Tổng hợp các bài cảm tưởng khóa "Bồi dưỡng đạo hạnh" 14

HUỆ NĂNG

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh

Kính bạch quý Đại đức trong Ban Quản chúng chứng minh

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô cùng đại chúng chứng minh

Trải qua 10 ngày “sống chung tu học”, tuy thời gian không dài, giờ đây với tâm trạng bồi hồi trong những ngày cuối của khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh cho Sa-di, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni cùng tập sự nam nữ lần thứ 14, con xin có đôi dòng cảm tưởng, dâng lên và cũng xem là một cách để con tạ pháp và tri ân đến quý Ngài.

Quý hóa làm sao, quý Đại đức, quý Sư cô quản chúng luôn đặt cả tâm mình để chỉ dạy cho chúng con hơn 70 hành giả Tăng Ni. Từng thời khóa, công phu, giảng dạy giáo lý hay hướng dẫn thiền tập của chư Tôn đức Giáo thọ là những con đường đưa chúng con về với ngôi nhà tỉnh thức, để thấy được những khiếm khuyết thường ngày, để chúng con xác định lại được tâm mình, biết được xuất gia để làm Sa-di tập sự là thế nào. Tuy phước mỏng, nghiệp dày những lời pháp của chư Tôn đức có thể chúng con không tiếp nhận được hết, nhưng chúng con sẽ cố gắng luôn luôn ghi nhớ và thực hành theo những điều được học.

Từng bước chân tĩnh lặng đi nhận cơm, thiền hành giữa khung trời mát mẻ nơi đây trên những bước chân tĩnh lạc làm cho chúng con thấy được pháp Khất sĩ hóa duyên khất thực đẹp đến nhường nào.

Mỗi tối, thời sám hối ăn năn đối với chúng con được xem là thời căng thẳng nhất trong một ngày tu tập. Tuy những lời khuyến tấn chỉ dạy của chư Tôn đức có lúc nhẹ nhàng, có lúc quở phạt nhưng đều là những điều quý giá giúp chúng con rút được bài học:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

Người tu Tăng tướng đàng hoàng oai nghi”.

Oai nghi tế hạnh là điều căn bản của một con người xuất gia. Chúng con mang thân phàm phu, sau khi cạo tóc chưa giũ hết thói quen ngoài đời, oai nghi chúng con chưa hoàn chỉnh gọn gàng. Những buổi tập thiền đau chân đến nỗi chúng tập sự các con thoa dầu ngập mùi cả phòng. Tuy rã rời sau một ngày tu tập nhưng huynh đệ vẫn luôn an lạc và cảm nhận được tâm tình của quý Ngài đối với đại chúng. Chúng con là những hạt giống chưa đủ sức đề kháng để vượt qua chướng duyên, không hiểu vì sao quý Ngài lại giảng dạy đúng tâm lý chúng con như vậy. Chúng con vơi đi phần nào sự phiền não trong đường đạo chông gai. Chúng con xin niệm ơn và kính mong quý Ngài có nhiều sức khỏe và luôn là cổ thụ che bóng mát trên đường đạo đầy đá, dăm nắng táp này.

Thay lời kết, con xin mạn phép thay mặt đại chúng tri ân đến Ni sư Trụ trì nơi đây đã tổ chức khóa tu cho chúng con trau dồi hạnh đức. Tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng chúng con cảm nhận được cái tâm cao quý, thương xót đàn hậu học của Ni sư. Con biết việc đăng cai một khóa tu trăm công nghìn việc, nhưng Ni sư vẫn luôn hoan hỷ và trợ duyên cho chúng con trong việc ăn mặc ở bệnh hết mực trọn vẹn.

Trong vô tận của ngôn từ, dù có dùng vạn lời hoa mỹ, tất cả chúng con cũng không thể nói hết được lòng biết ơn đối với tâm nguyện bồi dưỡng đạo hạnh cho đàn hậu học của chư Tôn đức.

Chúng con xin nguyện tinh tấn và nghiêm túc hơn nữa trong tu học để không phụ lòng quảng đại và đức hy sinh của quý Ngài.

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, chúng con xin niệm ân.

GIÁC MINH PHONG

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính bạch chư Hòa thượng,

Kính bạch chư Đại đức Quản chúng,

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô,

Kính thưa toàn thể hội chúng,

Con Sa-di Giác Minh Phong xin có đôi dòng cảm tưởng khi được tham dự khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần này.

Mùa Tết đã qua, các đạo tràng khắp nơi cũng đã xong công việc đón tết. Thật bận rộn và vất vả, nhất là Tịnh xá Ngọc Chơn, quý Ni sư cùng chư Ni tịnh xá rất vất vả cho sự chuẩn bị khóa tu Bồi dưỡng lần 14 này. Con thấy các vị ai cũng tỏ vẻ lo lắng và trách nhiệm.

