Trọng tâm của con đường Trung đạo

Tôi có thể kể về một con người kiên quyết khi tôi gặp vị ấy - đó là Ngài Thiền sư Ajahn Mun của chúng ta. Chỉ nhìn thấy Ngài thôi cũng thật đáng kính ngưỡng. Làm sao mà phiền não không nể sợ Ngài được chứ? Ngay cả chúng ta còn kính nể Ngài huống chi phiền não là kẻ gây tội lỗi thì làm sao chúng không sợ cho được? Chúng phải sợ hãi thôi. Đó là điều chắc chắn như thế. Một vị thầy có pháp học uyên thâm, một người đạo hạnh, luôn cương quyết loại trừ điều ác. Ngài phải cương quyết chớ không thể nào không cương quyết. Điều ác càng mạnh bao nhiêu thì ý chí cương quyết nơi Ngài càng dõng mãnh bấy nhiêu, mỹ đức dõng mãnh nơi Ngài là thế. Ngài không thể không cương quyết và dõng mãnh. Nếu không, Ngài sẽ bị quật ngã ngay. Giả sử chỗ này dơ bẩn, nhưng chỗ dơ này chúng ta không thể nào lau sạch chỉ với một ly nước có phải thế không? Thế thì chúng ta làm thế nào để rửa sạch chỗ ấy? Chúng ta phải dùng rất nhiều nước. Nếu chỗ này đầy phân uế, chúng ta phải dùng cả xô nước chứ không chỉ một xô bình thường, phải một xô lớn kia. Tạt nước thôi chưa đủ, chúng ta phải cọ rửa kỹ càng nữa. Chỗ ấy sẽ trở nên sạch sẽ bởi vì có nhiều nước.

phiennao

Tính cương quyết khác với sự khắt khe, gay gắt bởi vì nó có nghĩa là thái độ nghiêm chỉnh đứng đắn khi quán sát các pháp đều có ý niệm gắn liền với nhân duyên của chúng. Ghi nhớ và tư duy điều này cho thông suốt. Nếu bạn ít tự rèn luyện cho chính mình, bạn không lên đường được. Bạn phải dõng mãnh trong cuộc chiến với phiền não, với cái xấu. Đừng để cho phiền não cứ mạnh dần nhấn chìm bạn. Nếu chúng ta không có phương pháp nào để chiến thắng phiền não, nếu chúng ta yếu đuối và thiếu quyết tâm, chúng ta sẽ không giỏi chuyện gì cả.

Đối với những người muốn thực tập giáo pháp để trở nên trong sạch và thiện lành: Giáo pháp giống cái gì vậy? Đức Thế Tôn đã giáo huấn những gì? Loại phiền não nào bị loại trừ bằng loại giáo pháp nào để được gọi là con đường Trung đạo? Đức Thế Tôn dạy, “Con đường Trung đạo được Như Lai khám phá, đưa ra một lối nhìn, đưa ra một nhận thức, đưa đến an bình, tuệ giác, chánh niệm tỉnh giác, đưa đến Niết-bàn”. Đây là lời dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân. Con đường Trung đạo là những gì có thể làm cho tất cả mọi hình thức trí tuệ sinh khởi. Tuệ tri: Đây là trí tuệ thâm sâu, rất tinh tế và sắc bén. Ngay cả nhận thức sáng suốt cũng ít thâm sâu và tinh tế hơn nó. Chánh niệm tỉnh giác. Niết-bàn: Con đường này đưa đến Niết-bàn. Tất cả các thành tựu này không thể không thực tập con đường Trung đạo mà thành tựu được. Chúng không nằm ngoài vòng cương tỏa của con đường Trung đạo này.

