Tổng kết khóa tu NGHPKS lần 26

BC KtuNGKS26 1

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni,

Thưa toàn thể đại chúng và quý nam nữ Phật tử,

Khóa tu truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26 này được tổ chức từ ngày 20 - 26 tháng Giêng năm Đinh Dậu (nhằm ngày 06 – 12/02/2017) được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Trung, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Sáng sớm ngày 20 âm lịch, chư Tôn đức Ni hướng dẫn chư Ni đi khất thực hóa duyên. Vào lúc 8g30, Lễ Khai mạc khóa tu long trọng chính thức được diễn ra dưới sự chứng minh của chư Tôn thiền đức Tăng Ni.

1. Ban Chứng minh (Tăng)

- HT. Giác Hùng: Chứng minh GĐ.III, trụ trì TX. Ngọc Bửu, Tuy Hòa.

- HT. Giác Tần: Chứng minh GĐ.III, trụ trì TX. Ngọc Duyên, Bình Định.

- HT. Giác Thành: Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, trụ trì TX. Ngọc Phúc, Gia Lai.

2. Ban Chứng minh (Ni giới HPKS)

- Chứng minh kiêm Thiền chủ: NT. Chiêu Liên – Giáo phẩm Ni giới; TX. Ngọc Khánh, Long Khánh, Đồng Nai.

- NT. Tố Liên – Giáo phẩm Ni giới; TX. Ngọc Phương, Gò Vấp, TP. HCM.

- NT. Khiêm Liên – Giáo phẩm Ni giới; TX. Nhật Huy, Long Khánh, Đồng Nai.

3. Ban Tổ chức

- Trưởng ban Tổ chức: NT. Hiệp Liên (Trưởng Quản sự Ni chúng GĐ III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Trung, An Khê, Gia Lai).

- Phó ban Tổ chức: NT. Viên Liên, NT. Cảnh Liên (Phó Quản sự Ni chúng GĐ III, Trụ trì TX. Ngọc Túc, Đăk Pơ, Gia Lai).

4. Ban Giáo thọ

NT. Tố Liên, NT. Khiêm Liên, NT. Hiệp Liên, NT. Giao Liên (TX. Ngọc Kinh, Huế), NT. Ánh Liên (TX. Ngọc Châu, Hội An); NT. Thận Liên (TX. Ngọc Cảnh, Đà Lạt); NT. Cảnh Liên; NS. Gương Liên (TX. Ngọc Tâm, Long An); NS. Yến Liên (TX. Ngọc Chơn, Vĩnh Long); NS. Tín Liên (TX. Ngọc Phương, TP. Hồ Chí Minh); SC. Trí Liên (Tam Kỳ).

5. Ban Thư ký

NS. Tín Liên, NS. Phụng Liên (TX. Ngọc Phương), SC. Hòa Liên (GĐ. III), SC. Định Liên, SC. Tuệ Liên (Trà Vinh).

6. Ban Kiểm soát – Giám thiền

NT. Giao Liên, NT. Ánh Liên, NT. Cảnh Liên, NS. Liêm Liên (TX. Ngọc Thạch), NS. Lãnh Liên, NS. Hạnh Liên (Tịnh xá Ngọc Hương, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk).

7. Ban Hộ thiền

SC. Loan Liên, SC. Hoa Liên, SC. Danh liên, SC. Thu Liên, SC. Thúy Liên, SC. Diễm Liên, SC. Hồng Liên và Ni chúng Tịnh xá Ngọc Trung.

8. Số lượng hành giả

Các hành giả tham dự khóa tu lần này có 144 hành giả (trong đó có 8 vị Tôn đức Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, 101 vị Tỳ-kheo-ni, 3 vị Thức-xoa-ma-na, 3 vị Sa-di-ni, 29 Ni hộ thiền).

9. Chương trình tu học

4g-5g30: Thiền hành, thiền tọa; 7g-8g15: Thiền hành, thiền tọa; 8g15-9g15: Đọc Chơn lý; 9g30-10g30: Thiền hành, thiền tọa; 10g45: Khất thực, độ ngọ; 13g30: Thiền hành; 14g-15g20: Nghiên cứu Chơn lý; 15g35-17g00: Thiền hành, thiền tọa/trình pháp; 18g30: Sám hối Lục căn; 19g-20g15: Thiền hành, thiền tọa, rải tâm từ; 20g15-21g00: Chia sẻ pháp hành.

