Tu tập Tâm theo Chơn lý Tổ sư Minh Đăng Quang

1. KHÁI QUÁT VỀ TÂM

1.1. Phật giáo khái quát về Tâm

Đạo Phật từ lúc sơ khai, cách đây hơn 2500 năm trước, đức Phật Thích Ca (624-544 BC)[1] đã thuyết lập thuyết vô ngã để phủ định thuyết linh hồn vĩnh hằng bất biến ( 我,atman) của Bà-la-môn giáo. Đức Phật cho rằng, con người là do năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp thành. Trong đó tâm thức là chủ đạo, là đầu dây mối nhợ cho bất cứ tư tưởng, lời nói hay hành động nào của con người. Còn sắc, thọ, tưởng, hành là những trợ duyên để tâm thức thực hành ý định đó. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm giềng mối bổ túc cho nhau. Nếu không có thọ, tưởng thì không thể có thức. Cũng như nếu không có sắc thì không thể nào có thọ hay tưởng được. Và tâm không phải là linh hồn bất biến, mà tâm của con người cũng giống như dòng nước chảy, sát-na sinh diệt, niệm niệm biến hóa vô thường.

Đối với đạo Phật, tâm thức đóng vai trò chính trong việc kiến tạo đời sống hạnh phúc hay khổ đau. Tâm thức có tác dụng chi phối rất lớn đối với đời sống con người và môi trường xung quanh. Tâm thức là động lực của ngôn ngữ và hành vi. Kinh Pháp Cú dạy : “Trong các pháp,tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả” .[2] Kinh A Hàm, đức Phật dạy : “Tâm não cố chúng sinh não, tâm tịnh cố chúng sinh tịnh”.[3] Kinh Hoa Nghiêm“Tam thế nhất thiết Phật. Ưng quán pháp giới tính. Nhất thiết duy tâm tạo”.[4] Đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ“Tâm sinh thì pháp sinh, tâm diệt thì pháp diệt, tam giới hư vọng đều do tâm tạo”.[5] Tông cảnh lục quyển 2: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.[6]

Nói tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm có vai trò chính trong việc chi phối đời sống của con người, không có nghĩa là chủ trương tâm có trước vật hay là tinh thần quyết định vật chất như trong chủ nghĩa duy tâm triết học phương Tây quan niệm. Ở đây Phật giáo muốn nói đến tâm là nhân tố chính trong các mối nhân duyên tương tác lẫn nhau trong việc cấu tạo của vật chất. Sự hoạt động của tâm lí xác thực cần đến sự hỗ trợ của vật chất, như muốn nhận thức rõ các sắc, xác thực cần phải có cái thấy của con mắt. Nhưng con mắt cũng chỉ là một trong những điều kiện quan trọng của sự nhận thức các sắc. Khi thiếu đi sự thấy của mắt, người mù cũng có thể phân biệt được sự vật. Cho nên, đạo Phật quan niệm rằng, tác dụng của tinh thần đóng vai trò chính trong đời sống của con người và nhận thức môi trường xung quanh. Khi nhận thức các sự vật, xác thực cần có các ngoại duyên vật chất hỗ trợ, nhưng đó chỉ là sự hỗ trợ mà thôi, là tính thứ yếu, chứ không phải là tính trọng yếu. Cũng như cùng khởi tâm ham thích một món đồ vật, có người khởi tâm muốn chiếm hữu nó, có người chỉ khởi tâm ham thích mà thôi, chứ không muốn chiếm hữu, có người khởi tâm tham nhiều một chút, cũng có người tâm tham ít một chút. Cho nên nói, động lực chính dẫn dắt hành vi ngôn ngữ tạo tác tất cả chính là cái tâm của con người.

Nói một cách khác, vật chất và tinh thần có mối quan hệ tương tác lẫn nhau, nhưng trong mối quan hệ này tâm là yếu tố chính, tâm quyết định, vật chất chỉ là sản vật của tâm. Tâm nương vào sự hỗ trợ của ngoại duyên vật chất mà tồn tại. Nếu không có sự hòa hợp của vật chất, tâm cũng không thể tồn tại độc lập một mình. Đây cũng là chủ trương của đạo Phật, các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Vì thế, đối với quan điểm về tâm mà nói, Phật giáo không chủ trương chủ nghĩa duy vật mà cũng không phải là chủ nghĩa duy tâm.

