Trung đạo xưa và nay - Mối quan tâm của giới Phật giáo Nam truyền đối với xã hội

"Phật giáo đồng hành với dân tộc trong thời chiến và hộ quốc an dân trong thời bình" là ý nghĩ khởi lên trong lòng người viết khi đang đi dọc theo quốc lộ 1A vào mùa giáp tết Nguyên Đán năm Giáp Ngọ vừa qua. Người viết xin bắt đầu bằng cảm xúc cá nhân. Trong làn không khí se mát của quê hương Việt Nam, ven đường nơi nào có mái chùa là có những dãi cờ 5 màu tươi tắn. Cổng tam quan trang hoàng cờ Phật giáo và tổ quốc ở hai bên trụ chính. Nổi bật hẳn lên là hàng đại tự "ĐẠI LỄ CẦU QUỐC THỚI DÂN AN". Đối với người viết, bao nhiêu đó đã biểu hiện một cách đàng hoàng mối gắn bó hữu cơ giữa Phật giáo và dân tộc. Trong bài này người viết sẽ không bàn sâu về khía cạnh Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành với dân tộc trong thời chiến, không nói chi tiết về Hòa thượng Tăng Phố dấn thân chống Pháp rồi chết trong nhà tù Côn Đảo năm 1912, Hòa thượng Tăng Hô thân làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, và bốn vị sư hy sinh ở Gò Quao, Giồng Riềng, Hà Tiên năm 1974[1]. Người viết sẽ bàn nhiều hơn về ý hướng của dạng Phật giáo hộ quốc an dân trong thời bình, cụ thể là những đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer trong những phương diện như văn hóa, đạo đức, an sinh xã hội, giáo dục, và việc chăm sóc sức khỏe cho những người có hoàn cảnh.

Điểm qua phương diện hộ quốc an dân nói chung, chúng ta thấy rằng ngoài chức năng giáo dục người dân "môn học làm người" trong đó có làm công dân của một quốc gia, xây dựng cho người dân một nền tảng đạo đức dân tộc và tâm linh dân tộc vững chắc, Phật giáo nói chung còn đóng góp rất lớn cho xã hội về nhiều phương diện khác, trong đó có phương diện an sinh. Theo Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2013 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì công tác từ thiện xã hội năm 2013 là trên một ngàn một trăm tỷ đồng.

Để tìm hiểu nguồn mạch tư tưởng làm tiền đề xuất phát của cho tinh thần hộ quốc an dân, hàng ngũ tăng sĩ Phật giáo đặc biệt là Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện, chúng ta có thể bắt đầu từ thời những vị Tỳ kheo đầu tiên khi Đức Phật còn tại thế. Sinh hoạt của hàng ngũ tăng già lúc ấy là tối giản, gần như chỉ bao gồm việc khất thực, thọ thực, thuyết giảng Phật pháp, thiền hành, thiền tọa. Hầu như tất cả những hoạt động mang tính xã hội cao đều bị xem là không đúng chánh nghiệp hay chánh mạng của một tăng sĩ. Thậm chí những việc đơn sơ như cuốc đất, nhổ cỏ, đốn cây... đều xem là không phù hợp đối với bậc xuất trần thượng sĩ. Nguyên do có thể là vì những việc ấy thường gây tổn hại cho những sinh linh nhỏ bé hay vì những việc ấy làm cho mục đích phạm hạnh thanh cao của một nhà sư bị tổn giảm, nguồn năng lượng hay tinh lực cần tập trung cho việc hạ thủ công phu, liễu sinh thoát tử bị phân tán. Từ hình thái hoạt động cực kỳ đơn sơn thanh thoát, thiêng tịnh và tuyệt đối bất bạo động như vậy tiến đến hình thái hoạt động dẫn đến việc trở thành một vị "Quân Đại Hùng Sư" trực tiếp cầm gươm ra trận hay một vị Phó Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ trực tiếp tham gia bộ máy chiến tranh trong thời chiến hay là một vị lương y trực tiếp chẩn đoán chữa trị cho bệnh nhân trong thời bình là cả một cung đường phát triển vạn dặm về nhiều phương diện, cả nội dung tư tưởng lẫn phương thức thể hiện. Trong cung đường phát triển vạn dặm như vậy dĩ nhiên có những giai đoạn trung gian hay những "trạm dừng" tư tưởng. Khá thú vị, người viết xin mời quý độc giả ghé qua một trạm dừng tư tưởng quan trọng giữa hai đầu mút của cung đường: Một đầu có thể tạm gọi tên là xuất ly tuyệt đối, đầu kia là nhập thế tuyệt đối. Ở giai đoạn trung gian hay trạm dừng tư tưởng chúng ta có thể thấy những nhà sư trong vị trí tiêu biểu nhất cũng chỉ đóng vai trò làm biểu mẫu cho xã hội, làm mô phạm cho người dân, mang chức năng khuyến hóa cho toàn xã hội hay cho một số tầng lớp xã hội nào đó tùy thời đại. Thú vị là tại trạm dừng này chúng ta thấy biểu hiện chủ yếu là biểu hiện của một sự cân phân giữa hai nhiệm vụ mà một người xuất gia thực hiện: Nhiệm vụ đối với giáo pháp giải thoát thanh cao và nhiệm vụ đối với xã hội phồn tạp trước mắt. Xin được có một sơ kết hơi sớm là, tuy là một trạm dừng nhưng kích thước thật đáng kể vì nó kéo dài hầu hết cung đường và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một trường hợp điển hình của trạm dừng này là trường hợp của hàng ngũ tăng già trong lịch sử Phật giáo Sri Lanka thời trung đại, được phản ánh như sau:

"...không có Phật giáo nếu không có Tăng già và không có Tăng già nếu không có giới luật và... cũng không có (đất nước con người) Sri Lanka (như ngày nay) nếu không có Phật giáo. Do vậy Tăng sĩ trở thành hình ảnh của một người có trách nhiệm đối với dân tộc, hướng dẫn đạo đức cho người dân. Nhiều nội dung trong lịch sử Sri Lanka hậu kỳ nói về những cố gắng của những vị vua trong việc giữ gìn sự thanh tịnh của Tăng già, giới luật của Tăng già và chỉnh đốn nhiệm vụ của Tăng già. Sự thịnh vượng của dân tộc (Xin được nhấn mạnh) cuối cùng dựa trên nền tảng đạo đức của dân tộc đó. Song nhiệm vụ (của nhà sư) đối với người dân, lo toan chuyện đời sống, có thể được xem là mâu thuẫn với nhiệm vụ chính đối với bản thân nhà sư là tìm cầu sự giải thoát. Nhưng (ít ra) những nhà sớ giải và những tăng sĩ trí thức Sri Lanka sau đó đã có thể tìm được sự hài hòa nhất quán đối với hai nhiệm vụ trên. Đối với họ một nhà sư mặc dù thụ động và chủ yếu là quan tâm tới giới luật của bản thân tuy nhiên lại hành động như là một gương mẫu. Ông ta, nói theo cách của một vị Tăng sĩ đương đại, là ngọn đèn đường, (mà ngọn đèn đường thì) không đi đâu cả, không làm gì cả nhưng lại giúp cho người dân thấy được con đường trong thế giới đen tối và lù mù về đạo đức này. Trong nền văn học sớ giải thì đạo đức của Tăng sĩ là hương thơm thấm vào vũ trụ. Ngay trong thời hiện tại hình ảnh của Tăng già vẫn tỏa sáng và bất nhiễm... trong lòng người Sri Lanka"[2]

