Tư tưởng Đại thừa của đức Tổ sư trong Chơn Lý “Đại Thái Thức”

CHONLY DAITHAITHUCTóm lược nội dung của bài Kinh Vu Lan Bồn trong Chơn Lý Đại Thái Thức: Ngài Mục-kiền-liên sau khi chứng đắc sáu phép thần thông, dùng đạo nhãn soi khắp các cõi, thấy Mẹ sanh trong cõi ngạ quỷ, tiều tụy ốm o, Ngài rất đau lòng, liền đem bát cơm dâng Mẹ, nhưng vì do đói và tham nên bà lấy tay trái che quỷ sứ, tay mặt bốc cơm ăn, cơm lại hóa thành than lửa và ăn không được. Mục-kiền-liên rất đau xót, về bạch Phật chỉ dạy phương pháp cứu Mẹ. Đức Phật dạy rằng:“Mẹ ngươi gốc tội rất sâu, một mình Ông không thể cứu đặng, phải nhờ oai thần của chúng Tăng mới cứu được”.

Do vậy đến ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ, mười phương Tăng đều tụ hội về, Mục-kiền-liên phải cúng dường năm thứ trái cây và trăm món đồ ăn cho chúng Tăng, nhờ công đức đó mà Mẹ Ngài mới thoát khỏi chốn ngạ quỷ.

Qua bài Kinh Vu Lan, đã chứa đựng một triết lý sâu sắc tư tưởng Đại thừa Phật giáo mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tuần tự trình bày như sau:

Đức Mục-kiền-liên, Tàu dịch là Đại Thái Thức. Nghĩa là bậc thức trí rộng lớn. Mục-kiền-liên hay Đại thái Thức là chỉ cho tất cả các bậc trí huệ Bồ-tát chớ không phải riêng một người.

Mục-kiền-liên dùng đạo nhãn để tìm xem Mẹ sanh ở cảnh giới nào. Ở đây chúng ta được biết thêm về ý nghĩa Mẹ của Mục-kiền-liên, là chỉ cho tất cả chúng sanh chớ không phải riêng một bà Thanh Đề, vì trong vòng sanh tử luân hồi, sanh đi lộn lại, chúng ta có rất nhiều cha mẹ. Như trong Kinh Phạm Võng có nói:

Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, mỗi đời ta từ đó mà sanh ra. Nên tất cả chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ của ta cả”.

Thế nên các bậc trí huệ không chỉ nhận riêng cha mẹ hiện đời mà còn mang nặng ân nghĩa của cha mẹ nhiều đời, do vậy đức Tổ sư đã nhận định tất cả chúng sanh là cha mẹ của chư Phật và Bồ-tát.

Thấy vong mẫu sanh trong đường ngạ quỷ, là chỉ cho các bậc trí huệ suy gẫm nơi pháp lý mà nhận rõ chúng sanh đang sống trong cõi tham lam ích kỷ và đắm chìm trong vật dục thế gian.

Hình ảnh bà mẹ tiều tụy ốm o là chỉ cho tâm đói khát sự thiện lành đạo đức, nên sống đời khổ đau, làm cho các Ngài động mối từ tâm.

Mục-kiền-liên đem bát cơm dâng cho Mẹ, là chỉ cho các bậc trí huệ đem Pháp bảo của đạo Bát chánh đến bố thí và giáo hóa cho chúng sanh để dứt trừ sự đói tham khổ não. Nhờ ăn dùng được đạo lý quí báu mà no lòng mát dạ, Pháp bảo như là cơm, Bát chánh đạo như là chén bát. Vì Pháp bảo rất quí báu, có công năng giúp người rơi rụng phiền não, thoát mọi khổ đau.

Ví như chàng Yasa, con một nhà triệu phú tại thành Benares. Một buổi sáng thức dậy, nhìn các nàng hầu nằm ngủ ngổn ngang bừa bãi, thì lấy làm nhờm chán, ấn tượng ghê tởm này luôn luôn ám ảnh chàng. Toàn thể đền đài nguy nga tráng lệ bấy giờ đối với chàng chỉ còn là một nơi tối tăm buồn bã. Chàng trốn nhà ra đi, hướng về Isipatana, nơi đức Phật tạm ngự vừa đi vừa thản thốt: “Thống khổ thay cho con! Đọa đày thay cho con!” Lúc bấy giờ đức Phật nhìn thấy Yasa, Ngài dạy rằng: “Nơi đây không có thống khổ, hỡi này Yasa! Nơi đây không có đọa đày, này hỡi Yasa! Hãy đến đây, Yasa! Hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ giảng giáo pháp cho con”[1].