10. Tóm tắt nội dung Pháp học

1. Buổi sáng ngày 20 âm lịch, sau Lễ Khai mạc, đại chúng bước vào khóa tu học ngay. Chư Ni sư trong Ban Thư ký đã triển khai Pháp tu truyền thống Hệ phái để đại chúng hiểu rõ mục đích cũng như ý nghĩa khóa tu. Buổi chiều, chư Tôn đức Ni tiếp tục hướng dẫn cho đại chúng hiểu rõ những điều cần yếu khi hành thiền. Dựa trên tập sách Phương pháp thiền tập do cố Ni trưởng Đệ nhất biên soạn, quý Ni trưởng, Ni sư phân tích và hướng dẫn cho đại chúng từng bước thực tập thiền định.

2. Buổi học pháp sáng ngày 21 âm lịch, NT. Giao Liên và NT. Ánh Liên đọc lại bài Chơn lý “Số tức quan”. Buổi học pháp chiều cùng ngày, NT. Cảnh Liên trình bày nhận thức về lời dạy của Tổ sư cũng như chia sẻ kinh nghiệm tu tập niệm Số tức cùng đại chúng.

Số tức quan là pháp quán đếm hơi thở mà thuở xưa đức Phật đã thực tập và dạy lại cho đệ tử. Đây là pháp tu căn bản nhất để dẹp loạn vọng tưởng, giúp người thực tập dần dần trở lại bản tâm thanh tịnh vắng lặng nguyên sơ của mình. Trong bài Chơn lý này, đức Tổ sư phân tích, giảng dạy cặn kẽ để ai có duyên đọc hiểu dễ dàng và hành trì theo không hoài nghi, lo lắng.

Tu pháp Số tức quan này chính là trở về với hơi thở tự nhiên, giữ mức trung đạo, nâng việc tu lên một tầm cao mới là điều hòa hơi thở của tâm, hơi thở của trí, hơi thở của thân quân bình một mực. Từ pháp tu này, Ngài còn giới thiệu và giải thích rõ những điều liên quan đó là tu tập quân bình tinh, khí và thần trong xác thân. Sau cùng, Tổ kết luận: “Ba phép tinh khí thần hay giới định huệ, nơi người mà biết giữ gìn đều đủ, tức là lục căn thanh tịnh, thất tình đoạn phủi, tam độc tiêu trừ, ngũ uẩn khỏi qua, tứ tướng dứt sạch, nhơn ngã không còn... nên trí huệ thần thông, quả linh đạo lý, giác ngộ chơn như đặng đều đủ”.

3. Sáng ngày 22 âm lịch, đại chúng lắng nghe Ni trưởng Thận đọc bài Chơn lý “Trên mặt nước” (số 20). Buổi chiều, SC. Trí Liên đã diễn giảng những ý pháp thâm diệu trong bài Chơn lý này. Lời Tổ giản dị mà sâu sắc như rót từng giọt pháp vào trong tâm mỗi hành giả: “Mục đích của Khất sĩ là làm cho thế giới đều tu, yên vui thì xã hội mới được yên vui; xã hội yên vui là gia đình yên vui; gia đình yên vui thì mình mới được yên vui. Tức là tấm lòng lo cho tất cả chúng sinh đều tu hết vậy. Một khi gia đình, xã hội đã vui lòng cho Khất sĩ ra đi tự do rồi, thì cũng không còn sự đòi hỏi lôi kéo chi nữa, mà để cho người hoàn toàn thật hành theo chơn lý chí nguyện”. Đây rõ ràng là tinh thần Bồ-tát đạo mà đức Tổ sư đã nhắc đi nhắc lại muôn lần trong bộ Chơn lý này.

4. Bài Chơn lý được ôn lại vào sáng 23 âm lịch là “Chánh kiến”. Đại chúng lắng nghe Sư cô Hiếu Liên (Trụ trì TX. Ngọc Chánh, EaHleo, Đăk Lăk) đọc buổi sáng, vào buổi chiều Ni trưởng Khiêm Liên đã giảng giải về Chánh kiến rất sâu sắc. Ni trưởng nhấn mạnh rằng chỉ vì con người vẫn cứ vấp hoài những sai lầm cố hữu, tin theo tập tục hủ lậu nên khiến cho cuộc đời đã đau khổ lại càng thêm khổ đau. Vì cứ loay hoay với việc cơm áo gạo tiền của đời sống, người ta không nhận ra các phong tục thờ cúng, quan hôn tang tế, nghinh xuân tiếp phước, v.v… chính là để làm cho cuộc sống linh động tươi vui, làm giảm bớt nỗi nhọc nhằn, lam lũ.

Chánh kiến – Khởi đầu của Bát chánh đạo chỉ cho cái thấy viên dung, trong suốt, đúng với bản chất thật của các pháp. Đó là cái thấy vô ngã, vô thường. Cái thấy nhận ra được thân ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức có ra là do duyên hợp, duyên sinh, không có chủ thể.