Hình tượng tăng già thời kỳ đầu có thể được khắc họa ra như sau: Đầu trần chân không, rài đây mai đó, không thuộc về bất cứ một phạm vi xã hội nào. Những vị sư đầu tiên hầu như đứng bên ngoài những thiết định xã hội, không chắc thuộc về Ma Kiệt Đà, không chắc thuộc về Xá Vệ, lâu lâu có thể thấy xuất hiện ở một trong hai nơi, nhưng thường khi thì ở một cánh rừng hay một sườn núi không tên không tuổi nào đó. Khác với hình tượng tăng già của thời kỳ đầu, hình tượng của tăng già trong giai đoạn trung gian này là hình tượng của những ngọn đèn đường được thắp sáng trong đêm (đêm tối trần gian) thuộc về một con đường cụ thể một khu vực hành chánh cụ thể. Cột đèn đường ở nhân gian thì hầu như là không di chuyển, không làm gì, không tham gia vào việc gì khác ngoài việc soi sáng cho con đường nhân gian lù mù và đầy hiểm nạn. Qua khỏi giai đoạn trung gian đó là giai đoạn tăng già dấn thân mạnh hơn vào xã hội với những công việc cụ thể như dạy học, tự thân lao tác cho việc xây dựng chùa chiền, canh tác trồng trọt để sản xuất lương thực; và, trực tiếp làm thầy thuốc chữa thân bệnh cho người dân. Có nhiều trường hợp có thể gọi là nhập thế tuyệt đối hay dấn thân tuyệt đối và toàn diện.

Dấn thân vào đời, hoạt động ở hầu hết mọi phương diện, xả thân cống hiến trọn vẹn như trường hợp của nhiều vị tăng sĩ ở Thái Lan là chuyện mang tính chất của thời đại. Đầu mút xuất ly tuyệt đối của thời xa xưa chắc chắn là không còn phù hợp nhưng đầu mút nhập thế tuyệt đối của thời hiện đại và hậu hiện đại dường như cần một sự cân phân hài hòa nhất định. Nói rõ hơn, dù dấn thân ở mức độ nào, dù làm bất cứ việc xã hội gì đều cần nội hàm trong đó một nội dung tu tập tự thân và chuyển hóa nội tâm trong ý nghĩa thích hợp nhất. Để được như vậy thì giáo lý trung đạo cần được xem là giáo lý giải thoát mà cũng là giáo lý của mọi giai đoạn.

Đến đây chúng ta mở rộng góc nhìn để thấy bức tranh bao quát hơn về sự giải thoát và giáo lý trung đạo. Trong Phật giáo truyền thống chữ giải thoát (Pali vimutti, Sanskrit vimoksha) mang nhiều màu sắc: Phật giáo Nam truyền nhấn mạnh ý nghĩa giải thoát khỏi tham đắm, sân hận, si mê; Phật giáo Bắc truyền nhấn mạnh ý nghĩa giải thoát khỏi cách nhìn thông tục, không còn bị giới hạn bởi chơn lý tương đối đối với thực tại; Phật giáo Kim Cương thừa nhấn mạnh ý nghĩa giải thoát khỏi tính chất nhị nguyên của đạo lý và đạo đức[3]. Theo dạng Phật giáo nhập thế ở Châu Á hiện đại thì sự giải thoát của nhà Phật lại được gọi tên là "Nhân gian giải thoát" bao gồm trong đó sự giải thoát của những cá nhân, của làng xóm, của những dân tộc và của toàn thể nhân loại. Tương tự, trung đạo của nhà Phật được đặt trong mối quan tâm đối với những mục tiêu cần phải đạt được ngay trong kiếp sống này về hầu hết tất cả phương diện của cuộc sống: đạo đức, văn hóa, tâm linh, xã hội, chính trị và kinh tế. Trong thực tế, những ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Khmer đã đáp ứng hầu hết những lĩnh vực trên theo những mức độ khác nhau.

