Tổng kết khóa "Sống chung tu học" lần thứ 5

Kính bạch Đại đức Tăng chứng minh;

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô chứng minh;

Thưa toàn thể đại chúng và quý nam nữ Phật tử;

Được sự chỉ dạy của chư Tôn đức trong Ban Tổ chức, con xin thay mặt cho Ban Thư ký báo cáo tổng kết tình hình tu học và sinh hoạt trong khóa "Sống chung tu học" của chư Ni Giáo đoàn III – lần thứ 5 tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Túc, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai từ ngày 21 – 28 tháng 3 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 17 đến ngày 24 tháng 4 năm 2017).

bmac 13

bmac 14

Kính bạch chư Tôn Thiền đức!

Sáng ngày 21, sau thời khất thực hóa duyên của chư Tôn đức Tăng Ni, vào lúc 9 giờ, lễ Khai mạc khóa tu chính thức diễn ra dưới sự chứng minh chư Tôn đức Giáo phẩm của Giáo đoàn III.

Hòa thượng Giác Trí - Phó BTS. GĐ III, kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni của Giáo đoàn, trú trì TX. Ngọc Sơn - Tuy Phước, Bình Định;

Đại đức Giác Hoàng, Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni và chư Tăng trú xứ TX. Ngọc Sơn.

BAN CHỨNG MINH

HT. Giác Hùng – Chứng minh Giáo đoàn III

HT. Giác Tần – Chứng minh Giáo đoàn III

HT. Giác Phương - Chứng minh Giáo đoàn III

BAN TỔ CHỨC

Trưởng ban Tổ chức khóa tu: HT. Giác Trí – Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III.

        Phó ban Tổ chức: ĐĐ. Giác Hoàng - Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III 

Thiền chủ: NT. Hiệp Liên – Trưởng ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III.

Hóa chủ kiêm Giám luật: NT.Cảnh Liên – Phó ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III.

Giám thiền: Ni sư Tỉnh Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Ninh, Lâm Đồng.

                   Ni sư Hạnh Liên – Trụ trì TX. Ngọc Hương, Ban Mê Thuột.

Kiểm soát: Ni sư Chuyên Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc An, An Khê.

                   Ni sư Ngộ Liên – Trụ trì TX. Ngọc Thành, Pleiku.

Thư ký: SC. Hiếu Liên, SC. Hòa Liên, SC. Hoa Liên, SC. Đài Liên

Điển lễ: SC. Hồng Liên, SC. Hội Liên

Trưởng ban Ngoại hộ: SC. Thu Liên

BAN GIÁO THỌ KHÓA TU GỒM CÓ:

HT. Giác Phương, HT. Giác Trí, HT. Giác Trong, HT. Giác Thành, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Nhường, NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, NS. Tỉnh Liên. 

Các hành giả tham dự:

Khóa tu lần này có 66 hành giả (trong đó có 2 vị Ni trưởng, 7 vị Ni sư, 49 Sư cô; 3 Thức-xoa, và 5 Sa-di-ni).

+ Chương trình tu tập mỗi ngày bắt đầu từ 3g45 sáng đến 22 giờ, gồm có 3 thời thiền tọa (2 tiếng rưỡi), 2 thời thiền hành (75 phút), 2 thời tụng kinh (75 phút), 2 thời học pháp (3 tiếng đồng hồ), 1 thời sám hối, chia sẻ kinh nghiệm tu học (60 phút).

+ TÓM TẮT NỘI DUNG PHÁP HỌC:

1. Chiều ngày khai mạc 21.3 âl (17.04.2017), Hòa thượng Giác Trí đảm nhiệm thời học pháp đầu tiên của khóa tu. Hòa thượng tán thán Ni chúng đã tinh tấn tu học mở được 5 khóa tu “Sống chung tu học” cho Ni chúng Giáo đoàn III. Nhờ tích lũy kinh nghiệm tu tập trong 4 khóa trước, nên khóa tu này chắc chắn các hành giả sẽ tiếp thêm nhiều năng lượng, chất liệu tuệ giác. Bên cạnh đó, Hòa thượng gợi mở cho Ni chúng ý thức rõ “tại sao chúng ta cứ mãi lang thang trầm luân sanh tử hoài mà không thoát ra được?” Chính vì chúng ta bị thất niệm. Vì thất niệm, chúng ta bị bóng tối vô minh che khuất tâm trí, hành nghiệp của chúng ta cứ lặp đi lặp lại những bất thiện tâm - tham lam, sân hận, si mê; cứ đi hoài đường mòn sái quấy và thế là loanh quanh trầm luân mãi trong ba cõi sáu đường. Đôi lúc, nhiều vị đã biết được pháp tu rồi nhưng vẫn không sao thực hành được vì không chiến thắng nổi chính mình, không chiến thắng nổi ngoại ma, thế nên khổ vẫn hoàn khổ. Hòa thượng nhắc nhở: “Hãy quay về với chính mình, tập chánh niệm trên từng hơi thở, từng bước chân, từng việc làm nho nhỏ. Bất cứ lúc nào cũng để chánh niệm như ngọn đèn soi sáng trước mặt mới mong có ngày chánh niệm tỉnh giác thường trực nơi thân tâm, nhận biết rốt ráo mọi tâm bất thiện, hầu chuyển hóa hoàn toàn, thành tựu quả vị giác ngộ giải thoát”.

2. Tối 21, Đại đức Giác Hoàng trình bày nội dung phận sự của các chức danh như thiền chủ, hóa chủ, giám luật, giám thiền, kiểm soát, thư ký, điển lễ, v.v... nhằm trang bị thêm cho Ni chúng có kinh nghiệm tổ chức một khóa tu đúng cách, hiệu quả.

3. Sáng và chiều ngày 22 âl, Đại đức Giác Hoàng trình bày 41 chi pháp làm cho Tăng đoàn hưng thịnh trích trong phần đầu bài kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh số 16 thuộc Trường Bộ Kinh. Với tâm nhiệt huyết xây dựng một Tăng đoàn Khất sĩ đúng nghĩa như tôn chỉ đức Tổ sư: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Đại đức đã khéo chọn để tài này phân tích để Ni chúng thấy rõ tầm quan trọng của “sự hòa hợp đúng với giáo pháp”. Ngược lại, nếu không thực hiện được một trong 41 chi pháp này, nhất định Tăng đoàn dần đi đến suy vong. 2600 năm trước, Đức Phật đã đúc kết cô đọng 41 phương pháp quyết định sự tồn vong của Tăng-già. Sự hình thành và duy trì những khóa tu “Sống chung tu học” là góp phần làm cho Tăng đoàn ổn định, hòa hợp, kéo dài mạng mạch đạo pháp. Tạo điều kiện cho các chúng tu tập là việc công đức lớn, cần thiết, thiêng liêng hơn cả mà mỗi người con Phật nên lưu tâm và cố gắng hỗ trợ trong điều kiện hoàn cảnh xã hội ngày nay.

4. Sáng và chiều ngày 23, Hòa thượng Giác Phương – Chứng minh Giáo đoàn III, dù tuổi tác đã 86 rồi vẫn không quản ngại sức khỏe, đường xa, về dạy trong khóa tu theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức, khuyến nhắc Ni chúng. Bằng kinh nghiệm tu tập và kiến giải của mình, Hòa thượng đã chỉ cho Ni chúng thấy rằng trong đạo Phật có rất nhiều điều bất tư nghì, hạng phàm phu không thể nào giải thích được. Vì thế đôi khi người đời cho rằng những chuyện này quá hoang đường, không thật có, như làm sao mà thái tử Tất-đạt-đa lại ra đời nơi hông bên hữu. Hoặc làm sao mà thái tử vừa mới được sinh ra lại đi bảy bước trên 7 đóa sen. Tuy nhiên, người tu tập thật sự, thẩm thấu giáo pháp, có thể sẽ hiểu vấn đề một cách tường tận dưới góc độ triết lý. Hòa thượng nhắc nhở đại chúng hãy chú tâm vào việc thực tập, không chấp trước vào ngôn ngữ ước lượng, không chạy theo thế giới bên ngoài nữa, kéo tâm quá khứ, tâm tương lai về sống ngày trong phút hiện tại đây.

