Tổng kết khóa Sống chung tu học lần 7 Ni giới GĐ. III

Nam-mô Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Được sự chỉ dạy của chư Tôn đức trong Ban Tổ chức, chúng con xin thay mặt cho Ban Thư ký báo cáo tổng kết tình hình tu học và sinh hoạt trong khóa Sống chung tu học của chư Ni Giáo đoàn III – lần thứ 7 tổ chức tại Tịnh Xá Ngọc Đức, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, từ mùng 2 đến ngày 14 tháng 2 năm Mậu Tuất.

Sáng mùng 8, tháng 2 năm Mậu Tuất, sau thời khất thực hóa duyên của chư Tôn đức Tăng Ni, vào lúc 8 giờ, Lễ Khai mạc khóa tu chính thức diễn ra dưới sự chứng minh chư Tôn đức Giáo phẩm của Giáo đoàn III: Hòa hượng Giác Trong – Tri sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GĐ III. 

+ Ban Tổ chức gồm có:

  1. BAN CHỨNG MINH
  1. HT. Giác Hùng – Đệ nhất Chứng minh Giáo đoàn III
  2. HT. Giác Y – Đệ nhị Chứng minh Giáo đoàn III
  3. HT. Giác Phùng – Đệ tam Chứng minh (Tri sự phó Thường trực Giáo đoàn III)
  1. BAN TỔ CHỨC
  1. Trưởng ban Tổ chức khóa tu: HT. Giác Trí – Tri sự phó kiêmTrưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III.
  2. Phó ban Tổ chức: HT. Giác Trong - Tri sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp
  3. Phó ban kiêm Chánh Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng: Phó ban Thường trực Ban Giáo dục  
  4. Phó ban kiêm Thiền chủ: NT. Hiệp Liên – Trưởng ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III.
  5. Phó ban kiêm Giám Luật: NT.  Cảnh Liên – Phó ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III.
  6. Giám thiền: Ni sư Lãnh Liên – Trụ trì TX. Ngọc Chơn, Buôn Hồ, Đăk Lăk. Ni sư Hạnh Liên – Trụ trì TX. Ngọc Hương, Ban Mê Thuột. Ni sư Chuyên Liên - Trụ trì TX. Ngọc An, An Khê, Gia Lai.
  7. Kiểm soát: Ni sư Dung Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Lương, Bình Thuận. Ni sư Tỉnh Liên - Trụ trì TX. Ngọc Ninh, Đại Ninh, Lâm Đồng.
  8. Thư ký: SC. Hiếu Liên, SC. Hòa Liên, SC. Hoa Liên.
  9. Tri sự: SC. Thùy Liên
  10. Điển lễ: SC. Chánh Liên, SC. Định Liên, SC. Danh Liên.
  11. Ngoại hộ: SC. Thông Khánh, SC. Phương Liên, SC. Thản Liên, SC. Thứu Liên và chư Ni, Phật tử TX. Ngọc Đức.
  12. BAN GIÁO THỌ KHÓA TU GỒM CÓ: HT. Giác Trong, ĐĐ. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Khiêm, NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, và quý Ni sư trong Giáo đoàn III.

+ Các hành giả tham dự:

Khóa tu lần này có 54 hành giả. Trong đó có 2 Ni trưởng, 7 vị Ni sư, 43 Tỳ-kheo-ni, và 2 Thức-xoa-ma-na.

+ Chương trình tu tập mỗi ngày bắt đầu từ 4g00 sáng đến 22 giờ, gồm có 3 thời thiền tọa (2 tiếng rưỡi)

2 thời thiền hành (75 phút)

2 thời tụng kinh (75 phút)

2 thời học pháp (3 tiếng đồng hồ)

1 thời sám hối, chia sẻ kinh nghiệm tu học. (1 tiếng rưỡi)

+ TÓM TẮT NỘI DUNG PHÁP HỌC:

Trong 7 ngày tu học, Ni chúng có 18 thời pháp học.

