Tư tưởng Đại thừa của Tổ sư qua Chơn Lý "Sanh và Tử"

tsmdq-19I. MỞ ĐỀ

Trước khi đắc đạo và thực hiện con đường Nối truyền Chánh pháp của Đức Phật Thích-ca, Tổ sư Minh Đăng Quang đã nghiên cứu các nguồn giáo lý và thấy kinh văn đương thời có nhiều điều rối rắm “Kinh văn rối rắm lạ thường, như là đêm tối không tường nông sâu” . Tổ sư chắc lọc và rút ra được tinh hoa để đạt được chỗ tuyệt học của các nguồn giáo lý, như con thiên nga có biệt tài tách và chọn được sữa ra khỏi nước để mà dùng. Cho nên, khi Tổ sư ra Hà Tiên định đi Phú Quốc, rồi ra nước ngoài hành cước để trải nghiệm tâm linh thì bị trễ chuyến tàu, Tổ sư đã ngồi tham thiền bảy ngày trên gành đá ở bãi biển Mũi Nai. Vào buổi chiều trời thanh vắng, nhìn sóng biển nhấp nhô, Tổ sư đã chứng ngộ chân lý cuộc đời, kiếp khổ của nhân sinh bị trồi hụp trong vòng trầm luân sanh tử như sóng biển sanh diệt vô tận. Và rồi, khi thấy những chiếc thuyền đánh cá băng vượt trên muôn trùng sóng biển, Tổ sư ngộ được lý thuyền Bát-nhã. Sự chứng đạo và tỏ sáng đó của đức Tổ sư gọi là “Trí huệ Bát-nhã”. Cho nên, sau này bài thuyết pháp đầu tiên được đức Tổ sư thuyết là “Thuyền trí huệ”.

“Thuyền trí huệ ngược dòng rẽ sóng

Đèn Quang Minh rạng bóng soi đời,

Ai người trồi hụp chơi vơi,

Khá mau bám níu vào nơi mé bờ

Biển trần thế đục nhơ đã lắm... ”

Từ đó, đức Tổ sư lên đường hoằng truyền chánh pháp và xác định lại con đường mà chư Phật ba đời đã đi. Con đường mà Phật giáo đương thời đã bị chia nhiều nẻo và lại bị phủ bao bóng mờ nên có thể khiến cho người tu Phật không có Trí tuệ trạch pháp thì dễ bị lầm lạc. Chính vì vậy, đức Tổ sư mới sử dụng tuệ giác mà mình đã chứng đạt để giúp cho nhân sanh phân biệt lối đi và nhận ra con đường chân chánh.

II. NỘI DUNG

1. Sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật

“Bát-nhã” là một thuật ngữ của Phật học Bắc truyền chỉ cho “Trí tuệ tu chứng” của hành giả. Kinh sử có ghi, khi mới thành đạo, đức Phật đã nói: “Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đầy đủ ‘đức tính trí huệ’ của Như Lai, vì bị vô minh che lấp nên không phát hiện ra được”. Đức tính trí huệ trong các kinh điển Nam truyền thường gọi là “tánh Biết”. Bổn nguyện của Phật là muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được Chánh tri kiến của chính mình, nghĩa là đức Phật muốn chỉ cho chúng sanh thấy trong tâm của mỗi người đều có Tri kiến. Chính vì thế mà bổn phận của người đệ tử Phật là phải làm thế nào để nhận ra được và hằng sống với tri kiến Phật của mình. Vì thế, trong phẩm Trưởng lão thuộc Kinh Tương Ưng Bộ 3, đức Phật có dạy: “Người không giỏi về đường sá, này Tissa là ví cho kẻ phàm phu. Người giỏi về đường sá, này Tissa là ví cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác”. Qua đoạn kinh này chúng ta thấy hạng phàm phu là những người không biết rõ con đường đi đến Niết Bàn để giải thoát khổ đau, chấm dứt dòng chảy luân hồi. Còn đức Phật đã biết rõ con đường và đã đi con đường đó nên đạt được sự tự tại giải thoát của bậc Đại giác. Từ ý nghĩa này chúng ta thấy sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật chỉ có một chữ Biết. Con người chúng ta hơn nhau chỗ cái Biết. Như vậy tu làchúng ta phải Biết cách tu, phải Biết đường vào đạo thì mới đến Phật quả Toàn Giác được.

Tu vô biệt tu / Chỉ yếu thức đầu lộ

Lộ đầu thức đắc thấu / Sanh tử nhất đắc hưu

Tu đâu cần đặc biệt / Chỉ thật rõ đầu đường

Đầu đường chân đặt đúng / Sanh tử có ngày dừng.

Và bài kinh “Có Pháp Môn Nào” trong Tương Ưng, Phật đã đặt vấn đề với các Tỳ-kheo rằng: “Có pháp môn nào, này các Tỳ-kheo, pháp môn ấy vượt ngoài niềm tin, vượt ngoài ưa thích, vượt ngoài học hỏi, vượt ngoài khổ hạnh, vượt ngoài tư duy, ngoài nhẫn nhục, ngoài lý luận mà có thể xác chứng Chánh Trí, vị ấy biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn trở lui trong trạng thái này nữa?”.

