Tổng kết khóa tu lần 5 - Ni giới PĐ 1, GĐ IV

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô và đại chúng,

Kính thưa quý Phật tử hiện diện,

Để tiếp nối và phát huy truyền thống tu học của hệ phái nói chung và của Phân đoàn 1 nói riêng, thực hiện pháp học và hành trên tinh thần giới định tuệ, chư Tôn thiền đức Ni, hàng giáo phẩm của Phân đoàn I, đã tổ chức luân phiên các khóa tu trong mỗi ngôi tịnh xá của phân đoàn. Để đúc kết quá trình tu học sau 7 ngày của khóa tu lần 5, con xin báo cáo nội dung tu tập, kính dâng lên quý Ni trưởng, Ni sư cùng toàn thể đại chúng liễu tri.

Số lượng hành giả tham dự 27 vị, gồm: 2 Ni trưởng, 2 Ni sư, 20 Sư cô, 2 Thức-xoa, và 1 Sa-di-ni.

THÀNH PHẦN BAN CHỨNG MINH VÀ BAN TỔ CHỨC

1. Ban Chứng minh:

Ni trưởng Thắng Liên, phó Phân đoàn I kiêm trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm, Bà điểm, Hóc Môn, TP. HCM

Ni sư Thức Liên, giáo phẩm Phân đoàn, trụ trì Tịnh xá Ngọc Tiên, Hà Tiên.

Ni sư Liêm Liên, Phó trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm.

2. Ban Tổ chức:

Trưởng ban: Ni trưởng Thông Liên, trưởng Phân đoàn,trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình, Dĩ An, Bình Dương

Kiểm thiền: Sư cô Gương Liên

Kiểm soát: Sư cô Nguyệt Liên

Thư ký: Sư cô Minh Liên

MC hướng dẫn Phật tử: Sư cô Đức Liên

Y tế: Sư cô Thuận Liên

Ngoại hộ: Chư Ni và Phật tử Tịnh xá Ngọc Bình.

THỜI KHÓA TU HỌC

Gồm 6 nội dung chính trong một ngày, chia đều trong thời khóa bắt đầu từ 3 giờ 45 và kết thúc lúc 21giờ: Thiền tọa 3 thời, Thiền hành 2 thời, Khất thực, Đọc và nghiên cứu Chơn lý, Học Luật, Sám hối.

VI. NỘI DUNG GIẢNG DẠY

Đặc biệt, khóa tu lần nầy, chư Tôn đức trong Ban Tổ chức đã chia sẻ với hành giả về sự hành trì của Tổ Thầy, thể hiện qua những bài trong Chơn lý, đọc và tìm hiểu bằng cách vấn đáp, để hành giả thấm sâu những lời của Tổ dạy, giúp chư Ni có nếp sống tốt, phát triển về tâm linh, tấn tu tam vô lậu học.

Sáng ngày thứ nhất (17/03/Bính Thân): Trước khi làm lễ khai mạc, chư Ni trì bình khất thực để cho Phật tử gieo duyên với Tam Bảo. Sau đó, chư Tôn đức giáo phẩm và thiền sinh câu hội về chánh điện lễ Phật, lễ Tổ, lễ Thầy và tụng thời kinh cầu an. Kế đó, buổi lễ khai mạc được diễn ra tại giảng đường trong bầu không khí trang nghiêm, thắm tình đạo vị. Sau khi giới thiệu thành phần tham dự, Ni trưởng Tịnh xá Ngọc Bình khuyến tấn chư Ni trẻ khi làm việc gì phải có cái tâm lo cho Giáo hội, hệ phái, phân đoàn; có tâm làm sáng tỏa đạo pháp, mỗi ngày khi thọ lãnh của đàn na tín thí, đó là “món vay món trả phải đồng, người dâng vật quý là mong phước lành”. Có làm lợi ích cho Phật pháp tức là đền ơn chư Phật, chư Tổ Thầy “Phụng sự chúng sanh, tức là đền ơn chư Phật”. Nhưng để thực hiện hoài bão nầy, chư Ni phải có tâm đoàn kết hợp tác cùng làm thì mới đi đến thành công, cũng như người cha khi trao bó đũa cho các con thì họ bẻ không được, nếu bẻ từng chiếc thì bó đũa sẽ bị gãy hết.

