Tư tưởng Đại thừa trong quyển Chơn lý "Đại thừa giáo" của đức Tổ sư

TSMDQ016 600x340I. DẪN NHẬP

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thị hiện nơi cuộc đời, với 10 năm tu tập và hành đạo, thời gian chỉ vừa đủ để thành lập nền móng, hình thành Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, khi nhân duyên mãn Ngài thọ nạn và vắng bóng đến nay đã hơn 61 năm. Gia tài pháp bảo Ngài còn lưu lại cho nhân sanh là bộ Chơn Lý với 69 đề tài, nội dung hàm chứa những pháp lý cao siêu, những tinh hoa của đạo Phật, đầy đủ tư tưởng Đại thừa, Tiểu thừa, vũ trụ, nhân sinh. Đây còn là một đóng góp vĩ đại cho đạo pháp và nhân loại, mà những ai hữu duyên thừa hưởng được gia tài pháp bảo, nếm được pháp vị không khỏi cảm khái thốt lời rằng:

Nhà ta đủ báu trân,

Huệ nghiệp sẵn riêng phần,

Con phải chăm gìn giữ

Con là vị chủ nhân.[1]

II. NỘI DUNG

1. Khái niệm "Đại thừa" và "Tiểu thừa"

Muốn thuyết minh tư tưởng Đại thừa thì trước hết hãy tìm hiểu về Tiểu thừa, nếu không hiểu tính chất của Tiểu thừa thì cũng khó lý giải được tinh thần Đại thừa. Theo định nghĩa trong Phật học phổ thông khóa I, bài 1 của HT. Thích Thiện Hoa: "Tiểu thừa là cổ xe nhỏ chỉ chở được một hay số ít người, còn Đại thừa là cổ xe lớn, chuyên chở tế độ được nhiều người đến nơi giải thoát".

Theo nhận định của học giả Kimura Taiken trong tác phẩm Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận do HT. Thích Quảng Độ dịch: “Vào thời đức Phật còn tại thế chưa có Đại thừa, Tiểu thừa đối lập nhau. Sau khi Phật diệt độ, từ Phật giáo Nguyên thủy do bối cảnh xã hội phân chia Đại, Tiểu hai thừa.

Tiểu thừa đối với giáo pháp hoặc hành pháp của Phật, chuyên đứng về hình thức giải thích; chủ trương Phật quy định thế nào cứ thế mà thực hành, Phật nói thế nào cứ thế mà tiếp thụ nên còn gọi là chân phái, bởi vậy về hình thức phái này rất trung thực với giáo điều Phật dạy, sau khi Phật diệt độ vẫn theo hình thức mà duy trì giáo đoàn. Điều mà Tiểu thừa lưu ý và tận dụng năng lực thực hiện là làm thế nào bảo tồn Tăng-già và quy luật Tăng đoàn, lấy Giáo hội làm bản vị, không thiên trọng cá nhân, chuyên lấy Tăng đoàn làm chủ. Trong giáo đoàn có đủ bốn chúng, nhưng về mặt sinh hoạt chỉ lấy người xuất gia làm chính. Tóm lại, Tiểu thừa chỉ chú trọng phần hình thức, lấy việc giải thoát cá nhân làm mục đích, có tính cách tiêu cực, chủ trương ẩn dật.

Trái lại, Đại thừa coi nhẹ hình thức, chú trọng nội dung, chủ trương thông tục. Đại thừa là sản phẩm của tự do, coi Tăng tục đều được dự phần cứu tế và giải thoát, mở rộng phương tiện cho tín chúng, cho nên được nhiều người hưởng ứng và thực hành. Như kinh Duy Ma, kinh Thắng Man trong đó những nhân vật chính Duy Ma cư sĩ, Thắng Man phu nhân đều là những thiện nam tín nữ tại gia, tuy còn sống theo thế gian, nhưng nếu diệt lòng ích kỷ, với tinh thần Bồ-tát đạo, làm lợi cho đời, tích công lập đức, cuối cùng hồi hướng quả vị Phật, đều được coi là Bồ-tát cả. Những người tại gia phát tâm cầu đạo mới chính là bản vị của Bồ-tát, lấy việc cứu tế xã hội làm chuẩn đích, có tính cách tích cực; nên có thể thấy rõ sự quan hệ giữa Đại thừa và cư gia vô cùng mật thiết, do đó mới có sự phân chia khác biệt của hai phái.[2]

2. Quan niệm Đại thừa và Tiểu thừa của đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Theo quan niệm của Đức Tổ sư, lập luận của Ngài rất vững chắc và mạnh mẽ trong Chơn Lý Đại Thừa GiáoĐạo Phật có thể trích một vài đoạn ngắn dưới đây:

“Tiểu thừa là tự giác mới giác tha, tự độ mới độ tha... tức cứu mình trước, biết lội nước mới cứu người không biết lội”.

