Tổng hợp các bài cảm tưởng khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 4 - nhóm 3

1. Tập sự Giác Đăng Nghĩa (Tịnh xá Ngọc Liên, Bạc Liêu Giáo đoàn I)

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời,

Kính bạch Hòa thượng viện chủ Pháp viện Minh Đăng Quang,

Kính bạch chư Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng chứng minh,

Kính bạch đại chúng,

Nằm trong kế hoạch đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ để kế thừa và phát huy truyền thống đạo Phật Khất sĩ của Hệ phái Khất sĩ, quý Hòa thượng và Ban Tổ chức đã thường xuyên tổ chức các khóa tu, trong đó có khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" dành cho Sa-di, Thức-xoa, Sa-di-ni và Tập sự. Bản thân con may mắn được tham dự khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" tổ chức vào sáng ngày 28/6/2018 (nhằm ngày 13/3/Mậu Tuất) tại Pháp viện Minh Đăng Quang – số 505 – Xa lộ Hà Nội – Quận 2 – TP. Hồ Chí Minh.

Kính bạch chư Tôn đức,

Dòng thời gian thấm thoát trôi, mới đó mà 9 ngày đã trôi qua thật nhanh. Chúng con đã được học rất nhiều về pháp tu trong oai nghi tế hạnh - đi, đứng, nằm, ngồi, được học về lịch sử của Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập và lịch sử về quý đức Thầy, Trưởng các Giáo đoàn v.v... Những lời pháp nhủ của quý Ngài là hành trang cho chúng con trên bước đường tìm cầu giải thoát.

Trong 9 ngày qua, quý Ngài đã truyền dạy cho chúng con rất nhiều về oai nghi tế hạnh, kinh luật, cụ thể qua các bài giảng:

Đầu tiên là TT. Minh Thành giảng dạy cho chúng con bài: "Bước chân đi trên con đường sáng". Bài giảng đã giúp cho chúng con hiểu được hành trình của một người tu phải trải qua các giai đoạn từ cư sĩ đến xuất gia, rồi được thọ giới làm Sa-di, sau 3 đến 4 năm Sa-di thọ giới làm Tỳ-kheo. Mỗi giai đoạn có sự thử thách khác nhau, có những khó khăn khác nhau nhưng để thành công, để tồn tại trong ngôi nhà đạo, chúng con phải có ý chí, phải chịu khó, chịu đựng, phải biết cách tu, cách sống, thích nghi trong từng hoàn cảnh để vượt qua.

Qua bài giảng trên, Thượng tọa đã khuyến khích, sách tấn chúng con rất nhiều, cụ thể qua những ý sau:

- Vị nào liên tục cố gắng, vị ấy sẽ tỏa sáng.

- Vị nào giữ được chất tu, vị ấy sẽ là vị đạo sư.

- Vị nào biết yêu thương đồng đạo, vị ấy sẽ sống an vui hạnh phúc.

- Vị nào tích cực làm lợi lạc cho tha nhân, vị ấy càng ngày càng cao về nhiều phương diện.

- Trong kinh Nhật tụng cũng nêu rõ:

"Càng buông bỏ dưới chân này

Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao".

Kế đến là Hòa thượng Viện chủ đạo hiệu Giác Toàn – Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang – Trưởng ban Tổ chức khóa tu đã viếng thăm và có lời khuyến tấn chúng con qua chủ đề: "Những điểm căn bản trong giáo pháp Khất sĩ".

Thông qua những bài kinh Phật, Chơn Lý của Tổ sư hay những bài kệ hoặc lời dạy của các đức Thầy, Hòa thượng ân cần giảng giải cho chúng con cụ thể, rõ ràng nền tảng giáo lý căn bản Giới Định Tuệ, tu ngay thân khẩu ý.

Sáu căn phải phòng hộ và phương cách sống chung tu học, cùng tu sao cho xứng đáng là người xuất gia phạm hạnh:

"Nên tập sống chung tu học.

Cái sống là cái sống chung.

Cái biết là phải học chung.

Cái linh là phải tu chung".

Sống chung tu học là sống trong tinh thần Tam tụ Lục hòa, nhằm nung đúc, rèn luyện tăng trưởng tham vấn tu học, nhắc nhở nhau học hỏi điều lành, diệt trừ điều ác. Giáo lý sống chung tu học được xem là nguyên lý không thể tách rời đời sống phạm hạnh của một vị xuất gia. Có "sống chung tu học", Tăng đoàn mới vững mạnh, các giá trị đạo đức tâm linh của cá nhân và tập thể mới được nâng cao.

Câu thơ sau đã chứng minh điều đó:

"Mỗi người, mỗi nước, mỗi non

Bước vào cửa đạo như con một nhà".

Quý Đại đức trong Ban Quản chúng dìu dắt truyền dạy chúng con, quý Ngài chia sẻ những kinh nghiệm tu học lúc còn là Sa-di, Tập sự.

Đại đức Giác Hoàng – Trưởng ban Quản chúng với nụ cười hoan hỷ luôn nở trên môi nhưng rất nghiêm khắc. Giọng nói hùng hồn, giọng tụng kinh ngân nga trầm bổng, sáng tối Ngài dạy chúng con phải luôn giữ gìn oai nghi, giúp chúng con hiểu rõ ý nghĩa của Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự, Ngài còn dạy cho chúng con biết bổn phận của một Sa-di, Tập sự khi nhập chúng tu học cần có đức tính và phẩm hạnh gì, Ngài luôn nhắc nhở đại chúng phải có chánh niệm tỉnh giác trong đi, đứng, nằm, ngồi cũng như trong khi ăn. Ngài dạy: "Giờ độ ngọ cũng là một pháp môn tu để kiểm soát cái tâm đừng để cho tham vọng khởi lên. Khi ăn phải ăn hòa chúng để ôn lại truyền thống Khất sĩ”. Bản thân con thấy rằng việc ăn hòa chúng là một hình ảnh rất đẹp: "Muôn người hòa hiệp như in một người".