 1. Chiều ngày khai mạc mùng 8 tháng 2, Hòa thượng Giác Trong đảm nhiệm thời học pháp đầu tiên của khóa tu. Hoà thượng nhấn mạnh việc chư Ni tổ chức được 7 ngày tu ấy là thời gian an lạc được sống trong Giới, trong Định và trong Tuệ của mười phương chư Phật. Trong khoá tu lần này, Hoà thượng giảng giải yếu nghĩa thâm diệu về bài Chơn Lý Khất sĩ”, cũng như ý nghĩa của “Khất thực”.

Tổ dạy: “Tiếng “khất” có nghĩa là xin. “Sĩ” là học. Lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy, hoặc đi xin, hoặc đứng xin, hoặc ngồi xin, hoặc nằm xin, hoặc ở một chỗ xin, hoặc đi cùng khắp xứ xin. Xin cái ác, xin điều thiện, xin đạo đức, xin quả người Trời Phật, xin vật chất, xin tinh thần, xin địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Đất xin nước, đất mới sống khỏi chết khô”. Hoà thượng đã giảng rõ chúng sinh từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người, chư thiên cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới đều đã và đang đi xin cả.

Không ai không là kẻ đang đi xin ăn. Truyền thống ngàn đời của chư Phật là người đi xin, nên hôm nay Ngài cũng đi xin trong bước chân đại từ bi của dòng dõi Khất sĩ. Chư Tăng các truyền thống Phật giáo cũng đều là người con Khất sĩ đang xin giáo pháp để nuôi lớn pháp thân huệ mạng. Ngài là đại phước điền của tất cả chúng sinh. Những tưởng quý Phật tử phát tâm cúng dường Tam bảo, thật ra là quý Phật tử đang xin phước điền vô thượng, người công quả quét sân thiền môn là đang xin sự trong sạch, thanh tịnh của chư Phật, kẻ gánh đôi nước cúng dường chư Tăng là đang xin cuộc đời ngày mai luôn tươi nhuận mát mẻ. Bà lão nghèo năm xưa cúng dường ngọn đèn dầu nhỏ lên đức Phật, được thọ ký là Tu-di Đăng Vương Phật, người nông dân nghèo không có gì cúng dường, đã gánh đôi nước đến rửa chân cho Phật và Tăng chúng, được thọ ký sẽ tu tập thành tựu quả vị Phật danh hiệu là Thuỷ Thiên Như Lai. 

2) Tối mùng 8, Hoà thượng từ bi thuyết pháp khuyến tấn Phật tử gần xa đã vân tập về tu tập, nghe pháp, hộ trì khoá tu. Quý Phật tử đang gieo hạt giống vào ruộng đại phước đức của chư Phật, chư Bồ-tát. Tuy cuộc sống bận rộn, phiền nhiễu, nhưng quý Phật tử đã dừng được bước chân của mình để trở về với Tam Bảo. Quy y Tam Bảo, một lần nữa được Hoà thượng giảng giải rộng cho quý Phật tử nhớ hơn, hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc mình quay về nương tựa ba ngôi báu của thế gian. Ngài nhắc quý Phật tử hãy nuôi dưỡng năng lượng từ bi trong tâm, trong tiếng nói, trong việc làm. Nay quy y Tam Bảo là hiện hữu chính mình trong từ bi, chìa khoá đại vạn năng xoa dịu nỗi khổ niềm đau nhân thế. Hoà thượng đã nhắc lại ý nghĩa của ngày mùng 8 tháng 2, ngày thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ đời sống nhung lụa bước lên đời sống xuất gia giải thoát. Chúng ta đã và đang đi con đường mà đức Phật đã đi và chư Bồ-tát đang đi và sẽ đi, đó là con đường dẫn dắt đến đỉnh cao trí tuệ, hạnh phúc an lạc.   

3) Sáng mùng 9, ngày tu thứ 2 của khoá tu, Ni trưởng Hiệp Liên giảng cho đại chúng bài Chơn Lý “Nhập định”. Giá trị của định, sự hiện hữu của định nơi mỗi người, được Tổ dạy trong Chơn Lý, nay Ni trưởng mổ xẻ, phân tích để chư Ni và đại chúng tỉnh thức. 