1.2. Tổ sư Minh Đăng Quang khái quát về Tâm

Khi nói về Tâm, Tổ sư đã mô tả hết sức chi tiết từ hình thể chữ viết cho đến nội dung: “Chữ tâm, trên có ba điểm như sao giăng, dưới có cái vòng móc như mặt trăng xế, cũng có nghĩa là ba điểm: Tinh, Khí, Thần, hay Giới, Định, Huệ ở nơi sắc thân này gọi là tâm. Tâm ấy là sự ngăn ác, giữ mình trong sạch, yên lặng và sáng suốt, mới thiệt là trung tâm điểm, cốt yếu của sự sống đời, là ta vậy. Hình của chữ tâm, trên có ba điểm cũng tức là thọ cảm, tư tưởng, hành vi. Còn dưới là cái câu móc hình đứa nhỏ, ngồi trong thai bào bụng mẹ, kêu là sắc thân. Vậy nên hình chữ tâm đây là ba ấm: thọ, tưởng, hành, ở trên sắc thân, làm sự sống, cái biết và linh thiêng”.[7]

Tổ sư đã đem ba điểm và cái vòng móc của lối viết chữ Tâm(心) ví với Giới, Định, Tuệ hay ba ấm: thọ, tưởng, hành ở trên sắc thân, và xem tâm là điều cốt yếu của sự sống đời, là cái biết, cái linh thiêng. Đây là một thí dụ rất độc đáo, rất xác thực với hình thể chữ Tâm. Ba điểm của chữ Tâm tượng trưng cho Giới, Định, Tuệ; cái vòng móc câu tượng trưng cho hình đứa nhỏ ngồi trong thai bào bụng mẹ kêu là sắc thân. Tổ sư đã giải thích chữ Tâm dựa trên lối viết chữ Hán, một lối giải thích hết sức mộc mạc nhưng đầy chất hình tượng, dễ nhớ nhưng cũng không kém phần linh động, sáng tạo đồng thời cũng nói lên đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của tâm trong mối quan hệ giữa thân và tâm.

Ngoài ra, Tổ sư còn nhấn mạnh rằng tâm là nơi sinh ra vạn vật từ vật chất cho đến tinh thần, đồng thời cũng là nơi tồn chứa lưu trữ tất cả các pháp thế gian: “Tâm là trung tâm điểm, cốt yếu, trụ cốt của các pháp, của lý trí sự vật... mà tất cả chúng sanh vạn vật và các pháp, cái chi cũng có bởi trung tâm, và do trung tâm mới sanh ra tất cả, nên gọi là nhứt tâm sanh vạn pháp, nhứt thiết do tâm tạo, vạn pháp tồn tâm qui nhứt tâm”.[8] Kế đến, Tổ sư đưa ra ví dụ cụ thể để giải thích rõ nghĩa tâm là trung tâm điểm sinh ra vạn pháp, một ví dụ rất đời thường, rất thực tế, mộc mạc dễ hiểu, gần gũi với đời sống của con người Việt Nam:Cũng như nơi thân hình ta trên đầu là trí, dưới chân là thân, chính giữa mình là tâm, tâm nơi khoảng giữa thân và trí, mình nơi khoảng giữa chân và đầu. Tâm ấy là mình là ta, là trung ương mực giữa không cao thấp, không thái quá bất cập, không tương đối của hai bờ lề, kêu là đạo. Đạo là trung, trung là tâm, tâm là ta, là mình: Có mình, ta, tức là tâm, trung đạo”.[9]

Trên nền tảng giáo lý đạo Phật, Tổ sư giải thích về tâm, tuy ngôn từ, văn tự có khác nhau, và để phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa, xã hội, lịch sử nước nhà, nên Tổ sư có sự giải thích và đưa ra thí dụ khác nhau để phù hợp với quần chúng bản địa nhưng nội dung không ngoài giáo lí của đạo Phật đã khẳng định về tâm. Tâm là nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần, là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức, hoạt động tâm lí, là nơi lưu trữ tất cả các chủng tử sinh ra muôn sự muôn vật, hữu hình hay vô hình và là trung tâm điểm sinh ra các pháp.

