Tóm tắt phát biểu và thảo luận trong khóa Bồi dưỡng trụ trì lần thứ 15

Hàng năm, vào đầu mùa An cư, từ ngày 18 – 24/04 âl, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (số 505 Xa lộ Hà Nội, Q. 2, TP. HCM), chư Tôn đức Hệ phái Khất sĩ tổ chức khoá học Bồi dưỡng Trụ trì, cho chư Tăng Ni trực thuộc 10 Giáo đoàn ở các nơi về tham dự. Tuy thời gian chỉ 7 ngày, nhưng ở một mức độ nhất định, mỗi Tăng Ni tham dự trang bị cho mình một số kiến thức Phật học nội điển, giáo lý Tổ thầy, kinh nghiệm tu tập, kinh nghiệm hoằng pháp, kinh nghiệm dạy chúng… Hơn thế nữa, chư Tăng Ni trên tinh thần sống chung tu học, tăng trưởng thêm niềm tin nương tựa Tam Bảo, hạnh phúc nhiều hơn trong ngôi nhà Tăng-già. Bài viết này tóm tắt toàn bộ các bài phát biểu và tham luận trong khoá học.  

Phát biểu trong Lễ Khai mạc

Trong phiên Khai mạc, ngày 18/04al, ba vị Hoà thượng Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, chứng minh buổi lễ đã sách tấn cho đại chúng.

HT. Giác ToànPhó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, nêu rõ mục đích và giá trị của khoá Bồi dưỡng trụ trì được mở ra vào đầu mùa An cư hàng năm. Đó là dịp để các giáo đoàn trình bày báo cáo việc tu học, sinh hoạt của giáo đoàn, tưởng niệm cuộc đời và công hạnh của Trưởng lão Tri sự Giác Như; đó cũng là dịp để các Tăng Ni Khất sĩ trao đổi bổ túc kinh nghiệm trụ trì, và cũng để có các tân trụ trì học hỏi kinh nghiệm trong trách vụ quản lý cơ sở tự viện, hướng dẫn đệ tử, Phật tử tu học. Đây còn là dịp để chư Tăng Ni Khất sĩ nhìn lại, quán chiếu lại tự thân, hạn chế tối đa sự sai sót, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau làm cho ngôi nhà Khất sĩ phát triển vững mạnh.

HT. Giác Ngộ - Thành viên HĐCM GHPGVN, Đệ tứ Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, tán thán những điều hy hữu chư Tăng Ni Khất sĩ đã làm được:

- Điều quý báu thứ nhất là chư Tăng Ni Khất sĩ đoàn kết, hoà hợp ngồi lại với nhau cùng tu cùng  học, đúng với lời dạy của đức Phật trong bài kinh Trường Bộ, số 16 về một trong 7 pháp Bất thối: “Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

- Điều quý báu thứ hai là Hệ phái đã phát triển vượt bậc, trong 60 năm số lượng chư Tăng Ni gần 4000, cơ sở tịnh xá, tịnh thất Hệ phái Khất sĩ gần 550 ngôi. 

- Điều quý báu thứ ba đó là sự kham nhẫn trước khó khăn của chư Tăng Ni Hệ phái thời kỳ đầu mở đạo và cả giai đoạn mở đạo ngày nay.

- Điều quý báu thứ tư là chư Tăng Ni Hệ phái ham học ham tu. Nhiều Tăng Ni thành tựu những học vị tương đối cao; các khoá tu dành cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni được tổ chức thường xuyên.

Và Hoà thượng sách tấn chư Tôn đức nên siêng tham thiền để gột sạch ác pháp, làm những hạnh lành, nghiên cứu kho tàng Pháp bảo của Tổ sư để lại và học hạnh của chư đức Thầy, Trưởng lão.