Giờ tụng kinh, ngồi thiền, Đại đức là người luôn mở đường lối, là ngọn đèn sáng dẫn dắt chúng con từ cách ngồi, cách quán Tứ niệm xứ, theo dõi hơi thở, có chánh niệm tỉnh giác v.v...

Như chúng ta đã biết là tất cả các pháp đều là vô thường, nên hơi thở cũng vậy:

"Hơi thở này đây ra khỏi miệng,

Biết còn trở lại hay đi luôn".

Và bài thơ soi gương sau đây cũng đã cho chúng ta thấy rõ hơn về vô thường:

"Soi gương thấy mặt mình xinh đẹp

Dậy cả hồn xuân mắt dịu hiền

Sáng, trưa, chiều, tối gương làm bạn

Ta ngỡ cõi đời hóa cõi tiên

Dòng thời gian bỗng dưng khúc khuỷu

Vô thường đâu vị nể hồng nhan

Soi gương không gặp mùa xuân nữa

Chỉ thấy hằn sâu nỗi bất an

Rồi một hôm bỗng vâng lời Sư dạy

Quán chiếu vô minh tận đáy lòng

Gương tâm hiển lộ xuân bất diệt

Từ ấy thanh bình giữa sắc không".

Mặc dù công việc Phật sự đa đoan, nhưng Ngài vẫn luôn dành hết thời gian cho chúng con. Sự mệt mỏi đã thể hiện trên thân thể vì không được nghỉ ngơi, nhưng Ngài không bao giờ vắng mặt trong các thời khóa trừ khi có Phật sự. Chúng con xin tri ân Ngài, nguyện cầu Tam Bảo thùy từ gia hộ cho Ngài nhiều sức khỏe để phụng sự cho đạo pháp, cho Giáo hội và dẫn dắt chúng con tu học.

Đại đức Minh Phú chia sẻ những ứng dụng trong Luật Tỳ-ni, cụ thể là ứng dụng 37 câu chú nguyện trong Luật Nghi Khất Sĩ của Tổ sư để áp dụng trong đời sống tu học hàng ngày của chúng con.

Đại đức Minh Viên chia sẻ cho chúng con về cách ứng xử trong nhà đạo. Đối với Thầy, Tổ, Sư phụ, cách ứng xử thể hiện hàng ngày qua những oai nghi như Sa-di thờ Thầy, theo Thầy ra đi, vào chúng, lạy kỉnh, nghe pháp học kinh v.v... Có thể thấy ân đức của Thầy Tổ rất cao thâm mà chúng con không bao giờ đền đáp được:

"Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền".

Đối với huynh đệ đồng tu phải tôn trọng, bảo vệ và giúp đỡ cùng dìu dắt nhau tu sửa thân tâm, buông bỏ chấp ngã, diệt trừ cái ta ích kỷ, nhỏ hẹp, huynh đệ phải đối xử tốt với nhau và nhỏ nhẹ với nhau, đừng làm buồn hay làm tổn hại lẫn nhau:

"Lời nói không là dao,

Sao cắt lòng đau nhói.

Lời nói không là khói,

Sao mắt thấy cay cay.

Lời nói không là mây,

Sao đưa ta xa mãi,

Sao ta không dừng lạ,

Nói với nhau nhẹ nhàng".

Hay:

"Đời tu sĩ chỉ đẹp khi lòng ta cởi mở,

Biết khoan dung và khắc phục chính mình,

Trải lòng TỪ đến tất cả nhân sinh,

Để từ đó vườn hoa tâm hé mở".

Đại đức Minh Khải chia sẻ về "Lý tưởng xuất gia" cho chúng con. Để hoàn thành tốt lý tưởng đó, Đại đức dạy chúng con phải luôn luôn quán sát những oai nghi tế hạnh trong đời sống tu học hàng ngày ngang qua Môn oai nghi, Thập lục hạnh trong Luật Nghi Khất Sĩ của Tổ sư. Đại đức đã dẫn dụ cho chúng con hiểu câu chuyện về bà Vi-sa-kha, con gái một vị Trưởng giả trong thời kỳ đức Phật còn tại thế.

Ôi, thật hạnh phúc biết bao khi chúng con được tắm mình trong dòng sữa pháp ngọt ngào của quý Ngài, chúng con luôn ghi nhớ lời dạy của quý Ngài rằng: "Từ một khúc cây mà muốn trở thành một bức tượng Phật đẹp để chúng sanh tôn sùng, lễ bái thì phải chịu sự đục đẽo, mài giũa của những nghệ nhân điêu khắc tinh luyện. Cũng vậy, chúng con muốn trở thành những người hoàn thiện, đức hạnh thanh cao thì ngay bây giờ chúng con phải nhẫn chịu, chịu đựng sự mài giũa, phong ba bão tố của cuộc đời và phải có ý chí và niềm tin mới thành công được”. Như trong kinh Pháp Cú có dạy rằng:

"Chớ chê khinh điều thiện

Cho rằng chưa đến mình

Như nước nhỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn".

Kính bạch chư Tôn đức!

Trong các giờ học, giờ trùng tụng Chơn lý là thời gian mà con cảm thấy tâm mình rất hoan hỷ. Con được nghe các vị hành giả trùng tuyên lời dạy của Tổ sư với lòng khâm phục không nói nên lời. Bởi vì đâu phải chỉ tuổi trẻ mới thuộc lòng giỏi đâu mà những vị lớn tuổi cũng có một trí nhớ thuộc lòng rất siêu đẳng, đặc biệt là những Sư cô lớn tuổi. Con xin tự hứa với lòng mình phải cố gắng tu học thật tốt để có thêm trí định huệ mà học, in sâu vào tâm trí những lời dạy của Tổ sư, tinh tấn tu hành trở thành một người Khất sĩ đúng nghĩa.

Mỗi tối, sau một ngày tu học chúng con còn được sám hối trước chư Tôn đức về oai nghi tế hạnh, những tội lỗi vô tình hay cố ý mà chúng con đã phạm phải, những lỗi dù lớn hay nhỏ v.v... tất cả đều được chư Tôn đức xá tội và chỉ dạy cho chúng con. Có như vậy chúng con cảm nhận được cái tính tàm quý và lòng từ bi.