“Đại thừa như có học, nhưng chưa tu, tưởng lầm mình đắc, vì lo đi dạy kẻ khác... Vì cũng do sự học nhiều khó tu, và cái học đó sẽ bị nhân duyên hoàn cảnh đổi thay mà xa lần Chánh pháp... vì thế mà ít ai đắc định huệ”.[3]

Theo nhận định của Mục sư Lê Trung Trực:

Ngài Minh Đăng Quang am tường về các thừa. Ngài cho biết chỗ nào đa số dân trí còn thấp thì phải mượn tới Tiểu thừa, cho vào kỷ luật, khuôn khổ hình thức, thuộc những giáo điều căn bản, mà giải thoát cho trong sạch trước; nhưng chỗ nào dân trí cao hơn, thì có thể dùng Đại thừa. Nhưng nếu đúng theo ý nghĩa Đại thừa, thì đó phải là một nền đạo tân tiến, khoa học chứ không bảo thủ cái không kinh nghiệm, và phải tiến lên chơn lý, chứ nếu cứ chỉ lo giữ cái hình thức Phật Nho, có học không tu, thì quả là một tai hại cho đạo Phật.[4]

a. Đại thừa giáo là đạo Phật cải cách “Phật Nho” [5]

Trong quyển Chơn Lý Đại Thừa Giáo đức Tổ sư nói rõ: “Các sư ở chùa là do bá tánh cung cấp dưỡng nuôi, nên mọi việc phải lo cho bá tánh. Các sư như người thủ tự, phải bận rộn lo việc tông giáo, thờ phượng cúng kiến vái nguyện cho cư sĩ luôn, cư sĩ có việc chi cũng kêu réo... lâu ngày các sư đã thành ra nghề nghiệp, sống sanh nhai thù tạc với cư gia... Mắc hưởng cái gia tài của Phật cho ấy, khó mà trông tu học... Các sư đã trở nên cư sĩ xuất gia, không còn biết đến Tăng đồ Khất sĩ.

Các sư học thì học Phật, mà tu thì theo Nho... Cũng như học trò lớp nhứt, mà làm việc của lớp ba, tức là đã trở thành lớp nhì nơi chính giữa, vậy nên Đại thừa giáo hôm nay, đã là đạo trời, trên lớp người, chớ không còn đạo Phật; nếu các sư không chấn chỉnh lại...

...Các sư vui lòng làm ông thầy giáo lớp chót, để dạy học trò số đông nhiều,... dạy lớp nhơn thiên, bặt lối Niết-bàn giải thoát của chư Phật, vì thế mà không có ai đắc đạo quả lục thông cả”.

Các sư gọi mình là Đại thừa giáo, là bởi lẽ các sư cần học mà không cần hạnh, các sư học vắn tắt pháp trí huệ của bậc Thầy... có học hiểu chút đỉnh, là vội đi làm thầy giáo, dạy lớp dưới của hàng cư sĩ số đông nhiều. Các sư chỉ hiểu rằng: có bổn đạo tín đồ quy y theo đông, là đắc đạo quả, đắc thế quyền danh lợi... Các sư quên rằng: Phật Tăng khi xưa không có tín đồ bổn đạo, bà con quyến thuộc, nhờ vậy mới trong sạch giải thoát, chứng Niết-bàn. Vì thế mà Đại thừa giáo tức là Nho giáo, nhân đạo... không còn dấu vết Phật Tăng nữa.

Đại thừa giáo, tức là đạo Phật cải cách theo đời, theo giáo lý nhơn thiên ... pháp giáo cách mạng đạo Phật thành ra đạo trời người để tế độ chúng sanh thấp kém.

b. Đại thừa giáo là bước chuyển hóa của đạo Phật

Theo quan điểm của đức Tổ sư: “Đại thừa giáo tai nạn từ xứ Tàu, sang đến xứ Việt. Hiện nay, trong thời điểm này Đại thừa giáo là một nền đạo tân tiến, khoa học, chớ không phải bảo thủ, bảo thủ cái không kinh nghiệm. Đại thừa giáo từ nay sẽ tiến lên, tiến đến chơn lý, tiến đến đạo Phật; rồi sự tiến lần đến Chánh pháp như khi xưa của Phật Thích Ca và chư Phật quá khứ, mà đạo Phật của xứ Việt đã bắt đầu cải cách, sẽ từ có học đến tu hành và đắc đạo”. Đây là niềm hy vọng, lý tưởng mà đức Tổ sư đặt ra cho Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam.