Phát biểu trong lễ Bế mạc

Hoà thượng Giác Toàn nhắc nhở chư Tăng Ni, bảy ngày Sống chung tu học trôi qua, bên cạnh những niềm hoan hỷ an lạc, vẫn còn có điều sơ thất, mong chư Tăng Ni khi trở về trú xứ hãy giữ niệm hoan hỷ và ý thức điều sơ thất cố gắng sửa đổi. Tại bổn xứ, mỗi trụ trì cố gắng tu tập tăng trưởng nội lực và phụng sự chúng sinh. Tăng trưởng nội lực bằng cách tinh tấn nhiếp phục sáu căn, giữ ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh. Phụng sự chúng sinh đó là giữ truyền thống cúng Hội mỗi tháng hai lần, thuyết pháp dạy đạo. Nếu có thể, hãy hướng dẫn Phật tử tu Bát quan trai. Bốn ngày Chủ nhật, Tăng Ni cố gắng hướng dẫn thiện nam tín nữ tu tập các pháp môn như tụng các bộ kinh lớn (Nikaya hoặc kinh điển Đại thừa), thiền tập... Làm được như vậy chính là Tăng Ni “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, sống tu học đúng với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

Hoà thượng Giác Tường có lời sách tấn đạo từ đến chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì. Ngài định nghĩa hai chữ Bồi dưỡng để mỗi người ý thức mà thọ trì, gìn giữ gia tài Pháp bảo. Ngài lại lý giải tại sao người trụ trì được tặng cho sứ mệnh “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.

Sau đây là bản tóm tắt nội dung theo trình tự chủ đề của khoá Bồi dưỡng trụ trì

BỐN CHỦ ĐỀ THẢO LUẬN TRONG KHOÁ BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ LẦN THỨ 15

Chủ đề 1: Những vấn đề liên hệ đến trụ trì

Chủ đề 2: Tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Chủ đề 3: Những công hạnh của chư Trưởng lão, Ni trưởng

Chủ đề 4: Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang

CHỦ ĐỀ 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN HỆ ĐẾN TRỤ TRÌ

Có tất cả 11 bài trong chủ đề này, trong đó 3 buổi xoay quanh Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, 1 bài báo cáo các hoạt động của Hệ phái trong năm qua và 8 bài còn lại đề cập đến trách nhiệm, tiêu chuẩn… của người trụ trì.

Bài Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của TS. Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 19/04 âl, ngày thứ 2 khoá học. Đối với Bộ Luật bao gồm 9 chương 68 điều, ông nêu lên một số vấn đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo cho các vị trụ trì hiểu rõ. Đối với một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam lại có đến 14 tôn giáo lớn, trong đó Phật giáo là tôn giáo có mặt và đồng hành cùng đất nước, vận mệnh dân tộc hơn 2000 năm nay. Hiện nay, đạo Phật vẫn là tôn giáo có số lượng tín đồ, nhà tu và cơ sở tự viện nhiều nhất so với các tôn giáo khác. Với sự hiểu biết tổng thể này, các vị trụ trì Hệ phái có cách ứng xử hoà hợp, đúng đắn với các tôn giáo bạn. Ông Vụ trưởng Vụ Phật giáo cũng tán dương sự phát triển nhanh chóng của Hệ phái Khất sĩ, nhất là trong lãnh vực giáo dục Tăng Ni tại các trường Phật học trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, Hệ phái đã cống hiến một nguồn nhân lực Tăng Ni trí thức hùng hậu, góp phần xiển dương giáo pháp cũng như củng cố nền văn hoá giáo dục đạo đức của dân tộc trên lãnh vực giáo dục Phật giáo.

Sáng ngày 20/4 âl, ngày thứ 3, HT. Giác Nhân - Ủy viên HĐTS, Giáo phẩm kiêm Phó Thư ký Hệ phái, Trưởng Phân ban Hướng dẫn Phật tử Hệ phái, chia sẻ Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN. Bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm, Hoà thượng phân tích rõ nhiều vấn đề được đề cập trong 13 chương 71 điều Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những vấn đề liên quan đến sinh hoạt thường nhật của Tăng Ni trong 12 chương 57 điều của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN. Được Hoà thường phân tích, ví dụ rõ ràng, chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái hiểu biết hơn, cũng như biết cách giải quyết vấn đề phù hợp với đường lối tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, HT. Giác Trí - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó GĐ III, đã chia sẻ cùng đại chúng: “Tinh thần Nối truyền Thích-ca Chánh pháp qua sự tu tập Chánh niệm.” Hầu hết chư Tăng Ni đều sẽ đến giai đoạn nhận lãnh trọng trách trụ trì, quản lý tự viện, dạy dỗ đệ tử và hoằng pháp độ sinh, nên mỗi vị tự thân ý thức trách nhiệm trong vị trí này. Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp người trụ trì làm tốt trọng trách đó là thực tập chánh niệm cao độ. Đối với bổn hoài Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, một cách dễ thấy nhất, người Khất sĩ có thể thực hiện được năm phận sự mà đức Phật thực hiện trong ngày.

