Từ ngũ uẩn đến giác chơn trong Chơn lý của Tổ sư

DSC02696 Copy

Nói đến Phật giáo, ta có thể nói đến sự nổi bật của tính nhân bản, nghĩa là tất cả vì con người, vì hạnh phúc của con người và vận dụng hoàn toàn khả năng của con người trong điều kiện con người đang có và đang làm. Mục đích của đạo Phật là tìm đến hạnh phúc và ra khỏi khổ đau tại đây và ngay đời này. Mặc dù có nói đến tương lai và chỉ cho con người biết rằng ngoài việc vun bón cho hạnh phúc hiện tại còn phải sửa soạn cho hạnh phúc tương lai, nhưng tất cả là tập trung vào hiện tại và hoàn toàn đặt trách nhiệm vào con người hiện tại. Khổ đau hay hạnh phúc cũng chính do con người quyết định, không ai khác có thể quyết định thay.

Theo tinh thần Phật giáo, do nhân duyên hòa hợp tất cả những nghiệp duyên từ trong những đời quá khứ mà kiến tạo ra con người trong kiếp n ày và con người chỉ là sự kết hợp, tạo thành của ngũ uẩn bởi vì uẩn có nghĩa là tích tụ thành. Nói một cách dễ hiểu là thân thể con người gồm có hai phần là thân xáctinh thần. Phần thân xác có hình dáng nên gọi là sắc uẩn còn phần tinh thần vì không có hình sắc nên gọi là danh, bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thức uẩn. Vậy ngũ uẩn là một danh từ dùng chỉ cho con người hay nói một cách rộng rãi là chỉ cho toàn thể nhân sinh vũ trụ.

Theo Chơn lý, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy: “Ngũ uẩn là duyên tiến hóa của chúng sanh, từ đất, nước, lửa, gió đến lớp cỏ cây, con thú, loài người, bậc trời và rốt ráo là vị Phật. Cho nên nói ngũ uẩn ví như một thân hình, thức là đầu, hành là tay, tưởng là ngực, thọ là bụng, sắc là chân, gồm cả năm thể thành một thân hình ”. Thông qua thuyết ngũ uẩn, Tổ sư đã trình bày pháp tu một cách cụ thể và chia ra từng lớp bậc, cảnh giới rõ ràng dựa theo hành nghiệp của mỗi con người. Ngài dạy rằng có ba thứ thân hình:

Sắc ác, thọ ác, tưởng ác, hành ác, thức ác, là thân hình đen (địa ngục).

Sắc thiện, thọ thiện, tưởng thiện, hành thiện, thức thiện, là thân hình trắng (thiên đường).

Sắc trong sạch, thọ trong sạch, tưởng trong sạch, hành trong sạch, thức trong sạch, là thân hình trong sạch (Niết-bàn).

Như vậy, ta thấy rằng một con người được xem là có thân hình đen (nghiệp đen) là do có hành động, lời nói, ý nghĩ xấu ác, làm những điều bất thiện, dẫn đến quả tương ưng với hành nghiệp đó là đau khổ, đọa lạc (địa ngục).

“Sắc thân ác, là bởi coi như có,

Sắc thân có, thì thọ cảm rối khổ,

Thọ cảm rối khổ, thì tư tưởng không linh nghiệm,

Tư tưởng không linh nghiệm, thì hành vi theo vật chất,

Hành vi theo vật chất thì thức trí phải lu mờ”.

Bởi vì thức trí lu mờ cho nên con người mê lầm, vọng động đảo điên chạy theo dục trần, bị tham sân si sai xử lôi kéo vào đường bất chánh.

“Sắc thân ác sanh sát sanh,

Thọ cảm ác sanh trộm cắp,

Tư tưởng ác sanh tà dâm,

Hành vi ác sanh vọng ngữ,

Thức trí ác sanh uống rượu”.

Ai có năm điều ác trên được xem như là một con người hoàn toàn không có giới đức hay nói khác hơn là người mà thân khẩu ý bị điều khiển bởi những điều ác quấy.

Những khuynh hướng tốt của con người thể hiện qua lời nói, suy nghĩ, hành động có thể được xem là đạo đức. Vậy nên, sống giữa một xã hội văn minh, con người cần đối xử với nhau văn minh hơn, đạo đức hơn. Sự tiến hóa của con người là tiến đến đời sống chân-thiện-mỹ. Bác sĩ A.Carrel khẳng định: “Thiện là những gì tăng trưởng hay duy trì sự sống của con người và xã hội. Thiện là hết thảy những gì ứng hợp với căn bản của bản chất, của sự cấu tạo con người và xã hội. Thiện là những gì ứng hợp với lề luật của sự sống”.