Lại như bà Mahā Pajāpati Gotami trong hàng nữ Thanh văn đại đệ tử Phật, khi biết đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, Bà đến kỉnh lễ đức Phật và xin phép nhập Niết-bàn trước Phật như sau:

“Kính bạch Bậc dứt khổ, Bậc Đại Tuệ Giác, Bậc Nhất Thế Y Vương, Bậc đại Sa-môn, Đức Thế Tôn! Con là mẹ của Ngài, Ngài là Cha của con, Ngài là người ban an lạc cho con, Ngài là sanh mẫu của con. Pháp thể Ngài được tăng trưởng từ những giọt sữa của con, nhờ những giọt sữa này mà Ngài đã hết khát lúc còn trẻ thơ, còn tâm con được lớn mạnh từ dòng sữa Chánh pháp của Ngài, nhờ dòng sữa này mà con vĩnh viễn chấm dứt mọi thèm khát ái dục khổ đau”[2].

Thật đúng như bài kệ tụng Lễ Pháp mà chúng ta thường đọc tụng hằng ngày:

                                    “Kính lạy Pháp là phương giải thoát,

                                    Gốc chơn truyền Y bát từ xưa,

                                    Pháp tu chứng đắc kịp giờ,

                                    Độ người qua đến bến bờ bên kia”.

Kế tiếp, bấy giờ bà Mẹ tiếp lấy chén cơm, tay trái che quỷ sứ, tay mặt bốc cơm mà ăn. Ở ý này đức Tổ sư chỉ cho chúng ta biết rằng: đó là chúng sanh đã ưng lòng nghe Pháp, nắm giữ hành theo. Tay trái che quỷ sứ là cố giảm ngăn che ý nghịch sái quấy, tay phải bốc cơm ăn là ráng thực hành theo Pháp bảo để cho tâm được no vui kết quả. Nhưng cơm lại hóa thành than lửa, nghĩa là Pháp bảo ấy rất khó hành trì nên không hành theo được, bởi chúng sanh tánh tham ác đã quen, nên xem ra sự bố thí, nhẫn nhục, trì giới, thiền định, khác nào như than lửa không thể lặng yên, gìn giữ, nhịn nhường, nên ăn dùng không được và khó tu theo Pháp Phật.

Thật vậy, chính khi xưa đức Thế Tôn sau khi chứng quả vị Phật, Ngài cũng đã suy nghĩ như sau:

“Pháp này do ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Y tánh Duyên khởi Pháp. Tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”[3].

Thế cho nên Mục-kiền-liên – vị Đại Thái Thức đã thấy vậy mà thương xót cảm động, vội về bạch Phật tìm phương cứu giúp. Khi ấy đức Phật mới dạy rằng:

“Mẹ ngươi gốc tội ác rất sâu, không phải một mình sức ngươi mà độ được. Nghĩa là chúng sanh đã quá từ lâu nhiều đời, lầm lũi đi vào nẽo ác rất sâu xa, quen tật chướng, không phải chỉ có một ông thầy giáo Bồ-tát pháp sư, một giáo lý, một pháp môn, một phương tiện mà độ cho họ theo, quay đầu trở lại nẻo thiện lành trong sạch hết, vì là họ cũng không phải dễ gì mà xoay lưng trở lại được, khi đã quá trớn bị mắc kẹt bao vây, bởi thế sự quen tục”.

Bởi chúng sanh sinh trong cõi dục là sống thuận theo dòng đời, thuận theo ngũ dục thế gian, sống truy cầu dục, bị dục đai nghiến, khi tâm chưa an trú, chưa thuần thục tu tập Pháp bảo. Do đó, sự trì giới là nấc thang an toàn đầu tiên cho sinh mệnh của một người xuất gia, nếu chúng ta lơi đễnh thì khó mà thiền định, trí tuệ được.

            Cột tâm lấy Giới làm đầu,

            Giới năng sanh Định, Huệ hầu mở khai.

Hay:               

Nếu ai thiền định hoài hoài

            Ấy là ý mã bị cai trị rồi

            Bằng ai giải đải buông lơi

            Tránh sao ý mã chẳng lôi xa đường

            Vậy nên hãy ráng kềm cương

            Giờ giờ phút phút phải thường soi tâm.

Thiết nghĩ, thật là một túc duyên sâu dầy cho chúng ta, những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống đời phạm hạnh thanh tịnh trong giáo pháp đức Phật, mới mong vượt thoát khỏi sông mê lưới ái, đạt đến bến bờ giác ngộ giải thoát.