c. Điểm đến của tư tưởng Đại thừa trong Chơn Lý

Trong quyển  “Học Chơn Lý”, có một đoạn đức Tổ sư dạy rằng, người muốn đến với Chơn lý thì sẽ phải đi qua hai cách:

1. Từ ác đến thiện, đến đạo đức.

2. Nhờ dứt bỏ ác thiện, bằng cách tĩnh tâm yên lặng, quán xét mà nhận thấy.

Vậy nên gọi là Chơn lý sau pháp thiện. Hay cũng nói: Chơn lý là lẽ thật tự nhiên yên lặng của buổi đầu, là nguồn gốc của sự phát sanh ra vạn vật chúng sanh các pháp, lại cũng là chỗ đến của vạn vật, chúng sanh và các pháp.

Luận Phật pháp đúng theo tinh thần Bát-nhã thì “buông ra muôn trượng, gom thời một câu” nên tuy có chia ra muôn vạn pháp, nhiều thừa nhưng rốt ráo cũng gom về một thừa, vì thế thừa chỉ là hình thức, là phương tiện nên ta dùng phương tiện nào thích hợp cho dân trí, cho hoàn cảnh tiến bộ là đủ. Một khi đã tiến bộ thì không nên đặt ra thừa làm gì, mục tiêu chính phải là đạo, nên đức Tổ sư đã khẳng định: “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa. Bởi đạo là Chơn lý... Chơn lý lẽ thật là đạo của chúng sanh. Sau khi thấu lý đạo rồi, thì không còn nương theo giáo lý thấp cao... mà nắm giữ gặp được mực trung của đạo kêu là đắc đạo”.

Ý pháp trong bài kệ Tứ thừa[6] đã minh định rõ ràng:

Tiểu thừa tha độ

Lang thang lạc bước biết đâu là,

Lối hiểm rừng nguy khổ lắm a,

May mắn gặp Thầy, Thầy tiếp dẫn,

Nghiễm nhiên ngồi vững, chuyển luân xa.

Trung thừa tự độ

Khi mê Thầy độ, ngộ phần ta,

Tự tánh pháp môn chuyển hóa ra,

Há chỉ kiếp nầy nên quả Phật,

Phật tùng vô lượng kiếp hằng sa.

Đại thừa độ tha

Gốc ta chẳng có Phật về ai,

Tự độ là còn ý niệm sai,

Tu bổ sửa trau người thế tục,

Pháp luân thường chuyển pháp môn khai.

Tối thượng thừa

Tôn thế, Thế Tôn lý diệu mầu,

Độ tha, tha độ há riêng cầu,

Rộng đường giong ruổi ba xe pháp,

Mỏi mệt sải dài nghỉ giấc lâu.

Rốt ráo vượt mọi phân biệt, ra ngoài đối đãi để đến với Chơn lý võ trụ.

3. Con đường Khất sĩ

Con đường Khất sĩ còn được gọi là Khất sĩ đạo hay Khất sĩ môn, là con đường của chư Phật ba đời, qua bài kinh cúng dường thọ trai của Hệ phái, Tổ sư đã xác định:

Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát.

Kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai.

Hay trong quyển Chơn Lý Đạo Phật Khất Sĩ có đoạn: “Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn, con đường ấy là Khất sĩ. Đạo của chư Phật ba đời là Khất sĩ. Khất sĩ là lẽ thật của chúng sanh, là mục đích của chúng sanh. Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động...

Đạo Phật không phải là Phật học hay Phật pháp, Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên, của Phật dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau; còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật, mà chưa thật hành. Trái lại, đạo Phật là sự thực hành để thành Phật, là sự tu giống như Phật. Con đường ấy là Khất sĩ là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật Y bát chơn truyền vậy”.[7]

“Có thể nói, Khất sĩ là pháp học đạo trực tiếp, thật hành, đi thẳng vào trường đạo, chứ không giam hãm mình vào hình thức, sách vở, lễ nghi, và đủ mọi thứ ràng buộc nghiệp chướng khác. Khất sĩ không có tài sản gì trong tay ngoài y bát chơn truyền, để nhẹ mình lo tu học, không còn vướng bận mọi thứ tham, sân, si. Vì vậy, người tu theo đạo Khất sĩ là đi vào con đường ngắn nhất để đạt đạo, vì cắt đứt mọi duyên ràng buộc vô ích”.

