Tư tưởng thiền Phật giáo Nguyên thủy trong Chơn lý của Tổ sư

Ngày nay, thiền đã trở thành một pháp hành phổ biến với nhiều người dù là Phật tử hay không phải Phật tử. Tuy nhiên, mục đích hành thiền không giống nhau, có người tập thiền để điều thân dưỡng khí, có người tu thiền để đạt được các năng lực siêu phàm (thần thông), có người hành vì niềm tin tôn giáo…. Đối với đệ tử Phật, hành thiền để thân an, tâm định, để diệt trừ các phiền não, thành tựu Thánh đạo và Thánh quả. Cứu cánh chung của thiền Phật giáo là dứt trừ các nội kết trong tâm, chứng đắc Niết-bàn, nhưng phương pháp hành trì rất đa dạng. Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) có thiền định và thiền quán; Phật giáo Bắc tông (Mahāyāna) thiền công án, t hiền thoại đầu Đặc biệt, tại Việt Nam trong thời cận đại có các trường phái thiền Việt hóa, do các bậc Tổ sư người Việt hành trì và truyền bá. Một trong các trường phái ấy là pháp thiền của Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang truyền dạy trong bộ Chơn lý. Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ giới thiệu sơ lược về bộ Chơn lý, đặc biệt các quyển Nhập định, Số tức quan và phần Định trong Luật nghi Khất sĩ, đồng thời trình bày đại cương tư tưởng thiền Phật giáo Nguyên thủy, để thấy được mối liên hệ giữa thiền Phật giáo Nguyên thủy với pháp hành trì của vị Tổ sư khai sơn Hệ phái Khất sĩ.    

1. Khái quát về bộ Chơn lý

Vào thập niên 40 - 50, bên cạnh hai tông phái Phật giáo đang phổ biến khắp thế giới là Bắc tông và Nam tông, tại miền Nam nước Việt xuất hiện một hệ phái Phật giáo biệt truyền mới mẻ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, một truyền phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, đó là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Ngài đã khéo léo dung hợp tư tưởng giáo lý của hai tông phái Phật giáo, đưa ra con đường Trung đạo, đơn giản thanh bần, giúp mọi tầng lớp xã hội nhận được chân giá trị của đạo Phật. Từ một Du t ăng Khất sĩ với mảnh y vàng, bình bát đất, mỗi sáng mai vào làng khất thực hóa duyên, Ngài đã vân du khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ giáo hóa những người hữu duyên. Theo năm tháng, đoàn Du t ăng Khất sĩ được thành lập hội đủ bốn chúng: Tăng, Ni, nam và nữ cư sĩ. Kể từ ngày xuất gia, khai sơn Hệ phái cho đến ngày Tổ sư ra đi vừa tròn 10 năm (1944 - 1954), khoảng thời gian không phải quá dài nhưng Ngài đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng chư Tôn đức, Tăng Ni và Phật tử Hệ phái Khất sĩ nói riêng, đạo Phật Việt Nam nói chung.

Trong suốt thời gian 10 năm tu tập và hành đạo, Tổ sư đã viết ra bộ Chơn lývới 69 chủ đề khác nhau và tập Bồ-tát giáo gồm 10 chương. Trong hai tác phẩm này, bộ Chơn lý được phổ biến rộng rãi, được chư Tôn đức, Tăng Ni Hệ phái nghiên cứu, hành trì và giảng dạy cho nam nữ Phật tử, được các nhà nghiên cứu, các học giả công nhận là một pho triết lý sâu sắc, phù hợp với nhân sinh quan thời đại. Có thể nói bộ Chơn lý là dấu ấn của quá trình tu học, chứng ngộ và hành đạo của Tổ sư, là tinh hoa trí tuệ, là sự thành tựu vĩ đại của một bậc Đại giác . Cố Hòa thượng Thích Minh Châu đã nói: “Ngài phải là một bậc Thánh mới viết được như thế [1] . Xuyên suốt từ đầu cho đến cuối bộ Chơn lý, những giáo lý cốt yếu của đạo Phật từ căn bản cho đến nâng cao, từ pháp học cho đến pháp hành, được Tổ sư giải thích với những ngôn từ giản dị phù hợp với mọi tầng lớp quần chúng nhân dân.

Mở đầu bộ Chơn lý, Tổ sư trình bày những quan niệm khái quát về nguồn gốc, triết lý về con người và thiên nhiên liên hệ đến giáo lý đạo Phật qua các tiêu đề: Võ trụ quan, Thập nhị nhân duyên, Nam và nữ,… Các tư tưởng, nghiệp (hành động) và nhân quả, được trình bày qua các tiêu đề: Công lý vũ trụ, Tu và nghiệp, Sợ tội lỗi,… Khi đề cập đến đời sống đạo đức hay phương pháp xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội an lành, một thế giới Cực lạc tại nhân gian có các tiêu đề: Trường đạo lý, Nguồn đạo lý, Đời đạo đức… Mối liên hệ giữa các tông phái Phật giáo có: Tông giáo, Đại thừa giáo, đạo Phật… Đặc biệt khi giới thiệu về các pháp môn, các phương pháp tu tập giúp hành giả tự thân chứng ngộ và thành tựu các quả vị, có các tiêu đề: Bát chánh đạo, Nhập định, Số tức quan, v.v… Nói về sự tu tập định, Tổ sư dạy: “Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải, là được kết quả yên vui biết bao nhiêu” [2]. Khi giảng dạy về chánh niệm, Ngài định nghĩa: “Chánh niệm là nhớ chắc các tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã. Ghi nhớ rằng: cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành, những sự ác, các danh từ và các sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã, không tham sân si, dục vọng, luyến ái [3].

Chính từ nội dung sâu sắc, kết hợp với những tư tưởng, triết lý phong phú của bộ Chơn lý mà người đọc cảm nhận được tầm vóc vĩ đại của tác giả. Sau khi Tổ sư vắng bóng, bộ Chơn lý được chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái xem như kim chỉ nam để tu tập, hành trì và giảng dạy cho nam nữ Phật tử.     

2. Thiền Phật giáo Nguyên thủy

Thiền, tiếng Pāli bhāvanā[4] (Saṅskrit dhyāna), là phương pháp tu tập tâm hay rèn luyện tâm, giúp hành giả dứt trừ các phiền não khổ đau, sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại [5]. Thiền không phải chỉ có trong đạo Phật, trước khi Đức Phật xuất hiện ở đời, các tôn giáo khác tại Ấn Độ cũng đã hành trì và truyền dạy pháp hành này. Theo giáo sư Vishwanath và Kasha: “Truyền thống hành thiền, tu tập tâm định có nguồn gốc từ kinh điển Vệ-đà” [6]. Câu chuyện Bồ-tát Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) trong quá trình tầm kiếm chân lý, Ngài đã đến học đạo với hai vị đạo sĩ lừng danh lúc bấy giờ là Āḷāra-Kālāma và Uddaka-Rāmaputta, đã minh chứng điều này; tuy nhiên, lúc ấy chỉ có thiền định. Sau khi Bồ-tát thành tựu Phật quả, Ngài kết hợp những kinh nghiệm tu tập trong suốt quá trình tầm đạo cho đến khi giác ngộ, rồi dạy lại cho chư Tăng đệ tử. Kể từ đó, pháp hành thiền của đạo Phật được truyền dạy một cách hệ thống, chi tiết và hoàn chỉnh, gồm cả hai phương pháp: thiền định và thiền quán. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương Hai pháp, Đức Phật dạy: “Có hai pháp tu tập, này các Tỳ-kheo. Đó là thiền định (thiền chỉ) và thiền quán. Thiền định khi được tu tập, tham ái sẽ đoạn trừ; thiền quán khi được tu tập, vô minh sẽ đoạn tận” [7].Đây chính là hai pháp hành truyền thống của thiền Phật giáo Nguyên thủy từ thời Phật, cho đến nay vẫn tiếp tục hành trì tại các thiền viện theo truyền thống Phật giáo Nam tông.

Thiền định (Samatha-bhāvanā)

Thiền định được định nghĩa là sự tập trung, an tịnh, không giao động, là trạng thái tâm tĩnh lặng, chuyên nhất[8] . Tỳ-kheo Bodhi giải thích: “Thiền định (samatha) là một danh từ kỹ thuật, được định nghĩa là sự nhất tâm, an trụ trong bát định (4 của Sắc giới và 4 của Vô sắc giới) [9] . Phương pháp này được gọi là thiền định vì nó làm cho tâm lắng dịu, thoát khỏi các triền cái và tập trung tâm ý vào đối tượng một cách vững chắc [10]. Nói cách khác, phương pháp này giúp hành giả tập trung ý tưởng vào một đối tượng nào đó và không bị chi phối bởi các đối tượng khác.

Trong Thanh Tịnh Đạo Luận Vi Diệu Pháp[11], các nhà chú giải liệt kê 40 đề mục thiền định. Khi hành trì, hành giả có thể chọn 1 trong 40 đề mục này làm đối tượng tu tập ; mục đích là giúp cho tâm an trụ, cao nhất là chứng đắc các tầng thiền và có được thần thông. Tuy nhiên, Đức Phật không khuyến khích tu định để có thần thông, vì nếu không khéo thần thông sẽ làm cho tâm người chứng đắc trở nên cống cao ngã mạn. Hơn nữa, tâm định chỉ tạm thời làm yếu các triền cái, không đoạn tận hoàn toàn và cũng không thể chứng đắc Niết-bàn, nên định không phải là điểm cuối cùng trong quá trình tu tập. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy: Này Susima, không phải do thiền định mà hành giả thành tựu được đạo và quả giải thoát; chính do thiền quán mà hành giả chứng đắc được đạo và quả giác ngộ [12] .

Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, không thể không có định. Định được xem như nền tảng căn bản để đi vào thiền quán. Ngài Ledi cho rằng: “Nếu không kiểm soát được tâm thì không thể thực hành thiền quán” [13]. Thượng tọa Piyadassi khẳng định: “Tâm định là chìa khóa đưa đến hạnh phúc, là đức tính cao tột nhất đưa đến thành tựu chân lý” [14]. Chỉ có tâm định đi cùng với thiền quán mới có thể đoạn tận các phiền não. Vì lý do này, sau khi thành đạo, Đức Phật đã dạy pháp hành thiền quán, pháp hành có khả năng chặt đứt hoàn toàn các nội kết trong tâm, thành tựu đạo quả giải thoát giác ngộ.

Thiền quán (Vipassanā-bhāvanā)

Thiền quán được định nghĩa là “thấy các pháp như chúng thật sự là” [15]; “thấy các pháp theo nhiều cách khác nhau”, hay “thấy được bản chất thật của các pháp, đó là vô thường, khổ đau và vô ngã” [16]. Thấy ở đây không có nghĩa là thấy bằng mắt thịt mà là thấy bằng tâm, bằng con mắt tuệ thẩm thấu vào các pháp, hiểu được sự vận hành của các pháp trong thân cũng như ngoài thân. Từ điển Pāli - English định nghĩa: “Thiền quán là sự quán sát bên trong, hướng vào bên trong thân và tâm của chúng ta” [17]. Do đây, tuệ quán sanh khởi, hành giả có được sự hiểu biết trọn vẹn đúng pháp, Thanh Tịnh Đạo gọi đó là ‘trí tuệ tuyệt vời’.

Lộ trình tu tập Thiền quán chủ yếu dựa vào bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh[18], và Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta) trong Trung Bộ Kinh[19], ghi nhận bốn đề mục chính: Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời” [20]. Cả hai kinh này được xem là pháp hành quan trọng nhất đưa đến thành tựu đạo và quả giác ngộ, Đức Phật khẳng định: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn” [21]. Bốn pháp duy trì chánh niệm được Đức Thế Tôn phân tích chi tiết: quán niệm thân với 14 cách, quán thọ với 9 dạng, quán tâm với 16 trạng thái, và quán pháp với 5 nhóm. [22].

Không giống như thiền định, trong thiền quán hành giả không cần cột tâm vào một đối tượng duy nhất, tất cả các đối tượng sanh khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý đều là đối tượng của thiền quán. Điều quan trọng trong thiền quán là phải duy trì chánh niệm liên tục, không chỉ trong khi hành thiền mà ngay cả trong những sinh hoạt hàng ngày, khi đi đứng ngồi nằm, khi ăn mặc nói làm, mỗi mỗi hành động đều phải nhận biết. Chính nhờ chánh niệm được duy trì, sát-na định sanh, phiền não chưa sanh không sanh, phiền não đã sanh được đoạn trừ, tâm an trú trong hỷ lạc, từng bước, từng bước hành giả thành tựu được đạo, quả, và Niết-bàn.

3. Thiền Phật giáo Nguyên thủy trong Chơn lý

Hòa thượng Thích Hiển Pháp trong bài tham luận Điểm lại một số nét về sắc thái Phật giáo Nam Bộ nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, đã viết: “Ngài [Tổ sư Minh Đăng quang] tu hạnh Khất sĩ, sống đời du Tăng. Bằng sự thâu hóa và sáng tạo, Ngài đã dung hợp hai hệ tư tưởng Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông để gọi là tông phái thuần Việt như chúng ta đã biết: Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam [23]. Nói về tư tưởng Bắc tông, Tổ sư giới thiệu các tông phái Phật giáo, Bồ-tát hạnh,…; liên hệ đến tư tưởng Nam tông, đặc biệt trên phương diện pháp hành, Tổ sư trình bày 40 đề mục thiền định, phép quán niệm hơi thở, ngoài ra Ngài còn liệt kê các chi thiền, tầng thiền, và giải thích đề mục nào đưa đến thành tựu tầng thiền nào. Những chi tiết này cho thấy, Tổ sư đã nghiên cứu và hành trì thiền Phật giáo Nguyên thủy rất uyên thâm. Xuyên suốt bộ Chơn lý, người đọc có thể thấy rõ Tổ sư nhấn mạnh pháp hành thiền định, lấy định làm nền tảng để vào thiền quán. Phương pháp này gọi là Thiền quán được hành trước bởi thiền định (samathayāna), pháp hành này đã được Đức Phật dạy trong Kinh Sa-môn quả[24] .

3.1. Bốn mươi đề mục Thiền định

Trong phần Định của Luật nghi Khất sĩ, Tổ sư đã liệt kê đầy đủ 40 đề mục thiền định theo tư tưởng Phật giáo Nam truyền, gồm: 10 đề trước mặt (kasiṇa), 10 đề quán tử thi (asubha), 10 đề quán niệm (anussati), 4 đề vô lượng tâm (appamañña), 4 đề vô sắc (arūpa-jhāna), 1 đề bất động (vavatthāna), và 1 đề tưởng (saññā) [25]. Tiếp theo, Tổ sư giới thiệu chi tiết 10 đề trước mặt gồm những đề mục: đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng,… Những đề mục này được gọi là đề trước mặt vì khi hành trì, hành giả dùng hoặc đất, hoặc nước, hoặc lửa… làm đề mục tham thiền và đặt đối tượng đó ngay trước mặt để quán niệm.

Trong Chơn lý Nhập định, Tổ sư không liệt kê 40 đề mục theo chi pháp, nhưng Ngài chỉ rõ cách ứng dụng các đề mục ấy như thế nào trong khi tu tập, Tổ sư dạy: Hoặc tìm xét nơi màu xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, tím, đất, nước, lửa, gió, khoảng trống, cái không, cái có; nơi các tử thi, sự chết, thây ma; hoặc suy ngẫm nơi Phật, Pháp, Tăng, Giới, Định, Huệ, ơn đức của Phật và chư thiên, nơi đức tin, nơi ánh sáng, nơi sự sống,…” [26]. Qua lời dạy của Tổ sư cho thấy, hành giả không cần thiết phải áp dụng tất cả 40 đối tượng trong khi hành, chỉ nên chọn 1 trong 40 đề mục ấy, đề mục nào thích hợp nhất, hoặc màu xanh, đỏ, trắng, vàng,… Các nhà chú giải Nam truyền giải thích, trong số 40 đề mục, một số đề mục phù hợp với người có tính khí này nhưng lại không thích hợp với người có tính khí khác và ngược lại; ví dụ 10 đề quán tử thi và 1 đề niệm 32 thể trược của thân thích hợp với người có tính khí tham ái (rāga-cārita); 4 đề vô lượng tâm và 4 đề trước mặt (xanh, vàng, đỏ, trắng) thích hợp cho những người có tính sân hận (dosa-cārita); quán niệm hơi thở thích hợp cho người không có chánh kiến (moha-cārita),[27]. Giáo sư Peter Harvey cho rằng trong số 40 đối tượng, một số có tính chất đạo đức thích hợp với người có đức tin mạnh như đề niệm Phật, Pháp, Tăng,… một số dùng để đối trị các trạng thái tâm tiêu cực như 10 đề niệm tử thi, 4 đề vô lượng tâm,… [28].

Qua sự trình bày của các nhà chú giải Nam truyền và Chơn lý của Tổ sư, hành giả có thể linh động chọn một đề mục thích hợp với mình để hành trì. Tổ sư khuyến khích: “Khi ta hành đến là sẽ được học lần lần, cũng có pháp cao thấp tùy theo trình độ, nhưng ta có thật hành mới có hiểu và rồi tự mình lựa chọn, chế biến cho hạp vừa. Chớ đối với người đã nhập định vững rồi, thì phép nào, đề mục nào cũng được, cũng y nhau, vốn không cao thấp khác lạ”[29].

3.2. Phép quán niệm hơi thở

Trong Kinh Đại Niệm Xứ thuộc Trường Bộ Kinh và Kinh Niệm Xứ trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật giảng rõ: “Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo đi đến khu rừng, gốc cây, hay ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt; tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”; “cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “an tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “an tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập [30].

Trong quyển Số tức quan, Tổ sư cũng trình bày pháp tu lấy hơi thở làm đề mục, Ngài cho rằng: “Số tức quan là trung đạo, nấc thang của nhập định”, “kết quả của số tức quan là nhập định”[31]. Với những ai mới hành trì tâm còn xao động, Tổ sư dạy cách đếm hơi thở theo từng trình độ khác nhau để kiềm giữ ý giác ở một chỗ hơi thở”; khi tâm định cao thì không cần phải dùng phép đếm nữa, cho đến hơi thở cũng nhẹ như tơ. Tổ sư giải thích: “Những lúc đầu, người chưa được tự nhiên thì hơi thở ấy nó sẽ là bạn thân của người nương tựa, nó cũng như vầng mây dưới chơn để đưa tâm hồn người lên đến cõi tột cao hư vô tự nhiên, khi đến nơi rồi, thì không còn kể đếm bảo giữ vầng mây hơi ấy. Nghĩa là trong lúc mới đầu, tâm còn nặng nề thì nương đó, lâu nhẹ lần là sẽ bỏ luôn” [32].

Điều đáng lưu ý nhất trong pháp niệm hơi thở là giữ thái độ khách quan đối với hơi thở, không cố gắng thở dài hay ngắn, mạnh hay yếu, nhanh hay chậm, nghĩa là hành giả không can thiệp vào hơi thở mà chỉ theo dõi tiến trình chuyển động của hơi thở từ lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt. Tổ sư dạy: Tất cả những phép tu tập hơi thở có khó dễ khác nhau, nhưng chẳng có cách nào qua lẽ tự nhiên bình thường này: là người ta phải đừng cố ý chăm chú vào riêng hơi thở, nhưng người ta lúc nào cũng phải ngăn đón sự thái quá thở mạnh, cùng bất cập thở nhẹ” [33]. Theo tư tưởng của Tổ sư bình thường tâm thị đạo, trong tất cả các phép tu không có phép nào vượt qua lẽ tự nhiên, “tự nhiên chơn như là định, là trung đạo”[34]; và các pháp môn đều là phương tiện. Phép quán niệm hơi thở cũng vậy, vì “hơi thở là một đề mục trong muôn ngàn đề mục thiền định, chớ chẳng phải một môn độc nhất để đến thiền định [35].

3.3. Các chi thiền và tầng thiền

Theo Thanh Tịnh Đạo, Vi Diệu Pháp và các kinh sách thuộc tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy, thiền (jhāna) được trình bày theo các chi thiền (jhānaṅga), gồm có 5 chi thiền, đó là: tầm, sát, hỷ, lạc/xả, và nhất tâm[36]. Trong Chơn lý “Luật nghi Khất sĩ”, cách phân loại của Tổ sư có một chút khác biệt, hai chi thiền tầm và sát được xem là một và là chi thiền đầu tiên trong năm chi, kế đến là hỷ, lạc, tịnh, và định[37].

- Tầm (vitakka) thường được dùng trong nghĩa suy tư hay suy gẫm, trong Bát chánh đạo, tầm được hiểu là chánh tư duy. Tầm có nhiệm vụ ngăn chặn 2 triền cái: hôn trầm và thùy miên.

- Sát (vicāra) là quan sát, dò xét, trong pháp hành, sát có nghĩa là giữ tâm trên đối tượng, an trú trên đối tượng. Sát tạm thời khắc phục triền cái hoài nghi. Hai chi thiền tầm và sát được Tổ sư định nghĩa chung là “tìm xét nghĩa lý[38].

- Hỷ (pīti) là trạng thái tâm hân hoan, thích thú trên đối tượng, ở đây hỷ không phải là một cảm thọ như lạc mà là một tâm sở, tâm sở này đến trước, và khi hỷ xuất hiện, báo hiệu lạc sẽ phát sanh. Hỷ dứt trừ tâm sân.

Nói về hỷ, Tổ sư giải thích:“Trong cảnh tâm định, thường có những sự vui như da nổi ốc, trán mát lạnh như thấy hào quang xẹt, như thấy biển nước trắng xóa phủ chụp xung quanh, như thấy mình nhẹ bay bổng trên không trung…”[39]. Những kinh nghiệm này được các nhà chú giải Nam truyền nói đến với các thuật ngữ như: tiểu hỷ (khuddaka-pīti), sát na hỷ (khaṇika-pīti), hải triều hỷ (okkantika-pīti), khinh thân hỷ (ubbega-pīti), và sung mãn hỷ (pharaṇa pīti)[40].

- Lạc (sukha) là một trạng thái an vui trong tâm, không liên hệ đến thú vui vật chất. Hỷ tạo cho hành giả cảm giác thích thú trong đề mục, lạc giúp hành giả trải nghiệm tự tâm. Nói cách khác, hỷ là cảm giác vui trước khi thưởng thức đối tượng, lạc là cảm giác vui khi đang thưởng thức đối tượng. Lạc khắc chế sự phóng tâm và lo âu.

- Xả (upekkhā) ở đây là một trạng thái cảm thọ cao, chỉ khi đạt đến ngũ thiền mới kinh nghiệm được. Tổ sư khẳng định: “Sau rốt chỉ còn định và xả. Bấy giờ cái học sẽ từ nơi yên lặng mà ra, và từ nơi cảnh ngoài mà đến thêm, thêm mãi, tức là giải thoát đã đến bờ bên kia Niết-bàn, hết luân hồi khổ não[41].

- Nhất tâm (ekaggatā) hay định là trạng thái gom tâm an trụ vào một điểm duy nhất. Tâm sở này có trong tất cả các tầng thiền nhưng đến ngũ thiền thì tâm định mạnh nhất. Trong Bát chánh đạo, nhất tâm được gọi là chánh định. Chi thiền này diệt trừ tâm tham dục.

Năm chi thiền này hoạt động đồng bộ nhau, mỗi chi thiền thực hiện một chức năng tương ứng, chi thiền này không vượt qua chi thiền khác, do vậy mà tâm thiền sanh khởi. Nếu tầm không suy tư và hướng tâm đến đối tượng, sát không trú tâm trên đối tượng, thì sẽ không có hỷ, lạc, tịnh và định hay nhất tâm. Tổ sư chỉ rõ: “Có tầm sát là tầm tòi quán xét thấy rõ lẽ thật, mới có sự vui mừng; có hỷ mừng vì lẽ gặp được đường đi, mới có sự vui; có lạc vui khi đã đi tới trúng đường, không còn khổ não thì thân tâm trí mới trong sạch; có tịnh sạch ý mới yên lặng đứng ngừng, không còn bị lôi cuốn hấp dẫn nên mới định[42]. Cả năm chi thiền này hỗ trợ lẫn nhau, do sự kết hợp của năm chi thiền mà các tầng thiền sanh khởi.

Theo Kinh tạng và Vi Diệu Pháp, các chi thiền được phân loại thành năm nhóm từ thấp đến cao, gọi là năm tầng thiền hay ngũ thiền. Tuy nhiên, trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài Buddhaghosa giải thích hai cách: tứ thiền và ngũ thiền[43]. Chơn lý của Tổ sư chịu ảnh hưởng khá rõ nét từ tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy, nên các tầng thiền cũng được trình bày theo hai cách. Trong quyển “Nhập định”, Tổ sư giải thích bốn loại định (tứ thiền): “Sơ định là tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định; Nhị định là hỷ, lạc, tịnh, định; Tam định là lạc, tịnh, định; và Tứ định là tịnh, định, và sẽ đến định xả, là đắc đạo, đắc chơn ngã, chủ tể, kết quả”[44]. Trong phần Định của Luật nghi Khất sĩ, Ngài lại trình bày năm lớp nhập định (ngũ thiền): (1) Tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định; (2) Hỷ, lạc, tịnh, định; (3) Lạc, tịnh, định; (4) Tịnh, định; và (5) Định[45].

3.4. Đề mục và các tầng thiền tương ứng

Trong phần Định của Luật nghi Khất sĩ, sau khi liệt kê 40 đề mục thiền, Tổ sư đã giải thích một cách rõ ràng đề mục nào sẽ đưa đến tầng thiền nào từ sơ thiền cho đến ngũ thiền. Ngài trình bày có tất cả 30 đề mục có năng lực giúp hành giả đạt đến nhập định, đó là: 10 đề trước mặt và 1 đề niệm hơi thở - 11 đề mục này có thắng lực đem tâm từ sơ định đến ngũ định; 10 đề tử thi và 1 đề hơi thở - 11 đề mục này có thắng lực đem tâm đến sơ định; 1 đề từ, 1 đề bi, và 1 đề hỷ - 3 đề mục có thắng lực đem tâm từ sơ định đến tứ định; 4 đề vô sắc và 1 đề xả - 5 đề mục này có thắng lực đem tâm từ tứ định đến ngũ định[46]. Có tất cả 40 đề mục thiền nhưng ở đây Tổ sư chỉ nói đến 30 đề mục, nếu hành trì một trong 30 đề mục này hành giả có thể thành tựu từ sơ định đến ngũ định, 10 đề mục còn lại Tổ sư không nói đến. Trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài Buddhaghosa giải thích: “Có 10 đề mục chỉ đưa đến cận định (10 đề mục này Tổ sư không nhắc đến), đó là 8 đề quán niệm (trừ niệm thân và niệm hơi thở), quán thức ăn bất tịnh, và phân tích tứ đại; 30 đề mục còn lại đưa đến nhập định[47]. Ba mươi đề mục còn lại mà Ngài Buddhaghosa đề cập đến chính là 30 đề mục mà Tổ sư đã liệt kê - 30 đề mục đưa đến nhập định. Tóm lại, theo Thanh Tịnh ĐạoChơn lý của Tổ sư, trong 40 đề mục thiền, có 30 đề mục an trú vào tâm định hay nhập định (appanā-samadhi) từ sơ thiền đến ngũ thiền, 10 đề mục còn lại chỉ có thể giúp tâm lắng dịu, chỉ là trạng thái cận định (upacāra-samadhi), chưa đi vào nhập định.

4. Giá trị của thiền tập

Mục đích của thiền Phật giáo, dù theo bất kỳ hệ tư tưởng nào, giúp hành giả có được thân thể khỏe mạnh, tâm trí an tịnh sáng suốt; cao hơn là thành tựu các tuệ quán, dứt trừ khổ đau và đạt được sự giác ngộ giải thoát ngay trong hiện tại. Đây là kết quả chân thật có được bằng chính những trải nghiệm cá nhân, thấu hiểu được tiến trình hoạt động của thân và tâm. Thân hành động, tâm nhận biết và do ‘ý muốn làm’ mà thân phải làm việc này, việc nọ. Tiến trình này luôn luôn thay đổi, vận hành theo bản chất tự nhiên chứ không phụ thuộc vào chúng ta nên chúng ta không thể kiểm soát và làm chủ được nó. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là quan sát để hiểu được nó. Khi hiểu được tiến trình hoạt động của thân và tâm, chúng ta sẽ không chấp ngã, sẽ biết suy nghĩ và hành động vì người khác.

Phần lớn những khổ đau, những điều bất như ý xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là do chúng ta dựa trên những phán đoán sai lầm, là vì chúng ta thiếu hiểu biết và cũng không tìm tòi học hỏi để biết được sự thật. Vì thế, một người không hiểu biết sự vận hành của thân, tâm cũng như những sự vật quanh mình, sẽ cảm thấy cuộc sống rất đáng chán, bất an, nhất là dễ bị khủng hoảng tinh thần khi thất vọng hay đối mặt với những nỗi đau buồn. Thiền tập giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ những sự vật quanh mình cũng như bản tính của chúng. Thiền tập giúp chúng ta hiểu được rằng bài học của cuộc sống là học chấp nhận những gì chúng ta không thích ở bản thân chúng ta cũng như ở cuộc sống để có được sự kiên nhẫn và tinh thần khoan dung, và rồi chúng ta sẽ không quá chú trọng và không thấy khó chịu với những điều bất toàn ở bản thân cũng như ở người khác.

Lật lại từng trang Chơn lý, người đọc thấy rõ Tổ sư nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của thiền tập, Ngài dạy ngoài việc tuyệt đối tuân thủ giới luật, người tu cần phải thành tựu định và tuệ, ba pháp này không thể tách rời nhau trong việc hành trì, nếu “không định, không có thần thông quả linh thì con người phải té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy ác tà loạn vọng, chôn nhốt giết hại tâm mình. Cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, không định thì không huệ[48]. Thượng tọa Nyanaponika, một nhà sư người Đức, khẳng định: Bằng cách thực hành thiền, người ta sẽ có được những tài sản cá nhân quý giá đó là sự tự kiểm soát thân và tâm, tài sản quý báu này sẽ không bao giờ bị đánh cắp. Đây chính là sự bảo vệ cao tột nhất mà chúng ta có thể ban tặng cho người, cho đời. Những ai có hành thiền sẽ luôn sống cuộc sống an tịnh, không não hại, không bạo động[49].

Thiền tập được xem như hoạt động tinh thần không thể thiếu đối với mọi người vì thiền chính là nền tảng tạo nên đức tính điềm tĩnh, tự chủ, sáng suốt và lòng thương yêu chân thật; giúp chúng ta chấp nhận một cách tích cực bản thân và xã hội mình đang sống, cố gắng phấn đấu để khắc phục những khó khăn, không chán nản hay thất vọng, không chạy trốn hoàn cảnh một cách tiêu cực. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định hoa trái của thiền tập giúp mọi người có được an lạc và hạnh phúc trọn vẹn.

5. Kết luận

Phát xuất từ quan niệm kế thừa và phát huy tư tưởng của các truyền thống Phật giáo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo vận dụng tinh hoa giáo pháp, dù lúc ấy Kinh Luật Luận còn rất hạn chế và thời gian nghiên cứu, hành đạo của Ngài lại không dài, nhưng Ngài đã để lại cho thế hệ sau một hướng đi, một con đường mà chư Phật, chư vị Thánh Tăng xưa đã đi qua, con đường đưa đến thành tựu đạo nghiệp, hóa độ chúng sanh. Chỉ một bộ Chơn lý nhưng trong đó bao gồm pháp học pháp hành, sự lý viên dung, tánh tướng tương hội của các hệ phái Phật giáo Nguyên thủy và Phát triển. Chính nhờ tinh thần truyền thừa bất diệt của Tổ sư, ngày nay tại Việt Nam có một truyền phái Phật giáo thuần Việt, mang đậm sắc thái Việt, nhưng tư tưởng giáo lý không xa rời những gì Đức Thế Tôn đã truyền dạy trên hai ngàn năm trăm năm qua.

Mười năm hiện thân tu tập và giáo hóa nhân sanh, rồi Tổ sư ra đi biền biệt cho đến ngày nay. Nhân Đại lễ Tưởng niệm 60 năm ngày Tổ sư vắng bóng, người viết là hàng hậu học với tri thức còn non kém nhưng nguyện ước chân thành, lòng luôn canh cánh nỗi niềm tri ân và báo ân các bậc Tổ thầy, thành kính dâng một cánh tâm hoa, tô điểm vườn hoa Phật pháp tại quê nhà, mong cho đạo pháp và dân tộc luôn thủy chung chan hòa, lợi lạc tha nhân.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anguttara-nikāya, Chaṭṭha Saṅgāyanā CD-Rom, Version 4.0, Igatpuri: Vipassanā Research Institute.

2. Dīgha-nikāya, Chaṭṭha Saṅgāyanā CD-Rom, Version 4.0, Igatpuri: Vipassanā Research Institute.

3. Anurudhā, Maha Thera Nārada dịch Pāli sang Anh ngữ, Manual of Abhidhamma, Myanmar: Ti Ni, 1956.

4. Buddhaghosa, Pe Maung Tin dịch Pāli sang Anh ngữ, The Expositor (Atthasālinī), London: Pāḷi Text Society, 1976.

5. Buddhaghosa, Ñāṇamoli dịch Pāli sang Anh ngữ, The Path of Purification, Malaysia: Penang Buddhist Association, 1999.

6. Janakābhivaṁsa, Abhidhamma in Daily Life. Mynistry of Religion, Myanmar, 1999.

7. Kosalla, U Han Htay dịch Pāli sang Anh ngữ, The Treatise on Abhidhamma-sarūpa-dassana, Mynistry of Religion, Myanmar, 1995.

8. Ledi, Paramatthadipanī. Chaṭṭha Saṅgāyanā CD-Rom, Version 4.0, Igatpuri: Vipassanā Research Institute.

9. Ledi, The Manuals of Buddhism. Myanmar: Mother Ayeyarwaddy, 2004.

10. Nandamālābhivaṃsa, Fundamental Abhidhamma, part I, Myanmar: Mahāsubodhayon Monastary, 2006.

11. HT. Thích Giác Toàn, “Tổ Sư Minh Đăng Quang với chí nguyện nối truyền Thích-ca Chánh pháp” (Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh), Nxb. TP. HCM, 2002.

12. HT. Thích Hiển Pháp, “Điểm lại một số nét về sắc thái Phật giáo Nam Bộ nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh” (Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh), Nxb. TP. HCM, 2002.

13. HT. Thích Minh Châu (dịch). Trung Bộ Kinh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992.

14. HT. Thích Minh Châu (dịch). Trường Bộ Kinh. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.

15. Kashi Nath Upadhyaya, Eary Buddhism and the Bhagavadgītā, Delhi: Motilal Banarsidass, 1998.

16. HT. Thích Giác Toàn (chủ biên), Tìm lại nguồn xưa, “Lược sử tưởng niệm Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang”, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2009.

17. Peter Harvey, An Introduction to Buddhism. Cambridge, University of Cambridge, 2000.

18. T.W.Rhys Davids, Pāḷi – English Dictionary, Delhi: Motilal Banarsidass, 1997.

19. Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, Kandy: Buddhist Publication Society, 1993.

20. Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập I, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.

21. Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập III, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.

22. Gunaratana, The Path of Serenity and Insight, An Explanation of the Buddhist Jhānas, Delhi: Motilal Banarsidass, 1985.

23. Nyanaponika, The Vision of Dhamma, Kandy: Buddhist Publication Society, 1994.

24. Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, Kandy: Buddhist Publication Society, 1988.

25. Piyadassi, The Buddha’s Ancient Path, Kandy: Buddhist Publication Society, 1996.

26. U Ko Lay, Guide to Tipiṭaka. Rangoon: Burma Piṭaka Association, 1986.

27. Vishwanath Prasad Varma, Early Buddhism and Its Origins, Delhi: Munshiram Manoharlal, 1973.

 


[1] Theo lời kể của Hòa thượng Thích Giác Toàn.

[2] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Nhập định”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 352.

[3] Sđd, “Bát chánh đạo”, tr. 105.

[4] Jhāna là tiếng Pāli, có nghĩa là ‘thiền’, nhưng thường không được dùng để chỉ cho phương pháp tu tập thiền, mà chỉ cho trạng thái tâm định tĩnh. Ngài Anurudhā, trong quyển A Manual of Abhidhamma định nghĩa “Jhāna (thiền) là trạng thái tâm tập trung hay an trụ vào một đối tượng” (quyển 1, tr. 44). Ngài Buddhaghosa giải thích: “Jhāna (thiền) được gọi như vậy vì nó suy nghĩ một cách khắn khít vào đối tượng hay nó được gọi như vậy là vì nó đốt cháy các trạng thái tâm đối nghịch (phiền não)” ( The Path of Purification, tr. 150). Ngài Ledi cho biết: “Jhāna (thiền) được hiểu là trạng thái tâm quan sát cận hay gần đối tượng” (The Manual of Buddhism, tr. 99). Theo giáo sư Rhys Davids: “Jhāna (thiền) là một danh từ kỹ thuật dùng để chỉ một kinh nghiệm trong quá trình tu tập của các nhà tu hành khi đạt đến một trạng thái tâm an tịnh nào đó (như sơ thiền, nhị thiền, v.v)” ( Pāli-English Dictionary, tr. 286). Như vậy, khi nói đến trạng thái tâm định tĩnh trong thiền thì dùng từ ‘jhāna’, khi đề cập đến pháp hành thì dùng từ ‘bhāvanā’, như Thiền định (Samatha-bhāvanā) và Thiền quán (Vipassanā-bhāvanā).

[5] Buddhaghosa, The Expositor, p. 217-218; Janakabhivasa, Abhidhamma in Daily Life, p. 179; T.W.Rhys Davids, i – English Dictionary, p. 503; Dīgha-nikāya III, p. 213 .

[6] Vishwanath Prasad Varma, Early Buddhism and Its Origins, tr. 48-49; Kashi Nath Upadhyaya, Eary Buddhism and the Bhagavadgītā, p. 61.

[7] Aṅguttara-nikāya, vol. I, p. 61.

[8] Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, p. 36; Denepola Gunaratana, The Path of Serenity and Insight, p. 3

[9]Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, p. 329.

[10] Buddhaghosa, The Expositor, p. 191.

[11] Buddhaghosa, The Path of Purification; Anurudhā, A Manual of Abhidhamma II, p. 109; Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, tr. 330; Kosalla, The Treatise on Abhidhamma-sarūpa-dassana, pp. 224-225.

[12] Samyutta-nikāya XII.70.

[13] Ledi, The Manuals of Buddhism, p. 658.

[14] Piyadassi, The Buddha’s Ancient Path, p. 199.

[15] Paramatthadipanī, p. 415

[16]Anurudhā, A Manual of Abhidhamma I, p. 96; Buddhaghosa, The Expositor, p. 71

[17] T.W.Rhys Davids, i – English Dictionary, p. 627

[18] HT. Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh, số 22.

[19] HT. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh, số 10.

[20] HT. Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh, số 22.

[21] HT. Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh, số 22; Trung Bộ Kinh, số 10.

[22] U Ko Lay, Guide to Tipiṭaka, p. 39.

[23] HT. Thích Hiển Pháp, Điểm lại một số nét về sắc thái Phật giáo Nam Bộ nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, tr. 17.

[24] HT. Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh, số 2.

[25] Buddhaghosa, The Path of Purification, p. 112;

Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, tr. 128.

[26] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I“Nhập định”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 359.

[27] Buddhaghosa, The Path of Purification, tr. 117; Anurudhā, A Manual of Abhidhamma, pp. 230-231; Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, p. 338.

[28] Peter Harvey, An Introduction to Buddhism, p. 247.

[29] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Nhập định”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 359-360.

[30] HT. Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh, số 2.

[31] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập III “Sổ tức quan”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 291-292.

[32] Sđd, tr. 290.

[33] Sđd, tr. 301-302.

[34] Sđd, tr. 302.

[35] Sđd,tr. 301.

[36] Buddhaghosa, The Path of Purification, tr. 86-87; Anurudhā, A Manual of Abhidhamma I, tr. 41; Nandamālābhivasa, Fundamental Abhidhamma, part I, tr. 31

[37] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất sĩ, tr. 131.

[38] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Nhập định”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 360.

[39] Sđd, tr. 361.

[40] Anurudhā, A Manual of Abhidhamma I, tr. 49

[41] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Nhập định”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 360.

[42] Sđd, tr. 347-348

[43] Buddhaghosa, The Path of Purification, tr. 86-87.

[44] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Nhập định”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 361.

[45] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất , tr. 132.

[46] Sđd, tr. 131

[47] Buddhaghosa, The Path of Purification, tr. 113.

[48] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Nhập định” , Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.341.

[49] Nyanaponika, The Vision of Dhamma, p. 327