Người học Phật không có tâm với đạo thì uổng phí một đời tu. Điều cốt lõi cho sự tu học là hãy quay về chính mình, để trau dồi thân tâm qua tinh thần Giới Định Huệ mà Tổ sư đã lồng vào quyển Chơn lý, có thắng được tâm mình mới là chiến công oanh liệt nhất.

Cuối cùng, Ni trưởng tuyên bố khai mạc khóa tu truyền thống lần thứ 5 của Phân đoàn, đây là khóa tu để trải nghiệm tâm linh của đại chúng.

Buổi chiều cùng ngày, hội chúng thay phiên đọc bài NHẬP ĐỊNH trong Chơn lý, để thấm sâu những điều Tổ dạy “cái định hằng có nơi mỗi chỗ, nơi mọi lúc, mắt tai mũi lưỡi thân ý phải định luôn luôn”. Vì thế muốn đạt định, người tu học phải dừng các vọng căn phân biệt, tâm không mê lầm vọng động, người định nhiều, định ít là do sự hành trì của mỗi hành giả khi áp dụng pháp tu học vào đời sống của mình. Người có CHÁNH KIẾN thấy rõ lẽ chánh mới có những điều suy gẫm hợp chánh đạo là CHÁNH TƯ DUY. Từ CHÁNH TƯ DUY đến CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, CHÁNH TINH TẤN, CHÁNH NIỆM VÀ CHÁNH ĐỊNH. Đây là một mắc xích dây chuyền không thể thiếu trên lộ trình giải thoát. Cũng như trong thiền có TẦM SÁT, HỶ, LẠC, TỊNH, ĐỊNH để hành giả đi từ sơ định đến tứ định, và khi đến định xả là đắc đạo, đắc chơn ngã, đạt Niết-bàn.

Người tu phạm hạnh phải giữ thân khẩu ý trong sạch trọn lành, tuy nói ít mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải, mỗi ý niệm như cơn gió mát, như đám mưa hoa. Vì vậy muốn nhập định thì tâm cảnh phải yên lặng, không dính mắc trong ngoài. Đây là một pháp tu để giúp hành giả vượt thoát dòng sông sanh tử.

Ngày thứ 2 (18/03/Bính Thân): Hội chúng triển khai tiếp bài CƯ SĨ trong Chơn lý 16 của Tổ sư bằng cách mỗi hành giả thay phiên đọc từng đoạn và đặt câu hỏi trong phương pháp vấn đáp, phần đúc kết quý Ni trưởng, Ni sư sẽ giải đáp thỏa đáng cho mọi người, không khí thật sôi nổi và hào hứng học và nghiên cứu về Giáo hội Tăng-già Khất sĩ tu Giới Định Huệ, không có sự học nương văn tự bước đầu. Khất sĩ là pháp tu hành sau sự tập học của cư sĩ.

Tổ nói chư Tăng phải sống với lẽ chung bình đẳng, không tạo sắm vật chất tiền của nhiều, chỉ mong cầu giải thoát, không bận về tứ sự ăn mặc ở bệnh, hàng cư sĩ lãnh trách nhiệm ngoại hộ đầy đủ. Chư Tăng là người hướng dẫn cư sĩ đi từ thấp đến cao trong sự sống chung tu học. người đạt được đỉnh cao đó gọi là đậu, lấy gia tài là pháp bảo, tạo tâm chơn làm sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc.

