Tóm tắt pháp thoại của HT. Giác Giới khóa "Bồi dưỡng trụ trì" 2016

Mùa An cư hàng năm, chư Tôn đức Tăng Ni đều trở về các điểm An cư tập trung của Hệ phái để thúc liễm thân tâm, trao dồi giới hạnh. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau học tập và chia sẻ kinh nghiệm tu hành.

Kmac 2

Chúng ta thấy rằng trong cuộc từ bỏ vĩ đại để tầm cầu giáo pháp, đức Thế Tôn đã hành trì hết tất cả các phương pháp tu tập đương thời của các đạo phái. Cho đến thực hành pháp chức đạt các tầng thiền cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc nhưng Ngài thấy không có một pháp nào đưa đến giải thoát. Chính vì lẽ đó, Ngài từ bỏ các bậc danh sư và bạn hữu đồng tu để tự mình tìm kiếm con đường đưa đến thượng trí cứu cánh Niết-bàn. Sau khi thành tựu quả Vô thượng Chánh giác, đức Thế Tôn quán xét khắp tam giới nhưng không thấy một ai có thể làm thầy mình. Do đó, Ngài nghĩ: Hay là ta lấy pháp mà ta chứng ngộ làm thầy? Và Ngài thấy rằng giáo pháp mà Ngài tự mình chứng ngộ cao siêu, khó hiểu khó chứng trong khi chúng sanh luôn bị chìm đắm trong dục lạc không thể lãnh ngộ. Nếu đem công bố giáo pháp sẽ chỉ làm mệt mỏi cho Như Lai nên Ngài muốn nhập Niết bàn. Tiếp đó, vua trời Phạm thiên hạ phàm đảnh lễ xin đức Phật hãy vì lòng từ bi đến những chúng sanh hữu duyên và có căn cơ cao thượng, ít bị ô nhiễm có thể tiếp nhận giáo pháp. Vì để cứu độ chúng sanh và thỏa nguyện trời Phạm thiên, đức Thế Tôn đã chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển độ nhóm Kiều-trần-như mở đầu cho con đường hoằng dương chánh pháp.

Noi theo con đường đức Phật thuở xưa, đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng phát tâm xuất gia tầm đạo. Sau nhiều năm tầm cầu học đạo cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông, Tổ sư thực nghiệm tại Mũi Nai, xác chứng tại Mỹ Tho và đi công bố giáo pháp khắp nơi. Tổ sư nhận định: Phật pháp vẫn còn nhưng ít người thấy biết và chứng đắc. Tổ sư xây dựng đường lối Khất sĩ là để bổ sung chỗ còn thiếu của Phật giáo đương thời. Chỗ thiếu đó chính là pháp hành vậy.

Như vậy, đức Phật là bậc đạo sư đã tìm ra con đường giải thoát, đức Tổ sư Minh Đăng Quang nối truyền chánh pháp Như Lai. Đây con pháp hành mà chúng ta cần phải thọ trì đừng để đứt tuyệt.

Trong một bài kinh, pháp ý này được đức Thế Tôn giảng dạy ngang qua tiền kiếp của Ngài. Đây là vị chuyển luân thánh vương dùng chánh pháp trị quốc. Sau khi tóc bạc, Ngài dạy lại cho con trai lớn của mình chánh pháp và tìm con đường tu hành cho tự thân. Đến đời vị vua cuối cùng do phóng dật, không thực hành Chánh pháp nên đất nước bị tiêu vong. Đó là tiền kiếp xưa kia của đức Như Lai ngộ nhận là pháp giải thoát. Nay đức Phật là bậc A-la-hán Chánh Đẳng giác đã tìm được con đường đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, thượng trí, Niết-bàn. Con đường đó là Thánh đạo Tám nghành. Các Tỳ-kheo hãy khéo thọ trì và giữ gìn chớ làm người tối hậu sau cùng.

Trong Chơn Lý của Tổ sư, Ngài có nhận định rằng: chúng sanh từ chỗ ban đầu học ác đấu tranh lẫn nhau để sinh tồn, tiến đến học thiện để có đời sống an vui trong hiện kiếp. Từ chỗ học ác học thiện, những bậc Thánh hiền tiến đến học chơn lý để giải thoát khỏi cảnh luân hồi sanh tử.

Ngoài vấn đề học ác học thiện ra, cuộc sống lại thường rơi vào hai cực đoan là thường kiến và đoạn kiến. Thường kiến là những kẻ chấp cuộc sống hiện tại và vị lai thường còn không mất nên sa vào hưởng thụ dục lạc tối da. Đoạn kiến là những kẻ chấp cuộc sống sẽ hoại diệt không có gì tồn tại ở kiếp sau. Đây là hai cực đoan làm con người không tìm ra được pháp giác ngộ.

Vượt lên trên mọi cực đoan, giáo pháp nhà Phật hướng dẫn cho hành giả lộ trình tu tập vô cùng chuẩn mực. Giáo pháp ấy cho chúng ta một kiến giải rằng: trên phương diện giác ngộ có 3 cấp độ: Thứ nhất là Chánh Đẳng Giác. Đây là trường hợp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni do tự mình tu chứng nên gọi là vô sư tự ngộ. Thứ hai là Độc Giác. Đây là trường hợp của các bậc do quán lý nhân duyên mà thành đạo. Thứ ba là Thanh Văn. Đây là trường hợp của các bậc tu hành cầu học từ Phật và Thánh Tăng.

