Tổng kết khóa tu lần 19 chư Ni Phân đoàn 2 - GĐ IV

Hệ phái Khất sĩ ngày càng phát triển về mọi mặt đặc biệt là những khóa tu, hướng đến mục đích “Nên tập sống chung tu học” theo tinh thần của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, đi con đường Giới - Định - Tuệ, con đường duy nhất tiến đến sự giải thoát của một vị xuất gia. Cũng vì lẽ ấy mà chư Ni Phân đoàn 2 – Giáo đoàn IV tổ chức khóa “Sống chung tu học” lần 19 (từ mùng 2 – 9/3 Mậu Tuất, nhằm 17 – 24/4/2018) tại Tịnh xá Ngọc Phú, số 64 đường Ni sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

BAN TỔ CHỨC

Chứng minh: NT. Lan Liên, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, trụ trì TX. Ngọc Vân - Thủ Đức; NT. Khoa Liên, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, trụ trì TX. Ngọc Ẩn.

Ban tổ chức: NS. Tuyết Liên, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, trụ trì TX. Ngọc Hiệp; NS. Chiếu Liên, trụ trì TX. Ngọc Phú .

Giáo thọ: NS. Tuyết Liên, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, trụ trì TX. Ngọc Hiệp

Điều phối: NS. Duyên Liên

Kiểm soát: NS Tiến Liên

Thư ký: SC. Thanh Liên, SC. Huệ Liên

Hộ thiền: SC Tùng Liên, SC. Loan Liên và chư Ni cùng Phật tử Tịnh xá Ngọc Phú.

SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ THAM DỰ

Tham dự khóa tu lần này có sự hiện diện 24 hành giả đến từ 11 trú xứ khác nhau, trong đó  vị có 22 Tỳ-kheo-ni, và 2 vị Sa-di-ni.

THỜI KHÓA BIỂU VÀ NỘI DUNG TU HỌC

Như những khóa tu trước, khóa tu lần này bắt đầu từ lúc 3 giờ 45 và kết thúc vào lúc 21 giờ.

Buổi chiều, ngày mùng 1 tháng 3, chư Ni từ các trụ xứ trở về vân tập tại TX. Ngọc Phú để ổn định phòng và một số vật dụng cần thiết. Vào lúc 20 giờ cùng ngày, lễ khai mạc diễn ra trong niềm hoan hỷ vô biên của chư hành giả. Sau phần nghi thức niêm hương, lễ Phật, Pháp, Tăng và đảnh lễ chư Tôn đức Ni, hội chúng có một buổi nhóm chúng để triển khai nội quy và một số vấn đề khác diễn ra trong khóa tu.

Khóa tu “Sống chung tu học” được diễn ra trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp nên đã hướng đến mục đích là tập sống chung cùng đại chúng và cùng nhau tìm đọc và hiểu về Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Với chí nguyện cao cả này nên chư Tôn đức Ni trong Ban Lãnh đạo giáo đoàn luôn mong muốn chư Ni tiếp cận với Chơn lý để có thể hiểu và nhận thấy được những tinh túy mà Tổ sư đã để lại đúng theo tinh thần biệt truyền của Hệ phái Khất sĩ.

Trong nhiều khóa, Ni sư Tuyết Liên vẫn là vị Giáo thọ tích cực hướng dẫn cho chư hành giả đọc và tìm hiểu Chơn lý. Trong quá trình đọc, chư hành giả nào chưa hiểu hay gút mắt chỗ nào thì có thể thưa lên. Với kiến thức do sự tu tập và nhận định của mình, Ni sư giáo thọ giải đáp những khó khăn mà hành giả đang gặp phải. Mỗi ngày là một bài học hay, mỗi ngày là mỗi quyển Chơn lý với những tinh hoa khác nhau.