Đoạn kinh này rất quan trọng, đã mở ra con đường thấy đạo. Ở đây không cần lòng tin, không cần đến tín ngưỡng vào một đấng thần linh nào, tức là không cần lòng tin hướng ra bên ngoài mà nên tin vào tự tâm. Không cần lắng nghe có nghĩa là không cần học hỏi vay mượn, không cần vận dụng suy tư phân biệt, không cần phải chịu đựng khổ hạnh, hành hạ xác thân, không cần phải biện luận nhiều lý lẽ, mà pháp môn ấy vẫn có thể làm cho vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thực tập, tin chắc mình đã đoạn tận được sinh tử, không còn sinh trở lại trong vòng luân hồi này nữa. Đức Phật hỏi có pháp môn nào như thế không?

Tôn giả Xá-lợi-phấtbạch Phật: “Đối với chúng con, tất cả những pháp tu học đều nương vào lời dạy của Thế Tôn làm căn bản, xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con chưa biết pháp môn nào như thế cả”. Đức Phật dạy tiếp: “Ở đây này các Tỳ-kheo! Có một pháp môn không cần lắng nghe, không cần suy tư, không cần khổ hạnh, không cần biện luận, mà vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ấy có thể đi ngang qua dòng sinh tử, chứng nhập Niết Bàn ngay hiện thời. Đó là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu nội tâm ta có tham sân si, liền biết rõ nội tâm ta có tham sân si, nếu nội tâm ta không có tham sân si cũng biết rõ nội tâm ta không tham sân si”. Rồi Phật muốn các thầy Tỳ-kheo xác nhận vấn đề vừa nêu trên nên Phật nói tiếp: “Này các Tỳ-kheo! Cái Biết rõ đó là do niềm tin hay do ưa thích, do học hỏi, do suy tư, do lý luận, do nhẫn nhục chăng?”. Các thầy Tỳ-kheo đáp: “Thưa không! Bạch Thế Tôn”. Phật hỏi tiếp: “Có phải cái Biết rõ đó là do trí tuệ chăng?” Các thầy Tỳ-kheo đáp: “Thưa phải! Bạch Thế Tôn.”

Với bài kinh này đức Phật đã dạy một pháp môn vượt ngoài các pháp môn khác. Vì sao? Vì do không bị lệ thuộc ở nơi niềm tin tín ngưỡng, không do kiến thức học hỏi nghiên cứu sưu tầm ở nơi thầy bạn, không do suy tư, nghĩ tưởng lý luận, mà Phật dạy người tu chúng ta phải sống bằng sự Tỉnh giác với Trí huệ bản hữu của mình, để biết rõ tình trạng nội tâm ta đang bị phiền não chi phối hay đang được thanh thản bình an. Chỉ cái Biết đơn sơ mộc mạc đó, không có thêm cái gì khác. Phật đã khẳng định đây là con đường đủ để đưa ta đến Niết Bàn.

Đoạn kinh đức Phật đã nói ở trên, yếu chỉ của vấn đề là gì? Đó là sự nhận Biết.Chúng ta quy chiếu trở lại, thử hình dung trước mắt một người không biết bơi, rớt xuống dòng sông bị nước xoáy nhận chìm, tuy không biết bơi nhưng bản năng sinh tồn cũng như nhu yếu còn muốn sống, người ấy sẽ cố ngoi lên để thở, nhưng lại bị sóng nước dìm xuống, và dòng nước ấy là một dòng cuồng lưu đẩy người ấy xuống lên, lên xuống rồi cuối cùng sẽ nhận chìm người này trong lòng sông. Tâm thức của chúng ta cũng như thế! Khi trong lòng có nỗi buồn khổ, ta thường vụng về thấy mình chính là nỗi buồn khổ ấy nên bị nhào vào dòng sông buồn khổ để cho dòng cuồng lưu này cuốn trôi và nhận chìm mình trong đó. Thế nên trong đoạn kinh trên, đức Phật dạy chúng ta không phải làm gì cả. Chúng ta không cần khởi lòng tin, không cần phải khổ hạnh, không cần lắng nghe, không cần học tập nhiều, không cần phải suy tư, lý sự dài dòng... mà chỉ cần thắp sáng lên ngọn đèn chánh niệm để nhận biết từng cảm thọ, từng ý niệm đang có mặt trong tâm thức ta. Đó là con đường thực tập để đưa chúng ta đến chỗ nhận biết được việc sinh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã thành tựu, không còn luân hồi trong ba cõi. Đây chính là pháp môn tuyệt vời nhất.

