Trái tim của mẹ

 Mặc dù đã xuất gia gần 40 năm, nhưng cứ mỗi độ thu về, mùa Vu Lan đến là tôi lại buâng khuâng hoài niệm về những kỷ niệm tuổi thơ, về hình ảnh thiêng liêng “Trái Tim Của Người Mẹ ”.

Tôi sanh ra và lớn lên ở ngoại ô, một phường nghèo của thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Sau nhà tôi có dòng sông Tiền phù sa uốn khúc, và xa xa là sông Sa (Sa giang) – con sông thơ mộng êm đềm, đêm đêm in bóng đèn của thành phố Sa Đéc hoa lệ. Trước nhà tôi có con kênh nhỏ chạy dài uốn khúc thông ra sông Sa, được đào để dẫn nước sông chảy vào kênh, mỗi ngày đêm, với hai con nước lớn nước ròng, tưới tẩm hoa mầu trong mùa nắng gió cho đồng rẫy tốt tươi. Và mùa nước nổi con kênh mang phù sa bồi đắp ruộng lúa, cho thêm màu mỡ trúng mùa.

Cha tôi là một nông dân hiền lành chất phác, mẹ tôi là phụ nữ nhân hậu đảm đang, tảo tần mua bán giúp chồng nuôi con. Anh em tôi có tất cả 10 người, nhưng mất bỏ 2 người, và tôi là người con thứ 7 trong gia đình. Tuổi thơ, tôi sống hiền hoà với anh chị em trong sự thương yêu đùm bọc nuôi nấng của cha mẹ.

Vào cuối tuần tháng tư năm 1970, lúc đó tôi vừa tròn 14 tuổi. Cha mẹ tôi kêu tôi xuống ghe ngủ để canh chừng đồ rẫy như cà, dưa leo, mướp và trái cây như mận, xoài, vú sữa, v.v… Lúc bấy giờ con nước ròng rút cạn sát sông, phơi bày bãi đất màu xám xịt bùn lầy. Chiếc ghe của gia đình tôi đậu đầu con kênh, ngang hông sông Sa, để khuya bơi ghe qua sông cho kịp buổi chợ tỉnh Sa Đéc ban mai ở bên kia sông. Hơn 12 giờ khuya, bỗng nhiên lính Cách Mạng về và đụng với lính Cộng Hòa. Hai bên giao chiến, bom đạn tơi bời, rực đỏ cả xóm làng. Những quả đạn róch-kết của quân cách mạng rơi xuống kênh, và một điều kỳ diệu là không có quả nào rơi trúng vào ghe của tôi cả. Chắc có lẽ là do oai thần của Bồ-tát Quan Âm che chở, vì lúc đó tôi niệm cầu Bồ-tát cứu độ trong tâm trạng kinh sợ và chân thành, nếu không thì chỉ cần một quả đạn róch-kết rơi trúng vào ghe của tôi đang ngủ thôi, thì tôi và chiếc ghe sẽ tan tành từng mảnh.

Trong lúc thập tử nhất sanh đó, cha mẹ anh em tôi tại nhà đều hoảng sợ, vội chun xuống hầm trốn đạn rơi, bom lạc, thì… Mẹ tôi đứng ngồi không an và chun ra khỏi hầm, vội băng mình trong đêm khuya, qua bom đạn đỏ trời, bất kể sống chết, quên mất bản thân, để đi tìm con của mình. Bà kêu lên thảng thốt: “Chết con tôi rồi, chết con tôi rồi, xin Trời Phật phù hộ con tôi, xin Trời Phật phù hộ con tôi”. Cha tôi hoảng hốt vội lao mình chạy theo mẹ để giữ bà lại và la lên: “Bà điên rồi sao? Giặc giã bom đạn đỏ trời, bà muốn chết sao mà chạy đi đâu vậy ? ”. Mẹ tôi gào lên: “Tôi đi tìm con tôi, tôi đi tìm con tôi, chắc chết con tôi rồi, chắc chết con tôi rồi ! Con ơi ! Con chờ mẹ ! Mẹ tìm con đây ”. Mẹ tôi kêu gào lạc giọng, rồi vùng người mạnh lên, thoát khỏi vòng tay quản thúc của cha tôi và lao mình vào đêm đen, mặc cho bom rơi đạn lạc. Cha tôi vội chạy theo, ôm chặt bà lần nữa và la lên kêu các anh tôi tiếp sức để giữ bà lại.

