Tóm lược nội dung giảng dạy trong khóa “Bồi Dưỡng Đạo Hạnh” lần thứ 11

DSCN4340 CopyTrên tinh thần tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn đã tiếp tục khai mở khóa “Bồi Dưỡng Đạo Hạnh” lần thứ 11 tại Tịnh xá Ngọc Ninh, Đức Trọng, Lâm Đồng từ ngày 17-27/Ất Mùi (29/09/2015 – 9/10/2015. Khóa tu này có 89 hành giả tham dự, trong đó có 28 Sa-di, 21 tập sự, 40 vị Sa-di Ni và tập sự nữ.

Kính bạch quý ngài

Chương trình tu học về căn bản cũng giống như các khóa trước và có thêm giờ trùng tụng Chơn Lý cùng ôn lại những bài kệ tụng trong Luật Nghi Khất Sĩ. Còn nội dung giảng dạy chúng con xin được tóm lược như sau:

Trong buổi lễ khai mạc, Hòa thượng Giác Phùng đệ nhị chứng minh cho khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần này đã có lời giáo giới đến với hội chúng và tán thán tinh thần cầu học cầu tu của các vị hành giả Sa-di. Vào buổi chiều Hòa thượng tiếp tục sách tấn hội chúng bằng những hình ảnh, bài học cụ thể và thực tế qua cuộc đời tu học của Hòa thượng có được với đức Thầy và đức cố Trưởng lão. Hòa thượng nhấn mạnh đến những tính chất giúp cho vị hành giả hoàn thiện đời sống giới hạnh của vị Sa-môn như tinh tấn tu học, kham nhẫn, khiêm cung, nhịn nhường… và đặc biệt là phải kiên định trong con đường tu học để hoàn thiện lý tưởng mục đích xuất gia tu học. Hơn thế, Hòa thượng đã đồng hành theo từng thời khóa tu tập với đại chúng trong 2 ngày, cùng chứng minh và chỉ dạy cho đại chúng trong các thời sám hối.

Ngày thứ 2, Thượng tọa Giác Trí đã đến với hội chúng Sa-di bằng phương pháp thực tập chánh niệm trong những oai nghi ngay nơi cuộc sống thường nhật này. Đặc biệt Thượng tọa đã hướng dẫn cho đại chúng thấy rõ và biết được những bước căn bản trong công phu thiền tọa, thiền hành. Thượng tọa đã triển khai để hội chúng thấy được sự thiết yếu của chánh niệm tỉnh giác trong quá trình tu tập, để hành giả có mặt ngay trong giây phút hiện tại và đạt được sự an vui trong sinh hoạt thường nhật. Đồng thời Thượng tọa đã nhấn mạnh đến việc phát huy chánh niệm sẽ giúp cho hành giả phát triển năng lượng tỉnh giác để nuôi dưỡng và tăng trưởng đạo tâm, kiên cố đạo hạnh để chóng thành quả giác. Và ngài nói chánh niệm trên những oai nghi đi đứng nằm ngồi chính là bước căn bản để đi đến việc hoàn thiện đời sống phạm hạnh. Đến đây Thượng tọa đã dẫn dụ những mẫu chuyện thiền trong thiền sử để minh họa cho đại chúng thấu hiểu và thấy được giá trị của tinh thần chánh niệm trong những oai nghi.

Qua ngày thứ 3, Đại đức Giác Viễn đã đến với hội chúng qua câu chuyện Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc với vị Bà-la-môn Thế Điển được ghi lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm. Qua đó Đại đức phân tích cho đại chúng thấy được bài học tinh tấn tu tập để vượt qua những chướng ngại của tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc, và đặc biệt là hình ảnh Ngài Xá-lợi-phất âm thầm hỗ trợ cho tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc nhiếp phục Bà-la-môn Thế Điển bằng con đường luận biện, giải đáp câu hỏi người mù và không mắt cho vị Ba-la-môn, để rồi chuyển hóa giúp vị Bà-la-môn được sạch trần cấu, chứng được pháp nhãn tịnh. Sau đó Đại đức phân tích cho hội chúng thấy thế nào là mù, nghĩa là không thấy được nhân quả nghiệp báo, hành vi thiện, hành vi ác, không biết như thật các pháp…, còn người không mắt nghĩa là người không có được mắt trí tuệ, không thấy được lý Duyên sinh. Đồng thời Đại đức còn chỉ dạy cho đại chúng cách làm của một vị Sa-môn thông qua bài Kinh Cày Ruộng trong Tương Ưng bộ kinh.

