Tổng kết khóa tu lần 18 chư Ni Phân đoàn 2 - GĐ IV

Với tinh thần lưu giữ truyền thống “Nên tập sống chung tu học” theo lời dạy của đức Tổ sư Minh Đăng Quang nên khóa tu “Giới – Định Huệ”  lần thứ 18 do chư Ni Phân đoàn 2 Giáo đoàn IV tổ chức được diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 8 tháng 2 năm Mậu Tuất (nhằm 18-24 tháng 03 năm 2018) tại Tịnh xá Ngọc Hiệp ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Nội dung khóa tu lần này được cơ cấu và tổ chức như sau:

BAN TỔ CHỨC

Chứng minh: NT. Khoa Liên

Giáo thọ: NT. Khoa Liên, NS. Tuyết Liên

Điều phối: NS. Duyên Liên, SC. Thanh Liên

Kiểm soát: SC. Tâm Liên, SC. Nghiêm Liên

Thư Ký: SC. Hòa Liên, SC. Huệ Liên

Hộ thiền: NS. Duyên Liên, SC. Ý Liên và chư Ni Tịnh xá Ngọc Hiệp.

SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ THAM DỰ

Tham dự khóa tu lần này có sự hiện diện 23 hành giả từ 10 tịnh xá khác nhau  trở về tham dự. Trong đó 19 vị có Tỳ-kheo-ni, 3 vị Thức-xoa-ma-na, 1vị Sa-di-ni.

THỜI KHÓA BIỂU VÀ NỘI DUNG TU HỌC

Cũng như những khóa tu trước, thời khóa được bắt đầu từ 3 giờ 45 phút và kết thúc và lúc 21 giờ .

Vào lúc 20 giờ ngày mùng 1, khóa tu được chính thức khai mạc trong bầu không khí trang nghiêm và thấm tình đạo vị. Sau phần niêm hương, lễ Phật, chư Tôn đức Ni trong Ban Tổ chức cùng chư hành giả đã có một buổi họp để thông qua thời khóa tu tập, nội quy và một số vấn đề khác trong khóa tu , điều này đã thể hiện được tinh thần lục hòa trong đời sống tu học của người xuất gia.

NỘI DUNG TU HỌC

Có thể nói trong suốt những  khóa tu diễn ra trong phân đoàn, Ni sư trụ trì TX. Ngọc Hiệp luôn là người chủ chốt trong việc chia sẻ và giảng giải về Chơn lý của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Với kiến thức về pháp học và pháp hành mà Ni sư đã tích lũy được trong nhiều năm tu học, với tinh thần “kiến thức riêng chỉ giải cho nhau”, nên khóa tu lần này Ni sư đã tiếp tục triển khai cùng với đại chúng với những bài Chơn lý sau:

Ngày thứ nhất, với Chơn lý “Nguồn đạo lý” Ni sư đã gợi lên cho đại chúng biết được con đường đi của người học đạo là không phải dễ, không phải con đường trải đầy thảm đỏ, con đường ấy được đức Tổ sư diễn tả “Vẹt đất nhảy lên, phá địa ngục mà ra, xé càn khôn mà đến, đạp sanh tử mà đi, làm chủ lấy mình…” Tuy nhiên, để tìm được cái đạo lý hay chơn lý tuy gian nan, khó khăn là vậy nhưng nó không phải ở những nơi sâu xa hiểm hóc mà chúng ta thường nghĩ mà nó nằm ngay đời sống thường nhật của mình. Sống đời sống thật đạo đức là chơn lý đã hiển hiện ra rồi.

Ngày tu thứ hai, Chơn lý “Con sư tử”, Ni sư đã cho đại chúng biết được rằng cái tâm mà không có sự thống trị của cái thiện thì nó sẽ trở thành mối nguy hiểm cho chính mình và cho cả mọi người xung quanh. Khi ác, chúng ta chẳng khác nào là con sư tử ngông cuồng ngạo mạn, chìm đắm trong tội lỗi vì chưa được chế ngự bởi giới và luật. Nhưng khi khổ đau xảy đến thì mới có mầm móng của sự giác ngộ, khi ấy hiểu ra được rằng những thú vui trần thế không lợi ích mà mình đã tạo ra trong quá khứ, bậy giờ nó sẽ hại  lại chính mình. Cuộc sống là phải tiến hóa, tiến hóa từ ác đến thiện, từ thiện ít tăng trưởng lên thiện nhiều, có như vậy mình mới làm chủ chính mình. Cũng như Đức Phật khi xưa, Ngài đã làm chủ được chính Ngài và Ngài đã dạy cho đệ tử của mình cũng y như thế.

