TT. Giác Duyên thăm và chia sẻ Pháp lý đến hành giả An cư tại Tổ đình Minh Đăng Quang

Ngày 20/5/Mậu Tuất (nhằm 03/7/2018), TT. Giác Duyên – Phó BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Hệ phái, Trụ trì Tịnh xá Phú Cường đã viếng thăm và chia sẻ với đại chúng An cư với chủ đề: “Từ góc nhìn Tôn giáo, nhìn về Phật giáo và Hệ phái Khất sĩ”.

1/ Tôn giáo: Tôn là kính trọng (dưới kính trên), giáo: dạy; Tôn giáo là một tổ chức có niềm tin đối với một Đấng Sáng Tạo Chủ, một thế giới khác hay một con người không bao giờ chết, … và Tôn giáo có hai loại là hữu thần, vô thần. Thượng toạ đã lần lượt triển khai về nguồn gốc hình thành, phát triển của một số Tôn giáo, như: Công giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Chính Thống giáo, Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Lão Tử, Cao Đài, Tin Lành, Anh giáo.

2/ Xu hướng phát triển của Tôn giáo, có 4 đặc điểm: a/ Toàn cầu hoá: Thời đại của khoa học kỹ thuật từ công nghệ thông tin cho đến kinh tế, xã hội, giáo dục,… theo phạm vi toàn cầu. b/ Thế tục hoá là hình thức cải biến phương pháp giáo hoá sao cho gần gũi với con người, ví như Phật giáo mở các lớp học giáo lý, khoá tu cho Phật tử, thanh thiếu niên, chữa bịnh miễn phí, làm công tác từ thiện, kinh tụng tiếng Việt, cũng như nhiều sự thay đổi khác sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, con người thời hiện đại. Và điều quan trọng của mỗi đạo phái khi thay đổi để thích nghi thì phải. c/ Phù hợp với đạo đức. d/ Phù hợp với khoa học.

3/ Phật giáo (Góc nhìn của Tôn giáo về Phật giáo): Phật giáo nói về tính giác ngộ lý nhân duyên sinh của các pháp, Phật giáo cũng theo xu hướng toàn cầu hoá để đem đạo vào đời; và muốn làm tốt vai trò giáo hoá thì phải tường tận Ngũ minh (Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh, Nội minh). Ngoài những yếu tố trên, Phật giáo còn đề cập đến việc luân hồi của chúng sanh sau khi chết đi và tuỳ theo nghiệp mà luân chuyển tái sanh cảnh giới khác.

4/ Hệ phái Khất sĩ: Vị khai sáng là đức Tổ sư Minh Đăng Quang, giáo lý Hệ phái được chiết trung từ hai truyền thống lớn: Nguyên thuỷ, Phát triển. Đức Tổ sư sử dụng ngôn ngữ Tiếng việt để hành đạo, giáo hoá. Và chủ trương của đức Tổ là sinh hoạt theo đoàn thể, “Nên tập sống chung tu học – Phép Tăng chẳng lìa đoàn” nên các khoá tu của Hệ phái, Bồi dưỡng đạo hạnh, An cư, lễ Tự tứ, giỗ Tổ, … đó là hình thức tập trung mang tính đoàn kết hoà hợp của Hệ phái. Và đặc biệt với mô hình hoằng pháp lợi sinh đã được nhân rộng, phổ biến đến với quần chúng hữu duyên, như cúng hội, khoá tu mùa hè, Bát quan trai, khoá tu An lạc, khoá tu Thiền, khoá học Chơn lý, các bài pháp thoại được đăng tải trên trang Website daophatkhatsi.vn. Và yếu tố để phát triển Tăng đoàn không thể bỏ qua, chư Tăng, Ni sống khép mình trên tinh thần của giới, vì “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp”.

Qua buổi chia sẻ, Thượng toạ đã giúp cho hội chúng hiểu thêm về các Tôn giáo đương thời, cũng như tầm quan trọng của Phật giáo nói chung và sự tồn tại phát triển của Hệ phái đối với nhân quần xã hội.