Nếu trên tinh thần “y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh giảng nghĩa tức đồng ma thuyết” thì cách lý giải Tâm của Tổ sư không “ly kinh” mà cũng chẳng “y kinh”, một cách lý giải thật mới lạ và sâu sắc, mộc mạc, dễ hiểu, một cách lý giải dựa trên truyền thống giáo lý Phật đà nhưng cũng không thiếu sự sáng tạo, phù hợp với văn hóa bản địa, nơi đạo Phật được truyền vào, cụ thể là phù hợp với văn hóa, tính cách, căn cơ của con người Việt Nam nói chung và đặc biệt là đối với người dân Nam Bộ vốn chất phác, thật thà trên mảnh đất miền Nam hiền hòa, nơi Đạo Phật Khất Sĩ ra đời. Đây là một sự tiếp thu có phát triển, một cách lý giải mang cả tính khế lý và khế cơ. Và chính sự vận dụng linh hoạt và sâu sắc tính khế lý và khế cơ của Tổ sư đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm cho Đạo Phật Khất Sĩ tuy sinh sau đẻ muộn so với các tông phái khác của đạo Phật và cũng chỉ mới hơn 70 năm chào đời đã ăn sâu vào lòng dân tộc, đứng vững cùng lịch sử nước nhà. Đồng thời đây cũng là một tông phái duy nhất của đạo Phật được sinh ra tại Việt Nam do một vị tổ người Việt Nam sáng lập sánh vai cùng các tông phái khác của đạo Phật có mặt trong lịch sử Phật giáo trên thế giới.

2. TU TẬP TÂM THEO CHƠN LÝ TỔ SƯ

Theo Chơn lý “Tâm”, số 17, Tổ sư đã phân tích tâm qua hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất, Tổ phân chia tâm theo thứ lớp từ thấp đến cao: tâm nơi cỏ cây, thú, người, trời và Phật. Nơi cỏ cây tâm là sự sống, là chủ của sự sống, tùy theo từng loại cỏ cây mà vị trí của tâm có thể ở phần trên, phần giữa thân hay ở dưới rễ cây. Tâm là thành phần quan trọng nhất giúp cỏ cây duy trì sự sống, nếu mất đi tâm, cây sẽ không còn sự sống. Trong Chơn lý “Tâm”, Tổ nói rất rõ về điều này: Tâm cây tre, cây trúc, là cái đọt phía trên giữa các lá nhánh, hễ rút đọt thì cây chết. Tâm cây xoài là cái rễ cái, chính giữa các rễ con phía dưới, hễ đứt rễ cái là nó chết. Tâm cây chuối là cái lõm lõi nơi giữa cây, hễ mất lõm lỏi ấy thì cây chết”.[10] Cây tre, cây trúc, cây xoài, cây chuối là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam từ lớn tới nhỏ, từ già đến trẻ, từ Nam, Trung, Bắc, từ nông dân cho đến tầng lớp trí thức không ai không biết đến các loại cây này. Không những thế, cây tre, cây trúc từ ngàn xưa đã trở thành những hình ảnh trân quý trong ca dao tục ngữ Việt Nam từ thời dựng nước, giữ nước, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và là một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tổ sư đã rất tâm lý khi sử dụng những hình ảnh rất Việt Nam để giải thích giáo lý tâm của đức Phật, một giáo lý đến từ Ấn Độ và đã khiến cho Phật giáo đi vào đời sống của con người Việt Nam một cách thật tự nhiên, một cách thật Việt Nam. Qua cách lý giải của Tổ sư Phật giáo không còn là một cái gì cao xa, huyền bí hay có quá nhiều từ Hán Việt khó hiểu mà đã trở nên rất gần gũi, rất đời thường, rất tự nhiên, mộc mạc, rất thuần Việt như chính con người Việt Nam vậy.

Kế đến, Tổ sư nói đến tâm nơi thú người chính là cái biết hay có thể nói thú, người lấy cái biết làm tâm. Tất cả những hành vi, ngôn ngữ... trong cuộc sống của thú hay người là để được hiểu biết, để hướng đến mục đích là cái biết. Khi con người chết đi, những vật chất trần gian trả lại cho đời chỉ có thể đem theo cái biết này: “NƠI THÚ, NGƯỜI: Tâm là sự biết, như: kẻ thì nói để cho biết, làm để cho biết, lo nhớ tính để cho biết. Để khi chết rồi, thì chỉ còn cái biết ấy đem theo”.[11]

Nơi Trời Phật, tâm là sự linh thiêng, huyền bí, ẩn mật, thần thông, yên lặng. Tâm của Trời Phật được ví như người lớn ông già và hầu hết những việc làm, lời nói, lo lắng, nghĩ ngợi.... của ông già này chủ yếu là để nuôi chứa sự linh diệu, mầu nhiệm của tâm mình mà thôi. “NƠI TRỜI PHẬT: Tâm là sự linh thiêng huyền bí ẩn mật, thần thông, yên lặng, các Ngài dầu có nói, có làm, có lo lắng nghĩ ngợi đi nữa, là cốt yếu để đem lại cho cái chơn như yên lặng nín nghỉ mà thôi.... Cũng như người lớn ông già, nhứt là ông già chỉ sống bằng sự trầm tĩnh yên lặng để nuôi chứa sự linh diệu, sự mầu nhiệm của tâm mình”.[12]