Trước quả địa cầu là định, sau quả địa cầu là định.

Trước sanh thân là định, sau sanh thân là định.

Trước khi thức là định, sau khi thức là định.

Trước khi làm là định, sau khi làm là định.

Trước khi nói là định, sau khi nói là định.

Trước khi nghĩ ngợi là định, sau khi nghĩ ngợi là định.

Ni trưởng nhắc nhở Ni chúng: “Dầu trách nhiệm nhiều việc phải làm nhưng đừng bỏ thời khoá, sự tu định của mình. Bởi vì một ngày bệnh chết đến, cái thân sẽ bỏ lại, chỉ mang theo cái tinh anh, các giác của mình mà thôi. Chơn Lý như cơm, như sữa mẹ. Không ai sống mà không nhờ cơm. Cũng như đứa bé không thể thiếu sữa mẹ, người con Khất sĩ phải thấm giáo pháp của Tổ Thầy, hiểu rõ lý pháp trong bộ Chơn Lý. Đóng các căn, luôn giữ chánh niệm, để tâm được tịnh, định, thể mới tìm thấy sự an lạc cho kiếp này và nhiều kiếp về sau”.

4) Chiều mùng 9: Ni trưởng Cảnh Liên – Phó Quản sự Ni chúng GĐ III giảng cho đại chúng về phần GIỚI ngang qua hai bài kinh trong Kinh Trung Bộ, đức Phật dạy cho La-hầu-la – Kinh Giáo giới La-hầu-la (số 61) và Đại kinh Giáo giới La-hầu-la (số 62). Trong kinh Giáo giới La-hầu-la rừng Am-ba-la, đức Phật dạy La-hầu-la phải sửa đổi tánh nói dối của mình. Đức Phật dùng hình ảnh cái chậu nước bẩn dụ cho nói dối, nước ấy không thể sử dụng được, ngay cả cái chậu ấy cũng không còn trong sạch nữa. Người nói dối tạo nhiều trạng thái tâm bất thiện, gây hại cho người khác. Ngài lại dạy về hình ảnh tấm gương, mọi vật soi vào gương sẽ thấy rõ hình ảnh của những vật ấy. Cũng vậy tạo nghiệp bất thiện làm sao tránh khỏi quả bất thiện.

Cũng thế, trong kinh số 62, đức Phật dạy cho La-hầu-la quán tất cả sắc phải không phải của ta, không phải là ta hay tự ngã của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng quán như vậy. Cũng trong bài kinh này, vị Thầy của Tôn giả La-hầu-la tức Ngài Xá-lợi-phất đã khuyên Tôn giả hãy thực tập niệm hơi thở. Pháp môn này cũng được đức Thế Tôn khuyến khích thực tập. Ngoài ra, trước khi đề cập pháp niệm hơi thở, Ngài dạy pháp môn quán đại chủng đất, nước, lửa, gió, hư không trong thân ngoài thân, để lạc khổ khởi lên không xâm chiếm tâm và an trú; dạy tu tập tâm Từ để trị sân, tu Bi để trị hại, tu Hỷ để trị bất lạc, tu Xả để trị hận, quán bất tịnh để trị tham ái, quán vô thường để trị kiêu mạn. Ni trưởng khuyến tấn Ni chúng và Phật tử hãy đóng 6 căn lại để việc định tâm dễ dàng, làm nền tảng cho quá trình tu lên cao. Thành tựu việc tu tập hay không là do nơi tự thân tu tập, không phải cầu xin, nương sự giúp đỡ bên ngoài. Tổ dạy: “Thờ Phật không bằng thờ Pháp bảo. Thờ Pháp bảo không bằng thời ông Thầy. Thờ ông Thầy không bằng thờ bản tâm trong sạch của mình”.