Vào buổi chiều, hội chúng cùng ôn lại bài KỆ GIỚI, đó là một bài học rất thiết thực cho mỗi người muốn tấn tu phạm hạnh: “Giới như trái đất, Định như cây trồng trên trái đất, Huệ như trái cây”. Tổ nhấn mạnh “Giới còn thì đạo Phật còn, Giới mất đạo Phật phải mất”. Người xuất gia có đời sống phạm hạnh, sống trên nền tảng của Giới luật. Khi xưa khi Phật sắp nhập diệt, ngài A Nan bạch hỏi Phật khi Ngài vào Niết-bàn chúng con sẽ chọn ai làm thầy, Phật dạy hãy lấy Giới làm Thầy. Vì thế hành giả sẽ thấy lợi ích của Giới rất thiết thực cho những ai muốn tấn tu đạo nghiệp. Có Giới mới có Định, có Định mới phát sinh trí tuệ. Giới Định Tuệ sẽ đưa hành giả đến quả vị giải thoát, an lạc của Niết-bàn.

Ngày thứ 3 (19/03/Bính Thân): Sáng, hành giả đọc và nghiên cứu tiếp bài Tâm trong Chơn lý Khất sĩ. Đây là một bài rất có giá trị giúp cho mỗi người tự kiểm điểm lại tâm mình. Chữ TÂM theo Hán ngữ có nghĩa:

“Tam điểm như tinh tượng

Hoành câu tợ nguyệt tà

Phi mao tùng thử đắc

Tố Phật giả do tha”.

Muốn ám chỉ làm Phật, làm ma cũng từ Tâm mà ra.

Tổ dạy: Nơi cỏ cây, Tâm là cái sống. Nơi thú người, Tâm là sự biết. Nơi Trời Phật, Tâm là sự linh thiêng huyền bí ẩn mật, thần thông, yên lặng.

Tâm là hột giống, là giác chơn, là Phật. Hột giống nơi thân làm, miệng nói, ý tưởng. Vì thế muốn biết được Tâm người chỉ cần xem xét qua thân khẩu ý. Để đạt được Tâm chơn, yên lặng, hành giả phải xoay vào bên trong, không vọng động theo ngoại cảnh, tức là phải đóng sáu căn lại. Từ trong cảnh tịnh định, Tâm chơn như mới xuất hiện. hành giả sẽ cảm thấy cái vui từ bên trong, từ trong thế giới yên lặng của chính mình. Chính đây là Niết-bàn mà chư Phật Tổ đã hành trì và đạt được.

Buổi chiều, Ni trưởng trụ trì đọc Tứ Y Pháp và Bát Kính Pháp cho đại chúng lãnh thọ, sau đó Người giải thích từng ý trong 2 phần trên để chư Ni hiểu và hành trì.

Sáng ngày thứ tư (20/03/Bính Thân): Đại chúng tiếp tục học và nghiên cứu về bài Tâm, làm sáng tỏ và nhận thức Tâm từ đâu đến và sẽ đi về đâu, áp dụng và chuyển hóa Tâm trong cuộc sống thực tại của mỗi hành giả để đem lại lợi ích cho mọi người.

Chiều, Ni trưởng trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình đọc cho đại chúng nghe về 8 đại giới trục xuất, sau đó Ni trưởng phân tích từng giới và dẫn chứng để đại chúng thấy rõ sự ích lợi của việc trì giữ giới luật và tai hại của người không theo đúng giới pháp của Phật.

Ngày thứ năm (21/03/Bính Thân): Ni sư phó trụ trì TX. Ngọc Điểm giảng về chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng trong Bát chánh đạo và phân tích giảng giải một cách rõ ràng cho đại chúng. Có chánh kiến, ta sẽ nhận thức đâu là những điều đúng và sai, chánh kiến không phải biết được những việc trước mắt mà thấy luôn những việc sắp tới. Vì thế cái thấy rất quan trọng, nếu thấy không rõ ràng sẽ đưa đến những điều không tốt. Vậy chữ CHÁNH phải thêm chữ TRI thì cái thấy không bị sai lệch. Kế tiếp, Ni sư đã phân tích, dẫn chứng những mẫu chuyện để hành giả thấu triệt ý nghĩa của chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng để hành giả luôn sống trong chánh niệm và chánh định.