Cuối cùng chúng con xin thành kính tri ân quý Hòa thượng, quý Đại đức, quý Ni sư, Sư cô trong Ban Quản chúng đã tạo điều kiện cho chúng con học tập, nhắc nhở dạy bảo chúng con rất nhiều, giúp cho chúng con luôn giữ mình trong sự chánh niệm trang nghiêm.

Chúng con xin nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, đạo quả chóng viên thành để dìu dắt chúng con trên bước đường tu học.

Và chúng con cũng không quên tri ân đến quý Phật tử trong Ban Ngoại hộ, quý vị đã tạm gác lại công việc gia đình của mình, không quản ngại đường sá xa xôi, thức đêm thức hôm, mưa nắng sương gió để đến nhà bếp làm công quả, chăm sóc sức khỏe cho chúng con trong từng bữa cơm từng ly nước uống trong giờ giải lao. Chúng con xin nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho quý vị đạt được 5 điều lợi ích là: Sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và có trí tuệ, đắc lực hộ trì Phật pháp ngày càng hưng thịnh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

2. Sa-di Giác Minh Nhã

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Đại đức chứng minh!

Chín ngày khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" dành cho Sa-di, Tập sự diễn ra tại đạo tràng "Pháp viện Minh Đăng Quang" cũng đã đến ngày viên mãn với sự ưu tư của các hàng Trưởng lão Hòa thượng cho thế hệ tre tàn măng mọc, cũng như Phật pháp cho mai sau.

Kính bạch chư Tôn Đại đức chứng minh!

Chúng con là hàng hậu học, giới hạnh, phẩm chất chưa được trang nghiêm. Được sự chỉ dạy của Thầy Bổn sư cho phép tham gia khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" dành cho Sa-di, Tập sự nhằm hun đúc trau tâm. Đạo pháp mà hưng thịnh là nhờ Tăng Ni giữ gìn oai nghi đạo đức. Vì vậy, muốn trở thành một vị Sa-di, một vị Khất sĩ phải có phẩm chất siêu phương thoát tục. Bởi vì một vị Khất sĩ đại diện cho Phật bảo. Chúng con hoan hỷ, được và đang ở trong môi trường, do các Ngài đưa ra, nội quy để học, tập làm theo.

Vì đạo pháp, các Ngài đặc biệt quan tâm cho hàng sơ cơ chúng con, giúp chúng con thúc liễm thân tâm, trở về chánh niệm, giúp chúng con nhận định được tầm quan trọng của một người xuất gia mới bước vào đạo. Các Ngài vạch ra con đường, định hướng cho chúng con theo đó mà đi, để khỏi lầm đường lạc lối vào những cạm bẫy đường mật của thế gian. Các Ngài vì tương lai, vì thế hệ Tăng trẻ và cũng vì tông phong Phật pháp.

Nhưng kính bạch chư Tôn Đại đức chứng minh! Là hàng sơ cơ ít nhiều gì trong đời sống tu học, chúng con không sao tránh khỏi vui, buồn, mừng, giận, lúc thì tha thiết cầu học, cầu tu, lúc thì vọng tâm phóng túng chưa thuần thục nơi thân tâm. May thay! Các Ngài đã tạo điều kiện mở ra khóa tu, nhằm đào tạo nung đúc, dạy pháp hành oai nghi thật kỹ vào sự sinh hoạt tu tập trong khóa. Được gặp bạn học đồng tu, có cơ hội sống chung tu học, cũng nhờ vậy mới thấy được điều hay hoặc những điểm khiếm khuyết của huynh đệ. Đây là những bài học đáng quý để trau tâm dồi trí cho tự thân.

Chư Trưởng lão Hòa thượng lao tâm nhọc trí tạo điều kiện cũng như chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng thân hành giảng dạy trong các thời khóa diễn ra. Thật lòng mà nói, chúng con khổ một, còn chư Tôn Đại đức khổ đến mười. Thời khóa mãn giờ, các hành giả còn được nghỉ ngơi, còn chư Tôn Đại đức còn lo lắng công việc, lên lịch trình tu tập cho chúng con. Với sự thương tưởng, các Ngài không ngại khổ nhọc, đường xa, sắp xếp mọi công việc ở bổn tự về đây chia sẻ cùng chúng con. Với sự hy sinh đó, chúng con đã nhận định đường lối tu tập. Qua các bài giảng và sự hành trì thì không ngoài 4 từ: "Oai nghi, giới hạnh". Dạy cho chúng con phải chú trọng vào tứ oai nghi, áp dụng vào công việc hàng ngày cũng như đi đến chánh niệm và tỉnh giác.

Để đền đáp công ơn dạy dỗ, truyền trao, cũng như sự ưu tư, lo lắng cho Phật pháp sau này, cho thế hệ tre tàn măng mọc, chúng con xin vâng theo lời dạy của các Ngài. Xin y giáo phụng hành! Mặc dù chưa làm tốt như sự mong muốn của các Ngài, nhưng xin các Ngài hoan hỷ, chúng con xin lấy sự tinh tấn, cố gắng nỗ lực cầu tiến để dâng lên cúng dường quý Ngài. Tuy đó không lớn lao gì, nhưng đầy sự cung kính từ tận tâm trí của chúng con, chỉ mong các Ngài vui hơn để đổi lại sự lao tâm khổ trí của quý Ngài. Con xin thành kính đảnh lễ quý Ngài.

Hậu học giới hạnh chưa nghiêm,

Cầu mong dạy dỗ tinh chuyên tu hành.

Hôm nay hội đủ duyên lành,

Chư Tôn Hòa thượng ban hành pháp âm.

Tiếp nhận giáo pháp thậm thâm,

Đưa vào đời sống tận tâm tu hành.

Chúng con y giáo phụng hành!