Buổi chiều ngày thứ 3, HT. Thích Huệ Thông Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, giảng giải cho đại chúng về “Vai trò Trụ trì trong sự nghiệp hoằng pháp và quản lý tự viện”. Ngoài sứ mạng thiêng liêng “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng” theo kinh Đại Bát-niết-bàn, người trụ trì hiểu và làm tốt “Cơ sở trụ trì”, “Pháp tạng trụ trì” và “Giới pháp trụ trì”. Người trụ trì trong xã hội ngày nay nhận lãnh khá nhiều trách nhiệm, đó là làm tròn công việc quản lý tự viện theo sự phân bổ của Giáo hội, hành trì giới luật, tu tập tinh cần, có trí tuệ, am hiểu tư tưởng, đời sống xã hội đương thời, kịp thời xử lý mọi sự nhiễu sóng từ xã hội ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo.

Sáng 21/4 âl, ngày thứ tư, HT. Thích Thiện NhơnChủ tịch HĐTS GHPGVN, trước khi chia sẻ đề tài Trách nhiệm trụ trì đã có lời tán thán Tăng đoàn Khất sĩ thành tựu về mặt nội hàm, đó là hình thành được khối đoàn kết keo sơn trong Hệ phái, như thế đã đóng góp rất lớn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưng thạnh. Sự phát triển nhanh chóng của Hệ phái chỉ trong vòng mấy mươi năm, số lượng Tăng Ni đã tăng lên 4984 vị trong số 53941 Tăng Ni Phật giáo toàn quốc, và 541 tịnh xá trong số 19.466 cơ sở tự viện Phật giáo cả nước. Ngoài ra, Hệ phái đã gắn kết với công tác đối ngoại của Giáo hội và cũng làm tốt các công tác địa phương.

Đi sâu vào phần Trách nhiệm trụ trì, Hoà thượng nhấn mạnh đến 5 trách nhiệm căn bản. 1) Trách nhiệm đối với tự thân; 2) Trách nhiệm đối với cơ sở; Trách nhiệm đối với Giáo hội; 4) Trách nhiệm đối với Đạo pháp; 5) Trách nhiệm đối với xã hội. Hoà thượng xác quyết: “Trách nhiệm đối với tự thân, tự tâm rất quan trọng, vì bản thân có đạo đức, có mô phạm gương mẫu, mới hướng dẫn người khác đi theo mình và có đủ khả năng, đức độ cảm hóa và duy trì cơ sở. Đối với cơ sở là một phần phó sản của chung. Bằng thái độ vô ngã, thanh tịnh, xả ly tất cả để được tất cả, trong tinh thần làm tất cả, nhưng không thấy làm gì cả. Đối với Giáo hội, chỉ có Giáo hội duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam do 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam hợp thành làm một tổ chức đại diện cho Tăng Ni Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đối với Đạo pháp cần phát huy truyền bá sâu rộng, có kế hoạch truyền bá phát huy lâu dài và bền vững. Đối với xã hội cần có sự dung thông, hội nhập, vì nó là toàn bộ cơ thể của con người, là môi trường của chúng ta đang sống và đang hành đạo từ đời này cho đến khi giác ngộ, giải thoát, thành Phật.

