Từ bi hỷ xả

Sáng 7/5/2016, Học viện Thánh Anphongsô – Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (DCCT) tổ chức cuộc hội thảo liên tôn với chủ đề Từ bi – Thương xót.

lien ton4

Hội thảo có sự hiện diện của Cha Giám tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Cha Phó Giám tỉnh Đaminh Nguyễn Đức Thông và quý cha quý thầy DCCT, quý soeur Học viện Thánh Lasan, quý soeur Dòng Thánh Paul, Tu hội Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục, quý chức sắc Cao Đài, Hòa Hảo, quý Tăng Ni Phật tử… cùng đến tham dự.

Buổi hội thảo được hai diễn giả Thượng tọa Minh Thành và Cha Giuse Lê Quang Tuấn CSsR trình bày với hai nội dung: Từ bi – Hỷ xả theo Phật giáo và Từ bi – Thương xót theo Kitô Giáo.

Hội thảo kết thúc bằng việc đại diện các tôn giáo tham dự dâng những lời nguyện cầu lên Thượng đế cho thế giới và cho quê hương đất nước được mọi sự an lành…

(Tin và hình ảnh trích nguồn: tinhdongchuacuuthe.com)

Xin giới thiệu bài thuyết trình của Thượng tọa Minh Thành:

lien ton3

TỪ BI HỶ XẢ

Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. (M.I,pp.38,297)

I. DẪN KHỞI

Từ lúc loài người bắt đầu biết khóc cho đến bây giờ, trong thế gian chưa bao giờ ngưng dòng lệ nóng. Tiếng kêu than rên xiết chưa từng gián đoạn. Chưa bao giờ lịch sử của loài người có những khoảnh khắc tạm ngưng đau nhức về mặt thể chất hay tạm ngưng phiền não thống khổ trong tinh thần. Thống khổ luôn hiện hữu và dường như sẽ hiện hữu mãi mãi. Nhân loại đang vật vã với đủ phương thuốc hóa giải – y học, an sinh, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo – nhưng dường như nỗi thống khổ của loài người chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong kho giáo lý và pháp môn tu tập hiệu quả của nhà Phật, Từ bi hỷ xả tỏ ra hiệu dụng đối với bản thân và đối với những mối quan hệ. Từ bi hỷ xả càng tỏ ra hiệu dụng và cấp thiết khi nhân loại đang sống trong một thế giới mà hận thù, bạo lực, đố kỵ và tham lam càng lúc càng tràn lan và bạo liệt. Cái ác trong những bộ áo hào nhoáng nhất với những danh xưng mỹ miều nhất đang lên ngôi. Phiền não, nhiệt não đang nung nóng thế gian, dòng nước mát mẽ thanh lương có tên là Từ bi hỷ xả cần được chế tác và sử dụng sâu rộng.

Từ bi hỷ xả trong bài này được diễn giải theo hướng nghiêng về đạo đức ứng xử. Hướng tu dưỡng tâm hay thiền định chuyên sâu hơn sẽ được trình bày ở Giáo khoa Phật giáo cao cấp.

lien ton2

II. ĐỊNH NGHĨA VÀ GIỚI THIỆU THUẬT NGỮ

Từ bi hỷ xả là cách gọi phổ thông chỉ cho bốn tâm cao thượng và vô hạn lượng (sublime and boundless), được gọi chung một tên là Tứ Vô Lượng Tâm[1] ( 四無量心). Thuật ngữ chuyên sâu hơn của nhà Phật thì gọi là Tứ Phạm Trú ( 四梵住 ). Phạm Trú có gốc từ chữ Brahmavihara-bhavana. Brahma dịch là Phạm, có nghĩa là thánh thiện, cao cả. Vihara dịch là Trú, tức là nơi ở (của thân hay của tâm thức). Bhavana có thể dịch là thiền tập[2], tức là thực tập để đạt được một trạng thái cao hơn của tâm thức. Vì vậy cụm từ “Tứ Vô Lượng Tâm” vẫn chưa chuyển tải được nội hàm cao thượng và nội hàm thiền tập hay thực tập tâm của Từ Bi Hỷ Xả. Có thể nói Vihara là pháp học còn Bhavana là pháp hành[3].