Ngày tu thứ nhất, với Chơn lý “ Phật tánh”, Ni sư gợi ý cho đại chúng hiểu hơn về định nghĩa của danh từ “tánh”. Mọi vật trên vũ trụ này đều được sanh ra từ tánh, là gốc vốn cội nguồn là nguyên lý là bản chất… Khi mới đọc thì có phần hơi khó thâm nhập, nhưng Ni sư đã gợi ý và làm cho đại chúng rõ hơn rằng “cốt yếu, Tổ sư muốn chư hành giả chúng ta, người xuất gia thiệt thọ là phải biết trau tâm, làm cho cái bản tánh của mình trở thành chơn tánh. Tánh của chư Phật, lấy giải thoát làm mục đích, bên cạnh đó chúng ta cần phải loại trừ những vọng tánh mê lầm, tánh ma ,tánh tham, sân, si độc ác vốn nó hiện hữu sẵn trong tâm của mỗi người”.

Ngày tu thứ hai, hành giả học Chơn lý “Học để tu”. Ở đề tài này, Tổ sư đã lên án mạnh mẽ việc học thế tục. Tổ sư lấy mẩu chuyện của ông A-nan để ẩn dụ cho sự học bên ngoài mà không soi xét ở nội tâm thì không thể nào vào trong hội nghị kết tập, vì chính nơi đó là nơi chứa đựng sự giác ngộ, nơi của sự giải thoát, chỉ khi dẹp bỏ tâm ngã mạn thì mới có thể thấy được sự vi diệu của giáo pháp. Đức Tổ sư nói: “Kẻ ỷ học là dốt trở lại, còn kẻ biết mình dốt, là sẽ được học thêm. Hay cũng là: từ cái có học về sự giả, thông minh, bề ngoài, mới đến cái dốt của sự thật, rồi từ cái dốt lẽ thật, mà đến được học cái thật, kêu là thật học, học bên trong. Điều này tức là chơn lý võ trụ ở bên trong nền đức hạnh, thánh tâm, yên lặng, tự nhiên như dốt nát, chớ chẳng phải ở nơi ngoài sự khoe khoang loạn vọng của kẻ phàm phu, có sự hơn thua, giỏi dỡ, khen chê, cao thấp”.

Ngày tu thứ ba, trong Chơn lý “Đạo Phật”, Tổ sư làm rõ và sáng hơn về giá trị của tâm cầu học đạo, phải nên dẹp bỏ cái sở kiến riêng tư, lòng ngã ái của mình và cần nên phải thật khiêm tốn trong việc thọ học pháp, hãy xem mình thật ngu dốt thì mới thấy giá trị của sự tu. Bên cạnh đó, Tổ sư cũng lên án “Tăng sư là người không còn có ham mộ nghi lễ cúng kiến nữa. Chính Phật Tăng xưa kia, không có thờ cúng lễ bái thần quyền, tham vọng. Mà đúng chơn lý, thì tất cả chúng sanh hay Phật, là bình đẳng như nhau, há có ai lại đi bắt buộc thờ cúng lễ bái ai sao? Hoặc may ra, những kẻ sanh sau tội lỗi, nên tự họ lễ bái kính trọng bậc Phật Thánh, là để noi gương, cùng tự họ cung dưỡng ông thầy, là để giữ cất sự học dạy, tự ý nơi kẻ đi sau, chớ nào phải ai ép buộc. Từ xưa kia Phật Tăng nào có bày ra sự cúng kiến tế lễ, mời thỉnh rủ ren, để cho người ta dâng cúng cho mình đâu. Các Ngài nào có buộc bắt ai phải lạy bái. Các Ngài nào có bảo ép, phải có dâng lễ vật mới là dạy đạo. Các Ngài đâu có đi bày sự cúng kiến để đi mời thỉnh đặng tính lỗ lời…”. Bổn hoài của một vị khất sĩ là xin, cho, dạy và học nhưng phải hợp lẽ đạo. Trong Chơn lý này, Tổ sư cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng về việc không thuyết pháp cho người vô lễ nghe; vì đạo chỉ đến với người hữu duyên và có tâm mong cầu, còn với người không am hiểu và thiếu phép thì chỉ thêm tội lỗi và phá hại  mà thôi. Vậy nên những ai là đệ tử của Phật, cần phải chỉnh đốn và chấn hưng thì đạo Phật mới trở nên tốt đẹp và lưu truyền mãi về sau.