Cuối lời chúng con kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, mãi là cây đại thọ làm bóng mát che chở cho chúng con trong ngôi nhà tâm linh. Xin tri ân đến Ban Tổ chức cũng như nam nữ Phật tử đã hộ pháp tạo điều kiện cho chúng con tu học.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

3. Sa-di-ni Liên Chơn (Tịnh xá Ngọc Tánh, Biên Hòa, Đồng Nai - Giáo đoàn IV)

CON PHẢI HỌC

Kính bạch chư Tôn đức Tăng

Kính bạch chư Tôn đức Ni

Con là Sa-di-ni, nhưng nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Lúc mới xuất gia, bước chân vào đường tu học, con cứ nghĩ già rồi, không cần phải đi học. Bây giờ con mới biết đã sai. Nếu chỉ quanh quẩn nơi Tịnh xá trú xứ làm công quả, tụng kinh thì con hiểu chưa đúng thế nào là một người tu học theo đạo Phật Khất sĩ". Nhờ dự những khóa tu Ttruyền thống Ni giới Giáo đoàn IV và lần đầu học tu theo khoá Bồi dưỡng đạo hạnh tại Pháp viện này, con mới hiểu biết chút ít về Chơn Lý của Tổ, về ba pháp học Giới Định Tuệ. Sự hiểu biết của con còn rất hạn hẹp cũng như phép tu trong oai nghi tế hạnh của một Sa-di-ni con hành chưa đúng, trong công việc còn thất niệm. Dưới sự truyền đạt và hướng dẫn của chư Tôn đức Tăng và chư Tôn đức Ni, sự hiểu biết của con được mở rộng thêm.

Con nguyện với lòng, ngày nào vô thường chưa đến, ngày đó vẫn phải học, học để hiểu, để biết, để hành cho đúng con đường mà mình đã chọn và đang đi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

4. Thức-xoa Liên Hiền (Tịnh xá Ngọc Ninh – Ninh Thuận)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mới đó mà khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần thứ IV dành cho Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự được tổ chức tại Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang cũng hoàn mãn. Trước khi rời khỏi nơi Tổ đình để về nơi trú xứ, con thành kính dâng lên lời cảm niệm. Ngưỡng mong chư Tôn đức và đại chúng chứng minh.

Chúng con kính nghe:

"Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa Tôn sư muôn kiếp khó đáp đền".

Trước tiên chúng con thành tâm đảnh lễ chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái đã thành lập khóa tu, tạo điều kiện cho chúng con nương mình tu học.

Nhìn lại mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc và của Phật giáo, có thể nói bóng y vàng Khất sĩ đã trở thành một tế bào thiêng liêng của con người Việt Nam.

"Hôm nay mình được vẻ vang,

Nhờ ơn Thầy Tổ gian nan buổi đầu.

Như hướng dương theo mặt trời,

Một người đi cả vạn người theo chân".

Và:

"Sông núi đượm màu bóng chư Tăng

Bát đất, huỳnh y đẹp muôn phần".

Kính bạch chư Tôn đức!

Thật vậy, cha mẹ đã cho con hình hài này nhưng nếu không có sự giáo dưỡng của Thầy Tổ cũng như chư Tôn đức thì một mai khi hình hài này mất đi, tâm thức con sẽ chìm vào dòng sanh tử luân hồi, chịu đủ sự khốn khổ của cuộc đời.

Chúng con có đầy đủ túc duyên đời trước nên được làm người, có đầy đủ sáu căn và được xuất gia trong giáo pháp của đức Thế Tôn, lại được tu học theo tông chỉ: "Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam" của đức Tổ sư. Tuy nhiên, do vì tập khí nhiều đời cùng với những điều kiện bên ngoài tác động nên chúng con rất khó trở nên hoàn thiện đức hạnh của một người Khất sĩ.

Kính bạch chư Tôn đức!

Đây là lần đầu tiên con tham gia khóa tu nên mọi sinh hoạt cũng như các thời khóa làm cho con rất bỡ ngỡ. Đôi lúc con cảm nhận những cảm thọ đau nhức mỏi trong thân khi thực tập các thời khóa liên tục, bất giác trong con sinh lên những cảm giác giải đãi. Tuy nhiên, những cảm giác ấy con đã dừng lại được khi con nghĩ đến quý Ngài, đã bỏ thời gian và công sức để mở ra những khóa tu như vậy, tạo điều kiện cho những hành giả trẻ chúng con tu học và dồi trau đạo hạnh... Nghĩ đến đó, con đã gạt qua hết những cảm giác khó chịu, nhức mỏi. Thêm nữa, động lực để con có thể vượt qua khó khăn đó là hình ảnh quý Ngài với tấm y vàng, với những bước đi an lạc, cùng những sự quan tâm cũng như những nụ cười, an ủi, khích lệ, sách tấn chúng con khi chúng con có bệnh duyên hay phiền não... Đôi khi những giọt nước mắt lăn dài trên má, cái cảm giác ấy con không tự giải thích được, con chỉ biết khi ấy trong con cảm thấy rất hạnh phúc, mọi phiền não được xua tan và thấy được sự hỷ lạc trong tâm. Con tự nguyện với lòng sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với công lao của quý Ngài dành cho hàng hậu học chúng con. Đối với công ơn của quý Ngài, chúng con không biết lấy gì để trả hết ngoài việc tinh tấn tu học, dồi trau đạo hạnh.

Nhờ được tham dự khóa tu, được gần gũi quý Ngài, chúng con như tìm đươc về với cội nguồn huyết thống tâm linh của mình, cùng với công hạnh của một người Khất sĩ. Trong suốt khóa tu, nhìn giới hạnh trang nghiêm của quý Ngài, con cảm thấy quý Ngài là sự tiếp nối trọn vẹn suối nguồn diệu giác từ Tổ Thầy. Từ đó chúng con tăng trưởng thêm niềm tin vào mạng mạch của tông môn Khất sĩ.