Từ bi hỷ xả ngoài ý nghĩa chung còn có thể xem là bốn pháp riêng. Nếu gọi đầy đủ và chi tiết hơn chúng ta sẽ có Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm và Xả vô lượng tâm, mỗi pháp có ý nghĩa, nội dung và phạm vi khác nhau. Vậy bốn tâm vô lượng là gì?

1. Từ vô lượng tâm, chữ Hán là 慈無量心. Từ có gốc là chữ Metta hay Meitri trong tiếng Ấn Độ cổ đại. Thường được dịch sang tiếng Việt là Tâm Từ hay Lòng Từ, thuần Việt là Lòng Lành.

2. Bi vô lượng tâm, chữ Hán là悲無量心. Bi có gốc là chữ Karuna trong tiếng Ấn Độ cổ đại. Thường được dịch sang tiếng Việt là Tâm Bi hay Lòng Bi, thuần Việt là Xót Thương.

3. Hỷ vô lượng tâm, chữ Hán là喜無量心. Hỷ có gốc là chữ Mudita trong tiếng Ấn Độ cổ đại. Thường được dịch sang tiếng Việt là Tâm Hỷ hay Lòng Hỷ, thuần Việt là Cùng Vui.

4. Xả vô lượng tâm, chữ Hán là 無量心. Xả có gốc là chữ Upeksa hay Upekkha trong tiếng Ấn Độ cổ đại. Chữ Upekkha lại có gốc từ ngữ căn “Upa” có nghĩa là đúng đắn, chân thành, vô tư; và ngữ căn “Ikkha” có nghĩa là nhận định chân chánh. Thường được dịch sang tiếng Việt là Tâm Xả; thuần Việt và chính xác hơn là Buông Vọng Niệm.

III. NỘI DUNG

1. TỪ

Từ hay lòng Từ là một thuật ngữ nhà Phật, người Việt thường dùng trong những từ kép như, Từ bi, Từ ái, Từ mẫn, Từ tâm, Từ thiện. Muốn chuyển sang chữ thuần Việt, “Lòng Lành” có thể được xem là chữ gần nhất. Lòng Từ là một tâm trạng mong muốn tất cả chúng sinh đều được an lành.

Cụm từ “tất cả... đều” nói lên tính chất bình đẳng của lòng Từ. Lòng Từ có đôi mắt bình đẳng đối với mọi đối tượng dù đó là họ hàng thân thích hay người dưng kẻ lạ, dù đó là huynh đệ đồng chí hay đối thủ đối phương, dù đó là đồng đạo đồng hương hay là ngoại đạo dị chủng. Đôi mắt của lòng từ cũng không phân biệt các thứ bậc hay giai cấp trong xã hội như giàu hay nghèo, sang hay hèn, trí hay ngu. Đôi mắt của lòng từ cũng không phân biệt lý lịch hay nhân thân như màu da, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa.

Và vì tính chất bình đẳng không tách biệt, không cắt xén, không phân loại nên phạm vi của lòng Từ là trọn vẹn và bao la, không hạn lượng và không bờ bến. Vì vậy mà Phạm trú thứ nhất và ba Phạm trú còn lại hay Brahma Vihara đều có tính chất Appamana hay Appamanna (không hạn lượng, vô cùng tận). Lòng Từ (Bi, Hỷ và Xả) được diễn giải như tấm lòng của người mẹ hiền thương yêu tất cả. Kinh Từ Bi ( 慈悲經) có đoạn nói về Appamana:

Như tấm lòng người mẹ

Đối với con của mình

Trọn đời luôn che chở

Con độc nhất mình sanh

Cũng vậy, đối tất cả

Các hữu tình, chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,

Không hạn lượng, rộng lớn.