Thuật ngữ “Trung” có nghĩa là gì vậy? Trung là chỉ cho thực tại, là chỉ cho thời điểm ngay lúc chúng ta đang nghe, học, nhớ và suy xét. Chúng khác nhau không? Rất khác nhau. Tôi sẽ lấy một ví dụ cho các bạn thấy. Giả sử có hai người lính, cả hai đều học xong khóa học của ngành quân đội. Một trong hai người không bao giờ ra chiến trường trong khi người kia có rất nhiều kinh nghiệm trong nhiều trận giáp lá cà với địch, đánh dấu vị trí nơi anh ta vừa mới thoát hiểm. Trong hai người lính, người nào có thể nói chính xác và lưu loát hơn về sự xác thực của trận chiến trong chiến tranh? Chúng ta phải đồng ý không chút do dự rằng người lính từng tham gia trận đánh có thể nói rõ hết mọi khía cạnh với nhiều sự kiện anh ta chứng kiến và đã chạm trán khốc liệt may mà anh còn có thể sống sót trở về. Nếu anh ta ngốc nghếch, anh đã chết rồi. Anh ta phải rất mưu trí để sống sót.

Cũng thế là con đường trung đạo này: “Trung” là như thế nào đây? Chúng ta được nghe giảng dạy rằng tu tập theo con đường trung đạo, có nghĩa là không sống quá buông xả, cũng không quá khắt khe. Vậy chúng ta đi theo phương pháp nào để có cuộc sống không quá buông xả và cũng không quá khắc khe, để chúng ta vẫn tuân thủ với những nguyên lý trọng tâm trong chiều hướng của giáo pháp thật sự hướng đến? Khi chúng ta ngồi thiền được chút xíu, chúng ta lo ngại mình sẽ bị đau nhức, bị ngất xỉu, sẽ chết, thân thể của mình sẽ bị tê liệt hay mình sẽ bị điên khùng trong nay mai, thế rồi tự nói với chính mình “Chúng ta đang rơi vào cực đoan”. Bạn thấy vậy phải không? Bạn có cách hiểu như vậy phải không? Nếu chúng ta nghĩ về việc cúng dường, chúng ta nói, “Không. Làm việc ấy là lãng phí lắm. Chúng ta hãy dùng tiền của này cho việc này việc kia tốt hơn”. Vậy là gì đây? Có phải bạn hiểu trung đạo như vậy phải không? Nếu chúng ta bước lên con đường của giáo pháp, chúng ta nói nó quá cực đoan, nhưng nếu chúng ta bước vào con đường của phiền não, thì chúng ta sẵn sàng cho mọi thứ mà không có một niệm suy nghĩ về trọng điểm đưa đến hậu quả gì cả. Điểm then chốt của nó là đây? Đó chính là trọng điểm của phiền não bởi phiền não có môi giới trung gian giống như chúng ta đây.

Khi con người ta làm việc tốt, muốn sinh lên cõi trời, muốn đạt được Niết-bàn, họ ngại rằng đó là lòng tham muốn. Nhưng khi họ muốn xuống địa ngục ngay trong đời sống này, bạn biết đó, họ không lo âu đó có phải là tham muốn hay là không. Họ không nghĩ gì về điều đó cả. Khi họ vào quán nhậu: Đó có phải là tham muốn không? Họ không ngừng suy nghĩ về điều đó. Khi họ uống rượu hay say mèm không còn tự chủ: đây có phải là con đường trung đạo không? Đây là tham dục có phải không? Đây là phiền não hay không phải? Họ không thèm suy nghĩ gì cả. Nhưng khi họ nghĩ đến việc quay về lĩnh vực giáo pháp, thì cho rằng đó trở nên quá cực đoan rồi. Mọi thứ trở nên quá cực đoan. Điều gì đây? Có phải tư tưởng này vẫn thường xảy ra với chúng ta rằng đây là những lựa chọn của phiền não kéo lê theo chúng ta? Phiền não diện vẻ bên ngoài trông rất xinh. Trọng điểm thật sự của chúng là ở giữa cái gối, giữa tấm nệm nằm ấy. Ngay khi chúng ta thiền hành một chút và niệm thầm “Buddho, Dhammo, Sangho” (Phật, Pháp, Tăng), chúng ta cảm thấy mình như thể đang đi vào cõi chết, như thể bị dây xích trói lại giống con khỉ đang lúng ta lúng túng nhảy chỏm lên, chúng ta niệm Phật để giúp cho có đủ uy lực vượt qua sức mạnh đó. Hoặc chúng ta đi khất thực, giữ gìn giới luật hay tu tập thiền định, chúng ta sợ là mình sẽ bị ngất xỉu và chết mất. Không có gì ngoài phiền não làm chướng ngại và lấp mất con đường chúng ta đi. Chúng ta không nhận ra trọng điểm của phiền não giống như cái gì, bởi vì nó ru ngủ chúng ta bao lâu nay rồi.