"Không có đình quán như người Việt, người Hoa, nên người Khmer có chung một tập quán đưa những hoạt động văn hóa xã hội vào chùa để giải quyết. Vì vậy, ngôi chùa trở nên "trung tâm giải quyết khó khăn" cho tất cả tín đồ trong phạm vi chùa quản lý. Mọi sự bất hòa, những hành vi bất lương... của các tín đồ đều do nhà chùa giải quyết một bước trước khi có sự can thiệp của chính quyền. Thiếu cái ăn, cái mặc, thiếu phương tiện... tạm thời người dân Khmer có thể đến nhờ nhà chùa... Ở chùa qua trao đổi người ta học tập kinh nghiệm lẫn nhau về lao động sản xuất cũng như trong ứng xử xã hội... Chùa còn là nơi tổ chức các lễ hội... Trong những ngày lễ tết, người dân Khmer sống trong tâm trạng hồ hởi và gần gũi, chia sẻ với mọi người niềm hân hoan của mình..."[4]

Nhà cách mạng Ariyaratna cùng với đồng nghiệp của ông đặt ra mười mục tiêu cần phải đạt được để thành tựu chủ trương "Nhân gian giải thoát" gồm: (1) Môi trường sống sạch sẽ và tươi đẹp; (2) Nước được cung cấp đầy đủ và an toàn; (3) Đủ y phục (căn bản và giản tiện); (4) Đủ thức ăn quân bình các chất dinh dưỡng; (5) Nhà ở giản tiện; (6) Sức khỏe cơ bản được chăm sóc; (7) Phương tiện thông tin; (8) Gas, điện đủ dùng; (9) Có nền tảng giáo dục liên quan đến cuộc sống và nếp sống; (10) Được tiếp cận miễn phí tới nguồn văn hóa và tâm linh. Mười mục tiêu trên được xem là một trong những phiên bản hiện đại của con đường Trung đạo của nhà Phật bao gồm cả hai phương diện, vật chất và tâm linh. Thực hiện để đạt được 10 nội dung trên là đi trên con đường trung đạo. Điều khá thú vị, danh sách mười mục tiêu ở trên được soạn thảo dựa trên một công trình nghiên cứu xã hội, trong đó nhà nghiên cứu xã hội đã lấy ý kiến của 660 người dân làng ở Sri Lanka, đúc kết 660 ý kiến đó vào một bản tóm tắt và cho ra kết quả là 10 điều trên[5]. Bản thân người viết cảm thấy rằng mục tiêu thứ 10: được tiếp cận miễn phí tới nguồn văn hóa và tâm linh, tuy là nội dung chót, được đặt sau cùng, nhưng là nội dung chủ yếu trong nhiệm vụ của tăng già. Dù một nhà sư sống theo hướng nhập thế tuyệt đối hay dấn thân tuyệt đối, góp phần vào việc thực hiện 9 nội dung hay 9 mục tiêu đầu tiên một cách cao nhất thì mối kỳ vọng hàng đầu của người dân đối với một nhà sư vẫn là nội dung thứ 10 như đã được nêu. Điều này vừa hợp lý trong mối tương quan và phân công xã hội, vừa hợp tình vì nhà sư, trong xúc cảm của người Phật tử, vẫn là biểu trưng cho cột trụ đạo đức xã hội, là hương thơm thấm vào vũ trụ. Và, ngay trong thời hiện tại hình ảnh của Tăng già vẫn tỏa sáng và bất nhiễm... trong lòng người Sri Lanka nói riêng và những người con Phật nói chung.


[1] Danh Sol, "Giáo Dục Phật Giáo Đồng Hành Cùng Dân Tộc" Của Phật Giáo Nam Tông KHMER Nam Bộ, in trong tập tài liệu Hội thảo khoa học: Giáo Dục Phật Giáo Định Hướng Và Phát Triển, Hà Nội 2012, tr. 477 - 8.

[2] Michael B. Carrithers, "'They will be Lords upon the Island': Buddhism in Sri Lanka", in trong quyển The World of Buddhism, Facts On File Publications, New York 1984, tr. 134.  

[3] Christopher S. Queen, "Introduction: "The Shapes and Sources of Engaged Buddhism"", in trong quyển Engaged Buddhism, ed. by Christopher S. Queen and Sallie B. King, State University of New York Press, New York 1996, tr. 9.  

[4] ThS. Nguyễn Thị Huê, "Đạo Phật Nam Tông Trong Đời Sống Văn Hóa Của Người Khmer Ở Bạc Liêu", in trong Phật Giáo Nguyên Thủy Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2014, tr. 855 - 6.

[5] Christopher S. Queen, tr. 10.