Nhìn từ cách diễn giải của Thanh Tịnh Đạo Luận chúng ta có thể hiểu rằng Thể của lòng Từ là an vui. Tướng của lòng Từ là trạng thái điềm đạm nhu hòa, hiền lương đôn hậu, và rộng lượng bao dung. Dụng của lòng Từ là hóa giải sân tâm và chế tác ra những giờ khắc hay năm tháng an vui cho mọi người. Nhân trực tiếp của lòng Từ là nhận ra tất cả chúng sinh về mặt đại thể là giống nhau, thể chất, tình cảm, tinh thần, trí tuệ và khả năng giác ngộ viên mãn. Nhìn từ góc độ đối kháng, chúng ta có thể nói: Kẻ thù trước mặt của lòng Từ là tâm sân hận, tâm thù ghét, bực tức, cau có. Kẻ thù sau lưng của lòng Từ là tình yêu hạn hẹp, tình cảm cục bộ, luyến ái dành cho nhau.

Lòng Từ không chỉ thường được ví như Tấm lòng của người mẹ hiền mà còn được ví như trời che, đất chở, không khí bao quanh. Lòng từ được biểu trưng như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn sự vạn vật; như sự bao dung không nề hà của mặt đất dành cho tất cả muôn loài, và như bầu không khí trong lành nuôi dưỡng mọi sinh linh. Lòng từ được biểu trưng qua một danh hiệu khác của Đức Phật Di Lặc, Từ Thị, với nghĩa Từ nhãn Thị chúng sanh. Tuy nhiên để hiểu sâu lòng Từ, chúng ta cần có một nhãn quan dung thông và viên mãn hơn[4].

2. BI

Bi hay lòng Bi là một thuật ngữ trong bộ tứ Từ-bi-hỷ-xả. Chữ Bi ít khi được dùng đơn lẽ mà thường dùng trong những từ kép như, Từ bi, Bi mẫn, Bi cảm. Muốn chuyển sang chữ thuần Việt, “Thương Xót” có thể được xem là từ gần nhất. Lòng bi là một tâm trạng mong muốn tất cả chúng sinh đều được an ổn khỏi các khổ ách, bệnh tật, tai ương, khốn cùng và sợ hãi.

Cụm từ “tất cả... đều” nói lên tính chất bình đẳng của lòng Bi. Trong khi lòng Từ thì tính chất bình đẳng hàm nghĩa trải rộng, trải khắp, trải đều không đậm nhạt thì lòng Bi hướng đến những sinh linh đang sống trong tình trạng khổ ách, bệnh tật, tai ương, khốn cùng và sợ hãi. Đối tượng của lòng Từ là tất cả sinh linh nói chung trong khi đó thì đối tượng của lòng Bi là tất cả sinh linh đang đau khổ. Đôi mắt của lòng bi chỉ nhận diện được những nỗi đau khổ của chúng sinh, mà không nhận diện được những yếu tố khác như giàu hay nghèo, sang hay hèn, trí hay ngu. Lòng Bi cũng không nhận diện được sự khác biệt gì giữa những màu da hay sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa.

Từ và Bi thường đi chung với nhau và đi vào cuộc đời nhuần nhuyễn đến đỗi người ta thường không xem hai từ này là hai thuật ngữ riêng. Cả hai làm thành một và đi vào cuộc sống đời thường của dân gian. Và cũng từ đó mà xuất hiện cách giải thích bằng dạng ngôn ngữ bộc trực đời thường, nói rằng, Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Để thích ứng với những đối tượng thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội Nho học ngày xưa, những vị đạo sư thời ấy còn vận dụng yếu tố thẩm mỹ của văn chương biền ngẫu Hán Nôm để diễn đạt ý nghĩa của Từ Bi: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc, Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ.”