Đến ngày thứ 4, Thượng tọa Giác Minh đã trao cho đại chúng kinh nghiệm tu tập qua những ví dụ cụ thể trong cuộc sống, để từ đó giúp hội chúng nhìn nhận và thấy được tinh thần tu học. Thượng tọa đã dùng hình ảnh sữa pháp và sữa thế gian để minh họa cho hành giả thấy được loại sữa nào cần thiết cho con đường tu học mà người học trò khất sĩ cần phải uống để phát triển pháp thân huệ mạng. Sau đó Thượng tọa đã sử dụng hình ảnh con chó luôn trung thành với chủ nhân, dù người chủ nghèo hay giàu thì chúng vẫn không bỏ chủ để chạy theo người giàu sang hơn. Qua đó Thượng tọa muốn nhắn nhủ đến hội chúng về lòng trung thành đối với giáo pháp của chư Phật, của Tổ Thầy và cũng là đường lối khất sĩ hay tôn chỉ của đạo, và đặc biệt đừng vì xã hội văn minh tiến bộ mà say đắm chìm trong sự sung túc của vật chất, để rồi đánh mất hay bỏ đi con đường cao đẹp của đạo.

Đến ngày thứ 5, Đại đức Giác Nhường đã chia sẻ với hội chúng về tinh thần tu học và con đường hoàn thiện đời sống giới hạnh Sa-di qua bài học “Sa Di Thờ Thầy”. Đại đức đã trình bày những oai nghi tế hạnh cần có của một vị Sa-di từ cách hầu Thầy cho đến nghe pháp học kinh…. Đồng thời Đại đức đã giúp cho các vị tân học nhận thức rõ vị trí sơ cơ của mình, và thấy được tầm quan trọng của việc hầu Thầy, cũng như khơi dậy tinh thần luôn tôn kính Thầy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sau đó Đại đức chia sẻ thêm về kinh nghiệm hầu Thầy cùng chư tôn đức mà Đại đức đã có được. Hơn thế nữa Đại đức còn đồng hành tu học với hội chúng trong 5 ngày đầu của khóa bồi dưỡng đạo hạnh, cũng như giúp cho hành giả thấy thêm một số khuyết điểm về giới hạnh oai nghi của vị khất sĩ.

Qua ngày thứ 6, Đại đức Giác Hoàng đã chia sẻ với hội chúng về lịch sử và đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang. Đại đức đã cho trắc nghiệm và sau đó nương vào bài trắc nghiệm mà giảng dạy cho đại chúng hiểu rõ về lịch sử của đức Tổ sư từ niên thiếu cho đến xuất gia, hành đạo và vắng bóng. Qua đó Đại đức đã kể về tinh thần tu tập và sự quán chiếu mà đức Tổ sư đã hành trì và chứng ngộ. Hơn hết chính là con đường hoằng truyền giáo pháp giải thoát với tôn chỉ Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Chính tôn chỉ ấy Ngài đã xây dựng nên Tăng đoàn với trên 100 vị đệ tử xuất gia chỉ trong vỏn vẹn 8 năm hành đạo. Và đặc biệt những vị này phần lớn vì cảm nhận được nét đẹp và sự thanh thoát qua giới hạnh của Ngài mà phát tâm tu học. Đại đức đã đề cập đến vấn đề này để nhắc hội chúng lấy đó làm bài học thiết thực mà cố gắng tu học và hoàn thiện giới hạnh oai nghi.

Đến ngày thứ 7, Đại đức Giác Phổ đã đến với đại chúng qua chủ đề ý nghĩa xuất gia. Qua đó Đại đức đã trình bày cho hội chúng thấy được như thế nào là xuất gia và như thế nào là chưa xuất gia, chúng ta đã thực sự xuất thế tục gia chưa hay chỉ là hình tướng xuất gia thôi, và những thứ thế tục như danh lợi, quyền uy, lợi dưỡng…có còn chi phối, ràng buộc ta hay không? Sau đó Đại đức đã phân tích cho hàng xuất gia tân học thấy được những nguyên nhân đưa đến phiền não và con đường đi đến sự chuyển hóa những tham sân si ấy để bước ra khỏi ngôi nhà phiền não. Đại đức đã chỉ cho hành giả thấy được nguyên nhân chính là do dục sai sử mà chúng ta phải làm nô lệ cho tham sân si cùng tài sắc danh thực thùy... Đôi khi chúng ta sống trong dòng chảy ấy nhưng vì lơ là và thiếu hiểu biết mà không nhận ra rằng mình đang bị chúng cuốn trôi. Cho nên chỉ có Tuệ mới có thể nhận ra và chuyển hóa được, mới có thể trở thành sứ giả của Như Lai. Và hơn hết, Đại đức đã đồng hành hỗ trợ và giúp cho hành giả tân học nhận ra những khiếm khuyết về giới hạnh oai nghi trong 4 ngày cuối của khóa tu.