Khi tiếng súng hết đì đùng, bom đạn không còn nổ, giặc giã can qua ngưng chiến. Tôi hoàn hồn, vội lên bờ chạy băng về nhà để gặp cha, mẹ. Sự khát khao đoàn tụ, khát khao tìm sự che chở của mẹ cha, của người thân yêu, trỗi dậy trong lòng khiến tôi quên mất nỗi sợ hãi. Có những căn nhà bốc cháy khói lửa ngùn ngụt, cây cối gãy đổ, tôi bất chấp, lao mình băng chạy về với cha mẹ, về với gia đình có anh, chị em tôi.


Tìm con trong lửa đạn (Ảnh minh họa)

Khi tôi về tới nhà cửa đóng im lìm, tối thui. Chắc cha mẹ, anh chị em tôi còn hoảng sợ mà trốn dưới hầm? Tôi vội kêu: “Mẹ ơi mẹ! Mẹ ơi mẹ! Mở cửa con vô, con về rồi mẹ ơi! ”. Dứt tiếng kêu, căn nhà bừng sáng, cha mẹ và anh em tôi chạy túa ra mừng tôi sống sót trở về. Lúc đó mẹ ôm chầm lấy tôi, bà vừa xoa đầu, vừa mừng vừa khóc, vừa nói: “Tội nghiệp con tôi! Con về thiệt đó hả con, con về bằng xương bằng thịt, hay con hiện hồn về thăm mẹ hả con?” Tôi nghe mẹ tôi nói như vậy tôi bật khóc nức nở, bao nhiêu hoảng loạn, sợ hãi, kinh hồn, loạn vía đều tan biến. Sự khát khao được sống, được thương yêu che chở của tình thân được tuôn trào ra. Tôi ôm ghì lấy mẹ mà khóc tức tưởi và nói: “Con còn sống mà về nè mẹ, con đâu có chết ”. Mẹ tôi còn hoang mang không tin đó là hiện thực, bà xoa đầu, vuốt tóc, rờ mặt tôi, xem có phải đây là con của mình bằng xương, bằng thịt, đứa con mà bà mang nặng đẻ đau, gian lao cực khổ nuôi tới ngày khôn lớn. Ôi lòng mẹ !

Hỡi tất cả những người con trên đời, nếu đời không có mẹ thì đứa con đó sẽ khổ và còi cọc như thế nào?

Đời có mẹ

Như cây rừng xanh lá,

Như dòng sông trôi mãi không ngừng.

Không như giọt nước,

Để ngàn năm ngoảnh lại u buồn,

Và cứ ngỡ đời mình riêng lẽ.

Đời có mẹ như áo ấm mùa đông,

Vì cuộc đời vốn băng giá vô cùng,

Vì cây cỏ ngã nghiêng đời bão tố,

Mẹ trải mình như nắng mới mùa xuân.

Thử nghĩ, bình thường với sức lực của người đàn bà thì làm sao vượt qua sức quản thúc kềm chế của người đàn ông! Nhưng lúc đó cái gì làm cho mẹ tôi có sức mạnh đến nỗi cha tôi giữ bà không nổi, phải kêu mấy anh tôi tiếp sức? Đó là Tình Mẫu Tử và với Trái Tim của người Mẹ thương con. Tình mẫu tử là thứ tình thương kỳ diệu, thiêng liêng, mầu nhiệm vô cùng. Bình thường thì tình thương đó chan hòa đến các con, nhưng một khi trong các con, có đứa nào bị tai nạn, bất hạnh, đau khổ, v.v… thì tình thương đó liền chảy dồn vào chỗ trũng vô phước ấy của người con, để an ủi, bù lấp cho con, để con vơi bớt sự đau khổ! Tình Mẹ là như vậy đó! Mẹ là cả một trời tình thương.