Qua các thời khóa, quý Ngài giúp chúng con kiểm soát được thân tâm, làm cho chúng con trở về sự tỉnh giác mà bấy lâu nay chúng con đã để cho nó chìm đắm nơi biển nghiệp lao xao. Trong tất cả các thời khóa, con thấy thời sám hối đối với con có ý nghĩa nhất. Nó soi sáng cho chúng con được thanh tịnh hơn qua bài học từ những lỗi lầm dù rằng nhỏ nhất. Từ những lỗi nhỏ ấy, chúng con được quý Ngài dạy bảo sách tấn thêm để chúng con được an lạc hơn, thanh tịnh hơn.

Trong khóa tu, các huynh đệ thuộc các Giáo đoàn cũng trở về dưới mái đạo tràng Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang để cùng tu học. Những phương pháp hành trì truyền thống của Hệ phái, giúp chúng con thể hiện đúng tinh thần sống chung tu học. Và từ đây tình huynh đệ trong chúng con ngày một gắn kết thêm.

Dòng thời gian cứ mãi cuốn trôi đúng như định luật vô thường trong giáo lý nhà Phật. Mỗi huynh đệ của chúng con sẽ trở về trú xứ nhưng sâu thẳm trong tâm mỗi chúng con sẽ vẫn còn lan tỏa mãi hương vị tu tập của khóa tu tại Tổ đình Pháp viện. Gương đức hạnh của quý Ngài cùng quý Sư cô trong Ban Quản chúng sẽ mãi soi đường cho chúng con trên mọi nẻo đường tu học.

Kính bạch chư Tôn đức!

Ân đức của quý Ngài không thể dùng lời lẽ hay bút giấy để có thể nói hết được. Chúng con chỉ biết thành kính cầu nguyện hồng ân Tam Bảo, đức Tổ sư và Giác linh chư đức Thầy gia hộ chư Tôn đức pháp thể khinh an, đạo nghiệp viên thành, mãi là tàng cây đại thọ che mát cho chúng con trên lộ trình giác ngộ giải thoát.

Và chúng con không quên công ơn của các cấp chính quyền, xin tri ân quý vị đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho khóa tu diễn ra được tốt về mặt an ninh... Và chúng con cũng thành kính tri ân và cảm niệm công đức của chư thiện nam tín nữ Phật tử gần xa và đặc biệt là quý Phật tử phát tâm công quả nấu nướng, cung cấp tứ sự và hộ trì suốt khóa tu. Xin nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả chư vị thân tâm an lạc, gia đình hạnh phúc.

5. Liên Hạo (Tịnh xá Ngọc Kỳ - Ninh Thuận)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Đại đức trong Ban Quản chúng Tăng

Kính bạch chư Tôn đức trong Ban Quản chúng Ni

Kính bạch toàn thể đại chúng

Theo thông lệ mỗi năm một lần, hàng Tăng Ni chúng con từ khắp các miền tịnh xá lại vân tập về ngôi Đại hùng bửu điện mang tên đức Tôn Sư vô cùng khả kính. Pháp viện Minh Đăng Quang, giữa cảnh Sài Gòn đông đúc, náo nhiệt, đèn hoa rực rỡ và cuộc sống đua chen tranh giành danh lợi, phú quý, thì tại nơi thiền đường ấy ngày ngày đang diễn ra khóa tu trang nghiêm thanh tịnh. Với sự hiện diện của trên 150 hành giả xa gần, khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" dành cho Sa-di, Tập sự đã diễn ra trong 9 ngày.

Những giây phút cuối cùng của ngày bế mạc, khiến trong lòng chúng con bùi ngùi xúc động. Dẫu biết rằng văn chương không nói hết nỗi lòng, nhưng con cũng xin bộc bạch đôi lời để dâng lên lời "Thành kính tri ân":

"Mỗi người, mỗi nước, mỗi non,

Bước vào cửa đạo như con một nhà".

Ôi! Thật là hữu phước đa duyên khi lần thứ hai con lại được trở về đây cùng chung với huynh đệ kẻ xa người gần, người ở Nha Trang, người ở Bình Thuận, Châu Đốc, Phú Yên v.v... Về nơi đây cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ khi đau bệnh, cùng sống chung tu học, cùng nhắc nhau thời khóa tu tập. Mỗi ngày trôi qua tình huynh đệ càng thêm khắn khít, được sống chung trong ngôi nhà Như Lai, thấy huynh đệ xa gần ai cũng hoan hỷ tham gia đầy đủ các thời khóa khiến cho thiền đường càng an lạc hơn.

Và cũng nhờ sự quan tâm của các bậc Trưởng lão, các bậc Tôn túc, quý Ni trưởng, Ni sư đã không quản đường sá xa xôi, Phật sự đa đoan, lao tâm nhọc trí mở ra những khóa tu đầy bổ ích như thế này. Quý Ngài đã đem những lời pháp lành ban rưới vào tâm mê muội của chúng con bao ngày qua, hôm nay bỗng được khai mở. Chúng con được học từ cách pháp học, đến cách ngồi thiền, cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm, các hành vi, cử chỉ đều theo giới luật nghiêm răn cho đúng oai nghi tế hạnh của một người đang chập chững bước chân vào đạo. Và điều làm cho con ấn tượng nhất đó chính là hình ảnh trì bình khất thực lúc ngọ trai. Với mảnh y vàng thanh thoát, xa lìa cõi trần tục, nhẹ bước an lạc, thể hiện nét truyền thống của Hệ phái Khất sĩ, làm con nhớ đến hình ảnh của Tổ sư tôn kính và càng tự hào hơn về nhân duyên khi con được làm một người đệ tử trong Tăng-già Khất sĩ. Con từng nghe:

"Đời tu sĩ bốn phương trời rảo bước,

Cõi ta-bà đâu chẳng phải là ta".

Có lẽ vì thế mà khi khóa tu được mở ra, con cảm nhận được ân đức của quý Ngài rộng lớn vô biên. Từng ngày, từng giờ chăm lo cho chúng con, đề cao tinh thần tu học, sách tấn mỗi khi chúng con giải đãi, có những đêm khi chúng con đang an ngủ trong giấc lành, là những lúc quý Ngài đang miệt mài âm thầm lo Phật sự, vừa soạn thảo chấm bài thi, cũng như chuẩn bị công việc cho ngày tu tiếp theo. Dù vất vả nhưng quý Ngài không bỏ một thời khóa nào, luôn đồng hành với chúng con mỗi thời. Đây là hình ảnh mà con kính quý Ngài và chúng con hằng ghi trong tâm.