Tiến lên một bậc, Kinh Viên Giác thuộc hệ Đại thừa đã tuyên bố dõng dạc như sau: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”. Chúng ta nếu Biết được tất cả các pháp, hay muôn sự vạn vật trên thế gian này từ Tâm, Thân, Cảnh đều là huyễn hóa không thật, giống như hoa đốm giữa hư không tức thì xa lìa vọng huyễn. Mà đã xa lìa vọng huyễn tức là giác ngộ chứ không có gì lạ cả. Cảnh giới Thiền chỉ ra tất cả sự vật mà chúng ta có thể thấy, tiếp xúc trong thế gian này đều là hư tướng của sinh mệnh, còn chúng ta là những người đang mê đắm trong những hư tướng đó, và thấy giả thành thật. Sở dĩ hư tướng được gọi là “hư” vì tất cả đều tuân theo quy luật sanh diệt, không tồn tại tự tính vĩnh hằng, nhưng chúng ta lại xem chúng là những thứ có thực tướng vĩnh hằng, khiến sinh mệnh trở thành những làn sóng tư duy trôi chảy không ngừng. Mọi vật sinh ra rồi bị tiêu diệt, đó là chân lý của sự sống. Con người mê đắm trong tình cảm, ham muốn vĩnh hằng nên phải rơi vào khổ đau vô hạn. Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng đều tùy duyên sanh diệt, cũng đều không có tự tính vĩnh hằng bất biến. Sự sống chỉ là một quá trình vận động không ngừng nếu đã khai ngộ, ta phải siêu việt trên nó, thưởng thức và bao dung nó, chứ không phải lao vào để rồi bị nhận chìm trong vòng xoáy của nó. Bấy giờ tâm của ta là “sinh” vậy. Kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, chân lý bèn thông ngộ. Muốn hiểu rõ cái Phật tính ấy, chúng ta hãy xét một vài thí dụ sau đây trong kinh Đại Niết Bàn, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận ra được mình vốn có Phật tính, một khả năng giác ngộ vô thượng. Phật tính là cái Tánh Biết. “Biết trùm khắp bao quát thường còn Phật giáo gọi là Chánh Biến Tri”. Bởi cái Tánh Biết nó không có hình tướng, cho nên nó vẫn có mà chẳng bao giờ mất đi. Có thể nói: “Phật tính không bao giờ hòa hợp với ngã chấp, dù bị ngã chấp khuất lấp đi, ví như mặt trời đang chiếu sáng dù bị mây mù che khuất mà vẫn không đồng hóa với mây mù”. Xét câu này, ta thấy rõ cái thể thường trụ và thường tồn của Phật tính. Nó là cái Toàn năng, Toàn thiện, Toàn chân, Toàn mỹ. Cho nên, ngã chấp đối với nó không đồng hóa được, vì chính ngã chấp không có thực thể. Ngã chấp do nghiệp duyên của chúng sinh gây ra, trong một thời gian nào đó, nó có thể mất đi hẳn mà không có thể tồn tại được mãi. Đối với Phật tính, ngã chấp nó chỉ như là mây mù che mặt trời, khi khí nóng mặt trời tăng cường thì mây kia ắt tan mất.

Phật tính của mỗi một vị Phật so với Phật tính của mỗi người chúng ta là bình đẳng, bất nhất bất dị, bất tăng bất giảm. Khi Phật tính của mỗi người chúng ta hiển lộ ra hoàn toàn tức là chúng ta tu tập đoạn trừ lậu hoặc và làm cho tâm hết vô minh vọng tưởng, làm tan đám mây mù phiền não để ánh minh quang Phật tính hiển phát sáng ngời, thì khi ấy mỗi người chúng ta là một vị Phật, bình đẳng với hằng hà sa số chư Phật ở khắp mười phương. Phật bảo các đệ tử: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Phật tính không phải ảo huyền hay ở đâu xa, những lời trên đủ chứng tỏ cái ý nghĩa và năng lực của Phật tính. Chúng ta cố tu để mà hiểu rõ và quay về cái Phật tính của chúng ta? Trong kinh Đại Niết Bàn phẩm Ca-diếp Bồ-tát thứ 32 có nói: “Phật tánh có bảy đức: 1. Thường, 2. Lạc, 3. Ngã, 4. Tịnh, 5. Chơn, 6. Thật, 7. Thiện”. Bảy đức trên là phân loại nội tại của Phật tánh, và coi nó là bản chất của Phật tánh. Nếu như chúng ta đích thân thể nghiệm nội tại Tánh, phát huy trên cái sinh hoạt hiện thực thì mới thành cái giá trị chơn thật. Nếu căn cứ ý nghĩa bản chất có thể nói chúng sanh đều có Phật tánh, vì bản chất đương nhiên là có, nhưng nếu chiếu theo đầy đủ bảy đức thì đương nhiên phải nói là không. Vì thế, ở đây cần có sự tu hành, ngầm chỉ nếu không tu thì không thể nào có bảy đức.

2. Tánh Biết trong Chơn Lý và các kinh điển Đại thừa

Từ ngữ “Tánh Biết” hay “Cái Biết”, được đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề cập đến rất nhiều lần trong các quyển Chơn Lý của Ngài. Đây là một từ ngữ mang phong cách đặc thù rất riêng, nhưng xét về nghĩa lý thì rất khế hợp với kinh văn của hai nguồn giáo lý Phật học Nam truyền và Phật học Bắc truyền. Từ ngữ này được Tổ sư dạy rõ nhất trong quyển Chơn Lý số 12 “Khất Sĩ”: “Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy, nghe, hiểu để đem lại cho cái biết. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân và chủ thức (là người nhận biết). Cho nên, cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn, vui, yên và còn mãi mãi. Chính biết là Ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ. Chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thật tế, lợi ích, đi ngay đến Niết Bàn kêu là đạo, là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy”.

