Tóm lược nội dung giảng dạy tại Hạ trường Ngọc Trung

Tịnh xá Ngọc Trung tọa lạc giữa thị xã An Khê thuộc tỉnh Gia Lai, được Đức Thầy Giác An – Trưởng Giáo đoàn III sáng lập vào năm 1971. Hiện nay, tịnh xá do Ni trưởng Hiệp Liên làm trụ trì. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với nhân duyên lành hội đủ, được sự cho phép của Ban Trị sự tỉnh và của Giáo đoàn, Hạ trường được mở nơi đây để chư Ni trong Giáo đoàn về an cư kiết hạ.

Vào ngày 12/04 Giáp Ngọ, 64 hành giả từ các miền tịnh xá trong Giáo đoàn III đã có mặt khá đông đủ tại Hạ trường Tịnh xá Ngọc Trung để kiết giới cấm túc trong 3 tháng, khép mình trong khuôn khổ giới luật, sống thuận theo thời khóa và thanh quy của Hạ trường. Ngày giải Hạ sẽ là ngày 8 tháng 7, chư Ni trở về trú xứ cùng với thầy Bổn sư đi dự lễ Tự Tứ.

Thời khóa tu tập nơi đây tương đối hài hòa: 3g45 – 4g15: Tụng kinh. 4g15 – 5g15: Thiền tọa. 5g15 – 5g45: Chấp tác. 6g00 – 7g00: Tiểu thực. 7g30 – 9g30: Nghe pháp, học kinh. 10g30 – 12g30: Cúng ngọ, thọ trai và thiền hành. 13g45 – 15g45: Nghe pháp học kinh. 15g45 – 16g45: Thiền hành. 17g30 – 18g30: Thiền tọa. 19g00 – 19g45: Tụng kinh bái sám. 20g30 – 21g15: Thiền tọa. 21g30: Chỉ tịnh.

Mỗi ngày chư Ni đều đi nhận cơm do Phật tử dâng cúng mỗi trưa đã làm sống dậy hình ảnh của Tăng đoàn thời Đức Phật, như lời thơ của Trần Quê Hương:

                   “Mỗi bước chân là mỗi đóa sen,

                   Thấm nhuần mưa pháp sáng hoa đèn,

                   Bừng lên chân lý ngời ngời tỏa,

                   Mỗi bước chân là mỗi đóa sen”.

Sau giờ thọ thực là giờ thiền hành, vừa là để giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng mà cũng là giờ để hành giả thực hành những bước chân nhẹ nhàng, an trú trong chánh niệm. Như thời khóa biểu, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, hành giả đều có khoảng hai giờ đồng hồ để lắng nghe pháp âm của chư Tôn đức. Bên cạnh đó, hành giả còn có khoảng 45 phút mỗi chiều cùng với thiện nam tín nữ tụng kinh và lạy sám.

Điểm đặc biệt của Hạ trường là được sự quan tâm giáo dưỡng của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và Giáo đoàn, nên các vị giáo thọ luân phiên về dạy Hạ tùy theo thời gian của chư Tôn đức cho phép.

IMG 2027

Hòa thượng Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái, trú trì TX. Trung Tâm - Bình Thạnh - TP. HCM) mặc dầu niên cao lạp cả, Phật sự đa đoan nhưng với tâm nguyện truyền đăng tục diệm, Hòa thượng không quản ngại đường sá xa xôi đã hoan hỷ quang lâm trường hạ thăm hỏi, sách tấn với những lời dạy đầy tâm huyết. Trong dịp này, Hòa thượng đã giảng giải Chơn Lý “Ngũ Uẩn” và “Lục Căn”. Ngài dạy Tăng Ni Khất Sĩ tu theo Phật qua hạnh Tổ, nên phải học Chơn Lý ngay từ buổi đầu mới vào tập sự để ý pháp được thấm nhuần trong thân tâm của mỗi hành giả, vì Chơn Lý giống như dòng sữa mẹ, người con phải được uống sữa mẹ khi mới lọt lòng để sữa mẹ thấm vào trong từng thớ thịt, mai này lớn lên và đi xa cũng không quên được cha mẹ. Cũng vậy, sau này chúng ta có đi hoằng pháp độ sanh, tiếp xúc với xã hội đầy sự cám dỗ bởi những xa hoa vật chất vẫn giữ được nếp sống thanh cao của người tu sĩ nói chung và đường lối: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Hệ phái Khất Sĩ nói riêng.