Sáng ngày 21/04 âl, ĐĐ. Giác HoàngỦy viên HĐTS, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Học viện, Phó Thư ký Hệ phái, báo cáo một số hoạt động Phật sự của Hệ phái năm 2017 – 2018 và các Phật sự sắp tới. Đại đức trình bày các vấn đề liên quan trong việc tham gia Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh đối với hàng Sa-di, Sa-di-ni; Khoá Bồi dưỡng Trụ trì đối với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chuẩn bị nhận lãnh trách nhiệm trụ trì; Giới đàn tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh – Phân đàn Hệ phái Khất sĩ. Đại đức cũng cho biết, tối ngày 20/04 âl, Ban Tu thư của Hệ phái có buổi họp đầu tiên và lên kế hoạch khởi động với 3 công việc chuẩn bị cho Đại lễ Tưởng niệm 65 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (năm 2019). Đó là soạn thảo lại 2 bản tiểu sử và lược sử tưởng niệm cuộc đời và đạo nghiệp của đức Tổ sư, biên tập Tuyển tập Tư tưởng Đường lối của đức Tổ sư và Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ. Tiếp theo, Đại đức giới thiệu ra mắt trang http://phapam.daophatkhatsi.vn/ và sau cùng là công bố quỹ Pháp học hiện có.

Ngày 22/04 âl, ngày thứ 5, HT. Minh Bửu - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Phó ban Giáo phẩm kiêm Trưởng ban Tăng sự Hệ phái, trình bày đề tài Kinh nghiệm trụ trì. Hoà thượng nhấn mạnh 3 tiêu chuẩn quan trọng mà người trụ trì không thể thiếu. Đó là: 1) Người trụ trì phải có nhân cách đạo đức tốt, làm tấm gương cho chúng đệ tử và Phật tử tin kính học theo; 2) Phải có kiến thức và năng lực để làm công tác đối nội đối ngoại, quản lý tự viện, hướng dẫn đồ chúng, đặc biệt nếu có thể, vị trụ trì nên giỏi về ngũ minh. Tiêu chuẩn thứ ba cũng là tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với một trụ trì, đó là tâm đức. Công phu tu tập tinh tấn, hạnh đức bao dung, khiêm hạ, từ bi, trí tuệ… vừa trau dồi thiện pháp cho tự thân, vừa là thân giáo căn bản đào tạo các thế hệ Tăng Ni tốt, duy trì mạng mạch Phật pháp và góp phần làm cho xã hội thế giới phồn vinh, thịnh vượng.

HT. Giác Hà - Thành viên HĐCM GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V, tiếp tục phân tích và sách tấn đại chúng trong đề tài Tâm đức của một vị trụ trì. Với lời nói giản dị mộc mạc, Hoà thượng giảng giải, chư Tôn đức Tăng Ni đại chúng ý thức được mỗi người đã đang và sẽ là trụ trì hai ngôi Tam Bảo bên ngoài và bên trong. Trách nhiệm với cả hai ngôi Tam Bảo này phải được thực hiện, làm tròn song song. Nơi tự thân, người trụ trì phải có pháp tu và tinh tấn huân tu. Nơi đạo tràng, đối với đệ tử xuất gia và tại gia, người trụ trì phải hy sinh, phụng sự duy trì cơ sở, dạy dỗ đệ tử, tín đồ, hành đạo đúng với giáo huấn của chư Phật, Tổ, Thầy; tu học, sống có chánh kiến, chánh tư duy, có nhân cách đạo đức.

Buổi chiều 21/04 âl, ông Lê Hoàng Vân - Phó ban Tôn giáo TP. HCM triển khai Những phương diện cần lưu ý đối với Luật Tôn giáo Tín ngưỡng 2018 và tình hình Phật giáo TP. Hồ chí Minh. Song song với việc trình bày một số điều cần hiểu rõ trong Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng giúp chư Tăng Ni Hệ phái hiểu đúng và hành đúng đường lối của Chính phủ và Giáo hội, ông Phó ban Tôn giáo TP. HCM cũng hoan hỷ tán thán sự tu tập và tinh thần phụng sự chúng sinh của chư Tăng Ni Hệ phái. Ông nêu rõ nhiều thành tựu nổi bật của Hệ phái trong nhiều năm qua. 

