Tư tưởng Đại thừa của Tổ sư qua các bài kệ pháp Khất sĩ

I. Dẫn nhập

Sự hiện diện của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ngày nay là do Đức Tổ Sư MINH ĐĂNG QUANG khai sáng và hoằng truyền vào khoảng thập niên 1940, đến nay đã phổ cập rộng rãi khắp 2 miền Nam Trung nước Việt. Với 6 Giáo đoàn Tăng và Ni giới gồm Ni giới Hệ phái Khất sĩ (Tổ đình Ngọc Phương), Ni giới Giáo đoàn IV, Ni giới Giáo đoàn III, Ni giới Giáo đoàn I. Hiện nay Hệ phái có trên 3.000 Tăng Ni xuất gia tu học. Định hướng lập đạo và hành đạo của Tổ sư là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, khai mở Đạo Phật Khất Sĩ tại Việt Nam. Phương pháp hành trì tu tập căn cứ trên nền tảng Giới-Định-Tuệ, Ngài nêu cao khẩu hiệu:“Nên tập sống chung tu học, cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung. Cái linh là phải tu chung”. Sống, học, tu là 3 vế liên hoàn không thể tách rời để tạo nên một sắc thái riêng biệt của người Khất sĩ.

Khất là xin, Sĩ là học, sự du phương tu học theo hạnh Phật Tăng xưa, không ta không của ta. Sau ngày Tổ sư vắng bóng, quý Đức Thầy đệ tử của Tổ sư tiếp bước con đường hành đạo để phát huy ánh sáng Chánh pháp. Trải qua hơn 61 năm Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ được tồn tại và phát triển một cách vững mạnh trong lòng dân tộc. Phải chăng Tổ sư đã dung hợp 2 tư tưởng Nam và Bắc truyền Phật giáo để khai mở Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trong phạm vi tiêu đề “Tư tưởng Đại thừa của Tổ sư qua các bài kệ pháp Khất Sĩ”, chúng tôi mạn phép trình bày để đại chúng cùng nhau chia sẻ. Mong chư Tôn đức cùng huynh đệ đại chúng hoan hỷ góp ý những chỗ khiếm khuyết để những lần trình bày sau sẽ hoàn chỉnh hơn.

II. Tư tưởng lập đạo của Tổ sư

Trong bối cảnh đạo pháp bị phân hóa, chia rẽ do hoàn cảnh xã hội tạo nên, một mình một bóng với chí nguyện kiên cường, Đức Tổ sư đã mạnh dạn đề xướng tôn chỉ lập đạo “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, như phần mở đầu bài kệ Nhớ ơn Phật cho thấy:

“Đời chen lộn ngàn đường tội lỗi,

Ta bước riêng một lối thanh cao,

Đạo vàng quí báu biết bao,

Vừa mình tu tỉnh vừa trau sửa người”.

Hai câu đầu Ngài phác họa một bức tranh rối ren của xã hội và tôn giáo. Trước thực trạng như vậy, Ngài phải chọn cho mình một lối đi. Hai câu sau Ngài khẳng định chỉ có Chánh pháp của chư Phật mới là cao quí và Ngài tự đặt mình vào trọng trách là cần phải tu tập và dìu dắt mọi người cùng tu.

“Cùng giải thoát khỏi nơi rừng thẳm,

Dắt dìu nhau bước dẫm bon bon,

Lối đi đã sẵn đường mòn,

Công người khai vẹt ai còn nhớ chăng!”

(Nhớ ơn Phật)

Khi lập giáo, Ngài cương quyết dìu dắt đệ tử vượt khỏi những sai lầm, bảo thủ, cố chấp đã có từ lâu trong tông giáo. Ngài dìu dắt đệ tử đi theo con đường của chư Phật 3 đời qua gương hạnh của đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni.

III. Hành đạo theo tinh thần Lục hòa cộng trụ và Y Bát chơn truyền

Để đạt mục đích giải thoát cao cả ấy, Ngài nêu 3 yếu tố:

a. Nên tập sống chung tu học.

