Trí tuệ nuôi thức trí

tsmdq050Có câu ngạn ngữ nói về nguyên nhân có trí tuệ: “Dù chúng ta trở thành tài năng bác học nhờ vào kiến thức của người khác, nhưng muốn trở thành một người thông minh thì phải dựa vào trí tuệ của chính mình” (Voltaire (Pháp). Lời giải thích gợi cho ta phải suy ngẫm về kiến thức có được, cho dầu kiến thức đó có cao siêu đi chăng nữa, xét nguyên nhân vẫn đến từ bên ngoài, con người không thể vận dụng nguồn kiến thức một cách linh hoạt được. Điều quan trọng là kiến thức này từ bên trong tiềm năng sẵn có, hiểu biết thấu suốt, linh động sáng tạo được tìm thấy trong năng lực nhận thức của con người, cao hơn nữa là con người có sự hiểu biết và đoạn được gốc của sinh tử luân hồi. Khi đọc bài học “Ngũ uẩn” chúng ta thấy đức Tổ sư đã đề cập đến vấn đề này: “Trí tuệ nuôi thức trí”, thông qua lời dạy trên người viết có cảm nhận dưới đây.

Đời thường, con người muốn được thành tựu, có người phải mất nhiều năm, nhiều công sức, bền bỉ và chuyên cần với mục tiêu đã chọn để có được kết quả như mong muốn. Nhận những mảnh bằng cao học trong tay tùy theo chuyên ngành mà mình thích với biết bao mồ hôi công sức. Tất cả những kiến thức ấy quả thực không hề đơn giản mà có. Khi có được nó con người vẫn cảm thấy không thỏa mãn so với kho tàng kiến thức của nhân loại. Con người đứng trước tài sản này thì chẳng khác gì như cát trong đại dương mênh mông. Vậy đối với Phật giáo thì trí huệ được hiểu thế nào? “Chiếu kiến gọi là trí, sáng tỏ gọi là tuệ. Hai loại này khác biệt nhau. Biết rõ tục đế là trí, sáng tỏ đệ nhất nghĩa đế là tuệ.” (TĐPH – Tr: 1383)

Và theo lời Tổ dạy thì “Trí huệ nuôi thức trí”, một lời giải thích cô đọng và xúc tích. Người muốn nuôi cái sống của “trí” thì phải có “huệ”. Cách giải thích gần gũi này, chúng ta có thể cảm nhận, nắm bắt và sử dụng được… bởi tiến trình huệ như Tổ giới thiệu không hề tách rời trong nhận thức của chúng ta. Hai điều này ví như đôi cánh của con chim luôn luôn tồn tại ở mỗi cơ thể. Nó vẫn ở đó mà chúng ta không hề hay biết. Sự trở ngại nơi đây là gì?

Như chúng ta đã biết, những công trình văn hóa của nhân loại có ra là do trí của con người. Con người xây dựng cái trí hiểu biết này, phải tốn nhiều thời gian và công sức mới có được, nhưng chúng cũng dễ dàng mất đi nhanh chóng, bởi nhận thức không đúng, nhân xấu, tính không nghiêm túc, thái độ cống cao ngã mạn…dễ làm sự hiểu biết của chúng ta giảm sút, hư hoại nhanh chóng. Kết quả thường là không tốt do nhận thức chủ quan nơi bản thân con người.

Ngoài những nguyên nhân đó, đức Tổ sư còn nhấn mạnh: "trí thức ác tạo nghiệp uống rượu". Lời dạy này còn có thể hiểu thêm, con người sử dụng các chất gây men, tạo sự hưng phấn có hại cho bản thân mình. Trong đời thường chúng ta dễ nhận thấy, tâm buông lung phóng túng, không kiềm chế sự ham thích của các giác quan để cho con "ma men" dẫn đi đâu thì đi...nhiều trường hợp rượu không những đã làm hủy hoại sắc thân của con người mà còn tạo ra nhiều oan trái trong đời... Nguyên nhân do rượu mang lại khiến bao người khổ sầu, nhận thức lầm lạc dẫn dắt tâm đi vào con đường tội lỗi lúc nào không hay, không biết. Trong tục ngữ có nói về chủ đề này:

“Ngọc hoàng ngự ở ngai vàng

Thấy thằng uống rượu hai hàng lệ rơi

Tưởng rằng con uống con chơi

Ai nhè con uống con rơi xuống đàng.”

Tác hại của men gây nghiện thật là không nhỏ. Trong đời thường, nhiều gia đình vì chồng nghiện ngập mà không có hạnh phúc, lãng quên trách nhiệm gia đình, như hành động đánh đập vợ con, chuyên đi gây sự người chung quanh mình. Chất men ngấm vào người “rượu vào thì lời ra” làm con người không tự chủ được. Khi ấy, “Cái miệng say phản bội lại tất cả những điều bí mật nằm kín trong trái tim." (Ngạn ngữ). Khi đã say thì lời qua tiếng lại, đúng sai phải quấy…, tâm không tự chủ được nên dẫn đến tranh chấp, hơn thua nhau, chuyện nhỏ hóa to, có nhiều trường hợp dẫn tới sát hại lẫn nhau. Trên báo chí, truyền thông đưa thông tin nhiều hoàn cảnh đau thương khiến chúng ta càng thêm xót xa cho hành động chẳng có lợi ích… chưa nói về tổn thất của rượu đã làm cho xã hội tiêu tốn khoảng tiền không nhỏ để giải quyết vấn nạn do rượu gây ra về tai nạn giao thông, an ninh trật tự.