Khóa tu đợt này tổ chức vào mùa xuân nên không khí trong lành và mát mẻ. Con đến tịnh xá vào lúc 2 giờ khuya ngày 26. Lần đầu tiên đến tịnh xá, con cũng chưa biết địa hình nơi đây. Cửa cổng không đóng nên con và sư huynh thong thả đi vào. Bây giờ cũng khuya rồi nên quý Ni ở trú xứ đã yên giấc. Con đang nhìn xung quanh thì có tiếng gâu gâu. Một chú chó dễ thương vội vã chạy ra sủa. Con dùng tay làm dấu hiệu cho chú im lặng, sư huynh đứng kế bên nói: “…Mi sủa lớn lên đi để có người ra đón”.

Vừa dứt lời thì có một vị Ni sư từ nơi trong cốc bước ra, dáng dấp khỏe mạnh và nhanh nhẹn, hỏi chúng con:

Quý Sư đi khóa tu à?

Mô phật.

Mời quý Sư vào phòng bên này.

Thế là cũng có người chỉ chỗ cho ngủ. Về phòng con làm một giấc cho tới sáng. Sáng dậy mới biết vị Ni sư hồi tối là Ni sư Trụ trì, buổi sáng cho tới chiều, huynh đệ lần lượt trở về đông đủ. Tối hôm đó, đại chúng họp chúng và đi vào khóa tu. Sáng hôm 27, chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo thọ đã thực hành pháp khất thực và sau đó các Ngài đã làm lễ khai mạc khóa tu. Buổi cúng ngọ đầu tiên cùng chư Tôn đức thật trang nghiêm, ai cũng để tâm mình vào giờ thọ thực, cuối thời thọ trai mọi người lặng lẽ dọn dẹp, rửa bát của mình và đi chỉ tịnh.

Buổi chiều chúng con được Hòa thượng Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III giảng cho chúng con buổi pháp thoại đầu tiên. Ngài giảng về phương pháp thực tập chánh niệm và sự áp dụng trong đời sống tu tập, nhứt là phải làm xong bổn phận của mình, của người Sa-di. Ngài nhắc đại chúng phải có chí hướng, có đức tin trên của đường của mình đi và Ngài ví dụ câu chuyện về vị Tỳ-kheo rỗng. Vị Tỳ-kheo rỗng chỉ có cái tên mà sự thực hành không có gì cả. Thời pháp của Ngài rất dễ hiểu và đầy ý nghĩa.

Quả thật là con cũng như vị Tỳ-kheo rỗng kia vậy vì phận là Sa-di mà không có trách nhiệm gì với thầy của mình. Ở trú xứ, thầy sai làm gì thì làm, không sai thì cứ trơ trơ như người không bận rộn gì. Thậm chí khi thầy bệnh, con cũng ỷ lại có mấy Sư huynh thị giả lo, nên con không lưu tâm đến thấy. Nghe Hòa thượng giảng, con thấy mình thật thiếu trách nhiệm và có lỗi với thầy khi ở trú xứ chưa làm đúng phận sự của người Sa-di. Con xin cải thiện và sửa đổi từ từ để không làm một Sa-di rỗng không nữa.

Hôm sau, Hòa thượng Tịnh xá Ngọc Đà giảng. Bài giảng của Ngài nhằm mục đích xây dựng nền tảng và rèn luyện sơ tâm cho tự thân, cũng như người đi lính vậy. Ngài nói rằng quân trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu. Cũng vậy, khóa tu cũng như một quân trường cho những người chiến sĩ của Phật đang tập bước đi trên đạo lộ giải thoát.

Ngày 29, Thượng tọa Tịnh xá Ngọc Quy giảng về bài kinh Bẫy Mồi, số 25, trong Kinh Trung bộ. Ngài phân tích bốn đàn nai và bốn hạng Sa-môn.

1. Đàn nai thứ 1 tham đắm các thức ăn nên bị sập bẫy và tiêu mạng.

2. Đàn nai thứ 2 khi thấy đàn nai trước tham ăn bị sập bẫy, chúng tránh xa nhưng thời gian sau cũng mắc bẫy của thợ săn

3. Đàn nai thứ 3 thấy hai đàn nai trước nên tránh xa vào rừng và rồi cũng bị thợ săn rình và sập bẫy.

4. Đàn nai thứ 4 có trí hệ, dù ăn nhưng không để lại dấu vết, thợ săn không hại được.

Cũng thế, có bốn hạng Sa-môn. Hạng sa-môn có trí tuệ dù cũng thọ nhận sự cúng dường nhưng không tham đắm nên mới thoát khỏi vòng tay của ác ma.

Trong thời buổi hiện nay, chúng con thấy chúng con giống như đàn nai thứ hai vì cũng ghê sợ những cạm bẫy của sự mong cầu ham muốn theo phong trào hiện nay nhưng phần nhiều là không đủ nghị lực để tháo gỡ nên dễ bị sa ngã làm mồi cho ác ma.

Ngày 30, Đại đức Giác Tuyên giảng, Ngài chia sẻ với đề tại con đường giác ngộ. Bài giảng của Ngài rất thực tế và dễ hiểu, ngài lấy những bài học trong cuộc sống của ngài chia sẻ phần nhiều rất hợp với tâm lý của lớp trẻ. Thật là lợi ích vô cùng nên con cũng âm thầm tri ân Đại đức.

Ngày 1 tháng 3 al, Đại đức Giác Phổ giảng về bốn hạng xuất gia.

Hạng thứ nhất, thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia.