phiennao2

Tôi vừa kể chuyện hai người lính cho các bạn nghe, họ đã học ngành khoa học quân sự, một trong hai người đã từng tham gia chiến đấu trong khi đó người kia chưa từng. Chúng ta có thể so sánh điều này để rút ra bài học. Những người từng tham gia trận đánh, họ có nhiều kinh nghiệm đối với phiền não và chiến đấu với phiền não, là những người có thể mô tả con đường trung đạo một cách chính xác và đúng đắn. Nếu chỉ đơn giản học và ghi nhớ..., ở đây tôi không xem thường sự học, học thì tất cả các bạn đều có thể học, ghi nhớ thì tất cả các bạn đều có thể ghi nhớ. Tôi không phê bình việc ghi nhớ. Tuy nhiên nếu bạn đơn giản chỉ nhớ những cái tên của phiền não, ngay cả bạn nhớ được tổ tiên dòng họ của chúng, điều đó không có nghĩa chi hết nếu bạn không chú tâm và việc thực hành. Nếu không thực hành, thì cũng chỉ giống như là nhớ tên tuổi của từng phạm nhân thế thôi. Băng tội phạm này, đảng tội phạm kia làm gì, chúng cướp tiền như thế nào, chúng thích làm gì, tên của chúng là gì.... Chúng ta có thể nhớ hết những dữ liệu này. Không chỉ đề cập chỉ cái tên mà thôi, chúng ta có thể nhớ luôn cả dòng tộc của họ, song nếu chúng ta không thực thi việc làm cụ thể nào đối với chúng, những tên tội phạm mà tên tuổi chúng ta đã nhớ thuộc lòng vẫn sẽ tiếp tục làm hại thế giới này. Vậy nên chỉ đơn thuần nhớ danh xưng không có ích gì cho mục đích cả. Chúng ta phải hành động và phải có một kế hoạch. Những tên tội phạm ấy trộm cướp ở đâu? Chúng ta liền lên chiến lược và bắt tay vào hành động ngay, nằm phục kích đợi chúng ngay địa điểm này, vị trí kia, cho đến khi chúng ta có thể tóm gọn chúng. Như thế thì xã hội mới có thể sống trong bình an. Đấy là phạm vi của thực hành vậy.

Cũng thế, biết rõ chân tướng của phiền não và tác hại tinh thần của chúng. Chúng ta phải thực tập. Chỉ khi nào nhận biết rõ, chúng ta tập trung trí tuệ vào việc thực tập. Nó cũng giống như việc bố thí? Chúng ta đã cho họ. Việc giữ giới giống như thế nào? Chúng ta đã giữ được giới. Thiền tập giống như thứ gì? Chúng ta đã thực tập được. Đấy mới gọi là thực tập. Không phải chúng ta chỉ việc nhớ đơn giản rằng bố thí có kết quả như thế, giữ giới có kết quả như thế này, thiền tập có kết quả như thế kia, cõi trời giống như thế này, Niết-bàn giống như thế kia. Nếu chúng ta chỉ đơn giản nói những điều này và học thuộc lòng chúng, không chút quan tâm gì đến việc thực hành, chúng ta sẽ không tới được nơi ấy, chúng ta sẽ không thu được kết quả gì cả.