Xuất phát từ sự phân hóa tư tưởng giữa Nam và Bắc truyền Phật giáo, tinh thần tu học của Tăng Ni không ổn định, do đó sự chia rẽ phát sinh rõ rệt, thực chất của đạo Phật đã bắt đầu biến dạng…. Tổ sư lập giáo kêu gọi Tăng Ni nên đoàn kết trở lại để tu học và duy trì phát triển đạo Phật một cách đúng với Chánh pháp qua châm ngôn “Nên tập sống chung tu học”chỉ có con đường sống chung tu học mới đem đến kết quả an vui không còn phân biệt, chia rẽ, bảo thủ sai lầm nữa, con đường ấy gọi là Trung đạo giải thoát, đạo lý sống chung tu học mà xưa kia chính đức Bổn sư Thích-ca đã áp dụng cho Tăng đoàn thực hành một thời cực thịnh. Đức Phật đã dạy trong Kinh Du Hành thuộc Trường A Hàm rằng: “Ngày nào chư Tỳ-kheo còn hội họp trong tinh thần đoàn kết, bàn luận trong tinh thần đoàn kết và giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì chắc chắn ngày ấy Tăng đoàn được phồn thịnh không bị suy giảm”. Ngày nay Tổ Sư Minh đăng Quang nêu khẩu hiệu này cũng nhằm mục đích nối truyền lời Phật dạy.

b. Thực hành Trung đạo, Y Bát chơn truyền.

Chư Phật ba đời đều là Khất sĩ, Khất là xin, Sĩ là học, xin vật chất để nuôi thân, học giáo pháp để nuôi tâm, pháp khất thực để diệt trừ bản ngã, và gián tiếp chỉ dạy cho người đời biết bố thí để tập bỏ lòng tham, muốn như vậy không pháp môn nào hơn là thực hành y, bát:

“Xuất gia chánh giáo không rời bát,

Lánh tục chơn truyền khá đắp y,

Giới luật đành rành lời Phật thuyết,

Kinh văn tỏ rõ hạnh Tăng trì.

Hỡi ai chí thích nơi chơn lý,

Kinh nghiệm cho rồi sẽ bước đi”.

(Kệ pháp “Thời gian qua”)

Trì bình khất thực, mỗi ngày ăn một ngọ, không cất giữ tiền bạc vật chất, không ở một nơi cố định, đường lối nầy gọi là Trung đạo giải thoát, tránh 2 cực đoan: lợi dưỡng sung sướng và ép xác khổ hạnh.

“Người Khất sĩ nghĩa là người xin học,

Xin nuôi thân bằng vật chất hữu hình,

Học nuôi tâm bằng các pháp vô hình,

Lẽ Xin Học sẽ viên minh toàn thiện.

Người Khất sĩ gót lữ hành dũng tiến,

Bước phiêu linh, lấy bốn biển làm nhà,

Lấy chín châu làm sự nghiệp độ tha,

Quyết thực hiện chí tang bồng hồ thỉ”.

(Đường lối Khất sĩ)

Pháp trì bình khất thực mà xưa kia chính đức Phật Tổ Thích-ca đã hành trì và trong Kinh Lăng Nghiêm còn ghi lại: “Ngã giáo Tỳ-kheo, tuần phương khất thực, linh kỳ xả tham, thành Bồ-đề đạo”. Chỉ có Khất sĩ Trung đạo thực hành y bát, trì bình khất thực mới trừ diệt lòng tham và bảo thủ.

“Pháp khất thực dạy người bố thí,

Cùng dạy mình chơn lý không tham,

Bao giờ dứt tánh mê ham,

Muôn ngàn phận sự việc làm đều xong”.

(Cầu nguyện hòa bình)

Theo Tổ sư dạy rằng người Khất sĩ là người cao thượng, không không trong sạch, pháp trì bình khất thực là phương pháp gián tiếp dạy đời biết lẽ sống chung, chớ không phải khất cái vì miếng ăn mà tranh giành cướp đoạt.

“Kìa gương báu nhà Du Tăng khất thực,

Không tật nguyền mà ôm bát đi xin,

Xin, không tham, để xây cuộc hòa bình,

Xin, không ác, để lập đời thiện mỹ.

Đi xin ấy để dạy người bố thí,

Và nhắc mình biết vong kỷ trừ tham,

Ta và người, khi diệt hẳn muốn ham,

Thì tuyệt đối, cõi đời không giặc giã .