Ngày 23/04 âl, ngày thứ 6, HT. Thích Minh Thông - Phó Ban Tăng sự Trung ương kiêm Phó BTS GHPGVN TP. HCM, nhấn mạnh Tầm quan trọng của Luật học đối với vị trụ trì. Hoà thượng đã giải nghi nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực giới luật như sự khác biệt ngày An cư, giới điều, số lượng giới giữa các truyền thống Phật giáo, giữa Tăng và Ni. Đồng thời, Ngài cũng giới thiệu, nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng khác trong giới pháp như sự kiện đức Phật độ nam nữ cư sĩ, sự kiện kiết tập kinh điển, nguyên nhân chế giới luật, sự cao quý của Bát kính pháp, ý nghĩa An cư, hạnh của Tôn giả A-nan, sự kiện đức Phật nhập diệt, 4 điều thanh tịnh của người xuất gia…

 Buổi chiều cùng ngày, ĐĐ. Thích Tâm HảiPhó ban Văn hoá Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Truyền thông Phật giáo TP. HCM, Tổng Thư ký Báo Giác ngộ, bổ sung kiến thức cho các vị trụ trì về: Cách ứng xử của một vị trụ trì với truyền thông hiện đại. Thượng toạ chỉ ra sự lợi ích và tác hại của mạng internet, mạng truyền thông xã hội. Thượng toạ cũng nhắc nhở thái độ căn bản trong cách ứng xử của người xuất gia. Không phân biệt tông phái, hạ lạp, tuổi tác, giới tính, trong cộng đồng người xuất gia, tính trung thực luôn cần thiết. Thứ đến tính hoà đồng, thân thiện, gần gũi trong chúng ta, lắng nghe và biết giúp đỡ lẫn nhau đúng với chánh kiến, chánh tư duy. Buổi nói chuyện chia sẻ của Thượng toạ giúp chư Tôn đức Tăng Ni hiện diện ý thức được việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống tu học, quản trị đạo tràng cũng như cách dạy dỗ, hướng dẫn đệ tử xuất gia và tại gia tu học tốt trong chánh pháp.

CHỦ ĐỀ 2: TINH THẦN “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP” CỦA ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Chủ đề  này gồm có 7 bài:

Buổi chiều ngày thứ 2, 19/4 âl, HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức, đã trình bày với đại chúng đề tài: “Tinh thần Nối truyền Thích-ca Chánh pháp và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì”. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã thành công trong việc nối truyền giáo pháp ở những điểm nào? Đó là sự kế thừa pháp học và pháp hành cuả ba đời chư Phật. Người Khất sĩ, tam y nhứt bát, đầu trần chân đất, khất thực ăn chay, hành Tứ y pháp, học kinh luật luận, thiền tập quán chiếu, tu Giới Định Tuệ, thành tựu thường, lạc, ngã, tịnh, từ, bi, hỷ, xả, hoá độ chúng sinh, tu trong chánh pháp, sống trong an lạc, tịnh tín.

Buổi chiều 21/04 âl, NT. Hiệp Liên - Ủy viên Thường trực kiêm Phó Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Trưởng ban Quản sự Ni giới GĐ III, với bài viết Giới - Định - Huệ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang với lời dạy của bậc Chánh giác. Trăn trở trước quan niệm sai lầm của các vị Khất sĩ trẻ rằng Khất sĩ chẳng có pháp tu gì rõ ràng cả, Ni trưởng đã chứng minh nhiều lời dạy của chính đức Tổ sư y theo ý pháp và con đường thực tập của đức Phật. Thực tập Giới, Định, Huệ, ba pháp tu vắn tắt chính là con đường đúng đắn của chư Phật ba đời. Người tu học trong đạo Phật, nếu không thực tu ba pháp căn bản này, đức Phật xác định đây không phải là hàng Sa-môn đúng nghĩa. 

 Buổi chiều 21/04 âl, NT. Yến LiênGiáo phẩm Ni giới GĐ I, với đề tài Giáo pháp của đức Phật và sự nối truyền của Tố sư Minh Đăng Quang, Ni trưởng dẫn chứng từ các kinh trong Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, và bộ Chơn lý để thấy rằng con đường Trung đạo “Tứ Y pháp” thuở xưa đức Phật tán thán và hành trì, đời nay đức Tổ sư cũng đề cao pháp tu ấy. Ni trưởng giảng giải 3 pháp tu chính của đạo Phật, đó là tu tập Thánh Giới, Thánh Định và Thánh Tuệ theo kinh văn và lời của đức Tổ sư. Điểm nhấn thứ 3 trong bài tham luận của mình, Ni trưởng nêu cao tinh thần Sống chung tu học thanh tịnh, hoà hợp, môi trường tuyệt vời để thực tập giáo pháp của Như Lai, Tổ, Thầy.