Tổ dạy: “Từ chưa biết đến biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ”. Đây là lộ trình tu tập của người khất sĩ. Sinh ra trên cuộc đời, bất kỳ là ai cũng chưa thể có sự hiểu biết ngay được mà cần phải trải qua quá trình khôn lớn hiểu biết. Từ nhỏ sống ở gia đình thì được sự nuôi dưỡng dạy dỗ từ cha mẹ, lớn lên đến trường học hỏi rồi ra đời mưu sinh và làm việc để trải nghiệm cuộc sống, từ đó kiến thức kinh nghiệm sống mỗi ngày mỗi già dặn. Ngoài ra mỗi người còn có sự thông minh sáng suốt, có tinh thần tìm tòi học hỏi cũng như khả năng tiếp nhận khác nhau nơi mỗi con người. Như vậy từ khi sanh ra cho đến khôn lớn, con người muốn tiến hóa thì phải theo lộ trình duy nhất là từ chưa biết đến hiểu biết. Bởi thế Tổ dạy: “Các sự thấy, nghe, hiểu để đem lại cho cái biết”. Đặc biệt hơn về vấn đề “Sống chết, luân hồi và tái sanh”. Đây là vấn đề quan trọng khiến con người lo âu và sợ hãi, là vấn đề lớn của người tu Phật nên chư Tổ thường nói: “Sanh tử sự đại ”, hay như chúng ta thường thắc mắc là “Con người mình từ đâu đến, chết rồi đi về đâu?”. Hay chúng ta thường nghe trong nhân gian thường nói con người khi chết rồi linh hồn xuất ra đi đầu thai làm người hoặc làm thú, hoặc sanh lên cõi trời hay đọa xuống địa ngục... nhưng đa số chúng ta không biết linh hồn là gì? Hình dáng ra sao? Nếu người nào có học Phật thì biết được cái gọi là linh hồn, đó là “nghiệp thức, thần thức, hay kiết sanh thức... ”. Nhưng cũng có nhiều người tu không hiểu “nghiệp thức, thần thức, hay kiết sanh thức... là cái gì?” Còn người thế gian càng không hiểu “nghiệp thức, thần thức, hay kiết sanh thức... là cái gì, cái gì nữa?”, thì trong Chơn LýSanh và Tử ” Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy rất rõ ràng, xác thực và dễ hiểu, người có học Phật hay người đời không học Phật đọc cũng có thể hiểu được. Mở đầu bài “Sanh và Tử ” Tổ tự đặt câu hỏi rồi Tổ tự trả lời như sau:

“1. Vấn: Cái gì là chúng sanh? Đáp: Cái biết là chúng sanh. 2. Vấn: Cái gì sống chết? Đáp: Cái biết sống chết. 3. Vấn: Cái gì sanh biết? Đáp: Đất nước lửa gió do nhơn duyên tập mà biết lần, từ chưa biết đến thành hình biết. 4. Vấn: Hình dạng của cái biết mỗi lúc ra sao? Đáp: Lúc mới tượng là thọ cảm, ví như một làn khói. Khi thành tư tưởng, tức làn khói ấy kết đặc thành hình. Kịp có hành vi thì hình khói ấy lộ ra rõ rệt. Đến thức trí, hình bóng ấy lại lâu tan. Được giác chơn, thì thân hình ấy đời đời bất hoại, lại màu sắc vàng ròng, kêu gọi là thân của biết, giác thân hay Phật thân. 5. Vấn: Cái hình thể của biết ấy, ta có thể thấy được chăng? Đáp: Có thể thấy được, nếu định tâm yên lặng lại, nhìn xem sự sống đang cử động tác dụng, của mỗi chúng sanh thì ta sẽ thấy rõ rệt. Cho đến nó cũng có nói chuyện nữa, trí ta vắng lặng sẽ nghe rõ ràng từ tiếng nói của trùng dế cỏ cây Phật, Trời, Người, quỉ (ở tận phương xa) cũng nghe thấy.6. Vấn: Tại sao cái biết đó linh diệu? Đáp: Cái biết linh diệu là nhờ vắng lặng; khi nó đứng ngừng thì cái điển của nó thâu rút được các pháp khắp nơi. Càng yên lặng một chỗ thì càng vung tỏa ra rộng lớn cũng như ánh sáng ngọn đèn, như lò máy điện. Cái biết mà được thong thả khỏe khoắn, thanh nhàn, khoái lạc yên tịnh thì có được đủ sức mạnh thần thông. 7. Vấn: Tại sao cái biết có nhiều tên gọi như thọ, tưởng, hành, thức, giác? Đáp: Chính cái giác mới là đúng tên của biết, là sự biết hoàn toàn sáng suốt không mê lầm. Còn Thọ Tưởng Hành Thức là cái biết mới tượng sanh, mới tập nảy cũng như cái hột còn lép còn non, mới cứng mới già cũng tạm kêu là hột vậy.

Cái biết mới kêu là thọ cảm, cũng gọi là tình.

Cái biết khá hơn kêu là tư tưởng, cũng gọi là ý.

Cái biết lớn rộng nữa kêu là hành vi, cũng gọi là thân.

Cái biết cứng chắc hơn kêu là thức trí, cũng gọi là khẩu.

Cái biết già kêu là giác, cũng gọi là tánh, hay tâm chơn.

Tình thọ và ý tưởng, cũng gọi là tâm vọng. Thân hành và khẩu thức, cũng gọi là trí phàm. Tâm vọng nói đây là cái tim sống hay là ngòi sống phát sanh từ nơi tứ đại, trước nhứt là cỏ cây thú. Tâm vọng sanh trí phàm là sự khổ sở điên đảo, do đó mới có pháp thánh chơn, để nuôi tánh giác là Phật.

Trong Chơn Lý bài “Chư Phật”, Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Phật là chỗ đến của tất cả chúng sanh, cũng như Toàn Giác là chỗ đến của tất cả sự học. Chơn như là chỗ đến của tất cả phước đức thiện lành, từ bi, trí huệ”. Toàn giác là Trí hiểu biết của chư Phật, là cái Biết viên mãn vẹn toàn, Trí hiểu biết này thuật ngữ chuyên môn trong nhà Phật gọi là Nhứt thiết chủng trí. Nhứt thiết chủng trí là Trí tuệ của chư Phật, mà cũng là vốn có ở mỗi chúng sanh. Đó là Phật tánh là Tánh hiểu Biết sáng suốt chiếu soi cùng khắp.