Hòa thượng Giác Thuận (Trưởng Ban Trị sự Giáo đoàn III, Trụ trì TX. Ngọc Phú- Tuy Hòa - Phú Yên) đã thăm hỏi và sách tấn chư Ni. Hoà thượng nhắc lại lời của chư Phật: “Bền chí về bổn nguyện và cố tiến thủ, ấy là các lý cốt yếu mà chư Phật đã ban truyền” để nhắc nhở Ni chúng. Với cách giảng dạy dung dị mà thiết thực, Hòa thượng khuyên chư hành giả phải lập hạnh nguyện, giữ gìn bổn nguyện của mình để tu tập và hành đạo cho tốt. Ngài bảo: “Thời của Đức Tổ sư là mở đạo, thời của chư Đức Thầy là truyền đạo, đến thời của chúng ta là giữ đạo”.

Hòa thượng Giác Tần (Giáo phẩm chứng minh Giáo đoàn III, trụ trì TX. Ngọc Duyên - Đập Đá - Bình Định)đã giảng dạy Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ-tát Mã Minh. Hoà thượng triển khai tư tưởng “Chân như” trong luận phẩm, đồng thời liên hệ trực tiếp đến đời sống tu học thực tiễn giúp hành giả chuyển hóa nội tâm, phá trừ mê chấp. Hòa thượng nhấn mạnh lại ý chư Tổ rằng tâm của chúng sanh có khả năng chuyển phàm thành Thánh, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển sanh tử thành Niết-bàn, vì tâm này chứa đựng vừa Phật vừa chúng sanh, vừa vô minh vừa giác ngộ.

Thượng tọa Giác Phùng (Trị sự phó Giáo đoàn III, trụ trì TX. Ngọc Tòng - Nha Trang - Khánh Hòa) đã trích dạy bài “Giáo Hội Tăng-già Khất Sĩ” trong Luật Nghi Khất Sĩ với nội dung nói về phép tắc cho người mới vào đạo. Hoà thượng giảng giải cho đại chúng thật chi tiết mọi điều. Đặc biệt Hoà thượng đề cập đến bổn phận người đệ tử phải trọn lễ hầu Thầy trong mỗi lúc, nhờ vậy người đệ tử vừa có thể học hỏi rất nhiều từ thân giáo, khẩu giáo của Thầy, vừa tập cho mình tánh kiên nhẫn, khiêm cung. Đấy là một pháp tu giản dị nhưng khó làm, và nếu thực tập trọn vẹn pháp tu này người đệ tử đã vun bồi nền phước đức rất lớn cho tự thân.

Hòa thượng Giác Thành (Trị sự phó Giáo đoàn kiêm Trưởng ban Tài chánh và Phó ban Tăng sự Giáo đoàn III, trụ trì TX. Ngọc Phúc - Pleiku - Gia Lai) đã trình bày chia sẻ với đại chúng về tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn Lý với nội dung Tứ Diệu Đế liên hệ đến Kinh Chuyển Pháp Luân trong Kinh tạng Nikaya. Đây là một giáo lý quan trọng trong đạo Phật mà Đức Phật đã tuyên thuyết sau khi chứng quả Chánh đẳng giác. Qua sự giảng dạy của Hoà thượng, Ni chúng đã hiểu rõ hơn về sự các phương diện của Bốn đế hay Bốn sự thật cao thượng.

Thượng tọa Giác Trí (Trị sự phó Giáo đoàn III kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III, trụ trì TX. Ngọc Sơn - Phước Sơn - Bình Định) đã trình bày về “Tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của giới luật”. Giới luật là nấc thang đầu tiên trên hành trình giác ngộ giải thoát, song trong cuộc sống hiện tại, chủ nghĩa vật chất đang bào mòn tinh thần nhân bản, đạo đức, tâm linh của nhân loại, nên chư Tôn đức Tăng Ni rất lo cho hàng hậu học còn quá non trẻ khó có thể nghiêm trì giới luật trọn vẹn. Sau khi nêu lên tầm quan trọng của giới luật đối với người học Phật, xuất gia cũng như tại gia, Hoà thượng đã chia sẻ về sự tu tập giới luật như thế nào trong đời sống hiện nay.

