Tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 25

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy đức Tổ sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

Kính lạy giác linh chư vị Trưởng lão Đức Thầy

Kính bạch Hòa thượng Thiền chủ cùng chư Tôn Hòa thượng chứng minh

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái

Kính bạch chư Tôn đức hành giả khóa tu

Kính thưa quý Phật tử,

Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 25 do Giáo đoàn II đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Giáng, TP. Đà Nẵng, được tiếp nối dựa trên sự thành công của 24 khóa tu trước, là sự thành tựu của Giới đức, Tâm đức và Tuệ đức. Con đường do chính đức Như Lai khéo tuyên thuyết và chư Thánh đệ tử, Tổ sư hành trì, trong đó có Tổ sư Minh Đăng Quang - vị Tổ khai tông lập giáo với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” thành lập “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, đã thắp lên ngọn đèn Chơn Lý giữa thế kỷ 20, góp phần cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và thế giới, tinh thần “Sống chung tu học, phép Tăng chẳng lìa đoàn”. Thực hiện di ngôn hoài bảo của đức Tổ sư: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”, quý chư Tôn đức giáo phẩm đã thiết lập khóa tu Truyền thống Khất sĩ, hơn 8 năm qua với biết bao tâm lực, trí lực để duy trì và phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay cả về chất lượng lẫn số lượng.

Trong không khí trang nghiêm của buổi bế mạc, chúng con đại diện Ban Thư ký kính trình báo cáo nội dung tu tập 7 ngày qua.

I. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM ĐĂNG CAI

Khóa tu được bắt đầu từ ngày 4 đến 11 tháng 3 năm Mậu Tuất tại đạo tràng Tịnh xá Ngọc Giáng, số 478/48 Lê Duẩn, phường Chính Gián quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

II. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Số lượng cụ thể từng Giáo đoàn tham gia như sau:

GĐ. I: 16 vị; trong đó có 1 Hòa thượng; 15 vị Tỳ-kheo

GĐ. II: 29 vị; trong đó có 3 Hòa thượng; 1 Thượng tọa; 23 Tỳ-kheo; 2 Sa-di

GĐ. III: 22 vị; trong đó có 1 Hòa thượng; 21 Tỳ-kheo

GĐ. IV: 14 vị; trong đó có 1 Hòa thượng; 11 Tỳ-kheo; 2 Sa-di

GĐ. V: 15 vị; trong đó có 1 Hòa thượng; 14 Tỳ-kheo

GĐ. VI: 10 vị; trong đó có 8 Tỳ-kheo; 2 Sa-di

Tổng cộng: 106 vị, trong đó có 7 Hòa thượng, 1 Thượng tọa, 92 Tỳ-kheo; 6 Sa-di.

III. BAN CHỨC SỰ

BAN CHỨNG MINH

1 - HT. GIÁC TƯỜNG – Ủy viên TT HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

2 - HT. GIÁC NGỘ - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

3 - HT. GIÁC CẦU - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

4 - HT. GIÁC GIỚI – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

BAN TỔ CHỨC

Trưởng ban Tổ chức: HT. GIÁC TOÀN, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Thường trực GPHP

Phó Trưởng ban Tổ chức:

- HT. GIÁC HÀ, Thành viên HĐCM GHPGVN; Phó trưởng Ban Thường trực GPHP

- HT. GIÁC THANH, Thành viên HĐCM GHPGVN trị sự trưởng GĐ II

Thiền chủ: HT. GIÁC GIỚI

Phó Thiền chủ: HT. GIÁC THANH

BAN GIÁM LUẬT

Giám luật: 

- HT. MINH THUẤN - Giáo phẩm Hệ phái, Phó trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang

- HT. GIÁC THÀNH – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Hệ phái

Giám Thiền:

- HT. GIÁC CẢNH - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái

- HT. GIÁC MINH - Giáo phẩm Hệ phái, Phó trị sự Giáo đoàn II

Kiểm soát: HT. GIÁC SƠN - Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận, Giáo phẩm Hệ phái

Các Ủy viên: ĐĐ. Giác Khánh (GĐ.I); ĐĐ. Giác Lộc (GĐ.II); ĐĐ. Giác Hậu (GĐ.III); ĐĐ. Minh Tân (GĐ.IV); ĐĐ. Giác Nhẫn (GĐ.V); ĐĐ. Giác Nghĩa (GĐ.VI).