Tôi còn nhớ, năm tôi được 15 tuổi, một hôm mẹ bảo tôi ngày mai đi học về sớm thì nấu cơm trưa cho gia đình. Vì ngày đó mẹ tôi mua bán rất đắt, nên chị tôi qua chợ phụ bà trông coi hàng hóa. Còn ba tôi và anh lớn thì ra đồng lo ruộng rẫy, mấy đứa em thì đi học. Từ hồi nhỏ tới lớn, tôi có biết nấu cơm kho cá là gì, nên khi nghe mẹ bảo như vậy, tôi nghe lo lo trong lòng. Sau đó mẹ đã dạy tôi cách nấu cơm sao khỏi bị khê, chiên cá sao không bị khét,... Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ không đến nỗi tệ. Nhưng khi gắp cá chiên ra đĩa dọn lên bàn, chờ mọi người về dùng cơm trưa, tôi thấy đĩa cá chiên vàng thơm ngon mà khô khan không có một chút nước, tôi lấy chai nước mắm chế vô đầy đĩa cho cá có nước để chan cơm. Khi cả nhà về dùng bữa, ba tôi đưa đũa gắp cá ăn, ông nhăn mặt và la rầy tôi là ngu, cá ướp muối đã mặn, khi chiên để khô ăn mới ngon và vừa ăn, ai lại chế nước mắm vô cho mặn thêm thì ăn làm sao cho nỗi. Tôi cúi gầm mặt mắc cỡ, thì lúc đó mẹ tôi vò đầu tôi nói: “Sao con khờ quá vậy con? Cá ướp muối, chiên đã mặn, để khô ăn là vừa, là ngon, sao con lại chế nước mắm vô làm chi cho mặn tê lưỡi làm sao ăn nỗi hả con? Tội nghiệp con tôi còn nhỏ dại, ngu khờ quá ”.

Nói xong mẹ tôi quay qua ba tôi chảy nước mắt khóc và nói:

“Ông thấy không? Con tôi còn nhỏ dại ngu khờ như vậy, làm sao mà tôi chết sớm được! Tôi hằng đêm cầu nguyện Phật Trời cho tôi sống lâu lâu một chút, để dạy dỗ đàn con thơ của tôi cho nó lớn khôn, chừng đó tôi có chết cũng cam lòng. Tôi chỉ sợ tôi chết sớm trong khi các con còn khờ dại, mà ông nếu có vợ nữa, thì cảnh mẹ ghẻ con chồng, con tôi khờ dại bị mẹ ghẻ ghét bỏ, ăn hiếp thì các con sẽ khốn khổ biết chừng nào! Chừng đó ở suối vàng tôi thấy vậy thì làm sao chịu nổi?”.


Thương con dại khờ...

- Ôi ! Tình thương của mẹ bao la vô tận như trùng dương biển cả. Trái tim của mẹ chính là trái tim của Bồ-tát, là trái tim của Phật chứa đựng cả bầu trời thương yêu con cái:

Trái tim của mẹ

Trái tim ấy là trùng dương

Máu ấy thành sông, thành núi

Bóng dáng của bốn mùa hoa

Mẹ là tất cả

Ngàn năm còn đây thắm thiết

Câu ru mạch máu Đông phương.

Mẹ ơi !

Ân mẹ cao thâm tợ đất trời,

Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi,

Mở vòng tay lớn vì con trẻ,

Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời.

Hy sinh suốt kiếp vì con cái,

Gian khổ trọn đời chẳng quản lao,

Công ơn nào sâu hơn công lao cha mẹ,

Tình thương nào đằm thắm ngọt ngào như tình mẹ thương con.

Ôi tình mẹ!

Mẹ là tình thương không bờ bến,

Là dòng sữa nuôi lớn con nên người.

Thiếu tình mẹ là thiếu tất cả.

Dù bao nhiêu tuổi, mất mẹ vẫn mồ côi.

Tình mẹ là tấm gương sáng ngời

Chiếu soi khắp vạn lòng nhân thế.

Rồi ngày tôi đi tu, 8/2/1975 âm lịch. Mẹ tôi rất mừng, vì bà là một Phật tử thuần thành, qui y ở Tịnh xá Ngọc Quang - Sa Đéc. Bà luôn ao ước trong đàn con của mình có đứa đi xuất gia. Và sự đi xuất gia của tôi phần lớn là do bà khuyến khích.

Bà đưa tôi qua Tịnh xá Ngọc Giang - Long Xuyên – An Giang xuống tóc xuất gia. Nhìn từng lọn tóc rơi rơi, tôi mừng vui lẫn lộn. Mừng là thấy mẹ tôi vui khi thấy con mình đi tu. Làm được gì cho mẹ vui là tôi thấy vui. Còn buồn là từ đây mình cạo bỏ mái tóc xanh, giã từ cha mẹ, anh chị em, giã từ tuổi trẻ mộng mơ, giã từ bạn bè thân quen trong những năm tháng cắp sách đến trường, giã từ thành phố Sa Đéc hoa lệ, có sông Sa, có bến đò nhộn nhịp đưa rước khách qua sông, có quán nước Tìm Quên cất nổi trên sông, và vào những chiều tím hoàng hôn có người mang nhiều nỗi niềm tâm sự vào quán Tìm Quên giải sầu nhân thế… Tất cả từ đây giã từ.