Buổi chiều 21/04 âl, SC.TS. Thảo Liên chia sẻ chủ đề Tu tập Tâm theo Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Với kiến thức Phật học, Sư cô nghiên cứu và phân tích chữ Tâm. Cái Tâm khá rõ, đồng thời nêu cách tu tâm mà đức Tổ sư đã chú trọng và dạy rõ trong bộ Chơn lý. Từ nền tảng này, cho thấy “tâm là trung tâm điểm tạo ra các pháp vạn vật ở thế gian, tâm có tác dụng chi phối rất lớn đối với đời sống con người và môi trường xung quanh; tâm là người dẫn đường, là chủ nhân của cuộc đời mình, chứ không phải là sản phẩm sáng tạo của một vị thần linh tối cao nào. Tu tập tâm là con đường đưa đến hạnh phúc thiết thực nhất”.

Buổi chiều ngày 22/04 âl, ngày thứ 5, HT. Giác Pháp trình bày đề tài: Ứng dụng Tứ Y pháp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang trong đời sống tu hành thực tiễn. Qua sự khảo sát của hơn 200 Tăng Ni hiện diện, Hoà thượng khiến đại chúng giật mình tự nhận ra: Phần lớn Tăng Ni Khất sĩ nói chung chưa hiểu rõ về Tứ Y pháp, còn nói chi là pháp hành Tứ Y pháp. Hoà thượng định nghĩa lại Tứ Y pháp là gì, và mổ xẻ ý nghĩa của pháp hành Tứ Y pháp theo giáo huấn của đức Phật trong thời kỳ đầu Phật giáo. Ngày nay, cuộc sống, môi trường khác xưa nhiều, tuy nhiên, người Khất sĩ có thể hành Tứ Y pháp như thế nào mới đúng y nghĩa, đúng với tinh thần đạo Phật. Đó là việc tu tập không dính mắc với ngũ dục, tri túc tuyệt đối trong 4 lĩnh vực – ăn, mặc, ở, bệnh. Nhờ nương giới luật, thanh quy, thân tâm người Khất sĩ thanh thản, thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác mọi lúc, thành tựu các tầng thiền và các Thánh quả tương xứng.

Ngày 23/04 âl, ngày thứ 6, TT.TS. Minh Thành - Ủy viên Thường trực HĐTS, Giáo phẩm kiêm Phó Thư ký Hệ phái, Trưởng ban Giáo dục – Tu thư Hệ phái, trình bày đề tài Cõi Phật và các cõi khác là một hay là khác? Thượng toạ đã khơi nguồn cảm hứng cho đại chúng đọc lại bộ Chơn lý của Tổ. Bản thân, Thượng toạ đã viết nhiều bài nghiên cứu, so sánh, về một số bài viết trong bộ Chơn lý và đã in thành tập Đọc Chơn lý - Trăng soi nẻo về. Ngang qua kinh tạng Nikaya, đặc biệt từ hai tác phẩm hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh điển Pali của Bhikkhu Bodhi và Trung bộ kinh, Thượng toạ chỉ ra cõi Phật đạt được trải qua tiến trình tu tập thành tựu 4 thiền, 4 quả Thánh, 3 minh. Lại nữa, từ Chơn lý “Công lý võ trụ”, theo tư tưởng Hoa Nghiêm, cõi đời và cõi Phật đều đang ở đây, và cõi Phật và các cõi khác là một. Thượng toạ cũng phân tích cho đại chúng thấy rằng cõi Phật còn là cảnh giới của Bồ-tát Quán Thế Âm luôn mang màu sắc hiện thực và sinh động vô cùng.