“Ngài Minh Đăng Quang, bằng thực chất, đã sống và hiểu trọn vẹn đời Khất sĩ, và truyền lập Đạo Phật Khất Sĩ tại Việt Nam. Điểm đặc sắc dung hòa được hai tính chất khất. Khất là đi xin để tu, nhưng sĩ là người học, phải hội đủ hai tính chất đó, mới đúng ý nghĩa của đạo. Bằng nếu không học, thì là hành khất, mà nếu sợ xin, vì lòng tự ái (còn sân si), và chỉ lo xây danh vọng, tạo của cải vật chất, bon chen việc trần tục, tạm cho việc đóng cửa an thân trong bốn bức vách tụng kinh an thân là đủ, thì cũng khó mà đi trúng đạo”.[8]

Những điểm đặc sắc của con đường Khất sĩ được nêu trong bộ Chơn Lý :

“Con đường tiến của sống là để đến biết nghỉ yên vĩnh viễn ấy, tức là đạo Phật, là Khất sĩ, và tất cả chúng sanh là đoàn du Tăng Khất sĩ... đúng lý như vậy, ai ai khá hay giác ngộ tự mình đi lấy, chớ nên ỷ lại và nô lệ! Kìa Phật xưa còn bỏ đền vua, bởi lẽ không ta không của ta, chúng ta ngày nay há sao khổ não bởi vô thường rộn nhọc...”.[9]

“Đạo Phật thì không bao giờ mới hay cũ, chẳng bao giờ đổi thay được. Trong đời chỉ có một đạo Niết-bàn do nhờ pháp khất sĩ ấy thôi”[10].

Tại Việt Nam, Phật giáo có tính cách đặc biệt, vị trí và lịch sử đặc thù của Việt Nam nên cả hai thừa: Đại và Tiểu đều có mặt và phát triển gần 20 thế kỷ trên đất nước này. Đức Tổ sư rất am tường về nguyên lý của đạo Phật nên đã mạnh dạn thành lập “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” và lấy tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, xác định đây là con đường tiếp nối hạnh Phật Tăng, Y bát chân truyền Khất sĩ, dung hợp tinh hoa đạo Phật, vạch ra một con đường đi thật sát và đúng với con đường Đức Phật đã bước chân qua. Ngài nhìn thấy đời chỉ là cuộc hành trình để tìm học và hiểu biết, và sự hiểu biết sau cùng chính là Chơn lý.

Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm.

Tất cả giáo lý là để đến với Chơn như.

Tất cả sự học là để đến với Chơn lý [11].

Vậy chúng ta nên học Chơn lý! Chơn lý tức là trường đại học của bậc thượng trí, mà muốn học, ắt chúng ta phải giải thoát những buộc ràng, xa cha mẹ trần gian, thân phải trong sạch, tâm được yên lặng thì trí mới huệ sáng, nghĩa là phải xuất gia giải thoát làm khất sĩ, nhập đạo tràng giáo hội, vừa học vừa tu, học tu tuy cực nhọc hơn buổi ăn chơi, chớ thật trung dung mạnh khỏe và “một kiếp tu hành, ngàn đời rảnh khổ, một thời ngộ đạo, vạn thuở an vui”.

III. KẾT LUẬN

Đoạn cuối của quyển Chơn Lý “Đại Thừa Giáo”, Tổ sư kết luận: “Quyển Đại thừa giáo này có ra, là để chỉ rõ một sự thay đổi của tiếng đạo Phật từ lâu, một tấn tới của trình độ dân tộc, một tiến cấp của trong hàng Phật tử, một vui mừng của đạo Phật, vì chẳng bao lâu nữa, đạo Phật sẽ là đạo Phật, con đường của giác ngộ chúng sanh chung hay là đạo, chớ không còn phải là Đại thừa giáo của xứ Tàu, hay là Nho đạo Khổng Tử, nhân đạo nhỏ hẹp. Việc ấy là một việc tốt đẹp, ngoài ước lượng mà ít ai suy tưởng đến, và khi hiểu biết rõ ra, chắc là ai ai cũng thảy đều vui mừng tán dương ca tụng hết”.

Đó là lời nhận định của Tổ sư về một tương lai xán lạn của Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam, không còn bị ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, mà đúng với bản chất của nó là con đường giác ngộ của muôn loại chúng sanh chung.



[1] Thơ Ni trưởng Huỳnh Liên,

[2] Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, nguyên tác BS Kumira Taiken, dịch giả HT. Thích Quảng Độ.

[3] TS Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Đại thừa giáo”,1993, trang 601.

[4] Lê Trung Trực, Tìm hiểu Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang, 1995, trang 138.

[5] TS. Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Đại thừa giáo”, 1993, trang 596 – 598.

[6] Tập kệ của Hệ phái Khất Sĩ “7 bài kệ Pháp

[7] TS Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, 1993, trang 865.

[8] Lê Trung Trực,Tìm hiểu Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang, 1995, trang 127.

[9] TS. Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, 1993, trang 866.

[10] Sđd, trang 869.

[11] TS. Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Học Chơn Lý”, 1993, trang 281.