Khi lìa bỏ cảnh đời để sống trong ngôi nhà đạo, trên vai mang nặng Tứ Ân sâu dày: Ân cha mẹ sanh ra thân này, ân Thầy giáo dưỡng, ân sâu những anh hùng đã hy sinh cho cuộc sống an lành và ân đàn-na tín thí hàng ngày cho chúng con miếng cơm manh áo.

Thời gian cứ trôi, cứ trôi, dù muốn níu thời gian lại để khóa tu kéo dài thêm, nhưng khóa tu cũng có ngày kết thúc. Trong giờ phút rời khóa tu trở về bổn xứ, xin cho con được kính lời tri ân đến quý Ngài và kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, chúng sanh dị độ, mãi luôn là những tàng đại thọ cho chúng con nương tựa.

Con cũng xin tri ân đến quý Phật tử hàng ngày đã sắp xếp công việc gia đình về chùa chăm lo từng bữa cơm ngọt lành để chúng con có sức khỏe tu học. Kính chúc quý Phật tử tâm thường an, thân thường lạc và luôn tinh tấn trên đường tu nhơn học Phật.

Và cuối cùng xin kính chúc quý hành giả trở về bổn xứ được an lành và luôn được Bồ-đề tâm kiên cố trên đường tu hành để những khóa tu sau lại được hội ngộ nơi Pháp viện Minh Đăng Quang thân thuộc như hôm nay.

6. Sa-di-ni Liên Hải (Tịnh xá Ngọc Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu - Giáo đoàn IV)

CÕI LÒNG CON XIN NGUYỆN

Nhận đời manh áo bát cơm

Tặng đời trọn đóa hoa lòng thanh cao

Hôm nay và mãi về sau

Con sẽ hoài nhớ hạnh trau khóa này

Thành kính xin chắp hai tay

Nguyện lòng ghi khắc lời Thầy dạy con

Nay con là cánh chim non

Là hoa sen trắng, là con Phật-đà

Nối truyền chánh pháp Thích Ca

Hạnh đẹp Khất sĩ ta-bà muôn thu

Đạo hạnh con gắng học tu

Trau dồi bi trí, hiền ngu nhẫn nhường

Quý Ngài chỉ lối soi đường

Dạy con Phật học tỏ tường đạo chơn

Ơn này hơn cả Thái Sơn

Nguyện là Khất sĩ chánh chơn nối truyền

Quý Ngài giáo pháp trùng tuyên

Hy sinh lèo lái con thuyền độ sanh

Dắt con hướng nẻo đạo lành

Bước chân những lúc thiền hành an nhiên

Trau tâm dồi trí tọa thiền

Đôi khi tâm ý chơi miền phố xa

Giật mình mở mắt nhìn ra

Ngưỡng trông đức Phật Thích Ca mỉm cười

Tụng kinh sáng tối hai thời

Lời kinh ngân vọng xa rời lăng xăng

Cúi lạy chư Phật, Pháp, Tăng

Bồi dưỡng đạo hạnh lòng hằng khắc sâu

Mai sau tung cánh năm châu

Mãi nhớ Pháp viện trọn câu ghi lòng

Muốn cho sự học tỏ thông

Hai bài trắc nghiệm trong lòng lo âu

Sợ rằng mình chẳng hiểu sâu

Vui rằng mình sẽ học thâu thêm nhiều

Sám hối tội lỗi trừ tiêu

Mỗi tối sám hối học nhiều điều hay

Buổi trưa giờ ngọ độ trai

Áo y nghiêm chỉnh, hai tay ôm bình

Tu hạnh Khất sĩ đi xin

Mỗi ngày khất thực trì bình hóa duyên

Đạo pháp gìn giữ mối giềng

Nguyện lòng cố gắng năng siêng tu bồi

Từ bi, trí tuệ trau dồi

Học kinh, nghe pháp vun bồi đạo tâm

Giảng tuyên giáo pháp thậm thâm

Đuốc tuệ soi sáng lỗi lầm chúng con

Con nguyện gìn dạ sắt son

Tinh tấn tu học, phước bòn công phu

Ngày nào khai mạc khóa tu

Bỡ ngỡ con thấy chư Sư chỉnh tề

Tăng Ni tâm đạo Bồ-đề

Cùng gieo giống Phật, cùng về khóa tu

Chung sống tu học công phu

Bây giờ bế mạc khóa tu mười ngày

Giờ đây còn ít phút giây

Còn đôi lưu luyến, còn đầy mến thương

Huynh đệ mỗi người một phương

Trở về trú xứ sống nương đạo lành

Oai nghi nghiêm giữ cho rành

Lời chư Tôn đức thật hành noi theo

Tập tu giới pháp Tỳ-kheo

Căn lành giống Phật trồng gieo đời đời

Con xin nhớ mãi những lời

Chư Tôn đức dạy mỗi thời trì vâng

Nơi lòng con xin nhớ ân

Từ bi chỉ dạy ân cần nhắc khuyên

Con nguyện Chơn Lý trùng tuyên

Đạo Phật Khất Sĩ nối truyền mai sau

Giới, Định, Tuệ gắng dồi trau

Giúp đời tăm tối khổ đau muôn vàn

Con nuôi chí nguyện xả thân

Đem đèn trí tuệ cõi trần sáng soi

Kinh, luật, luận quyết trau dồi

Dưỡng tâm, nuôi tánh, học đòi từ bi

Học theo chánh pháp Mâu-ni

Thất tình, lục dục, sân si dứt trừ

Tâm luôn thiền định suy tư

Tỏ ngộ bổn tánh chơn như lý mầu

Định tuệ, trí tánh gồm thâu

Sự, lý tương tác, sáng châu Bồ-đề

Làm cho Phật pháp đề huề

Chúng sanh giác ngộ trở về bổn tâm

Đền ơn Thầy Tổ cao thâm

Xin gìn giữ mãi đạo tâm Bồ-đề

Mai sau đi khắp phương trời

Minh Quang Pháp viện là nơi con về.