“Vậy sẵn đây đến ngày rằm tháng Bảy, chư Tăng Tự tứ cho nhau, khắp nơi chư Tỳ-kheo: Thinh văn, Duyên giác, Bồ-tát, tu hành trì giới, thiền định, trí huệ đều gom về đầy đủ, để xem xét kiểm điểm lại cho nhau sau ba tháng mùa hạ đụt mưa chung sống, để cho trong Giáo hội chỉnh đốn, sắp xếp Giới luật và cách hành đạo. Ngày ấy chư Tăng đều tự xưng sám hối và tất cả đều hòa hiệp xóa bỏ hết tội lỗi chấp phiền nhau, bằng sự thuyết pháp cho nhau, pháp lý là nước mát trong sạch tắm rửa, mỗi năm hội lại tắm rửa một lần”. Chính vì nếp sống này mà khi xưa vua Pasenadi nước Kosala đã bạch với đức Phật:

Bạch đức Thế Tôn, con có pháp truyền thống này đối với đức Thế Tôn: Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử Thế Tôn khéo tu tập hành trì. Còn con thì vua chúa cãi lộn với vua chúa, Sát-đế-lị cãi lộn với Sát-đế-lị, Bà-la-môn cãi lộn với Bà-la-môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ…. Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỳ-kheo sống với nhau thân hữu, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính.

Bạch Thế Tôn, con không thấy ngoài đây ra, có một phạm hạnh nào khác viên mãn thanh tịnh như vậy. Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với đức Thế Tôn”[4].

Cũng như bài nói chuyện của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ mà chúng ta không thể nào quên được:

“Đức Phật luôn ca ngợi đời sống thầm lặng của các Tỳ-kheo sống xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa rằng: Một Tỳ-kheo nên sống cách biệt ngoài cộng đồng Tăng lữ. Sống chung và hòa hợp trong cuộc sống thánh thiện cao cả, giáo giới và sách tấn lẫn nhau, đó là sinh mệnh của Tăng đoàn. Đời sống của một Tỳ-kheo là sống không gia đình, không cố định vĩnh viễn tại một trú xứ nào, nhưng các Tỳ-kheo được nối kết nhau thành một cộng đồng thống nhất bằng Giới bổn mà họ phải cùng nhau hòa hợp để tụng đọc trong mỗi nữa tháng, và sự hòa hiệp ấy được cũng cố bằng ba tháng an cư mùa mưa”[5].

“Thế rồi đức Phật dạy Mục-kiền-liên, sẵn có ngày đại hội đó, vậy ngươi trước hết hãy cúng dường tất cả chư Tăng bằng năm thứ trái cây, là thuyết pháp giáo hóa cho tất cả đắc được ngũ quả: Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, quả A-la-hán vô sanh và quả Bích chi, Duyên giác. Sau nữa là trăm món đồ ăn đủ mùi vị ngon lành, nghĩa là sau khi Tăng chúng đã đắc quả Thánh đông nhiều rồi, ngươi hãy thuyết pháp thêm, bằng cả trăm pháp bảo, giáo lý hay ho, phương tiện đủ cả mùi vị của đạo Bồ-tát, để khuyến khích yêu cầu họ hãy phát tâm Bồ-tát, phát đại nguyện độ đời cả thảy, chia ra khắp nơi, dùng đủ phương pháp trí huệ mới mong độ chúng sanh được hết tham, dứt khổ, giải thoát bước lần lên cao, thì trong tâm họ mới hưởng được Pháp bảo no đủ an vui lần lần”.

Thật vậy, theo tinh thần của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, là sau ba tháng mùa mưa chư Tăng thúc liễm thân tâm tấn tu Tam vô lậu học để được chứng đạt, đến ngày Tứ tứ Tăng – Vu Lan Bồn, Tăng chúng cùng chia sẻ cho nhau sự tu tập chứng đắc để đều được đồng đẳng an vui kết quả, tức là sự hoàn thiện chính mình rồi mới thuyết pháp giáo hóa chúng sanh số đông nhiều cho đặng có Pháp nhãn xa trần ly cấu, có như thế mới mong cứu Mẹ trong nhiều đời đều được thoát khổ, đúng với tinh thần của Vu Lan Bồn vậy.

Như trong Kinh Trường Bộ, đức Phật có dạy:

“Này các Tỳ-kheo, hãy ra đi mỗi người một phương, vì hạnh phúc vì an lạc cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Các ngươi hãy thuyết giảng Chánh Pháp, Sơ thiện, Trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh”[6].

