Tư tưởng Tịnh độ trong "Nghi thức tụng niệm" của Hệ phái Khất sĩ

1. Đặt vấn đề

Trong Hội thảo khoa học “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”, có rất nhiều học giả trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên nhiều bình diện khác nhau sẽ có những nhìn nhận, đánh giá vị trí, vai trò… của Hệ phái Khất sĩ trên bốn chủ đề lớn mà Ban Tổ chức hội thảo nêu ra: Tổ sư Minh Đăng Quang – cuộc đời và đạo nghiệp; Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ “Chơn lý”; Hệ phái Khất sĩ – quá trình hình thành và phát triển; Hệ phái Khất sĩ và sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

9

Ở bài viết này, trong phạm vi nghiên cứu của mình, bước đầu chúng tôi chỉ tìm hiểu tư tưởng Tịnh độ được biểu hiện trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ trên phương diện nghi thức, chính kinh và các bài kệ tụng, nhằm làm rõ phần nào tư tưởng nhập thế của Hệ phái Khất sĩ trong quá trình hình thành và phát triển.

Bản Nghi thức Tụng niệm mà chúng tôi sử dụng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Hệ phái Khất sĩ, do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành PL.2537 – DL. 1993. Bản này ngay ở trang đầu tiên đã nêu rõ ý nghĩa và cách tụng niệm như sau: “Tụng là đọc tụng. Niệm là suy nghĩ, nhớ tưởng. Tụng niệm là miệng đọc tụng tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhứt, chú định vào lời Kinh tiếng Pháp[1].

Nghi thức Tụng niệm, như tên gọi có 5 nghi thức là Nghi thức Cúng dường; Nghi thức Thọ trì; Nghi thức Sám hối; Nghi thức Cầu an; Nghi thức Cầu siêu. Phần chính kinh gồm Kinh cúng Cửu Huyền; Kinh Phổ môn; Kinh Vu-lan bồn; Kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân; Kinh A-di-đà; Bát-nhã-tâm-kinh; Kinh Từ bi; Kinh Vô ngã tướng và phần các bài Kệ tụng. Như vậy, ở đây chúng tôi xin không bàn đến cấu trúc của các nghi thức tụng niệm, hay tên gọi là kinh hay kệ… mà chỉ tập trung tìm hiểu tư tưởng Tịnh độ được biểu hiện trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ như thế nào và tại sao tư tưởng này lại có trong Nghi thức Tụng niệm.

2. Tư tưởng Tịnh độ trong “Nghi thức Tụng niệm” của Hệ phái Khất sĩ

Đặc trưng của đạo Phật nói chung là sự uyển chuyển để thích nghi với môi trường, với phong tục, tập quán của nơi nó truyền đến và do đó, đạo Phật dần dần cũng trở lên đa dạng hơn, phong phú hơn với sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ phái, hệ phái..., thậm chí, ngay trong phương pháp tu hành, đôi khi cũng có sự dị biệt. Điều này dường như không quá quan trọng bởi cốt làm sao dẫn dắt hành giả chứng ngộ được chân lý tối thượng. Tịnh độ tông[2] không ngoại lệ, nhưng “tông” này linh hoạt hơn trong phương thức, đối tượng truyền bá, để rồi nhanh chóng trở thành một tông phái có sự phát triển vượt bậc, phổ rộng ra nhiều nước, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Tịnh độ tông đã có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, nhấn mạnh vào đức tin, sự cứu độ của Phật A-di-đà. Nền tảng giáo lý của Tịnh độ tông gồm bộ ba là Kinh Vô Lượng Thọ (Sa. Sukhāvatī-sūtra), Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Sa. Amitāyurdhyāna-sūtra)Kinh A-di-đà (Sa. Amitābha-sūtra) cùng với một bộ Vãng Sinh Tịnh Độ Luận. Ngoài ra, chúng ta còn thấy tư tưởng Tịnh độ xuất hiện trong các bộ kinh như Hoa Nghiêm[3], Diệu Pháp Liên Hoa[4] với sự xuất hiện hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm; và trong các bộ luận khác, chẳng hạn như Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh[5]. Trong tác phẩm này, Mã Minh đã hết lời ca ngợi pháp môn niệm Phật và chính Ngài cũng phát nguyện vãng sinh Tây phương Cực lạc. Hay những bộ Trung Quán Luận, Thập Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Thừa Phá Hữu Luận của Long Thọ, mặc dù những tác phẩm này triển khai giáo lý Đại thừa, nhưng những vấn đề mà Ngài Long Thọ đề cập bao gồm cả tư tưởng vãng sinh Tịnh độ theo ba khuynh hướng: Tư tưởng vãng sinh về Tịnh độ Đâu-suất của Đức Phật Di-lặc; Tư tưởng vãng sinh về thế giới Diệu Hỷ của Đức Phật A-sơ và tư tưởng vãng sinh về cõi Cực lạc ở phương Tây của Đức Phật A-di-đà. Tuy nhiên, bộ Vãng Sinh Tịnh Độ Luận của Thế Thân được coi là nền tảng lý luận đầu tiên của Tịnh độ tông. Phương pháp tu tập chủ yếu là xưng niệm hay tâm niệm lục tự Di-đà tự với mục đích mong cầu được vãng sinh về cõi Cực lạc.