Tăng khất thực mặc y bằng vải vá,

Là nhắc người sang cả chớ se sua,

Là khuyên người nghèo khổ chớ tranh đua,

Là chất nhựa gắn liền chung một khối.

(Đường lối Khất sĩ)

Đời sở dĩ bất công và tội lỗi,

Bởi do người không trực tiếp đi xin,

Cứ ngồi không mà muốn lợi về mình,

Nên lắm cuộc giặc loàn gieo khói lửa”.

(Phỏng đáp hoài nghi)

Tổ đã khẳng định:

“Trong đời phải cần tu hai pháp,

Ăn chay và vui hạp đi xin,

Luật nghiêm giới cấm giữ gìn,

Muôn người hòa hợp như in một người.

Ấy phương pháp lập đời đạo đức…”.

(Cầu nguyện hòa bình)

Thực hành giáo pháp trì bình khất thực, xin ăn tu học nhưng phải ăn chay, bởi vì theo tinh thần từ bi của đạo Phật, Tổ dạy:

“Bao nhiêu loài vật trên đời,

Cũng là mạng sống cũng thời mang thân,

Cũng đau đớn chịu phần sanh tử,

Nỡ lòng nào bày sự giết ăn”.

(Cầu nguyện hòa bình)

Hoặc như:

“Thú kia nó cũng là thân,

Cũng xương cũng thịt có phần như ta.

Đánh đau chúng nó kêu la,

Tiếng rên đứt ruột tiếng la xé lòng”

(Khuyên đừng giết thú)

c. Nền tảng tu tập Giới-Định-Tuệ.

Chỉ mặc y mang bát trì bình khất thực cũng chưa gọi là đúng nghĩa Khất sĩ, vì khất thực xin ăn tu học mới đoạn trừ lòng tham chấp, bảo thủ chưa phát sanh trí tuệ, nếu không tu tập Giới Định Tuệ. Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Vị Tỳ-kheo nào giữ thân ngữ thanh tịnh, tâm an trú tam-muội, xa lìa nơi dục lạc, ta gọi họ là người tịch tịnh”…. Do đó, Tổ sư luôn luôn dạy hàng đệ tử phải khép mình trong khuôn khổ giới luật và tu tập thiền định để tiến đến quả vị giải thoát.

“Con bỏ luật như đòn bỏ gánh,

Phương chi mà nhập Thánh siêu phàm”.

Tổ sư khẳng định rằng người Khất sĩ chỉ có 3 pháp tu căn bản vắn tắt là Giới, Định, Tuệ. Biết rằng sự lập đạo và hành đạo dấn thân vào đời để giáo hóa chúng sanh không phải dễ nhưng Ngài tự đặt mình vào trách nhiệm cao cả như chư Phật quá khứ, Ngài không quản ngại những khó khăn gian khổ đặt ra trước mắt, như Ngài nhận định:

“Sánh Phật pháp, rừng sâu thăm thẳm,

Nẻo quanh co u ẩn khó lường,

Cây cây, cỏ cỏ vấn vương,

Một phen đều phải lạc đường không ra.

Phật nay đã cách xa nhân loại,

Muốn sao cho khỏi hoại pháp môn,

Tam tàng: Kinh Luật Luận đồng,

Đêm ngày nghiên cứu khỏi hòng sai đi.

Những diệu pháp huyền vi thâm viễn,

Phải lọc lừa bỏ huyễn theo chơn,

Kinh văn rối rắm lạ thường,

Như là đêm tối, không tường nông sâu.

Dốc cải ác, quay đầu hướng thiện,

Nỗi tu hành dường biển mênh mông,

Lênh đênh thuyền bách giữa dòng,

Biết chi phương hướng mà trông qua bờ.

Chưa giải thoát khỏi đời tân khổ,

Vì chơn mê khó ngộ đạo cao,

Con đường mà Phật ra vào,

Đã chia nhiều nẻo, lại bao bóng mờ.

(Ánh sáng)

Tuy biết như vậy, nhưng Ngài vẫn cố gắng khắc phục nghịch cảnh để xiển dương Chánh pháp.