Hạng thứ hai, tâm xuất gia nhưng thân không xuất gia.

Hạng thứ ba, thân tâm đều xuất gia.

Hạng thứ tư, thân tâm không xuất gia.

Ngài nhắc nhở hãy trở nên người xuất gia thức ba là thân tâm đều phải được xuất gia.

Mùng 2, Hòa thượng Ngọc Quang chỉ dạy.

Chúng ta đừng mơ tưởng những điều cao xa nào hết, cứ lo bổn phận của mình cho xong và phải nhớ đến công ơn của tín chủ cúng dường. Hãy suy xét mình phải làm gì khi ăn bát cơm của tín chủ để không phải mang nợ. Những lời dạy thật đầy đủ và cốt lõi của sự tu tập. Con thành kính tri ân Hòa thượng.

Mùng 3, buổi sáng Sư cô Hiếu Liên giảng về bài kệ Thiền của cố Hòa thượng Trưởng đoàn. Lời cô giảng rất nhẹ nhàng và trầm ấm nên ai nghe cũng dễ hiểu và xúc động. Cuối thời pháp có vị Sư quỳ lên tán thán và tri ân. Sư cô truyền tải cho hội chúng kinh nghiệm cũng như kiến thức trong sự hành đạo của cô và ai cũng rất hoan hỷ.

Buổi chiều, Sư cô Hòa Liên giảng. Thật xin sám hối với Sư cô vì bệnh duyên nên ở dưới chuyền nước không nghe cô giảng và con cũng rất tiếc nuối.

Mùng 4, buổi sáng, Ni trưởng Hiệp Liên giảng bài pháp thoại nhằm mục đích dạy lại cho chúng con nuôi dưỡng tâm Bồ-đề ban đầu của mình và cũng cho chúng con thấy giá trị của sự tu học là quý hơn hết; hãy cố gắng để giữ gìn mạng mạch Phật pháp vì chúng ta đã thọ hưởng gia tài của đức Như Lai. Ni trưởng rất quan tâm đến hàng xuất gia trẻ như chúng con vì còn yếu ớt nên dễ sa ngã, phải thật cố gắng mới được.

Buổi chiều Ni trưởng Cảnh Liên giảng. Ni trưởng kể lại câu chuyện của thái tử vượt rừng sâu để đi tìm vương quốc và người đã thắng được quỷ dạ xoa nên được làm vua. Cũng vậy, muốn chứng Niết-bàn, hành giả phải chiến thắng ngũ dục của ma vương, mới đạt được an lạc trong hiện tại và mai sau.

Con 2 ngày nữa thôi là con về lại trú xứ rồi, trong những ngày qua, con đã được ăn những thức ăn rất bổ dưỡng cho cái tâm sơ cơ của mình, con được nghe pháp, con được đi những bước chân thảnh thơi thong dong, ăn trong chánh niệm mà cũng thể hiện sự hòa hợp của những con người đang bước đi trên con đường tự do. Giờ tụng kinh cũng như giờ thiền tọa, nhứt là giờ sám hối, mọi người ai cũng soi sáng lại cái tâm của mình trong một ngày xem có sơ thất điều gì không, riêng con thấy mình còn nhiều vụng về lắm và tự mình hỗ thẹn với mình nữa.

Sắp hết khóa rồi, con cũng có đôi lời tạm biệt chư huynh đệ. Con không biết chư huynh đệ gặt hái được những điều gì trong khóa tu này, riêng con thấy mình được tưới tẩm rất nhiều cho hạt giống Bồ-đề, ngọn đèn bị tắt cũng được thắp lại. Con nguyện rằng khi về trú xứ con phải tinh tấn hơn nữa, không dễ duôi buông lung như lúc trước. Thưa các huynh đệ, các huynh đệ cũng cố gắng nhé! Hãy chăm sóc lại vườn hoa của mình cho thêm tươi mát và xinh đẹp thêm. Cảm ơn chư huynh đệ.

Lời cuối, con cũng thành tâm tri ân quý Ni sư, cũng như chúng Ni Tịnh xá Ngọc Chơn và chư Phật tử đã lo lắng cho khóa tu được chu đáo và viên mãn. Kính chúc chư vị thêm nhiều thành đạt trong sự tu tập và viên thành quả Phật

Và con cũng thành tâm tri ân chư Tôn đức Giáo phẩm, Giáo thọ đã quan tâm đến hàng hậu học chúng con, tạo điều kiện cho chúng con được sống tu học, nguyện Tam bảo gia hộ cho chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để dẫn dắt chúng con trên bước đường giác ngộ.

Mô phật.

