Tóm tắt Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 8

Có những dòng sông bắt nguồn từ những ngọn núi cao, có những dòng sông bắt nguồn từ những cơn mưa lũ, có những dòng sông êm đềm trôi theo hai con nước lớn ròng và có những dòng sông cuồn cuộn chảy qua bao ghềnh thác. Nhưng cho dù bắt nguồn từ đâu, trôi qua vùng đất nào, tất cả các dòng sông cũng xuôi về biển cả. Cũng như những dòng sông ấy, mỗi người đều có nhân duyên vào đạo khác nhau, có điều kiện tu học nơi mỗi trú xứ khác nhau, nhưng tất cả đều quy hướng theo lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang, bởi chúng ta là những người con Khất Sĩ.

Nhớ lại những năm 20 của thế kỷ XX, khi Phật giáo Việt Nam lâm vào cảnh suy vi cùng tột, Tăng chúng mất đi sự tu học đúng nghĩa, Tổ sư Minh Đăng Quang đã chào đời. Vào những năm của thập niên 40, Tổ sư thành lập Đạo Phật Khất Sĩ với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, làm sống lại hình ảnh thoát tục của Phật Tăng xưa, góp phần chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam và thế giới. Tiếp nối ngọn đèn chơn lý, chư vị Đức Thầy mở mang đạo pháp thành lập 6 giáo đoàn đi hoằng truyền chánh pháp khắp nơi. Có thể nói, hình ảnh của những nhà sư Khất Sĩ đã làm chấn động tín tâm của hàng triệu con tim Phật tử qua biết bao thế hệ.

Trong giai đoạn hiện nay, đời sống Tứ Y Pháp không còn như thuở ban sơ, nên chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái quyết định tổ chức các khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ tạo điều kiện cho chư Tăng tu học theo gương hạnh của Tổ Thầy. Ra đời từ mùa xuân năm 2010 đến nay, hành trình của Khóa tu đã diễn ra 7 lần với những thành công cả về số lượng lẫn chất lượng.

Khóa tu lần thứ 8 là sự tiếp nối cho sức sống mạnh mẽ của truyền thống tu tập Giới - Định - Tuệ trong Hệ phái được giáo đoàn II đăng cai tổ chức tại đạo tràng TX. Ngọc Nhơn, TP. Quy Nhơn từ ngày mùng 4 đến 11 tháng 9 năm Nhâm Thìn (nhằm 18 đến 25/10/2012) đã thành công tốt đẹp.

]

Ảnh lưu niệm Chư Tăng tham dự Khóa tu truyền thống Khất Sĩ lần VIII

BAN TỔ CHỨC gồm:

BAN CHỨNG MINH

HT. Giác Nhường – Phó pháp chủ Giám luật GHPGVN.

HT. Giác Tường – Ủy viên Ban thường trực HĐCM GHPGVN.

HT. Giác Phúc – Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

BAN ĐIỀU HÀNH

HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức kiêm Giáo thọ.

HT. Giác Giới – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm hệ phái, Phó ban tổ chức kiêm Thiền chủ.

HT. Giác Hà – Trị sự trưởng Giáo đoàn V, Phó ban Tổ chức kiêm Giám luật.

HT. Giác Dũng – Ủy viên thường trực HĐCM, Trưởng Giáo đoàn III, Phó ban Tổ chức kiêm Giám thiền.

HT. Giác Thanh – Trưởng Giáo đoàn II, Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ.

TT. Giác Thuận – Giáo phẩm hệ phái, Điển lễ.

TT. Giác Trí – Giáo phẩm hệ phái, Phó giám thiền.

TT. Giác Minh – Giáo phẩm hệ phái, Kiểm soát.

Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Phước.

Về số lượng hành giả, đoàn I: 13 vị, đoàn II: 20 vị, đoàn III: 18 vị, đoàn IV: 13 vị, đoàn V: 15 vị, đoàn VI: 9 vị. Tổng cộng là 88 vị.

Tiếp nối những thành công của nhiều khóa trước, khóa tu lần thứ 8 được lên kế hoạch chu toàn về mọi mặt nên chương trình tu học rất chuẩn mực.