“Thấy tịch mịch thờ ơ chẳng nỡ,

Muốn gợi ra chỉ sợ thiếu tài,

Lần hồi cố dẹp chông gai,

Rỏ ràng chướng ngại khó thay bước đầu”. (Ánh sáng)

Khi nhận rõ con đường Chánh đạo của Đức Phật Thích-ca Ngài quyết chí hành đạo. Đầu tiên một mình một bóng Ngài mạnh dạn xiển dương Chánh pháp, đem đạo vào đời để phá tan màn vô minh đen tối, vạch ra con đường sáng lạng để dìu dắt kẻ hữu duyên:

“Thuyền trí huệ ngược giòng rẽ sóng,

Đèn quang minh rạng bóng soi đời,

Ai người trồi hụp chơi vơi,

Khá mau bám níu vào nơi mé bờ”.

(Thuyền trí huệ)

Tuy nhiên vấn đề độ sanh không phải dễ, vận dụng giáo lý sao cho khế lý khế cơ thích hợp thời duyên cảnh ngộ mới truyền bá Chánh pháp được, do đó trên đường hoằng pháp Ngài luôn kêu gọi những ai còn nặng nghiệp thế trần sớm mau tỉnh ngộ quay về Phật pháp tu hành để tự mình giải khổ, như đoạn kệ sau đây:

“Du Tăng Khất Sĩ ra đời,

Chiếc thuyền Giáo hội vớt người trần duyên.

Những ai dứt oan khiên túc trái,

Mau thoát ra khổ hải, mê tân,

Giấc mơ ngàn kiếp tỉnh lần,

Lối đi ngàn kiếp bước chân đã dừng.

Đồ vật chất thôi đừng tạo sắm,

Cõi đất bùn say đắm làm chi,

Giàu sang càng nặng kéo trì,

Tiếc thương lưu luyến dứt đi đặng nào!

Sao bằng đặng bước vào thuyền giác,

Thể không không giải thoát nhẹ nhàng”.

(Thuyền trí huệ)

Tăng vô nhứt vật là người Khất sĩ giải thoát tứ sự ăn mặc ở bệnh, không lợi danh không nhà cửa bạc tiền, không bảo thủ, không trụ yên một nơi nào nhất định, không tạo sắm riêng tư để giải thoát cho mình và làm gương cho chúng sanh, đời sống sinh hoạt của Tổ Sư đúng như 5 phận sự của đức Phật:

“Sáng ra khuyên giáo độ đời,

Trưa về thọ thực xế thời thuyết kinh,

Chiều khuya quán tưởng lặng thinh,

Nửa đêm nhập định điển linh ngưng thần.

Người tự giác ngộ độ thân,

Giác tha độ thế dạy dân tu trì”.

(Tán tụng công đức giáo chủ)

Muốn độ chúng trước tiên mình phải tự độ chính mình, hình thức trì bình khất thực là phương pháp giáo hóa chúng sanh thiết thực nhất. Khởi nguyên từ làng Phú Mỹ, mỗi buổi sáng Tổ sư đắp y mang bát từng bước chậm rãi khoan thai, đi khất thực từ nhà này sang nhà khác, chỉ nhận đồ ăn chín và thức ăn chay, không nhận tiền bạc. Mến mộ gương hạnh bình dị của Tổ sư nên mọi người rủ nhau đến học hỏi giáo pháp, với phương pháp này Ngài đã giáo hóa nhiều người hiểu biết đạo pháp và lần lượt xuất gia giải thoát. Nhà thơ Trụ Vũ đã có cảm tác:

Một cành mà nở trăm hoa,

Bóng Y Bát đẹp quê ta tự rày,

Chân truyền Khất sĩ là đây,

Bóng xưa nối lại hình nầy dặm không”.

Tuy nhiên, về phương diện giải thoát, Tổ sư vẫn chủ trương giải thoát khỏi bốn sự trói buộc là ăn, mặc, ở, bịnh. Sống thanh bần đơn giản.

“Mỗi ngày một bữa ngọ trưa,

Cũng vừa đủ sống lại vừa trau tâm”.

(Nhớ ơn Phật)

Hoặc như:

“Về sự mặc đủ che thân thể,

Không se sua không vẻ phù hoa

Tấm y bá nạp nhu hòa,

Đám mây chở khách ta bà vân du.

Hạnh Khất sĩ phép tu theo Phật,

Lẽ sống chung vạn vật chúng sinh,

Không riêng xã hội gia đình,

Không phân chủng loại hữu tình vô tri”.