Nhìn từ cách diễn giải của Thanh Tịnh Đạo Luận có tính hàn lâm hơn chúng ta có thể hiểu rằng Thể của lòng Bi là xót thương. Tướng của lòng Bi là siêng năng đoạn trừ tâm ác, tâm hại, tâm bạo lực. Dụng của lòng Bi là dấn thân chuyển hóa khổ đau, ân cần săn sóc, che chở bảo vệ. Nhân trực tiếp của lòng Bi là lòng trắc ẩn xót xa đối với những nỗi đau khổ của con người. Nhìn từ góc độ đối kháng, chúng ta có thể nói: Kẻ thù trước mặt của lòng Bi là tâm ý muốn người khác bị tổn hại, muốn người khác bị khổ não, bị lo sợ hay bị phiền muộn. Kẻ thù sau lưng của lòng Bi là tâm bi quan ủy mị, bi lụy buồn thương, “đau đời” sầu muộn.

Nếu lòng Từ là tấm lòng của người mẹ hiền dành cho tất cả những đứa con thì lòng Bi là tấm lòng của người mẹ hiền dành cho tất cả những đứa con nhất là những đứa con đang khổ đau. Trong nhà Phật, Bồ-tát Quan Thế Âm thường được xem là “Mẹ Hiền Quan Âm”, một danh hiệu mà không một vị Bồ-tát nào có được. Dùng ngôn ngữ hiện đại thì lòng Từ được ví như bầu không khí trong lành dành cho mọi sinh linh thì lòng Bi là bầu không khí trong lành có pha thêm Ô-xi dành cho mọi sinh linh trong cơn bệnh khổ. Tuy nhiên để hiểu sâu lòng Từ, chúng ta cần có một nhãn quan dung thông và viên mãn hơn [5].

3. HỶ

Hỷ hay lòng Hỷ là một thuật ngữ nhà Phật. Chữ Hỷ ít khi được dùng đơn lẽ mà thường dùng trong những từ kép như Hoan hỷ, Hỷ xả, Hỷ lạc. Hỷ lạc là một thuật ngữ chủ chốt trong thiền định Phật giáo. Chữ Hỷ trong thiền định không còn là Mudita mà đã chuyển thành Piti. Hỷ xả và Hoan hỷ thì được dùng một cách phổ thông hơn. Chuyển sang thuần Việt, “Cùng Vui” có thể được xem là chữ gần nhất. Lòng Hỷ là một tâm trạng muốn cùng vui với niềm vui đúng nghĩa của tất cả con người.

Cụm từ “tất cả chúng sinh” nói lên tính chất bình đẳng của lòng Hỷ. Khi lòng Từ hướng đến tất cả sinh linh, lòng Bi hướng đến tất cả sinh linh đang đau khổ thì lòng Hỷ hướng đến tất cả sinh linh đang hạnh phúc. Chữ hạnh phúc hay niềm vui trong nhà Phật được mặc định là dạng hạnh phúc hay niềm vui có thực chất, phù hợp với chánh pháp chứ không phải là dạng hạnh phúc hay niềm vui phù phiếm, di hại. Hỷ không phải là dạng cười vui khi nhạo báng người khác và cũng không phải là những tiếng cười hể hả bật ra trước nỗi thất bại, đau thương hay tang tóc của người khác.

Từ cách diễn giải của Thanh Tịnh Đạo Luận, chúng ta có thể hiểu rằng Thể của lòng Hỷ là cùng vui, Tướng của lòng Hỷ là siêng năng đoạn trừ tâm đố kỵ, ganh ghét, tỵ nạnh hơn thua. Dụng của lòng Hỷ là nhân rộng niềm vui, sống chung hài hòa, ân cần tương kính. Nhân trực tiếp của lòng Hỷ là thấy sự thành đạt, may mắn và hạnh phúc của tha nhân. Nhìn từ góc độ đối kháng, chúng ta có thể nói: Kẻ thù trước mặt của lòng Hỷ là tật đố và ganh tỵ. Kẻ thù sau lưng của lòng Hỷ là hệch hạc[6], sởi lởi, bải buôi. Lòng Hỷ trong nhà Phật được biểu trưng bằng những nụ cười của Đức Phật Di Lặc và những giai thoại của Tế Công hòa thượng.