LIÊN KHUYẾN – Tịnh xá Ngọc Ngôn

Nghe vẻ nghe ve

Nay con trình bày

Mười ngày tu học

Chư Tôn đã nhọc

Vượt đoạn đường xa

Chẳng quản tuổi già

Về nơi Tịnh xá

Ngọc Chơn hỷ xả

Ơn đức cao cả

Mà chư Tôn đức

Ra công góp sức

Cho Giáo hội nhà

Hành giả gần xa

Gồm có bảy bốn

Học pháp cao tột

Vào ngày thứ nhất

Hòa thượng Ngọc Sơn

Giảng dạy tánh chơn

Con đây còn nhớ

Giáo pháp người trao

Gồm những lời sau

Tỉnh thức chánh niệm

Pháp Phật nhiệm mầu

Hiện hữu trong ta

Cứ Ta-bà khổ

Nay con rõ chỗ

Sẽ gắng lo tu

Không còn lu bu

Sông mê tình ái

Thoát khỏi trần ai

Ngày 2 được nghe,

Hòa thượng Ngọc Đà

Dạy pháp Hoa Đà

Như là cứu tế

Chúng sanh trần thế

Mắc bệnh ái tình

Hành giả đinh ninh

Phân minh chưa rõ

Giờ thì đã tỏ

Giáo pháp truyền trao

Đạo lộ đã chào

Con đường cứu độ

Con nay đã ngộ

Nguyện mãi về sau

Lo tu tập mãi

Khỏi hại thân mình

Trí tuệ phát sinh

Chiều 2 dành sẵn

Hòa thượng Ngọc Quang

Chỉ rõ mọi đàng

Hành giả rõ ràng

Tri ân lời ngọc

Hòa thường đã lọc

Cho chúng con học

Nhiếp luật nghi giới

Hành giả giữ giới

Huệ trí phát sinh

Để tỏ tâm mình

Liền khai huệ sáng

Con nguyện không ngán

Dù có gian nan

Lòng không sợ hãi

Nay con nguyện mãi

Dù quãng đường dài

Chẳng ngại chông gai

Tu trọn kiếp này

Đền đáp ơn thầy

Lại nữa ngày 3

Thượng tọa ngân nga

Là Ngài Giác Hành

Lời lẽ đành rành

Nói Kinh Trung Bộ

Số hai mươi lăm

Lặng lẽ trầm ngâm

Để nghe lời giảng

Vài điều căn bản

Cốt lõi kinh này

Ý nghĩa đủ đầy

Nghe thật là hay

Hành giả hăng say

Nghe về câu chuyện

Của bốn đàn nai

Đàn nai thứ nhứt

Vì quá tham mồi

Nên sa lưới sập

Của người thợ săn

Phải mất tánh mạng

Đàn hai gặp nạn

Cho rằng mình khôn

Nào tính khôn ngoan

Của người thợ ấy

Đàn nai mắc bẫy

Nên nhảy thẳng vào,

Còn tính đàn bà

Ngã mạn kiêu sa

Nên sanh tà kiến

Thế nên mới khiến

Lạc lối đường đi

Ai sanh lòng nghi

Ở trong Chánh pháp

Hãy dùng kệ pháp

Diệt hết lòng tà

Dứt hết kiêu sa

Đừng như đàn ba

Cũng sa vào lưới

Hành giả tấn tới

Chọn con đường đi

Đúng theo chơn lý

Hành giả nhớ kỹ

Bốn đàn nai trên

Vì muốn nhắc khuyên

Phật đưa dẫn dụ

Bốn bậc Sa-môn

Bậc nhất ngu si

Đắm trong ngũ dục

Suốt đời lục đục

Bậc hai thảnh thơi

Tưởng rằng mình trí

Thường nên du hí

Đi khắp đó đây

Rồi cũng một ngày

Vì do tham cầu

Sống trong ngũ dục

Giờ thì tỏ rồi

Phải nên sáng ngời

Đừng sanh lòng quấy

Những lời nói ấy

Đặng dạy cho ta

Đừng có kiêu sa

Hãy nhìn lại ta

Mà chuyên tinh cần

Giữ giới là phần

Dứt được ngoại ma

Là kẻ xuất gia

Ngày 4 lại đến

Đại đức Giác Tuyên

Giảng dạy nhắc khuyên

Thiên về bổn phận

Của bậc Sa-di

Tư cách đứng đi

Phải nên gìn giữ

Hành giả tích trữ

Những lời người trao

Lòng thấy nôn nao

Không sao hiểu được

Làm sao để vượt

Bản ngã tự thân

Nên thấy phân vân

Vì trong lời giảng

Đó là cơ bản

Nay đã rõ ràng

Lấy đó hành trang

Trên đường tu tập

Ngài lại còn lập

Tôn kính là trên

Đó là tảng nền

Diệt trừ kiêu mạn

Tránh được khổ nạn

Nếu muốn làm hạng

Sa-môn thứ tư

Phải nên công phu

Làm tròn bổn phận

Sa-di, tập sự

Nói gì phải giữ

Của người Sa-di

Ăn mặc nói đi

Oai nghi phải giữ

Mới là Thích tử

Ngày 5 tiếp chỗ

Đại đức Giác Phổ

Giảng nghĩa xuất gia

Sa-di Luật giải

Lại trong Cảnh sách