Trong các kinh, đức Phật thường nhắc đến các pháp là do tâm tạo, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả, thế giới xung quanh chúng ta đều do tâm tạo nên. Và đa số các kinh thường quan tâm về phương diện triết lý, phương diện tu chứng của tâm nhiều hơn. Chỉ duy trong Chơn lý, Tổ sư đã phân tích cụ thể tâm của cỏ cây, tâm của thú người và tâm của trời Phật. Đọc kinh Phật chúng ta đều biết các pháp do tâm tạo, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu tâm tạo tác cụ thể ở mỗi đối tượng như thế nào. Trong Chơn lý, Tổ đã chỉ rõ tâm tạo tác trên từng đối tượng. Nơi cỏ cây như cây tre, cây trúc, cây xoài, cây chuối; nơi thú người; nơi Trời Phật vị trí của tâm nằm ở chỗ nào, tác dụng của tâm ra sao. Cách lý giải cụ thể này làm cho người đọc dễ hình dung rõ không gian rộng lớn nơi ngôi nhà tâm đang làm việc, bao trùm từ những vật nhỏ bé như cỏ cây cho đến phương trời cao rộng như Trời Phật, tâm đều là trung tâm điểm, là ông chủ điều hành các việc trong ngôi nhà vũ trụ không biên giới này.

Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy được ý của Tổ sư là nêu rõ tầm quan trọng của tâm đối với các pháp đồng thời đưa ra luận cứ cụ thể chứng minh lời Phật dạy tâm làm chủ, tâm tạo tác sinh ra các pháp và dung chứa các pháp. Ở phạm trù thứ nhất này Tổ sư đã phân tích, chứng minh cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của tâm, dụng ý chính là để làm tiền đề cho phạm trù thứ hai, chính vì tâm quan trọng như thế cho nên mọi người cần phải tu tập tâm.

Phạm trù thứ hai Tổ sư chia tâm thành: tâm chúng sinh, tâm của người đang tu tập và tâm Phật. Trong Chơn lý “Tâm”, Tổ sư cho rằng chúng sanh có “lưỡng vạn tâm” và là một kho chứa khổng lồ chất đầy những “những cái tâm thay đổi giả dối, ma biến, quỷ quyệt, cái thân, khẩu, ý, ấy xấu xa, lậu tệ tráo chác uốn nắn trang sức, gạt gẫm bằng sự tô điểm, sơn phết, lòe loẹt bên ngoài chốc lát, dối trá không thật”.[13] Tổ sư cho rằng, sở dĩ con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, xuống lên ba cõi sáu đường, là vì chúng sinh không làm chủ được tâm mình, không làm cho tâm mình chơn như nhứt định mà lại bị tâm phàm vọng chuyền níu nhau, dong ruổi theo ngoại cảnh dẫn dắt: “Chúng sanh thì có lưỡng vạn tâm, vì tâm hằng chuyền níu theo hai lẽ tương đối của pháp tình, khi vầy, khi khác, không thường, không tự chủ, không sở chấp, không nhứt định, không lẽ một, nên thân, khẩu, ý điên đảo theo vạn pháp, vạn đạo rối khổ tơi bời......Cũng như bậc Trời, người, thần, thú, ma, địa ngục, các chúng sanh ấy mãi lăn xoay theo vòng tương đối của bánh xe luân hồi khổ não, là bởi điên đảo vì vạn tâm phàm vọng, không chơn như nhứt định”.[14] Chính tâm phàm vọng đã khiến cho đời sống của chúng sanh là đời sống không mục đích, không lý tưởng, không căn bổn, không lối thoát, không biết chỗ đến, không có sự bình yên chân thật. Ở ý này Tổ sư không những nêu lên quan điểm của chính mình “Tâm chúng sanh như vậy thì thật đáng bỏ, vì pháp chúng sanh, là rất tà ác, độc hại đã vô ích không công, mà lại khổ sầu tai họa. Và đời của chúng sanh là đời không mục đích, không căn bổn, thật vô lý lếu rộn mệt nhọc[15] mà còn mượn lời Phật dạy để tăng thêm phần luận chứng: Thế nên Phật gọi đời là một đám rừng hỗn loạn, bởi vạn tâm, vạn pháp, vạn đạo, vạn quả, chen lấn tranh đua, thì đâu có sự hòa bình yên vui mãi mãi”.[16]

