Tự viện Daigoji – Bảo tàng Quốc gia của Nhật Bản và Phật giáo thế giới

 

Daigoji 1

Tự viện Daigoji cũng còn gọi là chùa Shingon (Đề Hồ tự, 醍 醐 寺) do Thiền sư Rigen Daishi Shobo (832-909) đã khai sơn vào năm 874, được xây dựng trên đỉnh núi Kasatori, thuộc tỉnh Fushimiku, phía Đông Nam Nhật Bản vào triều đại Heian thời kỳ đầu. Vì một cơ duyên đặc biệt, đó là Thiền sư Rigen Daishi Shobo phát hiện nơi đây chính là con suối thượng nguồn và Ngài tin rằng hãy để dòng nước từ điểm thượng nguồn này mang hương vị giải thoát tối hậu của trí tuệ đạo Phật chảy về xuôi cho dân chúng và chúng sinh ân hưởng.

Năm 876, Ngài đã tôn tạo hai hoá thân của đức Bồ-tát Quán Thế Âm là Juntei và Nyoirin. Năm 930, hoàng đế Daigo lâm bệnh và quyết định thoái vị nhường ngôi cho thái tử để đến tự viện ẩn tu. Nhà vua trở thành vị Tăng, pháp hiệu Hokongo và sau đó không lâu, Sư viên tịch khi tuổi đời còn rất trẻ, 46 tuổi. Nhục thân của Sư được trà tỳ tại đây nên cũng từ đó tự viện còn được biết với tên gọi Daigo.

 Daigoji-SamboinDaigoji được chia làm ba khu vực Samboin, Shimo Daigo (phần thấp) và Kami Daigo (phần trên) thấp thoáng giữa núi non hùng vĩ. Mùa thu nơi đây phong cảnh đẹp tựa như trong huyền thoại cổ tích đã thu hút rất nhiều khách du lịch tham quan. Vào thế kỷ thứ 10, dưới sự bảo trợ của hoàng gia, khu vực phía dưới chân núi của tự viện Daigoji được xây dựng. Samboin và Shimo Daigo nằm dưới chân núi nên mọi người còn dễ lên chiêm bái thăm viếng, song Kami Daigo ở tận trên đỉnh núi chót vót, tịch mịch ít người lai vãng.

Tự viện đa sắc màu nghệ thuật trở thành một trung tâm chính của trường phái Phật giáo Shingon bí truyền, một trường phái được Thiền sư Kukai người Nhật Bản tiếp nhận và truyền bá ở Nhật. Buổi đầu trường phái Shingon đã thu hút đông đảo giới quý tộc đến tu học bởi vì trường phái Phật giáo này thực sự đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng trong xã hội. Chư Tăng dòng truyền thừa Shingon đứng ra tổ chức các cuộc lễ đàn tràng hướng dẫn bà con làm các nghi lễ cầu nguyện để đẩy lui kẻ thù, thoát khỏi thiên tai hoạ hoạn, có sức khoẻ sống lâu, và còn làm cho mưa thuận gió hoà.

Trường phái Phật giáo Shingon được thành lập từ hai dòng Hirosawa (có trung tâm chính là Chùa Ninnaji) và Ono (trung tâm chính đặt tại Daigoji). Về sau trường phái dần dần chia thành 6 nhánh nữa, trong đó nhánh lớn nhất có liên hệ mật thiết với tự viện Daigoji và lấy trung tâm chính ở chùa Samboin (được xem là chi nhánh của Daigoji). Nhánh truyền thừa mới này đặt căn bản vào việc hành trì đảnh lễ Đức Phật vị lai – Ngài Miroku Bosatsu (Đức Phật Di Lặc)