5. Sáng 25 âl, Đại đức Giác Nhường trình bày kinh nghiệm trong tu tập, hóa độ đệ tử. Đồng thời, Đại đức phân tích một vài đoạn Chơn lý mà đức Tổ sư nhấn mạnh nêu rõ tầm quan trọng của tu tập Giới – Định – Tuệ. Trong Chơn lý, bài 16, đức Tổ sư dạy: “Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ phải cần đem theo giới định huệ. Vì không thể nào với cái tham sân si mà được sống đời nên công kết quả cho được?” Bài 12, Tổ bảo: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ”. Bài 11 có đoạn: “Trong mọi sự biến cố của gia đình, bất hòa của xã hội, xung đột giữa anh em… ngoài Khất sĩ ra, không còn ai là bậc cứu tế giải hòa can gián, vì Khất sĩ có đủ ba báu: Giới, Định, Huệ”. Lời Tổ dạy không gì khác hơn công cuộc tiếp nối sứ mệnh truyền pháp của đức Phật. Điển hình trong Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Hạt muối, Ngài cũng dạy rằng “… ba công việc mà một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba? Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng định học, thọ trì tăng thượng tuệ học”. Vậy mới thấy đường hướng tu tập theo quy trình Giới – Định – Tuệ đối với người học Phật, đặc biệt là người con Khất sĩ phải tuyệt đối hành theo, và những khóa tu “Sống chung tu học” như thế này là cơ hội vàng để người con Phật sớm đoạn trừ lậu hoặc về đến đích giải thoát tịch tịnh.

6. Buổi chiều cùng ngày, Ni trưởng Cảnh Liên – Hóa chủ kiêm Giám Luật khóa tu chia sẻ pháp thu thúc lục căn, tiếp thêm năng lượng tinh tấn cho đại chúng. Ni trưởng dẫn dụ câu chuyện dã can và rùa để làm sáng tỏ việc thu thúc lục căn vô cùng quan trọng. Dã can rình rập hại rùa song rùa rất thông minh thu hết 4 chi, đầu và đuôi vào chiếc mai cứng chắc, không để dã can làm hại. Cũng thế, người tu cần luôn hộ trì 6 căn, tiết chế, phòng hộ cẩn thận, ác ma không thể nào quấy phá được. Ác ma luôn dụ dẫn, rình rập những người đang ngày đêm tu tập mong sớm rời bỏ cõi trần giả ảo, khổ đau này. Nếu người tu không tập trung hộ trì sáu căn thì chắc chắn sẽ là kẻ thất bại hoàn toàn. Chúng sinh khổ vì ái dục, si mê, tuy rất khó điều phục, khó giữ gìn lục căn, song nhờ những khóa tu như thế này và hành giả mỗi năm tu được 2-3 lần, việc tu của mình thăng tiến rất nhanh. Thiền tập là pháp hành tối ưu để hành giả chiến thắng những lậu hoặc, phiền não kết tập lâu đời trong tự thân không để ma vương có bất kỳ một cơ hội làm làm lui sụt nhiệt huyết tinh tấn, Bồ-đề tâm.

7. Hai buổi học pháp sáng và chiều ngày 25, Ni trưởng Thiền chủ giảng giải cho đại chúng liễu tri giới pháp trong 114 điều răn của Tổ sư Minh Đăng Quang. Ni sư bảo, dòng sữa mẹ cần thiết cho con trẻ thế nào, chính 114 điều răn này là sữa mẹ nuôi những người con Khất sĩ quan trọng như thế đó, nên hãy hết sức trân trọng hành trì. Ni sư đã dẫn dụ nhiều câu chuyện thật trong đời tu cũng như chuyện diễn ra khi còn đức Thầy Giác An khiến đại chúng xúc động và hiểu rõ hơn nguyên nhân đức Tổ sư đã chế thêm 114 điều răn để chư Tăng Ni Khất sĩ hành trì ngoài giới bổn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Có lúc, lời Ni trưởng tha thiết mong đại chúng tự giác tu hành, có lúc Ni trưởng nghiêm khắc bảo ban, những lời của Ni trưởng là lời của người mẹ, của đàn chị giàu kinh nghiệm đã đánh động tâm tưởng của Ni chúng trong khóa tu. Giới luật nói chung, 114 điều răn của Tổ nói riêng mang lại nhiều lợi ích cho người hành trì, đặc biệt đối với người con Khất sĩ hiện nay.