Xuất gia ba nghĩa

Bước chân ra khỏi

Ngôi nhà thế tục

Rời xa phiền não

Với tham sân si

Sa-di tu đi

Đừng nên lần lữa

Nghĩa ba tiếp nữa

Xuất ra tam thế

Dục giới, Sắc giới

Và Vô sắc giới

Ngày 6 tiếp nữa

Cũng như hồi bữa

Hòa thượng Giác Phương

Giảng dạy tỏ tường

Cho chúng con lường

Con đường đi tới

Để được thảnh thơi

Hàng ngày thúc liễm

Chẳng còn ô nhiễm

Là người Thích tử

Tâm thành gìn giữ

Gắng chí công phu

Loại bỏ âm u

Ngày 7 khóa tu

Giờ Sư cô Hiếu

Nụ cười hàm tiếu

Dạy chúng con hiểu

Bài học về thiền

Ngồi thiền lưng thẳng

Đầu phải không nghiêng

Hít sâu thở nhẹ

Khí ở đan điền

Cô tinh thần thạnh

Sẽ thông kinh mạch

Trí tánh giao hòa

Mới dứt đảo điên

Đi đứng nằm ngồi

Phải trong tĩnh lặng

Thấy nghe ngửi nếm

Thảy đều an nhiên

Toan vun Chánh pháp

Cho lòng thanh thản

Khất thực hóa duyên

Dứt hết não phiền

Đây bài kệ thiền

Của cố Hòa thượng

Là pháp cao thượng

Như Tổ Thầy đã

Để lại bài Ý

Có câu như sau:

Nếu ai thiền định hoài hoài

Ấy là ý mã bị cai trị rồi

Bằng ai giãi đãi buông trôi

Trách sao ý mã chẳng lôi xa đường

Vậy nên hãy rán kềm cương

Giờ giờ phút phút phải thường soi tâm”.

Như cố Hòa thượng

Ngài đã trải nghiệm

Và đã thực hành

Nay con hiểu rành

Dù là Sa-di

Hay là tập sự

Tư cách đứng đi

Phải nên tỉnh giác

Đó là phương pháp

Thanh lọc thân tâm

Vi diệu thậm thâm

Do Ngài đã giảng

Đó là căn bản

Đến bờ giải thoát

Chúng con dứt khoát

Diệt hết sân si

Noi đức từ bi

Của cố Hòa thượng

Buổi chiều biết được

Là Sư cô Hòa

Lời lẽ hiền hòa

Kể nhiều câu chuyện

Hâm nóng tâm nguyện

Của người xuất gia

Tu ở đâu xa

Ngay điều gần nhất

Chuyện chú lừa ngốc

Lưng mang tượng Phật

Mọi người lễ kính

Lòng tự nghĩ rằng

Ta đủ tài năng

Được người kính nể

Nếu ta bỏ đi

Thì chẳng sợ gì

Thế rồi chú thưa

Xin Thầy xuống núi

Xuống được đoạn đường

Thấy có người đông

Đứng trông lễ lạy

Nào ngờ không may

Bị người dẫm đạp

Phải chết bỏ thây

Câu chuyện trên đây

Dụ dẫn cho ta

Phải tự nhìn ra

Đừng như chú lừa

Tự bỏ Thầy Tổ

Để rồi phải khổ

Người con Khất sĩ

Cần nên suy nghĩ

Và phải khắc tâm

Như Bồ-đề tâm

“Tu hành cần lập,

Nguyện quyết tu tập

Nguyện độ chúng sanh”

Nếu chẳng như thế

Tâm chẳng được rộng

Thì sự tu tập

Có đâu bền chắc

Tuy tu nhiều kiếp

Cũng luân hồi thôi

Tu niệm cả đời

Rốt rồi vẫn vậy”

Hãy tự biết mình

Phải có lòng tin

Lo tu tiến tới

Ngày 8 lại tới

Sư trưởng Ngọc Trung

Lời nói khoan dung

Kể về học sĩ

Là con Khất sĩ

Lắng nghe Sư kể

Do nhờ định lực

Tâm nguyện vững bền

Diệt được ngoại ma

Nay đã vượt qua

Khỏi bị luân trầm

Chiều 8 trầm ngâm

Lời giảng Ni trưởng

Tịnh xá Ngọc Túc

Nói về chánh đạo

Hành giả lao xao

Nghe về câu chuyện

Của chàng vương tử

Vượt ngàn dặm đường

Để được tỏ tường

Về một quốc vương

Mà người làm chủ

Nếu như không đủ

Định lực tự tâm

Thì bị luân trầm

Hành giả kềm cương

Giữ ý kiên cường

Phá được ngoại ma

Để khỏi lân la

Sao vào dục lạc

Chúng con ghi tạc

Ngày 9 pháp lạc

Của Ngài giác Pháp

Giảng về bài pháp

Ngũ đức Sa-di

Chúng con hành trì

Phải nên ghi khắc

“Phàm kẻ xuất gia

Ra khỏi tam giới

Tâm khác thế tục

Hủy hình hoại sắc

Mới đúng pháp phục

Của người tu hành

Cắt ái từ thân

Dù bỏ tánh mạng

Cũng tôn sùng đạo

Để cầu đạo quả”