Nếu như Phật giáo Nguyên thủy, hay một số tông phái thuộc Phật giáo Đại thừa như Thiền tông, Mật tông… chú trọng tự lực, khẳng định tương lai của con người tùy thuộc vào hành vi của chính mình, bằng sự cố gắng nỗ lực của chính bản thân người tu hành, thì Tịnh độ tông thực sự đã đem đến một luồng gió mới với nhận thức mới, quan niệm mới, phương pháp tu tập mới về sự thay đổi, cứu rỗi bằng sức mạnh của người khác, bằng đức tin, sự tôn thờ Phật A-di-đà. Nghĩa là Tịnh độ tông chú trọng đến tha lực, nhờ Phật lực mà đạt quả để được vãng sinh Cực lạc. Do đó, Tịnh độ tông ngay từ khi ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của mọi người, mọi giai tầng trong xã hội, không phân biệt người giàu hay người nghèo, bậc thượng căn hay hạ căn về một đời sống vĩnh cửu.

Tịnh độ được hiểu là một nơi trong sạch hoàn toàn, đầy đủ an vui, ngược lại với những gì gọi là uế độ. Tịnh độ trong Phật giáo còn được hiểu là nơi giáo hóa của một vị Phật nào đó, vì vậy Tịnh độ là cõi có Phật nên cũng được gọi là Phật quốc độ. Trong cõi ấy, mọi người được thấm nhuần trong giáo pháp của Phật để trừ bỏ phiền não và hướng đến giải thoát toàn diện. Trong kinh tạng Phật giáo, Tịnh độ có khi gọi là Phật sát, Phật giới, Phật quốc, Phật độ, có khi gọi là Tịnh sát, Tịnh giới, Tịnh quốc, Tịnh độ. Có thể nói, những đặc điểm của cõi Tịnh độ, theo các kinh Tịnh độ như Kinh A-di-đà, Kinh Vô Lượng Thọ cho biết đó là một thế giới thật lý tưởng tốt đẹp, nơi đó chỉ có sự an lạc mà thôi.

Trở lại vấn đề, tư tưởng Tịnh độ được thể hiện như thế nào trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ? Điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong 5 nghi thức đã nêu thì Nghi thức Cầu an Nghi thức Cầu siêu thiên về Tịnh độ. Chẳng hạn, trong Nghi thức Cầu an, phần 9, Kinh Phổ Nguyện:

Cầu xin cha mẹ sống còn,

Tăng long tuổi thọ hưởng tròn phước duyên.

Và cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ,

Sớm vãng sanh Tịnh độ Tây phương.

Kệ Thái Bình:

Một là cầu nguyện Di-đà,

Cầu cho bá tánh, trẻ già khắp nơi

...

Bốn là nguyện Đức Quán Âm

Độ người oán trọng thù thâm thuận hòa.

Phẩm Phổ Môn (diễn kệ) cũng vậy. Đặc biệt trong Nghi thức Cầu siêu (tại tịnh xá hoặc tư gia), ngay trong phần 5. Kỉnh nguyện và nhất là phần 7, Kinh Cầu siêu:

“Nam-mô Phật tổ Thích-ca,

Tây phương Giáo chủ Di-đà chứng minh…

Lục thân quyến thuộc đồng bằng,

Vãng sanh Tịnh độ siêu thăng liên đài”[6].

Phần 8. Giác linh tống táng:

“Dứt lìa sanh tử đớn đau,

Ở nơi Phật quốc ra vào thảnh thơi…

Nguyện cầu Đức Phật Di-đà,

Từ bi tế độ những là chúng sanh”[7].

Phần 9. Sám phát nguyện:

“Một lòng mỏi mệt không nài,

Cầu về Cực lạc ngồi đài Liên hoa.

Cha lành vốn thiệt Di-đà,

Soi hào quang tịnh chói lòa thân con”[8]

Ở phần chính kinh, phần lớn các kinh có trong Nghi thức Tụng niệm là kinh tạng thuộc Phật giáo Đại thừa, nhưng cũng mang tư tưởng Tịnh độ như Kinh Vu-lan-bồn, Kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân, Kinh (phẩm) Phổ môn[9] và đặc biệt là Kinh A-di-đà[10]. Kinh A-di-đà là một trong ba kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Kinh A-di-đà có nội dung trình bày phương pháp nhất tâm niệm danh hiệu A-di-đà và lúc lâm chung sẽ được Phật A-di-đà tiếp độ về cõi Cực lạc. Kinh này do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết về Y báo và Chánh báo của Đức Phật A-di-đà nơi thế giới Cực lạc ở phương Tây, cách cõi Ta-bà này mười muôn ức cõi Phật. Kinh cũng chỉ bày pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về cõi Cực lạc của Đức Phật A-di-đà. Do vậy, Kinh A-di-đà được coi trọng, đặc biệt là Phật tử và những người mộ Phật. Do đó, Kinh A-di-đà là kinh thông dụng bậc nhất trong Phật giáo Việt Nam.

Trong phần các bài Kệ tụng cũng vậy, tư tưởng Tịnh độ cũng rất đậm nét. Chúng ta có thể thấy, chẳng hạn trong Lễ Cúng dâng y bát:

Xin hồi hướng Cửu Huyền Thất Tổ

Sớm vãng sanh Tịnh độ Tây phương[11].

Những bài kệ 7. Nhớ ơn Phật, 8. Cầu nguyện hòa bình; 9. Thuyền trí tuệ; 10. Chúc mừng Chánh pháp... đều là những cầu nguyện vãng sinh về cõi Tịnh độ: “Lập thành giáo hội đạo tràng / Đắp tô xong xả con đàng Tây phương”; “ Khởi hành từ chốn trần gian / Về nơi Cực lạc, dưỡng an đời đời”; “Du Tăng Khất sĩ ra đời / Chiếc thuyền Giáo hội vớt người trần duyên”; “Trường giáo hội là nơi Cực lạc / Kẻ vãng sanh đã khác người trần”…

Như vậy, hầu hết các phần nghi thức, chính kinh và kệ tụng trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ đều thiên về Tịnh độ. Và đương nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu trên bình diện rộng hơn, chẳng hạn trong bộ Chơn lý của Tôn sư Minh Đăng Quang, tư tưởng Tịnh độ không chỉ biểu hiện riêng trong Nghi thức Tụng niệm mà thôi.

Vậy tư tưởng Tịnh độ biểu hiện như thế nào trong Nghi thức Tụng niệm?

Trên phương diện lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Tịnh độ còn có rất nhiều những biểu hiện khác nhau, và qua từng thời kỳ đều để lại dấu ấn riêng biệt, nhưng cũng thật khó luận giải rõ ràng, bởi chính sự biểu hiện đa dạng, phong phú của nó trong sự giao hòa với Thiền tông và Mật tông. Hơn nữa, Tịnh độ tông chưa bao giờ hình thành một tông phái rõ ràng ở Việt Nam nếu xét trên các tiêu chí như kế đăng, sự truyền thừa, có tổ đình[12]. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, thời kỳ đầu hội nhập, tư tưởng Tịnh độ đã biểu hiện mà trong các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam[13] đã giới thiệu tương đối đầy đủ. Chẳng hạn như PGS. Nguyễn Duy Hinh đã trưng dẫn các tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử, Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội và cho rằng, nội dung bố thí, từ bi, nhẫn nhục tuy là lý luận Đại thừa, thuộc tư tưởng Đại thừa nhưng phần nào đó có tư tưởng Tịnh độ. Và chúng ta còn thấy những sinh hoạt Phật giáo thời kỳ này khá phong phú, ngoài những tư tưởng Phật giáo Đại thừa còn thấy tín ngưỡng Tịnh độ… Tác phẩm Cao Tăng truyện[14] của Huệ Hạo (497 – 554) là một minh chứng rõ ràng về sự xuất hiện Tịnh độ ở Việt Nam, tác phẩm này đã được đề cập đến trong hầu hết các công nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cho đến những thời kỳ sau này, tư tưởng Tịnh độ cũng có những biểu hiện khác nhau trên các bình diện khác nhau. Chẳng hạn vào thời Đinh – Tiền Lê, thời Lý – Trần, ngoài những sử liệu mà các học giả trưng dẫn liên quan đến Thiền tông, Thiền tông kết hợp với tín ngưỡng bản địa, kết hợp với Đạo giáo mang nhiều yếu tố Mật tông còn có những sử liệu được các học giả nghiên cứu và đánh giá thời kỳ này cả chính quyền phong kiến và nhân dân đã đề cao sự cứu vớt của Phật A-di-đà cùng các vị Bồ-tát, đặc biệt là Đức Quan Thế Âm Bồ-tát. Hay trong các công trình của học giả Lê Mạnh Thát, nhất là chuyên khảo Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh đã cho chúng ta thấy một số thiền sư thuộc các thiền phái khác nhau, nhưng lại hành trì theo pháp môn Tịnh độ như Thiền sư Tịnh Lực (1112 - 1175), Thiền sư Trì Bát (1049 – 1117) nhân tưởng niệm Phật A-di-đà ở thế giới Cực lạc, nên dựng một đạo tràng lớn... Vào thời Trần, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử được vua Trần Nhân Tông kiến lập, mang đậm tính dân tộc, dù tư tưởng mang đậm dấu ấn của Mã Tổ Đạo Nhất, nhưng thấm đượm tinh thần khai phóng, phá chấp của Tam giáo, kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa Thiền tông và Tịnh độ, đạo và đời… Từ thời Lê đến thời Nguyễn, tư tưởng Tịnh độ ngày càng biểu hiện rõ rệt hơn, cụ thể hơn, đó là sự xuất hiện Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Thế Âm được bài trí trong Phật điện các ngôi chùa[15]. Cũng ở giai đoạn này, hàng loạt các tác phẩm viết về Tịnh độ, phiên âm và chú giải kinh tạng Tịnh độ, chẳng hạn như Bồ-đề yếu nghĩa của Viên Văn (1590 - 1644), A-di-đà kinh sớ sao của Châu Hoằng được Thiền sư Hương Hải (1628 - 1708) phiên âm dịch nghĩa. Đặc biệt là những tác phẩm Tịnh độ yếu nghĩa, Long thư Tịnh độ văn, Long thư Tịnh độ luận bạt hậu tự của Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726) đã cho thấy các nhà sư không chỉ tu tập mà còn nghiên cứu về Tịnh độ. Nhất là Thiền sư Chân Nguyên, Ngài không chỉ nghiên cứu sâu sắc về Tịnh độ mà còn dựng hẳn một tòa Cửu phẩm Liên hoa vào 1684, thể hiện chín bậc tu hành vãng sinh Tây phương Cực lạc qua nghệ thuật điêu khắc… và đây cũng là những biểu hiện cơ bản của Tịnh độ trong Phật giáo ở miền Bắc. Ở Nam Bộ, Phật giáo phát triển theo sự mở rộng bờ cõi của các chúa Nguyễn, nhưng không phải phát triển đơn tuyến từ Thuận Hóa vào Gia Định mà còn từ nhiều hướng khác nữa… Những diễn biến quá phức tạp dưới thời Lê – Mạc, nội chiến liên miên, sự chuyên quyền của dòng họ Trịnh, nên Đoan quận công Nguyễn Hoàng khi tiếp cận vùng đất mới cũng đồng nghĩa tiếp nhận một nền văn hóa mới, để từ đó ông hiểu rằng hệ tư tưởng Phật giáo mới thích hợp cho việc mở mang sự nghiệp ở nơi đây. Cristophoro Borri[16] đã có những nhận xét khá tinh tế về phong tục của người Đàng Trong thời kỳ này như sau: “Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối, họ coi như bị ràng buộc bởi phép công bằng[17]. Do vậy, Đoan quận công và cả các chúa Nguyễn sau này đã tìm thấy ở đạo Phật một điểm tựa tinh thần để quy hướng nhân tâm và hầu hết các chúa Nguyễn sau này là “những Phật tử mộ đạo, hộ trì cho Phật giáo phát triển ở Đàng Trong. Chăm lo xây dựng, trùng tu chùa chiền, trọng đãi chư Tăng…”[18]. Phật giáo phát triển trong suốt các đời các chúa Nguyễn, có ba dòng thiền chính thay nhau hoằng pháp ở Đàng Trong là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Thiền sư Hương Hải[19] truyền bá; Thiền phái Lâm Tế do Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch truyền từ Trung Quốc vào cuối thế kỷ 17. Tuy nhiên, với việc dựng chùa Thập Tháp Di-đà, dùng đúng tôn hiệu Đức Phật Di-đà thì theo nhận xét của học giả Nguyễn Hiền Đức: “Phái Lâm Tế ở Việt Nam hoàn toàn giống thiền phái Trúc Lâm, pháp môn tu hành không còn thuần túy Thiền tông mà đã phối hợp giữa Thiền tông – Tịnh độ và Mật tông…[20]. Đó là sự nhận xét hoàn toàn có lý, bởi sau khi Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch và các đệ tử xuống vùng Đồng Nai thì thiền phái Tào Động tiếp tục vào Đàng Trong hoằng pháp, nhưng khi nhà Nguyễn thành lập, trải các triều cho đến đầu thế kỷ 20, Phật giáo dần không còn vị trí như trước nữa, và tư tưởng Tịnh độ cũng vì thế mà chiếm một vị trí sâu rộng trong tâm thức dân gian.

Những năm đầu thế kỷ 20, nhất là sau thế chiến thứ nhất (1914 – 1918), các nước tư bản nói chung và thực dân Pháp nói riêng đều lâm vào khủng hoảng. Do vậy, những thuộc địa của Pháp ở Đông Dương trở thành nơi thực thi chính sách khai thác, bóc lột của Pháp dẫn đến sự phân hóa giai cấp, mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam càng trở lên sâu sắc… Phật giáo, một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc cũng trong tình trạng chung bấy giờ, giáo quyền bị thực dân Pháp chà đạp, Tăng-già dần mất vai trò trở nên rời rạc, không còn tổ chức, đa số tăng đồ chỉ chuyên hành trì tín ngưỡng, làm thầy cúng mà lơ là việc học, không lo tu hành nên dẫn đến tình trạng hư nát đạo hạnh. Trước tình hình như vậy, xu thế đòi hỏi phải cải cách chính trị, xã hội rộ khắp nơi như phong trào đấu tranh của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh…

Trên bình diện tôn giáo, với sự xuất hiện hàng loạt các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ, đặc biệt là sự ảnh hưởng, tác động từ phong trào chấn hưng của Phật giáo Châu Á đã tạo động lực để Phật giáo Việt Nam nhìn nhận lại mình để chấn hưng. Đối với vùng đất Nam Bộ, vào giữa năm 1926, Cư sĩ Huỳnh Thái Cửu nhân việc rước chư Tôn túc về nhà cúng dường trai tăng đã mô tả hiện tượng suy đồi của Phật giáo và vạch ra con đường làm “sáng lại chân tinh thần của Phật pháp. Ông kêu gọi chư Hòa thượng hãy mạnh dạn hợp tác lập hội, làm khởi lên phong trào nghiên cứu, chấn chỉnh giềng mối đạo[21]. Mặc dù Hòa thượng Khánh Hòa đã chỉ rõ nguyên nhân đạo Phật suy vi là do Tăng đồ thất học, hủ bại. Ngài cùng với Sa-môn Huệ Quang vạch ra chương trình là lập hội Phật giáo, dịch ba tạng kinh ra chữ quốc ngữ, lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài và xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý nhà Phật, chấn hưng lại nếp sống tu hành, tuy không đạt kết quả, nhưng phần nào gây được ảnh hưởng ở vùng đất Nam Bộ. Bởi sau này, các báo như tờ Đông Pháp thời báo, tờ Khai hóa Nhật báo… đã đăng bài kêu gọi chấn hưng Phật giáo, tạo tiếng vang lớn. Trong các công trình như Đặc điểm và vai trò của Phật giáo thế kỷ 20[22]; Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954)[23] đã cho chúng tôi những điểm nhìn tham chiếu từ Tịnh độ ở miền Bắc trên các chiều cạnh như nguyên nhân, nội dung cơ bản, đặc điểm và vai trò của phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong đó, tư tưởng Tịnh độ đã được phát triển theo lộ trình mới qua việc xuất bản sách báo như tạp chí Viên Âm đã đăng tải những bài thuyết giảng của cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám về Pháp môn Tịnh độ, báo Đuốc Tuệ, báo Phương Tiện đã dành hẳn một chuyên mục “Tôi tu Tịnh độ”, so sánh pháp môn Tịnh độ với các pháp môn khác để thuyết phục mọi người tu hành theo pháp môn này. Như thế, tư tưởng Tịnh độ đã được phát triển phổ khắp và có ảnh hưởng không nhỏ đối với việc hình thành các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20[24]. Và chắc chắn rằng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1925 - 1954 với nhiều “nội dung” chấn hưng khác nhau, trong đó chấn hưng về Tịnh độ, pháp tu Tịnh độ có ảnh hưởng tới Tổ sư Minh Đăng Quang.

Trải qua thời gian tham học, tu tập theo truyền thống Phật giáo Nam tông ở Campuchia rồi trở về Nam Bộ, Tổ sư Minh Đăng Quang tiếp tục tham cứu Phật giáo Bắc truyền cùng nhiều tôn giáo khác để dần hình thành trong tư tưởng một hệ phái mới, phát huy được thế mạnh của hai truyền thống Phật giáo lâu đời ở Việt Nam và phù hợp với tâm thức tôn giáo của người dân Nam Bộ thời bấy giờ để chấn hưng Phật giáo. Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng: “Làm Tăng cho đúng đắn để cứu chữa đạo Phật lại, vừa là để giúp ích cho chúng sanh, lại được tấn hóa cho mình nữa. Hay là tại sao chẳng đi tìm kiếm chơn Tăng, để gom hiệp lại, khuếch trương Tăng bảo, thống nhất Tăng-già, sửa chữa giới luật lại, chớ chia lập chòm nhóm cư gia, ố tăng phá đạo, ích chi như thế? Không lẽ rồi ai cũng tranh nhau phá đạo”[25].

Với tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tôn sư Minh Đăng Quang trong tác phẩm Chơn lý đã lấy Giới – Định – Tuệ đặt lên hàng đầu đối với người tu hành. Và phương châm hành đạo theo Tứ y pháp, Tôn sư cho rằng: “Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý y bát Khất sĩ vậy!… Con đường Khất sĩ đi đến quả Phật, kêu là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Trung đạo ấy là Tứ y pháp. Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì mà bác bỏ đi cho được[26]. Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam[27] được Đức Tôn sư sáng lập mang tinh thần “trung đạo” giữa hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Giáo lý cơ bản của Hệ phái dựa trên nền tảng Kinh – Luật – Luận của hai truyền thống Phật giáo Bắc tông và Nam tông được Tôn sư thuyết giảng và đã được chép trong bộ Chơn lý. Trong đó, Ngài đã giảng nhiều kinh tạng khác nhau của Phật giáo Đại thừa như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm và đặc biệt là giảng về Tây phương Tịnh độ, Kinh A-di-đà, tư tưởng Quán Thế Âm Bồ-tát… Do vậy, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ngày càng có rất nhiều người theo Tôn sư xuất gia và theo Ngài hoằng pháp cùng nhiều Phật tử theo về.

Trên bước đường du hóa, phổ độ chúng sinh “mỗi bước chân là mỗi đóa sen / Sáng ngời chân lý ánh hoa đèn”, bộ Chơn lý, Nghi thức Tụng niệm, chương trình tu học cũng được Đức Tôn sư soạn thảo trong thời gian này nhằm kiện toàn về tổ chức và nâng cao đạo hạnh, kiến thức Phật học cho Tăng chúng trong Hệ phái cũng như chư Phật tử. Tinh thần “nhằm dứt điều ác, làm các điều lành và tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp” là cơ sở nền tảng để các đệ tử sau này hoàn thiện Nghi thức Tụng niệm riêng cho Hệ phái Khất sĩ.

3. Đôi lời tạm kết

Về hình thức, Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ là nghi thức được soạn thảo bằng tiếng Việt theo thể thơ lục bát và song thất lục bát, đơn giản, dễ hiểu và dễ thuộc, so với Nghi thức Phật giáo Nam tông còn nặng về chữ Pali hay Phật giáo Bắc tông nặng về Hán Việt, lại còn quá nhiều nghi thức khác nữa. Thậm chí một số ngôi chùa ở miền Bắc, cũng có những Nghi thức được biên soạn theo tiếng Việt, nhưng mỗi chùa mỗi khác nhau không theo tiêu chuẩn nào. Do vậy, Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ về số lượng ít hơn, lại dùng các thể thơ truyền thống của người Việt diễn dịch chính là ưu điểm lớn, bởi hình thức này khá phù hợp với quần chúng Phật tử ở Nam Bộ.

Về nội dung, qua các nghi thức, chính kinh và kệ tụng, phần lớn nghi thức có nguồn gốc chung từ Phật giáo Bắc tông, nhưng tư tưởng Tịnh độ là nổi bật, sâu đậm nhất, chẳng hạn như Nghi thức Sám hối, Nghi thức Cầu an, Cầu siêu, phần chính kinh và Kệ tụng như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, không vì thế mà Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ không có những đóng góp mới, đó là các nghi thức mới, chẳng hạn như Nghi thức Cúng dường, Nghi thức Cúng Cửu Huyền và nhất là trong phần Kệ tụng, có khá nhiều kệ mới như Kệ Dâng cúng tịnh xá, Kệ Cúng dâng y bát, Kệ Cầu nguyện hòa bình… và tư tưởng Tịnh độ cũng có những ảnh hưởng đậm nét trong các nghi thức, kệ tụng mới này. Có lẽ, đây cũng là xu hướng phát triển và biểu hiện của Tịnh độ trong Phật giáo Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Tôn giáo

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Trung Còn, Lịch sử nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, 2001.

2. Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2012.

3. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam – từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng 8, Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 1973.

4. Hệ phái Khất sĩ, Nghi thức Tụng niệm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012.

5. PGS. Nguyễn Duy Hinh, Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo và Nxb. Từ điển Bách khoa, 2009.

6. Đỗ Quang Hưng (chủ biên), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 2001.

7. Nguyễn Quốc Tuấn, Đặc điểm và vai trò Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2012.

8. Louis Frédéric (Phan Quang Định dịch), Tranh tượng và Thần phổ Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, 2005.

9. Ni trưởng Như Thanh, Thiền tịnh song tu, Nxb. Tôn giáo, PL. 2544 - DL. 2001.

10. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP.HCM, 1999.

11. Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2000.

 


[1] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ, Nghi thức Tụng niệm, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Theo Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ thì tụng niệm có 9 ý nghĩa là: 1. Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao. Tụng niệm lại là cách huân tập tâm thức rất tốt, rất dễ dàng; 2. Tụng niệm để ôn lại những lời Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hằng ngày và gieo giống Bồ-đề giải thoát vào tâm thức. 3. Tụng niệm để kềm chế thân khẩu trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm thích đáng, không cho nói năng, hành động buông lung theo tập quán đê hèn tham dục; 4. Tụng niệm để cầu an, để ngăn dòng tội lỗi, dứt các nghiệp chướng lâu đời, hầu tránh khỏi tai họa do tội lỗi nghiệp chướng gây nên; 5. Tụng niệm để cầu siêu, để chuyển tâm niệm của người khác, khiến họ xa lìa nghiệp cấu ác, rời khỏi cảnh giới tối tăm, siêu sinh về Lạc quốc; 6. Tụng niệm để làm cho Pháp âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người cải tà qui chánh; 7. Tụng niệm để kích thích, nhắc nhở mình và người trên đường làm lành, học đạo; 8. Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho chúng sanh thuần hòa vui vẻ; 9. Tụng niệm để tỏ lòng Sám hối tội lỗi, trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.

[2] Còn gọi là Tịnh thổ tông theo cách gọi của Trung Quốc.

[3] Chúng tôi sử dụng bản dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Hải.

[4] Chúng tôi sử dụng bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

[5] Mã Minh (Sa. Aśvaghosha) hay A-na Bồ-đề (Sa. Ānabodhi) là luận sư Phật giáo Đại thừa, người Ấn Độ, sống giữa thế kỷ 1 và 2. Mã Minh được xem là một trong những luận sư quan trọng nhất của Phật giáo và là Tổ thứ 12 của Thiền tông Ấn Độ. Tác phẩm quan trọng nhất của Mã Minh là bộ Hi khúc Xá-lợi-tử, Phật sở hành tán, Tôn già lợi Nan-đà. Và ông cũng được xem là tác giả của bộ Đại thừa khởi tín luận.

[6] Nghi thức Tụng niệm, Nghi thức Cầu siêu, Kinh Cầu siêu, tr. 78.

[7] Nghi thức Tụng niệm, Nghi thức Cầu siêu, Giác linh tống táng, tr. 85.

[8] Nghi thức Tụng niệm, Nghi thức Cầu siêu, Sám Phát nguyện, tr. 86.

[9] Phẩm Phổ Môn là phẩm thứ 25 trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Sa. Saddharmapuṇḍarīka-sūtra). Kinh này nói gọn là Kinh Pháp Hoa, là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất và được Thiên Thai tông lấy làm giáo pháp căn bản. Kinh này chứa đựng những quan điểm chủ yếu của Đại thừa Phật giáo, đó là giáo pháp về sự chuyển hoá của Phật tính và khả năng giải thoát. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa được Phật giảng trên đỉnh Linh Thứu cho vô số người nghe gồm có nhiều loài khác nhau. Đức Phật chỉ rõ, tuy có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thực tế chúng chỉ là một. Các phương tiện khác nhau như Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa hay Bồ-tát thừa thật ra chỉ khác nhau vì phải cần phù hợp căn cơ của hành giả. Phật chỉ tùy cơ duyên, sử dụng các phương tiện (Sa. upāya) mà nói Tam thừa nhưng thật chất chỉ có Phật thừa (Sa. Buddhayāna) – nó dẫn đến Giác ngộ, bao trùm cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Tịnh độ tông đã lấy phẩm Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa để đề cao hạnh nguyện siêu việt của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, khiến người mới vừa phát tâm liền được thanh tịnh,... thuyết pháp lợi sanh vượt hơn tất cả, từ bi hỷ xả độ chúng hằng sa.

[10] Kinh A-di-đà có tên gọi đầy đủ là Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm kinh. Kinh này được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Nguyên bản tiếng Phạn của kinh này vẫn còn tồn tại và người ta cũng còn tìm thấy những bản dịch Hán ngữ của hai dịch giả lừng danh là Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang.

[11] Nghi thức Tụng niệm “Cúng dường y bát”, tr. 156.

[12] Có thể thấy điều này trong các bộ sách như Lược sử Phật giáo do Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải. Nxb. Tổng Hợp TP HCM; Lịch sử Phật giáo do Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, Nxb. Tổng Hợp TPHCM… cho biết Tông Hiểu (1151 – 1214) đã trước tác bộ Lạc bang văn loại để tuyên dương pháp môn Tịnh độ. Và chính Tông Hiểu là người suy tôn Đông Tấn Lô Sơn Huệ Viễn là vị Tổ đầu tiên của Tịnh độ tông, sau đó, ông còn đề cử năm vị thứ tự là Thiện Đạo, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Tĩnh Thường, Tông Trạch kế đăng, hình thành truyền thừa của Tịnh độ tông. Ngoài ra, còn có thể xem Lịch sử Tịnh độ tông Trung Quốc, Tịnh độ tông Nhật Bản

[13] Chẳng hạn như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội, 1988; Lịch sử đạo Phật Việt Nam của PGS. Nguyễn Duy Hinh, Nxb. Tôn giáo và Nxb. Từ điển Bách Khoa; Lịch sử Phật giáo Việt Nam của GS. Lê Mạnh Thát, Nxb. Thuận Hóa. Huế 1999; Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể, Nxb. Tôn giáo, 2004; Đạo Phật và dòng sử Việt của Đức Nhuận, Nxb. Phương Đông; Một số tôn giáo ở Việt Nam của TS. Nguyễn Thanh Xuân, Nxb. Tôn Giáo và gần đây nhất là cuốn Phật giáo Việt Nam, từ khởi nguyên đến năm 1981 của Bồ đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng, Nxb. Văn Học. Hay các công trình chuyên biệt như: Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, (Viện Triết học); Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Triết học Phật giáo Việt Nam của PGS. Nguyễn Duy Hinh, Nxb. Khoa học Xã hội; Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của GS. Lê Mạnh Thát, Nxb. TP HCM…

[14] Tác phẩm này chép về một nhà sư tên là Đàm Hoằng (? – 455) người Trung Quốc đến nước ta tu học, chuyên tụng Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, lòng nguyện về An dưỡng quốc, tức Tây phương Cực lạc. Như vậy, đã có sở cứ rằng, vào thế kỷ thứ 5, tư tưởng Tịnh độ đã được biết đến ở Việt Nam qua hai trong ba bộ kinh thuộc Tịnh độ.

[15] Có thể tham khảo trong các công trình khác như: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Văn bia thời Mạc của PGS.TS. Đinh Khắc Thuần, Nxb. Khoa học Xã hội và đặc biệt là công trình Một số vấn đề về văn bia Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. Khoa học Xã hội…

[16] Cristophoro Borri người Italia tới Đàng Trong vào thế kỷ XVII.

[17] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Huệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích, Nxb. TP.HCM, tr. 50.

[18] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 1, Nxb. TP.HCM, tr. 21.

[19] Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) từng thi đỗ, làm quan và xuất gia. Ông tuyên truyền tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ông đặc biệt đề cao Phật tại tâm và không nên tìm Phật bên ngoài. Với ông, tìm trâu phải theo dấu chân, học đạo quý ở vô tâm, dấu chân còn thì trâu còn, vô tâm thì đạo dễ tìm.

[20] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 1, Sđd, tr. 92.

[21] Bồ-đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb. Văn Học, tr. 208.

[22] Nguyễn Quốc Tuấn, Đặc điểm và vai trò của Phật giáo thế kỷ 20, Nxb. Từ điển Bách khoa.

[23] Lê Tâm Đắc, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia.

[24] Có thể xem thêm bài “Vài suy nghĩ về tôn giáo ở Nam Bộ thời cận đại” của học giả Đỗ Quang Hưng đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 1 năm 2000; bài viết “ Đôi điều về Tịnh độ cư sỹ Phật hội ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Chơn lý đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 4 năm 2000; bài “Thiền của người Việt ở Nam Bộ hiện nay đa số biến thành Tịnh độ” của tác giả Trần Phước Thuận đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3 năm 2003…

[25] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập II “Tông giáo”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr 98.

[26] Sđd, “Chánh pháp”, tr. 7 và tr. 16.

[27] Sau này đổi tên thành Hệ phái Khất sĩ.