8. Tuy bận nhiều Phật sự, sức khỏe kém, Hòa thượng Giác Thành cũng tranh thủ thời gian, về Ngọc Túc khuyến tấn Ni chúng. Buổi sáng ngày 26 âl, Hòa thượng đã trích giảng cho Ni chúng bài Lục căn trong Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Buổi chiều Hòa thượng tiếp tục bàn đến ý pháp của Tổ trong bài Bát Chánh đạo – Chơn lý. Bởi muốn đánh tan thiển kiến của một số vị Tăng Ni Khất sĩ trẻ ngày nay cho rằng, Hệ phái Khất sĩ không có giáo pháp biệt truyền. Hòa thượng nhấn mạnh đến bộ kinh điển gối đầu giường của người con Khất sĩ chính là bộ Chơn lý. Biết bao nhiêu giáo pháp trong Chơn lý y cứ kinh văn Phật thuyết và được đức Tổ sư cùng chư đức Thầy tiếp nối hành trì. Cũng chính vì điểm này, đức Tổ sư nêu cao tôn chỉ là : “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Thế hệ Tăng Ni Khất sĩ trẻ ngày nay quên mất ý pháp trong Chơn lý của Tổ Thầy, cũng như kẻ cùng tử lang thang không biết trong chéo áo mình đã có sẵn viên ngọc quý tự bao giờ. Hòa thượng nhắc Ni chúng hãy nhớ đến vô thường, tật bệnh đến với mỗi người bất cứ lúc nào, nên phải ráng tu tinh tấn, không hẹn ngày này sang ngày khác. Lại cố gắng quên cái ta của mình, trên nương Thầy Tổ, bên cạnh hòa vào đời sống chung của huynh đệ đồng tu. Nhờ năng lượng tu học của đại chúng giúp bản thân mình tu học tinh tấn hơn. Pháp tu Phật dạy đã được Tổ sư Minh Đăng Quang giảng giải rõ ràng trong bộ Chơn lý, nếu mọi người trân quý và thường xuyên đọc, suy nghĩ, và thực hành, ắt kết quả thành tựu bốn quả là điều không phải nói suông.

9. Sáng ngày 27 âl, nhị vị Ni trưởng và Ni sư Tỉnh Liên – Trụ trì TX. Ngọc Ninh, Lâm Đồng đọc và giảng giải bài Võ trụ quan, bài thứ nhất trong Chơn lý. Đây là một bài chơn lý khá trừu tượng đòi hỏi các hành giả tập trung suy tư nhiều hơn mới hiểu được. Tuy nhiên, theo sự diễn giải, giả dụ của đức Tổ sư nên người đọc nói chung và Ni chúng tham dự trong khóa tu nói riêng hiểu thêm một phần về thế giới, vũ trụ chúng sinh đang sống.

Đồng thời, trước sự tận tình chia sẻ của chư Tôn đức Ni, đại chúng cũng hoan hỷ và ít nhiều nhận chân ra được, cá nhân mỗi người quá bé nhỏ so với võ trụ bao la này. Từ việc thấy mình như cát bụi mà mỗi hành giả tự bào mòn bớt đi bản ngã, bớt tâm bất thiện, để kịp theo dòng tiến hóa của chúng sinh trong vũ trụ. Hơn nữa, đại chúng thấy được lợi ích của việc sống chung giúp đại chúng hiểu biết, siêng năng hơn, đúng như lời Tổ dạy: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung” vậy.