Nếu không làm được

Chẳng khác người đời

Đó là những lời

Của ngài Pháp nhắc

Hành giả cân nhắc

Tự khắc phục mình

Chiều 9 linh đinh

Là giờ Đại đức

Đạo hiệu Giác Nhường

Lời nói khiêm nhường

Vấn an đại chúng

Khuyên đừng phóng túng

Hãy ráng thực hành

Đạo quả sẽ dành

Cho người tinh tấn

Và luôn khuyến tấn

Là Đại đức Đoan

Quản chúng lo toan

Chúng con phóng túng

Mong hết giờ tu

Khánh cứ im ru

Sao mà dậy đặng

Thôi đành yên lặng

Để tiếp tục tu

Ai còn lu bu

Vào trong bể khổ

Ngày 10 tiếp chỗ

Vì chưa được học

Nên con chưa lọc

Những lời pháp hay

Nên dừng lại đây

Cảm niệm ơn Sư

Ni sư trụ trì

Và các chúng Ni

Chăm lo đầy đủ

Đây với ơn Thầy

Mười ngày tu học

Quý Ngài đã nhọc

Con nay thanh lọc

Kính chúc Tôn đức

Luôn luôn đủ sức

Lo Phật đạo thành

Và luôn thực hành

Hạnh độ tha cho

Nhân thế chúc ngài

Trần thế sống lâu

Sắc tốt yên vui

Chúc cho hành giả

Vững bước đường tu

Tinh tấn công phu

Đặng mà giải thoát

Cuối cùng dứt khoát

Chúc cho Phật tử

Dù gần hay xa

Từ trẻ đến già

Mặc là nam tử

Là người Thích tử

Phải luôn gìn giữ

Không làm điều dữ

Mới xứng đáng danh

Người con của Phật

Tỉnh thức lo tu

Cái mà lo tu…

 

LIÊN HUY

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời chứng minh,

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang chứng minh,

Kính bạch quý Hòa thượng, Thượng tọa, và chư Đại đức chứng minh,

Kính bạch Ni trưởng, Ni sư và quý Sư cô chứng minh,

Kính bạch toàn thể hội chúng chứng minh.

Con pháp danh Liên Huy, trú xứ Tịnh Độ Ni Giới

Trong buổi lễ Bế mạc khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh dành cho Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự lần thứ 14 tại Tịnh xá Ngọc Chơn, con có đôi dòng cảm tưởng để nói lòng tri ân đến các bậc Tôn túc và Ban Tổ chức đã tạo điều kiện cho chúng con có được những khóa Sống chung tu học thúc liễm thân tâm, trau dồi đức hạnh. Chúng con có những thời khóa vô cùng bổ ích, những cơn mưa pháp từ các bậc Tôn túc đã tưới tẩm cho chúng con từ những lời dạy của Phật của Tổ, và những kinh nghiệm lâu năm của quý Ngài. Từ đó chúng con có được một nền tảng vững chắc để làm hành trang cho mình trên con đường tu nhân học Phật:

Cơm cha áo mẹ chữ Thầy

Gắng công tu học có ngày thành danh.

Và những buổi khất thực ngọ trai đã làm sống dậy trong con hình ảnh của Tổ đi khất thực hóa duyên, những buổi thiền hành tâm chúng con được lắng xuống và dõi theo những bước chân nhẹ nhàng nhưng đầy vững chắc, những giờ ngồi thiền trong sự trang nghiêm yên lặng nhưng xen vào đó là những cơn đau nhức của đôi chân cứng cỏi chưa được tập luyện với thời gian, dù thế chúng con vẫn không thối chí, luôn hành đúng và đủ theo thời khóa của Ban Tổ chức đã đưa ra.

Và sau khi trở về nơi trú xứ, con không thể nào quên được hình ảnh của Ni sư Lãnh Liên song hành cùng với chiếc y vàng phấp phới tất tả ngược xuôi trăm công nghìn việc trên nhà, dưới bếp cùng với quý Sư cô không quản đêm ngày khó khăn vất vả lo cho chúng con từng bữa ăn giấc ngủ. Thật ân đức đó chúng con không sao nói cho hết được.

Ơn Thầy sánh tựa non cao

Làm sao trả hết ơn Thầy, Thầy ơi.

Trước khi dứt lời con không quên gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến quý Phật tử nam nữ gần xa, kẻ góp công người góp của theo khóa tu xuyên suốt mười ngày. Nhờ công đức đó và lòng bao dung của quý Sư cô nơi đây nên khóa tu 10 ngày của hành giả chúng con được thành công viên mãn. Cuối cùng con xin kính chúc quý Sư cô thân tâm thường lạc, mọi sự kiết tường và kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, phước đức vô lượng vô biên.

Bài thơ:

Bước về Tịnh xá Ngọc Chơn

Vùng quê đất đỏ cao nguyên Buôn hồ

Nơi đây cảnh trí an nhàn

Hoa văn đủ kiểu kỹ càng đắp xây

Bên trong đại chúng xếp hàng

Hành trụ tọa ngọa Niết-bàn chơn tâm

Giáo lý thuyết giảng ân cần

Giúp con hiểu rõ pháp âm nhiệm mầu

Nhưng vì nghiệp chướng đã lâu

Nghe thì con hiểu, chuyện đâu vẫn còn

Nhưng con quyết chí tu hành

Gắng sau đền đáp công ơn Thầy hiền

Cho dù đau nhức liên miên

Từng giờ từng khắc cố kiềm đôi chân

Bao nhiêu nghiệp chướng không chừa

Tương chao chưa thấm nghiệp thừa đuổi theo

Thầy ơi giữ vững tay chèo

Giúp con vượt chốn hiểm nghèo trầm luân

Thầy ơi không biết gì hơn

Con thành kính nhớ công ơn của Thầy

Thấm vào pháp thể nơi đây

Cả thảy đại chúng thơm lây pháp Thầy

Chơn tu đức hạnh đủ đầy

Cho con học mãi từ rày về sau

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

 

LIÊN TRỤ

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đứcTăng chứng minh

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô chứng minh

Kính bạch thiền đường đại chúng chứng minh

Con Sa-di Liên Trụ, trú xứ Tịnh xá Ngọc Hiệp, hôm nay có đôi dòng cảm niệm tri ân.