Và Tổ lại dạy tiếp: “8. Vấn: Cái biết ấy có sống chết chăng? Đáp: Nếu nuôi mãi thì nó sống hoài, còn giết hại thì nó phải chết mất, theo hồi giết hại. 9. Vấn: Cái gì nuôi nó sống? Cái gì giết nó chết? Đáp: Thiện vui là nuôi nó, ác khổ là hại nó. 10. Vấn: Cái sống của biết là sao? Cái chết của biết là sao? Đáp: Cái biết sống là tỉnh táo, định yên, cứng chắc mạnh mẽ, trong sạch, vui mừng, tìm xét sáng suốt, không loạn vọng, không xao động. Cái biết chết là điên cuồng, rối trí, tán loạn, mê sảng, đến mất cái biết, tiêu tan cái biết không còn biết gì nữa. Vả chăng cái biết là sự kết hợp tập lần của các pháp, mà nơi đây sự điên đảo tán loạn mê sa làm cho hư rã tan hoại. 11. Vấn: Trong sắc thân này, cái biết ở tại chỗ nào? Đáp: Chỗ nào nó cũng ở cả, nhưng chẳng bao giờ ở đứng hoài một chỗ, hễ chỗ nào bị xao động kích thích, hoặc gặp phải sự thái quá bất cập, thì nó mới đến ngay chỗ đó biết ở đó. Cái biết chỉ có một, khi đang ở chỗ này thì không có ở những chỗ kia. 12. Vấn: Khi ngủ, cái biết ở tại chỗ nào? Đáp: Đã là cái biết ngủ nghỉ, thì nó ở tại cái mê say chớ không ở chỗ nào hết. Cũng như kẻ say rượu, như người hửi thuốc mê, thì nó là say mê, chớ không phải ở đâu cả. Ví như người kia ở trong nhà đóng kín các cửa, thì không ai có thể nói nó ở tại chỗ nào; bao giờ có một cửa mở hay là xao động tại đâu, là nó ở tại chỗ đó. Trước khi ngủ mê say, người ta yếu xụi, đờ ra, và hơi thở nghe êm nhẹ điều hòa, rồi thiếp hẳn tại chỗ hơi thở và yếu xụi đó; Cho nên, lắm kẻ nói rằng: Khi ngủ cái biết ở tại hơi thở, vì còn sống là còn hơi thở. (Nếu như nói vậy thì trái tim cũng vẫn đang đập, máu cũng vẫn đang chạy nữa kia? Còn nhiều kẻ ngủ mê, lại đi đứng ngồi hay cử động; như vậy là đâu phải ở riêng nơi hơi thở). Xác thân như chiếc xe hơi, máy vẫn chạy đằm làm sự sống, còn cái biết như người chủ, là khác hẳn với chiếc xe. Trước kia là cái sống sanh lần cái biết, khi có biết rồi thì biết và sống là hai, chớ không phải một. Cũng như cây và hột, trước là cây, sau là hột. Cây hột khác nhau, khi cây chết là còn hột. Cho nên, thân người có chết, thì cái biết của thân ấy vẫn còn. Cái biết là con, hay là tinh ba của sự sống nơi thân thể vậy.”

Như vậy qua bài “Sanh và Tử”, Tổ sư đã khẳng định chết không phải là hết, mà chết là chết xác thân, còn “linh hồn” là “cái Biết ” của người đó: “Cho nên, thân người có chết, thì cái biết của thân ấy vẫn còn. Cái biết là con, hay là tinh ba của sự sống nơi thân thể vậy”... “cái Biết” ở đây là tánh Biết gì?Bước sang lãnh vực Thiền tông,chúng ta hãy nghe các Thiền sư dạy về cái Biết như thế nào? Trước hết chúng ta hãy nghe Vô Nhị Thượng Nhân Thiền sư là vua Trần Thái Tông dạy: “Muốn giải thoát khỏi nghiệp quả báo ứng, thì phải dùng chính cái định luật báo ứng ấy để vượt lên báo ứng”. Vua dạy vấn đề là phải biết sử dụng ý chí để tạo thành định lực, ngõ hầu biến chuyển chiều hướng của ý niệm vào Tuệ giác là mục đích cùng tột. Cái định lực ấy nhờ có ở ý chí tập trung vào một định hướng tất cả năng lực tiềm tàng của thân tâm. Nên “Phá lục tặc vi lục thần thông”. Phá sáu giặc là phá lục căn hết dính mắc ô nhiễm lục trần như “Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa”. Con người tạo nghiệp thiện, nghiệp ác, sanh tử luân hồi là do lục căn ô nhiễm lục trần, mà giải thoát sanh tử luân hồi cũng do lục căn. Lục căn là yếu tố cấu tạo thân tâm. Tu thanh tịnh lục căn là phá sáu giặc loạn và đắc lục thông, là khai phóng toàn diện tâm thức, Phật tánh hiển lộ thần uy! Tuệ giác linh quang phóng chiếu. Tuệ tính bị che lấp bởi Vọng niệm, cho nên phải dùng chánh niệm tiêu trừ vọng niệm, thì chân tâm mới hiển phát. Bản tánh của chúng sanh vốn sẵn có trí tuệ, tức là cái Biết tự biết! Và chỉ có Tuệ giác thì mới có thể “chuyển hồi biến kế vọng tâm, tiếp nhận Như Lai tạng thức”. Xoay cái tâm vọng lầm, tính toán so đo, đối đãi... trở về mà trực tiếp nhập vào bản thể của Như Lai Nguồn Biết.