Hóa chủ: HT. GIÁC THANH

Phó hóa chủ: ĐĐ. Giác Ngạn

Trị sự khóa tu: ĐĐ. Giác Đạo

Điển lễ: ĐĐ. Giác Hậu; ĐĐ. Giác Khánh

Ban Thư ký:

- ĐĐ. GIÁC NHẪN, Phó Thư ký GĐ. V

- ĐĐ. GIÁC PHƯỚC, Chánh Thư ký GĐ. II

- ĐĐ. MINH TUẾ, Phó Thư ký

Ban ngoại hộ: ĐĐ. MINH LIÊM, ĐĐ. MINH NHẪN

Trực kẻng: ĐĐ. Minh Khanh, ĐĐ. Minh Phất

IV. NỘI DUNG GIẢNG DẠY CỦA BAN GIÁO THỌ

1. HT. GIÁC NGỘ

Chiều ngày mùng 4/3 Hòa thượng thuyết giảng đề tài “Như Lai Thanh Tịnh Thiền” qua Pháp hành và kinh nghiệm tu tập mấy mươi qua trong giáo pháp khất sĩ. Hòa thượng thuật lại nhân duyên hội ngộ và thọ pháp với đức Nhị tổ Giác Chánh. Hòa thượng khẳng định pháp tu này do đức Phật giảng dạy, đức Tổ sư nối truyền và ghi lại trong bộ Chơn lý. Qua đó, Hòa thượng nói lên đường lối, tông chỉ của Tổ sư là Nối truyền Chánh pháp của Phật Thích Ca qua con đường tu tập Giới-Định-Tuệ. Có thể nói, bài Huệ là kim chỉ nam để Hòa thượng thực hành mỗi khi gặp khó khăn hay lúc hành thiền. Trong đó, Ngài thấy rõ sự vô thường, giả tạm của các pháp để quyết chí vượt qua những thử thách, chông gai trên bước đường tu học và hành đạo nhằm đạt thành chí nguyện xuất gia. Suốt buổi giảng, Hòa thượng luôn căn dặn đại chúng hãy luôn tinh tấn tu tập, lấy pháp làm thầy để không hối tiếc về sau.

2. HT. GIÁC GIỚI

chia sẻ với chư Tôn đức hành giả chủ đề “Đạo Phật, đạo Giác Ngộ”. Từ bài kinh Nhứt thiết lậu hoặc (Trung bộ kinh): “Ta thuyết pháp để đoạn trừ các lậu hoặc cho người thấy cho người biết, chớ không phải cho người không thấy cho người không biết”, Ngài đã hướng đến lời dạy của đức Tổ sư trong Chơn lý: “sắc – thọ - tưởng - hành – thức, mê ác là tối khổ. Sắc – thọ - tưởng – hành – thức, sáng thiện là an vui. Sắc – thọ - tưởng – hành – thức, giác chơn là chơn như”.

Qua đó, Hòa thượng đã chỉ bày lộ trình tu tập từ thiền chỉ đi đến thiền quán, đoạn trừ các lậu hoặc đạt được giải thoát an vui. Hơn 2 tiếng đồng hồ hai buổi sáng chiều, Hòa thượng đã trình bày một cách súc tích nhất giúp chư hành giả dễ dàng thấu hiểu và áp dụng vào đời sống thực tại. Điều này đúng với tâm tư nguyện vọng của chư hành giả, đặc biệt là chư huynh đệ trẻ tuổi rất khao khát học hỏi từ những kinh nghiệm thực tiễn, qua hơn nữa thế kỷ tu học nghiêm mật trong giáo pháp Khất sĩ của Hòa thượng Thiền chủ.

3. HT. GIÁC TOÀN

Hòa thượng đã dành trọn 3 tiếng đồng hồ để thuyết giảng cho chư hành giả đề tài “Tu tập nhiếp phục Thân Khẩu Ý thanh tịnh”. Ngài khẳng định rằng: “Tu tập là cốt để chuyển hóa ba nghiệp ác của thân khẩu ý trở thành ba nghiệp thiện lành, trong sạch”. Điều đó được minh chứng qua nhiều bài Chơn lý mà đức Tổ sư đã chỉ dạy. Một trong những ý pháp căn bản mà Tổ sư luôn khuyên dạy hàng Tăng Ni Khất sĩ xuyên suốt trong bộ Chơn lý đó là tu tập thanh lọc, nhiếp phục thân khẩu ý trong sạch”. Tổ sư xác quyết rằng:

“Thân trong sạch ấy là xứ Phật

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật

Ý trong sạch ấy là con Phật

Tâm trong sạch chính là Đức Phật”.

Trong suốt buổi giảng, Ngài không chỉ là người hướng dẫn chỉ dạy mà còn trao truyền bao tâm tư, nguyện vọng cho đoàn hậu học. Ngài muốn truyền tải đến với huynh đệ đồng tu: “Chư huynh đệ có duyên với giáo pháp của Đức Phật, phát Bồ-đề tâm xuất gia theo giáo pháp Khất sĩ của Tổ sư thì đó là một phúc duyên lớn mà chúng ta cần nên trân trọng”.