Tổ sư Minh Đăng Quang nói: “Vậy những ai muốn nuôi cái sống, thì phải nuôi ngũ uẩn để sanh giác chơn, như trồng cây lấy trái vậy.

Sắc thân thiện sanh nhơn ái,

Thọ cảm thiện sanh nghĩa ân,

Tư tưởng thiện sanh lễ phép,

Hành vi thiện sanh tín thiệt,

Thức trí thiện sanh trí tuệ”.

Khi con người được toàn thiện như thế, được xem là người có thân hình trắng (nghiệp trắng) sống được nhàn lạc, yên vui không có khổ đau (thiên đường). Cái thiện nhất định đi liền với hạnh phúc con người, một khi chúng ta hình dung đạo đức gắn liền với cái thiện, chắc chắn sẽ được hạnh phúc an lạc. Thiện được hiểu là những điều khi làm sẽ đưa đến lợi mình lợi người, lợi cả đời này và đời sau. Những lời dạy đó của Tổ sư đều là những pháp nhằm loại trừ các điều ác để thành tựu các hạnh lành, như Đức Thế Tôn đề cập:

Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy”.

(Kinh Pháp Cú, 183)

Thiện và ác là hai phạm trù có ý nghĩa đối kháng và niệm thiện bao giờ cũng được nhấn mạnh. Khi một niệm ác bị triệt tiêu, niệm thiện được hiển lộ cũng như ánh sáng bừng lên, bóng tối bị xua tan. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, trong bài “Ngũ uẩn” này, Đức Tổ sư còn dạy con người chúng ta phải có một bước tiến cao hơn nữa là hướng đến sắc trong sạch, thọ trong sạch, tưởng trong sạch, hành trong sạch, thức trong sạch, là thân hình trong sạch (Niết-bàn). Và ở đây, Tổ sư dạy: “Trong sạch là thanh tịnh xuất gia giải thoát, giác ngộ, chơn như, khỏi bụi trần ô nhiễm”. Điều này tương ưng với những gì Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử từ ngàn xưa. Đ oạn trừ tất cả việc ác, thực hành các điều lành vẫn chưa phải là toàn diện, điều quan trọng và thiết yếu hơn hết đó là phải "giữ tâm ý trong sạch". Chúng ta luôn luôn cảm thấy bất an, lo lắng và điều đáng lo ngại nhất là không biết cách để ổn định và hàng phục vọng tâm của chính mình. Thiền định là một trong những phương pháp rất hữu hiệu để giảm bớt sự căng thẳng và thanh lọc tâm. Trong khi tu tập, muốn gạn lọc thân tâm trở nên trong sạch, trước hết ta cần phải đoạn trừ năm triền cái: Trạo hối (trạo cử và hối quá), hôn trầm, dục, sân và nghi được xem là năm pháp bất thiện và thay thế bằng năm thiền chi: Tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Mục đích học Phật và tu tập theo Chánh pháp là để có đời sống an lạc giải thoát ngay trong hiện tại và hướng đến đời sống cao thượng, chứng ngộ Niết-bàn. Để thành tựu điều này, cũng như chứng được quả vị A-la-hán giải thoát sanh tử khổ đau, chúng ta phải đoạn trừ hoàn toàn năm kiết sử đầu tiên: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân, và tiếp tục đoạn trừ năm kiết sử còn lại: Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử và vô minh.   

Tóm lại, thông qua bài “Ngũ uẩn” trong Chơn lý, chúng ta thấy rõ Tổ sư dạy từ thân ngũ uẩn của một con người mà có thể tu tập tiến hóa từ thấp chí cao. Từ thân hình đen (địa ngục) đến thân hình trắng (thiên đường) và đến địa vị tối cao là thân hình trong sạch (Niết-bàn). Phương pháp tu tập đó đã thể hiện đầy đủ cả Giới, Định, Tuệ ; một khi chúng ta thực hành một cách trọn vẹn mới có được giác chơn, được thân hình trong sạch (Niết-bàn). Nếu ai hành như thế sẽ đạt được giải thoát, vì hết tham sân si là hết khổ, không khổ tức là đạo vậy.