10. Chiều ngày 27, Hòa thượng Giác Trong – Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III, quang lâm giảng giải giáo pháp cho Ni chúng. Hòa thượng nhắc cho đại chúng tuy bảy ngày ngắn ngủi so với dòng chảy thời gian vô cùng nhưng nếu đại chúng sống được 7 ngày này với tánh Phật thì mỗi người đã khắc họa được dấu ấn Pháp vương trong tâm, đã sống được trong đời sống diệu dụng, sát na chân thường của chư Phật ba đời, đã nghe được viên âm diệu giác của chư Phật. Hòa thượng cũng chỉ điểm cho đại chúng thấy Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo xuất gia cách thời Tổ sư Minh Đăng Quang khoảng 1500 năm, vậy mà ý pháp không hề sai khác. Lục Tổ bảo: “Mục đích của sự tu là ngộ được tâm Phật sẵn có của mình, nếu không ngộ được như vậy, quả thật là vô ích...”. Tổ sư Minh Đăng Quang ở thế kỷ XX bảo: “Thờ tượng Phật không bằng kinh sách. Thờ kinh sách không bằng thờ ông thầy dạy đạo. Thờ ông thầy dạy đạo không bằng thờ bản tâm của mình...”. Hòa thượng khuyến nhắc sự tu với thầy nơi quê hương cũng không khác với những vị đang du học nước ngoài. Tu học ngay giây phút hiện tại với mọi hành hoạt cử động, chánh niệm ngay giây phút hiện hữu ấy, dù kẻ đi học, người ở nhà đều cần sống với chánh niệm ấy. Khuôn vàng thước ngọc của Thiên Nhơn Sư Thích-ca Mâu-ni và mười phương chư Phật ba đời không thiếu trong 19 bài học Sa-di. Thiếu hay không là do chúng ta. Dù đi học nơi đâu, bao lâu, đều phải trở về lại nơi tâm Phật của mình. Và các vị thầy làm thế nào định vị cho đệ tử mới nhập đạo con đường tu tập chân chính mới trọn đạo làm thầy.

+ KINH NGHIỆM TỪ SỰ TU:

Khóa này, Ban Tổ chức chú trọng sắp xếp giờ trình pháp cho các hành giả có cơ hội tiếp xúc thân cận các bậc thầy để bày tỏ hoài bão, nguyện vọng trên con đường tìm cầu giải thoát, cũng như trình bày khó khăn trong việc tu, phương pháp hành trì trong đời sống sinh hoạt bổn tự để chư Tôn đức Ni giúp đỡ, chỉ dạy.

Sau 3 buổi trình pháp, có hai điều nổi bật như sau:

Phần lớn hành giả khóa tu này đều đã tham gia 2-3 khóa nên có ý thức cao, phương thức sống chung tu học thuần thục, cảm nhận được niềm an vui khi tu học chung. Theo đó, pháp tu bản thân cũng chín muồi dần nên hành giả có cảm nhận nguồn an lạc do thực tập giáo pháp mang lại.

Tuy nhiên, có một số ít hành giả mới tu khóa đầu hoặc thứ hai, cảm thấy đau nhức thân thể, tứ chi, tâm vọng lăng xăng rất nhiều. Song không vì thế mà những vị ấy thối lui. Được sự nhắc nhở tận tình trong tình Linh Sơn cốt nhục, quý Ni đều thấy giá trị do khóa tu sống chung mang lại và mong sẽ được tham dự những khóa tiếp theo.

Sáng ngày 28 âl, sau khi đi khất thực về, lúc 9g đại chúng làm lễ Bế mạc dưới sự chứng minh của Hòa thượng Giác Tần, Hòa thượng Giác Trong và Đại đức Giác Bổn. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm trong niềm hoan hỷ của chư hành giả vừa trải qua 7 ngày tu an tịnh.

NHẬN XÉT CHUNG

Nhờ sự gia hộ của Tam bảo, và nương ân đức của chư Tôn đức Tăng Ni, 7 ngày tu tập trôi qua, đại chúng được sống bình an, ít bệnh hoạn, tu học tinh tấn, an lạc.

Càng ngày đại chúng nhận ra được lợi ích khi được tham dự các khóa tu sống chung nên có hoài bão, chư Tôn đức Tăng, quý Ni trưởng, Ni sư thường xuyên tổ chức các khóa tu tạo duyên lành cho chư Ni trong Giáo đoàn III về tu.

Trên đây là tóm tắt tổng kết về sự tu học của Ni chúng chúng con trong 7 ngày qua, kính dâng lên chư Hòa thượng và chư Tôn đức Tăng Ni chứng minh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.