Tuần lễ đầu của khóa An cư tại Hạ trường Tổ đình TX. Ngọc Viên

Trong tuần lễ đầu, Chư huynh đệ Tăng, Ni hành giả đã tinh cần, tinh tấn nghiêm trì thực hành thời khóa của Ban tổ chức trường hạ. Đối với giờ học giáo lý, hội chúng an cư đã luân phiên trùng tuyên lại những lời dạy của đức Tổ sư qua các bài Chơn lý như: Ngũ Uẩn, Học Để Tu, Đi Học, Khất Sĩ, Tông Giáo, Thờ Phượng, …

Ancu5

Sau khi nghe qua những bài Chơn lý, chư vị hành giả đã lần lượt chia sẻ những cảm xúc của mình. Việc cảm nhận giáo pháp thâm sâu, vi diệu của Phật, Tổ, Thầy có sâu cạn khác nhau là tùy vào nhân duyên tu học của mỗi vị. Có vị nhận ra việc tu học hướng đến viễn ly sầu khổ không ngoài thân năm uẩn này, như: “Ngũ uẩn hay ngũ ấm là năm pháp cái trong võ trụ. Mỗi vật chi trên thế gian này, dầu có hình tướng, dầu không hình tướng đều thuộc về những chi tiết của ngũ uẩn cả.” (Chơn lý số 2: Ngũ Uẩn). Và từ Chơn lý Học Để Tu có vị lại nhận chân được việc học không vẫn chưa đủ mà còn phải nỗ lực tu tập để đạt đến mục tiêu tối hậu của đời sống phạm hạnh, như Ngài A-nan đã tự xét: “Ông A-nan sầu não đau khổ lắm. Ông xét thấy cái nghe cái học của ông vô ích, cái thông minh của ông vô dụng, thế mà nào ông có dè.” (Chơn lý số 42). Còn vị khác xúc cảm được phương pháp học tu cho thấu lẽ đạo thì phải giữ cho tâm thăng bằng, yên tịnh, trong sáng, “Muốn học thì phải để tâm yên lặng, trống không; có tâm không mới nhớ chứa ra hết thảy sự học; có tâm không mới tầm tõi quán xét, tham cứu sưu tìm được; có tâm không mới tỉnh táo sáng láng, học cho mình, dạy cho người, lâu ngày kết quả; nhờ tâm không, tịnh định, có nghỉ yên mỗi lúc, mới giữ được mực trung, do đó sẽ được đến nơi đến chốn, nghỉ ngơi sau khi toàn học.” (Chơn lý số 36: Đi Học). Và qua bài Chơn lý Khất sĩ, các vị thấy được sự thanh cao của người xuất gia là sống thanh bần, xin ăn tu học “Xin vật chất (vạn vật) để nuôi thân, xin tinh thần (các pháp) để nuôi trí.” Cái xin, cái học để đến quả giác ngộ, giải thoát thì mới trọn vẹn là người con Khất sĩ trong giáo pháp Phật đà. Vị khác lại cảm xúc được sự tinh cần, tinh tấn hành trì pháp Phật của chúng Tăng để làm cho bản thân được an lạc, Phật pháp được trường tồn và chúng sanh được lợi lạc, như lời khuyên của Tổ sư trong Chơn lý số 24: Tông Giáo: “Phải chi các sư đời nay chỉ cứ lo tu là tốt hơn, dứt lòng tư kỷ ngã ái, dung hòa hiệp một lại, thành ra mỗi sư đều ăn chay, và có đủ y bát giới luật, thì chắc là chánh pháp của Phật hưng thạnh trở lại; cũng như cái chén bể gắn dính liền, cũng như cái vỏ lớn, cái hột nhỏ, dính hiệp nhau, thì làm sao chẳng có được thịt cơm nơi khoảng giữa, mà thành nên trái giác thơm ngon như vậy.” Có vị cảm xúc được Phật giáo phát triển không phải thờ tượng cốt cho nhiều, và làm nhiều hình thức mê tín là siêu lòng lạc dạ cư gia bá tánh mà việc nghe học Phật pháp để đem đến an lạc, hạnh phúc cho bản thân thì mới phải, “Nhưng điều quí trọng hơn hết của cư sĩ là sự học nghe Pháp bảo.” (Chơn lý số 51: Thờ Phượng). Và còn rất nhiều cảm xúc của chư vị hành giả qua những bài Chơn lý, nhưng các vị có một điểm chung là nguyện nỗ lực tu trì cho thấu rõ chơn tâm bổn tánh.

Trong buổi chia sẻ những dòng tâm tư cảm xúc, Đại đức Giác Cương đã chủ trì và hướng dẫn thêm cho Tăng Ni hành giả hiểu sâu sắc hơn về những ý pháp mà đức Tổ sư đã dạy, khiến cho đại chúng đều hoan hỷ.

Ancu1

Ancu2

Ancu4

Ancu6

Ancu7

Ancu8

Ancu9

Ancu10

Ancu11

Ancu12