5) Sáng mùng 10, Ni trưởng - Trưởng Quản sự Ni chúng tiếp tục giảng cho đại chúng phần còn lại của bài Chơn Lý “Nhập định”. Đức Tổ sư dạy việc tu định rất rõ ràng, từ không gian tu, đến pháp tu, từ điều thân đến điều tức, điều tâm. Ni trưởng khuyến khích tâm tu của Ni chúng. Việc đi ngược dòng đời đã là quý báu, vượt qua được bao thử thách lại càng khó khăn hơn. Chư Ni còn phải tinh tấn tu tập hơn, cố gắng buông xuống dần bản ngã, bỏ bớt những tập khí bất thiện lâu nay. Mục đích của người xuất gia là tinh tấn và tinh tấn đi đến bảo thành, ra ngoài vòng sanh tử luân hồi khổ não không chỉ sống bình yên từng ngày mà thôi.    

6) Chiều mùng 10, Đại đức Giác Hoàng – Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ III đến thăm hội chúng, khích lệ tinh thần sống chung, ngồi lại, học hỏi với nhau, xây dựng một đoàn thể Tăng -già vững mạnh, mang lợi ích cho tự thân và làm gia tăng tín tâm của Phật tử. Mỗi người đến với khoá tu tuy thấy tu học, sinh hoạt rất bình thường nhưng vô hình chung lại đang tạo công đức rất lớn cho mình vì đang góp phần duy trì mạng mạch Tăng đoàn, đang góp phần làm cho niềm tin Phật tử gia tăng. Hơn 120 phút Đại đức giảng giải bài kinh Hữu Học, số 53 trong Trung Bộ Kinh giúp cho chư Ni và Phật tử hiểu rõ con đường tu tập bảo đảm đúng phương hướng, đi thẳng về mục đích giải thoát, thành tựu chánh trí. Pháp tu tập ấy gồm có thành tựu giới hạnh, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, đầy đủ bảy diệu pháp, hiện tại lạc trú bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, và chứng đạt an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

7) Tối mùng 10, Đại đức Giác Hoàng có thời pháp đặc biệt cho quý Phật tử đảo Lý Sơn. Thường thì trong 6 khoá Sống chung tu học trước, chư Ni chuyên chú vào việc tu và chư Tôn đức giảng giải kinh pháp, giới luật chỉ dành riêng cho giới xuất gia. Tuy nhiên, ngay từ đầu tổ chức khoá tu này, Đại đức đã khởi xướng việc dành thời gian buổi tối để thuyết giảng kinh pháp cho bà con Phật tử vùng đảo xa này. Trong đêm nay, Đại đức tặng cho quý Phật tử ba gói hành trang mang lại lợi ích tuyệt vời cho tất cả mọi người nếu thực hành được. Ba gói hành trang ấy chính là phụng sự nhân sinh xã hội (thực hành bố thí), đời sống đạo đức (giữ trọn vẹn 5 giới) của người tại gia và tu tập thiền định và thiền tuệ. 

8) Sáng 11, ngày tu thứ 4 của khoá, Đại đức Giác Hoàng giáo giới cho chư Ni. Bằng cả tấm lòng, nhiệt huyết, ưu tư, mong mỏi Đại đức chia sẻ kinh nghiệm tu học và khuyến khích tâm tu của đại chúng. Năm xưa, tại vườn Nai, thành Ba-la-nại, đức Phật lần đầu tiên chuyển pháp luân với bài pháp Trung đạo, hôm nay tại Ngọc Đức hải đảo, Đại đức tuyên bày 10  pháp Trung đạo (hay còn gọi là Cân đối) cho Ni chúng. Mười pháp đó là - Cân đối giữa thân và tâm (sức khỏe và ý chí); Cân đối giữa lý trí và tình cảm; Cân đối giữa pháp học (kiến thức) và pháp hành (hành trì); Cân đối giữa lý tưởng và thực tế; Cân đối giữa cá nhân và đoàn thể; Cân đối giữa xây dựng và tu tập; Cân đối giữa độ mình (tự độ) và độ người (độ tha); Cân đối giữa Giới – Định – Huệ; Cân đối trong việc tu tập Năm căn; và Cân đối trong việc tu tập Thất giác chi. Những ai tu tập, làm được 10 pháp Trung đạo này, chắc chắn sẽ có được một đời sống bình an, hạnh phúc trong hiện tại và không khó khăn đạt đến đích con đường giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn.