Ngày tu thứ 3, với chơn lý “Đi học”, Ni sư đã làm rõ cho đại chúng hiểu về lợi ích của việc học. Ở đây, sự học không giống với cái học của thế gian, học để kiếm ăn, học để tranh đấu hơn thua, mà sự học ở đây cao cả hơn là phải xin học, xin nơi vạn vật để học, từng phút, từng giây không được xao lãng. Một người xuất gia, Pháp bảo chính là bài học hay nhất, quý báu nhất, chính trong từng cái có, cái mê, cái đau khổ… là mỗi bài học, học cách từ bỏ chúng, pháp bảo vô tận, sự học vô bờ bến, bài học thì ở khắp chốn mọi nơi. Nhưng trong khi học thì tâm chúng ta phải thật yên lặng, trống không, thiền định, quán xét… có như vậy sự học mới có kết quả. Vậy nên, đức Tổ sư có nói “cõi đời là trường học, pháp giác là bài học, chúng sanh là học trò, thời gian trôi qua là đi tới, tất cả ai ai cũng đang đi học hết thảy”.

Ngày tu thứ tư, với Chơn lý Đời đạo đức”, Ni sư đã giảng nghĩa cho đại chúng hiểu hơn về ý nghĩa của 2 từ đạo đức. Với cách định nghĩa mới từ Chơn lý của đức Tổ sư làm cho chúng ta hiểu nhiều hơn về tầm quan trọng của đạo đức. Đạo đức không chỉ còn biểu hiện ở lối sống mà nó còn nhân rộng ra hơn về người đạo đức, xứ đạo đức, lời đạo đức… Cái hay ở bài này là Tổ sư đã thể hiện rõ ràng và lồng ghép rất hoàn hảo về mối liên hệ giữa tuổi đời của một con người từ trẻ nhỏ cho đến thành ông già cùng với giới luật của một vị xuất gia từ thấp đến cao. Mỗi lớp tuổi là mỗi một giới, tuổi nhiều thì giới nhiều, đạo đức nhiều.Tuy nhiên, không phải rập khuôn như vậy, làm một người xuất gia phải tập mình trờ thành một ông già khi tuổi đời còn nhỏ, có như vậy đạo mới được thạnh và nơi nào được như vậy thì nơi đó có an vui và hạnh phúc.

Ngày tu thứ năm, trong Chơn lý “Đại thừa giáo”, đức Tổ sư đã kiên định khẳng định sự hẹp hòi, sự có học không tu, không cần hạnh của cái gọi là Đại thừa giáo. Khác với định nghĩa, Đại thừa là cổ xe lớn, chứa nhiều người thoát khỏi sanh tử mà chúng ta thường gặp hay được học. Ở đây, với Tổ sư, Đạo Phật mãi sẽ là Đạo Phật, không phải vì sự thay đổi nào mà đạo Phật trở thành Đại thừa giáo của xứ Tàu hay nho Đạo của Khổng tử, nhân đạo nhỏ hẹp được, Tổ sư mạnh mẽ lên án các vị sư học Phật mà hành Nho, cho rằng Đại thừa giáo là một tai nạn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổ sư đã nhấn mạnh vai trò ,trách nhiệm của một vị Thầy khất sĩ. Với tất cả lỗi lầm, tội phước, nên hư của học trò đều ở trong tay vị thầy. Sự truyền đạo là truyền từ từ, một thầy một trò, trò này nên rồi mới thâu nhận trò mới, cứ như vậy mà đạo tuy ít nhưng vững chắc, còn Đại thừa chở nhiều mà chẳng ra làm sao thì không khéo đạo sẽ bị tàn phá, mất gốc, chẳng còn là đạo Phật.

Ngày tu thứ sáu, với “Xứ thiên đường”, Ni sư đã làm cho đại chúng hiểu được rằng không phải thiên đường ở đây là cõi chư thiên, cõi Trời… mà nó hiện hữu ngay trong cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cho ra bằng cách học và hành theo lời dạy của Phật. Giữ giới luật luôn là điều tiên quyết, “Xứ thiên đường là bước chân đi lên của hạng người vật chất, là con đường từ ác đến thiện, từ thân đến tâm, từ vỏ đến ruột”. Để được sống trong xứ thiên đường thì cần phải có tinh thần giác tánh chơn như, lấy giới định tuệ làm món ăn cho cái giác, để tiêu trừ cái độc tham-sân-si, bảo giữ sự toàn chơn chí thiện. Bên cạnh đó phải tập phước thiện bố thí để trừ tham, nhẫn nhục để trừ sân, trí tuệ để trừ si mê. Cuối cùng sẽ đến chơn như tự nhiên, không vọng động. Đây là nơi yên vui, trầm tĩnh, thanh nhàn nên ai ai cũng mau đến xứ thiên đường theo lẽ tự nhiên .

Cuối cùng, Ni sư chia sẻ với đại chúng về Chơn lý “Vị hung thần”. Qua bài này, đại chúng hiểu hơn về giá trị của sự tàm, quý. Sự hối lỗi của vị hung thần cũng giống như một người đi từ bóng tối ra ánh sáng. Tài trí thì dễ dàng tìm được nơi một người nhưng đức hạnh thì khó kiếm vô cùng. Cho dù chúng ta có là một người đầy dẫy quyền lực trong tay, ác tâm bao phủ nhưng khi đói chọi với đức thì cũng sẽ trở nên vô dụng. Vậy nên trong đời, đạo đức luôn là điều cốt yếu hơn hết, nó dẫn đường cho mọi sự thành công trong cuộc sống, nó đem lại yên vui và sự giải thoát vĩnh viễn. Đạo cũng vậy mà đời cũng vậy, nơi nào thiếu đạo đức là nơi đó sẽ khổ đau cũng như thiếu ánh sáng thì bóng tối sẽ bao phủ.