Tiếp đến, Tổ sư đã nương theo lời Phật dạy chỉ rõ nguyên nhân đã gây nên muôn triệu chứng bệnh, muôn triệu tâm, muôn triệu đạo, muôn triệu cái kết quả độc hại khổ sở, đó chính là tham, sân, si. Và chúng sinh là người đang mắc chứng bệnh nan y tham, sân, si này đồng thời bệnh này còn có tính chất truyền nhiễm, lây lan: “Thế nên chư Phật gọi chúng sanh là những con ma bệnh, chính mình là kẻ bệnh và truyền bệnh lây kẻ khác. Nọc bệnh là tham, sân, si tam độc, cái chất độc có từ trong tứ đại là mẹ đẻ của chúng sanh. Bởi tham sân si mới sanh ra muôn triệu thân khẩu ý là tâm bệnh. Tham sân si là pháp độc, là tâm bệnh, là nơi mỗi người, pháp độc bệnh hằng xây trở ra muôn triệu chứng, muôn triệu pháp, muôn triệu tâm, muôn triệu đạo, muôn triệu cái kết quả độc hại khổ sở”.[17]

Tuy nói rằng tâm chúng sinh là kho tàng chứa đầy muôn vạn tâm độc hại, vô ích, khổ sầu tai họa. Nhưng điều này không có nghĩa là Tổ sư đã bác bỏ đi tánh Phật trong tâm chúng sanh. Ý này đã được Tổ sư triển khai rất rõ qua Chơn lý “Tâm”: “Còn chúng sanh thì cái tâm đang thành tựu còn non nớt nhỏ nhít yếu mềm, nên gọi là chưa có tâm. Chưa có chớ chẳng phải là không có. Cũng như chưa có giác chơn, chớ chẳng phải là không có giác chơn. Cho nên nói chúng sanh là Phật vị lai, chớ hiện tại chưa phải là Phật rồi”.[18] Qua đoạn trích dẫn này, Tổ sư đã nói rõ rằng tâm chúng sanh còn non nớt, yếu mềm, còn đang thành tựu, còn chưa có tâm chứ không phải không có tâm. Chính vì tâm chúng sinh còn non nớt, yếu mềm nên cần phải trải qua quá trình tu tập, sửa đổi, rèn luyện, trau chuốt, bồi dưỡng, gột rửa sạch bụi nhơ mới có thể thành tâm Phật được.

Thế nhưng lộ trình từ tâm chúng sanh đi đến tâm Phật, để bước chân của chúng ta không phải với quá cao, quá xa, Tổ sư đã xây thêm cho chúng ta một nấc thang nữa, đó là nấc thang dành cho người đang tu tập. Để chúng sanh đang lặn hụp trong vạn tâm của mình đến được với nấc thang này có lẽ sẽ là một hành trình cam go, đầy vất vả và sự kiên trì. Bởi từ chúng sanh có vạn tâm, muôn triệu tâm trở thành người đang tu tập chỉ còn có một tâm mà thôi. Tổ sư nói: “Những ai muốn chữa bệnh, tức là phải tu phải tập một tâm, lấy giữ một pháp, thật hành một đạo, phải lựa pháp lý nào tốt đẹp yên vui, trọn lành, sáng, mà làm trung tâm điểm, cốt yếu mục đích tâm”.[19] Qua đây, Tổ cho rằng người đang tu tập là người trở về với một tâm, giữ lấy một pháp, thực hành một đạo. Nếu theo Phật giáo Bắc tông quá trình tu tập từ ngoại phàm chúng sinh đến quả vị Phật phải trải qua 52 bậc thang. Hoặc từ 52 bậc thang đến 2 bậc thang niệm trước mê tức chúng sanh, niệm sau giác tức Phật, “trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” của Lục Tổ Huệ Năng thì lộ trình từ chúng sanh đến quả vị Phật của Tổ sư trải qua 3 bậc thang: chúng sanh, người đang tu tập và Phật. Người đang tu tập cũng là một chúng sanh nhưng là một chúng sanh có tu tập. Từ đây, chúng ta cũng đã thấy rõ sự khác biệt giữa một chúng sanh và một chúng sanh có tu tập là một quãng đường dài vạn dặm từ muôn triệu tâm, vạn tâm đến một tâm. Hay nói cách khác, từ một chúng sanh đến một chúng sanh có tu tập là hai nhân cách khác nhau một trời một vực. Nếu để tâm vào thực tế chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Tuy Tổ sư bảo chúng sanh phải tu tập tâm nhưng trong Chơn lý “Tâm”: Ngài không nêu ra pháp tu cụ thể mà chỉ bảo rằng người đang tu tập là người đang chữa bệnh và nương vào giáo lý của đạo Phật tự chọn cho mình một loại thuốc quý làm tâm và phải kiên tâm trì chí, nhứt tâm uống thuốc mãi cho đến khi lành mạnh mới thôi. Người tu là kẻ chữa bệnh,bệnh ấy là tâm pháp đạo tà, là thân khẩu ý xấu, người tu là rèn trau thân khẩu ý tốt, lấy pháp hay thuốc quí nào đó làm tâm, và thật hành mãi, cho đến khi kết quả mạnh lành, chơn như thành Phật”.[20]

