Tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang

CHONLYĐức Tổ sư Minh Đăng Quang sinh ra trong thời kỳ Phật giáo đã trải qua trên 2.500 năm từ Ấn Độ truyền sang các nước và phát triển khắp thế giới như ngày hôm nay. Lúc bấy giờ, Phật giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đang có chiều hướng đi xuống, cần phải chấn hưng trở lại. Trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Thượng toạ Mật Thể nhận định rằng Phật giáo suy vi cùng tột cả trong nước lẫn nước ngoài và gần như tuyệt diệt “Phật giáo thời bây giờ gần như cáo chung”. Mặc dù, Phật giáo cũng được sự quan tâm của chính quyền đương thời và dân chúng ủng hộ, cũng tạo dựng chùa to, chuông lớn, Phật lớn, thoạt nhìn giống như là Phật giáo đang hưng thịnh nhưng đó chỉ là hình thức. Các thầy chỉ lo tạo chùa, đắp tượng, lo cúng cấp cầu đảo, quần chúng mê tín, trí hiểu biết Phật lý lu mờ. Trước tình hình đó, nhiều vị Tôn đức phát nguyện chấn hưng đạo Phật. Đức Tổ sư sinh ra trong thời kỳ này nhìn thấy cuộc đời quá nhiều đau thương bi thiết, dân chúng sống trong hoàn cảnh chiến tranh bị Pháp đô hộ, nghèo đói, bệnh tật, thiên tai. Ngài rất hoang mang trước đường hướng tu tập của Tăng chúng. Trong bài kệ “Ánh Sáng”, Ngài bảo:

“Kinh văn rối rắm lạ thường,

Như là đêm tối không tường nông sâu”...

…“Con đường mà Phật ra vào,

Đã chia nhiều nẻo lại bao bóng mờ”.

Khi bắt đầu học đạo, Ngài vân du đó đây đi tìm phương pháp cứu đời. Ngài sang Campuchia tìm cầu đạo pháp nhưng tâm nguyện không thành, nên không lâu sau về lại quê nhà. Sau một thời gian, chí hướng tâm nguyện ban đầu chín muồi, Ngài quyết định rời xa đời sống gia đình qua bên Campuchia tu tập lại. Sự ra đi đó được ghi lại trong quyển Chơn Lý qua bài “Đạo Phật Khất Sĩ” như sau: “Minh Đăng Quang Khất Sĩ xuất gia 1944 tại Vĩnh Long, đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Miên và Việt Nam. Năm 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm. Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Nam Việt thực hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948”. Suốt hai năm chuyên tu và nghiên tầm giáo lý cơ bản của hai truyền thống Nguyên thuỷ ở Campuchia và Đại thừa ở Việt Nam, Ngài rút ra những tinh hoa của đạo Phật phù hợp với đời sống nhân sinh hiện tại, và khai lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” đồng thời nghiêm trì theo Tứ y pháp.

Chúng ta nên biết rằng, giai đoạn 45 năm đầu khi đức Phật còn tại thế và 100 năm sau khi Ngài nhập diệt, Phật pháp vẫn còn giữ nguyên tính chất ban đầu được gọi là Phật giáo Nguyên thủy. Thời kỳ ấy, các tôn giáo trên đất nước này ví như những ngôi sao mờ nhạt trước ánh sáng rực rỡ của mặt trời đạo Phật. Nhưng sau thời kỳ ấy, Phật giáo phân chia thành nhiều trường phái. Phát xuất từ sự kiện các vị Tỳ-kheo trẻ xứ Vajji thấy rằng nếu giữ theo truyền thống cũ, kỷ cương giáo lý của Phật quá nghiêm khắc, giới luật bị gò bó sẽ không đủ khả năng xiển dương Phật pháp, nên chư Tăng ở đây họp bàn sửa đổi giới luật cởi mở hơn. Ngài Da-xá là bậc Trưởng lão A-la-hán kỳ cựu cho đây là điềm báo trước Phật pháp suy đồi, nên Ngài vận động mở đại hội kiết tập kinh điển để xác định giáo pháp chân chánh của Đức Thế Tôn. Đại hội lần này nhìn nhận rằng 10 điều Tăng chúng Vajji đang thực thi là phi Phật thuyết, nhưng do hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ khác thời Phật nên giới luật cần thay đổi cho phù hợp. Từ đó Phật giáo phân chia thành hai nhóm: một nhóm theo tư tưởng của các Trưởng lão gọi là Thượng Tọa Bộ (Theravada), nhóm số đông còn lại thực hành 10 điều phi pháp được gọi là Đại Chúng Bộ.