Mô Phật, kính bạch quý Ngài,

Những ngày tổ chức khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh vừa qua là ánh sáng chân lý, con đường Phật đạo cần hướng đến cho chúng con có niềm itn, có lối thoát giữa cuộc đời, cho chúng con biết thế nào là hạnh phúc thật sự và chỉ có Giới Định Tuệ mới đưa con người đến đích an vui tuyệt đối. Với lòng từ bi bao dung, độ lượng và lối sống gương mẫu, quý Ngài, quý Sư cô và quý Phật tử ở nơi đây đã tận tình lo cho chúng con từng bữa cơm ngon canh ngọt, mong sao chúng con có sức khỏe, vững trí tu học. Quý Ngài dạy cho chúng con biết sống nhu thuận, biết thương yêu giúp đỡ mọi người, chúng con nhận được sự gần gũi, bao dung từ ánh mắt nụ cười của quý Ngài.

Nhớ khi xưa, Đức Phật, vị cha già hiền từ khả kính đã trải qua bao gian lao nguy hiểm mới tìm ra con đường chân lý để hôm nay chúng con bước đi với niềm tin vững chắc. Nhớ khi xưa, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã phải vượt qua bao khó khăn trở ngại cho chúng con hôm nay có cả kho tàng Chơn lý vô giá để tu học. Chúng con cảm thấy mình may mắn biết bao khi được trở thành một người con Khất sĩ, sống và tu học trong điều kiện môi trường thật tốt nơi mái ấm Ngọc Chơn. Và quý Ngài sẽ là người lái đò đầy tình thương và nhiệt huyết đưa chúng con qua biển khổ trầm luân.

Dẫu đông dài, hạ nắng, nắng gắt hay mưa giông, những người chèo thuyền vẫn mải miết sang sông, ngọn đèn chân lý vẫn còn thắp sáng đó cho dòng tâm thức đang vận hành. Ân đức to lớn ấy chúng con biết bày tỏ sao cho hết, biết nói sao cho tận, bởi thứ ngôn từ hạn hẹp của thế gian không thể nào diễn tả được:

Đò tri thức tháng ngày đưa rước khách

Người sang sông muôn kiếp mãi tri ân

Ngày ngày bài giảng trên thiền đường là hành trang để chúng con bước vào đời sống tu tập. Ngoài những giờ tụng kinh, nghe pháp, tọa thiền, thiền hành, chúng con còn được học những điều rất đời thường mà vô cùng sâu sắc. Quý Ngài dạy chúng con phải biết tự để ý mình trong từng cử chỉ, oai nghi, biết tôn trọng những điều rất đỗi bình dị mà vô giá, bởi oai nghi cũng có thể làm mình hối tiếc muộn màng khi hời hợt và vô tâm đã làm xa khoảng cách của những con người.

Thuở ấy, chúng con nào biết cuộc đời là những vòng quay, những khúc gấp, những thác ghềnh mà chúng cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chúng con nghĩ rằng một khi đã xuất gia theo dấu chân Phật, bản thân sẽ được an lạc, mọi điều đến với chúng con đều tốt đẹp. Nhưng quý Ngài đã phá đi suy nghĩ sai lầm ấy của chúng con. Quý Ngài dạy rằng đừng mơ tưởng cuộc đời là những đường thẳng, nếu cuộc đời không có những khúc ngoặc, hiển nhiên nó đã trở nên vô nghĩa đi rất nhiều rồi. Quý Ngài dạy chúng con phải biết ngẩng cao đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn những chông gai. Quý Ngài chính là những ngọn hải đăng soi sáng bất diệt, chỉ đường dẫn lối cho chúng con đi.

Thầy là muôn vạn vì sao

Thầy là ngọn đuốc soi đường con đi.

Quý Ngài là cha lành yêu thương lo lắng chúng con, những đứa con ngây thơ vụng dại, quý Sư cô là mẹ hiền đùm bọc và che chở chúng con, những đứa con bướng bỉnh ham chơi.

Rất đỗi thân thương rất thật thà

Tình thầy như nước mặn phù sa

Nuôi con khôn lớn không bằng sữa

Bằng cả tấm lòng của mẹ cha.

Quý Ngài luôn tận tụy chăm lo cho đàn hậu học, nuôi dưỡng những mầm xanh của Phật giáo, những ân tình to lớn ấy, sống-sống còn chưa trọn, nói-nói làm sao hết.

Đã bao năm qua chúng con mải mê vùi trong sự mê muội nơi thế giới ngũ dục đoạn trường, chúng con như những gã cùng tử có ngọc quý giá trong tay áo mà không thấy, cứ mãi vùi chôn trong nhà lửa, trôi mãi trong sanh tử luân hồi bao đời kiếp. Nhưng nay Phật tánh trong chúng con đã được đánh thức như cầu vòng xuất hiện sau cơn mưa nhờ những bài thuyết giảng của quý Ngài về giáo lý nhiệm mầu của nhà Phật. Chúng con đã hiểu được bản chất của cuộc đời, biết được thân xác này là tạm bợ, vật chất là phù du, có quý Ngài làm điểm tựa che chở, làm nơi chúng con gột rửa phiền não tham sân si, những kiến chấp ở trong lòng. Từ bỏ những thứ mà chúng con thường mê muội nhầm tưởng là mật ngọt của cuộc đời. Chúng con đã cảm nhận một cõi Cực lạc trong tâm hồn mà chính quý Ngài là người khai mở cánh cửa đó cho chúng con bước vào.

Đêm tối của sương mù làm thân người se lạnh, nhưng lòng chúng con vô cùng ấm áp được sưởi ấm bởi tình thương không bao giờ tàn, bởi ánh sáng dịu dàng sáng soi cho chúng con trên con đường tu học cùng với nụ cười an lạc, lòng đức độ của quý Ngài, tình thương của quý Sư cô mà chúng con cảm nhận được, đã vượt qua cả biên giới giọt sữa của cha mẹ.

Giờ đây chúng con đã bước lên thuyền đi về miền giải thoát, nhận được giáo lý nhiệm mầu, xua tan đi cái giá lạnh của đêm tối vô minh mà chính quý Ngài là người chèo lái hướng chúng con đến bến bờ nhà Phật. Chúng con cầu nguyện ơn trên Tam bảo gia hộ cho quý Ngài được nhiều sức khỏe, tứ đại điều hòa và mãi mãi là bậc Thầy trong Chánh pháp che chở cho chúng con. Chúng con xin thọ nhận hết những gì được học làm hành trang để vượt qua mọi thử thách, nguyện nỗ lực hành trì theo lời Phật dạy, tinh tấn tu học, tuân thủ thời khắc, thường xuyên chăm bón hạt giống trí tuệ, ngày càng tăng trưởng để có thể trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, không phụ lòng mong mỏi của quý Ngài.

Chúng con vẫn biết rằng:

Ân Thầy Tổ non cao biển cả

Là vầng trăng sáng tỏ thái dương

Là bản thể hư không tràn trề

Dìu dắt con ra khỏi rừng mê

Lời chân lý hùng hồn cảnh tỉnh

Như con thuyền đưa người vượt mê

Ngộ ánh sáng con đường Phật pháp

Ngài đến đi qua lại bao lần

Từ hồng trần chuyển sang bậc Thánh

Đem giáo lý đưa vào lòng người

Với lòng từ chẳng quản gian nan

Núi cao sông rộng vượt ngàn thác

Thương con khổ dìu dắt con dại

Giúp đời tín ngưỡng lòng không ngại

Công đức Ngài vô lượng vô biên

Chúng con tự vâng lời ghi nhớ

Ấn son mầu khắc bản đề tên

Giáo pháp y bát Khất sĩ chơn truyền

Xin Giáo hội đùm bọc ơn trên

Cho con khờ nương chân đúng chỗ

Đời không đạo nên đời loạn khổ

Đạo ở đời đúng chỗ an vui

Chim khôn cùng chung tổ chung cành

Túc duyên lành phước ban mưa xuống

Ngài còn đó vang lời giáo huấn

Đạo nguyên đức, quả giác trưởng thành

Đạo Bồ-đề quả chứng Vô sanh

Đạo minh tâm giải bày kiến tánh

Đạo soi đường không còn đau khổ

Thầy thương trò chẳng quản gian nan

Từ trần đến bậc ngộ giải thoát

Trời cao đất rộng sao bì kịp

Với đức Ngài ánh sáng muôn nơi

Đây Chơn lý để lại Ta-bà

Bất thối thuyền Bát-nhã khai hoa

Nam-mô Phật, bậc Thầy ngộ Chơn lý.

 

LIÊN KHUYẾN (bài 1)

Mười ngày tu học nơi đây

Mười ngày chung một tình thương đong đầy

Mười ngày gắng học theo Thầy

Mười ngày tu học vang đầy trí bi

Mười ngày tu học qua đi

Mười ngày đọng lại những gì trong ta

Mười ngày tu học đã qua

Mười ngày rèn luyện oai nghi hằng ngày

Mười ngày tu học an nhàn.

 

LIÊN KHUYẾN (bài 2)

Tây nguyên đẹp nhất buổi chiều

Ngọc Chơn đẹp nhất có nhiều người tu

Mọi người ai nấy im ru

Hằng ngày tinh tấn, chuyên tu tham thiền

Dung hòa nếp sống tự nhiên

Đặng mau giải thoát về miền Tây phương

Từ bi trí huệ thanh lương

Làm cho sanh chúng an khương đời đời

Rạng danh Khất sĩ nơi nơi

Ngồi đây con viết những lời tình thâm

Chúc cho đại chúng thân tâm,

An vui, tự tại, thoát ngoài trầm luân.