Ở đây, sở dĩ Tổ sư không nêu ra một phương pháp tu cụ thể bởi Ngài quan niệm rằng không có cái khuôn mẫu tu chung cho tất cả chúng sanh. Điều này cũng đã được đức Phật nói rõ trong các kinh: chúng sanh có tám muôn bốn ngàn thứ bệnh nên đức Phật đã đưa ra tám muôn bốn ngàn pháp môn tu. Mỗi người một thứ bệnh khác nhau và chỉ có mình mới biết rõ mình đang bệnh gì và cũng không thể chỉ dẫn hay rủ ren người khác uống thuốc theo toa của mình. Tổ nói: “Như thế nghĩa là không ai tu bắt chước ai được, cũng như người kia đau bụng, kẻ nọ đau đầu; mỗi người phải tự biết lấy chứng bịnh của mình, tự tìm lấy món thuốc cho hạp, và tự uống lâu ngày, chớ không phải mời thỉnh rủ ren, người kia uống thuốc của bệnh mình, hay như bắt chước xin thuốc bệnh kia, cho mình uống được”.[21]

Mặt khác, Tổ sư cho rằng tu tâm chính là tu thân, khẩu, ý. Chính cái nghiệp nơi thân khẩu ý là tâm. “Tâm là thân khẩu ý, ngoài thân khẩu ý thì không có tâm....và sự tu là tu tâm chớ không có tu riêng thân hay khẩu, hoặc ý gì cả......Thân làm là bao vỏ của tâm- hột, miệng nói là thịt cơm của tâm- hột, ý tưởng là ngòi mộng của tâm- hột.” Qua đây chúng ta có thể thấy được giáo lý nhân duyên hay nói cách khác là các pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành trong ý nghĩa về tâm của Tổ sư. Thân khẩu ý chính là tâm và tâm chính là thân khẩu ý, mối liên hệ duyên sinh không thể tách rời giữa thân và tâm. Tu tâm chính là tu thân khẩu ý, một phương pháp tu rất dễ, thích hợp cho mọi tầng lớp, từ những bậc thượng căn thượng trí cho đến người bình dân. Tu thân khẩu ý là ở mọi nơi mọi lúc, tu trong mọi hoàn cảnh, lúc làm việc, lúc giao tiếp với mọi người, lúc đi, đứng, ngồi, nằm, người tại gia, xuất gia đều có thể giữ gìn, sửa đổi ba nghiệp thân khẩu ý của mình cho được chơn như, thanh tịnh, chứ không phải dành riêng cho người xuất gia, người thượng căn, thượng trí hay những người đến chùa, tụng kinh gõ mõ mới gọi là tu.

Nói một cách cụ thể, theo Chơn lý Tổ sư người đang tu tập tâm hay tu tập thân, khẩu, ý để đạt đến một tâm đó chính là định tâm. Tuy nhiên Tổ không dừng lại nơi định tâm mà Ngài cho rằng phải từ“nhập định đến chơn như và đắc chơn như”[22] mới là mục đích cuối cùng mà chúng sanh cần đạt đến. Và một khi “đã chơn như rồi thì không còn có pháp, có thuốc, có tâm gì nữa cả, vì đã kết quả, đến nơi nín nghỉ chơn như rồi, bấy giờ là sự an hưởng chớ không còn tâm, pháp, thuốc, bệnh, đạo gì, tu tập chi chi… Đến đó gọi là Phật, không còn có tâm, không còn cho ta thấy biết được tâm, chơn như là ở tại chỗ nào nữa. Bởi thế cho nên người ta thường nói: chúng sanh có muôn triệu tâm, người tu có một tâm và Phật không có tâm nào cả”.[23] Nói cách khác chơn như chính là trạng thái yên lặng Niết Bàn tịch tịnh, là trạng thái vô ngã, là thành Phật, là hột chín no tròn chắc thiệt để đời đời không hư hoại.Và cảnh giới Niết-bàn ấy không ở đâu xa mà ngay tại thế gian này, ngay trong tâm chơn như nơi mỗi người chúng ta mà thôi. Như trong phần kết bài của Chơn lý “Tâm”, Tổ sư đã nói: Dầu ở trong thế giới nào, hay là ở khoảng không gian, đến đâu và ở đâu, họ cũng trối mặc, họ không còn cố chấp nên không có khổ. Họ là cái yên vui trong thế giới yên lặng của tự mình, mà không phải lo sợ bị ai chen vào phá hại. Chính đó mới là Niết-bàn của mỗi người, mà chẳng ai thêm bớt cho ai được. Đó là chỗ cực trung, tuyệt đối của tâm chơn; ở trong đó, là ở trong tâm, lấy tâm làm nhà, chẳng còn phải lo sợ lạc loài đâu nữa”.[24]