Trong buổi chiều ngày 23/04 âl, NS.TS. Nguyện Liên trình bày: Nghĩ về vấn đề tu - học - dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang. Qua sự trình bày của Ni sư, đại chúng nhận thức rõ Tổ sư là vị Thầy giáo dục tâm linh tuyệt vời. Bằng thân giáo, khẩu giáo, Ngài dạy tứ chúng học và hành song song. Pháp hành khất thực du phương cũng là cách giáo dục giúp cho người thực hành đoạn trừ phiền não, bước dần đến chân trời an lạc miên viễn. Bàng bạc trong các bài giảng Chơn lý, Ngài dạy mọi người ý thức được cõi sống tạm bợ vô thường, bản ngã không có thật, cảnh giới yên vui nín nghỉ có mặt và mọi người đều có thể đạt tới. Ngài khuyến tấn mọi người cần thấu đạt lý duyên sinh, sống chung tu học trên tinh thần hoà hợp, hầu tạo nên một thế giới hoà bình, an vui chung cho tất cả chúng sinh.

CHỦ ĐỀ 3: NHỮNG CÔNG HẠNH CỦA CHƯ TRƯỞNG LÃO, NI TRƯỞNG

Chủ đề này gồm có 4 bài:

Ngày 24/04 âl, ngày thứ 7, NT. Khiêm Liên - Giáo phẩm NGHPKS trình bày tấm gương Ni trưởng Huỳnh Liên – Đoá sen vàng từ miền Tịnh Độ. Từ khi xuất gia, gia nhập Tăng đoàn Khất sĩ, NT. Huỳnh Liên được đức Tổ sư Minh Đăng Quang giao trọng trách hướng dẫn Ni chúng Khất sĩ. Suốt 40 năm tu tập và phụng sự giáo pháp, dìu dắt Ni chúng, Phật tử, Ni trưởng đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. NT. Khiêm Liên và Ni chúng Khất sĩ hết lòng tán thán cố Ni trưởng đệ Nhất. Với ý pháp “Đâu cũng là pháp và đâu đâu cũng pháp…” trong bài thơ Lối đi của NT. Huỳnh Liên, và qua châm ngôn sống, phạm hạnh và từ tâm cống hiến tha nhân. Ni trưởng cũng chú dẫn nhiều bài thơ bút tích của NT. Huỳnh Liên, chứng minh làm rõ chủ kiến trên.

Sáng ngày 24/04 âl, NT. Mai Liên - Phó BTS PG tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Giáo phẩm NGHPKS, Trưởng ban Quản chúng Ni giới GĐ IV, chia sẻ Công hạnh cố Ni trưởng Ngân Liên. Trụ thế 76 năm, hạ lạp 43 năm, Ni trưởng Ngân Liên lưu lại gần 30 tịnh xá, gần 200 đệ tử xuất gia và hàng ngàn đệ tử tại gia. Song tuyệt vời hơn cả là hậu thế học được gương hạnh của Ni trưởng về giữ giới nghiêm mật, vâng giữ Bát kính pháp, phụng sự chúng sinh không mỏi mệt.

Sáng ngày 24/04 âl, ngày thứ 7, NT. Ánh Liên - Giáo phẩm NGHPKS, chia sẻ đề tài Công hạnh của Ni trưởng Bạch Liên - Đệ nhị trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Ni trưởng Bạch Liên là vị đệ tử Ni thứ 2 của đức Tổ sư. Xuất gia tuổi đôi mươi với chí nguyện kiên định dõng mãnh đã làm nên trang sử Ni giới Khất sĩ sáng rỡ. Ni trưởng luôn bên cạnh NT. Huỳnh Liên tiếp độ, chỉ dạy Ni chúng và Phật tử. Vào khoảng thập niên 60, Ni trưởng đi hành đạo đó đây, từ miền Nam ra đến miền Trung, Cam Lộ, Quảng Trị, Thừa Thiên…  Lúc bấy giờ, việc hành đạo vô cùng gian nan, Ni trưởng hướng dẫn Ni chúng khai khẩn đất hoang lập đạo tràng, kham nhẫn ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, từ bi mở cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi, nuôi người già yếu. Công việc dù chướng ngại đến đâu, dẫu nguy hiểm cho thân mạng, Ni trưởng không quản ngại làm tròn trọng trách người hướng đạo chư Ni. Ngoài ra, Ni trưởng rất giỏi về văn chương, thi phú. Người đã để lại cho hậu thế tấm gương hạnh đức, nhiều đạo tràng trang nghiêm, nhiều tác phẩm thơ văn giá trị.

Ngày 24/04 âl, ngày thứ 7, NS. Tuyết Liên - Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Giáo phẩm NGHPKS, Phó Thường trực Ban Quản chúng Ni giới GĐ IV, trình bày Công hạnh của Ni trưởng Trí Liên. Mặc dù, Ni trưởng Trí Liên xuất gia ở tuổi trung niên (47 tuổi), nhưng sẵn có hạt giống xuất sĩ nên Người tu học và hành đạo thành tựu phạm hạnh cao thượng, xứng đáng là người con gái lành của đức Phật, của đức Tổ sư. Ngoài lục tuần, Người hướng dẫn Ni đoàn du phương hoá đạo đó đây, không nề hà khó khăn vất vả, thành lập nhiều tịnh xá giúp bá tánh có nơi tu học. Ni trưởng để lại cho Ni chúng tấm gương tinh tấn tu hành, tuân giữ Bát kính pháp, vẹn tròn hạnh Sa-môn.

CHỦ ĐỀ 4: CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Có 2 bài:

Ngày đầu tiên, 18/04 âl, HT. Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Đệ lục Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, ôn lại Lược sử đức Tổ sư Minh Đăng Quang và chỉ cho đại chúng nhận ra sự sơ thất lớn đó là cho đến nay, gần 65 năm Tổ sư vắng bóng, chư Tăng Ni Hệ phái vẫn chưa có một bản Tiểu sử hoàn chỉnh về cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư - Vị khai sáng tông phong Khất sĩ. Ngài nhấn mạnh và khuyến khích chư Tôn đức Hệ phái, đã đến lúc chư Tôn đức ngồi lại với nhau, truy cứu, suy nghĩ, viết nên hai bản sử liệu về Tổ sư; một bản ngắn gọn, súc tích để tuyên đọc trong Lễ Tưởng niệm Tổ sư hàng năm tại các trụ xứ; một bản chi tiết, đầy đủ các sự kiện trong cuộc đời của Ngài.

Chiều ngày 23/04 âl, ngày thứ 6, ĐĐ. Minh ĐiệpGiáo đoàn VI, chia sẻ: Đức Tổ sư Minh Đăng Quang - Sự giác ngộ tự thân đến xây dựng hội chúng giác ngộ. Đại đức trình bày rõ ràng quá trình giác ngộ của Tổ sư Minh Đăng Quang, trong đó, nêu khá chi tiết tiến tình tầm đạo, xuất gia, chứng ngộ và bước đường giáo hoá của Tổ sư. Tiếp theo, Đại đức bàn về quy cách xây dựng Hội chúng giác ngộ, ngang qua tôn chỉ hành đạo, đời sống Tăng Sư, cương yếu giới luật, các pháp tu hành. Ngoài việc ôn lại cuộc đời, hành trạng của đức Tổ sư, tự thân thành tựu sự chứng ngộ và lãnh đạo hướng dẫn hội chúng đồng về bến Giác, tham luận này đã làm chư Tôn đức Tăng Ni và đại chúng tăng trưởng niềm tin và tinh thần cầu học vào con đường Nối truyền Thích-ca Chánh pháp của Tổ sư thêm kiên định.

Tổng kết

Với 4 bài phát biểu và 24 bài tham luận trình bày tại khoá Bồi dưỡng trụ trì, tất cả đã bổ sung kiến thức Phật pháp nói chung, giáo lý Hệ phái nói riêng và kinh nghiệm tu tập, bảo trì ngôi Tam bảo và hoằng pháp lợi sinh cho mỗi vị đã, đang và sẽ làm trụ trì. Khoá học cũng giúp cho mỗi Tăng Ni Hệ phái nhận ra sơ thất của mình, sự giải đãi vi tế, chưa thật sự hiểu hết mục đích, lý tưởng con đường mình đang đi.

Khoá học bổ ích cho mỗi vị Khất sĩ vào đầu mùa An cư hàng năm, là tiếng chuông tỉnh thức, nhắc nhở sự tinh tấn tu tập, sự tinh cần công quả, sự tinh thông pháp học và nhiệt tình hoằng pháp lợi sinh.

>> Nghe toàn bộ các phát biểu, các bài giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì 2018 tại đây: phapam.daophatkhatsi.vn