Bây giờ chúng ta hãy chú tâm vào việc thực tập chiến đấu lại với phiền não: Phiền não từ thượng cổ đến giờ luôn là đối phương của giáo pháp. Đức Thế Tôn nhiều lần dạy rằng phiền não là đối thủ của giáo pháp là thế. Chúng ẩn ở đâu? Ở ngay đây - trong tâm của con người. Giáo pháp trụ ở đâu? Cũng ở ngay tâm con người. Đấy là tại sao chúng sinh phải chiến đấu với phiền não vậy. Trong cuộc chiến với những phiền não, có lắm đau khổ, buồn thương là chuyện tất nhiên. Bất kỳ chúng dùng loại vũ khí nào, chúng tấn công bằng cái gì, với chiến thuật gì, giáo pháp phải quán thông chúng cả. Những chiến thuật như lánh sang bên, chạm trán, đột kích, tấn công: Mọi thủ thuật để loại trừ phiền não phải được lên kế hoạch hành động trong giáo pháp - đó là Chánh kiến và Chánh tư duy - coi trước nhìn sau. Dần dần, phiền não sụp đổ dần ngang qua việc thực tập của chúng ta. Đấy là những gì mang ý nghĩa con đường trung đạo vậy.

Vậy, hãy cố lên và kỳ vọng. Kỳ vọng vượt thoát khỏi mọi khổ não. Kỳ vọng đạt được công đức. Kỳ vọng được sinh về cõi trời. Kỳ vọng đạt thẳng đến Niết-bàn. Tiến thẳng về phía trước và nguyện mong những điều mình muốn, bởi vì tất cả đều nằm trong con đường trung đạo này. Nó không phải là cái muốn xuất phát từ tâm ái dục (taṇhā). Nếu cho rằng những ước mong ấy là tham vọng, chúng ta không để cho tham vọng đó phát triển, vậy là chúng ta đã làm mình chết đi rồi. Không kỳ vọng, không gì cả: Phải chăng đó có nghĩa không còn phiền não, không còn tham vọng? Có phải loại người như thế rất đặc biệt? Thật sự không đặc biệt gì cả, bởi vì đó là một người đã chết. Một người không chết phải có ước vọng điều này điều nọ, chỉ có điều luôn tự cân nhắc không có tham muốn trong sự sai trái mà thôi. Nếu bạn tham muốn lạc theo hướng sai trái, đó chính là tham dục và phiền não. Nếu bạn ước muốn trong con đường chân chính, thì đó là con đường có thể bước đi, thế nên bạn phải hiểu điều này một cách rõ ràng mới được.

Ước nguyện càng nhiều, ý chí kiên định của chúng ta càng mạnh mẽ hơn. Ước nguyện và lòng kiên định là một phần đường, con đường đưa đến an lạc không còn bất an. Khi lòng chúng ta muốn sinh về cõi trời hay đạt đến Niết-bàn, thoát ra khỏi nỗi bất an mạnh mẽ khiến cho chúng ta dũng mãnh trong cuộc chiến, ý chí kiên định của chúng ta, khả năng chịu đựng, tinh thần quật cường trong chúng ta tập hợp lại thành một khối sức mạnh độc nhất đó là mong muốn đạt được Niết-bàn, vượt thoát sầu khổ bất an. Chúng tinh tấn liên tục không kể ngày hay đêm, năm tháng nữa. Chúng ta chỉ tập trung tất cả thời gian cho cuộc chiến. Vậy là thế nào? Chúng ta có đang quyết tâm đó không? Khi tham muốn mạnh lên, các thiền sinh chúng ta phải có quyết tâm. Không màng có bao nhiêu phiền não đang có mặt ở đó, hãy đều làm cho chúng vỡ vụn hết. Chúng ta không thể rút lui. Chúng ta chỉ nhất quyết phá sập hết mọi phiền não mới được. Nếu chúng không tan hoại tức là chúng ta sắp bị đánh sập nếu như chúng ta không làm một cuộc thư hùng với chúng. Tiếng “bại” không được có mặt trong trái tim. Nếu chúng hất chúng ta ra ngoài vòng, chúng ta phải trườn vô lại để chiến đấu với chúng. Nếu chúng lại đá hất chúng ta ra ngoài nữa, chúng ta cũng lại tiếp tục trườn vô, tiếp tục cuộc chiến. Sau nhiều lần như thế, chúng ta có thể bắt đầu phản công hất ngược phiền não ra ngoài vòng. Bạn hiểu điều này chứ! Sau mỗi lần đánh bại chúng, thảy chúng ra khỏi vòng là một lần chúng ta học được bài học.