Ngày tu thứ tư, với Chơn lý “Tu và nghiệp”, Ni sư trả lời những câu hỏi của hành giả và làm cho đại chúng hiểu thông về ý nghĩa của nghiệp theo ý pháp của đức Tổ sư. Tất cả những gì mà chúng ta gây tạo ra trong đời quá khứ, chúng ta đều phải chịu trách nhiệm trước những việc mà chúng ta đã làm, hoặc xấu hoặc tốt, không một ai có thể chịu trách nhiệm thay cho mình được, dầu vị đó có là A-la-hán, hay là thiền sư đắc đạo đi chăng nữa… Vậy nên Tổ sư cũng đã nói “Ấy vậy sự tu của chúng ta, trước là phải không gây tạo nghiệp nhơn, cho ngày nay và sẽ tới. Sau lại là phải rán vui chịu trả đền quả báo của nghiệp cũ đã qua. Bằng như muốn trả bằng cách mau chóng nhẹ nhàng, thì phải cố gắng thật tu tiến hóa, và đem đạo lý chỉ giải cho khắp cõi đời, cho tất cả đều tu biết đạo, thì mình mới được yên vui tịnh định”.

Thân trong sạch ấy là xứ Phật.

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật.

Ý trong sạch ấy là con Phật.

Tâm trong sạch tức là đức Phật.

Ngày tu thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, đại chúng học Chơn lý “Pháp Tạng”, “Vô Lượng Cam Lộ” và “Quán Thế Âm”. Ba quyển Chơn lý này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong đó, Tổ sư đã giải thích ý nghĩa pháp qua những câu chuyện ẩn dụ. Ni sư diễn đạt lại ý của Tổ sư cho đại chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa trong kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn mà bấy lâu nay chúng ta đã đặt định cho nó là kinh cầu siêu và cầu an nhưng không hiểu nghĩa lý trong mỗi từ ngữ, mỗi việc làm, mỗi biểu tượng trong kinh là như thế nào. Ở đây, Tổ sư đã diễn giải kinh A Di Đà không phải là siêu cho người mất mà là làm an lạc cho người đang hiện hữu, đang tu tập: “Vậy thì ai ai cũng có chơn tâm Phật A-Di-Đà, và thân Khất sĩ là Cực lạc Tây phương ấy hết.” Còn kinh Phổ Môn thì nêu cao tấm lòng từ bi thể hiện qua nhân vật Quan Thế Âm: “Mỗi ai cũng có thể là Quan Thế Âm là phải quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm. Vậy thì ai ai cũng sẵn có Quan Thế Âm là tâm đại bi, tâm đại bi là Quan Thế Âm hết”.

Tổ sư thật là một vị đại ngộ, đại chứng! Ngài đã dùng kinh điển của Bắc truyền để minh họa cho ý pháp của mình, Ngài không lên án chê bai, hay khen ngợi bất kỳ tông phái nào. Bằng cách ôn hòa, Ngài tiếp nhận và giảng giải theo sự tu chứng của mình, làm cho kinh điển trở nên có ý nghĩa trong việc đọc và tụng hằng ngày. Vậy nên với Tổ sư “Nhứt là trong những thời kỳ xa Phật, chúng ta phải nên thờ Pháp tạng hơn là thờ cốt tượng Phật, vì cốt tượng Phật không có dạy dỗ quý báu bằng Pháp tạng”.

Với những ngày học Chơn lý, Ni sư TX. Ngọc Hiệp thường nhắc nhở chúng ta phải đọc bằng cái tâm cầu thọ học pháp, dẹp bỏ những cái tư tưởng Nam truyền hay Bắc truyền mà đem vào để áp đặt trong Chơn lý, cũng không nên cố chấp văn tự mà hiểu sai ý Tổ sư. Cũng vì lẽ đó mà Ni sư luôn sách tấn chư Ni phải nói lên suy nghĩ của mình sau mỗi bài học. Tổ sư đang dạy chúng ta đi theo con đường mà Ngài đã đi, nhưng vì ra đời khá muộn nên sự phổ biến của Chơn lý vẫn chưa rộng, và nguyện vọng của Ni sư là muốn cho chư Ni trẻ phải quan tâm đến Chơn lý nhiều hơn, làm sáng tỏ những giá trị mà Tổ thầy đã để lại.