Có một vị Tăng hỏi Tổ Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không? Tổ đáp: “không.” Vị Tăng ấy hỏi: “Con nghe trong kinh, đức Phật dạy: nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Như vậy các loài trùng kiến đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh ”. Tổ đáp: “Vì nó còn nghiệp thức mê man”. Cũng câu hỏi đó lại có một vị Tăng khác hỏi Tổ: “Con chó có Phật tánh không? Tổ đáp “Có.” Vị Tăng ấy lại hỏi: “Phật tánh là tánh linh quang sáng suốt, vì sao lại chui vào thân con chó, một đãy túi da tanh hôi?” Tổ đáp: “Vì biết mà cố phạm”. Nghiệp thức ở đây chính là tâm thức vọng động của chúng sanh chạy theo ngũ dục trần cảnh và đam mê sa đoạ chưa một lần tỉnh thức, để rồi mê muội tạo nhiều ác nghiệp tội lỗi mà trầm luân sanh tử. Còn ở đây Biết tâm mình đang bực, đang sân, đang phiền não, đang tức ghét, mà cứ bực, cứ ghét, cứ sân si, cứ cho ghét luôn, thì cũng là Biết nhưng là “Biết mà cố phạm”. Cố phạm thì tương lai sẽ mang lông đội sừng. Thành Biết là để không theo, để dừng đi những cái nhân đưa mình đến khổ nạn, không chỉ trong hiện đời mà cho cả mai sau. Cho nên, dù làm bất cứ chuyện gì, dù đang bận bao nhiêu công việc, một khi tâm tham, tâm sân tật đố... khởi lên, mà mình thấy được nó, định tĩnh dừng ngay, hoặc chưa dừng được mà ý thức việc đó là cần thiết cần phải dừng cho được, thì cũng có nghĩa là mình có khả năng tu thiền. Nói có khả năng vì đó là bước đầu cho thấy mình biết cách tu hành.

Nói đến tu là phải ngay trên tâm mà tu. Tâm phiền não ganh ghét, đố kỵ, bực bội, tham ái khởi lên, chúng ta liền biết tâm ganh ghét có mặt trong nội tâm của ta. Biết để làm gì? Biết để không theo, biết để cắt đứt, biết để ngưng dứt, không cho chúng tiếp nối. Biết như vậy, cái Biết đó mới giá trị. Cứ có niệm là có Biết. Biết là cắt đứt, là ngưng dứt, không cho nó tiếp tục vọng khởi. Cứ vậy mà tùy lực, tùy việc mà tu. Càng dụng công thì cái Biết càng sáng suốt bén sắc. Lâu ngày chầy tháng, đủ cơ duyên để miên mật, Chánh giác sẽ hiện tiền. Là thể nhập Thiền đạo, tâm thiền hiển bày.

Điều quan trọng nữa là người đời thường hoang mang, thắc mắc lo âu về việc chết rồi thì thần hồn “cái Biết” sẽ ra sao, đi tái sanh ở đâu? Chúng ta nghe Tổ sư dạy tiếp trong quyển Sanh và Tử: “14. Vấn: Sau khi chết rồi, cái biết sẽ đi đâu? Đáp: Nó đi theo cái nghiệp của nó, cũng như kẻ sống đây có khác gì? Cờ bạc đến chỗ cờ bạc, uống rượu đến chỗ uống rượu, ác đến chỗ ác, thiện đến chỗ thiện, đạo đức đến chỗ đạo đức... mà kết quả của nó là sự yên vui hay rối khổ, định hay là loạn vậy.”

Chỗ này là luận về chỗ đi của một sinh mạng sau khi chết. Tổ Qui Sơn cũng dạy: “Lưới thủng chim bay, thức tâm theo nghiệp, như người mắc nợ ai mạnh lợi trước”. Nếu bình sinh không tạo một nghiệp gì mạnh, lớn, có sức đẩy bật để tự mình vọt lên, thì trong vô số nghiệp đã tạo, nghiệp mạnh nhất sẽ dắt mình đi trước. Cũng như trong Tương Ưng, Phật dạy: “Như có 6 con thú: con khỉ, dã can, cá sấu, chim, chó sói và con rắn... Người ta bắt 6 con thú này cột chung lại một chùm rồi thả ra. Mỗi con dùng hết sức mạnh của mình chạy về một hướng. Con khỉ lôi lên cây, cá sấu lôi xuống biển, chim lôi lên trời, dã can lôi vô gò mã, con rắn lôi vô hang, chó sói lôi vô bụi rậm. Trong trường hợp ấy, nếu con nào mạnh mẽ kéo những con theo hướng của mình nhắm chạy. Cũng thế, sáu căn của phàm phu. Nếu căn nào huân tập chủng tử mạnh. Nó sẽ lôi cuốn các căn khác chạy theo nó”. Ví như Mắt bị nhiễm sắc chạy theo sắc, thì Tai cũng ảnh hưởng, nhiễm nghe những tiếng. Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, cũng đều như vậy. Vì thế, Tỳ-kheo các ông phải dùng cây trụ thiền quán “để cột sáu con lại”. Phật dạy đó là sự tương quan của các căn đối với ngoại cảnh. Nó hấp dẫn tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp”, bởi vì nghiệp nó có năng lực dắt dẫn chúng sanh luân hồi trong lục đạo. Nghiệp thức chính là tâm thức vọng động của chúng sanh chạy theo ngũ dục trần cảnh đam mê sa đoạ, chưa một lần tỉnh thức. Vì thế, trong kinh Tăng Nhứt A-hàm, đức Phật có dạy về nghiệp: “Này hỡi các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận rằng chính tác ý là nghiệp”. Những suy nghĩ, lời nói, hành động có tác ý tạo thành tập quán và tính cách, cá tính của con người và tạo ra cái mà con người cho là số phận. Do nghiệp nhân trong quá khứ mà con người phải sinh ra như trong hoàn cảnh hôm nay... Với nghiệp nhân hiện tại chúng sẽ tạo nên thân phận, đời sống con người, giàu sang, nghèo khó, hạnh phúc hoặc khổ đau trong tương lai.