Chỗ nào chúng ta thất bại trước phiền não, bất cứ chiến thuật gì phiền não sử dụng để đánh, chúng ta hãy tương kế tựu kế phản công chúng. Cuối cùng chúng ta sẽ có thể đánh bại chúng. Khi phiền não yếu dần, những vai trò của giáo pháp như định, niệm, tuệ, kiên trì mạnh mẽ dần lên. Ngay nơi đó phiền não quỳ gối vì chúng không phải là địch thủ. Chúng không phải là địch thủ của giáo pháp. Trước kia, chúng ta là những kẻ khom lưng bó gối. Cứ hễ luồn cúi thì chúng ta bị phiền não đá văng ra ngoài. Chúng ta nằm đó rồi khóc lóc. Chúng ta rên rỉ than thở. Ngồi, chúng ta than thở. Đứng, chúng ta mong muốn. Bước đi, chúng ta mong muốn mãnh liệt hơn. Rồi khi bước đi, trong tâm ta không còn gì ngoại trừ yêu thương, thù hận, ganh ghét tràn ngập trong tâm mà thôi. Không còn gì chỉ còn mỗi phiền não đang dẫm mạnh trên chúng ta mà thôi. Nhưng một khi những phiền não này bị chánh niệm, tuệ giác, lòng tự tin, và kiên trì tấn công, chúng không chỗ trú bất cứ nơi nào chúng ta có mặt, bởi vì phiền não đã đầu hàng. Chúng càng quỳ mọp, chúng ta càng theo dõi quán sát kỹ không cho chúng có cơ hội vùng dậy. Hễ vừa thấy một phiền não là chúng ta tiêu diệt nó ngay. Cứ thế, thấy một phiền não là diệt một phiền não, cho tới khi tất cả phiền não đều loại trừ hoàn toàn, không còn chút phiền não nào sót lại nơi tâm. Vì vậy, ngay bây giờ khi chúng ta nói về phiền não, không luận là phiền não gì, chúng ta có thể nói không do dự. Bất cứ mưu mẹo, chiến thuật gì, chúng ta cũng đều sử dụng vào việc làm cho phiền não rơi rụng, chúng ta có thể mô tả chúng không hề do dự. Tâm thanh tịnh phải là không còn chút phiền não nào quấy nhiễu nó như trước đây nữa, chúng ta có thể diễn tả tâm ấy rõ ràng không còn ngần ngại nữa.

Giống như một người đã từng tham gia cuộc chiến và có thể kể lại không e dè. Không giống như khi chúng ta chỉ nhớ thuộc lòng. Nếu chúng ta chỉ nhớ thuộc lòng, chúng ta chỉ có thể nói trên sách vở. Chúng ta không thể nói thêm chi tiết dù chỉ một chút xíu. Chúng ta không biết làm thế nào. Nhưng một người đã tham gia chiến đấu biết rõ tất cả những đặc tính và sự phức tạp - chứ không chỉ đơn thuần là bài khoa học quân sự bảo làm điều này giống thế này hay theo phương cách kia. Anh ta có thể làm con đường ngang qua mọi nơi ngóc ngách xó xỉnh, ngoằn ngèo, theo những gì anh cần làm để được an toàn và giành chiến thắng. Một người lính tận dụng mọi điều kiện phương tiện anh ta có được.

