Tu viện 1000 năm tuổi có Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo

 

Tuviện-1000tuổi

Shimla, India - Tu viện Tabo nằm trong thung lũng Spiti đẹp như tranh thuộc bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ thuở xưa là một trú xứ tâm linh và văn hoá Phật giáo nổi tiếng, nay được hồi sinh và sắp hình thành một Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo.

Chính phủ Ấn Độ sẽ cấp 45 crore rupees tương đương khoảng 7 triệu tư đô la mỹ (7.360.310 USD) để hoàn thành dự án xây dựng Viện Nghiên cứu Phật giáo Baudh Darshan tại tu viện Tabo nhằm giữ gìn truyền thống văn hoá Phật giáo vốn hiện diện nơi đây từ rất sớm. Tu viện Tabo được thành lập vào năm 996 toạ lạc ở độ cao 3059m, cách thành phố Shimla khoảng 375km, khi ấy Tabo còn được biết đến là tu viện hang động Phật giáo cổ kính hơn 1000 năm tuổi. Thế nên tu viện còn được mệnh danh là “Ajanta của Himalaya”.

Bộ trưởng Virbhadra Singh, người trực tiếp đề xuất vấn đề này với Cựu Thủ tướng Ấn Độ - Manmohan Singh cho biết Viện Nghiên cứu trong tương lai sẽ giữ trọng trách bảo tồn và quảng bá Phật pháp. Ông còn cho biết khoảng 30 mẫu đất tại vùng Mohal Dhaang Chummi đã được chuẩn y cấp cho dự án thành lập viện. Các giấy phép quyết định cần thiết từ Bộ Tài nguyên đã sẵn sàng thực thi.  

Vùng đất này sẽ sớm được chuyển giao cho Bộ Văn hoá để tiến hành việc xây dựng Viện Nghiên cứu. Toàn bộ chi phí dự án là 45 crore rupees sẽ do chính phủ Ấn Độ tài trợ,” ông Virbhadra Singh nói với IANS. “Viện nghiên cứu không chỉ thu hút các học giả từ Ấn Độ mà còn trên khắp thế giới,” ông Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo khảo cứu của Bộ Khảo cổ Ấn Độ, Tabo là một trong những quần thể tự viện Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ với nhiều hang động và kiến trúc độc đáo đương thời. Hàng ngàn học giả và nhà nghiên cứu Phật học từ khắp nơi trên thế giới rất ngưỡng mộ được một lần chiêm bái nơi này. Có thể nói sau Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng tại Bodhgaya, nơi Đức Phật chứng đắc quả vị Chánh đẳng giác cách đây hơn 2500 năm, Tabo là điểm du lịch tâm linh quan trọng đứng thứ hai của Phật tử và những người yêu mến đạo Phật trong cũng như ngoài Ấn Độ.

Thung lũng Spiti, vùng đất cưu mang tu viện Tabo còn được xem là hoang mạc lạnh giá bởi bao quanh nhiều đỉnh núi tuyết thuộc dãy Himalaya như những chiếc mũ tuyết trắng quanh năm. Thung lũng tiếp giáp với Tây Tạng. Một thế kỷ trước, Rudyard Kipling trong cuốn tiểu thuyết “Kim” đã mô tả Spiti là “một thế giới ẩn trong một thế giới” và là “nơi thần linh ngự trị”, song mọi thứ giờ đây đã thay đổi nhiều.

Đường phố ở đây không thông thương suốt năm vì có hơn bốn tháng trong năm thung lũng Spiti ngập trong tuyết dày, đường xá bị bít lấp, cho đến giữa tháng Tư, khi tuyết tan đường phố mới lưu thông trở lại. Dhankar nằm ở độ cao 3370m, cách thành phố Kaza (trung tâm hành chính của Spiti) 24 km và từ Shimla 320 km là một bảo tàng quan trọng khác lưu giữ nhiều di tích văn hoá Phật giáo cổ. Nó đã từng là lâu đài của tộc người Nono cai trị Spiti.

Key là một ngôi chùa cổ kính hình thành từ nhiều thế kỷ trước cách Kaza khoảng 12 km nằm ở độ cao 4116m. Ngôi chùa này vẫn còn lưu giữ nhiều thangkhas, những bức vẽ Tây Tạng quý giá và nhiều nhạc cụ cổ điển giá trị như kèn trumpet, chũm choẹ và trống. Trong tàng kinh các còn có nhiều bản thảo của những bộ Tangyur.

Gue, một ngôi làng giữa biên giới Ấn Độ - Tây Tạng trong thung lũng Spiti là nơi nổi tiếng được biết đến với nhục thân của một vị Tăng tồn tại hơn 550 năm nay. Cảnh sát vùng biên giới nàyđã phát hiện nhục thân trong một bảo tháp, một trong 8 bảo tháp cổ sau trận động đất mạnh năm 1975. Nhục thân còn nguyên vẹn, cả răng, móng tay và tóc trên hộp sọ vẫn còn.

Đức Đạt-lai Lat-ma, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thường nhắc đến Thánh địa này trong những pháp thoại của Ngài rằng hơn 1000 năm trước, Phật giáo từ Ấn Độ đã du nhập vào Tây Tạng. Phật giáo đã bắt rễ sâu ở Tây Tạng kể từ thế kỷ thứ 7 đến 11, vì vậy đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan của nhân dân Tây Tạng.

Posted in Indo-Asian News Service, September 3, 2014