Làn gió Xuân hãy còn nhẹ thổi, những cơn mưa đầu hạ bất chợt kéo đến, vạn vật tự nhiên chuyển mình từng thời khắc. Từng mầm non cỏ cây đang tiếp tục sự sống và phát triển, hương trầm thơm phảng phất đâu đây, nơi phố thị ồn ào náo nhiệt. Pháp viện Minh Đăng Quang uy nghiêm sừng sững tĩnh lặng một cách lạ thường. Tại đây, bên ngoài, những mầm non cỏ cây đang tiếp tục sự sống và phát triển, trong đây, tại đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang hàng Sa-di, Tập sự chúng con cùng về mái nhà chung Hệ phái Khất sĩ tham dự khóa "bồi dưỡng đạo hạnh". Chúng con như những mầm non trong Phật pháp, đang được những tàng đại thọ chở che, gìn giữ và nuôi nấng trong nếp sống già lam tịnh hạnh giải thoát để mạng mạch Phật pháp được thắp sáng muôn đời.

Con thường được nghe lời Sư phụ dạy: "Đã chọn lựa bước đi trên con đường xuất gia giải thoát là bậc mô phạm cho chúng sanh sùng thượng hãy gìn lòng quyết chí dõng mãnh, ý khí thoát tục và nghiêm trì oai nghi giới hạnh, lấy đó làm tư lương trên bước đường học Phật".

Vì lòng từ bi thương tưởng đến hàng xuất gia hậu học chúng con, đang sống trong thời đại văn minh vật chất phát triển, những nét đẹp truyền thống trong đời sống người tu sĩ phần nào đã có sự suy thoái. Chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã tổ chức khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" dành cho Sa-di, Tập sự 10 ngày tại Pháp viện Minh Đăng Quang để chúng con cùng chung sống tu học, ôn lại nếp sống cao đẹp nơi chốn già lam của Phật Tăng xưa và các bậc Tổ Thầy.

Kính bạch chư Tôn đức!

Mười ngày, thời gian ấy đối với con sao quá ngắn. Mười ngày, tuy cố gắng học theo lời chỉ dạy tận tình của chư Tôn đức, con hãy còn quá dở khi tâm chưa được thuần thục chánh niệm trong từng oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi. Mười ngày, con thật xấu hổ, trong khi tại trú xứ Sư phụ và quý Sư huynh đã hy sinh gánh vác tất cả cho con được tham dự khóa tu. Vậy mà con lại không tu học thật tốt. Mười ngày, thọ nhận từng bát cơm và những nhu cầu thiết yếu khác trong đời sống do đàn-na tín thí cúng dường, con thấy lòng hổ thẹn mà tự hỏi đã có được bao nhiêu công đức trong sự tu tập để cho người được gieo trồng ruộng phước? Mười ngày, thời gian đã lặng lẽ trôi qua, con nuối tiếc từng phút giây tu học. Con tự nhủ lòng: "Nuối tiếc có ích chi, giờ đây từng giây phút hiên tại, chính mình phải cố gắng học tu thật nghiêm túc để đền đáp công ơn chư Phật, Tổ, Thầy và bao người đã hy sinh từ vật chất lẫn tinh thần cho con được tu học.

Với mục đích lý tưởng xuất gia giải thoát, với tâm mong tìm cầu học hỏi, con vui mừng biết bao khi được Sư phụ cho phép tham dự khóa tu. Nơi đây, con được tu học theo lời Tổ sư đã dạy: "Nên tập sống chung tu học". Tăng, Ni hàng Sa-di, Tập sự chúng con đã được tu chung, học chung, cùng công phu sáng tối, cùng nghe pháp, cùng độ ngọ trong chánh niệm, cùng thiền tọa, thiền hành và cùng sám hối để cùng nhau biết thêm những điều hay lẽ phải trong đời sống thường nhật. Mỗi ngày chúng con được chỉ dạy cách sống chánh niệm trong từng hành vi, lời nói và ý nghĩ. Con thật cảm động đội ân của chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư biết bao. Tuy tuổi già, sức yếu, Phật sự đa đoan, biết bao gánh nặng còn chồng chất nhưng vì lòng từ bi nghĩ tưởng đến lớp kế thừa chúng con mà quý Ngài đã để dành thời gian và tâm trí dạy cho chúng con tu học. Nơi đây, đời sống thật yên bình, tĩnh lặng và thật đẹp. Còn gì đẹp hơn hình ảnh hơn 150 hành giả y áo nghiêm trang cùng độ ngọ trong chánh niệm, thiền tọa tĩnh tâm, cùng hòa âm tụng kinh và cùng thiền hành. Mỗi người tự là một đóa sen, một đóa sen vàng thanh cao. Ngoài kia, bao người đang lăng xăng quanh quẩn chạy theo tiền tài, danh lợi, hao tâm nhọc trí lo cho đời sống giữa xã hội phức tạp, thì hạnh phúc thay! lành thay! nơi đạo tràng này, những người con Phật với tâm yên bình, tĩnh tại đang học theo hạnh Phật, trau dồi trí tuệ để tiếp nối hạnh nguyện lợi tha. Khóa tu này, con lại được làm nhiều bài kiểm tra, tuy lo nhưng trong lòng con rất vui, lo vì không biết mình có đủ khả năng để làm bài không và vui vì con biết vì lòng từ bi, muốn cho sự học của chúng con được thấu suốt, quý chư Tôn đức đã dành rất nhiều thời gian và trí tuệ để biết trình độ hiểu biết Phật pháp của chúng con mà chỉ dạy. Ân đức và lòng từ bi của quý Ngài đối với hàng hậu học chúng con to lớn như trời cao biển rộng:

Con xin nguyện gìn một lòng quyết chí

Gắng tu hành muôn kiếp mãi về sau.