Dạy cho mọi người nhận thức rõ tác hại của tà kiến, hữu ích của chánh kiến và sau cuối đức Tổ sư còn lưu ý rằng thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh sách, học hành, thờ kinh sách đâu bằng thờ ông Thầy dạy đạo cho mình đang sống. Nhưng thờ ông Thầy sao bằng thờ bản tâm của mình trong sạch. Vậy là chính việc công phu trau dồi rèn cái tâm cho trở nên thanh tịnh, không còn có ngã và ngã sở là điều cần yếu nhất.

5. Sáng 24 âm lịch, trong tình Linh Sơn pháp lữ, Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Gia Lai đến thăm viếng khóa tu. Hướng dẫn đoàn đi có Ni trưởng Hạnh Thiện, Chứng minh Phân ban Ni giới – Viện chủ Chùa An Thạnh, Ni trưởng Hạnh Nguyện, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh – Viện chủ Chùa Bửu Sơn. Ni trưởng Trưởng Phân ban Ni giới đã tán thán ý tưởng tổ chức khóa tu đầy ý nghĩa và lợi ích của quý Ni trưởng trong Ban Tổ chức khóa tu, cũng như tinh thần tu học hòa hợp tinh tấn của đại chúng.

Buổi chiều, giờ học Chơn lý, đại chúng ôn lại bài “Nhập định”. Ni sư Lãnh Liên – Trụ trì TX. Ngọc Chơn (Buôn Hồ) đọc lại nguyên văn và Ni sư Gương Liên – Trụ trì TX. Ngọc Tâm phân tích giảng rộng ý pháp của đức Tổ sư.

Tổ dạy: “Yên lặng là lẽ thật huyền bí, là không vọng động, nên cũng gọi là chơn như hay sự kín đáo. Định tức là mật, trong mật định có chứa linh, giác và thần. Cho nên gọi định năng sanh chơn huệ và giới… Chánh định là chỗ sanh ra tất cả chúng sanh vạn vật, và các pháp, mà cũng là chỗ trở về hay chỗ đến, nghỉ ngơi hưu trí của chúng sanh, vạn vật và các pháp kia vậy”.

Đức Tổ sư nhắc nhở chúng ta rằng ai ai cũng có định cả, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trong lúc ngủ yên. Chỉ vì từ bao lâu nay chúng ta lặn ngụp trong biển vật chất, quanh quẩn trong thế giới loạn động nên không biết gì về định và cũng không biết mình có định. Dầu chưa thể đại định, chỉ định trong chốc lát, nó cũng giúp cho chúng ta khỏe nhẹ, thanh thản, tỉnh táo, trí huệ. Cũng như nước xao động, bùn đất đục ngầu đâu thấy rõ đáy hồ ra sao. Một khi nước yên lặng, trong suốt, chúng ta mới thấy rõ muôn hình trong nước. Trí huệ sáng soi khi tâm định, không định thì không có tâm, không có tâm thì làm gì có ta, làm gì có sự sống. Tổ chỉ cách tu để tâm định và nhắc chúng ta phải tinh cần, kiên trì từng giờ chứ không phải vừa tập là được.

Ni sư Gương Liên đã giảng giải thấu đáo, lại linh động lấy ví dụ để đại chúng được rõ hơn, nhất là về linh, giác và thần. Cuối thời giảng, Ni sư đã tha thiết khuyên đại chúng: Hãy ráng tu, đừng chán nản, tu là cứu vãn đời mình…

6. Sáng 25 âm lịch: Đại chúng ôn tiếp bài Chơn lý “Chánh Pháp”. Ni sư Hạnh Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Hương (Buôn Ma Thuột) đọc lại nguyên văn và Ni sư Yến Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn (Vĩnh Long) giảng giải.

Ngay vào đầu bài pháp, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tôn vinh danh hiệu Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Ở đây, Ni sư cũng lưu ý cho đại chúng hiểu được thâm ý của Tổ sư. Bồ-đề phiên âm từ chữ Bodhi (Sanskrit), có nghĩa là giác ngộ và Đạt-ma phiên âm từ chữ Dharma (Sanskrit) có nghĩa là pháp. Bồ-đề Đạt-ma có nghĩa là pháp giác ngộ. Tổ Bồ-đề Đạt-ma là vị Tổ thứ 28 bên Ấn Độ và truyền pháp đến Trung Hoa làm Sơ Tổ thiền tông Trung Hoa. Danh hiệu của Ngài cũng chính hạnh nguyện mang pháp giác ngộ đến với người dân Trung Hoa nói riêng và mọi người nói chung.