(Chúc mừng chánh pháp)

Như phần trên đã trình bày, do mến mộ gương hạnh thanh cao của Tổ sư mà nhiều vị Trưởng lão đã xin được theo Ngài xuất gia giải thoát như Trưởng lão Từ Huệ, tiếp đến là Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên và lần lượt các đức Thầy và quí Ni trưởng sau này cũng xuất gia theo Ngài, ban đầu một vị rồi lần lượt 2 vị, 3 vị, rồi chục vị, 20 vị.

Khi giáo đoàn ngày càng đông, Tổ sư chính thức cho lập đạo tràng để làm nơi hoằng truyền giáo pháp. Với mô hình bát giác của ngôi chánh điện nó đã trở thành một hình thức biệt truyền ngôi Tịnh xá của Khất sĩ.

“Rồi lần lượt trải qua các xứ,

Thâu phục nhiều đệ tử giỏi giang,

Lập nên giáo hội đạo tràng,

Đắp tô xong xả con đàng Tây phương.

Đoàn hậu tấn noi gương hành đạo,

Chổ gởi thân rốt ráo Niết-bàn”…

(Nhớ ơn Phật)

Về Vũ Trụ Quan: Trong những lần dạy đạo, Tổ cũng thường đề cập đến sự vô thường của vạn vật, khuyên hàng đệ tử nên thức tỉnh đừng say đắm thế gian:

“Thấy nước chảy, mây bay nao dạ,

Xét người đời tàn tạ mấy hồi,

Thời gian mây đến nước trôi,

Đêm qua ngày lại luân hồi vần xoay.

Gẫm trong cõi trần ai khổ não,

Mọi sự đều mộng ảo vô thường,

Bao lần biến đổi tang thương,

Sanh, già, đau, chết là đường thế gian”.

(Thời gian qua)

Về Nhân Sinh Quan: Tổ Sư cũng dạy cho hàng cư sĩ tại gia nhận thức được thân nầy là tạm bợ, vật chất không bền nên giác ngộ lần lần để xuất gia giải thoát:

“Thân này chưa biết ra chi,

Của kia lại có chắc gì mà ham.

Bao nhiêu cho thỏa lòng tham,

Cáng thâu càng đắm càng làm càng say.

Tiếc cho tháng rộng năm dài,

Chung quy hoang phí về tay thần tiền.

Được thua thua được liền liền,

Hả hê mới đó ưu phiền đâu đây.

Đem thân làm kẻ tội đày,

Cho bao vật chât nó cai trị mình.

Để tâm làm vật hy sinh.

Suốt đời theo lệnh dục tình dắt lôi.

Cái tham bao thuở cho rồi.

Cái không may đến một hồi là xong”

(Thân)

IV. Tổ sư vắng bóng (1954)

Sự đến và đi của một vị Bồ-tát thị hiện trong cuộc đời không có điều gì phải vướng bận, như gió xuyên qua cành trúc, trăng ra khỏi mây, còn duyên thì hóa độ chúng sanh, khi duyên đã mãn về chốn Niết-bàn an nghỉ.

 

a. Những sự kiện trước khi vắng bóng

 

Trước ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954) tại Tịnh xá Ngọc Quang, Sa Đéc, đức Tổ Sư kêu gọi hàng đệ tử để dặn dò cặn kẽ về đường lối tu hành, và Ngài còn cho biết là sự ra đi lần này là nhằm trả nghiệp chúng sanh, nên Ngài rất bình tĩnh trước một nghiệp quả nặng nề mà Ngài phải chấp nhận.

“Chiều hôm ấy trước sân tịnh xá,

Chung quanh tàng bả đậu xanh xanh,

Bồ-đề tươi đượm trên cành,

Đức Thầy qua lại chung quanh nhiều lần.

Từng bước chậm có phần suy nghiệm,

Kêu các trò đem đệm ra sân,

Trải rồi Sư đệ kề gần,

Pháp âm vi diệu Ngài phân rất nhiều…”.

(Cảm niệm ân đức Tổ Sư)

b. Lời di chúc

Trước khi từ giã hàng đệ tử, đức Tổ sư ân cần chỉ dạy phải lấy giới luật làm Thầy, nương giới luật để tu học, phải tôn trọng giữ gìn và hành trì y bát như chim có hai cánh, vì thiếu y bát và giới luật thì không thể tu hành đạt đến đạo quả giải thoát được.