 Daigoji-kondoTự viện Daigoji gồm nhiều công trình kiến trúc kỳ vĩ kể cả Kondo (Kim điện) và toà tháp năm tầng lưu trữ nhiều báu vật được xem là Bảo tàng Quốc Gia của đất nước Nhật Bản. Bảo tháp này xây dựng vào năm 951 và được cho rằng đây là công trình lâu đời nhất của Kyoto. Trải qua cuộc chiến tranh Onin khốc liệt vào thế kỷ 15, may mắn thay các công trình kiến trúc trong tự viện vẫn còn nguyên vẹn. Những tác phẩm tranh tường trong tự viện luôn là chủ đề nghiên cứu nghệ thuật của giới học giả trí thức, nghệ nhân trong cũng như ngoài nước. Năm 1960 tự viện đã đón nhận Giải thưởng của Hàn lâm viện Hoàng gia Nhật Bản. Liên Hiệp Quốc cũng công nhận “Những Công trình Lịch sử của Kyoto cổ đại” tại Daigoji là Di sản Văn hoá Thế giới đáng được trân trọng bảo tồn cẩn thận. Daigoji-baotang

Chánh điện Đức Phật Miroku tôn trí tôn tượng Đức Phật Miroku Bosatsu của nghệ nhân Kaikeu dưới triều đại Kamakura (1185-1333). Bàn thờ thiết kế trang trí như Đức Phật đang toạ thị trên thảm cát trắng trong ngôi vườn nhỏ hình bầu. Một cảnh trí thiên nhiên bình dị trang nghiêm như vậy quả là khác xa với bức tượng hiển thị trên màn hình trong triển lãm ở Viện Bảo tàng Quốc gia Nara, nơi những vật thiêng liêng tôn kính trở thành các tác phẩm nghệ thuật.

Tất nhiên, những hiện vật đó giữ vai trò tôn giáo của chúng, ngay cả trong bảo tàng viện, nơi mọi người có dịp viếng thăm đều có thể chiêm ngưỡng và đảnh lễ tụng kinh cầu nguyện. Đặc biệt, vào thế kỷ thứ 10 tôn tượng “Đức Phật Dược Sư Lưu Ly và chư Thiên” ở đây rất được chư Tăng và Phật tử trân quý. Tượng được chạm khắc từ một khối gỗ Nhục đậu khấu, và nghệ thuật chạm khắc trên tượng thể hiện cả một quá trình phát triển nghệ thuật điêu khắc suốt hơn 100 năm. Chiếc y choàng ngoài phủ dài xuống chấm gót chân trái của Đức Phật thuộc nghệ thuật điêu khắc Nara giai đoạn 710-794, trong khi đó nghệ thuật chạm khắc phần đầu tượng thuộc nghệ thuật Heian thời kỳ đầu, giai đoạn 794-1185; đặc trưng của nghệ thuật Heian thường chạm khắc phần đầu và bụng lớn hơn bình thường.

Chính vì ngôi chùa đã hiệu hữu khá lâu nên nó như bộ sưu tập tôn giáo đồ sộ tích luỹ các văn bản kinh điển cổ thiêng liêng, nhiều lăng tháp thờ nhục thân xá lợi, xương cốt chư Tăng, các phù điêu, tranh điêu khắc giá trị là điều tất nhiên. Điều đáng ngạc nhiên ngưỡng mộ đó là con số di sản tàng trữ nơi đây quá nhiều, vượt ngoài sức tưởng tượng như tài liệu lịch sử ở đây là 69.378 bản, vào năm 2013, chính phủ công nhận nơi đây là Kho báu Quốc gia và để công bố những tài liệu vô giá này chính là mục đích của cuộc triển lãm hôm nay. Lần triển lãm này trưng bày 189 hiện vật, 62 tác phẩm lớn được xem là Báu vật Quốc gia và 85 tác phẩm có giá trị thuộc về Di sản Văn hoá Quan trọng.

Phần cuối cùng của triển lãm đặc biệt dành riêng cho việc giới thiệu phương thức thực tập kết hợp khéo léo giữa Phật pháp và những nguyên lý của Đạo gia được các vị Tăng dòng Shugendo ẩn tu hành trì niêm mật. Nhắc đến điều này không chỉ chư Tăng chuyên tu của bổn phái mà Phật giáo Nhật Bản đều tôn kính và tri ân Thiền sư Shobo, vị đã sáng lập pháp tu Tozan của Shugendo.

(Theo Matthew Larking - The Japan Times và Wikipedia)