9) Chiều 11, Ni sư Dung Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Lương, Bình Thuận kể lại những dấu ấn thiêng liêng thuở ban đầu bóng y vàng Khất sĩ xuất hiện nơi đảo nhỏ Lý Sơn. Năm 1967, Sư Giác Tuấn một mình một bóng ra đây tu tập. Dung nghi một vị Sư khoác y vàng hiền lành, siêng tu sớm gieo cảm tình đặc biệt trong lòng người dân mộc mạc bình dị. Chính quý Ni sư - NS. Dung Liên, NS. Tỉnh Liên, NS. Thức Liên, NS. Lãnh Liên, NS. Hạnh Liên, NS. Luật Liên và NS. Mẫn Liên là những cô con gái hiền đức của vùng đất đảo đều phát tâm xuất gia phụng sự đạo pháp vào những năm tháng ấy, nay trở thành thế hệ rường cột của chư Ni GĐ III. Năm 1973, Tịnh xá Ngọc Đức được kiến lập. Từ đó đến năm 1979, chư Tăng Giáo đoàn III luân phiên về đây tu học và giáo hoá Phật tử. Tuy nhiên, từ 1979 đến 1996, hơn 15 năm Tịnh xá Ngọc Đức chỉ có Phật tử về lặng lẽ thắp nhang, sinh hoạt, vắng bóng Tăng Sư. Đến năm 1997, Ni sư Hạnh Liên và Ni sư Dung Liên được sự chỉ dạy của chư Tôn đức GĐ III về phục hồi TX. Ngọc Đức. Năm 1999, nhị vị Ni sư khởi công đại trùng tu chánh điện, nhà thờ Cửu huyền và một số hạng mục trong tịnh xá. Tháng 2 năm 2002, công trình hoàn tất. Năm 2002, Sư cô Thuỳ Liên được bổ nhiệm về nơi đây tu tập hướng dẫn Phật tử. Kể từ đó, sinh khí tu tập cho Ni chúng và Phật tử dần dần trở lại. Sư cô đã vực dậy lòng thành tín Phật pháp của Phật tử và góp phần làm nơi thờ tự nơi đây mỗi ngày mỗi trang nghiêm hơn.

10) Tối 11, Ni trưởng - Trưởng Quản sự Ni chúng Giáo đoàn hoan hỷ thuyết giảng kinh pháp cho quý Phật tử. Ni trưởng cảnh tỉnh: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”; tất cả mọi người đã và đang có duyên may được thân người khả ái; đời sống không quá khó khăn; con cái cũng biết sống hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; mình cũng được gặp chư Tăng Ni để cúng dường, được nghe giảng giải giáo pháp, chỉ còn một điều nữa là tinh tấn tu để thành tựu đạo quả. Kinh Pháp Hoa cũng dạy rõ Phật tánh trong một người đều có sẵn như viên ngọc quý đang giấu trong chéo áo. Nếu siêng năng tinh tấn tu tập, thường xuyên lau bụi viên ngọc của mình, sẽ có một ngày sáng chói. 

Ni trưởng dạy cho quý Phật tử 4 cách tu tập đạt đến mục đích tối thượng, đó là thân cận bậc thiện trí thức, chuyên tâm nghe pháp, nhiếp niệm tư duy, áp dụng giáo pháp vào việc tu. Bằng lời giảng rõ ràng, ý nghĩa, sử dụng những câu chuyện đời thường hợp thời, dễ hiểu, thời pháp thoại của Ni trưởng khiến toàn thể chư Ni và Phật tử vô cùng hoan hỷ, phát khởi tâm lành.