Đời sống hôm nay của chúng ta hôm nay phần lớn là tu theo hạnh Thanh Văn. Tu theo hạnh này, chúng ta cần phải lấy chánh tri kiến làm nền tảng. Vậy chánh tri kiến là gì? Theo định nghĩa một cách chính xác từ kinh điển, thì chánh tri kiến là như thật tuệ tri về khổ, như thật tuệ tri về nguyên nhân của khổ, như thật tuệ tri về sự chấm dứt khổ và như thật tuệ tri về con đường đưa đến chấm dứt khổ. Nói một cách tóm tắt đó là liễu tri Tứ đế.

Con đường thành tựu chánh tri kiến không phải là con đường vượt ngoài tầm tay của chúng ta hôm nay. Vì đối vời người cư sĩ có đời sống gia đình với đầy đủ các nhiễm ô phiền não họ vẫn có thể đi vào Sơ quả thành tựu chánh tri kiến. Vậy thì chúng ta là những người xuất gia tu hành tại sao lại nghi ngờ khả năng thành tựu chánh tri kiến của mình?

Từ kinh điển nhà Phật, chúng ta có thể khẳng định rằng: một hành giả muốn thành tựu chánh tri kiến phải nhờ vào hai pháp: một là nghe từ người khác, hai là nghe với tâm suy tư hay nghe với như lý tác ý. “Người khác” là ai? Đó chính là bậc Thánh nhân, bậc chân nhân. Bậc Thánh nhân hay bậc chân nhân chính là những vị đã thành tựu phạm hạnh sa môn hoặc ít nhất cũng có quá trình trải nghiệm tâm linh sâu sắc với giáo pháp, có định hướng không còn mê lầm và niềm luôn bất động với giáo pháp. Khi đó phước duyên tu tập với vị này chắc chắn rằng con đường đi đến đạo quả của chúng ta sẽ vô cùng khả quan.

Tại sao chánh tri kiến là điều kiện then chốt trên bước đường tu học của chư hành giả? Trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy liên tưởng đến hình ảnh một khúc gỗ trôi trên sông Hằng mà đức Phật đã từng ví dụ trong kinh điển. Một khúc gỗ trôi trên sông Hằng nếu không rơi vào tám chướng ngại sẽ trôi ra biển, hướng về biển, thể nhập vào biển. Vì sao vậy? Vì sông hằng hướng về biển. Cũng vậy, một vị tỳ kheo tu hành thành tựu chánh tri kiến nếu không bị tám chướng nạn sẽ vào Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, thể nhập Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì chánh tri kiến hướng về Niết-bàn.

Lời khẳng định này của Thế Tôn như là một kim chỉ nam cho người hành giả đi từ bờ mê sáng bến giác. Bởi nếu một người tu hành không khởi lên được chánh tri kiến thì mãi mãi chỉ là một kẻ mù mà thôi. Có thể vị ấy rất sáng pháp thiện ác đối đãi trong tam giới, nhưng đối với pháp siêu thế vượt thoát ba cõi vị ấy chẳng bao giờ tỏ ngộ cả.

Khế hợp với kinh văn, đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy một vị muốn thọ cụ túc giới phải đủ hai điều kiện: một là trọn lễ hầu thầy, hai là tu thiền có ấn chứng. Điều kiện tu thiền có ấn chứng ở đây chính là tu tập đạt đến một định hướng không còn mê lầm, được xem như chánh tri kiến vậy.

Từ những nhận thức ngang qua lời Phật và Tổ sư dạy trong kinh điển cũng như Chơn Lý, chúng ta phải vững bước tu hành trong đời sống hàng ngày của mình. Chúng ta cần phải hiểu rằng, pháp học của người Khất sĩ là học với mục tiêu thành tựu chánh tri kiến và pháp hành của người Khất sĩ là dùng chánh tri kiến đó để hành trì các pháp.

Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu ngay từ ba pháp Giới Định Tuệ mà Tổ sư luôn ân cần khuyên nhắc: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới Định Tuệ” (Chơn lý “Y bát chơn truyền”). Tập lần giữ giới để không sanh hối tiếc, từ không hối tiếc mới sanh hân hoan, từ hân hoan mới hoan hỷ, từ hoan hỷ sanh ra lạc thọ, từ lạc thọ sanh ra nhất tâm, từ nhất tâm hướng tâm nhu nhuyễn dễ sử dụng hướng đến như thật tuệ tri khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau.

kmac 8

Tóm lại, trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải biết thực hành đúng giới luật, thực hành thiền định và trau dồi trí tuệ trong mỗi lúc. Đây là đời sống mà đức Phật đã chứng ngộ từ ngàn xưa, đến ngàn sau được đức Tổ sư nối truyền và hôm nay chúng ta là những người đang tiếp bước. Bằng một niềm tin kiên định vào giáo pháp này, bằng một tâm hồn thuần khiết và thiết tha với đạo, chắc chắn rằng chánh tri kiến sẽ là quả chứng mà ai ai cũng có thể thành tựu ngay trong kiếp sống này.