Thượng tọa Giác Duyên (Chánh Thư ký Giáo đoàn III, trụ trì TX. Phú Cường - Chư Sê - Gia Lai) đã trích dẫn một số đoạn kinh trong Nikaya liên hệ đến phương pháp tu thiền định để hành giả nhận định rõ tầm quan trọng của Giới Định Tuệ, trong đó thiền định là cốt lõi để an trú tâm.

Đại đức Giác Hành (Phó ban Hướng dẫn Phật tử của Giáo đoàn III, Quản lý TX. Ngọc Qui - Cam Phú - Cam Ranh, Khánh Hòa) đã giảng về duyên khởi của Kinh Luật qua các cuộc kiết tập Kinh điển. Ngoài việc học và hành pháp tu, người con Phật cần trau dồi thêm tri thức về lịch sử Phật giáo. Đối với chư vị có duyên lành được đi học tại các trường Phật học, kiến thức về lịch sử Phật giáo đều đã được học, tuy nhiên phần lớn đại chúng tại trường Hạ chưa làm quen với mảng kiến thức này, nay rất hữu duyên được Đại đức giảng dạy tường tận.

Đại đức Giác Viễn (Trụ trì TX. Ngọc Bình - Phan Thiết - Bình Thuận) đã giảng bài kinh “Nhập đạo” (số 13) trong Kinh Tăng Nhất A Hàm và “Đại Kinh Vaccchogota” (số 73) trong Trung Bộ Kinh về cách viễn ly các pháp bất thiện và an trú trong bốn pháp: thân, thọ, tâm, pháp để thành tựu giác ngộ, giải thoát.

Đại đức Giác Phổ (Phó ban Hoằng pháp Giáo đoàn III, Quản chúng TX. Ngọc Quang - Ban Mê Thuột - Đăk Lăk) đã giới thiệu sơ lược về bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, đồng thời Đại đức đã trình bày quan điểm của Tổ sư về vũ trụ và con người qua bài “Võ Trụ Quan” và “Ngũ Uẩn” với cách nhìn của một nhà nghiên cứu.

Đại đức Giác Hoàng (Trưởng ban Văn hóa kiêm Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III, trú tại TX. Trung Tâm - Bình Thạnh - TP. HCM) đã chia sẻ về phương pháp tu tập thiền chỉ và thiền quán qua bốn pháp quán Đức Phật đã dạy trong “Kinh Niệm Xứ” (số 10) thuộc Trung Bộ Kinh, đó là quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp để hành giả hiểu rõ đây là 4 chỗ trú tâm vững chắc và cũng là con đường độc nhất đưa đến giác ngộ, Niết-bàn. Để sự tu tập Tứ Niệm Xứ có kết quả, Đại đức còn trình bày bài “Kinh Đoạn Giảm” (số 8) trong Trung Bộ Kinh với 44 pháp đoạn giảm giúp thân tâm hành giả được thanh lọc những phiền não cấu uế và tăng trưởng các thiện pháp. Không những dựa trên Kinh tạng để hướng dẫn thiền mà Đại đức còn giảng giải chi tiết bài Chơn Lý “Tu và Nghiệp” để hành giả thấy rõ ý pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang để chuyển hóa nghiệp và đoạn trừ nghiệp. Để giúp hành giả thể nghiệm sâu sắc về phương pháp tu thiền này, Đại đức dạy rõ về sự chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi, nhất là thiền hành và thiền tọa. Qua đó hành giả cũng có thể đem sự tu tập này áp dụng vào cuộc sống thực tiễn. Đại đức còn chia sẻ con đường tu tập của bản thân và cách giải tỏa những khúc mắc khi hành giả gặp phải.

IMG 2327

Đại đức Giác Nhường (Phó Thư ký kiêm Phó ban Văn hóa Giáo đoàn III) đã giới thiệu lịch sử Hệ phái từ những năm tháng đầu tiên hình thành đến những chặng đường phát triển, cũng như hành trạng của chư Đức Thầy và quý Ni trưởng trong Hệ phái. Qua đó, những hình ảnh bình dị của Đức Tổ sư, của Nhị Tổ, của chư Đức Thầy được khắc họa trong tâm thức của hành giả.