Đạo hạnh đẹp học noi theo Thầy Tổ

Lời Tôn đức ghi khắc mãi vào tim

Nguyện tiếp nối cho Phật pháp thạnh hành

Ngọn đuốc tuệ soi sáng khắp năm châu

Hằng tu hành trau dồi thân, khẩu, ý

Giới Định Tuệ ba môn Vô lậu học.

Con nguyện sẽ tròn xong, bởi vì con nhớ lời Hòa thượng Giác Toàn dạy: "Có giới luật thân tâm người tu mới được bảo hộ, mới được tấn hóa trên đường đạo, mới có thể sống phạm hạnh giải thoát. Chính nhờ nền tảng của Giới mới có thể phát sanh Định và Tuệ. Người giữ giới luật một cách trọn vẹn, nghĩa là dứt ác, làm lành, tâm ý trong sạch thì lúc nào cũng sống yên vui".

Và sau khóa tu, trở về trú xứ, con sẽ cố gắng thay đổi tu sửa lại thân tâm và nếp sống mỗi ngày. Bởi lời Thượng tọa Minh Thành có dạy:

"Vị nào liên tục cố gắng, vị ấy luôn tỏa sáng

Vị nào giữ chất tu, vị ấy sẽ là vị đạo sư

Vị nào biết cách yêu thương đồng môn, vị ấy sẽ yên vui

Vị nào làm lợi ích cho tha nhân, vị ấy sẽ phát triển về mọi mặt".

Nay con tự nghĩ tuy không có được phước duyên gặp Phật sanh tiền, nhưng con lại có phước duyên gặp được giáo pháp của Phật, gặp Thầy lành bạn tốt dắt con đi trên con đường giải thoát, lợi ích cho mình và cho cả chúng sanh. Xưa kia, đức Tổ sư với hạnh nguyện: "Nối truyền Thích Ca chánh pháp" thì nay con nguyện sẽ tiếp nối hạnh đẹp muôn đời người Khất sĩ. Nguyện tu cho viên thành đạo quả, làm tốt đạo đẹp đời để đáp đền ân Phật, ân mẹ cha, ân Tổ Thầy và đàn na tín thí.

Với lòng từ bi, chư Tôn đức đã dành rất nhiều thời gian và tâm trí mà chỉ dạy cho chúng con từng oai nghi cử chỉ, từng lời nói việc làm, con xin thành tâm kính nguyện ơn trên mười phương Tam Bảo, chư Phật Tổ Thầy gia hộ cho quý Ngài luôn được dồi dào sức khỏe, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự hanh thông để quý Ngài làm tàng đại thọ vững chắc chở che cho chúng con lớn lên trong ngôi nhà đạo pháp. Lòng nguyện cầu sao cho ngọn đuốc giáo pháp Khất sĩ được sáng mãi và lan tỏa muôn nơi. Nguyện cầu cho nơi nơi pháp âm vang dội mãi.

BÀI VÈ SÁM HỐI

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè sám hối

Chúng con có lỗi

Đối trước Tôn đức

Tỏ lòng thành thực

Xấu hổ tàm quý

Gom trọn tâm ý

Đê đầu đảnh lễ

Chư Phật ba đời

Hiền Thánh chư Tăng

Tỏ lòng ăn năn

Thành tâm sám hối

Nguyện xin sửa đổi

Ăn nói sởi lởi

Cười giỡn dể duôi

Bước đi lật đật

Ngồi thiền ngủ gật

Nói chuyện thật to

Tụng kinh lại nhỏ

Tâm không chánh niệm

Những việc nhỏ nhiệm

Sơ thất lỗi hoài

Đến khi làm bài

Lại còn sao chép

Ngay cả đôi dép

Để cũng không ngay

Khi đi hai tay

Đánh đưa sau trước

Công quả kết phước

Mà lại hơi lười

Đi, đứng, nói, cười

Không giữ oai nghi

Mỗi mỗi hành vi

Đều không chánh niệm

Dâng trọn nỗi niềm

Nay con sám hối

Lại khi nằm, ngồi

Oai nghi không giữ

Bây giờ hỏi thử

Ai chịu nổi không

Vừa ngồi dậy xong

Đã nằm ngủ tiếp

Hãy còn thiêm thiếp

Cơn mộng đương say

Huynh đệ bó tay

Nào hay một lát

Áo y nhếch nhác

Lò dò bước sau

Ngồi thiền ôi chao!

Đau chân quá đỗi

Không chịu đựng nổi

Cử động liền liền

Đụng phải chị hiền

Liền cuời xin lỗi

Còn bao nhiêu tội

Cúi xin quý Ngài

Từ bi chỉ dạy

Chúng con nhỏ dại

Tập sự, Sa-di

Học đạo từ bi

Tu sửa thân tâm

Còn nhiều lỗi lầm

Chúng con chưa thấy

Tự tâm áy náy

Phát lồ sám hối

Con không biết nói

Những lời văn hoa

Chỉ biết thiết tha

Thành tâm sám hối

Nguyện lòng sửa đổi

Thân, tâm, khẩu, ý

Gìn lòng quyết chí

Học đạo từ bi

Hành hạnh Khất sĩ

Chánh pháp nối truyền

Chơn Lý trùng tuyên

Trau dồi Giới Định

Thông luật, luận, kinh

Dắt dìu chúng sanh

Đi đường đạo chánh

Đền ơn Tổ Thầy

Con có ngày nay

Nhờ Thầy soi lối

Nơi đời tăm tối

Nguyện làm đuốc tuệ

Soi khắp sơn khê

Đền ơn đàn-na

Còn ơn mẹ cha

Con nguyện tu hành

Quả chánh giác thành

Đáp đền muôn kiếp

Con lại nguyện tiếp

Chúng sanh sống chung

Ơn nặng nghìn trùng

Nguyện cùng quả Phật

Tôn đức các bậc

Chứng minh lòng thật

Cho con sám hối

Sám hối ấy mà sám hối.