TT. Minh Đạo thăm và chia sẻ Kinh pháp đến với hành giả An cư tại Tổ đình Minh Đăng Quang

Ngày 22/5/Mậu Tuất (nhằm 05/7/2018), TT. Thích Minh Đạo – Phó ban Trị sự GHPGVN kiêm Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Vĩnh Long đã viếng thăm và chia sẻ với chư Tăng, Ni hành giả khoá An cư kiết hạ tại Tổ đình Minh Đăng Quang, ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Thượng toạ trình bày phương pháp tu tập qua hai bài kinh trong kinh Trung A Hàm: Kinh Lậu Tận số 10 và kinh Sư Tử Hống số 24.

Mở đầu bài kinh Lậu Tận, đức Phật đã khẳng định vai trò của tri và kiến, vì hai yếu tố này dẫn dắt các vị xuất gia vượt qua những trở ngại, khó khăn để đến đạo lộ giải thoát, “Do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến”. Và Ngài giải thích như thế nào là tri, kiến: “Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh; đã sanh liền tiêu diệt”.

Sau khi đã hiểu thông suốt nghĩa lý của tri và kiến, hành giả lần lượt ứng dụng từng pháp, tuỳ theo từng trường hợp để đối trị phiền não khi chúng sanh khởi: “Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu: Có lậu được đoạn do kiến, có lậu được đoạn do hộ, có lậu được đoạn do ly, có lậu được đoạn do dụng, có lậu được đoạn do nhẫn, có lậu được đoạn do trừ, có lậu được đoạn do tư duy”.

Tiếp theo bài kinh Sư Tử Hống, Thượng toạ chia sẻ những ý pháp liên quan đến việc an cư và những pháp hành của người xuất gia giải thoát. Khi các vị hành giả chuyên tâm thực hành viên mãn giới, định, tuệ trong suốt thời gian ba tháng ẩn cư. Sau đó làm lợi ích cho chúng sanh vạn loại, theo tinh thần bài kinh, đức Phật dạy ngài Xá-lê-tử: “Này Xá-lê-tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết bàn hãy cho chứng đắc Niết bàn. Này Xá-lê-tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn”.

Và những điều Ngài Xá-lê-tử trình bày với đức Phật khi bị người vu cáo, cũng chính là phương pháp tu tập cho người đang đi theo con đường phạm hạnh nên học hỏi, thực hành.

Thường xuyên quán xét chính mình để thấy thân năm uẩn không thật có, vô thường, giả huyễn, thì vị ấy sẽ không bao giờ gây hại cho người khác, dù đó là lời nói đưa đến tổn thương: “Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?”

Với tâm được tu tập thuần thục trong pháp và luật của Phật, Ngài Xá-lê-tử ví mình như: Một con trâu gãy sừng, người con của một người Chiên-đà-la, mặt đất, dòng nước, ngọn lửa, ngọn gió, cây chổi, cái Bô-chiên-ni, cái bình đựng dầu nứt nẻ, một người ưa thích tuổi thiếu niên của mình, tắm gội sạch sẽ, xông thân thể bằng hương thoa, mặc áo trắng, đeo vòng ngọc để trang sức; cạo râu, sửa tóc, đầu đội tràng hoa; nếu đem ba xác chết mà quấn quanh nơi cổ họng; xác rắn chết, xác người chết, xác chó chết, máu ứ bầm xanh, sình trướng to lên, rất thối tha, rửa nát, nước nhớp chảy tràn. Người ấy sẽ ôm lòng hổ thẹn, rất ghét đồ dơ uế đó.

Từ 10 ví dụ trên, chư vị hành giả khéo tu tập sẽ hạ được ngọn cờ ngã mạn, ngã mạn làm ngăn ngại con đường tới Niết-bàn, như “khúc gỗ bị mắc cạn trên miếng đất nổi thì không thể nào xuôi ra biển, thể nhập vào biển”. Pháp tu để diệt trừ nguồn gốc của ngã mạn phải thường xuyên thấy biết như thật về thân tâm của mình. Cuối cùng của bài kinh, Thượng toạ nói về tinh thần sám hối khi biết được những sai phạm,  “Nếu có người nào sám hối tội lỗi đã phát lồ rồi, sau này không còn tạo tội nữa, như thế sẽ được trưởng thành trong Thánh pháp luật mà chẳng bị suy giảm”.

Qua hai bài kinh trên, Thượng toạ đã trợ duyên cho đại chúng được hiểu thêm về những pháp hành mà đức Thế Tôn đã dạy, hay phần ứng dụng của Ngài Xá-lê-tử gặp trở duyên trên bước đường du hoá. Từ đó chư hành giả phải nỗ lực học tập, thực hành cho thực đạt, thực chứng, thành tựu tri và kiến, cũng như sự quán xét luôn luôn về thân tâm vốn không thật để thực tập trong đời sống tu tập của người xuất gia.