Xét về nguyên nhân có trong rượu thì mọi người đều biết rằng, rượu có nhiều loại, từ loại rượu cao cấp được chế biến từ loại trái cây đắc tiền, được pha chế hết sức công phu, sành điệu, thức uống của bậc thượng lưu, đến những loại rượu rẻ tiền được pha chế từ thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người ít tiền. Người nghiện ngập chất ma men này đến từ nhiều nguyên nhân, bởi trong rượu có chất men tạo ra rượu, chất men này do bào chế không tốt, do ham lợi nhuận, do không màng sức khỏe của người uống... Chính điều này, gây nên chất độc hại cho cơ thể, có hại cho nội tạng và trí não của người, do sử dụng thuốc bị cấm sử dụng để chế biến rượu,…ai đã sống trong một gia đình có người thân của mình nghiện rượu sẽ thấy được tác hại của rượu mang lại quả thật là không nhỏ.

Yếu tố về nhận thức, đây cũng là một nguyên nhân gây nên những sự nghiện ngập của con người, bởi không ý thức về mặt có hại của việc dùng rượu mang lại. Đôi khi có người cố tình mượn rượu giải sầu cho khuây khỏa. Ở đời có ai uống rượu mà sầu tan đâu, phiền muộn càng thêm, mượn rượu như động lực, như cái cớ để tăng thêm sức mạnh làm điều sai quấy. Tinh thần không có pháp nuôi dưỡng, trống rỗng, nhàm chán cái sống ở đời. Một tâm ý phóng túng, buông trôi, sự thỏa mãn các giác quan, nơi đây chính là biểu hiện một tinh thần kém cỏi, không tự chủ bản thân, hậu quả thường là không tốt cho hiện tại và tương lai.

Ai trong chúng ta đã từng chứng kiến người say, giờ say, ngày ngày đều say…thân tàn ma dại, lời nói như của người điên, lợi đâu không thấy, niềm vui đâu không thấy mà hậu quả thấy bây giờ chỉ là một tinh thần tiều tụy kém suy, sức khỏe hao mòn, sống chết nay mai. Sức khỏe vốn quí nhất của con người mà mình không biết quí trọng, để con ma men dẫn đường chỉ lối cho nên không biết đâu là lối về. Chúng ta là người tỉnh có nên như vậy chăng! Hay yếu tố tâm lý như: Theo quan điểm đạo Phật, bảy thứ tình cảm hay khuấy rối tâm và người tu hành phải chế ngự là mừng, giận, đau đớn, sợ sệt, yêu, ghét và thèm muốn. Khi các căn con người tiếp xúc với các pháp trần, do ma men chế ngự, làm cho con người mất sự cân bằng, không tự chủ, không thấy trách nhiệm của bản thân, gia đình…những nhận thức nông nổi, mù quán như con thiêu thân bay vào ngọn lửa dữ, mượn niềm vui tạm bợ của các giác quan; kết quả mang lại là, thời gian, tiền bạc bị hao tốn, nhiều trường hợp do không kiềm chế hành động bản thân dẫn đến án mạng. Từ một nguyên nhân của rượu mà hậu quả mang lại thật là đáng kể, đáng sợ, một hóa thành hai, hai hóa thành nhiều niềm đau nỗi khổ. Tư tưởng bất thiện không những hại mình mà còn lan tỏa ra chung quanh.

Tổ dạy “Trí thức thiện nuôi trí tuệ” như là phương pháp đối trị với những điều trên. Con người biết "nuôi" trí tuệ, nghĩa là hành động thiện phải được nuôi dưỡng, chăm sóc, để mắt thường xuyên. Chất liệu để nuôi dưỡng tiến trình này đó là hạt giống thiện, sự hiểu biết quy luật nhân duyên, lợi hay hại. Ví dụ về điều này, quan sát cây đang sống ta nhận thấy, khi cây còn nhỏ, hạt mầm còn non nớt, dễ bị loài côn trùng mang đi, hay bị thời tiết làm hư thối hạt mầm… Để có ra kết quả, người chăm sóc phải chú ý thường xuyên, nghĩ nhiều cách để bảo vệ hạt giống này, tùy theo từng loại giống cây, thời tiết có thích hợp, chăm sóc có khác nhau. Quan sát từ khi gieo hạt đến khi cho trái, tiến trình này diễn biến một cách liên tục, không gián đoạn, nếu thời gian chưa chín đủ, thì kết quả không thể hình thành.

Nền tảng của thiện được nói ở đây, người hiểu rõ được những điều mình sẽ làm có lợi, không chỉ có lợi trong hiện tại mà có tính lâu dài. Đời sống con người có huân tập giới - định - tuệ, giúp người học Phật xác định vị trí của mình là ở đâu để đi lên, tạo duyên thiện lành, thực hành các pháp, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định… Một chuỗi nhân duyên thiện, hành động thiện, nơi đây là nhân nuôi tạo tiềm năng trí tuệ trong mỗi con người. Tổ dạy: “trí tuệ là kết quả của chơn thiện”, lời trên là cả quá trình, phước báu, nhân duyên, sự nỗ lực không ngừng của người có sự chánh kiến thiện… kết quả mới mong được thành tựu trí tuệ. Người có trí huệ sẽ giúp người sống thanh cao hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn…và đi đến việc đoạn trừ tận gốc của sinh tử luân hồi. Con người có sự hiểu biết thiện, làm các công đức lành, sự nỗ lực đủ mạnh, thái độ nhận thức tốt, thì một ngày nhân duyên hội đủ sẽ cho ra kết quả chúng ta mong đợi.