Chúng ta trong cuộc chiến với phiền não cũng như vậy. Mọi thứ tiếp cận, chúng ta nên vận dụng để chiến thắng, Đức Thế Tôn cung cấp cho chúng ta tất cả vũ khí của giáo pháp và tự thân chúng ta hãy dùng chánh niệm và trí tuệ để tư duy chúng. Thường thì con người ta không bao giờ vượt ra khỏi nỗi sợi dây..., bạn biết rõ điều này. Khi chúng ta thật sự đi đến cuối sợi dây, chánh niệm và trí tuệ tạo ra những con đường để chúng ta tự giúp chính mình, để chúng ta có thể đập nát phiền não ra từng mảnh nhỏ cho đến khi không còn chút phiền não nào sót lại nữa. Từ thời điểm đó trở đi, bất cứ nơi nào phiền nào dắt dẫn bè đảng của chúng đến, trong tâm của bất cứ ai, chúng ta đều nhận diện ra chúng hết, bởi vì tâm của chúng ta đã đoạn diệt phiền não hoàn toàn rồi.

Đấy là sự thực tập. Đấy là những gì được gọi là con đường trung đạo. Khi phiền não khởi lên, huênh hoang, con đường trung đạo cũng xuất hiện ra oai ngay. Nếu chúng mang theo một đội quân hùng mạnh, con đường trung đạo phải đánh chúng tan tác.... Nếu chúng mạnh mẽ, chúng ta cũng mạnh mẽ như thế. Nếu chúng liều lĩnh, chúng ta phải anh dũng, không biết sợ là gì cả. Đấy là ý nghĩa con đường trung đạo: con đường riêng dành để đánh bại tất cả những đội quân đối phương. Nếu quân đội của chúng hùng mạnh trong khi của chúng ta nhỏ bé và sức lực lại yếu ớt, thế là không xong rồi. Chúng ta sẽ phải thất bại. Dù quân đội của chúng hùng mạnh, có nhiều vũ khí, quân đội của chúng ta quyết phải hùng mạnh hơn và chuẩn bị vũ khí nhiều hơn. Chỉ như thế chúng ta mới thắng được. Đấy là những gì gọi là quân đội của giáo pháp. Dù quân đội phiền não có thể là lớn, chánh niệm, tuệ giác, lòng tự tin, và kiên trì phải bao quanh chúng và trừng trị chúng không nương tay. Cuối cùng phiền não ngã sóng xoài trên lưng ngựa và chúng ta sẽ không cần tụng kinh siêu độ cho chúng đâu. Chúng ta đã thành tựu được giáo pháp tối thượng.

Khi phiền não đã gục ngã trên lưng ngựa, chúng ta không lo âu rằng chúng ta sẽ sống ở đâu trong vũ trụ này. Tại sao lo như thế? Chúng ta không bận tâm rằng sau khi chết mình sẽ được sinh vào cõi trời hay thế giới Phạm thiên hay địa ngục gì cả. Không có gì biết rõ hơn chính tâm mình. Thường thường tâm đã là người nhận biết rõ mọi việc, thế nên bây giờ nó càng biết họ hơn bởi vì song hành cùng giáo pháp, còn gì phải tự vấn, lo lắng nữa?

Đấy là tại sao duy chỉ có một Đức Thế Tôn xuất hiện trong một thời điểm, bởi vì một Đức Thế Tôn xuất hiện có khổ đau kèm theo, và Ngài chứng quả giải thoát khỏi khổ đau ấy. Ngài là vị đầu tiên thành tựu quả Giác ngộ, đi trên con đường mà chính mình tạo ra dẹp sạch hết thảy đội quân phiền não, tham ái, và những chi nhánh tác hại tinh thần của đối phương, để tuyên dương giáo pháp đến với thế giới cho chúng ta học hiểu và thực tập nó mà đó cũng là cơ hội tốt đẹp nhất của đời mình. Chúng ta được sinh ra trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, thế nên hãy nỗ lực thực tập những gì Ngài đã truyền dạy để thu hoạch được lợi lạc từ nguồn giáo pháp ấy. Giáo pháp của Đức Thế Tôn không phải là búp bê hay món đồ chơi của em bé, bạn nên hiểu như thế.

