Tổng kết khóa tu Ni giới Phân đoàn 1 - GĐ IV lần 9

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch chư Tôn thiền đức Ni, con xin thay mặt Ban Thư ký,  xin tường trình một số điểm liên hệ đến khóa tu truyền thống Giới – Định – Tuệ lần thứ 9 do Ni giới Phân đoàn I - Giáo đoàn IV tổ chức như sau:

THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM

Khóa tu chính thức bắt đầu vào ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 18- 4- 2018) và kết thúc vào ngày mùng 9 tháng 3 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 24-4-2018), được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Bình, Dĩ An, Bình Dương.

BAN TỔ CHỨC

Ni trưởng Thông Liên, Trưởng đoàn và cũng là Trưởng ban Tổ chức, Chứng minh Ni giới, trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình - Dĩ An - Bình Dương; Ni trưởng Thắng Liên, Phó phân đoàn, Chứng minh Ni giới, trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm - Bà Điểm - Hóc Môn; Ni sư Gương Liên - Giám thiền; Sư cô Đức Liên & Phụng Liên - Thư ký và điều phối.

Trong quá trình tu học Ni Trưởng đã tận tình chia sẻ, truyền trao những kiến thức pháp học và pháp hành, như “nhân – nghĩa – lễ - trí – tín”, “18 pháp bất cộng” trong các hệ thống kinh điển Phật giáo.

HỘI CHÚNG

Nhị vị Ni trưởng, Ni sư, và hành giả các miền tịnh xá trực thuộc Phân đoàn và ngoài Phân đoàn cũng về tham dự trong khóa tu có tất cả là 21 vị gồm: 2 Ni trưởng, 2 Ni sư, 12 Tỳ-kheo-ni, 4 Thức xoa, 1 Sa-di-ni.

THỜI KHÓA TU HỌC

Mỗi ngày có 4 thời thiền tọa, 3 thời thiền hành, 1 thời đọc Chơn lý, 1 thời tụng kinh cầu an – cầu siêu và sám hối Hồng Danh, 1 thời tụng kinh cầu an – cầu siêu và sám hối lục căn, thời thọ thực (điểm tâm và ngọ). Tất cả các thời khóa được hành giả tu tập và sinh hoạt đúng theo quy định và nội quy do Ban Tổ chức đề ra.

NỘI DUNG TU HỌC

Xuyên qua 7 ngày tu học, chư Ni đã được sự hướng dẫn của nhị vị Ni trưởng trong Phân đoàn qua các bài trong Chơn lý THẦN MẬT, GIÁC NGỘ, PHẬT TÁNH, SỢ TỘI LỖI, giúp cho hành giả thấy rõ bản tâm của mình, không còn lăng xăng thị phi nhiều; thân khẩu ý mật thì tâm thanh tịnh, sáng suốt.

Ni trưởng dạy thêm phần thiền tọa, đó là mỗi hành giả cần phải biết cách tu thiền quán để quán tưởng tự sửa thân tâm mình cũng như ngài Quán Thế Âm quán chiếu thế gian, nhờ sự quán chiếu như thế sẽ có được thần mật. Tóm lại muốn có thần mật thì cần phải thân tâm thanh tịnh thì sẽ có được thần mật.

Trong giờ trình pháp, đại chúng cũng đã cho biết ý kiến của mình qua sự tu học về thiền tọa và thiền hành như sau:

Ni sư Gương Liên (Tịnh xá Ngọc Mỹ) góp ý: Khi thiền hành mỗi bước chân chậm rải như “ dỡ - bước – đạp” theo hơi thở, đây là pháp tu có an lạc và tỉnh thức và nhận ra được cái biết của bản thân. Thiền tọa cũng thế nên khóa tu này có phần an lạc hơn và tỉnh thức trong mỗi lúc rất hỷ lạc

Ni sư Kiểm Liên có ý kiến về thiền hành, thiền tọa. Ni sư cũng đã cảm nhận được khóa tu có sự xả ly được các pháp, thiền tọa quán thân trên thân; quán pháp trên pháp; quán thọ trên thọ, phải an trú trong mọi lúc tập thong thả có như vậy mới thấy rõ được oai nghi cá nhân, bước chân phải luôn tỉnh thức và an trú, Ni sư có nói đến Tứ Niệm cho đại chúng khi chúng ta thực hành thiền tọa, có như vậy sẽ không phóng dật; không hôn trầm, trạo cử. Đây là cách quán hơi thở, quán pháp tư duy khi có việc, Ni sư có áp dụng bài Thần Mật, bài Giác Ngộ trong Chơn lý Tổ viết để nói lên tư tưởng tu tập thiền quán có như vậy mới không rơi vào ba đường khổ nữa thì sẽ có an lạc tự thân

Sư cô Tâm Liên (TX. Ngọc Tâm), đưa ra ý của bản thân đã cảm nhận được trong quá trình tu tập thiền hành và thiền tọa. SC nói tuy đại chúng đi thiền hành so với những khóa tu nới khác thì không nhanh nhưng không chậm chỉ hơi tương đối nhưng không kém phần chánh niệm tự thân rất hỷ lạc, thiền tọa thì quán hơi thở, thế nhưng cũng có phần hơi phóng tâm mỗi khi thiền.