Ni trưởng Hiệp Liên (Trưởng ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III, Hóa chủ Hạ trường) tuy Phật sự đa đoan nhưng Ni trưởng vẫn dành thời gian để tu tập và sinh hoạt chung với chư hành giả, tạo sự ấm áp cho Hạ trường. Ni trưởng luôn khuyên răn, nhắc nhở chư hành giả cố gắng tinh tấn. Những ngày không có Giáo thọ, Ni trưởng đều lên lớp dạy về tứ oai nghi, luật nghi và đọc giảng Chơn Lý cho đại chúng.

Ni trưởng Cảnh Liên (Phó ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III, trú trì TX. Ngọc Túc - Đăk Pơ - Gia Lai) mặc dù Phật sự nhiều nhưng Ni trưởng vẫn tranh thủ thời gian gần gũi, dạy dỗ, sách tấn Hạ trường. Không những Ni chúng học giáo pháp từ khẩu giáo mà còn học rất nhiều từ thân giáo của Ni trưởng. Sự hiện diện của Ni trưởng làm cho trường Hạ ấm áp và đại chúng như được truyền thêm năng lượng tinh tấn.

Sư cô Hiếu Liên (Chánh Thư ký Ni giới Giáo đoàn III, trú trì TX. Ngọc Chánh - EaHleo - Đăk Lăk) trình bày đời sống tu tập thiền định của Đức Cố Hòa thượng – Đệ tứ Giáo đoàn III qua bài “Kệ Thiền” để hành giả áp dụng vào đời sống thực tiễn. Với sự nỗ lực tinh cần tu tập, sự trải nghiệm và thực hành bằng cả cuộc đời của mình, Cố Hòa thượng đã để lại một tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo. Sư cô còn nhắc nhở hành giả những điều cần yếu trong sinh hoạt hàng ngày và những kinh nghiệm đó giúp hành giả làm tròn bổn phận của mình trong mỗi giờ phút, để xứng đáng là sứ giả của Như Lai.

Sư cô Tuyền Liên (TX. Ngọc Bảo - Phan Rang Tháp Chàm - Ninh Thuận) trình bày về lịch sử đất nước, khí hậu, con người và phong tục tập quán của người dân Ấn Độ và Tây Tạng, thông qua đó phân tích rõ nguồn gốc tôn giáo của xứ Ấn Độ, đồng thời giới thiệu sơ lược về lịch sử Phật giáo Tây Tạng.

Ngoài ra, còn một số chư Tôn đức khác như HT. Giác Phương (Chứng minh Giáo đoàn III, trụ trì TX. Ngọc Quang - Ban Mê Thuột - Đăk Lăk), TT. Giác Trong (Trị sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III, trú trì TX. Ngọc Phước - Vạn Ninh - Khánh Hòa), ĐĐ. Giác Kiến (TX. Ngọc Quang - Ban Mê Thuột - Đăk Lăk), ĐĐ. Giác Tri (Phó ban Giáo dục Giáo đoàn, trú trì TX. Ngọc Hòa - Nhơn Lý - Quy Nhơn - Bình Định) về thăm và chia sẻ những kinh nghiệm tu tập và hành đạo đến chư hành giả vào những ngày cuối Hạ.

Ba tháng qua, chư hành giả Hạ trường sống ổn định trong tinh thần lục hòa, hóa giải nhiều nội kết, có nhiều niềm vui. Nhờ sự tiếp thu được ý pháp để áp dụng vào sự hành trì nên chư hành giả đã tinh tấn thúc liễm thân tâm và tu tập rất tốt.

Để sự hành trì có kết quả, chúng con mong muốn Hạ trường của Giáo đoàn giữ vững truyền thống tốt đẹp này để hành giả chúng con có nhiều cơ hội gắn kết với nhau trong tinh thần sống chung tu học theo như lời Đức Tổ sư đã dạy để tăng trưởng giới đức, tâm đức và tuệ đức và thành tựu giác ngộ tối thượng ngay trong kiếp sống này.

Cuối cùng chúng con xin thành kính đảnh lễ chư Tôn đức và dâng lên thành quả tu tập cúng dường Tam Bảo và cầu chúc các Ngài pháp thể khương an, luôn là những bậc thầy chỉ đường dẫn lối cho chúng con trên con đường phụng sự chúng sanh và thành tựu giác ngộ.