Tóm lại, lộ trình tu tập theo Chơn lý “Tâm” của Tổ sư là lộ trình đi từ chúng sinh đến người tu tập và cuối cùng là Phật. Hay nói cách khác, lộ trình tu tập tâm là lộ trình đi từ vạn tâm, triệu tâm phàm vọng đến một tâm là định tâm và cuối cùng là chơn tâm hay không có tâm nào cả. Qua lộ trình tu tập này, người viết cho rằng Tổ sư chú trọng về việc tu tâm chứ không chấp vào hình tướng hay bất cứ một pháp môn nào. Tổ sư cho rằng tâm là trung tâm điểm, là nhân tố chính trong việc kiến tạo đời sống hạnh phúc của con người. Vì thế, tu tâm là điều cốt yếu nhất. Bắt đầu từ tâm, tìm hiểu tâm, tu tâm chính là con đường đúng đắn nhất trong các con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Không có một giải pháp bền vững nào hơn là tu tập tâm.Như trong Kinh Tăng Chi đức Phật đã dạy: Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, lại khó sử dụng như tâm không được tu tập....Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, lại dễ sử dụng như tâm được tu tập...Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, lại đưa đến bất lợi lớn như tâm không được tu tập... Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn như tâm được tu tập... Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, đem lại khổ đau như tâm không được tu tập... Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, đem lại an lạc như tâm được tu tập”.[25] Đây là con đường mà mấy nghìn năm qua các nhà tôn giáo học cũng như các nhà tư tưởng học trên thế giới đã và đang quan tâm hàng đầu. Tổ sư cũng không ngoại lệ.

SC. Thảo Liên trình bày trong khóa Bồi dưỡng trụ trì 2018

3. KẾT LUẬN

Tổ sư Minh Đăng Quang, một con người Việt Nam của thế kỷ 20, cách Phật 25 thế kỷ đã dựa trên nền tảng giáo lý của đạo Phật, một giáo lý đến từ Ấn Độ lý giải về con đường tu tập tâm bằng những hình ảnh rất riêng của Việt Nam, bằng những ngôn từ thuần Việt để giải thích về giáo lý tâm mà đức Phật đã từng nói, nghe sao thật dễ hiểu, nghe như đạo Phật không phải đến từ Ấn Độ mà như được sản sinh ngay trên đất nước Việt Nam của chúng ta vậy. Một đạo Phật thuần Việt, mang đậm nét độc đáo, phong cách riêng của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

Nhìn chung, toàn Chơn lý “Tâm”, Tổ sư chú trọng vào yếu tố tu tập tâm bởi hai lẽ : một là tâm là trung tâm điểm tạo ra các pháp vạn vật ở thế gian, tâm có tác dụng chi phối rất lớn đối với đời sống con người và môi trường xung quanh; hai là tâm là người dẫn đường, là chủ nhân của cuộc đời mình, chứ không phải là sản phẩm sáng tạo của một vị thần linh tối cao nào.Tu tập là con đường đưa đến hạnh phúc thiết thực nhất.

Điều quan trọng hơn hết là Tổ sư đã dựa trên sự chứng ngộ của bản thân mà nói về sự tu tập tâm, chứ không phải sự hiểu biết từ tín ngộ hay giải ngộ. Tổ sư tự thân trải nghiệm và đã có những ấn chứng cho riêng mình, được tôn xưng là vị Tổ khai sáng Hệ phái Khất Sĩ tại Việt Nam. Vì thế, lời của Tổ sư nói ra xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân, từ sự chứng ngộ của bản thân, chứ không phải là sự tin tưởng vào giáo lý của đức Phật, tin theo lời của đức Phật một cách mù quáng. Cũng không phải là sự hiểu biết suông từ sách vở, kinh văn, hay là sự nhận thức trên bề nổi của ngôn từ, văn tự mà thôi.