Sư cô Đào Liên có đưa ra ý của bản thân là rất tán thán trong khóa tu này có sự thay đổi rất phù hợp với khoa học như khi thiền hành, thiền tọa và tụng kinh, độ ngọ.

Sư cô Tâm Liên, góp ý tự thân về phần thiền hành là chậm rãi từng bước chân và tỉnh thức, rất phù hợp cho đại chúng trong khóa tu hiện nay.

Sư cô Khang Liên chia sẽ rằng tuy không cùng đại chúng tu học theo thời khóa được vì lo sắp đặt công việc nhà bếp, nhưng cũng tự thu thúc tự thân để trang nghiêm cho đạo tràng.

Sa di ni Liên Phát chia sẻ về bản thân khi thực hành thiền và cũng có đưa ra ý kiến rằng khi một hành giả tu thiền xong thì nên trình pháp để cho bản thân có cảm nhận trong quá trình tu quán chiếu, còn phần thiền hành thì nên chậm lại tí thì tốt hơn để cảm nhận khi chúng ta thực hành dỡ -  bước – đạp trong quá trình như thế cần phải biết và cần phải có sự tỉnh thức khi có sự cảm nhận của bản thân có đất – nước – gió – lửa đi từ thân xuống tới lòng bàn chân; và chia sẻ về phần trình pháp của bản thân khi đi tu thiền ở đạo tràng khác là như vậy.

Ni cô An Thuận chia sẻ về đội hình của đại chúng nên cần có sự chỉnh chu lại khi đi thiền hành, về phần học thì có phần khoan thai hơn cũng ví như việc sớt bát năm nay không còn bận rộn nữa mà mỗi vị hành giả tự thân ôm lấy bát của mình và cứ thẳng hàng theo hạ lạp mà đi lấy cơm và thức ăn, nhìn vào y như là đại chúng đang đi khất thực, rất đẹp, rất có khoa học và không có mất nhiều thì giờ của đại chúng.

Ni trưởng Ngọc Bình đúc kết tất cả sự trình bày của đại chúng. Ni trưởng khuyên đại chúng rằng thiền là để thiêu đốt tất cả các ác pháp vì vậy mà tự bản thân của mỗi hành giả phải chọn cho mình một pháp, sao cho hợp với bản thân. Trong muôn pháp, áp dụng sao cho khi không còn thiền nữa cũng gìn giữ được bản tâm của mình, tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh, được như thế mới xứng đáng như lời Tổ dạy: “Đi như thiền sư; đứng như thiền sư; nói như thiền sư; nằm như thiền sư”, phải luôn luôn tỉnh thức thì đây là kết quả của tu thiền.

Nếu tâm mình luôn tỉnh thức, công năng diệu dụng liên tục, khi có việc hay không có việc. Ni trưởng đưa ra bài “18 pháp bất cộng đó là 6 căn + 6 trần = 6 thức”. Khi ta không cộng trú 18 pháp này thì sẽ không bị khổ đau, còn nếu như mà chúng ta cộng trú cùng 18 pháp này thì muôn ngàn khổ đau đưa đến, vì tâm bị giao động thì sự tu tập không còn thanh tịnh nữa. Như vậy, sự tham đắm phát khởi thì sẽ khổ đau, vì vậy đại chúng nên luôn luôn tinh tấn tu tập thì nghiệp quả mới tan, còn bằng không thì nghiệp quả sẽ quấy rầy đòi nợ không thoát được.

Ni sư Kiểm Liên có một ý trong bài Phật tánh đó là ai ai cũng có hạt giống Phật tánh. Chúng ta nên luôn luôn tìm về chơn như Phật tánh. Tổ dạy ba đời chư Phật điều là Khất sĩ nên chúng ta không phải tu là thành Phật mà chính là phải nên thực hành

Ni trưởng chia sẻ pháp với đại chúng là tánh tự nhiên Chơn như của ai cũng có sẵn do chúng ta chưa ngộ được nên tánh chúng sanh mãi, tuy mặt áo nhà tu nhưng lại không giác ngộ, đồng ý muốn nói là tánh có mãi sẳn có tự thân, do ta nhiễm cõi trần nên đánh mất tâm. Ni trưởng nhắc thêm về “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”, đây là năm túi cõi trần có sự thu hút rất mạnh

Tóm lại, Ni trưởng nói ngày nay tuy “tu thì đông mà thuyền giông chở không đầy”. Tu đúng chơn lý là cứu cánh giác ngộ, những việc khác là phương tiện thôi. Ni trưởng khuyên mỗi hành giả chúng ta lấy pháp tu làm cứu cánh cho bản thân mình.

NHẬN XÉT CHUNG

Năm nay có phần khác hơn so với mọi năm, đó là mỗi vị tự mình ôm bát đến bàn lấy thức ăn y như đi khất thực vậy, với bước chân chậm rãi của các hành giả đi khất thực như vậy rất trang nghiêm và thanh tịnh, không mất thời gian của hội chúng, hết thảy điều hoan hỷ mà thực hành.

Kính bạch nhị vị Ni trưởng, quý Ni sư, quý Sư cô và toàn thể hội chúng hiệp hòa.

Khóa tu được kết thúc trong niềm hoan hỷ chung của đại chúng, hy vọng gặp lại nhau trong niềm hòa kính cộng trụ với tinh thần “sống chung tu học” này sẽ giúp cho mỗi hành giả thăng tiến trên con đường đến giải thoát giác ngộ.

Nam-mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.