Tóc vừa cạo tơ lòng đoạn phủi

Chuyện trần gian xin bỏ lại cho đời.

Tuổi thơ bên mẹ một thời,

Quê hương, gia quyến xa rời từ đây.

Xuất gia tìm đạo tháng ngày

Học đòi giải thoát với ngài Thích Ca.

Buồn vui chỉ có mình ta.

Quê người xứ khách mãi xa mẹ hiền.

Gắng tu đắc quả Thánh hiền,

Báo ân cha mẹ, Cửu Huyền Siêu Thăng.

Khi xuống tóc xong, mẹ tôi nhìn tôi, mặt Người sáng rỡ niềm vui và nói đùa: “Trông con lúc này giống thầy tu lắm đó và cái đầu của con tròn trịa tốt đẹp. Hồi nhỏ lúc sơ sinh, mẹ luôn trở đầu con qua lại, không để con nằm nghiêng mãi một bên, sợ lớn lên đầu con bị móp, bị lép. Khi xuống tóc, mẹ hồi hộp, sợ cạo tóc xong, đầu con bị móp, bị lép thì trông xấu tướng của người tu. Mẹ thấy đầu con tròn trịa mẹ mừng quá”.

Ôi! Tình của mẹ như thời gian cập bến,

Đá còn buồn thì mẹ vẫn còn thương

Bữa đó bà ở lại với tôi một ngày đêm, khuya 3 giờ, bà về sớm cho kịp buổi chợ sáng hôm sau, để kiếm tiền nuôi con:

Một đời của mẹ đã cho,

Lời ru cùng những chăm lo nhọc nhằn.

Thân cò từ những tóc xanh,

Giờ đây điểm bạc vẫn dành cho con.

Thương mẹ tảo tần mua bán thương lo cho đàn con, đêm đó tôi ngủ không được, vì sáng mai này mẹ tôi về Sa Đéc, bỏ tôi ở lại một mình. Tình mẫu tử cứ thao thức trong lòng, thương mẹ, thương tôi mà không nhắm mắt ngủ. Trời dần vào khuya, đồng hồ gõ 2 tiếng mà tôi cứ thao thức mãi.

Tôi chợt nhớ 3 giờ mẹ tôi về, và người sẽ bán buổi chợ khuya, không có gì ăn sáng. Tôi vội ngồi dậy đi xúc lon gạo nấu cháo và kho tương quẹt cho mẹ đỡ lòng đêm khuya, trong chuyến xe tài nhất.

Nhìn con trai của mình thức khuya nấu cháo cho mình lót dạ, mẹ tôi xúc động nói: “Sao con không ngủ đi, thức khuya bịnh đó, mẹ nhịn sáng quen rồi, 3 giờ mẹ về ”. Tôi nói: “Mẹ về nhà là ra chợ liền, có kịp ăn gì đâu! Nhịn đói hoài mất sức khoẻ, và suy kiệt thể xác, rồi bịnh và chết sớm đó mẹ ”.

Khi cháo chín tôi dọn lên, bà vừa ăn vừa chảy nước mắt thương con. Tôi nhìn người ăn, mà nghe lòng tôi dạt dào nỗi niềm thương mẹ vô tận.

Hai mươi tuổi một thời mẹ đã,

Lên xe hoa, cất bước theo chồng.

Nuôi con thơ nhỏ dại long đong,

Mẹ vất vả với chồng nuôi con lớn.

Con đi tu mẹ mong con vững chí,

Dẫu buồn vui có mẹ khuyên lơn.

Đời cứ thế xoay vần không đổi,

Tình thương con cứ thế mẹ đắp bồi.

Tuổi thơ ngây con chẳng hiểu gì,

Năm tháng ấy chỉ biết mình có mẹ.

Lúc bom đạn chiến tranh nghiệt ngã,

Mẹ trông về với bao nỗi nhớ mong.

Mẹ ngồi đó, lòng con qua chén cháo,

Mẹ ăn đi cho ấm dạ lòng con .

Xa mẹ rồi, mẹ cũng xa con.

Còn đạo lý, có bao giờ xa nhau đâu mẹ?