Cũng không như Tâm lý học hay y học dùng những phương pháp thực nghiệm, trừu tượng, hoặc dùng những kỹ thuật khoa học tân tiến để mổ xẻ tâm, phân tích sự hoạt động của tâm, sự hình thành của tâm, tính logic của tâm... Như nhà Tâm lý học Fromm (1900-1980) đã nói trong cuốn “Thiền và Phân tâm học”: “Thí dụ như nghiên cứu về một đóa hoa, các nhà khoa học đem nó phân tích như một đối tượng của vật lí học, hóa học hay thực vật học. Rồi đem những thành quả đạt được từ sự nghiên cứu công bố với mọi người. Và cho rằng đã nghiên cứu thấu đáo về hoa. Khoa học nghiên cứu như thế, kỳ thật chỉ là mô tả một đối tượng, bàn luận xoay quanh đối tượng, phẫu thuật, phân giải một đối tượng, rồi sau đó ghép nhiều bộ phận lại với nhau, chẳng qua chỉ là sự tổng hợp trừu tượng của nhiều hiện tượng phân tích mà thôi,chứ không phải sự hiểu thấu đáo của chính bản thân đối tượng. Như vậy khoa học chỉ là người đứng bên lề, người ngoài cuộc, vĩnh viễn không bao giờ tham thấu được chính bản thân sự vật”.[26] Là hàng hậu học, với sự tu còn non kém, sự hiểu biết còn ít ỏi, chúng ta không thể nào tham thấu hết về con đường tu tập tâm của Tổ sư. Nhưng chúng ta phải tin chắc rằng đây là những kinh nghiệm, những quan điểm, những lời nói xuất phát từ người trong cuộc, từ sự chứng ngộ của bản thân Tổ sư. Và những lời nói như thế rất đáng được trân trọng, đáng làm kim chỉ nam cho hàng hậu học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Thích Trí Đức, Kinh Pháp Cú, Phật học viện Quốc tế, 1985.

2.天竺三藏求那跋陀罗译:《杂阿含经》,卷10,《大正藏》,第02册,99经。

3.天竺三藏佛驮跋陀罗译:《大方广佛华严经》,卷19,《大正藏》,第10册,279经。

4.慧远撰:《大乘起信论义疏》,卷1,《大正藏》,第44, 1843经。

5.主智觉禅师延寿集:《宗镜录》卷2,《大正藏》,第 48, 2016 经。

6.铃木大拙、弗洛姆,禅宗与精神分析,辽宁教育出版出版社,1988.

7. Thích Giác Toàn,Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP. HCM, năm 2002.

8. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, tập 1, NXB Tôn giáo Hà Nội, năm 2004.

9. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB Tổng hợp TP Chí Minh, năm 2016, trang 236.

10. Kinh Tăng Chi, Chương một - Một pháp, HT. Thích Minh Châu dịch.

 

[1]Niên đại về ngày sinh của đức Phật, còn đang tranh luận, nhưng có hai cách tính phổ thông nhất, đó là: Theo cách tính của người châu Á là (624-544 BC), theo cách tính của người châu Âu là (563-487 BC).

[2]Thích Trí Đức, Kinh Pháp Cú, Phật học viện Quốc tế, 1985, tr. 13.

[3]《杂阿含经》,卷10,《大正藏》,02册,no. 99, p. 69, c23-25。

[4]《大方广佛华严经》,卷19,〈20 夜摩宫中偈赞品〉,《大正藏》,第10册,no. 279, p. 102, b1

[5]《大乘起信论义疏》卷1,《大正藏》,第44, no. 1843, p. 175, a6.

[6]《宗镜录》卷2,《大正藏》,第 48, no. 2016, p. 423, c25-b21.

 

[7]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn “Tâm”, tập 1, NXB Tôn giáo Hà Nội, 2004, tr. 430.

[8]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, tập 1, NXB Tôn giáo Hà Nội, 2004, tr. 431.

[9]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 228.

[10]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 228.

[11]Sđd, trang 228.

[12]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 229.

[13]Sđd, trang 231.

[14]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 231.

[15]Sđd, trang 231.

[16]Sđd, trang 230.

[17]Sđd,trang 230.

[18]Sđd, trang 229.

[19]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 232.

[20]Sđd, trang 232.

[21]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 232.

[22]Sđd,trang 235.

[23]Sđd, trang 232.

[24]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tâm”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, trang 236.

[25]Kinh Tăng Chi, Chương một - Một pháp, HT. Thích Minh Châu dịch.

[26]铃木大拙、弗洛姆,禅宗与精神分析,辽宁教育出版出版社,1988年,第15页.