Chiều, Ni trưởng trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình đọc và giảng về 17 pháp Tăng-tàn trong 348 giới. Lớp học sôi động qua những mẫu chuyện kể về người giữ giới hay phá giới, góp phần làm cho bài giảng không bị khô khan mà lại rất súc tích.

Ngày thứ sáu (22/03/Bính Thân): Đại chúng thảo luận, chia sẻ những lợi ích thiết thực cho sự tu hành, đoàn kết, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội.

Chiều, Ni trưởng trưởng Phân đoàn đọc và phân tích tiếp tục trong 17 pháp Tăng-tàn để đại chúng lãnh hội và hành trì.

Ngày thứ bảy (23/03/Bính Thân): Sau giờ điểm tâm, chư Ni đi khất thực để cho các nơi gieo duyên. Đây là ngày cuối khóa tu, chư Tôn đức hướng dẫn đại chúng tụng thời kinh cầu an, cầu siêu, hồi hướng cho tất cả chúng sanh và cầu cho quốc thới dân an.

Chiều, lễ bế mạc khóa tu truyền thống Ni giới Hệ phái Khất sĩ của Phân đoàn I, kết thúc khóa tu lần thứ 5 trong niềm hỷ lạc của đại chúng.

V. NGOẠI HỘ

Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, nhờ tấm lòng chí thành, chí kính, phát xuất từ tâm hộ trì xiển dương Phật pháp của Ni trưởng Tịnh xá Ngọc Bình, vì tương lai của đàn hậu học, Ni trưởng và chư Ni trong Tịnh xá với sự hỗ trợ của chư thiện nam tín nữ thành tâm lo chu đáo từng buổi cơm, thức uống cho hành giả yên tâm tu học.

VI. NHẬN XÉT

Đây là khóa tu lần thứ 2 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Bình, vì vậy thuận lợi là hành giả và Phật tử đã quen với nếp sống đạo hạnh, công việc và thời khóa ổn định. Tuy nhiên, năm nay thời tiết hạn hán không mưa, vì thế không khí nóng bức ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của hành giả, nhưng với tâm vì đạo, mỗi người tự khắc phục kham nhẫn vượt qua để an trú trong chánh pháp.

VII. KẾT LUẬN

Thời gian thắm thoát trôi qua, đến hôm nay khóa tu học 7 ngày đã mãn, mỗi thiền sinh sẽ trở về trú xứ khác nhau. Chúng con xin thành kính tri ân nhị vị Ni trưởng, Trưởng và Phó Phân đoàn đã vì tiền đồ Phật pháp, mở rộng lòng từ hướng dẫn đàn hậu học, nên mặc dù tuổi già sức yếu, Ni trưởng vẫn mở liên tục từng khóa tu cho chư Ni thâm hiểu đường lối tu của Tổ Thầy, phát huy năng lực, phục vụ cho Giáo hội và Phân đoàn ngày càng vững mạnh. Nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho quý Ngài thân khỏe tâm an, tuệ đăng thường chiếu, luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng sanh và chúng con trên lộ trình trở về bản sở.

Chúng tôi xin thành tâm tri ân quý Sư cô và Phật tử tại bổn xứ đã nhiệt tâm lo chu toàn cho hành giả trong thời gian 7 ngày tu học được đầy đủ. Chúng tôi cũng xin tri ân các cấp chính quyền địa phương đã tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho chúng tôi an tâm tu học. Kính chúc quý vị vạn sự kiết tường, muôn điều phúc lạc.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.

Xin giới thiệu hình ảnh sinh hoạt của khóa tu:

NiPD1 lan5 1

Giờ học Chơn lý

NiPD1 lan5 2

NiPD1 lan5 3

Giờ thiền hành, thiền tọa

NiPD1 lan5 4

NiPD1 lan5 5

NiPD1 lan5 7

NiPD1 lan5 8

Khất thực hóa duyên

NiPD1 lan5 9

NiPD1 lan5 6

Thọ trai

NiPD1 lan5 10

Lưu niệm khóa tu lần 5