“Khi Thầy vắng về sau phải nhớ,

Giới luật điều nâng đỡ bước chân.,

Các con phải gắng chuyên cần,

Luật là Thầy đó hằng gần các con.

Con bỏ luật như đòn bỏ gánh,

Phương chi mà nhập Thánh siêu phàm,

Con ơi vật chất đừng ham,

Vun nền đạo đức càng cam khổ nhiều”.

(Cảm niệm ân đức Tổ sư)

c. Hệ phái Khất Sĩ tùy duyên phát triển theo thời đại

Ngày nay trước thời đại đang phát triển vượt bực về mọi mặt, muốn đạo pháp được tồn tại thì phải cần hội nhập để tùy duyên giáo hóa cũng như tu tập, nhưng dầu sao đi nữa nét đẹp của người Khất sĩ là nét đẹp giải thoát, không vì hòan cảnh mà làm cho mai một.

Phật dìu nhứt thiết sanh linh khổ,

Pháp giải nghiệp duyên thúc phược đời,

Ra chốn kim gian muôn mắt chú,

Đời càng tiến hoá độ theo thời.

***

Theo thời phải cố gắng công phu,

Đạo đức cao siêu lại nhiệm mầu…

Ánh rọi Á, Âu mau cảm hóa,

Sáng soi Phi, Mỹ sớm quay đầu.

Phật nâng thế giới không nghiêng ngửa,

Pháp độ quần sanh tận trí ngu,

Hỡi khách hồng trần mau tỉnh giấc,

Ai gần cửa Phật thoát bi sầu!

(Thời gian qua)

Cũng như cố HT. Giác Huệ đã bảo:

“Muôn thế kỷ muôn ngàn năm xa lắc,

Kiếp con tằm là kiếp phải vương tơ,

Dầu nước non thay đổi bóng trăng mờ ,

Đời Khất sĩ vẫn là đời giải thoát”.

V. Kết luận

Theo quy luật thành, trụ, hoại, không, bất cứ một vật gì mang tính chất hữu vi đều không thể bền vững được. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy: “Những là các pháp hữu vi, Giống như mộng ảo khác gì huyễn thôi”. Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni sau 45 năm giáo hóa đến 80 tuổi Ngài cũng vào Niết-bàn. Ngày nay, Tổ sư hiện thân vào đời thắp sáng ngọn đèn chơn lý sau một thời gian bị gió bụi làm lu mờ, khi đã tròn xong sứ mạng rồi Ngài ra đi. Trách nhiệm còn lại là của Tăng Ni hàng đệ tử xuất gia phải làm thế nào cho Phật pháp xương minh mới khỏi cô phụ công ơn Tổ sư khai sáng. Và đoạn cuối bài “Nhớ ơn Phật” cũng nhắn nhủ:

“Con giòng hưởng lấy tài gia,

Đoái nhìn sự nghiệp thương cha công trình”.

Đức Tổ sư cũng dạy rằng các pháp là để đi đến chơn như, phương tiện là để đến cứu cánh, chớ đừng lầm chấp vào sự tướng của các pháp mà nhọc nhằn trên đường tu tập. Trên đời có hợp ắt có tan, sự ra đi của Tổ sư cũng không ngoài qui luật đó, điều cốt yếu là hàng đệ tử chúng ta ở lại phải tu học như thế nào cho tốt để làm đẹp ý Tổ sư thì dầu có xa cách ngàn dặm vẫn xem như đang cận kề bên Tổ sư. Cố HT. Giác Huệ đã bảo:

“Nếu Ngài sống ngày mai Ngài trở lại,

Tiếp con đường sứ mạng hiện dở dang.

Bằng Ngài vong thì chín phẩm sen vàng,

Sẽ ngự trị vì đã tròn bổn phận.

Ta tiếp tục con đường kia cho tận….. ”.

Là đệ tử chúng ta cùng nhau phát nguyện:

“Giữ gìn Tổ ấn tông phong,

Tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian”.

Giữ vững tinh thần “Hòa nhi bất lưu” chính là đi đúng con đường Chánh đạo của Tổ sư vậy.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

 

(*) Đại thừa ở đây là tinh thần tích cực chớ không phải đối lập với Tiểu thừa.