Đến sáng ngày thứ 8, Ni sư Dung Liên đã chia sẻ với hội chúng về tinh thần Tu và Nghiệp trong Chơn Lý của Tổ sư. Qua đó Ni sư chia sẻ về tinh thần nhân quả nghiệp báo để giúp cho hội chúng Ni thấy rõ và có đủ niềm tin đối với giáo pháp của Tổ Thầy. Ni sư còn dẫn lời dạy đền nghiệp cũ và không gây tạo thêm nhân đau khổ mới của đức Tổ sư để cho đại chúng thấy rõ hơn về tinh thần nhân quả. Sau đó Ni sư khuyến nhủ Ni chúng nên cố gắng chiêm nghiệm những lời dạy của đức Tổ sư đã để lại trong bộ Chơn Lý, cũng như những vần kệ tụng trong Luật Nghi Khất Sĩ để giúp cho tâm tu của mình được nâng cao hơn.

Đến buổi chiều Ni sư Tỉnh Liên đã thăm viếng và nhắc nhở hội chúng Ni về lý tưởng của người xuất gia bằng những bài học kinh nghiệm mà Ni sư đã có được với các vị Ni trưởng, Ni sư trong thời gian mới xuất gia để giúp cho hội chúng có thêm nghị lực mà vượt qua những chướng duyên. Sau đó Sư cô Tuyền Liên đãi lao cho Ni sư chia sẻ với hội chúng Ni. Sư cô đã nhắn nhủ đến Ni chúng về tinh thần tu học và ân đức của Tổ Thầy, của chư tôn đức Tăng Ni tiền bối cùng những huynh đệ đã hy sinh, động viên cho ta trên bước đường tu học. Hơn thế, Sư cô còn nhấn mạnh đến sự cao quý của đạo hạnh người xuất gia bằng việc so sánh: học vị Tiến sĩ có thể dùng trí óc để lấy trong một khoảng thời gian nào đó, với thời lượng chương trình như đã quy định nhưng bằng cấp đạo hạnh thì có thể học và hành trì cả đời mà vẫn chưa xong, và tri thức càng không thể nào mang lại sự an lạc giải thoát cùng hoàn thiện được đời sống phạm hạnh được.

Qua ngày thứ 9, Ni trưởng Hiệp Liên đã mượn lời dạy của đức Tổ sư được ghi lại trong bài “Diệt Lòng Ham Muốn” để nhắn nhủ với đại chúng: trên con đường tu học điều cần yếu là phải diệt đi lòng ham muốn, bởi chúng chính là chiếc bẫy đưa ta vào tròng và nhấn chìm ta trong dòng bộc lưu sinh tử, và đây cũng chính là hình ảnh bị dục sai sử mà trong kinh thường đề cập. Sau đó Ni trưởng dẫn dụ những bài học thực tế từ những vị tiền bối để minh họa cho hội chúng thấy rõ vấn đề: nếu chúng ta không khéo tu thì rất dễ bị dục dắt dẫn và cắt đứt con đường cao đẹp mà chúng ta đang theo đuổi. Và qua những ví dụ ấy Ni trưởng muốn hội chúng suy ngẫm về những phương pháp ứng phó để sau này có gặp phải hoàn cảnh tương tự như thế thì chúng ta có thể dễ dàng vượt qua và không bị sập bẫy của dục. Đồn thời Ni chúng cần phải biết sống thiểu dục tri túc, biết làm chủ cái tâm để khỏi bị dục nhấn chìm vào dòng sinh tử. Tiếp đó Ni trưởng dẫn dụ bài kinh khúc gỗ trôi sông để minh họa cho ý pháp “Người học đạo giống như miếng cây trôi ra vàm sông” của đức Tổ sư.

Đến ngày thứ 10, Thượng tọa Giác Trong đã khuyên nhắc đại chúng về đời sống tu học của vị Sa-di. Ngài nhấn mạnh rằng: vị Sa-di luôn cần phải chiêm nghiệm lại những lời dạy về giới hạnh oai nghi và 10 giới Sa-di để hoàn thiện đời sống giới hạnh Sa-môn, để làm cho thân hành của mình luôn ảnh hiện hình ảnh của đức Phật, để từ đó chúng trở thành thức ăn nuôi dưỡng đời sống giới hạnh, là huyết mạch cho đời sống tu học của mình. Và qua đây Thượng tọa muốn nhắn nhủ với hàng Sa-di, tập sự rằng đừng bao giờ qua cầu rút nhịp mà phải biết tô bồi vun đắp cho nhịp cầu được vững chãi và kiên cố hơn, nghĩa là đừng bao giờ lơ là bỏ qua những bài học căn bản cho đời sống phạm hạnh này mà phải luôn gia tâm để thân khẩu ý luôn là hình ảnh của đức Phật, luôn là ngọn đèn chơn lý soi chiếu thế gian, và để xứng đáng là vị sứ giả của Như Lai.

Kính bạch quý ngài

Trên đây là chương trình và nội dung tu học trong 10 ngày qua của khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 11 tại tại Tịnh xá Ngọc Ninh. Giờ đây con xin kính trình lên chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn để các ngài được liễu tri về nội dung được giảng dạy trong khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần này.

Nam Mô Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni Phật