Ngoài việc học Chơn lý, Ni sư Tuyết Liên còn triển khai thêm cho đại chúng hiểu về một số vấn đề trong bộ luật “Trùng Trị Tì Ni Sự Nghĩa Tập Yếu” của luật sư Đổng Minh và Ni sư đã tìm những nét tương đồng từ bộ luật này với bộ “Luật nghi Khất sĩ” của Tổ sư Minh Đăng Quang để làm sáng tỏ thêm về nội dung cũng như ý nghĩa của giới luật.

Đặc biệt, đến với khóa tu lần này có sự hiện diện của Thượng tọa Minh Thành, Tiến sĩ Phật học Ấn độ. Thượng tọa đã đến chia sẻ kinh nghiệm tu tập cùng giải đáp những thắc mắc mà hành giả gặp phải trong quá trình tu học và nghiên cứu Chơn lý. Có thể nói, với sự hài hước vốn có ở nơi Thượng tọa, cùng học thức uyên thâm mà Ngài đã học được từ nhiều năm trong nước cũng như nước ngoài, đã làm cho không khí buổi học rất sinh động, giải đáp hầu như hoàn hảo mọi câu hỏi, cùng với sự hoan hỷ của tất cả hành giả.

Có thể nói rằng, buổi chia sẻ pháp này cũng giống như buổi trình pháp, trong những bài học Chơn lý mà chư hành giả được học, đọc, có chỗ nào chưa hiểu, chưa thông, chưa sáng đều thưa lên để Thượng tọa để giải đáp thắc mắc. Buổi pháp thoại này, Thượng Tọa giảng giải những ý pháp của đức Tổ sư thông qua đời sống hằng ngày, những việc đơn giản nhất mà chúng ta đối duyên hằng ngày cũng là một phương pháp tu tập, nhưng vì sự vô minh che lấp nên không nhận thấy ra được. Nơi thân tâm của một người xuất gia phải chứa đầy đủ về đạo đức, là nơi chứa Tam tạng pháp bảo mà Phật đã dạy, đời này học, đời sau học, học mãi... Người xuất gia phải chuyển đổi những nguyên vật liệu hữu hiện thành cái cao cả thiêng liêng, cái siêu hình, cái Niết-bàn. Điều lạ và hay ở đây là trong mỗi thời gian nhất định của thời pháp, khi có tiếng chuông vang lên, Thượng tọa cùng chư hành giả đều ngưng nghỉ mọi thứ để trở về cái chơn như. Sự giác ngộ là ở nơi tâm, nơi sự thật, Đạo Phật không phải bị gán ghép bởi bất kỳ một tông phái nào, dù Nam tông, Bắc tông hay Khất sĩ, ai cũng đi theo con đường của Phật, ai hành rồi cũng sẽ thành Phật.

BAN HỘ THIỀN

Đến với khóa tu lần này, ngoài việc hành giả được no đủ về pháp thì bên cạnh đó chư hành giả cũng được nuôi dưỡng đầy đủ về sự ăn, mặc, ở.... Chúng con xin chân thành tri ân quý Ni sư, Sư cô cùng chư Phật tử tại Tịnh xá Ngọc Hiệp, đã vì sự tu học của chúng con mà không quản sự khó nhọc. Quý vị đã thức khuya dậy sớm để lo cho hành giả chúng con có được sự no  đủ trong mọi lúc. Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Ni sư, Sư cô luôn được che chở trong pháp của chư Phật và chư Phật tử luôn có được những phút giây an lạc hạnh phúc trong kiếp hiện tại.

KẾT LUẬN

Trong suốt thời gian diễn ra khóa tu, nhìn chung các hành giả đều thực hiện tốt nội quy của Ban Tổ chức, chấp hành tốt thời khóa tu học. Với mong muốn được sống trọn vẹn trong hạnh nguyện Tứ Y Pháp, nên hành giả không sử dụng điện thoại di động, không cất giữ tiền bạc, giữ yên lặng và chánh niệm trong tất cả oai nghi. Với bảy ngày tu tập, hành giả luôn cảm nhận được sự an lạc và hoan hỷ, Đại chúng được chư Tôn đức Giáo thọ truyền trao những ý pháp quý báu của Tổ sư. Đây là tài sản pháp bảo vô giá mà hành giả được thọ nhận từ nơi quý Ngài.

Lời cuối cùng, chư hành giả chúng con không biết nói gì hơn là nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô được pháp thể khương an, tuổi thọ miên trường ,mãi là ngọn đèn trí tuệ soi sáng cho chúng con trên bước đường tu học giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.