11) Sáng 12, ngày tu thứ 5, Ni sư Tỉnh Liên giảng giải lại cho đại chúng hiểu rõ hơn 20 điều Tổ dạy trong bài Diệt lòng ham muốn được viết trong tập Luật nghi Khất sĩ. Đức Tổ sư tóm tắt lại những lời dạy tinh tuý của đức Phật về tham dục, sân hận, si mê nhắc nhở cho hậu thế cảnh giác trước sự quyến rũ của dục lạc thế gian. Đặc biệt là tham ái, nó dẫn dắt chúng sinh loanh quanh mãi trong ba cõi sau đường khổ não. Lại nữa, người tu còn phải tỉnh giác trước những tập khí bất thiện hạnh nghiệp riêng của mỗi người và cố gắng tinh cần tu tập để vượt qua. Người tu tập, lội ngược dòng đời phải hết sức kiên định, kiên trì nếu không sẽ dễ dàng bị dính mắc, ràng buộc và đi lạc vào ma lộ.

12) Chiều 12, Ni sư Lãnh Liên thăm đại chúng và chia sẻ kinh nghiệm chuỗi ngày tu tập làm Phật sự của tự thân. Ni sư là một trong bảy vị Ni sư xuất thân từ đảo Lý Sơn, từ Tịnh xá Ngọc Đức. Gần 50 năm xuất gia, nay trở về lại quê hương, bao hoài niệm ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy, tình quê, bồi hồi sống lại. Nhìn lại hội chúng trong khoá tu hôm nay, Ni sư muốn nói lên tâm huyết, kỳ vọng của mình đối với các Ni trẻ, thế hệ Ni kế tiếp, để các em gắng giữ vững chí nguyện ban đầu của mình, kiên trì vượt qua khó khăn, làm tròn bổn phận của người trò, người em. Ni sư nhắc lại đoạn Cảnh sách để đại chúng ưu tư, sám hối, và tự chuyển hoá:

Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng ... Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Không như vậy thì chỉ là kẻ lạm xen vào hàng ngũ Tăng sĩ, lời nói và việc làm trống rỗng, sơ suất, hưởng dụng một cách vô ích cúng phẩm của tín đồ, đường đi năm cũ thì một tấc một bước cũng không đổi dời, quàng hoảng suốt cả một đời thì còn lấy gì mà nương tựa và cậy nhờ...

Cũng nhân dịp này, trong hội chúng có quý Phật tử đang cùng sống tu chung trong tình pháp lữ, Ni sư nhắc mọi người ý thức rõ trọng trách, bổn phận đối với việc giữ gìn ngôi nhà Phật pháp trang nghiêm, thanh tịnh, trường tồn bởi vì nam nữ Phật tử là 2 chúng trong 4 chúng trong ngôi nhà Phật pháp – Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Tổ sư Minh Đăng Quang lấy kiến trúc chánh điện Hệ phái là hình bát giác biểu trưng cho giáo pháp Bát chánh đạo và 4 trụ chống đỡ toàn bộ cấu trúc chánh điện biểu trưng cho bốn chúng chính từ ý nghĩa này vậy.

14) Tối 12, Ni trưởng Hiệp Liên thuyết giảng kinh pháp cho đại chúng chư Ni và Phật tử với chủ đề: “Chơn thuyết pháp và chơn thính pháp”. Người thuyết pháp phải là người am hiểu kinh điển, có kinh nghiệm tu tập chánh pháp. Người nghe pháp chân chánh là người lắng nghe và siêng năng thực tập theo lời pháp. Đồng thời, Ni trưởng cũng chỉ cho đại chúng nhận thức được sự giả tạm vô thường của xác thân mà người thế cả đời sống vì nó, làm vì nó, tạo nghiệp vì nó. Ni trưởng nhắc mọi người ráng vượt qua thử thách, thực hành giáo pháp của đức Phật để được thân an tâm lạc. Dẫu người xuất gia hay tại gia, ai ai cũng mong ước được thân an tâm lạc là đủ.

15) Trong ngày 13, hội chúng có duyên lành được Đại đức Giác Khiêm, trụ trì Tịnh xá Ngọc Nguyệt, Khánh Hoà chia sẻ pháp hành Tứ Niệm xứ. Đức Phật dạy rằng Pháp thực tập Tứ Niệm xứ là con đường duy nhất diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Với nhiều năm suy tư pháp và bằng kinh nghiệm tu tập, Đại đức giúp đại chúng hiểu rõ thế nào là tu tập, mục đích của tu tập đúng với ý chỉ, mong mỏi của đức Phật và chư Tổ Thầy.