Giáo pháp là sanditthiko - thấy ngay trực tiếp. Giáo pháp của Đức Thế Tôn là chợ đang mở rộng cửa cho thấy những lối đi, những hoa trái và quả vị Niết-bàn. Những món này không bao giờ lỗi thời cả, trừ khi chúng ta lạc hậu, đó là lý do tại sao chúng ta cứ để mặc phiền não lừa phỉnh và trong tâm cứ nghĩ rằng giáo pháp đã lỗi thời mất rồi; thực ra là người lạc hậu, lỗi thời thực tập giáo pháp; người lạc hậu, lỗi thời đi chùa; còn giáo pháp không có Đạo, không có Quả gì hết; Đạo, Quả, Niết-bàn không có tồn tại; vấn đề không phải ở chỗ bạn thực tập bao nhiêu, đó là bạn làm cho tự thân hao mòn vô ích thôi. Tất cả mọi thứ chỉ là số không, ngoại trừ phiền não đang dối lừa và chúng ta tin tưởng mọi thứ nó nói, vì thế chúng ta cứ tiếp tục để cho mất hết không còn một chút gì ngay cả cái danh xưng tốt lành của mình. Tại sao chúng ta sẵn sàng tin tưởng nó tuyệt đối như thế?  

Kilesam saranam gacchami — “Tôi xin quy y phiền não”. Chúng ta không bao giờ phát nguyện như vậy. Chúng ta chỉ phát nguyện là “Buddham Dhammam Sangham saranam gaccham — “Con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng”, nhưng khi lũ phiền não chỉ thổi qua một cơn gió nhẹ, chúng ta đều ngã rạp xuống. Lũ phiền não thành công tốt đẹp làm sao! “Cái gì mà quy y Phật chứ? Chẳng có nghĩa gì cả, mà phải là quy y phiền não mới đúng”. Mặc dù, chúng ta chẳng bao giờ phát nguyện như vậy nhưng niềm tin của chúng ta đã nghiêng về phía phiền não không còn chút suy tư gì nữa hết. Đây còn gọi là “Con xin quy y phiền não”. Đến cháu chắt của phiền não, chúng ta cũng nguyện xin quy y luôn. Ông bà nội ngoại của phiền não, chúng ta cũng xin quy y tất. Thứ gì thuộc phiền não, chúng ta đều phủ phục xin quy y hết. Chúng ta quy y với cả khối phiền não. Hãy suy ngẫm điều ấy.

phiennao1Vậy nên các thiền sinh, hãy cương quyết. Tham muốn diện kiến chân lý. Nó ngay nơi ấy, ngay trái tim của mỗi người. Đức Thế Tôn không hề đặt để một yêu sách đặc thù nào đối với nó cả. Tất cả mọi điều cần thiết, đó là bạn hãy thực tập. Đừng nghi ngờ về con đường bạn đang đi, thành quả, và quả vị Niết-bàn. Khi nào mọi phiền não lỗi thời? Chúng luôn có mặt trong tim của chúng ta đấy thôi. Tại sao chúng ta chưa bao giờ thấy chúng bị tố cáo là lỗi thời? “Loại phiền não nào cũng là lạc hậu. Các loại phiền não đều là không đúng mốt, vậy nên đừng có hợp tác gì với chúng cả”. Tôi chưa từng thấy chúng ta có một lời lên án nào đối với chúng. Thế nên làm thế nào có chuyện giáo pháp chữa khỏi phiền não? Giáo pháp và phiền não là một đôi, phiền não thường ru chúng ta ngủ quên để chúng ta không vận dụng giáo pháp tiêu diệt nó. Phiền não lo sợ sẽ mất hết sức mạnh vì giáo pháp luôn đe dọa nó, đó là nguyên nhân tại sao nó lừa phỉnh chúng ta đừng hướng về giáo pháp. Hãy nên nhớ kỹ điều này.

Được rồi. Tôi cũng đã mệt vì cứ mãi giảng giải cho những thiền sinh quy y với phiền não này.

(Nguyên bản: The Middleness of the Middle Way của Thiền sư Maha Boowa Ñanasampanno, Thượng tọa Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh).