa chuyện hại người khác, không làm tổn hại tính mạng người khác hoặc không vì một chút lòng ganh tỵ, hoặc thù vặt mà dùng lời thêu dệt để lung lạc lòng người hoặc quyến rũ, gạ gẫm người khác, không làm tổn hại danh dự và tài sản của họ nhằm mục đích đem lại lợi ích cho mình, hoặc được tiếng thơm tiếng tốt. Để giải trừ khẩu nghiệp do nói lời thêu dệt, người Phật tử phải thực hành chính pháp, nói theo chính ngữ, diệt trừ tật xấu, tính tham, diệt trừ ác ý. Cần thực hành giới định tuệ để ngăn ngừa tật nói lời thêu dệt, mà chỉ nói những điều mà Phật đã dạy trong chính ngữ. Trước khi nói cần suy nghĩ xem lời nói nếu nói ra sẽ gây ra điều gì có lợi hay có hại, cần phải định tâm lại xem nói điều đó ra có được hay không, dùng phép quán chiếu và dùng trí để xét đoán nếu nói như thế thì dẫn đến tác hại như thế nào.

II. Không nói dối: Phạn ngữ là: Subhāsitā. Phạn ngữ Subhāsitā thật là khó dịch cho đúng nghĩa với Việt ngữ. Vì tiếng Subhāsitā có nhiều ý nghĩa như sau đây: Lời nói ra không hại người và cũng không hại mình, lời nói đem lợi ích cho người và cho mình, lời nói ấy không làm cho người nghe bị khó chịu, ý nói là lời dịu ngọt và hợp thời, có thể tạm dùng tiếng “cam ngôn mỹ từ” để dịch tiếng Phạn ấy. Đức Phật có dạy trong bài kinh Subhāsitā với ý rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ bốn chi pháp, lời nói ấy mới gọi là lời Subhāsitā; lời nói như vậy không có một ai chê được, không có tội lỗi. Lời nói có đủ bốn chi pháp, ấy là:

1 - Nên nói lời chân thật, không nói lời ác khẩu hay giả dối.

2- Nên nói pháp, không nên nói ngoài pháp.

3- Nói những lời mà người ưa thích, yêu mến, không nên nói lời mà người ta ghét bỏ.

4- Nói lời thành thật, không nói lời hoang đàng. Thầy tỳ-khưu nói đúng theo bốn chi pháp trên, mới gọi là Subhāsitā.

- Tương tợ như thế thì người nói đúng bốn chi pháp sau đây mới gọi là Subhāsitā:

1- Không nói đâm thọc

2- Không nói chuyện hoang đàng

3- Không nói lời hung ác

4- Không nói dối.

- Khi giảng về Subhāsitā, đức Phật có dạy: “Người hằng nói dối, nói vu vơ, nói hung ác, sẽ bị sanh vào bốn đường đau khổ, vì đó không phải là Subhāsitā”. Nói về khẩu nghiệp, Phật có dạy thầy tỳ-khưu: “Nói lời Subhāsitā, không nói lời đê tiện mà nói lời vô tội, nói lời mà các bậc tri thức ngợi khen”. Để chúng ta nhận thức khái quát toàn bộ ngữ nghĩa thế nào là lời nói Subhāsitā, đức Phật có dạy trong Subhāsitāsutta rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ năm chi pháp thì được gọi là lời nói Subhāsitā". Năm chi ấy là gì? Năm chi ấy là:

1- Nói hợp thời

2- Nói chân thật

3- Nói lời dịu ngọt

4- Nói lời có ích

5- Nói lời có năng lượng từ bi.

- Thiết tưởng cần giảng giải năm chi pháp kể trên cho rõ, như sau đây:

Lời nói hợp thời: Người ở đời muốn nói một chuyện gì cần phải xem coi cảnh ngộ có thuận tiện cho mình nói hay không. Lắm khi nói sự thật mà sai thời (không đúng thời) sẽ nài nỉ có hại đến cho mình xin trích dẫn câu chuyện trong Tạp Tạng Kinh như sau: Ngày xưa ở thành Xá Vệ có một vị trưởng giả giàu có, vàng bạc châu báu đầy nhà. Ông ta thường thiết trai cúng dường chư Tăng. Chư Tăng luân phiên đến nhà ông thọ thực và thuyết pháp. Một hôm, đến lượt ngài Xá Lợi Phất đến thọ trai, cùng đi có Tỳ-kheo Ma Kha La. Trưởng giả thấy ngài Xá Lợi Phất đến vô cùng mừng rỡ, vội vã thỉnh Tôn giả vào nhà. Ngày hôm ấy, trưởng giả được nhiều tin vui cùng một lúc. Đoàn thương buôn của trưởng giả đã trở về mang nhiều châu báu quý lạ dâng lên vua, được vua trọng thưởng. Phu nhân của trưởng giả vừa sinh một đứa con trai kháu khỉnh, nay lại có Trưởng lão Xá Lợi Phất đến nhà, thật niềm vui này nối tiếp niềm vui kia. Trưởng giả mang một cái giường nhỏ ra, thỉnh Tôn giả Xá Lợi Phất ngồi lên trên, rửa chân cho Tôn giả. Tôn giả Xá Lợi Phất chúc nguyện cho ông ta rồi nói: “Hôm nay thật là ngày tốt lành cho thí chủ, nhiều việc may mắn cùng đến một lúc, lòng tin Phật pháp cũng tăng lên gấp bội. Từ ngày nay trở về sau cứ nên như thế ”. Trưởng giả nghe lời chúc của ngài Xá Lợi Phất vô cùng vui mừng, vội mang hai tấm vải trắng thượng hạng ra cúng dường cho Tôn giả. Tỳ-kheo Ma Kha La không được cúng dường nghĩ: “Không biết hôm nay Trưởng lão Xá Lợi Phất chúc nguyện những gì mà trưởng giả mừng vui cúng dường nồng hậu như vậy, ta phải học cho được bài chúc nguyện ấy”. Ngày hôm đó trở về tịnh xá, Tỳ-kheo Ma Kha La xin Tôn giả dạy cho mình bài chúc nguyện ấy. Tôn giả Xá Lợi Phất bảo: “Những lời chúc nguyện ấy không phải mọi lúc đều có thể dùng được”. Nhưng Tỳ-kheo Ma Kha La cứ theo nài nỉ mãi, Tôn giả Xá Lợi Phất đành phải dạy. Ma Kha La đọc đi đọc lại cho đến thuộc nhuần trong lòng. Thời gian trôi qua ít lâu, lại đến lượt Tỳ-kheo Ma Kha La đến thọ trai nhà trưởng giả, lại được làm chủ tọa. Tỳ-kheo Ma Kha La mừng lắm, nghĩ rằng đã có dịp đọc bài chú nguyện ấy. Nhưng Tỳ-kheo ấy đâu ngờ, đoàn thương buôn của trưởng giả phái đi gặp bão, vàng bạc châu báu đều mất hết, đứa con trai cũng bệnh qua đời. Tỳ-kheo Ma Kha La lên tòa ngồi và đọc bài chú nguyện đã thuộc lòng cho trưởng giả nghe: “Hôm nay thật là ngày tốt lành cho thí chủ, nhiều việc may mắn cùng đến một lúc, lòng tin Phật pháp cũng tăng lên gấp bội. Từ ngày nay trở về sau cứ nên như thế”. Trưởng giả nghe xong nổi giận sai người đánh đuổi Tỳ-kheo ra ngoài. Tỳ-kheo hoảng sợ chạy thẳng ra đồng, vô ý giẫm lên ruộng mè của một người nông dân. Người nông dân giận quá vác gậy đánh Tỳ-kheo. Tỳ-kheo biết mình có lỗi nên chịu để cho đánh. Người nông dân đánh xong chỉ đường cho Tỳ-kheo đi. Trên đường đi về tịnh xá, Tỳ-kheo lại đi ngang một đám lúa mạch. Theo phong tục ở đây, nếu anh đi vòng bên phải tức là tỏ ý chúc phúc, chủ nhà sẽ thết tiệc chiêu đãi anh, nếu anh đi bên trái là có ý nguyền rủa. Chủ đám lúa thấy Tỳ-kheo Ma Kha La cứ bên trái mà đi vội vác gậy đánh Tỳ-kheo. Tỳ-kheo không hiểu vì sao đánh, hỏi “Tại sao người không đi vòng bên phải để chúc nguyện “thêm nhiều” cho chúng tôi mà đi bên trái để mang điềm bất tường đến?” Tỳ-kheo nói: “À, ra vậy. Thành thật xin lỗi, tôi không biết có việc như thế!”. Biết rằng Tỳ-kheo Ma Kha La không hề biết phong tục của vùng này nên người chủ đám ruộng mới cho Tỳ-kheo đi.

Lời bàn: Trong những trường hợp khác nhau chúng ta phải vận dụng những phương pháp khác nhau để giải quyết các vấn đề khác nhau. Thậm chí, có những vấn đề giống nhau những ở những hoàn cảnh khác nhau lại phải có phương pháp giải quyết khác nhau, nếu cứ rập khuôn, không biết linh hoạt, vận dụng và thay đổi theo hoàn cảnh thì sẽ chuốc lấy tai họa như vị Tỳ-kheo kia. Xin dẫn chứng thêm tích truyện của con rùa. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về Kokàlika. Câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Mahàtakkàra (số 481). Bấy giờ, bậc Ðạo sư nói: “Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika mới bị hại vì lời nói. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã bị hại như vậy”. Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần, khi lớn lên, trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh hay nói nhiều. Khi vua nói, không cho ai cơ hội xen vào. Và Bồ-tát muốn ngăn chặn vua nói nhiều, nên cố tìm một cơ hội. Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm, ngỗng trời con nói với rùa: “Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé”. Rùa nói: “Làm sao tôi đi được?” Ngỗng trời nói: “Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết”. Rùa nói: “Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi”. Chúng chấp thuận, bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không. Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên: “Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!” Con rùa muốn nói lên: “Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ bọn vô loại kia”. Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai. Khi ấy tiếng ồn ào nổi lên: “Con rùa rơi trên sân trống đã bị vỡ làm hai rồi”. Vua đem theo Bồ-tát, cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ-tát: “Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?” Bồ-tát suy nghĩ: “Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy, và đi đến chỗ chết”. Và Bồ-tát thưa với vua: “Thưa Ðại vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy”. Rồi Bồ-tát đọc các bài kệ này:

Con rùa nói lên lời,

Lời nói tự hại mình,

Tuy khéo ngậm cái gậy,

Mở miệng tự sát hại.

Hãy thấy rõ điều này,

Bậc Nhân chủ vĩ đại,

Hãy nói lên vừa phải,

Cẩn thận nói đúng thời.

Kẻ nào nói nhiều lời,

Như con rùa gặp nạn.

Vua biết Bồ-tát kể chuyện này vì mình liền nói: “Thưa bậc Hiền trí, có phải vì trẫm mà bậc Hiền trí nói vậy?” Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời: “Dù Ðại vương hay người khác, nếu nói quá lượng đều gặp nạn như vậy”. Từ đấy trở đi, vua bỏ tánh nói nhiều và trở thành nguời ít nói. Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Đạo sư nhận diện tiền thân: “Lúc bấy giờ, con rùa là Kokàlika, hai con ngỗng trời là hai vị Trưởng lão lừng danh, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy”.

Kokàlika-RuavaNgong

Trích sách "Tu cái miệng"