Đức Tổ sư dạy: “Pháp chánh giác có hai chơn là pháp học và pháp hành. Còn hành thì còn đạo, hết hành thì hết đạo. Cho nên đời nay người ta gọi đời mạt pháp, là bởi có học chớ không có hành”. Và Tổ cũng nhắc: “Cái pháp tự nó vốn đâu có hưng hay mạt, mà là chỉ tại nơi người làm mạt đó thôi. Cũng như đạo đâu có bao giờ mất, mất là chỉ tại người bỏ đạo làm mất đó thôi. Người tà chớ đâu phải đạo không chánh, người mạt chớ đâu phải pháp không hưng”.

Ni sư cũng nhấn mạnh ý Tổ rằng chơn lý là lẽ thật trong vũ trụ, từ tứ đại địa cầu sanh ra cỏ cây, thú, người, trời, Phật. Lẽ thật ấy là tiến, là sống mà Chánh pháp của chư Phật là chỉ rõ cách tiến đến quả Phật sau cùng hết. Đức Tổ sư cũng chỉ thẳng cái gì là Chánh pháp của chư Phật? Chính Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy.

7. Sáng 26 âm lịch, Đại đức Giác Hoàng, Ủy viên HĐTS, Phó Thư ký Hệ phái đãi lao cho chư Tôn đức Giáo đoàn III, viếng thăm khóa tu và chia sẻ với hội chúng một số kinh nghiệm thiền quán trên hai lĩnh vực pháp học và pháp hành. Lộ trình tu tập thiền định và thiền quán được đức Phật và chư Thánh Tăng dạy trong rất nhiều kinh. Đại đức đã giới thiệu một loạt các kinh liên quan đến pháp hành Tứ Niệm xứ, lợi ích của việc tu tập thiền định trong Trung Bộ Kinh. Những điều Đại đức trình bày cho hội chúng nhân khóa tu này, tuy chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ song quả thật là nguồn tài liệu quý báu vô vàn đối với mọi hành giả đang thực tập pháp hành quán niệm.

8. Chiều 26 âm lịch: Đại chúng vô cùng hoan hỷ được cung đón Thượng tọa Thích Tâm Mãn – Phó BTS GHPGVN kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Gia Lai đại diện cho chư Tôn đức trong Ban Trị sự viếng thăm các hành giả khóa tu. Trên tinh thần kiến hòa đồng giải, Thượng tọa đã mang đến đại chúng một động lực tinh tấn tu tập dõng mãnh hơn. Thượng tọa nhấn mạnh rằng dầu là hành giả tu học trong truyền thống nào, việc buông xuống bản ngã là tối quan trọng. Cũng thế, người con Khất sĩ phải hiểu rõ Khất là xin nhưng xin ở đây rất cao thượng. Sĩ là người có tri thức, có học cao hơn mọi người. Và việc trau dồi chuyển hóa cái tâm, làm thế nào bào mòn bớt đi cái tôi, cái của tôi. Nếu không như thế, những biểu hiệu uy nghi, thiểu dục tri túc, v.v… chỉ giống như kẻ đóng tuồng, đêm về, mình hoàn chính mình, không thay đổi gì cả, như vậy việc tu không luống uổng lắm sao. Thượng tọa còn nhắc lại câu nói của đức Tổ sư trong bài Chơn lý “Nhập định”: “Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải…”. Những lời phân tích giảng giải của Thượng tọa rất giản dị, mộc mạc nhưng chân thành và đại chúng lắng nghe vô cùng xúc động, ghi nhớ sâu sắc hơn lời dạy của Thượng tọa.

BC KtuNGKS26 2

11. Nhận xét chung

- Khóa tu này nâng cao tinh thần hòa hợp của chư Ni các Giáo đoàn, cùng ngồi lại, cùng tu, cùng chia sẻ kinh nghiệm tu học cho nhau.

- Chư Ni cởi mở hơn, có thể nói lên kinh nghiệm tu học cá nhân để đại chúng lắng nghe, góp ý và học hỏi.

- Tinh thần tự giác tu học của đại chúng rất tốt.

- Đại chúng cảm nhận lợi lạc từ việc thực tập giáo pháp qua khóa tu rất nhiều.

- Có khoảng 25-30 Ni trẻ, mới tham gia tu tập lần đầu khá bỡ ngỡ, song cũng cố gắng tu học theo đại chúng đều đặn, tinh tấn.

Sáng 27 âm lịch, sau khi đi khất thực hóa duyên trở về, vào lúc 9g, buổi lễ Bế mạc diễn ra trang nghiêm, đạo vị, ấm tình phạm hạnh pháp lữ với sự chứng minh của Ni trưởng Thiền chủ Chiêu Liên và chư Ni trưởng, Ni sư.

Khóa tu Truyền thống Ni giới Hệ phái kết thúc viên mãn trong niềm hỷ xả và tinh tấn của toàn thể chư Tôn đức Ni, Ni chúng và quý nam nữ Phật tử.

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.