Trung tâm Phật học Numata mở khóa học trực tuyến về Nữ giới Phật giáo Ấn Độ

 DatLai-1
Đức Đạt-lai Lạt-ma và các thành viên tham dự Hội nghị Phật giáo Quốc tế thảo luận về việc thọ giới của Ni giới, Hamburg, 2007. From: lionsroar.com

Bắt đầu từ ngày 16 tháng 4, Trung tâm Phật học Numata của Trường Đại học Hamburg, kết hợp với Hội Women in Buddhism Study Initiative (Nữ giới trong việc Khởi xướng Nghiên cứu Phật giáo) mở khóa học trực tuyến về đề tài “Nữ giới trong Phật giáo Ấn Độ”. Khóa học sẽ đi sâu vào nghiên cứu tình hình nữ giới của những thời kỳ khác nhau trong dòng lịch sử Phật giáo Ấn Độ và so sánh với các tôn giáo khác ở Ấn Độ. Chương trình học bao gồm 13 bài thuyết giảng của nhóm học giả quốc tế, những vị này sẽ trình bày nghiên cứu mới nhất của họ.

Trung tâm Phật học Numata được thành lập vào năm 2007 để thúc đẩy việc nghiên cứu mang tính học thuật và giảng dạy Phật học. Trung tâm lần đầu tiên mở khóa học trực tuyến về Nữ giới trong Phật giáo vào năm 2014 với nội dung bàn về việc thọ giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Căn bản Thuyết Nhất thiết Hữu bộ. Chương trình này được khởi xướng từ “Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất bàn về Vai trò Nữ giới Phật giáo trong Tăng đoàn: Giới luật Tỳ-kheo-ni và các dòng truyền thừa truyền giới pháp”, được tổ chức tại Trường Đại học Hamburg năm 2007. 

Hội “The Women in Buddhism Study Initiative” được thành lập từ hội thảo “Nữ giới trong Phật giáo” kết hợp với Trung tâm Numata và Viện Tôn giáo Thế giới tổ chức tại Trường Đại học Hamburg vào tháng 6 năm 2013. Mục đích chính của Hội là thúc đẩy việc nghiên cứu và giảng dạy liên quan đến vai trò của nữ giới trong đạo Phật.

Khóa học năm nay sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu chuyên sâu Kinh tạng và Luật tạng thời kỳ đầu và tập trung vào vấn đề nữ giới Phật giáo trong bối cảnh lúc bấy giờ và so sánh với tình hình nữ giới Kỳ-na giáo và Bà-la-môn giáo. Tiếp đó nghiên cứu đến Phật giáo Đại thừa, đặc biệt còn nghiên cứu nền nghệ thuật Ấn Độ và đưa đến kết luận trong lĩnh vực nghiên cứu mang tính học thuật về nữ giới trong Phật giáo ở Ấn Độ nói chung.

Việc mở khóa học trên trang nhà Trung tâm Phật học Numata nhằm giúp cho các thành viên tham học “gặt hái thêm kiến thức về sự đa diện trong đề tài nữ giới trong Phật giáo ở Ấn Độ dựa trên việc nghiên cứu hoàn cảnh lúc bấy giờ, để thấy rõ những khía cạnh khác nhau về vấn đề đối xử phân biệt giới tính cũng như vấn đề môi giới của nữ giới và những phương thức hành động mà nữ giới đã thực thi để theo đuổi nguyện vọng của mình”.

Khóa học bao gồm các bài giảng như sau:

“Nữ giới trong Kinh điển Phật giáo Thời kỳ đầu” của Thượng tọa Analayo.

“Giới hạnh Nữ giới trong hai bộ Luật Sanskrit” của Amy Langenberg.

“Nữ giới trong truyền thồng Kỳ-na giáo và Phật giáo Trung cổ” của Mari Jväsjarvi Stuart.

“Nữ giới trong truyền thống Phật giáo và Kỳ-na giáo” của Nalini Balbir.

“Nữ giới trong Luật tạng Nguyên thủy và truyền thống Bà-la-môn giáo” của Ute Hüsken.

“Tỳ-kheo-ni Thullananda” của Reiko Ohnuma.

“Mahapajapati Gotami Tự thuật” của Shobha Rani Dash.

“Tiểu sư chư Thánh Ni trong các Văn bản Phật giáo” của Liz Wilson.

“Nữ giới trong Văn học Kinh điển Đại thừa” của Rita Gross.

“Nữ giới trong các Văn bia Phật giáo Thời kỳ đầu” của Alice Collett.

“Nữ giới trong bộ tuyển tập Tiền thân Đức Phật” của Naomi Appleton.

“Nữ giới Phật giáo trong Nghệ thuật Ấn Độ” của Monika Zin.

“Tóm tắt và Quan điểm về Nữ giới trong Phật giáo” của Petra Kieffer-Pülz.

Thời thuyết giảng sẽ diễn ra vào mỗi thứ năm hàng tuần, từ 2h15 đến 3h15pm (giờ địa phương) và các thành viên tham gia xin đăng ký vào ngày 15 tháng 3.

(Theo Buddhistdoor International, ngày 04. 03. 2015)