4. XẢ

Xả hay tâm Xả là một thuật ngữ nhà Phật, người Việt thường dùng trong những từ kép như Hỷ xả, Buông xả, Xả bỏ. Muốn chuyển sang chữ thuần Việt, “Buông Vọng Tưởng” có thể được xem là chữ gần nhất. Tâm Xả là tâm trạng thảnh thơi thư thái trong mối quan hệ với tất cả mọi chúng sinh, tất cả mọi sự vật.

Người trú trong tâm Xả không níu kéo cũng không xô đẩy, không vướng lại cũng không tống đi. Người trú trong tâm Xả thì không thuận ứng với lời khen ngợi ca tụng và không nghịch ứng với lời chê cười, miệt thị. Người trú trong tâm Xả thì an nhiên tự tại với cả thuận cảnh lẫn nghịch cảnh; người ấy điềm nhiên, tỉnh táo, bình thản trước thăng trầm, vinh nhục, được mất trong cuộc đời.

Nhìn từ cách diễn giải của Thanh Tịnh Đạo Luận chúng ta có thể hiểu rằng Thể của tâm Xả là vắng lặng vọng niệm. Tướng của tâm Xả là thư thái, tĩnh mỉnh[7], rỗng rang[8]. Dụng của tâm Xả là không tư ý, không thiên vị, không luyến ái, không ghét bỏ, sâu xa hơn là không tạo nghiệp. Nhân trực tiếp của tâm Xả là thấy các pháp xảy ra lúc vầy lúc khác, không có thực chất. Nhìn từ góc độ đối kháng, chúng ta có thể nói: Kẻ thù trước mặt của tâm Xả là tâm cố chấp, vướng mắc, bất an và rộn ràng. Kẻ thù sau lưng của tâm Xả là vô cảm, thờ ơ, buông xuôi, thụ động. Tâm Xả trong nhà Phật được biểu trưng bằng những nụ cười Bố Đại hòa thượng và nhiều giai thoại của Thiền tông.

IV. LỜI KẾT

- Giáo lý Từ bi hỷ xả không phải để gia tăng kiến thức. Cũng như những giáo lý khác, giáo lý Từ bi hỷ xả còn để làm đề tài suy tư và thảo luận, để định hướng tu tập và trải nghiệm, và để sống yêu thương đúng nghĩa: Một tình yêu thương không chấp thủ, không có tính sở hữu. Sau khi nghe giảng, vị chủ giảng cần phải dành ít phút để bản thân và hội chúng cùng thực sự trải nghiệm bằng bài thực tập ngắn (Bài thực tập được soạn riêng).

- Nhà Phật có những giáo lý hay phương pháp thực tập mang tính trị liệu như Samadhi, Vipassana, thiền Công án, thiền Tri vọng, thiền Hiện pháp lạc trú, các dạng thiền Tổ sư, pháp môn niệm Phật. Trong đó giáo lý Từ bi hỷ xả được trình bày ở đây là một phương pháp trị liệu hiệu quả, vừa nâng cao đạo đức bản thân vừa tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với các mối quan hệ. Giáo lý Từ bi hỷ xả là phương diệu dược đối trị và giải quyết thỏa đáng những nỗi khổ niềm đau cho cá nhân và cho xã hội. Phần cốt lõi hay tinh túy của Giáo lý Từ bi hỷ xả lại có tính phi tôn giáo để ai có duyên cũng có thể tu dưỡng rèn luyện mà không cản trở đức tin cá nhân đã dành cho tôn giáo riêng của mình.