Đại đức cũng phân tích thế nào là nhập Sơ thiền, nhập Nhị thiền đúng với giáo pháp Phật dạy. Mỗi người đều có thể trực nhận, chiêm nghiệm được trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh (của thiền thứ nhất) và do định sanh (của thiền thứ hai) không khó khăn nếu vị ấy hiểu rõ và thực tập một cách đúng đắn, liên tục. Đại đức cũng nhấn mạnh rằng để việc tu định hiệu quả nhanh, hành giả phải biết phòng hộ các căn, một mắc xích quan trọng trong quá trình tu tập Giới Định Tuệ. Nhờ phòng hộ các căn, bụi trần nhiễm ô ngay từ đầu bị chặn đứng, giúp tâm hành giả thanh tịnh định tĩnh dễ dàng.

Tối 13, cũng là thời pháp cuối cùng của khoá tu, Đại đức giảng cho Ni chúng và Phật tử nghe để nhận thức rằng được làm người trong đời này là điều hy hữu, quý báu. Điều thứ hai, Đại đức dạy cho quý Phật tử pháp tu Rải tâm từ để mang lại niềm an vui cho người thân cũng như hoá giải oan trái thù hận. Điều thứ ba, Đại đức nhắc cho toàn thể đại chúng chiếc chìa khoá mở ra kho báu cho thế gian chính là do hàng Tăng bảo đang nắm giữ nên hãy cung kính và tinh tấn tu học theo sự hướng dẫn của chư Tăng Ni.

+ Tóm lại, qua 7 ngày tu tập, có một số điều nổi bật:

Phần lớn hành giả trong khoá tu đều đã từng tham dự khoá Sống chung tu học nên nhu nhuyến, hoan hỷ, tinh tấn trong việc tu tập, học pháp. Kết quả tu tập trong 7 ngày mang lại niềm hỷ lạc cho toàn thể đại chúng.

Khoá tu này có nhiều vị Ni sư tham dự nên không khí tu học của đại chúng ấm áp, vững vàng hơn.

Mặc dù, trụ xứ đăng cai khoá tu ở xa đất liền, chư Tôn Thiền đức Tăng không thuận tiện về thăm đại chúng, song Ban Tổ chức cũng sắp xếp được chư Tăng luân phiên đến sách tấn cho đại chúng.

Khoá tu này khá đặc biệt. Một số Phật tử ham tu từ Buôn Ma Thuột, Gia Lai, An Khê, Tuy Hoà, Ninh Hoà, Vạn Giã, đảo Lý Sơn… tha thiết xin quý Ni trưởng, Ni sư và đại chúng Ni cho hàng Phật tử được tham tu một số thời có thể. Sự cầu mong được học pháp và hành pháp của quý Phật tử rất thoả đáng nên quý Ni trưởng và Ban Tổ chức hoan hỷ cho phép và khuyến khích tinh thần tín thành với Tam bảo của tất cả. Thế nên khoá tu lần thứ 7 này, chỉ trừ một số thời tu đặc biệt như học giới, sám hối, ngoài ra hội chúng còn có sự hiện diện của hàng bạch y.

Hơn thế nữa, mỗi đêm, Ban Tổ chức sắp xếp chương trình thuyết giảng kinh pháp cho Phật tử và bà con địa phương, vực dậy tinh thần học pháp và siêng tu cho tất cả mọi người. Như thế ngoài việc khoá tu có giá trị nhất định đối với hàng xuất gia, còn mang lại lợi ích rất nhiều cho bà con Phật tử.

Trên đây là Tóm tắt Tổng kết về sự tu học của 54 hành giả chúng con trong 7 ngày qua, kính dâng lên chư Hòa thượng và chư Tôn đức Tăng Ni chứng minh.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.