4. HT. GIÁC PHÁP

Chia sẻ cùng đại chúng, Hòa thượng nhấn mạnh tầm quan trọng, sự lợi ích thiết thực khóa tu truyền thống mà chư hành giả khất sĩ tham dự. Hòa thượng đã trích dẫn lời dạy của đức Tổ sư trong Chơn lý “Nhập định” để khẳng định tầm quan trọng của việc tu tập thu nhiếp: “Mắt tai mũi lưỡi thân sanh ra ý, vậy muốn phục ý thì trước phải phục mắt tai mũi lưỡi thân. Xưa, năm căn vọng động cấu trược, mở cửa thâu trần chôn giết ý, ý ngộp mới giẫy giụa, nay phải đóng các cửa, buông bỏ vật chất ra ngoài, thì ý nhẹ nhàng thong thả mới ngồi yên. Ý vốn hay chuyền theo các cửa, vậy hãy đóng cửa là ý hết chỗ leo trèo, lâu ngày buồn ngủ mỏi mệt là sẽ nằm yên. Xem chừng ý thiệt đã giãi đãi không còn cử động, chừng đó ta sẽ bắt đem ra tập dạy khiến xài thì nó mới không còn tánh ác và trở nên con vật hay quí khó tìm”.

Bằng kinh nghiệm tu tập tham cứu nhiều năm, Hòa thượng đã phân tích chỉ rõ cho chư hành giả biết đâu là con đường đúng đắn mà đức Tổ sư khéo truyền đạt cho hậu thế đi trên lộ trình thiền tập để có được kết quả tốt, hành giả cần phải thu thúc lục căn, điều phục tâm ý để đến yên lặng, tịch tịnh.

5. HT. GIÁC SƠN

Hòa thượng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với đại chúng qua pháp thoại “Huân sanh huân trưởng”. Hòa thượng dạy rằng chư vị hành giả hãy huân tập giới định huệ để tăng trưởng từ tâm, tăng trưởng bi tâm, tăng trưởng giải thoát và giải thoát tri kiến…. đặc biệt cần phải chú tâm thu thúc lục căn khi tiếp xúc với lục trần khi tiếp nhân xử thế, khi hành đạo giáo hóa cũng cần thu thúc và từ hòa.

6. TT. MINH THÀNH

Với đề tài: “Sự nhiệm mầu của tỉnh thức”, cùng việc trích dẫn hai bài kinh đại diện cho hai truyền thống: Kinh Viên Giác của Bắc truyền và Kinh Bố Dụ của truyền thống Nam truyền, Thượng tọa đã so sánh sự tương đồng của hai trường phái để thấy được tầm quan trọng của sự tỉnh thức: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác” (Kinh Viên Giác) và “Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo biết được: ‘Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm, tham dục, tà tham cấu uế của tâm được diệt trừ, khi nào Tỷ-kheo biết được: ‘Phóng dật là cấu uế của tâm’, phóng dật, cấu uế của tâm được diệt trừ” (Kinh Bố Dụ). Từ đó, Ngài đi sâu vào đời sống của một vị Tỳ-kheo, nhìn thấy rõ sự biến hiện của tâm đang chi phối đời sống thực tại; biết được như thế, ta không chỉ điều phục được tâm ý của mình mà còn biết thương và thông cảm cho chư huynh đệ đang sống với mình. Bằng cách trình bày giản dị cũng như những từ ngữ bình dân, Thượng tọa đã mượn những hình ảnh rất thực tế trong cuộc sống giúp cho chư hành giả dễ dàng thấy rõ tâm của mình. Cuối buổi giảng, Thượng tọa dành ra 15 phút hướng dẫn chư hành giả tập quay trở lại quan sát tự tâm chính mình đây là một cơ hội thực tập để thấy được “Sự nhiệm mầu của tỉnh thức”.

V. KẾT LUẬN

Bảy ngày tu học vừa qua là bảy ngày chư hành giả được sống trong đời sống phạm hạnh của hàng Sa môn Thích tử: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn”.

Chư hành giả được trải nghiệm nếp sống thanh cao của người Khất sĩ, được thực hành lời dạy của đức Tổ sư “Phép Tăng chẳng lìa đoàn, nên tập sống chung tu học”. Với thời khóa tu học nghiêm mật trong 7 ngày, chư hành giả sẽ thành tựu được pháp học và pháp hành từ sự hướng dẫn chỉ dạy của chư Tôn đức giáo phẩm, giáo thọ.

Vì lòng thương tưởng đến với đàn hậu học mà chư Tôn đức giáo phẩm đã chẳng quản ngại tuổi cao, đường xa mà thân lâm về đây, cùng sống chung và hướng dẫn chỉ dạy tận tình cho chư hành giả thấy rõ con đường mình đang tiến bước; thấy được lộ trình tu tập giác ngộ giải thoát, đặc biệt là sự chỉ dạy của Hòa Thượng Thiền chủ, chúng con mãi khắc ghi ân đức quý Ngài.

Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để mãi là bậc hướng đạo cao quý cho chúng con và chúng sanh trên đạo lộ giác ngộ giải thoát.

Kính chúc chư hành giả trang nghiêm tự thân, công hạnh tu hành được viên mãn.

Kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, tín tâm kiên cố.

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.