- Cuối cùng, đây là kiến thức sơ khởi cho những vị lương y chuyên trị tâm bịnh, hóa giải phiền não khổ đau, để đưa bệnh nhân đến cảnh giới giải thoát an vui: Phần lớn con người đau khổ vì sự sân hận, sự hung bạo, sự đố kỵ so bì hơn thua, và sự chấp thủ. Từ bi hỷ xả như bốn vị thuốc phối hợp có thể hóa giải tất cả sự đau khổ liên quan đến bốn sự ác độc ở trên. Tuy nhiên mỗi vị thuốc có công năng riêng: Lòng Từ hóa giải sự sân hận ( ), độc ác; lòng Bi hóa giải sự hung bạo ( 兇暴 ), nóng nảy; lòng Hỷ hóa giải sự đố kỵ ( ), ganh tỵ so bì hơn thua; và tâm Xả hóa giải sự chấp thủ ( 執守 ), thiên vị, vướng mắc. Tùy bệnh cho thuốc, có khi chỉ cần một vị, có khi cần hai, cần ba và dĩ nhiên có khi cần cả bốn vị gia giảm phối hợp với nhau. Điểm xuất phát là chính vị lương y phải tự trị bệnh cho mình trước – sân giận, hung bạo, đố kỵ và chấp thủ. Hãy bắt đầu từ bi hỷ xả đối với chính mình. Đó là điểm khởi động cho lộ trình thưởng thức vị ngọt của giọt nước cành dương.

TT. Minh Thành Ph.D.

lien ton5

PHỤ LỤC

(Trích đoạn từ một phiên bản của “Bài thực tập Quán từ bi”)

+ Nguyện cầu cho thân tâm của con, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

+ Nguyện cầu cho thân tâm,

- Những người trước mặt con, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

- Những người bên trái con, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

- Những người bên phải con, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

- Những người sau lưng con, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

- Những người ở trên con, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

- Những người Ở MUÔN NƠI, tràn ngập lòng yêu thương, có đời sống lành mạnh, an ổn và thảnh thơi, thoát khỏi những lo âu, xa lìa hết sợ hãi, buông rơi mọi phiền muộn.

-------------------

Tài liệu tham khảo chính

- Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.

- Buddhaghosa, Thanh tịnh đạo luận, Thích nữ Trí Hải chuyển dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2001.

- HT. Thích Phước Sơn, Thanh tịnh đạo luận toản yếu, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2010.

Sách đọc thêm

Harvey B. Aronson, Love and Sympathy in Theravada Buddhism, Motilal Banarsidass, Delhi, 1986.


[1] Như vậy đã cắt đi ý nghĩa cao thượng (sublime) chỉ chuyển tải được ý nghĩa vô lượng (boundless).

[2] Sách giáo lý nghiêng về học thuật thường bỏ qua yếu tố thực tập khi nói đến Tứ Vô lượng tâm.

[3] Giữa Vihara và Bhavana có một mối liên hệ tinh tế, thâm sâu và nhiều tầng nghĩa, đòi hỏi một bài học khác, và nhất là sự trải nghiệm cụ thể.

[4] Trong giáo lý cao cấp, điểm đặc biệt có thể được xem là tinh túy của Từ là tâm thái hướng đến người mà mình yêu thương hay/và trạng thái của một người được yêu thương. Tức là trạng thái tâm lý của chủ ngữ hay/và vị ngữ, chủ thể hay khách thể.

[5] Trong giáo lý cao cấp, điểm đặc biệt có thể được xem là tinh túy của Bi là sự đồng cảm (empathy) với câu thần chú: “GIỐNG Y NHƯ MÌNH” (“JUST LIKE ME”), nên áp dụng đối với những sai trái của người khác, nhất là ở nơi công cộng.

[6] Hệch hạc: Thô thiển, hời hợt.

[7] Tĩnh mỉnh: Sách Phật dùng để chỉ cho trạng thái yên ả (tĩnh) và tỉnh thức (mỉnh). Thế nhân thường ít khi “mỉnh” theo nghĩa của nhà Phật, và càng ít khi “tĩnh” theo nghĩa của nhà Phật.

[8] Rỗng rang: Sách Phật dùng để chỉ cho trạng thái thông thoáng (rỗng) và nhàn nhã (rang -- trong từ rảnh rang). Thế nhân thỉnh thoảng rãnh mà không rỗng.