Giờ tu học bắt đầu từ 3g30’ sáng kéo dài cho đến 21 giờ đêm. Trong suốt một ngày, đại chúng được thực tập liên tiếp thiền tọa 45 phút hoặc một tiếng và giờ thiền hành 30 phút. Thiền tọa là pháp tu dẫn đến nhập định rất quan trọng trong giáo pháp Khất Sĩ. Chỉ có con đường thiền tập mới có thể phát sinh tuệ giải thoát. Đề mục chính được HT. Thiền chủ hướng dẫn là theo dõi hơi thở bằng tâm chánh niệm. Ý thức chánh niệm là sự cốt lõi để xây dựng nên đạo lực cho sự tu hành. Sự chánh niệm này được duy trì xuyên suốt từ thiền tọa chuyển sang thiền hành. Nếu thiền tọa chánh niệm đặt trên hơi thở thì thiền hành chánh niệm phải ghi nhận qua từng bước chân. Ngoài ra, trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thọ trai, đến cả những cử động nhỏ nhất cũng phải chánh niệm. Chính nhờ sự nỗ lực duy trì chánh niệm mà đạo lực hành giả được tăng trưởng mỗi ngày trong khóa tu. Đây là sự tu tập cần thiết được áp dụng cho chư hành giả.

Trong khóa tu lần thứ 8 này, HT. Thiền chủ đã diễn giảng cho đại chúng bài Chơn Lý “PHẬT TÁNH” với nội dung mang triết lý đại thừa Phật giáo, qua lăng kính tâm chứng của Tổ sư. Nội dung chính của quyển Chơn Lý này hiển bày tự tánh giác ngộ sẵn có nơi mỗi chúng sanh, khuyên chúng ta phải tu tập trở về với tánh Chơn Như vốn sẵn có. Tất cả chúng sanh đều có tánh giác, do vì chúng sanh vọng động nên phát khởi sáu căn ô nhiễm, dính mắc với 6 trần cảnh nên phải trôi giạt trong 6 nẻo luân hồi. Do sự trôi nổi đau khổ đó, chúng ta phải tu tập các pháp giác ngộ để trở về với tự tánh thanh tịnh của mình.

Trong giờ thiền đàm, chư Tôn đức đồng chia sẻ nhiều kinh nghiệm tu tập của bản thân qua sự hành trì và tham học từ những truyền thống dị biệt để đại chúng thêm hiểu biết. Trên cơ sở thông tin đó, Hòa thượng Thiền chủ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong nhận thức của Ngài. Ngài nhắn nhủ đại chúng hãy nỗ lực hành trì giáo pháp để phát khởi chánh tri kiến. Chỉ có thành tựu chánh tri kiến mới là mục tiêu tối hậu của việc tu tập Giới - Định - Tuệ. Đọng lại trong các giờ thiền đàm là nỗi trăn trở cho mô hình tu tập ổn định của Hệ phái. Đại chúng đồng thống nhất quan điểm, trong bối cảnh đương đại việc thành lập thiền viện cho Hệ phái là điều cần thiết, đào tạo chư Tăng kế thừa và phát huy truyền thống du Tăng Khất Sĩ tham học khắp nơi cùng xứ của Tổ sư, nhưng không đánh mất bản sắc, truyền thống tốt đẹp mà các bậc Tổ, Thầy đã dày công dựng lập.

Trong khóa tu này, chư hành giả được lắng nghe lời dạy của HT. Giác Toàn – Phó trưởng Ban thường trực giáo phẩm hệ phái với đề tài: “Tư tưởng thiền của Tổ sư Minh Đăng Quang trước môi trường sống và gội sạch tâm thức tự thân”. Hòa thượng đã rút những đoạn quan trọng trong ba bài Chơn Lý “Thần Mật”, “Xứ Thiên Đường” và “Vị Hung Thần” để làm nổi bật tư tưởng thiền của Tổ sư. Thông qua bài pháp, Hòa thượng nhấn mạnh chư hành giả cần phải soi rọi đời tu của mình qua Chơn Lý của Tổ Thầy để kế thừa và phát huy gia tài pháp bảo của Tổ sư.

Trong giờ sám hối, đại chúng cùng nhau hoan hỷ xem xét lại oai nghi, tư cách đạo đức để cùng làm thân, khẩu, ý của mình ngày càng trong sạch. Đây là giờ phút thiêng liêng giúp mỗi người tự quán chiếu sự tu học trong ngày rõ rệt nhất.

Tóm lại, nhờ vào sự hướng dẫn đúng chánh pháp cùng đạo lực uyên thâm của HT. Thiền chủ và chư Hòa thượng, chư Thượng tọa lãnh đạo cùng Ban tổ chức và tinh thần tu tập tinh tấn của chư hành giả nên giới hạnh, tâm định và tuệ giác của đại chúng Tăng sư ngày càng tăng trưởng. Sự thành công này làm nức lòng chư Tăng và tín đồ cả Hệ phái, góp phần tăng trưởng niềm tin bất động vào giáo pháp của Tổ thầy. Rằng: dù Tổ sư đã đi xa nhưng thế hệ tiếp nối vẫn sống đúng vời lời dạy của Tổ ngày nào: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận từ khóa tu:

Học Chơn Lý

Thiền tọa

Thiền hành

Khất thực

Thọ trai