TT. Minh Hóa thăm và chia sẻ kinh pháp tại Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang

Ngày 24/5/Mậu Tuất (nhằm 07/7/2018), TT. Minh Hoá – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang đã thăm và chia sẻ giáo pháp với hội chúng An cư tại Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang.

Thượng toạ đã giảng giải bài kinh Chuyển Pháp Luân trong Tương Ưng bộ. Đây là bài Pháp đầu tiên đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều-trần-như tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Ngài khuyên các vị đệ tử xa lìa hai cực đoan, làm cản trở lộ trình giác ngộ: “Hỡi nầy các Tỳ Khưu, có hai cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh: 1/ Sự dể duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích. 2/ Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích.”

Vì chính từ bỏ hai thái cực sai lầm này mà đức Thế Tôn đã thành tựu quả vị giác ngộ giải thoát viên mãn, như lời Ngài nói: “Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung Ðạo, là con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết Bàn.” Và Ngài khuyên các vị đang tu tập theo con đường Trung Đạo này: “Hỡi các Tỳ Khưu, con đường Trung Ðạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết Bàn.”

Con đường trung đạo mà đức Phật đã giảng rộng và khuyên tu tập là Bát chánh đạo, hay nói rộng là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sau khi các vị đã thấy rõ Tứ diệu đế. Và dựa vào ý kinh này, Thượng toạ lần lượt triển khai và chia sẻ với hội chúng về nội dung ba mươi bảy phẩm trợ đạo; Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bao gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề, Bát chánh đạo.

Từng ý pháp được Thượng toạ hướng dẫn rất thiết thực, gần gũi với đời sống xuất gia phạm hạnh thông qua từng oai nghi, hạnh nết phải luôn tỉnh giác, chánh niệm, chuyên tâm trau sửa thân, khẩu, ý và nỗ lực hành trì giới, định, huệ, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, thấu đạt những gì chưa thấu đạt. Như vậy mới thành tựu sở nguyện của người tu giải thoát.