Tóm lại, về triết lý tư tưởng đại thừa của đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng không ra ngoài tiêu chí tự độ và độ tha. Nghĩa là trước tiên phải độ chúng sanh “Tâm” của mình, tức tâm vọng động tham lam, sân giận, si mê của mình cho đặng trong sạch thanh tịnh, bằng phương pháp thù thắng nhất là chết bỏ cõi đời, sanh trong nhà đạo, sống theo tinh thần Tứ Y Chánh Pháp, tu tập Thánh Giới, Thánh Định và Thánh Tuệ cho hoàn hảo, phạm hạnh cho được thanh tịnh, rồi mới đem cái thực tu thực chứng đó mà truyền đạt trong Tăng chúng, giúp cho được số đông nhiều, ngỏ hầu đi khắp nơi thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, như thế thì không những cha mẹ trong một đời mà cha mẹ nhiều đời đều được giải thoát.

Lại đúng với chí nguyện của người con Phật chúng ta:

“Nay con phát tâm, chẳng cầu phước báu, ở cõi nhơn thiên,

Thinh văn Duyên giác, Bồ tát huyền thừa,

Chỉ mong cầu được, bậc tối thượng thừa, phát lòng chánh giác,

            Nguyện cả chúng sanh, khắp cùng pháp giới,

            Một lúc đồng thành, Bồ-đề vô thượng”.

Điểm tích cực hơn nữa của đức Tổ sư Minh Đăng Quang là Ngài còn dạy chúng ta trong tinh thần là “vừa học qua vừa dạy chúng sanh, chính trong chỗ học và hành, nhiều nơi kinh nghiệm được thành toàn năng”. Một nếp sống thân giáo hùng hồn có năng lực tác động mạnh vào tâm mình, tâm người để giảm thiểu và rơi rụng tâm tham lam bỏn sẻn, phiền não khổ đau. Đó là pháp song hành tự lợi và lợi tha – một tinh thần, một tư tưởng Đại thừa Phật giáo nói chung và trong Chơn Lý đức Tổ sư Minh Đăng Quang nói riêng.

“Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi đứng nằm ngồi, ăn mặc nói làm, mỗi cách cư xử đều phải giống y như Phật, cho đặng thiện tín hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật”.

Thiết nghĩ, ngày nay trong mỗi chúng ta, những người xuất gia tu học, với Tôn chỉ của đức Tổ sư “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp – Con đường tu tập theo Bát Thánh đạo”, một mô hình mà nhất định chúng ta phải đi theo đó, không sớm thì muộn sẽ dự vào hàng Đại Thái Thức mà tiếp độ chúng sanh – là mẹ của chư Phật, chư Bồ-tát. Bằng không như vậy thì bà mẹ ấy, chính là ta, là bà Thanh Đề vẫn mãi mãi sanh trong cõi ngạ quỷ ốm o, tiều tụy đói khát, khó mà thực hành Pháp bảo.

Thế thì điều trước tiên theo lời Phật dạy là chúng ta phải thường xuyên đến yết kiến bậc Thánh, bậc chân nhân, học hỏi pháp các bậc Thánh bậc chân nhân, tu tập theo pháp các bậc Thánh bậc chân nhân, thuần thục pháp các bậc Thánh bậc chân nhân, ngỏ hầu khai mở Chánh tri kiến, đoạn trừ các lậu hoặc, thì chính mình là Thầy sáng bạn lành của chính mình, và cũng là Thầy sáng bạn lành hữu ích cho tất cả mọi người.

Được như thế mới mong con đường “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”, do đức Tổ sư Minh Đăng Quang thiết lập trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 40 của thế kỷ XX vẫn tiếp tục tỏa sáng. Qua đó, nét tư tưởng Phật giáo Đại thừa của Tổ sư được thể hiện được qua lăng kính Chơn Lý gồm 69 quyển sẽ thêm phầnh thiết thực, sống động.


[1] HT. Narada, Phạm Kinh Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2013, tr. 113,114

[2] Thích Thanh Quang, Suối Nguồn Diệu Giác (tập 2), Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2009, tr.181

[3] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, 26. Kinh Thánh Cầu, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 218.

[4] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ II, 89. Kinh Pháp Trang Nghiêm, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tr. 147.

[5] Trích Tuần báo Giác Ngộ (số 12), ra ngày 15-6-1991, tr.1 và 11.

[6] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 14. Kinh Đại Bổn, Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 258.