Và sau cùng cái mà chúng ta muốn tìm hiểu “cái Biết ” hay “linh hồn” nó sẽ xuất ra như thế nào khi người ta chết đi? và hình dạng nó ra sao? Chúng ta hãy nghe Tổ sư dạy: “15. Vấn: Lúc xác thân chết, cái hình dạng của biết xuất ra bằng cách nào? Đáp: Lúc chết thiếp đi như say rượu, như say thuốc, như ngủ quên, như hít phải thuốc mê nào có biết gì! Cũng như người lái xe nằm ngủ quên trong xe, khi giựt mình thức giấc mới biết là xe đã chết máy lạnh hư, sét cứng rồi. Người chết hoặc mê sảng, hoặc ngủ quên, khi tỉnh dậy thì máu đã trắng, xương thịt đã cứng, lạnh hết hơi, thì mới biết mình đã chết thân, hư nhà, thôi thì muốn đi đâu là đi theo ý chí tình vọng. Với kẻ ác, kẻ khổ sở nặng nề, thì mê muội lâu hơn là người thiện thanh vui nhẹ, tùy theo hột giống gieo tạo của mỗi người trong lúc sanh tiền”. Đồng quan điểm với Thiền sư Tổ Nguyên nên trong cuốn Vạn pháp quy tâm lục có nói:

“Hỏi: Ngài khai thị quá rõ ràng không thể chẳng hiểu. Nhưng chẳng biết do đâu ngay lúc ban đầu lại có thân tâm của ta?

Đáp: Nguồn chơn trạm tịch, biển giác lặng trong. Vốn không có đầu mối của năng sở, thì làm sao có dấu tích của danh tướng? Bởi ngay lúc ban đầu chẳng giác ngộ, bỗng có động tâm, nhơn minh lập ra chiếu, theo chiếu lập ra trần. Do đó nên kiến phần bỗng chốc hưng khởi, rồi danh tướng bày khắp. Giống như gương hiện tướng, thoắt khởi ra căn thân. Kế đó tùy theo tưởng mà thế giới thành sai khác. Về sau do yêu ghét mà nghiệp quả tiếp nối. Từ đây mê chơn mà bị chìm đắm trong ba cõi, dối thọ luân hồi không lúc ngơi nghỉ.”

Vì thế, Tổ sư Minh Đăng Quang lại dạy: “16. Vấn: Cái biết bao lớn và ra sao? Đáp: Khi ta ngước lên không, thì cái biết của ta là bao la vô cực. Lúc ta lựa từ hột cát, thì cái biết của ta là hột cát. Khi ta xỏ chỉ vào lỗ kim, thì cái biết của ta bằng lỗ kim. Lúc ta thấy con gà, con vịt, cọng cỏ, cái cây, thì cái biết của ta là gà vịt, cỏ cây. Tai nghe tiếng, biết là tiếng. Mũi hửi mùi, biết là mùi. Lưỡi nếm vị, biết là vị. Thân đụng vật mềm, biết là mềm. Ý nhớ người ta, biết là người ta. Trí phân biệt thiện ác, biết là thiện ác. Gặp màu xanh đỏ trắng vàng... biết là xanh đỏ trắng vàng. Thấy món vật tròn hay dài, là biết tròn hay dài. Chú ý nơi xa, biết ở xa; tưởng tượng gần, biết là gần. Thoạt xứ này, thoạt cõi khác, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài... Cái biết là bao gồm vạn pháp, mà lúc nào nó cũng chỉ có một thôi. Hễ biết cái này thì không biết cái kia. Biết nhiều khổ nhiều, biết ít khổ ít, không biết là không khổ; hay là muốn dứt khổ, thì cái biết phải cho định, hoặc phải cho đầy đủ toàn giác. Biết loạn là ma, biết định là Phật... Cái biết hằng định trong mỗi lúc, hoặc biết đầy đủ rồi là định. Có Định mới yên vui, gọi là cái biết đứng vững, sống đời, thiệt thọ, kêu là giác.