Bên cạnh việc trùng tụng và chia sẻ ý pháp trong Chơn lý, Ni sư còn rất quan tâm về giới luật. Trong khóa tu lần này, Ni sư tiếp tục chia sẻ với đại chúng về bộ luật “Trùng trị Tì-ni sự nghĩa tập yếu” của luật sư Đổng Minh. Ni sư tiếp tục đọc và chia sẻ rất chi tiết và tận tường về nội dung trong bộ luật. Ni sư còn thỉnh sách về giới luật cho chư Ni tham khảo, và hiểu rõ từng giới mà mình đã thọ để giữ cho được trọn vẹn hơn. Sự nhiệt huyết và tâm hy sinh của Ni sư luôn là động lực cho đại chúng phải tinh cần, và cố gắng rất nhiều.

Niềm hoan hỷ và động lực cho hành giả chúng con trên bước đường học Phật là nhờ vào không ít những công lao mà quý Ngài đã hy sinh và tận tụy vì đàn hậu học. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng Ni trưởng chứng minh cùng quý Ni trưởng vẫn không rời chúng con bất kể thời khóa nào. Nhìn quý Ngài mà chúng con thấy mình thật hỗ thẹn, sự hy sinh của quý Ngai làm con phải tinh tấn nhiều hơn nữa mới có thể đền đáp hết công ơn sâu dày này.

BAN HỘ THIỀN

Trong khóa tu lần này, ngoài việc chúng con được no đủ về giáo pháp thì bên cạnh đó chúng con cũng được no đủ về phẩm thực. Chư Ni cùng Phật tử tại Tịnh xá Ngọc Phú đã phải khổ lực lo cho chúng con những bữa điểm tâm sáng cùng ngọ trưa thật đầy đủ dưỡng chất với mong muốn cho hành giả tu thật tốt. Hành giả chúng con không biết nói gì để tri ân công đức của chư Ni cùng quý Phật tử. Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư Ni cùng Phật tử luôn được sống trong sự bao bọc của yêu thương và hạnh phúc.

KẾT LUẬN

Thành quả: Có thể nói, kết thúc khóa tu ai cũng đầy niềm vui và hoan hỷ, mỗi hành giả chúng con ai cũng đều được nêu lên suy nghĩ của mình, ban đầu là sự ép buộc rồi dần đến thích thú, hòa đồng. Mỗi vị là mỗi cách suy nghĩ khác nhau. Chúng con được sống trong môi trường không công nghệ kỹ thuật, không cất giữ tiền bạc, mỗi ngày một bữa, đơn giản. Tuy không trọn vẹn hạnh nguyện của Tứ Y Pháp nhưng phần nào chúng con cũng được học cách buông bỏ so với lối sống hằng ngày nơi trú xứ. Được sống, được sinh hoạt gần gũi với quý Ni trưởng, Ni sư là diễm phúc lớn cho chúng con. Chúng con học rất nhiều điều từ quý Ngài, một cuộc đời hiến dâng cho đạo Pháp.

Nhược điểm: Tuy nhiên, chúng con còn rụt rè trong quá trình học pháp, thiếu sự tự tin, thụ động …  khi nêu lên ý kiến của mình, chúng con còn lơ là và không giữ trang nghiêm khi ở trong hội chúng làm cho quý Ni trưởng phải bận lòng nhắc nhở.

Lời cuối cùng, chư hành giả chúng con không biết nói gì hơn là nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô được pháp thể khương an, tuổi thọ miên trường ,mãi là ngọn đèn trí tuệ soi sáng cho chúng con trên bước đường tu học giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.