Sau đó, nhóm Đại Chúng Bộ phân chia thành 9 bộ phái, nhóm Thượng Tọa Bộ chia thành 11 bộ phái, tổng cộng Phật giáo đến giai đoạn sau Phật Niết-bàn khoảng 300 năm đã phân chia thành 20 bộ phái, trong đó có 3 bộ phái nổi bật: Thượng Tọa Bộ theo tư tưởng bảo thủ, Đại Chúng Bộ với tư tưởng cấp tiến và Nhất Thiết Hữu Bộ dung hòa hơn. Do ảnh hưởng chủ quan của các bộ phái mà kinh điển trình bày cũng có sai biệt, từ đó còn phát triển thêm nhiều bộ phái khác.

Trong khoảng thời gian trước và sau 100 năm Tây lịch, Phật giáo phát triển và hình thành nên Phật giáo Đại thừa, và phân chia thành nhiều tông phái. Từ đó đạo Phật được truyền bá đi khắp nơi, hội nhập cùng với tín ngưỡng bản địa, cộng với quan điểm chủ quan của từng vị trụ trì, từng bộ phái nên tư tưởng đạo Phật trở nên hết sức đa dạng. Sau khi GHPGVN thành lập, Trường Cao cấp Phật học khai giảng, khóa I gồm có các Tăng sinh thuộc Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) Campuchia và Kinh, Bắc tông và Khất Sĩ. Có lần đoàn Phật giáo Mông Cổ và Phật giáo Liên Xô đến thăm trường, HT. Minh Châu giới thiệu các sư Nam tông biểu trưng cho Thượng Tọa Bộ, các thầy Bắc tông biểu trưng Đại Chúng Bộ và chư Tăng Khất sĩ biểu trưng Nhất Thiết Hữu Bộ.

Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang nghiên cứu truyền thống Nam truyền ở Campuchia, truyền thống Bắc truyền ở Việt Nam, Ngài đã dung hợp hai truyền thống này giảng giải cho hàng đệ tử, và gom kết những lời giảng lại thành bộ Chơn Lý. Hôm nay, trong khóa Bồi dưỡng trụ trì này, Ban Tổ chức nêu ra chủ đề chánh là “Tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy trong bộ Chơn Lý”, đương nhiên trong bộ Chơn Lý của Đức Tổ sư còn hàm chứa tư tưởng Phật giáo Phát triển, chứ không phải chỉ có tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy. Tổ sư Minh Đăng Quang đã dày công nghiên cứu hai truyền thống rồi thực nghiệm, chứ không chỉ nghiên cứu trên tri thức sách vở. Ngài hành trì giới luật Tăng đồ nhà Phật và đã xác chứng rõ kinh luật nào thuộc về Nguyên thủy hay thuộc hệ Phát triển.

Bộ Chơn Lý có 69 quyển, quyển đầu tiên nói về “Võ trụ quan”. Các bài “Nam và Nữ,Ngũ uẩn”, “Lục căn” liên hệ đến nhân sinh quan và thế giới quan. Hai phạm trù này liên quan mật thiết với nhau: có thế giới ắt có chúng sinh, có chúng sinh ắt có thế giới. Trong Kinh Sở Y Xứ (số 61) thuộc Kinh Tăng Chi Bộ, chương III – Ba pháp, mục VII Phẩm Lớn, Đức Phật nói đến ba chỗ y xứ của ngoại đạo. Ngoại đạo có kiến chấp “Phàm con người cảm thọ gì, hoặc lạc thọ, hoặc khổ thọ, hoặc không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ, hoặc do một tạo hóa tạo ra hoặc do không nhân không duyên”. Đức Phật đã lý luận phân tích chỉ rõ cho họ thấy kiến chấp ấy hoàn toàn không đúng pháp, không đáng tin cậy, bị người trí quở trách. Liền sau đó Ngài thuyết về sáu giới, sáu xúc xứ, 18 ý cận hành, bốn Thánh đế là những pháp chân chánh, không uế nhiễm, không tội lỗi, không ai có thể chỉ trích được. Ngài xác quyết rằng hễ ai chấp thủ vào sáu giới, sáu xúc xứ, vòng vô minh sanh tử luân hồi sẽ quấn chặt và họ chắc chắn phải chịu khổ. Không dừng ở đây, Đức Phật từ bi khai thị con đường để đoạn diệt khổ, đưa người có trí, có thực tập vượt khỏi biển khổ đến cõi an lạc, Niết-bàn.

Chỉ một bài kinh rất ngắn nhưng Đức Phật đã trình bày trọn vẹn Lý duyên sinh. Con người và các pháp trong thế giới được hình thành đều từ Lý duyên sinh. Từ lập thuyết nền tảng đó, người học Phật tự giác tu tập, tin tưởng Lý nhân quả, không tin vào nghi thức cúng cấp, van vái, cầu xin hay cho rằng khổ vui là ngẫu nhiên. Quan niệm của Đức Tổ sư rất đúng với lời Phật dạy trong kinh văn truyền thống Nguyên thuỷ. Trong các bài “Bát chánh đạo”, “Pháp chánh giác”, Đức Tổ sư phân tích giảng giải rất rõ con đường tu tập chân chánh, không thiên lệch vào tà kiến ngoại đạo, mê tín dị đoan.

Khi nghiên cứu ba tác phẩm Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của học giả Kimura Taiken do HT. Thích Quảng Độ dịch, tôi nhận ra rằng trong quyển Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận có nhiều quan điểm trùng khớp với quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang. Dù đàm luận bao nhiêu đi nữa về vũ trụ quan hay nhân sinh quan cũng không ra ngoài 3 chủ đề chính:

1) Phật-đà luận.

2) Giáo lý luận (còn gọi là Chánh pháp luận).

3) Tăng-già luận.

Trong Phật-đà luận, Tổ sư Minh Đăng Quang theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy quan niệm Đức Phật là một con người lịch sử chứ không phải Đức Phật tôn giáo. Nhân cách của Đức Phật thể hiện là một con người siêu xuất nhất trong thế giới chúng sinh, được biết đến qua 10 ân đức: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

- Đức Tổ sư chia sự tiến hóa của chúng sanh thành 13 nấc thang hay 13 cõi, thường được gọi là lục phàm, tứ Thánh, tam Tôn. Trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, 13 cõi được thể hiện qua tháp 13 tầng. Lục phàm gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhơn, thiên nằm trong 3 cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Như vậy, lục phàm, tam giới còn nằm trong thế giới phàm phu, trong đó có con người phàm phu, có chúng sanh ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la; có những chúng sanh nằm trong dục giới thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên; Đức Phật là bậc siêu xuất đã vượt thoát khỏi tam giới. Nói về con người toàn hảo của Đức Phật, Ngài là bậc Thánh đức, siêu nhân cách, vượt lên trên tư cách của một con người phàm phu.

Khi đề cập đến pháp, chúng ta nhận ra các pháp hữu vi, vô vi, thiện pháp, ác pháp đều luôn vận chuyển. Trong Kinh Ví Dụ Tấm Vải (số 7) thuộc Kinh Trung Bộ, Đức Phật tuyên bố pháp Ngài tuyên thuyết như thế này: “Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng đầy đủ văn và nghĩa, thiết thực hiện tại, vượt thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu”. Chữ Hán gọi “khéo thuyết” là “thiện thuyết”, thiện thuyết có sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Sơ thiện nói về Giới, trung thiện nói về Định, hậu thiện nói về Tuệ. Các pháp này là nhân, còn quả là Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Chính những pháp này hình thành thế giới con người có cao có thấp, người có giới hay người không có giới, người có định hay người không có định, người có tuệ hay người không có tuệ, người có giới phàm phu hay giới bậc Thánh, người có định phàm phu hay định bậc Thánh, người có tuệ phàm phu hay tuệ bậc Thánh. Do đó, thế giới được xếp vào hàng phàm phu giới hay Thánh giới, khác nhau chỗ đó.

Tổ sư đi theo quy trình pháp này, tức quan niệm các pháp do duyên sinh chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Do có tu tập hay không tu tập mà chúng sanh bị đọa lạc hay siêu thoát, và các bậc hiền trí đã chú trọng đến vấn đề tu tập để được siêu thoát khỏi thế giới phiền não khổ đau. Tổ sư Minh Đăng Quang đã khuyên chúng ta tu tập Giới Định Tuệ. Ngài khẳng định qua bài “Y Bát Chơn Truyền” rằng: “Người Khất Sĩ chỉ có 3 pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ”. Nhờ tu tập ba pháp học này, chúng ta có thể chuyển hóa đời sống tự thân trở nên cao quý Thánh thiện. Pháp hành Tứ y pháp chính xuất phát từ Phật giáo Nguyên thuỷ và được Đức Tổ sư nghiêm trì, đồng thời khuyến khích chư Tăng Hệ phái giữ gìn hành trì.

Qua quyển Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, tôi thấy đạo Phật không phải là hoàn toàn không ảnh hưởng Bà-la-môn giáo, mà nhất là Bà-la-môn giáo trong thời kỳ canh tân. Thời kỳ đầu của cổ Bà-la-môn giáo rất khác hiện nay. Nhiều đạo sư, hành giả, học giả tri thức không thể chấp nhận một cách thụ động những quy luật nghi thức truyền thống lâu đời, lặp đi lặp lại mãi không thích hợp với cuộc sống quần chúng trong mỗi giai đoạn phát triển tinh thần và vật chất của nhân loại. Vì nguyên nhân này truyền thống Bà-la-môn cũng có nhiều thay đổi, cách tân, điển hình từ tư tưởng tôn giáo của nhóm Lục sư ngoại đạo, sau này phát triển hơn hình thành tư tưởng Áo Nghĩa Thư (Upanishad). Qua nhận xét của học giả Kimura Taiken, giáo pháp của đạo Phật có sự tham cứu, rút tỉa kinh nghiệm từ một số tư tưởng tôn giáo đương thời. Trong Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Phật đề cập đến 62 tà kiến đương thời đều rơi vào thường kiến hoặc đoạn kiến và Ngài khẳng định những luận điểm này không đúng, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy. Đức Phật với trí tuệ viên mãn biết rõ tất cả các pháp nên không chấp trước những sở tri ấy, nội tâm Ngài luôn tịch tịnh, thấy rõ sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết như vậy nên Đức Phật hoàn toàn giải thoát, không có chấp thủ.

Về phương pháp hành trì để thành tựu mục đích tối hậu, Đức Phật dạy cho Tăng chúng hãy thực tập giáo lý Trung đạo. Trong bài pháp đầu tiên thuyết tại Lộc Uyển, Đức Phật đã nhấn mạnh con đường hành trì vượt thoát luân hồi khổ đau phải là con đường Trung đạo. Những ai muốn thành tựu mục đích tối hậu nhất định phải xa lánh hai cực đoan: không hưởng thụ dục lạc, không khổ hạnh ép xác. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thực tập theo lời dạy này của Đức Phật. Tinh thần Trung đạo được Tổ sư phân tích giảng giải rất rõ trong bộ Chơn Lý.Đơn cử trong bài “Thờ phượng”, Tổ bảo thực tập Trung đạo được thể hiện qua những hình thức nghi lễ thờ phượng. Có người thờ phượng rất nhiều, có người không thờ phượng, nên trong truyền thống Khất Sĩ hình thức thờ phượng cần nên đơn giản. Tháp giữa chánh điện duy nhất chỉ thờ Đức Bổn Sư ngồi trên pháp tòa. Đỉnh tháp 13 tầng biểu trưng 13 cấp tiến hóa từ chúng sinh phàm phu đến bậc Phật Chánh Đẳng Giác. Sự thờ phượng trong Đạo Phật Khất Sĩ đơn giản, không tôn trí nhiều hình tượng, chỉ chú trọng Pháp bảo hướng dẫn người tu tập đạt được an lạc, trí tuệ, giải thoát.

Sau khi Tổ vắng bóng, các đệ tử bắt đầu có xu hướng tôn trí thờ hình tượng chư Phật, chư Bồ-tát, Tổ Thầy. Tuy nhiên, điều này cũng không vượt quá lời dạy của Đức Tổ sư. Trong Chơn Lý, Đức Tổ sư có dạy tháp thờ Phật còn có ý nghĩa là vật dụng tháp, kim thân tháp, xá-lợi tháp, pháp tháp,… Sau khi Tổ vắng bóng, ông Năm Lền, Phật tử ở Biên Hòa thờ tượng Phật Bổn sư, Phật Di Lặc và các vị Bồ-tát Địa Tạng, Quán Âm, Đại Thế Chí nên có nhiều ý kiến bàn tán trong một nhóm Phật tử. Đương nhiên, thờ kính ảnh tượng chư Bồ-tát có ý nghĩa thiêng liêng và thiết thực tuỳ theo truyền thống tu tập của các tông môn, giáo phái. Riêng trong Hệ phái Khất Sĩ, Tổ sư không có chủ trương thờ quá nhiều hình tượng đó là tính chất nguyên thủy của Tổ sư, điều này hiện nay chư huynh đệ đi rất xa. Tuy nhiên, tôi nhắc các huynh đệ đừng bao giờ bài xích, đả phá hình thức thờ phượng của các tông phái bạn. Chúng ta có lập trường thờ phượng đơn giản theo đường lối Tổ sư và chú trọng vào công phu tu học giáo pháp. Nếu quá thiên về hình thức, chúng ta chỉ chạy theo tín ngưỡng, không tập trung thực tập, quên mất giáo lý trí huệ. Đó là điều chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Tư tưởng trong bộ Chơn Lý của Đức Tổ sư liên quan đến Phật giáo Nguyên thuỷ ngang qua ba phần luận giải: Phật-đà luận, Chánh pháp luận và Tăng-già luận.

Phần Phật-đà luận trình bày và luận giải các quan điểm, nhận thức về Đức Phật liên quan đến Phật giáo Nguyên thủy, ngang qua 10 ân đức. Chúng ta đặt niềm tin và tôn kính Đức Phật dựa trên 10 ân đức này.

Phần Chánh pháp luận: Căn cứ trên nền tảng Phật học của Phật giáo Nguyên thuỷ gồm ba học Giới Định Tuệ, Tứ Thánh đế, 37 phẩm trợ đạo, Thập nhị nhân duyên, các quả chứng từ Nhập Lưu, Bất Lai, Nhất Lai, A-la-hán, Đức Tổ sư đều giảng giải phân tích chi tiết trong bộ Chơn Lý.

Phần Tăng-già luận: Đức Tổ sư kết tập thành các quyển Pháp học Sa-di 1, 2 và 3, Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni, Bồ-tát giới. Trong phần giới này, có nhiều giới luật Ngài cũng dựa trên căn bản giới luật Phật giáo Nguyên thuỷ.

Phần tu Giới, Đức Tổ sư nhắc lại lời khuyến tu theo Trung đạo của Đức Phật sau khi Ngài chứng quả Giác ngộ: “Hỡi này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan cần phải xa lánh, đó là cực đoan khổ hạnh ép xác và cực đoan hưởng thụ các giác quan, sống xa hoa, hưởng thụ các dục” và Tổ sư hành trì theo con đường này. Ngoài ra, Đức Tổ sư xiển dương lối tu tập Tứ y pháp. Ngài cho rằng Tứ y pháp là Chánh pháp. Tứ y pháp còn là Phật pháp còn, Tứ y pháp mất là Phật pháp mất; cũng như nói giới luật còn thì đạo Phật còn, giới luật mất thì đạo Phật mất. Tổ sư đã kế thừa nếp sống nguyên thủy có từ thời Đức Phật và trình bày chi tiết trong Chơn Lý “Chánh pháp”. Tu tập theo Trung đạo, tránh hai cực đoan, chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi để đạt được Định Huệ. Ngoài nghiêm giữ Cụ túc giới, Đức Tổ sư cũng thực hành nhiều giới có nguồn gốc từ truyền thống Nguyên thủy như giới thu thúc lục căn… Tổ sư có nói trong Tứ hành sự giới rằng:“Giới thanh tịnh nhờ thu thúc lục căn, giới thanh tịnh nhờ sống theo chánh mạng, giới thanh tịnh nhờ quán tưởng trước khi thọ dụng 4 món…” Cũng như truyền thống Nguyên thuỷ, Đức Tổ sư luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của giới chú tâm tỉnh giác, chánh niệm tỉnh giác, đặc biệt trong pháp hành Thập lục hạnh.

Phần tu Định, trong Pháp học Sa-di 2, Đức Tổ sư liệt kê 40 pháp thiền định theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ. Ngoài ra, trong các bài Nhập định, Thần mật,… Đức Tổ sư cũng giảng giải rõ phương pháp và kinh nghiệm thực tập thiền định.

Phần tu Tuệ, Đức Tổ sư tổng hợp cả hai truyền thống Nam truyền, Bắc truyền. Tu theo Thập địa của Bắc truyền, Đức Tổ sư rất quan tâm hành trì và truyền đạt kinh nghiệm pháp tu này cho hàng hậu học.

Tuy nói rằng Phật giáo các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Campuchia, Phật giáo Khmer ở Nam Việt đều là Phật giáo Nam tông, song hình thức thờ phượng và hành trì Tứ y pháp cũng có nhiều điểm khác nhau vì điều kiện khách quan mà phát sinh. Sự tiếp thu về giáo lý Nguyên thuỷ của Tổ sư Minh Đăng Quang ở điểm thực tập pháp căn bản nhưng đơn giản, bình dị. HT. Thích Minh Châu có nói: cái gì mang tính giản dị, đơn giản, cái đó gần Phật giáo Nguyên thủy. Thời kỳ Đức Thế Tôn không có hình thức thờ phượng, các vị Tỳ-kheo đến yết kiến Ngài, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên nghe giáo pháp, hay trình bày sở nghi để Đức Thế Tôn giảng giải phá nghi cho, làm cho ý chí tinh tấn và niềm tin với giáo pháp vững chắc hơn. Thời kỳ Tổ sư có phương tiện đôi chút cho những kẻ sơ cơ mới bước vào đạo. Tuy có hình thức thờ phượng nhưng nhẹ nhàng. Do đó, chúng ta phải biết vừa chừng trong sự tiếp thu đón nhận cái mới và gìn giữ cái cũ. Nếu chúng ta không khéo, cứ tùy thuận theo yêu cầu của tín đồ, rốt cùng bị tín đồ lôi kéo, chứ chúng ta không lôi được tín đồ để giúp họ học hỏi, thấu triệt giáo pháp. Bài học dành cho cưsĩ gồm các kinh tụng, lời kinh đơn giản nhưng ý nghĩa thâm thuý rộng sâu. Chúng ta nên cung kính, tôn trọng, duy trì công lao ân đức của Tổ đã khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ, một truyền thống tu tập chân chánh, giản dị, chuyên tu Giới Định Tuệ. Đây cũng là điểm tương đồng trọng yếu giữa tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy và Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Bốn điểm đặc sắc trong giáo lý Khất Sĩ:

1. Không chen lộn trong đời vì chỗ ở.

2. Giải thoát ăn mặc ở bệnh theo tinh thần Tứ y pháp.

3. Không tiền.

4. Bình đẳng, vô trị.

Bởi vì tất cả người xuất gia đều là người có ý thức giác ngộ; đã ý thức giác ngộ nên phải tôn kính Pháp để hành trì, các vị lãnh đạo chỉ có trách nhiệm nhắc nhở cho chúng ta phải tôn kính Pháp mà thôi.

Trong Kinh Gopaka Moggallana thuộc Kinh Trung Bộ, đại thần Vassakara nước Magadha hỏi Tôn giả Ananda về việc lãnh đạo Tăng đoàn:

- Thưa Tôn giả Ananda, có Tỷ-kheo nào được Tôn giả Gotama sắp đặt: “Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ông, và các ông nay sẽ y chỉ vị này”[1].

Tôn giả Ananda trả lời: “Không”.

Đại thần lại hỏi tiếp:

- Thưa Tôn giả Ananda, có Tỷ-kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ-kheo Trưởng lão sắp đặt: “Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ông, và các ông nay sẽ y chỉ vị này?”[2]

Tôn giả Ananda cũng trả lời: “Không”.

Đặc điểm bình đẳng, vô trị được khẳng định chắc chắn qua đoạn kinh sau:

- “Và như vậy là không có chỗ nương tựa, thưa Tôn giả Ananda, như vậy do nhân gì, (quý vị) có thể hòa hợp?”[3]

- “Này Bà-la-môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi”[4].

Chúng ta đã quy y Phật, quy y Pháp rồi, và tự nguyện lễ kính chư Tôn Giáo phẩm, Giáo thọ sư cầu xin hướng đạo nên phải tôn trọng Pháp bảo này. Pháp là thầy, là đạo sư, là y chỉ sư, hãy sống tôn trọng Pháp. Mỗi khi trong chúng có vị nào vi phạm hoặc tự biết hoặc không tự biết, Tăng chúng có trách nhiệm làm cho vị đó biết và yêu cầu vị đó thực hành theo Pháp. Những vị giác ngộ tu tập đương nhiên rất hoan hỷ đón nhận lời khuyên dạy và thực hành theo Pháp, chịu xử phạt và cố gắng sửa đổi tiến tu.

Hễ gần với tính chất nguyên thủy giản dị, chơn chất, sẽ ít có phiền phức trong chuyện ăn mặc ở bệnh, nhu cầu. Nhờ lối sống kham nhẫn như vậy, chúng ta rất tự tại, an nhiên, “khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, là điềm lành tối thượng”. Đó là phần liên quan đến Giới.

Về phần liên quan đến Định, trong Pháp học Sa-di 2, Đức Tổ sư nêu đầy đủ 40 đề mục thiền định gồm thiền An chỉ (samatha samadhi) là pháp định tâm. Pháp này là điều kiện để chúng ta phát triển thiền quán, đoạn tận các lậu hoặc, chứ thiền định không phải là pháp giải thoát. Tổ sư Minh Đăng Quang kết hợp cả thiền định và thiền quán. Thiền vipassana là thiền tuệ cũng rất phù hợp với quan điểm của Tổ sư. Chữ “vi”trong tiếng Palicó nghĩa là rõ ràng, “passati” là thấy. Vipassana nghĩa là thấy chính xác, thấy rõ ràng, thấy đúng như thật, thấy một cách toàn diện. Đường lối của Tổ chính là chỗ này và Tổ đã thuyết rõ ràng trong bài Nhập địnhSố tức quan. Ngài kết hợp thiền chỉ và thiền quán thay vì Tứ thiền theo kinh văn Nguyên thủy là Tứ thiền Sắc giới và Tứ thiền Vô sắc. Trong ba cõi, hai pháp thiền này đều đưa đến ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Trạng thái ly dục này là hữu lậu, nó có thể mất, dù người đã chứng Tứ thiền, không khéo vẫn bị hoàn tục, kể cả Tứ không thiền. Như vậy, người chứng Tứ thiền Tứ không này phải miên mật an trú trong thiền định hoài, “nếu ai thiền định hoài hoài, ấy là ý mã bị cai trị rồi, bằng ai giải đãi buông trôi, trách sao ý mã chẳng lôi xa đường”.

Chúng ta phải tinh tấn thiền định hoài mới được, nếu thất niệm dể duôi, phóng dật không khéo thì mất thiền, thế nên gọi là hữu lậu. Cho nên, theo kinh điển Pali Nguyên thủy, khi đắc thiền định rồi, chúng ta vẫn không được dừng lại đây. Nếu nói như trong Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây thuộc Kinh Trung Bộ, thiền định mới chỉ là vỏ trong mà thôi. Chúng ta thành tựu giới viên mãn là vỏ ngoài, nhờ giới hỗ trợ chúng ta đắc định, đó là vỏ trong. Giới là phạm hạnh vỏ ngoài, định là phạm hạnh vỏ trong, tuệ chỉ mới là giác cây, tất cả vẫn còn là con đường, là pháp hành trì, chưa phải là đạo quả. Giải thoát, Giải thoát tri kiến mới là cốt lõi của đời sống phạm hạnh.

Nhờ thực hành Giới, Định, Tuệ cũng gọi là đạo lộ, là Bát chánh đạo viên mãn, chúng ta mới thành tựu được Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Cho nên, Định mà Đức Tổ sư trình bày trong Pháp học Sa-di 2 liên quan đến 40 đề mục của thiền định hay trong Chơn Lý “Nhập Định” chính là pháp định tâm. Cũng như các kinh viết tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, pháp này đưa đến định tâm chứ không phải đưa đến tuệ giác. Khi chúng ta định tâm rồi, bấy giờ mới vận dụng định lực để quán chiếu. Như trong các kinh có viết: “Với tâm định tĩnh thuần tịnh, nhu nhuyến, bình thản, vững chắc, dễ sử dụng, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt”, “đây là những lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là sự diệt trừ các lậu hoặc, đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.

Nhờ có trí tuệ, chúng ta nhận chân được chân lý Tứ Thánh đế, nhàm chán, không còn bám víu vào thế giới vô thường dị diệt, khổ, không, vô ngã, và hướng đến Niết-bàn. Bát chánh đạo là con đường dẫn đến Niết-bàn. Giới Định Tuệ là con đường dẫn đến Niết-bàn. Tu tập viên mãn Bát chánh đạo, Giới Định Tuệ, chúng ta đoạn trừ mọi lậu hoặc, đó là trình tự tu tập của Phật giáo Nguyên thủy. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng hành theo trình tự đó, cũng thực hành Giới Định Tuệ. Ngoài ra, đối với năm trạng thái của Sơ thiền – Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, Đức Tổ sư còn có cách giảng giải sáng tạo từ trải nghiệm bản thân. Ngài dạy rằng tầm sát là tìm tòi quán xét, thuộc về vipassana tức thiền tuệ. Tầm tòi quán xét cho thấu chân lý và khi thấu đạt chân lý rồi, mình có niềm vui như người dựng đứng lại cái vật gì bị quăng ngã xuống, như người ở trong bóng tối thấy được ánh sáng, như người đi lạc hướng được chỉ đường. Do tầm sát mình thấu được chơn lý khiến tự tâm hoan hỷ, hạnh phúc, an lạc, và nhờ có tâm an lạc mới đạt được tịnh – định. Trạng thái định này của Tổ sư Minh Đăng Quang là trạng thái định của đạo quả giải thoát chứ không phải trạng thái định của Tứ thiền Tứ không. Trong bộ Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rõ lộ trình tu tập Giới Định Tuệ để đến đạo quả và đạt được trạng thái định sau khi giác ngộ chân lý.

Đức Tổ sư đặc biệt quan tâm đến tinh thần sống chung tu họcphép Tăng chẳng lìa đoàn, nên tập sống chung tu học”. Hình thức tổ chức sinh hoạt của Tổ sư theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, không có tổ chức hành chánh. Ngài luôn luôn khuyên chúng ta, “xuất gia cần phải gia nhập Tăng đoàn”. Thời kỳ Đức Phật xuất hiện, Ngài đản sanh dưới tàng cây Vô Ưu, ngồi thiền đắc đạo bên cội Bồ-đề, giảng kinh thuyết pháp ở Vườn Nai, nhập Niết-bàn dưới hai tàng cây Sa-la. Đầu tiên Tăng đoàn của Đức Phật đi du phương, chưa có trú xứ. Bài pháp đầu tiên Ngài thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như và khai ngộ cho năm vị đều chứng quả A-la-hán. Sau đó Ngài hóa độ Da-xá và 54 người bạn đồng tu cũng chứng quả A-la-hán. Lúc bấy giờ, Đức Phật đã khuyến tấn các đệ tử: “Này các Tỳ-kheo, hãy ra đi mỗi người mỗi phương vì hạnh phúc, an lạc cho đời…”. Thời ấy chư Tăng tu tập và hành đạo thọ thực, nghỉ ngơi, thuyết pháp nơi cội cây, rừng vắng, hang động. Sau này, vua Tần-bà-sa-la cúng dường Tịnh xá Trúc Lâm, cư sĩ Cấp Cô Độc cúng dường Tịnh xá Kỳ Viên. Các Ngài tu tập và hành đạo du phương, ở gốc cây như đường hướng tu tập Đức Tổ sư chỉ dạy trong Chơn Lý vậy. Khi có tịnh xá rồi, các Ngài vẫn không sống đời sống an ổn, hưởng thọ vật chất, sống riêng, sống khỏe, không mưa không gió, các vị luôn thuyên chuyển đó đây vừa tu tập vừa hóa độ chúng sinh, lợi ích cho mình và lợi ích cho người. Lợi ích cho mình là giải thoát chỗ ở, lợi ích cho thiên hạ là du phương giáo hóa, các Ngài không bảo thủ cơ sở vật chất, không vì đệ tử của mình, Phật tử của mình, chùa của mình, mà bám trụ hoài không dám ra đi. Các vị Tỳ-kheo đương thời chỉ mang theo bên mình tam y nhất bát, đồ dùng cá nhân. Y bát đối với người xuất gia như con chim với hai cánh, ngoài ra không sở hữu gì khác.

Thời bây giờ, chư Tăng tu học hành đạo du phương, đổi trụ xứ như ngày xưa cũng khó. Nếu chúng ta tôn kính Tổ và những lời dạy của Ngài, trở lại đời sống tu học nguyên thủy thời kỳ Tổ, làm được việc này chúng ta mới thật sự là y theo giáo pháp của Tổ. Tuy chưa thực hiện được việc này, nhưng ngày nay, nếu Tăng chúng điều mình đi chỗ nào, hãy hoan hỷ đi ngay, không có gì tiếc nuối chỗ đó hay đệ tử ở đó. Tinh thần đời sống hồi xưa đệ tử Tổ là như vậy, đời sống tu học chung, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều hay. Ngay bản thân tôi khi ở bên cạnh tôi có một số Sa-di, Tỳ-kheo trẻ, một số tập sự, sống chung trong hội chúng như vậy tôi học được rất nhiều. Chắc chắn là sự tiến bộ của tôi cũng nhiều hơn khi tôi sống một mình. Điều đó anh em huynh đệ chúng ta cũng hiểu rõ, do đó Tổ là một vị giác ngộ mới có lời khuyên tha thiết đối với chúng ta “cái sống là phải sống chung”. Nhờ có sống chung sự hiểu biết của chúng ta ngày một rộng hơn, tốt hơn, phong phú hơn. Tất cả đều nhờ sự sống chung, học chung. Nếu chúng ta không có sống chung như thế này, chúng ta làm gì có được sự học chung như hôm nay. Và nếu sống và học mà thiếu tu, chúng ta sẽ không có khả năng tiêu diệt phiền não hay nội lực để hóa độ chúng sanh, do đó “cái linh là phải tu chung”. Nếu tu tập theo cách ngược lại, chúng ta khó thành tựu viên mãn mục tiêu lý tưởng đời sống phạm hạnh. Qua nhiều năm tu tập tham khảo giáo lý Nam truyền và Bắc truyền, Đức Tổ sư đã xác định một phương pháp tu tập theo tinh thần Phật giáo thời kỳ Đức Phật, đó là nối truyền Thích-ca Chánh pháp.


[1] Kinh Trung Bộ, tập II, tr.332, Thích Minh Châu dịch, (Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 2012).

[2] Sđd, tr.333.

[3] Sđd, tr.333.

[4] Sđd, tr.333.