Và đoạn số24 Tổ sư dạy tiếp: “Vấn: Có phải mỗi linh hồn đều sống mãi và tấn hóa đến thành Phật hết chăng? Đáp: Có sống có chết, sống thì ít, mà chết thì nhiều, nhưng lớp khác vẫn tấn lên mãi. Cũng như học trò đi thi, trong số mười chỉ đậu có một hai, kẻ đậu thì đi tới, kẻ rớt ở lại, hoặc đi ra, và còn kẻ khác mới bước lên nữa. Mười cọng cỏ, có được một thành cây. Mười cái cây, có được một sanh thú. Mười con thú nhỏ, có được một con thú lớn. Mười con thú lớn, có được một con sanh người. Mười người, có một người thành Trời. Mười vị Trời, có một vị đắc quả Phật. Cũng như một cái cây có lá một muôn, bông một ngàn trái một trăm, đến thành hột chỉ có mười và hột tốt lớn thì chỉ có một. Mà qua lớp này thì có lớp khác tiến ra nữa”.

Như thế, qua các hệ thống Nguyên thủy, Đại thừa và Thiền tông cho đến lời dạy của Phật cùng chư Tổ tuy có khác trên ngôn ngữ văn tự nhưng cùng mang chung một ý nghĩa cao tột. Dạy chúng ta phải sống với Trí Tuệ bản hữu sẵn có của mình bằng tinh thần tỉnh giác. Cho nên, chư vị Tổ sư thường dạy rằng: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự”. Vậy thì bổn phận chính yếu của người tu là trong từng phút giây cuộc sống, phải thường xuyên quán sát về mình. Một niệm vừa chớm khởi ta phải diệt nó khi còn trong trứng nước. Chính Thiền sư Vô Niệm đã nói: “Chớ sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Thật vậy người tu hành thiếu sự tỉnh giác tinh nhuệ nhạy bén thì vọng niệm sẽ lôi đi vào dòng đời gây nhiều tội lỗi, lúc đó chúng ta đã quên mình theo vật và mấu chốt của sự luân hồi, tạo nghiệp từ đây mà sanh ra. Muốn thấu rõ mấu chốt luân hồi chúng ta hãy nghe Thiền sư Tông Mật định nghĩa về chữ Tu. Thiền sư dạy: “Biết Vọng là Tu”. Bởi từ nhiều kiếp si mê, do chúng ta lầm tưởng Tâm suy nghĩ lăng xăng chợt có chợt không cho là thật mình. Chư Phật cũng như liệt vị Tổ sư ra đời, cốt chỉ bày sự thật rằng: Tâm suy nghĩ lăng xăng đó là hư vọng không phải thật mình. Và điều đó là then chốt của sự tu hành giải thoát. Chúng ta bị vọng tưởng lừa gạt kéo trôi vào dòng đời vô định. Chỉ khi nào Ta biết rõ tính chất hư vọng lừa dối của vọng tưởng, đó là chúng ta đã dừng lại dòng luân hồi đau khổ chập chồng kia. Muốn trở về sống lại với tánh giác hiện hữu nơi sáu căn thì trong từng phút giây của cuộc sống ta phải luôn cố gắng Tỉnh giác thường xuyên để Biết rõ cái tâm mình, không để cho vọng tưởng điên đảo lừa gạt nữa. Chính là chúng ta sống được với chính mình.

III. KẾT LUẬN

Mỗi tông phái nói về chân tâm có khác. Thiền tông gọi là “Bản lai diện mục”, “Chánh pháp nhãn tạng”; Tịnh Độ gọi là “Tự tánh Di-đà”. Chân tâm ấy các Tổ sư Phật giáo nói gọn có mấy câu:

Hữu vật tiên thiên địa

Vô hình bản tịch liêu

Năng vi vạn tượng chủ

Bất trục tứ thời tiêu.

Bốn câu này là tả về chân tâm. Chân tâm là Tánh giác sáng suốt. Tự tánh chúng sanh là Giác, không phải vô tri ngu muội như cây như đá, như thú vật ngu si. Tánh giác ấy của chúng sanh có sẵn chớ chẳng phải chờ đến thành Thánh, thành Phật mới có, nhưng vì mình đã làm nó mất tính sáng suốt chiếu soi linh quang, linh diệu vì nhập thai.

Bồ-tát còn mê khi cách ấm

Thinh Văn còn muội lúc ra thai.

Vào thai thì hữu sinh máu huyết, giảm sáng suốt vì âm huyết của mẹ, trọc khí của cha. Nên chân tâm mất sự sáng suốt linh diệu, đến khi sinh ra thì ngũ dục lục trần làm giảm đi nữa. Cho nên, chúng sanh phải chịu đau khổ triền miên trong vòng sanh tử luân hồi. Vì thế, Phật phải thuyết pháp dạy ta phản vọng qui chơn.Luận Kim Cang có nói: “Mọi chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng hiện thời bị quấn chặt bởi vô minh; khi nhiễm ô bị đoạn trừ, chúng là Phật”. NênCổ đức có câu:

Một áng mây trôi ngang qua cửa động

Bao nhiêu chim chóc quên đường về.

Đó là những đám mây danh lợi, đám mây chấp ái, chấp thủ, các sự tham muốn mà người tu cần phải buông bỏ, “thì mới chắc mong thành Phật sống đời, yên vui không còn rối khổ” (Tổ sư Minh Đăng Quang). Đó chính là tư tưởng Đại thừa mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã truyền dạy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Kinh 42 chương.

Vạn pháp qui tâm lục của Thiền sư Tổ Nguyên.

Thanh Tịnh Đạo Luận do Thích nữ Trí Hải dịch.

Tư liệu Hội thảo khoa học: “Đạo Phật Khất Sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập” (năm 2014).